Sau Tràng ngọc báu kim cương

05 Tháng Giêng 201914:56(Xem: 6117)

TRÀNG NGỌC BÁU KIM CƯƠNG
Cuộc Đời Và Sự Giải Thoát Của Đạo Sư Liên Hoa Sinh
Jamgon Kongtrul[1] kết tập

Pema Jungne Translations chuyển dịch Tạng-Anh năm 2018
(Kaleb Yaniger & Stefan Mang chuyển dịch, Libby Hogg hiệu đính).
Pema Jyana (Liên Hoa Trí) chuyển dịch Việt ngữ.

 

Đạo Sư Liên Hoa Sinh
Đạo Sư Liên Hoa Sinh

1. Sự chào đời và cai quản của Đạo Sư ở Xứ Uddiyana

Emaho!
Từ cõi giới bao la vô biên của sự đơn giản,

Trong cung điện Hàng Liên Hoa Đại Lạc[2],

Vô Lượng Quang Phật, Thủ Lĩnh Tam Thân,

quyết tâm điều phục những chúng sinh man rợ trong luân hồi,

tiêu trừ tà kiến của ngoại đạo,

và thắp lên ngọn đuốc của Giáo Pháp chân chính –

bằng cách gửi một hóa thân Phật thù thắng.

Không phải một vị sinh từ tử cung mà sinh ra diệu kỳ

sẽ có thể điều phục chư thiênma quỷ và con người.

Vì thế, bằng phương tiện kính ái và phẫn nộ,

từ đàn tràng trí tuệ của ý kim cương

Chúa Tể Liên Hoa hóa hiện thành chủng tự Hrih.

 

Trên hòn đảo giữa Biển Kosa[3] với tám phẩm tính[4],

Giữa nhụy của bông sen nở vô cấu, Ngài chào đời.

Tự thân bông hoa, lớn bằng bánh của một cỗ xe,

tỏa hào quang chói ngời

như mặt trời buổi sáng chiếu tỏa

Vô cùng đẹp đẽ, điểm tô biển nước! Kiều diễm hoàn hảo!

Ban đêm, cầu vồng bao trùm khắp mặt nước bao la.

Những cây hoa khác hàng năm phải lụi tàn dần,

nhưng cây hoa Ưu Đàm mọc lên giữa biển nước

không phát triển hay suy giảm, chẳng có mùa hè hay đông.

Thay vào đó, với những cánh hoa luôn khép lại, nó đem đến sự kinh ngạc cho tất thảy.

Nhìn thấy vậy, những sứ giả của đức vua thuật lại điều họ phát hiện.

Các thượng thư được tham vấn, một lính gác được phái đi,

và tại đó, không nghỉ ngơi, anh ta canh gác cây hoa, cả ngày lẫn đêm.

Sau đấy, vào ngày Mười tháng Thân năm Thân,

cánh sen khai mở.

Ở đó, trên nhụy hoa ở giữa,

có một đứa bé đẹp đẽ, trông rất cuốn hút.

Cầu vồng chiếu tỏa, hoa rơi từ trời,

sấm chớp xuất hiện, trái đất rung động – mọi điềm tốt lành.

Từ phương Nam xuất hiện vị vua vĩ đại, cùng đoàn tùy tùng,

vẫn còn hoài nghi, đến thẳng bờ nước –

nơi Ngài thấy đứa trẻ sơ sinh đẹp đẽ, lấp lánh ánh sương.

Vô cùng kinh ngạc, đức vua đỉnh lễ và cất lời tán dương:

Ngài hát, “Đứa trẻ phước lành này sẽ trở thành hoàng tử của chúng ta!”.

 

Ngài căng buồn ra khơi, cố gắng đến chỗ cậu bé,

nhưng không thành công mà buộc phải rút lui[5].

 

Vua Dhanapala[6] Xứ Uddiyana không có hoàng tử,

và đã làm từ thiện trong nhiều năm, cho đi nhiều thứ tốt đẹp,

cho đến khi ngân khố trống rỗng.

Hy vọng tìm thấy kho báu, Ngài khởi hành ra biển

và lúc trở về, Ngài thấy cậu bé, chính xác như được miêu tả.

Ngài nói, “Đây, đứa con trai định mệnh của Ta!”

lên thuyền, đón cả đứa bé và bông sen.

Tại cung điện, họ tấn phong cậu bé và cúng dường cậu vương miện.

Đức vua cầu khẩn đến ngọc báu như ý này,

và của cải của vương quốc lại được phục hồi.

Hoàng tử trị vì trong năm năm, tuân theo Giáo Pháp,

bảo đảm lợi ích của vương quốc.

 

Từ Tràng Ngọc Báu Kim CươngCuộc Đời Và Sự Giải Thoát Của Đạo Sư, đây là chương đầu tiên: Sự chào đời và cai quản của Đạo Sư ở Xứ Uddiyana.

2. Đạo Sư từ bỏ vương quốc và cư ngụ trong nghĩa địa Sitavana

Ngày nọ, Đạo Sư đang an trụ trong sự chứng ngộ

khi Ngài diện kiến Đức Kim Cương Tát Đỏa và thọ nhận lời tiên tri:

“Cai trị một vương quốc, Ngài sẽ làm lợi lạc chúng sinh như thế nào?

Thay vào đó, nhờ sức mạnh, lý lẽ và hành động, Ngài sẽ điều phục họ!”.

Đạo Sư quyết định hành xử theo điều này

và xem xét cách mà Ngài có thể từ bỏ ngai vàng.

“Nếu Ta thực hành du già hành động không tạo tác một cách công khai,

điều đó sẽ làm phiền lòng đức vua cùng các thượng thư và có thể là cơ hội để Ta trốn thoát”.
Vì thế, Ngài cố tình bắt đầu một vài thực hành du già khác thường,

và thực sự hầu hết các thượng thư ác tâm trở nên phiền muộn.

Trình bày vấn đề, họ thỉnh ý đức vua:

“Hoàng tử trẻ đang làm đủ mọi chuyện kỳ cục.

Cậu ấy cần phải bị trục xuất khỏi vương quốc vì hành vi như vậy.

Ngay hôm nay, hãy đuổi cậu ấy đi, thật xa khỏi đây”.

Mặc dù đức vua phản đối, họ chẳng dao động,

vì thế, họ đuổi Ngài đến Ấn Độ, tại nghĩa địa Sitavana.

Ở đó, Ngài điều phục các Mamo và Dakini,

ra lệnh cho họ trong bốn sự hợp nhất và giải thoát những kẻ xấu ác.

Ngài đã dành năm năm với chư Dakini, chuyển Pháp luân,

và cuối cùng, khi đang thực hành chư Bổn tôn Phẩm Tính Cam Lồ[7],

Ngài đạt thành tựu, có linh kiến về chư Bổn tôn,

và nhận được sự thọ ký.

