Thực Hành Quán Thế Âm

25 Tháng Tám 201612:41(Xem: 5889)

THỰC HÀNH QUÁN THẾ ÂM
CHỈ DẪN CỐT TỦY CỦA KYABJE YANGTHANG RINPOCHE  
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.


Đức Quán Thế Âm Bồ TátTinh túy tâm của tất thảy chư Phật và Bồ Tát là Bồ đề tâm, tâm giác ngộ. Khi Bồ đề tâm này mang một hình tướng, nó xuất hiện dưới dạng Đức Quán Thế Âm Chenrezig (Avalokiteshvara).

Bất cứ khi nào chúng ta thực hành Quán Thế Âm, khía cạnh quan trọng nhất của pháp tu này là sự sinh khởi và phát triển Bồ đề tâm, lòng bi mẫn mà Đức Quán Thế Âm dành cho mọi hữu tình chúng sinh. Vì thế, nếu chúng ta cũng phát khởi được lòng bi mẫn, tâm giác ngộ giống như vậy, thật dễ dàng để chúng ta thành tựu Quán Thế Âm bởi tinh túy của Ngài chính là Bồ đề tâm. Bởi thế, ân phước gia trì và những kết quả sẽ rất nhanh chóng.

Quán Thế Âm có nhiều hóa thân và danh hiệu khác nhau, nhưng về cơ bản các vị đều có cùng một bản chất, đó là Bồ đề tâm, bản tính tâm của tất thảy chư Phật. Ngài xuất hiện trong hình tướng tức tai, hình tướng tăng ích và hình tướng phẫn nộ. Ngài mang những màu sắc khác nhau – đôi lúc màu trắng, đôi lúc màu đỏ. Đôi khi, Ngài xuất hiện với một nghìn mắt và nghìn tay, lúc khác lại một đầu và bốn tay, hay một đầu và hai tay, và thường cầm các pháp khí khác nhau. Ngài thường được nhắc đến là “Thugje Chenpo”, tức “Đấng Đại Bi”. Ngài mang danh hiệu này bởi Ngài là sức mạnh bi mẫn của tất cả chư Phật và Bồ Tát, hiện thân về sức mạnh của lòng bi đó. Ngài cũng được gọi là “Chenrezig”, tức “Bậc Nhìn Mọi Hữu Tình Chúng Sinh Một Cách Bình Đẳng và Đồng Thời, và Luôn Nhớ Nghĩ Đến Họ và Biết Nhu Cầu Của Họ”.

Yangthang Rinpoche
Yangthang Rinpoche

Sự quan tâm của Ngài dành cho hữu tình chúng sinh là tràn khắp và liên tục. Ngài cũng thường được nhắc đến là “Jigten Wangchuk” bởi, Ngài sẽ xuất hiện theo bất kỳ cách nào và bằng mọi cách cho tới khi tam giới của luân hồi hoàn toàn trống rỗng. Ngài sẽ hóa hiện trọn vẹn và tràn khắp để kết nối và giải thoát hữu tình chúng sinh khắp tam giới. Vì vậy, Ngài được gọi là “Đấng Có Sức Mạnh Làm Chủ Thế Gian”. Những danh hiệu khác nhau này đều để chỉ một vị Bổn tôn – Đức Quán Thế Âm. Đó là những danh hiệu khác nhau dành cho các hóa hiện khác nhau nhưng có cùng bản chất.

Từ quan điểm của Ba Thân, về bản tính Pháp thân, Đức Quán Thế Âm là Phật Vô Lượng Quang, về Báo thân, Ngài là Nam Nang Den So, và Hóa thân, Ngài là Quán Thế Âm Chenrezig, vị xuất hiện cả hiền hòa và phẫn nộ. Trong hình tướng hiền hòa, Ngài xuất hiện với nghìn mắt và nghìn tay, hoặc một đầu bốn tay. Trong hình tướng phẫn nộ, Ngài trở thành Mã Đầu Minh Vương Hayagriva. Hình tướng phẫn nộ đơn giản là sự hiển bày mạnh mẽ của lòng bi mẫn lớn lao, điều cần thiết để điều phục tâm thức của chúng sinh, những kẻ không thể điều phục nhờ phương pháp an bình. Mã Đầu Minh Vương cũng xuất hiện dưới nhiều hóa hiện, đôi lúc có chín đầu và mười tám tay, ba đầu và sáu tay, một đầu hai tay, lúc màu đỏ, lúc màu đen. Khi Quán Thế Âm xuất hiện dưới dạng Hộ Pháp Dharmapala, Ngài là Hộ Pháp trí tuệ nguyên sơ Mahakala sáu tay. Khi hiển bày là một Bổn tôn tài bảo, Ngài trở thành Đức Dzambhala trắng.