Ngài nổi danh là Liên Hoa Sinh Đạo Sư Của Những Phẩm Tính[8].

 

Từ Tràng Ngọc Báu Kim CươngCuộc Đời Và Sự Giải Thoát Của Đạo Sư, đây là chương thứ hai: Đạo Sư từ bỏ vương quốc và cư ngụ trong nghĩa địa Sitavana.

3. Các linh kiến về chư Bổn tôn và những thành tựu của Đạo Sư

Sau đó, Ngài đến Động Đại Hum[9],

với ý định thành tựu tâm trí tuệ của Trì Minh Vương vĩ đại.

Ở đó, Ngài rèn luyện về chư Bổn tôn Sri Heruka,

tiêu diệt các ma quỷ nam và hợp nhất với nữ.

Hoàn thiện hành động du già, Ngài dành năm năm ở đó,

chuyển Pháp luân cho chư Dakini.

Ngài có linh kiến về chư Bổn tôn Sri Heruka

và trong một khoảnh khắc, đạt được cả thành tựu siêu việt và thông thường.

Ngài nổi danh là Liên Hoa Sinh Đạo Sư Vinh Quang[10].

 

Sau đấy, Ngài đến nghĩa địa Rừng Kinh Hãi[11],

tại đây, Ngài thực hành chư Bổn tôn Đại Oai Đức Kim Cương Yamantaka.

Khoác lên mình tám trang sức của nghĩa địa,

và thu hút chư Dakini, Ngài chủ trì là vị thủ lĩnh đại tập hội Tsok.

Hoàn thiện sự hợp nhất và giải thoát, Ngài đạt thành tựu thù thắng.

Diện kiến Đức Văn Thù Yamantaka,

Ngài đạt thành tựu về mười hai hoạt động phẫn nộ[12].

Ngài sống ở đó năm năm, dựa lưng vào bảo tháp,

nổi danh là Liên Hoa Sinh Đạo Sư Thông Tuệ[13].

 

Kế đó, Ngài đến nghĩa địa Đồi Liên Hoa[14],

nơi Ngài thực hành chư Bổn tôn kính ái của Mã Đầu Liên Hoa Quyền Uy,

tham gia vào các hoạt động giác ngộ của sự hợp nhất và giải thoát,

và chuyển Pháp luân Mật thừa cho chư Dakini.

Ngài có linh kiến về chư Bổn tôn Liên Hoa Quyền Uy

và đạt được sức mạnh thù thắng của ngữ trí tuệ của Trì Minh Vương vĩ đại.

Ngài nổi danh là Liên Hoa Sinh Đạo Sư Mã Đầu[15],

và lưu lại đó năm năm, hoàn thành lợi lạc vô biên cho vô lượng chúng sinh.

 

Tiếp theo, Ngài đến nghĩa địa Rừng Thây Ma[16],

nơi Ngài thực hành chư Bổn tôn Hoạt Động Phổ Ba.

Ngài thu hút tất cả Mamo và Dakini ở đó,

tiến hành sự hợp nhất, giải thoát và quán đỉnh,

và chuyển Pháp luân Mật thừa.

Ngài có linh kiến về chư Bổn tôn Kim Cương Đồng Tử

và đạt được sức mạnh phá tan bè lũ ma vương gây chướng.

Ngài lưu lại đó năm năm, bảy tháng và mười ngày,

Và nổi danh là Liên Hoa Sinh Đạo Sư Hành Động[17].

 

Từ Tràng Ngọc Báu Kim CươngCuộc Đời Và Sự Giải Thoát Của Đạo Sư, đây là chương thứ ba: Các linh kiến về chư Bổn tôn và những thành tựu của Đạo Sư.

4. Đạo Sư thực hành trong tám nghĩa địa, hoàn thiện hành động du già không trói buộc củasự giải thoát và hợp nhất

Sau đấy, Đạo Sư rời đến nghĩa địa Đồi Tự Nhiên,

để thực hành đàn tràng Sai Khiển Mamo [Mamo Botong].

Ở đó, Ngài ăn thịt người và đắp da người.

Ngài giải thoát ma quỷ nam và hợp nhất với ma quỷ nữ,

chuyển Pháp luân cho chư Dakini.

Ngài có linh kiến về chư Bổn tôn Sai Khiển Mamo

và thọ nhận vô số quán đỉnh của hoạt động thù thắng và thông thường.

Ngài lưu lại đó năm năm, hoàn thiện giới luật du già,

và nổi danh là Liên Hoa Sinh Đạo Sư Sai Khiển[18].

 

Kế đó, Ngài đến nghĩa địa Đại Lạc Phổ Quát,

để thực hành Cúng Dường Tán Thán Chư Tôn Thế Tục.

Ngài thu hút những tinh linh kiêu ngạo của truyền thừa cha, mẹ và trung tính;

Ngài thu hút chư Dakini và tám bộ thiên – ma,

và bổ nhiệm họ là những thị giả để hoàn thành bốn hoạt động.

Theo mệnh lệnh Đạo Sư, họ thề trung thành,

và Ngài rót vào lưỡi họ những chất thệ nguyện bí mật.

Ngài trở thành thủ lĩnh tối cao của tất cả tinh linh thế gian,

giải thoát năm độc và hợp nhất với cõi giới của năm thân.

Ngài có linh kiến về đàn tràng và đạt thành tựu.

Ngài lưu lại trong năm năm, năm tháng và năm ngày,

nổi danh là Liên Hoa Sinh Đạo Sư Cúng Dường Tán Thán[19].

 

Tiếp theo, Ngài đến nghĩa địa Đồi Loka,

để điều phục tất cả

ma quỷ ác độc ở đó, những kẻ ấp ủ mong muốn xấu xa.

Ngài thực hành nghi quỹ đánh bại của Mật Chú Phẫn Nộ,

và khai mở đàn tràng Mật Chú Phẫn Nộ,

Ngài trụ trong định được biết đến là ‘Lời Nguyền Phá Hủy’.

Như thế, với mỗi tinh linh và ma quỷ tiên đoán,

Ngài tiến hành hoạt động điều phục, thiêu rụi và đánh gục.

Đánh bại trong trận chiến, Ngài giải thoát ma quỷ nam,

và hợp nhất với ma quỷ nữ, thu hút tất cả,

và Ngài nghiền nát tất cả những kẻ tà kiến.

Với linh kiến về chư Bổn tôn Mahabala đen,

Ngài đạt được sức mạnh và thành tựu của sự giải thoát kẻ thù của giáo lý.

Và Ngài lưu lại trong năm năm, chín tháng và chín ngày,

Được biết đến là Liên Hoa Sinh Đạo Sư Phẫn Nộ Và Lôi Cuốn[20].

 

Từ Tràng Ngọc Báu Kim CươngCuộc Đời Và Sự Giải Thoát Của Đạo Sư, đây là chương thứ tư: Đạo Sư thực hành trong tám nghĩa địa, hoàn thiện hành động du già không trói buộc của sự giải thoát và hợp nhất.

5. Đạo Sư thiết lập Giáo Pháp trong vương quốc Zahor và thành tựu quả vị Trì Minh VươngĐại Thủ Ấn

Sau đó, Đạo Sư Liên Hoa Sinh quyết định đến Ấn Độ,

và chuyển Pháp luân thù thắng khắp vùng đất.

Ngài nghĩ, “Ta sẽ giảng dạy Giáo Pháp chân chính cho tất thảy”

nhưng họ hỏi rằng, “Thầy của Ngài là ai?”.

Ngài đáp, “Ta là đấng dẫn dắt tự-sinh khởi, một vị Phật.

Dù không có đạo sư, Ta vẫn biết Giáo Pháp chân chính”.

Họ nói, “Chẳng có đấng dẫn dắt tự-sinh khởi nào, ngoại trừ Phật Thích Ca Mâu Ni”.

Ngài đáp, “Điều các ông nói chẳng khác gì ma vương,

vì thế, Ta hoàn toàn từ chối lắng nghe”.

 

Tuy vậy, không có đạo sư, Ngài không thể làm lợi lạc chúng sinh khác.

Vì thế, Ngài quyết định thân cận nhiều đạo sư đầy đủ phẩm tính,

những học giả thành tựu của Ấn Độ

chẳng hạn Manjushrimitra[21], Sri Singha[22] và Vimalamitra[23].

Trong nhiều học giả và thành tựu giả mà Ngài đã hạnh ngộ,

Ngài thực sự thân cận một trăm lẻ tám vị.

Rèn luyện trong các Giáo Pháp ngoại, nội và mật của Kinh điển và Mật điển,

Ngài chủ yếu tập trung vào các thực hành Mật thừa của Đại Viên Mãn

và những phương pháp thân vi tế của nội hỏa và Không-Lạc là con đường.

Trong lúc đó, Ngài không thờ ơ năm ngành khoa học, mà đạt được sự thành thạo về chúng.

Chỉ cần được giới thiệu với bất kỳ giáo lý nào, Ngài lập tức thông hiểu.

 

Sau đấy, Ngài đến Zahor theo đuổi sự nghiên cứu và thực hành.

Vua của vùng đất này là Arsadhara,

một vị quốc vương cực kỳ giàu có, với hoàng hậu, thượng thư và nhiều thần dân.

Đức vua chỉ có một người con gái, Công chúa Mandarava.

Giống như đứa con của chư thiên, với tất cả dấu hiệu xuất sắc,

chẳng ai sánh bằngxinh đẹp hấp dẫn.

Khắp vùng đất Ấn Độ, Trung Hoa, Turkistan và Kashmir,

những vị vua của Uddiyana và Nepal, Ba Tư và Mông Cổ

đều nhiệt thành mong mỏi kết hôn với Công chúa.

nhưng cô ấy chẳng chấp nhận ai, duy trì không bị vấy bẩn bởi luân hồi.

Để thực hành Giáo Pháp thù thắng, cô ấy giam mình trong cung điện.

Đạo Sư thấy rằng cô ấy là đệ tử bí mật của Không-Lạc,

và vì cô ấy, đã chuyển Pháp luân của bốn niềm hoan hỷ – Lạc-Trí vĩ đại.

Khi hai vị duy trì trong sự thoải mái hỷ lạc hoàn hảo,

một người chăn gia súc lang thang phát hiện ra hai vị

và thuật lại điều mà anh ta nhìn thấy với các thượng thư và những người hầu hoàng gia.

Tin tức lan khắp cung điện, khiến mọi người đều biết.

Khi đức vua biết chuyện, Ngài vô cùng giận dữ, ra lệnh:

“Vị khất sĩ này sẽ bị thiêu sống,

và công chúa cùng với người hầu phải bị tống giam!

Điều này có thể rất nguy hiểm! Nếu tin tức lan rộng,

các vương quốc xung quanh sẽ trở thành kẻ thù chống lại chúng ta.

Không ai được phép nhìn thấy chúng! Chúng phải bị trừng phạt!”.

Các thượng thư hội ý và đưa ra hai mươi sự trừng phạt chính yếu.

Đạo Sư không hiển bày các thần thông,

giả bộ là một người bình phàm.

Vì thế, Ngài bị người của đức vua bắt giữ.

Dầu được đổ vào giàn thiêu để tạo ra đám cháy dữ dội,

thứ sẽ thiêu cháy thân thể bị trói của Đạo Sư.

Làm xong, họ quay trở về nhà.

Công chúa và những người hầu bị giam

bị ném vào hầm gai, nơi họ chịu nhiều đau đớn.

Sau bảy ngày, đức vua yêu cầu rằng

sọ bị thiêu của vị tu sĩ ngoại quốc cần được đem đến cho ông ấy.

Những phái viên được cử đi và đến nơi, họ thấy rằng

khói đã tan, nhưng lửa vẫn cháy to.

Ở giữa là hồ nước cuộn xoáy và một bông sen nở.

Ngự trên nhị hoa là Đạo Sư tôn quý,

hóa hiện thành đứa bé tám tuổi, trẻ trung và đầy sinh lực.

Vô cùng kinh ngạc, những sứ giả đỉnh lễ trước Ngài,

và nhanh chóng trở về thông báo cho đức vua.

Không thể tin được, cùng với hoàng hậu, thượng thư và nhiều thần dân,

đức vua đích thân đến xem.

Thấy Đạo Sư đúng như miêu tả, tất cả đều cảm thấy ăn năn

– đức vua, các thượng thư, hoàng hậu và rất nhiều dân chúng.

Sám hối và khẩn cầu sự tha thứ, họ đỉnh lễ dưới chân Ngài.

Họ cung thỉnh Ngài đến cung điện và thỉnh cầu Ngài chuyển Pháp luân,

và Mandarava được dâng lên làm vị đồng hành liên tục của Ngài.

Toàn bộ vương quốc Zahor nhờ đó được thiết lập trong Giáo Pháp

và Đạo Sư làm chủ Mật thừa của sự hợp nhất và giải thoát.

 

Từ Tràng Ngọc Báu Kim CươngCuộc Đời Và Sự Giải Thoát Của Đạo Sư, đây là chương thứ năm: Đạo Sư thiết lập Giáo Pháp trong vương quốc Zahor và thành tựu quả vị Trì Minh Vương Đại Thủ Ấn.