Tất cả những hiển bày khác nhau này chỉ là các phương pháp khác nhau mà lòng bi mẫn hiển bày để đáp ứng nhu cầu và mục đích của mọi hữu tình chúng sinh. Và bởi vô số chúng sinh đều rất khác biệt, vô số phương pháp là điều cần thiết. Thực sự, có nhiều phương pháp đến mức nếu thầy giải thích chúng, chúng ta sẽ hết thời gian trước khi thầy có thể kết thúc và các con đều sẽ trở nên chán nản. Nói ngắn gọn, số lượng các hóa hiện của vị Bổn tôn này là không thể nghĩ bàn, thế nhưng đó chẳng là gì khác ngoài tâm đại bi, sự hiển bày của Bồ đề tâm vĩ đại.

Vì thế, chúng ta có thể nói rằng, thay vì thành tựu bất kỳ Bổn tôn nào khác, thành tựu Quán Thế Âm là đủ, bởi Ngài là tinh túy tâm của tất thảy chư Phật và như thế là tinh túy của tất thảy chư Bổn tôn. Hơn thế nữa, Quán Thế Âm khá dễ dàng thành tựu. Chúng ta biết rằng nếu một người thực hành Quán Thế Âm một cách tốt đẹp trong sáu tháng không gián đoạn, anh ta chắc chắn sẽ có dấu hiệu thành tựu. Không thể nào không có dấu hiệu thành tựu. Điều này nghĩa là anh ta sẽ có linh kiến trực tiếp về Đức Quán Thế Âm hay vài dấu hiệu khác. Cũng thật dễ dàng khi trì tụng Minh chú OM MANI PEME HUNG. Nó đến khá tự nhiên với mọi người. Phật Thích Ca Mâu Ni nói rằng, trong tất cả các pháp trì tụng khác nhau, chẳng có lợi lạc nào lớn hơn việc trì tụng Minh chú Mani – OM MANI PEME HUNG. Trong tất cả các thực hành dựa trên sự trì tụng, đây là pháp tu mạnh mẽ nhất, lợi lạc nhất.

Để hoàn thành một Bổn tôn thiền định khác, chúng ta phải biết cách thực hành các giai đoạn phát triển và hoàn thiện, chúng ta phải biết cách cử hành nghi quỹ một cách chính xác, chúng ta phải biết cách mà thực hành được sắp đặt, chúng ta phải biết cách kiến lập Mandala và chúng ta phải biết nhiều thứ khác, điều thực sự khác khó khăn và phức tạp – chỉ để thành tựu Bổn tôn. Nhưng thành tựu Quán Thế Âm khá khác bởi những điều này là không cần thiết.

Có một vị Lama ở miền Đông Tây Tạng, thường được gọi là “Mani Lama” bởi ông ấy chỉ thực hành Quán Thế Âm. Ông ấy nói rằng thậm chí khi một người đang trải qua sự ham muốn hay bất cứ độc nào khác, chẳng hạn đố kỵ hoặc thù hận, khi tiêu cực khởi lên trong tâm, họ vẫn có thể thực hành Quán Thế Âm và trì tụng OM MANI PEME HUNG. Nói cách khác, họ không cần phải gạt sang một bên việc thực hành hay chuyển hóa độc hoặc làm gì khác, vì pháp tu tự thân đã tiêu trừ các cảm xúc phiền não. Điều này là bởi sáu âm của Minh chú Mani có sức mạnh diêt trừ sáu cảm xúc phiền não, gồm có vô minh, kiêu mạn, thù hận, bám luyến, đố kỵ và tham lam. Sáu âm này cũng có sức mạnh để đóng lại cánh cửa tái sinh vào sáu cõi luân hồi bởi một chúng sinh trong sáu cõi, không ngoại lệ, đều có trong thân thể sáu âm tiết tương ứng với sự tái sinh trong sáu cõi. Nguyên nhân của việc lang thang trong luân hồi là vì điều kiện hiện hữu của sáu âm này.