6. Đạo Sư du hành đến Tây Tạng và hoàn thành Samye

Đạo Sư Liên Hoa Sinh cùng với vị phối ngẫu

thiết lập Giáo Pháp ở mỗi vùng của Uddiyana.

Sau đó, ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài điều phục tất cả ngoại đạo;

Ngài hiển bày các thần thông ở Tỳ Xá Ly,

và thiết lập Giáo Pháp chân chính

ở khắp Kashmir, Khotan và Mông Cổ.

 

Tiếp theo là câu chuyện về hành trình đến Tây Tạng của Ngài.

Vua Trisong Detsen, một hóa hiện của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát,

đã xem xét lịch sử về cha và ông nội.

Quyết định rằng các hoàng đế của ba thế hệ vừa qua

đã chỉ giữ gìn truyền thống của Giáo Pháp linh thiêng,

đức vua nghĩ rằng Ngài “phải thực sự tìm kiếm nó!”.

Gặp gỡ các thượng thư Tây Tạng đáng tin,

Ngài quyết tâm xây dựng Samye như là nền tảng cho các giáo lý.

Nhưng những tinh linh xấu ác với sức mạnh diệu kỳ

đã phá hủy vào ban đêm bất cứ thứ gì mà công nhân đã xây dựng được vào ban ngày,

kéo đổ tất cả đất, đá và gỗ.

Các thượng thư thông báo cho đức vua về sự thất bại,

nhưng Ngài không cho phép một kết quả như vậy,

bảo rằng, “Ta sẽ không chết khi chưa hoàn thành chuyện này,

nếu không đời này sẽ hoàn toàn vô ích!

Có nhiều thành tựu giả uyên bác ở Ấn Độ,

và Ta sẽ thỉnh mời một vị đến điều phục vùng đất”.

 

Đức vua phái một sứ giả biết đi bộ nhanh đến Ấn Độ

để thỉnh mời Viện Trưởng Bồ Tát[24] vĩ đại đến Tây Tạng.

Đến nơi, Ngài cử hành nghi lễ điều phục vùng đất

nhưng không thể chế ngự điều xấu bằng phương pháp an bình.

Sau đó, Ngài kể cho đức vua về một tiên đoán:

“Vùng đất Tây Tạng man rợ này tràn ngập ma quỷ.

Ở đây, tám bộ tinh linh kiêu ngạo vô cùng mạnh mẽ.

Chẳng có cách nào để một người sinh từ tử cung có thể điều phục chúng bằng phương pháp an bình.

Hãy thỉnh mời Liên Hoa Sinh, vị chào đời diệu kỳ!

Ngài sẽ điều phục vùng đất này và hoàn thành các mong ước của đức vua,

bởi không ai ngoài Ngài có thể tiến hành kiểu điều phục này”.

 

Theo lời khuyên này, một sứ giả được phái đi.

Và để làm lợi lạc chúng sinhđạo sư vĩ đại bắt đầu hành trình đến Tây Tạng.

Trên đường, Ngài thiết lập Giáo Pháp ở khắp nơi thuộc Nepal.

Ngài thu hút những bè lũ của tám tinh linh kiêu ngạo,

đặc biệt ba ma quỷ – Lokmatrin của cõi hư không,

Dạ Xoa Gomakha và Naga Gyongpo[25].

Ngài trói buộc chúng bởi mệnh lệnh và lời thề giữ gìn nghiêm cẩn thệ nguyện.

Ngài chôn giấu vô số kho tàng ở khắp Nepal,

và dần dần tiến về Tây Tạng.

Ngài trói buộc các bộ cao hơn của chư thiên và ma quỷ,

bổ nhiệm họ là những vị bảo vệ kho tàng.

Sau đấy, Ngài đến Samye, nơi Ngài gặp gỡ đức vua và điều phục vùng đất,

khiến chư thiên và ma quỷ mất năng lực để không gì có thể gây hại.

Một ngôi chùa ba tầng được xây dựng

theo phong cách của Núi Màu Đồng,

đầy đủ bốn lục địa, bốn tiểu lục địa và những ngọn núi sắt bao quanh.

Ban ngày, con người xây dựng trong khi ban đêm, chư thiên và ma.

 

Năm Dần, nền móng được thiết lập,

và việc xây dựng đã hoàn thành trong năm Thủy Ngọ Đực[26].

Như thế, những ước nguyện của đức vua, các thượng thư và đoàn tùy tùng được viên thành.

 

Từ Tràng Ngọc Báu Kim CươngCuộc Đời Và Sự Giải Thoát Của Đạo Sư, đây là chương thứ sáu: Đạo Sư du hành đến Tây Tạng và hoàn thành Samye.

7. Ngọn đèn chói ngời của Giáo Pháp xua tan bóng tối của Tây Tạng

Mong ước chân thành của vua Trisong Detsen đã được viên thành

với sự xây dựng ngôi chùa bên ngoài vĩ đại.

Tuy nhiên, những sự hỗ trợ của thân, khẩu và ý giác ngộ là cần thiết,

và Ngài quyết tâm ủy thác cho Viện Trưởng và Đạo Sư tiến hành.

Theo hướng dẫn của Đạo Sư, những sự hỗ trợ về thân và ý được xây dựng tương ứng.

Sau đấy, đức vua yêu cầu rằng sự hỗ trợ về khẩu giác ngộ,

Giáo Pháp linh thiêng, được dịch sang tiếng Tây Tạng.

Ba dịch giả, dẫn đầu bởi Vairochana, được lựa chọn là những học trò cho nhiệm vụ này.

Họ đã nghiên cứu nghệ thuật dịch thuật và diễn tả ý nghĩa phù hợp.

Hơn thế nữa, nhiều đứa trẻ được tập trung để nghiên cứu dịch thuật,

và sau đó gửi đến Ấn Độ nhằm chuyển dịch những bản văn vĩ đại của Giáo Pháp thù thắng.

Tri kiến sai lầm của dị giáo phai mờ và Giáo Pháp chân chính được thiết lập.

Sự hợp nhất của Kinh điển và Mật điểnĐại thừa, lan rộng và xa.

Dẫn dắt bởi Đức Vimalamitra, học giả Kashmir vĩ đại,

nhiều đại thành tựu giảhọc giả và dịch giả được cung thỉnh

đến dịch những lời dạy của Đức Phậttrọn vẹn và đầy đủ,

cùng với các bình giảng, tất cả được đem về từ Ấn Độ.

Những giáo lý của Kinh điển và Mật điểngiáo huấn của Đức Liên Hoa Sinh,

Giống như mặt trời mọc, bắt đầu lan rộng khắp Tây Tạng.

 

Từ Tràng Ngọc Báu Kim CươngCuộc Đời Và Sự Giải Thoát Của Đạo Sư, đây là chương thứ bảy: Ngọn đèn chói ngời của Giáo Pháp xua tan bóng tối của Tây Tạng.

8. Đạo Sư chôn giấu những kho tàng ở Tây Tạng và hoàn thành mong ước chân thành của đức vua

Bây giờ, khi mong ước chân thành đã được viên mãn,

Đức vua Trisong Detsen cử hành vô số tiệc và lễ kỷ niệm.

Các món cúng dường vật chất được dâng lên nhiều dịch giả

khi chư vị dần dần được hộ tống trở về quê hương.

Trong khi đó, Viện Trưởng Bồ Tát và Đức Liên Hoa Sinh

vẫn ở lại vùng đất Tây Tạng như được thỉnh cầu.

Đạo Sư vĩ đại đến Samye Chimpu,

trong khi Ngài Tịch Hộ uyên bác lưu lại tầng trên của ngôi chùa[27].

 

Một hôm, đức vua lâm bệnh.

Nghe tinĐạo Sư khởi hành đến động Yamalung[28],

nơi Ngài thực hành Đấng Bảo Hộ Vô Lượng Thọ.

Vào ngày thứ hai mươi mốt, trong một linh kiến, Ngài thấy đàn tràng của Đấng Bảo Hộ Bất Tử.

Ngài đề nghị, “Hãy ban cho đức vua quán đỉnh trường thọ!”.

Tuy nhiên, khi đức vua đến, các thượng thư, với sự báng bổ,

gây ra những chướng ngại ngăn cản đức vua thọ nhận quán đỉnh;

vì thế, cơ hội bị bỏ lỡ.

Lúc này, để đảm bảo sự an toàn của những chất trường thọ và Pháp khí đàn tràng,

Đạo Sư đã chôn giấu chúng tại Yamalung.

Che giấu các thượng thư về điều ông ấy đang làm,

đức vua cưỡi chiến mã tốt nhất để đến gặp Đạo Sư.

Ông ấy thỉnh cầu quán đỉnh, nhưng Đạo Sư đáp rằng,

“Bây giờ không phải lúc, chẳng có chất liệu quán đỉnh.

Ta đã chôn giấu chúng như một kho tàng”.

Rất thất vọng, đức vua lại thỉnh cầu quán đỉnh.

Đạo Sư lấy những chất trường thọ từ nơi chôn giấu

và trong lúc ban quán đỉnh, Ngài nói:

“Nếu Ngài không đến muộn vào lần trước và thọ nhận được quán đỉnh,

Ngài, đức vua, sẽ thành tựu cuộc đời kim cương bất tử.

Tuy nhiên, những thượng thư ác tâm của Ngài ngăn cản điều này.

Dẫu vậy, bởi sức mạnh của các mong ước quá khứ của Ngài

và mong ước lớn lao được thọ nhận quán đỉnh,

Ngài sẽ sống thêm mười ba năm của cõi người”.

Đạo Sư lại chôn giấu các Pháp khí đàn tràng và chất liệu trường thọ như một kho tàng.

Ngài tiếp tục du hành, đến khắp các tỉnh của Tây Tạng,

ban phước gia trì cho một trăm lẻ tám địa điểm thực hành.

Ngài cất giấu vô số kho tàng Giáo Pháp trân quý và sâu xa

để đem lại lợi lạc không ngừng tăng trưởng cho chúng sinh.

 

Từ Tràng Ngọc Báu Kim CươngCuộc Đời Và Sự Giải Thoát Của Đạo Sư, đây là chương thứ tám: Đạo Sư chôn giấu những kho tàng ở Tây Tạng và hoàn thành mong ước chân thành của đức vua.

9. Đạo Sư hoàn thành lợi lạc cho dân chúng Tây Tạng và khởi hành đến những vùng đất khác

Sau đó, ngày nọ, đức vua triệu tập

tất cả những dịch giả, dẫn đầu bởi Đạo Sư và Viện Trưởng,

để thực hành Đại Dương Giáo Pháp, Đại Tập Hội Của Những Giới Luật Được Trao Truyền[29].

Kế đó, họ tổ chức những lễ hội hoành tráng.

Khi ấy là Năm Mới Tây Tạng,

nhưng Đạo Sư bảo rằng đừng kỷ niệm.

Các thượng thư và hoàng hậu tự mình thảo luận:

“Ngoài việc tận hưởng thời gian tốt đẹp, kỷ niệm thì có gì nguy hại?

Thật vô lý khi ngăn cản!

Chúng ta sẽ thảo luận riêng với đức vua”.

Và những lễ kỷ niệm đã diễn ra.

Trên những ngọn đồi, bên phải hồ Samye,

sẽ có một cuộc đua ngựa và thi bắn cung.

Đạo Sư bảo rằng đừng tham gia đua ngựa,

nhưng các thượng thư không nghe, quyết tâm tham gia thi đấu.

Thượng thư Lhazang Lupel, người ủng hộ đạo Bon,

Vô cùng khinh miệt Giáo Pháp và đố kỵ với đức vua.

Ông ấy bắn tên từ đám đông trong khi đức vua đang cưỡi ngựa.

Nó bắn trúng xương sườn của đức vua và lập tức khiến Ngài băng hà.

Mặc dù mọi người đều thấy điều xảy ra, người ta nói rằng nguyên nhân là do rễ cây.

Không có sự điều tra nào thêm và đơn giản là đã đến thời điểm của đức vua.

 

Tuy nhiên, với sự đăng ngôi của Mutri Tsenpo

di sản của vua cha chẳng bị suy giảm.

Đạo Sư Liên Hoa Sinh vĩ đại, để làm lợi lạc chúng sinh tương lai,

du hành khắp Tây Tạng, không bỏ sót nơi nào – dù biên giới hay vùng trung tâm –

ban phước gia trì cho những địa điểm hành trì và chôn giấu nhiều kho tàng sâu xa.

Tại vùng biên giới và trung tâm, Ngài xây dựng những ngôi chùa chân chính

và một trăm lẻ tám bảo tháp để điều phục ma vương.

Trên đỉnh Núi Samye Hepori,

cùng với Mutri Tsenpo và hàng trăm dân chúng,

Đạo Sư Liên Hoa dâng các cúng dường Tsok – cả thảy một trăm lẻ tám.

Câu triệu tất cả tinh linh phi nhân kiêu ngạoác độc,

Ngài trói buộc chúng bởi lời thề và giao phó các hứa nguyện,

khi ấy, chúng cúng dường tinh túy sinh lực.

Đích thân hiện diệnĐạo Sư rèn luyện cho hoàn hảo các đệ tử của Ngài ở Tây Tạng.

 

Chính lúc này, Đạo Sư quyết định rằng

đã đến thời điểm để điều phục loài La Sát.