Khi con trì tụng OM MANI PEME HUNG, sáu âm của Đức Quán Thế Âm, điều quan trọng là hiểu rằng chúng có sức mạnh điều phục và đẩy lùi sáu âm luân hồi bình phàm, nhờ đó chặn hay đóng lại cánh cửa tái sinh vào sáu loài chúng sinh. Đó là sức mạnh đặc biệt của Minh chú Mani. Thêm nữa, trong chính đời này, đơn giản trì tụng OM MANI PEME HUNG sẽ xua tan bệnh tật, ốm đau và các thế lực ma quỷ. Các con sẽ trở nên hạnh phúc, an lạc và đầy đủ. Trì tụng câu chú này sẽ tăng cường sức mạnh thiền định và con sẽ phát triển những cấp độ thiền định sâu sắc hơn trong đời này, thứ sẽ tiếp tục trong nhiều đời tương lai. Lúc chết, các con sẽ không sinh vào ba đọa xứ mà vãng sinh về Dewachen – Tây Phương Cực Lạc hay trong chính cõi Tịnh Độ của Đức Quán Thế Âm – Riwo Potala, và ở đó, con sẽ dần dần đạt đến Phật quả. Cho tới lúc đó, ân phước gia trì và sức mạnh của thực hành sẽ không cạn kiệt; nó sẽ tiếp tục tạo ra kết quả giác ngộ.

Quán Thế Âm thực sự không giống các Bổn tôn khác. Nhiều người thích các Bổn tôn phẫn nộ, chẳng hạn Phổ Ba Kim Cương, Mã Đầu Minh Vương, Guru Drakpo hay tương tự, và muốn thành tựu các pháp này, nhưng nếu họ không biết rõ và chính xác cách thực hành giai đoạn phát triển và hoàn thiện của các pháp tu Mật thừa cấp nội về chư Bổn tôn phẫn nộ, rất khó để thành tựu. Tuy nhiên, Quán Thế Âm thì dễ dàng hơn và Minh chú Mani cũng rất dễ trì tụng. Vì vậy, hãy nhớ điều này trong tâm.

Có nhiều người nghĩ rằng thực hành Quán Thế Âm và Minh chú Mani chỉ dành cho đại chúng, người già và trẻ nhỏ, chứ không dành cho những hành giả và học giả đích thực. Thái độ này là bởi sự vô minh; nó hoàn toàn sai lầm. Thực sự, trong tất cả các Bổn tôn, Quán Thế Âm là Bổn tôn chính yếu và quan trọng nhất. Điều này đúng với ngày nay và cả trong quá khứ, trong thời đại của các học giả và đại thành tựu giả vĩ đại của Ấn Độ, phần lớn các vị đều đạt chứng ngộ nhờ thực hành Quán Thế Âm. Mỗi một vị đều có những linh kiến về Quán Thế Âm và nhờ đó, các Ngài đạt được những thành tựu và chứng ngộ tâm linh. Và đặc biệt ở Tây Tạng, mọi vị đạo sư vĩ đại nhất đều có kết nối mạnh mẽ với Đức Quán Thế Âm. Các vị có linh kiến, thọ nhận những tiên tri trực tiếp và nhờ Quán Thế Âm, các Ngài đạt chứng ngộ.

Ân phước gia trì của thực hành này cực kỳ lớn lao. Đừng nghi ngờ về nó. Trì tụng dù chỉ một chuỗi Minh chú Mani cũng có lợi lạc to lớn, chẳng thể nghĩ bàn. Cầu nguyện đến Quán Thế Âm một cách thành tâm và trì tụng Minh chú thực sự là một pháp tu rất sâu xa. Nếu con cầu nguyện đến Ngài đều đặn và trì tụng Minh chú Sáu âm càng nhiều càng tốt, chắc chắn khi con rời bỏ cuộc đời này, con sẽ không sinh về các cõi thấp. Bởi vậy, hãy xem xét điều này và hòa nhập pháp tu này vào cuộc đời.

Các con cần thấy mọi hình tướng đều là Quán Thế Âm, mọi âm thanh đều là Minh chú Sáu âm của Ngài và mọi ý niệm khởi lên đều là tâm của Ngài. Con cần có lòng từ và bi dành cho mọi chúng sinh không ngoại lệ, từ con côn trùng nhỏ bé nhất đến chúng sinh to lớn nhất, bởi tất cả, giống như con, đều muốn hạnh phúc và mong được trải nghiệm hỷ lạc. Không ai muốn khổ đau. Vì thế, điều quan trọng là luôn có lòng từ dành cho mọi hữu tình chúng sinh, duy trì trạng thái ba phần của sự tỉnh giác thanh tịnh và trì tụng OM MANI PEME HUNG càng nhiều càng tốt.

 

 

Nguyên tác: The Practice of Avalokiteshvara, Pith Instructions by the Venerable Yangthang Rinpoche. | Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.