Trước Mutri Tsenpo, Đạo Sư nói rằng:

“Này thiện nam, từ khi con còn nhỏ

con đã nhận được sự gia trì của Ta, từ sâu thẳm trái tim Ta.

Bây giờ, thoát khỏi nỗi đau buồn trước sự ra đi của vua cha,

con sẽ đem hạnh phúc đến cho đất nước này và hoằng dương giáo lý của Đức Phật.

Ta ra đi không phải vì bất mãn, mà vào thời điểm của sự xuất sắc tăng trưởng,

Ta đã đến nơi này, ở Tây Tạng, làm điều cần thiết và rèn luyện những vị cần được điều phục.

Bây giờ là thời điểm điều phục loài La Sát phía Tây Nam.

Không đạo sư nào ngoài Ta có khả năng chế ngự chúng.

Nếu Ta không làm điều này, chúng sẽ phá hủy giáo lý Phật Đà,

bởi chúng chính là nền tảng cho nỗi bất hạnh của chúng sinh.

Bây giờ là thời điểm ra đi. Này thiện nam duy nhất của Ta, hãy giữ gìn!

Đừng quên Ta, hãy luôn luôn cầu nguyện đến Ta.

Khi con có niềm tin mong mỏi, con xứng đáng thọ nhận sự gia trì.

Chúng ta sẽ không rời xa. Ta sẽ không bao giờ rời bỏ con”.

 

Mutri Tsenpo vẫn buồn bã, thưa rằng:

“Con không thể nghĩ đến việc phải chia xa Ngài.

Hãy thương xót chúng con – xin hãy ở lại Tây Tạng!

Vua cha, đức vua vĩ đại của chúng con, chẳng còn nữa.

Nếu Ngài, Đạo Sư của chúng con, không ở lại, mà rời đến vùng đất của La Sát,

Chẳng phải các thung lũng của Tây Tạng sẽ hoang vắng, trống rỗng?

Chúng sinh không còn là đối tượng của lòng bi mẫn của Ngài nữa sao?

Xin đừng rời đi – xin hãy ở lại Tây Tạng!”.

 

Đạo Sư đáp rằng, “Này Mutri Tsenpo, hãy lắng nghe!

Ta là Đạo Sư của tất cả chúng sinh bình đẳng.

Con đang buộc Ta phải từ bỏ Bồ đề tâm à?

Nếu Ta không điều phục vùng đất Tây Nam của La Sát,

tất cả chúng sinh sẽ chìm trong vũng bùn đau khổ.

Khi ấy, một từ về Giáo Pháp thù thắng cũng chẳng bao giờ được nghe.

Con có muốn điều đó xảy ra?

Ta không thể ở lại mà phải đi điều phục loài La Sát.

Với bất kỳ ai, đàn ông hay phụ nữ, có niềm tin với Ta,

Ta, Liên Hoa Sinh, không bao giờ rời xa – Ta ngủ ở cửa nhà họ.

Khi ánh sáng mặt trời buổi sáng chiếu tỏa và ánh sáng buổi chiều phai mờ dần,

cũng như vào lúc bình minh trong ngày Mười Âm lịch,

Ta sẽ luôn luôn đến vì sự an lành của Tây Tạng.

Với những đệ tử tương lai của Ta, người sẽ không gặp Ta trực tiếp,

họ cần nỗ lực dâng các món cúng dường và kính lễ

đến tất cả sự hỗ trợ và những địa điểm của thân, khẩu và ý giác ngộ.

Kính trọng và hỗ trợ Tăng đoàn cao quý

sánh ngang với việc dâng những món cúng dường lên Liên Hoa Sinh Xứ Uddiyana.

Lòng bi mẫn của Ta không bao giờ suy giảm.

Ta sẽ luôn luôn làm lợi lạc và bảo vệ dân chúng Tây Tạng”.

 

Đức vua và dân chúng tin tưởng Đạo Sư, mặc dù hầu hết đều đẫm lệ.

Không ai cảm thấy hoan hỷ; nhiều người buồn khóc.

Dân chúng nam và nữ của Tây Tạng tụ tập

và cụng đầu vào gót sen của Đại Sư,

Cúng dường bất cứ của cải hay tài sản nào mà họ có.

Mutri Tsenpo, cùng với hoàng hậu và các thượng thư,

cúng dường vàng và bạc cùng đủ loại ngọc báu,

lụa mềm và tất cả những gì quý giá nhất.

 

Sau đấy, Đạo Sư nói rằng, “Hãy nghe này, dân chúng Tây Tạng!

Như hoa Ưu Đàm, các tự do và thuận duyên rất khó tìm.

Như mặt trời mùa đôngđời người này không kéo dài mãi.

Những khổ đau trong luân hồi chẳng kết thúc.

Vì thế, hãy thực hành thiện hạnh – và những phẩm tính lợi lạc của các con sẽ tăng trưởng.

Những kết quả của các hoạt động trong đời này, tốt và xấu,

Chắc chắn sẽ chín muồi sau đó.

Vì thế, không xao lãng, hãy ôm trọn mọi ý nghĩ bằng Giáo Pháp.

Hãy đặt niềm tin của con với vị thầy chân chính và đặt Ngài trên đỉnh đầu.

Quy yphát Bồ đề tâm và tịnh hóa che chướng

bằng phương pháp quán tưởng và trì tụng.

Tích lũy công đức bằng cách cúng dường Mandala và thực hành Đạo Sư Du Già.

Thọ nhận bốn quán đỉnh và hòa tâm con với tâm Đạo Sư.

Được giải thoát khi khởi lên, vượt khỏi giới hạn của sự hiểu biết đơn thuần –

hãy duy trì điểm trọng yếu này!

Hãy đưa kết quả đến sự trọn vẹn – bốn thân tự nhiên hiện hữu”.

Như thế, Ngài tiếp tục ban nhiều lời khuyên.

 

Từ Tràng Ngọc Báu Kim CươngCuộc Đời Và Sự Giải Thoát Của Đạo Sư, đây là chương thứ chín: Đạo Sư hoàn thành lợi lạc cho dân chúng Tây Tạng và khởi hành đến những vùng đất khác.

10. Đạo Sư điều phục vùng đất của La Sát

Khi Đạo Sư bắt đầu hành trình đến vùng đất của loài La Sát,

đức vua và dân chúng đi tiễn Ngài.

Khi họ đến đồng bằng phía trên của Mangyul,

Đạo Sư và những người đồng hành nghỉ lại đó tròn ba ngày.

Ngài ban những lời khuyên dành riêng cho đức vua và từng nhóm người.

Sau đấy, Khandro Yeshe Tsogyal cúng dường Mandala vàng, lam ngọc và châu báu,

thưa rằng, “Đấng thấu suốt ba thời, Đạo Sư tôn quý,

Nếu Ngài không ở lại Tây Tạng, mà đi đến vùng đất của loài La Sát,

xin đừng từ bỏ con, vị phối ngẫu của Ngài, người phụ nữ được gọi là Yeshe Tsogyal này.

Xin đừng bỏ lại con! Xin hãy xót thương!”.

Đạo Sư Liên Hoa đáp rằng,

“Thân vật lý này của con không thể đến vùng đất của loài La Sát.

Lúc này, con cần đảm bảo lợi lạc cho Tây Tạng.

Chúng ta không bao giờ chia ly, Ta sẽ gặp con trong hàng ngũ của Trì Minh Vương”.

Như thế, Bà không rời đi mà ở lại để làm lợi lạc chúng sinh.

Bắt ấn móc câu trói buộcĐạo Sư thốt lên

“jah hum bam hoh hum hum jah hum”.

Họ đã đem theo một chiến mã phi phàm và dâng lên Đạo Sư.

Sau đó, trong ánh sáng cầu vồng xoáy, xuất hiện những từ, “Con là Công chúa Mandarava”.

Cầm bình cam lồ, Bà ấy xuất hiện trước Đạo Sư

và tan biến vào chĩa ba.

Đạo Sư, cầm dây cương của chiến mã thù thắng và quý báu,

bay lên bầu trời phía Tây Nam

với mỗi vị thuộc Tứ Thiên Vương đều nâng móng ngựa.

Đến nơi đó, Đạo Sư hóa hiện là vua của loài La Sát.

Ngài thiết lập toàn bộ vương quốc trong Giáo Pháp chân chính,

hoằng dương sâu rộng giáo lý để đem lại lợi lạc cho chúng sinh khác.

 

Từ Tràng Ngọc Báu Kim CươngCuộc Đời Và Sự Giải Thoát Của Đạo Sư, đây là chương thứ mười: Đạo Sư điều phục vùng đất của La Sát.

Ta, Bà Tsogyal, đã ghi lại cuộc đời và sự giải thoát của Đạo Sư bằng ký tự Dakini và chôn giấu như một kho tàng để những chúng sinh với số phận nghiệp có thể gặp được trong tương lai. Khi họ gặp được, cầu mong lợi lạc của chúng sinh phát triển!

Samaya! Dấu ấn thân! Dấu ấn khẩu! Dấu ấn ý!

Điều này được thọ nhận bởi Pema Garwang Chime Tennyi Lingpa[30] như một thành tựu.

 

Sự hiển bày diệu kỳ của thân, khẩu, ý, phẩm tính và hoạt động giác ngộ của tất cả chư Phật ba đời an trú trong vô số cõi giớiliên tục tràn ngập Pháp giới, là cuộc đời của Đấng Hồ Sinh Kim Cương. Điều đó nằm ngoài sức tưởng tượng.

Tuy nhiên, như một lối vào cho những đệ tử may mắn, điều được ban ở đây là một chúc thư kim cươngđơn giản, trực tiếp và dễ tiếp cận – chỉ bằng một vài từ ngữ. Nhờ lòng từ của Lotsawa Jamgon, chúng tađã gặp được chúng.

Hãy cùng nhau hồi hướng công đức của việc phổ biến điều này theo nhiều cách khác nhau, được tích lũy nhờ động cơ thanh tịnh của Lama Sonam Tseten, để mọi chúng sinhđặc biệt là mẹ và cha của chúng ta, có thể tái sinh trước sự hiện diện của Đạo Sư.

Những lời mong ước này được Khyentse Tulku viết cho sự xuất bản bằng Anh ngữ của bản văn này.

 

Nguyên tác: A Garland of Vajra Gems, The Life and Liberation of the Guru by Jamgon Kongtrul.

Pema Jungne Translations chuyển dịch Tạng-Anh năm 2018 (Kaleb Yaniger & Stefan Mang chuyển dịch, Libby Hogg hiệu đính).

Pema Jyana (Liên Hoa Trí) chuyển dịch Việt ngữ.



[1] Về Tiểu sử Đức Jamgon Kongtrul Yonten Gyatso, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a30929/tieu-su-duc-jamgon-kongtrul-yonten-gyatso.

[2] Hàng Liên Hoa Đại Lạc (bde chen pad+mo bkod).

[3] Từ mtsho trong Tạng ngữ được dùng để nhắc đến bất kỳ lượng nước lớn nào. Điều này có thể dẫn đến ý tưởng rằng Đức Liên Hoa Sinh sinh trong một hồ nước. Tuy vậy, vài đạo sư, chẳng hạn Kyabje Chatral Rinpoche, đã đề xuất rằng mtsho, trong trường hợp nơi sinh của Đức Liên Hoa Sinhliên quan đến Biển Ả Rập. Đặc biệt hơn, chư vị cho rằng nơi sinh của Đức Liên Hoa Sinh là vùng mà dòng sông Sindhu (Indus) gặp Biển Ả Rập trong Vương quốc Sindh cổ xưa, gần biên giới giữa Pakistan và Ấn Độngày nay.

[4] Tức là nước Biển Kosa được cho là có tám phẩm tính: (1) trong suốt, (2) mát lành, (3) ngọt dịu, (4) nhẹ nhàng, (5) mềm dẻo, (6) làm dịu dạ dày, (7) không có những chất bất tịnh và (8) làm sạch cổ họng.

[5] Các tiểu sử khác nói rằng lính gác là Trigunadhara (trik na ‘dzin patrig na ‘dzin pa hoặc tri na ‘dzin pa), vị thượng thư Giáo Pháp chính yếu của Vua Indrabhuti. Ông ấy là người đầu tiên nhìn thấy Đức Liên Hoa Sinh và là người đề xuất với Vua Indrabhuti về việc nhận nuôi Đức Liên Hoa Sinh.

[6] Dhanapala, Đấng Bảo Hộ Của Cải, ở đây là một danh hiệu của Vua Indrabhuti.

[7] Phẩm Tính Cam Lồ liên quan đến các Mật điển Cam Lồ Về Những Phẩm Tính Giác Ngộ (bdud rtsi yon tan gyi rgyud) từ Tám Giáo Lý Nghi Quỹ, mà Bổn tôn chính là Mahottara Heruka.

[8] Pema Yonten Jungne (pad+ma yon tan ‘byung gnas).

[9] Động Đại Hum (hU~M chen brag).

[10] Pema Yangdak Jungne (pad+ma yang dag ‘byung gnas).

[11] Rừng Kinh Hãi (‘jigs byed tshal).

[12] Mười hai hoạt động phẫn nộ gồm: (1) kiểm soát, (2) câu triệu, (3) tiêu diệt, (4) xua đuổi, (5) làm mất năng lực, (6) làm tê liệt, (7) làm rối loạn, (8) đâm bằng dao, (9) làm câm, (10) làm điếc và mù, (11) hành xử như là giống trung và (12) chuyển hình tướng.