Mọi sai sót là lỗi của người dịch. Xin thành tâm sám hối trước Tam Bảo, Tam Gốc.
Mọi công đức có được, dù nhỏ bé, xin hồi hướng vì sự giác ngộ của tất thảy bà mẹ chúng sinh.

Ý kiến bạn đọc
13 Tháng Chín 201601:15
Khách
Âm thứ nhất, OM [Án], là tổng hợp của ba mẫu tự A, U và M, tượng trưng cho thân miệng ý ô nhiễm của người tụng chú, đồng thời cũng tượng trưng cho thân miệng ý thanh tịnh của Phật đà. Có thể nào chuyển thân miệng ý ô nhiễm thành thân miệng ý thanh tịnh được không? Hay đây là hai phạm trù hoàn toàn tách biệt? Tất cả chư Phật đều là đã từng là chúng sinh, nhờ bước theo đường tu nên mới thành đấng giác ngộ; Phật Giáo không công nhận có ai ngay từ đầu đã thoát mọi ô nhiễm, mang đủ mọi tánh đức. Thân miệng ý thanh tịnh đến từ sự tách lìa trạng thái ô nhiễm, chuyển hóa ô nhiễm thành thanh tịnh. Chuyển hóa bằng cách nào? Phương pháp tu được nhắc đến qua bốn âm kế tiếp.
MANI [ma ni], nghĩa là ngọc báu, tượng trương cho phương tiện, là tâm bồ đề, vì chúng sinh mà nguyện mở tâm từ bi, đạt giác ngộ. Cũng như viên ngọc quí có khả năng xóa bỏ cảnh nghèo, tâm bồ đề cũng vậy, có khả năng xóa bỏ sự bần cùng khó khăn trong cõi luân hồi và niết bàn cá nhân. Như ngọc như ý có khả năng chu toàn mọi ước nguyện của chúng sinh, tâm bồ đề cũng vậy, có khả năng chu toàn mọi ước nguyện chúng sinh.

PADME [bát di], nghĩa là hoa sen, tượng trưng cho trí tuệ. Hoa sen từ bùn mọc lên nhưng lại không ô nhiễm vì bùn. Tương tự như vậy, trí tuệ có khả năng đặt người tu vào vị trí không mâu thuẫn ở những nơi mà người thiếu trí tuệ đều sẽ thấy đầy mâu thuẫn. Có nhiều loại trí tuệ, trí tuệ chứng vô thường, trí tuệ chứng nhân vô ngã (con người không tự có một cách độc lập cố định), trí tuệ chứng tánh không giữa các phạm trù đối kháng (nói cách khác, giữa chủ thể và khách thể) và trí tuệ chứng sự không có tự tánh. Mặc dù có nhiều loại trí tuệ, nhưng chính yếu vẫn là trí tuệ chứng tánh Không.

Trạng thái thanh tịnh có được là nhờ sự kết hợp thuần nhất giữa phương tiện và trí tuệ, được thể hiện qua âm cuối, HUM [hồng]. Âm này ứng vào trạng thái bất nhị, không thể phân chia. Trong hiển thừa, phương tiện và trí tuệ bất nhị có nghĩa là phương tiện ảnh hưởng trí tuệ, và trí tuệ ảnh hưởng phương tiện. Trong mật thừa, sự hợp nhất này ứng vào một niệm tâm thức trong đó phương tiện và trí tuệ đồng loạt hiện hành. Nói về chủng tự của năm vị Thiền Phật, HUM là chủng tự của Bất Động Phật [Akshobhya], sự đứng yên không gì có thể lay chuyển nổi. Om mani padme hum [Án ma ni bát di hồng], có nghĩa là dựa vào đường tu kết hợp thuần nhất phương tiện và trí tuệ mà người tu có thể chuyển hóa thân miệng ý ô nhiễm của mình thành thân miệng ý thanh tịnh của Phật. Thường nói người tu không thể tìm Phật ở bên ngoài, tất cả mọi nhân tố dẫn đến giác ngộ đều sẵn có từ bên trong. Chúng ta ai cũng mang sẵn trong mình hạt giống thanh tịnh, cốt tủy của Như Lai (Tathatagarbha - Như lai tạng), đó là điều cần nuôi nấng phát triển đến mức tột cùng để bước vào địa vị Phật đà.
=== Dalai Lama ===
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Ba 2015(Xem: 14342)
Dharmakāya (Pháp thân), thân tối thượng, tạo thành nền tảng của mọi phẩm hạnh của vị Phật, và nền tảng năng lực của các ngài để hoạt động. Bản tánh của Pháp thân thì thanh tịnh tự trạng thái nguyên thủy của nó và thuần tịnh không bị mọi ô nhiễm ngẫu nhiên. Siêu vượt tư tưởng và sự biểu lộ bằng ngôn từ,
25 Tháng Giêng 2015(Xem: 6253)
Trong “Một Quyển Sách Hướng dẫn đến Các Thung lũng Ẩn dấu Dremoshong và Khenpalung,” Pema Lingpa (1450-1521) đã viết rằng có bốn thung lũng vô cùng thiêng liêng và ẩn dấu trong rặng Hy Mã Lạp Sơn:
02 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 5504)
Pháp tu Tonglen, hay cho (tong) và nhận (len), là một pháp tu của chư Bồ tát, những đứa con thiện nam tín nữ dũng cảm nhất của các đấng chiến thắng, là hành trì tất yếu để thành tựu Phật quả. Về mặt hành trì, thậm chí chỉ cần nghe tên của pháp tu này thôi cũng là điều may mắn rồi, vì thế nên Đạo Sư Tịch Thiên
26 Tháng Mười Một 2014(Xem: 7827)
Đại chúng đọc “Sông Hằng: Lời dạy Tâm Yếu Về Đại Thủ Ấn” – Bên bờ sông Hằng, những lời giảng này được Ngài Tilopa dạy cho Naropa. Đây là điều vô cùng quan trọng và cát tường để chúng ta cùng nhau đọc tụng văn bản này. Văn bản này được tụng đọc bởi rất nhiều đạo sư tâm linh khác nhau và các ngài đã gìn giữ những lời giáo huấn này trong tâm khảm của các ngài xuyên qua nhiều thế hệ khác nhau.
26 Tháng Mười Một 2014(Xem: 9608)
Tập sách nhỏ “Du-già Tây Tạng, Giáo Lý và Tu Tập” này được dịch từ bản văn tiếng Anh có nhan đề là “Teachings of Tibetan Yoga” do Giáo sư Garma C. C. Chang – giảng sư của Tu viện Kong Ka ở miền Đông Tây Tạng khoảng trước năm 1950 – biên dịch từ Hoa ngữ, do nhà xuất bản Carol Publishing Group ấn hành năm 1993 tại New York, Hoa Kỳ.
20 Tháng Mười Một 2014(Xem: 6598)
Đề tài hôm nay là chỉ giáo về hành trì chiết xuất tinh chất. Tinh chất có thể được chiết xuất từ hoa, đá, nước và những chất khác, nhưng các giáo huấn sẽ nói về cách chiết xuất tinh chất của hoa. Thuật ngữ chiết xuất tinh chất nói về việc thọ dụng các viên thuốc bào chế từ hoa, thay vì dùng các chất thô của thức ăn.
16 Tháng Mười Một 2014(Xem: 12037)
Chúng ta đã có được kiếp sống lý tưởng, hỗ trợ cho các tự do và thuận lợi rất khó tìm. Ta đã gặp được giáo huấn quý báu vốn khó gặp của Đức Phật, đã tìm ra các vị thầy tâm linh khó tìm của Đại thừa. Ở một thời điểm như vậy, ta nên hành động khá hơn loài thú, bằng cách hành trì giáo pháp thanh tịnh.
26 Tháng Mười 2014(Xem: 10115)
Ngài Tịch Thiên được sinh tại thành phố Saurastra, phương bắc của Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya). Ngài là con trai Vua Kushalavarma và Hoàng Hậu Vajrayogini. Từ tuổi thơ hoàng tử trẻ Shantivarman (tên của ngài lúc sinh) biểu lộ tài năng đặc biệt trong tất cả các lãnh vực kiến thức. Khi mới 6 tuổi ngài gặp một du già sư và thọ nhận lễ điểm đạo và các giáo pháp tu tập theo ngài Văn Thù (Manjushri). Khi tu tập pháp này, ngài đã tri nhận Ngài Văn Thù (Phật Bảo Hộ Trí Tuệ; Wisdom Deity) và đã nhận được trực tiếp nhiều giáo pháp từ ngài Văn Thù.
01 Tháng Chín 2014(Xem: 6523)
Nhiều người tu tập Phật Giáo cảm thấy hoang mang khi nghe nói có các vị thầy Phật Giáo không tuân thủ một số giới luật, chẳng hạn như uống rượu, sống chung với các thành viên khác trong tập thể tu hành, v.v. Có những trường hợp ngoại lệ nào cho phép không tuân thủ giới luật hay không?