[13] Pema Khyenrab Jungne (pad+ma mkhyen rab ‘byung gnas).

[14] Đồi Liên Hoa (pad+ma brtsegs).

[15] Pema Tamdrin Jungne (pad+ma rta mgrin ‘byung gnas).

[16] Rừng Vetala hay Thây Ma (ro langs tshal).

[17] Pema Trinle Jungne (pad+ma phrin las ‘byung gnas).

[18] Pema Bod-tong Jungne (pad+ma rbod gtong ‘byung gnas).

[19] Pema Chod-tod Jungne (pad+ma mchod bstod ‘byung gnas).

[20] Pema Wangdrak Jungne (pad+ma dbang drag ‘byung gnas).

[21] Theo Rigpawiki, Manjushrimitra – Diệu Đức Hữu là một trong những đạo sư cổ xưa của truyền thừa Đại Viên Mãn Dzogchen. Ngài là một đệ tử của Garab Dorje và là vị thầy chính yếu của Shri Singha. Ngài nổi tiếng vì đã sắp xếp các giáo lý Dzogchen thành ba bộ: Bộ Tâm (sem-de), Bộ Hư Không(long-de) và Bộ Chỉ Dẫn Cốt Tủy (mengak-de). Di chúc cuối cùng của Ngài, điều mà Ngài ban cho Shri Singha trước khi đắc thân cầu vồng, được gọi là Sáu Kinh Nghiệm Thiền Định.

[22] Theo Rigpawiki, Shri Singha – Vinh Quang Sư Tử là một trong những đạo sư cổ xưa của truyền thừa Đại Viên Mãn Dzogchen, vị vốn đến từ vương quốc Khotan tọa lạc ở tỉnh Tân Cương ngày nay của Trung Quốc. Ngài là một đệ tử của Đức Manjushrimitra và là vị thầy chính yếu của Jnanasutra. Ngài nổi tiếng vì đã sắp xếp các giáo lý của Bộ Chỉ Dẫn Cốt Tủy thành bốn pho: bên ngoài, bên trong, bí mật và cực bí mật. Di chúc cuối cùng của Ngài, điều mà Ngài truyền cho Jnanasutra trước khi đắc thân cầu vồng, được gọi là Bảy Móng.

[23] Theo Rigpawiki, Vimalamitra – Vô Cấu Hữu hay Mahavajra là một trong ba đạo sư Phật giáo Ấn Độ uyên bác nhất. Ngài đã đến Tây Tạng vào thế kỷ 9, nơi Ngài giảng dạy rộng khắp và biên soạn cũng như chuyển dịch nhiều bản văn Phạn ngữTinh túy của các giáo lý của Ngài được biết đến là Vima Nyingtik, một trong những giáo lý Tâm Yếu của Đại Viên Mãn.

Vimalamitra dành mười ba năm ở Tây Tạng và sau đó, hứa khả sẽ trở lại Tây Tạng mỗi một trăm năm để củng cố giáo lý Tịnh Quang Đại Viên Mãn, Ngài đến Ngũ Đài Sơn của Trung Quốc. Ở đó, Ngài duy trìThân Cầu Vồng – ‘Thân Đại Chuyển Di’ và sẽ an trụ như vậy cho đến khi tất cả 1002 vị Phật của Hiền Kiếp này xuất hiện. Khi chư vị đều đã xuất hiện, Ngài sẽ đến Kim Cương Tòa ở Ấn Độ một lần nữa và hiển bày trạng thái giác ngộ viên mãn.

[24] Theo Rigpawiki, Shantarakshita – Ngài Tịch Hộ (725-788), cũng được gọi là Viện Trưởng Bồ Tát. Vị học giả Ấn Độ vĩ đại này của trường phái Đại thừa là viện trưởng của Phật học viện Nalanda. Ngài được vua Trisong Detsen thỉnh mời đến Tây Tạng, nơi Ngài thành lập Tu viện Samye và truyền giới cho bảy tu sĩ Tây Tạng đầu tiên, như thế, thiết lập Tăng đoàn Tây Tạng theo truyền thống Nhất Thiết Hữu Bộ của Tổ Long Thọ. Ngài đã nỗ lực để giữ gìn giáo lý Phật Đà và nhờ đó, bắt đầu thiết lập Phật Pháp ở Tây TạngTuy nhiên, những thế lực bản xứ chống đối và thù địch với Giáo Pháp ngày càng gia tăngsức mạnhQuyền lực của vua Trisong Detsen hay sức mạnh của Viện Trưởng Tịch Hộ đều chẳng thể điều phục chúng và vì vậy, họ đã thỉnh mời Guru Rinpoche đến Tây Tạng.

[25] Lokmatrin của cõi hư không (bar snang khams kyi glog ma sprin), Dạ Xoa Gomakha (gnod sbyin rgod ma kha) và Naga Gyongpo (klu gyong po) là ba trong số những tinh linh chính yếu cư ngụ ở nghĩa địa Lhundrup Tsek trong thung lũng Kathmandu.

[26] Năm Dần có thể là năm 858 hoặc 918 và năm Ngọ là năm 862 hoặc 922.

[27] Điều này có lẽ liên quan đến Cung điện Lung Tsuk (pho brang klung tshugs). Theo Bằng Chứng Của Ba (dba bzhed), đức vua đã dựng lều lụa trên mái cao nhất của Cung điện Lung Tsuk như là nơi cư ngụ cho bậc thầy. Ở đó, trong bốn tháng, bậc thầy đã giảng dạy Giáo Pháp, bắt đầu bằng thập thiệnthập nhị nhân duyên và thập bát giới.

[28] (Drakmar) Yamalung (brag dmar g.ya’ ma lung), ‘Động Đá Đỏ ở Yamalung’ là một ẩn thất trên núi linh thiêngtọa lạc trên những ngọn đồi, cách Samye khoảng 20 ki-lô-mét.

[29] Đại Dương Giáo Pháp, Đại Tập Hội Của Những Giới Luật Được Trao Truyền (bka’ ‘dus chos kyi rgya mtsho) là một pho giáo lý tập trung vào chư Bổn tôn Kagye. Nó được phát lộ như một kho tàng Terma bởi Orgyen Lingpa, vị là tác giả của Padma Kathang, và sau đấy được tái phát lộ như một Yangter bởi Đức Jamyang Khyentse Wangpo.

[30] Pema Garwang Chime Tennyi Lingpa (pad+ma gar dbang chi med bstan gnyis gling pa) là một trong những danh hiệu Terton của Ngài Jamgon Kongtrul Lodro Thaye (‘jam mgon kong sprul blo gros mtha’ yas, 1813-1899).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn