Mười Ba Điều Cần Đưa Vào Thực Hành - Dilgo Khyentse Rinpoche Việt Dịch: Tuệ Tạng

14 Tháng Tám 201200:00(Xem: 19906)

MƯỜI BA ĐIỀU CẦN ĐƯA VÀO THỰC HÀNH
Dilgo Khyentse Rinpoche
Việt dịch: Tuệ Tạng

khyentse_2_shadowMười ba điều cần đưa vào thực hành[1].

Này thiện nam tử, có mười ba chỉ dẫn.

Hãy quán chiếu về cái chết của chính con và của người khác như một sự thôi thúc cho việc tinh tấn trong tu học.

Thời điểm cái chết xảy ra là không thể chắc chắn, vì vậy hãy từ bỏ những hành động và dự định vô nghĩa trong cuộc đời này.

Vì Pháp, bạn cần một sự xác quyết và tinh tấn mạnh mẽ. Thậm chí nếu cuộc đời bạn đang lâm nguy, Pháp là thứ bạn không bao giờ được từ bỏ. Như người ta quất roi vào con ngựa cho nó chạy nhanh hơn, sự thúc đẩy chính của tinh tấn là quán chiếu về cái chết. Hãy nghĩ xem có bao nhiêu người trên thế giới này đã dành thời gian đi đánh bại những người họ coi như kẻ thù. Họ dành nhiều năm để tranh đấu, và thường chết trước khi thực sự chiến thắng. Với họ hậu quả cuối cùng là sinh vào địa ngục. Số khác dành thời gian chăm lo những sở thích của bạn bè và người thân, nhưng rất nhiều chết trước khi thành công. Và bởi vì sự tham luyến của họ, họ sẽ sinh làm loài ngạ quỷ. Nếu chúng ta có thể biết chính xác khi nào chúng ta chết, chúng ta sẽ có thể lên kế hoạch cho cuộc đời và tính chính xác chúng ta sẽ làm gì và khi nào. Nhưng sự thật đâu phải thế. Một vài người chết khi họ đi từ nơi này đến nơi khác. Số khác chết khi họ còn trong bụng mẹ. Một số chết trẻ, số khác chết già khi họ đã trải qua rất nhiều khó khăn, bệnh tật, và mọi khổ đau của tuổi già. Không gì chắc chắn khi nào chúng ta chết. Và mọi hoạt động thế tục là thực sự không quan trọng. Vì thế nếu bạn nghĩ trước tiên sẽ hoàn thành mọi công việc thế tục sau đó thực hành Pháp, bạn sẽ chỉ tốn thời gian thôi, và bạn cũng chẳng thể chắc chắn bạn có thể thực hành không. Người ta nói rằng, “Các hành động thế tục giống như trò chơi trẻ em. Nếu bạn từ bỏ chúng, sẽ chẳng có gì hơn để làm. Nếu bạn tiếp tục, chúng sẽ chẳng bao giờ kết thúc.” Hơn thế, nhận ra giá trị của Pháp và thấy rằng nếu bạn có cơ hội trong đời này được nghe các giáo Pháp và quán chiếu về chúng là rất quan trọng, đó duy nhất là kết quả của những công đức đã được tích tập từ quá khứ.

Thọ Pháp là quý giá và hiếm có ra sao được minh họa trong một vài cuộc đời trước của Đức Phật. Trong rất nhiều đời trước, ngài sinh ra là một vị vua ở nơi chẳng có Pháp. Mong mỏi được nhận giáo lý lớn đến nỗi ông đã bỏ ngai vàng cao quý ở cung điện của mình và dâng nó cho ai có thể đến và truyền Pháp. Vào một dịp, một vị thánh đã đến và nói rằng ông sẵn lòng truyền Pháp, nhưng ngai vàng là chưa đủ: ông ta nên sẵn sàng từ bỏ cả cuộc đời. Nhà vua đáp lại rằng ông sẽ vui vẻ làm điều đó. Vị thánh bảo nhà vua hãy cúng dường một nghìn ngọn đèn bằng cách đâm một nghìn lỗ trên cơ thể, đặt vào đó một ngọn đèn và một ít dầu trong mỗi lỗ. Không chần chừ, vị vua làm như vậy và đốt tất cả đèn. Vị thánh lên ngai và ban một đoạn giáo lý:

Từ bỏ những ác hạnh,

Làm nhiều việc tốt lành,

Chế ngự tâm mình,

Đó là giáo lý Phật Đà.

Sau đó, vị thánh hỏi nhà vua liệu rằng ông ta có hối hận không. Nhà vua đáp, “Tôi rất hoan hỉ khi nhận những giáo lý này.” Ngài đã biết ơn sâu sắc và không cảm thấy đau chút nào. Lúc đó, chư Thiên xuất hiện trên bầu trời và tán thán sự quyết tâm nhận giáo Pháp của nhà vua. Nhờ lòng chân thành tuyệt đối và sự hoan hỉ khi nghe các giáo Pháp, và việc ngài không hề hối hận khi hiến dâng cả bản thân, mọi vết thương của ngài được chữa lành một cách diệu kỳ.

Nhà vua đã phải trải qua những thử thách tương tự trong các đời khác, như là đóng một nghìn cái đinh lên cơ thể hay nhảy vào lửa. Trong mỗi lần như thế, ngài đều làm không chút do dự và mỗi lần, vì sự hoan hỉ khi nhận Pháp, ngài hoàn toàn được chữa lành. Chúng ta luôn luôn cố gắng tìm ra thức ăn và quần áo, nhưng Pháp thì hiếm có và quý giá hơn nhiều, vì vậy cần tôn kính Pháp sâu sắc.

Nếu con muốn vun bồi sự kính trọng sâu sắc, hãy quán xét những phẩm tính bên trong và ngoài của vị thầy.

Với chúng ta, vị thầy là ngọn nguồn của mọi phẩm tính tốt và những thành tựu. Bởi vậy, bạn nên quán chiếu ngài cẩn thận để thấy được sự hoàn hảo ở mọi phẩm tính bên trong và bên ngoài, và lấy đó làm tấm gương noi theo. Nhưng khi làm như vậy, bạn đừng bao giờ có những ý nghĩ sai hay quan điểm méo mó:

Tránh nghĩ về những thiếu sót.

Nếu bạn nghĩ thầy đã làm nhiều điều mà chẳng hề hoàn hảo, bạn nên nhận ra đó đơn giản là bởi cách quan sát sai lầm, giống như vị tăng Sunakshatra nghĩ Đức Phật chỉ dạy để lừa người. Thậm chí nếu bạn thấy một lỗi lầm nhỏ nhất, hãy nhận ra rằng đó là cách quán sát sai của chính bạn: loại bỏ khỏi tâm những ý nghĩ như vậy và vun bồi một sự quán sát thanh tịnh. Như trong lời ghi chú viết:

Nhìn thấy những lỗi lầm cho thấy sự nhận thức không thanh tịnh của bản thân.

Khi Guru Rinpoche đến Samye, mặc dù ngài đã là một vị Phật chứng ngộ tuyệt đối và đã thị hiện rất nhiều thần thông, vẫn có một vài bộ trưởng xấu xa có ý nghĩ sai về ngài. Họ nghi ngờ những phẩm tính của ngài và cố gắng ngăn cản các hành động của ngài. Thậm chí vua Trisong Detsen cũng có khuynh hướng nghi ngờ. Sau khi đã nhận các chỉ dạy từ Guru Rinpoche, ông đi đến Yamalung và thiền định trong động, thực hành nghi quỹ Phật Vô Lượng Thọ. Nhờ có lực gia trì của thực hành, Đức Vô Lượng Thọ xuất hiện trên bầu trời phía trước ông và truyền những quán đảnh từ chính bình trường thọ của ngài: nhà vua nhận được lực gia trì để có một cuộc đời bất tử. Sau đó khi ngài trở về Samye trên lưng ngựa và đến đúng lúc Guru Rinpoche đang ban quán đảnh trường thọ. Ngài sắp ban chất cam lồ trường thọ khi một trong số các bộ trưởng xấu xa thì thầm với nhà vua, “Ai mà biết liệu chất lỏng đó có trộn với thuốc độc?” Trong giây lát nhà vua chần chừ, tự hỏi liệu rằng nó đúng không, kết quả là sự kết nối đầy triển vọng đã bảo vệ lực gia trì mà ngài nhận được trước đó bị đứt. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc không được phép có thái độ sai hay những nghi ngờ khi thực sự không có điều gì sai.

Nếu con muốn những hành động của con hòa hợp với tất cả, đừng ngăn cản những nỗ lực của người khác.

Duy trì một sự hòa hợp hoàn hảo và những mối quan hệ tốt với các đạo hữu, anh chị em Pháp là rất quan trọng. Bạn nên giống như thắt lưng của họ, người ta đeo mọi lúc nhưng không cảm thấy gì. Bạn nên dễ dàng thích ứng, như muối dễ dàng tan vào bất cứ loại nước, dù là trong sạch hay bùn bẩn. Chỉ có mối quan hệ với vị thầy là không đủ; bạn cần phải đối mặt với những người khác. Nếu không thì, bạn sẽ làm những Mật nguyện suy giảm và vị thầy sẽ buồn. Trong mọi thứ bạn làm, hãy cư xử phù hợp với Pháp, và hòa hợp với mọi người. Bạn không thể trở thành một hành giả chân chính với mối quan hệ nghèo nàn với mọi người – làm mọi người buồn và hành động trái với mong muốn của họ.

Hơn thế, trong chín thừa của Pháp, hãy thực hành một thừa mà thực sự đúng với căn cơ của bạn. Đừng bỏ đi những thừa được gọi là thấp hơn, nghĩ rằng chúng quá thấp với bạn. Mỗi thừa đều có giáo lý giúp chúng ta tùy theo khả năng. Vì vậy bạn nên nhận và quán chiếu các giáo lý của Thanh Văn Thừa một cách đúng đắn, nhận ra chân lý trong đó và thực hành càng nhiều càng tốt. Tương tự, trong Bồ Tát thừa và Mật thừa, bạn nên học điều gì có lợi cho bạn và thực hành thật nhiều. Vì vậy, đừng phân biệt thừa thấp hơn hay mong muốn thực hành cái được gọi là các giáo lý cao cấp. Khi nhận ra rằng những giáo lý này không hề mâu thuẫn với nhau, hãy thực hành chúng theo cách mà chúng thực sự giúp bạn tiến bộ. Sau đó mọi thứ sẽ tăng trưởng cùng giáo lý. Đức Phật giảng dạy tất cả vì lòng bi mẫn của ngài, và chúng đều thấm nhuần trí tuệ của ngài: không một từ nào trong đó làm hại chúng sinh. Mỗi thừa đều có khả năng dẫn dắt chúng sinh đến giác ngộ và giải thoát. Bởi vậy đừng bộ phái mà nghĩ rằng, “Giáo Pháp của chúng ta là cao siêu hơn của các trường phái khác và truyền thống triết học.”

Bởi vì mọi thừa đều đúng trong chính thừa của họ, đừng bao giờ có thái độ cứng nhắc về con đường hay các trường phái triết học.

Trong khi chúng ta không nên nghĩ rằng truyền thống của ta là tốt nhất và truyền thống khác thì kém hơn, không có nguy hại gì khi thảo luận chân chính và tranh luận để thoát khỏi những tham luyến và hận thù, nếu điều đó giúp làm sáng tỏ những hiểu lầm nhỏ hay những giải thích sai trong quan điểm của bản thân. Giống như vậy, sự giải thích sai về quan điểm của người khác có thể sửa chữa thông qua trao đổi giữa những vị thành tựu giả uyên bác[2].

Hãy thực hành chăm chỉ để không làm vị đạo sư buồn.

Đừng bao giờ làm vị thầy hay các đệ tử khác của thầy phải buồn lòng. Có những thái độ chống đối và hành động không thuận hòa không phải là cách làm hài lòng ngài, dù bạn có nghĩ rằng bạn sẽ thực hành thật nhiều các giáo huấn của ngài. Hãy hoàn toàn quyết tâm thực hành các chỉ dạy của ngài một cách chính xác. Khi bạn đã nhận chúng, hãy tinh tấn thực hành như bạn có thể. Nếu bạn làm vậy,

Con sẽ có được mọi phẩm tính tốt mà không thiếu điều gì.

Nếu có một ngọn núi đầy vàng, mọi con chim – dù lớn hay nhỏ – làm tổ trên ngọn núi đó sẽ tự nhiên biến thành màu vàng. Tương tự vậy, nếu bạn ở cùng với vị thầy trong một thời gian dài, những phẩm tính của ngài tự nhiên sẽ đến với bạn, và bạn sẽ đạt được những phẩm tính tương tự. Và nếu vị thầy hài lòng với thực hành của bạn, sự thành tựu sẽ đến nhanh, bởi vì bổn tôn, Dakini, và Hộ Pháp không gì khác hơn chính sự hiển bày của vị thầy.

Nếu con muốn nhanh chóng thành tựu, hãy giữ Biệt giới giải thoát, Bồ Tát giới và Mật giới mà không để chúng suy giảm.

Cần phải biết cái gì được phép và cái gì không, hãy quan sát các lời giáo huấn phù hợp với căn cơ của bạn[3], và dần dần từng điểm một cố gắng đừng vi phạm chúng. Khi một vị vua xem xét các điều luật một cách cẩn thận, ngài hài lòng và triều đại của ngài bình yên: việc cai trị vương quốc và làm mọi người lợi lạc sẽ dễ dàng. Giống như thế, nếu chúng ta nương tựa vào những lời nói của Đức Phật và các giáo huấn của vị thầy, mười ác hạnh và những cảm xúc đau khổ sẽ tự nhiên giảm dần.

Mọi giới nguyện cô đọng để từ bỏ mười ác hạnh và năm độc bởi vì nói chung, chúng đã được trải nghiệm[4].

Hãy tinh tấn với một tâm duy nhất là xóa đi năm cảm xúc đau khổ. Nếu bạn không làm như vậy, chúng sẽ là lý do để bạn lang thang trong luân hồi và bạn sẽ bị một dòng sông lớn cuốn đi đến nơi mà dòng nước chảy đến mà không thể vào bờ. Trong ba cõi của luân hồi, những khổ đau chính là bốn dòng sông sinh lão bệnh tử. Dưới sự ảnh hưởng của chúng, sẽ không có tự do để thực hành. Điểm quan trọng bạn cần biết là để dừng lại dòng chảy của bốn con sông đó người ta cần lắng nghe Pháp.

Nếu con muốn ngưng dòng chảy của bốn con sông, con cần chắc chắn bản tính không sinh là nền tảng của tất cả.

Nguồn gốc của việc lang thang trong ba cõi luân hồi và gốc rễ của mọi hành động và những cảm xúc khổ đau là những chỉ dẫn sai lầm về thành quả nơi mà chẳng có thành quả nào. Chúng ta nắm lấy cái nền tảng chưa được tạo ra để tạo ra, và niềm tin sai lầm này là nguyên nhân gây ra sự sai lầm của bạn. Vì thế chúng ta cần chắc chắn về bản chất không sinh của nó, để thiết lập tính không.

Khi chúng ta nói về “nền tảng của tất cả”[5], nó liên quan đến hai thứ. Một là sự hỗ trợ cho mọi cảm xúc đau khổ và dấu vết các hành động của chúng ta. Đây là nền tảng sai lầm, thứ chúng ta cần xua tan. Thứ nền tảng khác là nền tảng nguyên sơ mà từ đó luân hồi và niết bàn khởi lên. Đó là Phật tính hiện hữu trong tất cả chúng hữu tình. Đó chính là điều mà “Lời cầu nguyện Phổ Hiền” liên quan đến khi có đoạn, “Đó là một nền tảng.” Và đó là thứ chúng ta nói ở đây. Khi bạn nhận ra điều này, bạn sẽ biết bản tính tuyệt đối vượt ra ngoài nguồn gốc và vì thế bạn sẽ thấy mọi hiện tượng không có đến, tồn tại và đi. Khi bạn nhận ra tâm không sinh của mọi nền tảng, bạn sẽ không còn bị cuốn đi bởi dòng nước của bốn con sông khổ đau.

Khi con đã hiểu bản tính không sinh của mọi nền tảng, dòng chảy liên miên của sinh và tử sẽ dừng

Và bạn sẽ nhìn thấy kết thúc của luân hồi. Trong trường hợp tốt nhất, bạn có thể kết thúc tái sinh trong luân hồi chỉ trong đời này. Và nếu không, thông qua những chỉ dẫn quý giá này ít nhất bạn nên giải thoát khỏi luân hồi trong ba đời. Đặc biệt, những người đã thực hành Mật thừa sẽ trong một đời và một thân thể đạt được thân hợp nhất bất hoại[6].

Nếu con không muốn các chướng ngại trên con đường giác ngộ, hãy để lại đằng sau những mối bận tâm trong cuộc đời này.

Với những ai có thể thực hành tinh tấn họ sẽ dần dần đạt đến Phật quả chỉ trong một đời. Tuy nhiên, sẽ có rất nhiều chướng ngại: các chướng ngại bên ngoài, như những hiểm nguy liên quan đến năm yếu tố – nước, lửa, gió, vân vân; các chướng ngại bên trong gây ra các bệnh tật như sự xáo trộn của đờm, mật hay năng lượng; và các chướng ngại bí mật gây ra bởi những ý nghĩ. Những chướng ngại này khởi lên từ sự bám chấp với cuộc đời. Nếu bạn không bám chấp, sẽ chẳng có chướng ngại nào xuất hiện. Vì thế hãy để lại đằng sau những mối bận tâm trong cuộc đời này.

Cố gắng giúp đỡ những người không có khả năng cũng là một sự bận tâm khác.

Nếu bạn chưa hoàn toàn nhận ra tâm không sinh tuyệt đối, nghĩ về việc giúp đỡ người khác đơn giản sẽ làm bạn xao lãng và là một chướng ngại cho thực hành.

Đừng cố làm người khác lợi lạc khi con chưa sẵn sàng.

Một vị Bồ Tát đã thực sự nhận thấy bản tính không sinh tuyệt đối của mọi hiện tượng sẽ không nghĩ về những hạnh phúc của bản thân dù chỉ một giây. Nhưng nếu bạn chưa nhận ra bản tính tuyệt đối, cái bạn gọi là làm lợi lạc người khác chỉ làm bạn thêm bận rộn. Thực tế là, bạn sẽ chỉ tạo ra những khó khăn cho bản thân. Có một thành ngữ:

Giải thoát bản thân với với sự giác ngộ,

Giải thoát người khác với lòng từ bi.

Bởi vậy, nếu bạn thực sự muốn làm người khác lợi lạc, bước đầu tiên là chính bạn đạt được sự giác ngộ. Đầu tiên bạn cần phát triển tâm mình, nếu không bạn sẽ không thể giúp đỡ người khác. Không thể cho người khác nước nếu bạn không có một bình nước trong người. Nếu nó trống rỗng, bạn chỉ có thể làm bộ rót nước, nhưng chẳng có giọt nào chảy ra. Hãy lấy một ví dụ khác, khi một người thắp đèn bơ, sử dụng một ngọn đèn đã cháy trước, ngọn đèn đó phải đầy và cháy đượm để có thể đốt các ngọn khác. Vì thế bạn cần có một mong ước chân chính giúp đỡ người khác và với thái độ đó, hãy tinh tấn thực hành để những kinh nghiệm và sự giác ngộ có thể phát triển. Đó là nguyên nhân đoạn văn gốc nói rằng:

Nếu con muốn làm lợi lạc người khác mà không cần nỗ lực, hãy thiền định về bốn phẩm tính vô hạn.

Để thực sự làm lợi lạc người khác, bạn cần có một tâm bồ đề hoàn hảo trong chính mình. Khi bạn đã có nó, bạn không cần phải nghĩ về việc giúp đỡ người khác hay cố gắng làm điều đó. Mọi thứ sẽ xảy ra một cách tự nhiên. Điều quan trọng giúp đỡ bạn phát triển tâm bồ đề quý giá là thiền định về bốn phẩm tính vô hạn: tình thương [từ], mong muốn mọi chúng sinh được hạnh phúc và có khởi nguồn của hạnh phúc; lòng bi mẫn [bi], mong ước mọi chúng sinh thoát khỏi đau khổ và nguồn gốc của đau khổ; niềm vui đồng cảm [hỷ], mong muốn mọi chúng sinh người đã hạnh phúc thì sẽ tiếp tục như vậy và thậm chí hạnh phúc hơn; và sự không thiên vị [xả], mong ước sẽ đến với mỗi người và mỗi chúng sinh mà không khác biệt, dù họ thân thiết với chúng ta hay là người xa lạ. Chúng ta gọi đó là bốn phẩm tính vô hạn vì bốn lý do. Đầu tiên, lợi ích của chúng là vô hạn. Thứ hai, số lượng chúng sinh mà chúng hướng đến là vô hạn, vì chúng sinh thì nhiều như hư không. Thứ ba, những phẩm tính của giác ngộ, kết quả có được từ thiền định về chúng là vô hạn. Thứ tư, thái độ chúng ta có khi vun bồi chúng là vô hạn. Như một hạt giống được trồng xuống đất, cày xới, tưới nước, được bón phân và có ánh sáng mặt trời thích hợp sẽ tự nhiên cho những vụ mùa bội thu, nếu bạn thiền định một cách chân thành và sâu sắc về những điều này, bồ đề tâm cao quý sẽ đến với bạn. Khi bạn đã rèn luyện tâm mình và trải nghiệm bồ đề tâm, thậm chí nếu bạn không có nhiều đệ tử và thị hiện làm lợi lạc cho họ, dù bạn làm gì trực tiếp hay gián tiếp đều làm lợi lạc cho người khác. Bởi vậy luôn giữ trong tâm rằng cách tốt nhất để làm lợi lạc người khác là thiền định về bốn phẩm tính vô hạn.

Nếu con đã được rèn luyện về bồ đề tâm, không gì con làm mà gạt ra hạnh phúc của người khác.

Bất kỳ ai đã có lòng bi mẫn như vậy sẽ không bị hại bởi những người bạo lực và những sinh linh xấu; hơn nữa, người đó có thể đưa họ vào con đường giải thoát.

Nếu con sợ hãi ba cõi thấp trong đời tương lai, hãy tránh xa mười ác hạnh.

Bạn cần được thuyết phục rằng bạn sẽ có những đời tương lai mà trong đó bạn chờ đợi cái nóng và lạnh của địa ngục, đói và khát của loài ngạ quỷ, cảnh nô lệ và bị giết hại của loài súc sinh. Nếu muốn tránh những tình trạng khổ đau như vậy, bạn cần tránh mười ác hạnh và tìm ra phương pháp đối trị cho năm độc trong cuộc đời này. Nếu bạn làm ai dịu sự giận dữ, bạn sẽ không sinh vào địa ngục. Nếu bạn có thể làm giảm sự gắn bó, bạn sẽ không sinh làm loài ngạ quỷ. Nếu bạn có thể làm giảm sự hoang mang, bạn sẽ không sinh làm loài súc sinh. Việc bạn có thể tránh mười ác hạnh và thực hành mười thiện hạnh là hoàn toàn trong tầm tay bạn. Nếu bạn có thể làm như vậy, bạn sẽ chẳng thể sinh vào ba cõi thấp. Nhưng nếu bạn không cẩn trọng, và bạn dính vào những ác hạnh và không thể vun bồi các thiện hạnh, thì khi bạn chết, bạn sẽ vô vọng mà rơi xuống những cõi thấp như hòn đá ném xuống vực sâu. Vì vậy

Luôn luôn cẩn trọng[7].

Tâm của một chúng sinh bình phàm thì giống như một con khỉ. Buộc con khỉ lại để nó không đi lang thang nữa, chúng ta cần áp dụng tâm tỉnh giác (nhớ cái gì cần làm và cái gì cần tránh) và cảnh giác (luôn theo sát ý nghĩ, lời nói và hành động của bản thân). Với những điều đó, chúng ta sẽ biết khi nào ý nghĩ xấu khởi lên và có thể tìm thấy phương thức đối trị ngăn chúng phát triển. Kết quả là, chúng ta sẽ hạnh phúc – thậm chí ngay trong đời này. Và nếu chúng ta có tình thương, lòng bi mẫn, tự nhiên chúng ta sẽ có thể giúp người khác; khi làm người khác hạnh phúc, chúng ta sẽ thấy lòng tốt được đền đáp và sẽ an toàn trước những tinh linh xấu và loài phi nhân. Về đời tương lai, nếu chúng ta đã vun bồi tình thương, lòng bi mẫn, sự vui vẻ cảm thông và sự không thiên vị theo một cách thông thường, chúng ta sẽ sinh về cõi trời, thậm chí là cung trời thứ ba mươi ba của Đế Thích. Và nếu chúng ta đã vun bồi bốn phẩm tính vô lượng với tâm nguyện đạt đến Phật quả, cuối cùng chúng ta sẽ đạt được giác ngộ hoàn toàn.

Nếu con muốn hạnh phúc trong đời này và đời tương lai, hãy siêng năng thực hành mười thiện hạnh.

Mười thiện hạnh có thể được thực hiện theo những cách khác nhau. Trong khi hiệu quả nhất là từ bỏ những hành động xấu, nó thậm chí sẽ tốt hơn nhiều là thực hiện các thiện hạnh bổ xung đối lập với các ác hạnh. Ví dụ, chúng ta không chỉ nên từ bỏ việc sát sinh, mà thêm vào đó chúng ta nên bảo vệ sự sống bằng cách cứu những con vật khỏi lò mổ. Cũng như vậy chúng ta không chỉ từ bỏ việc trộm cắp, mà chúng ta nên cho đi một cách hào phóng, vân vân. Để thực hành theo cách này, bạn cần vững tin vào tính đúng đắn của luật nhân quả. Sau khi đã tin tưởng như vậy, hãy thực hành các thiện hạnh dù là nhỏ nhất và tránh các ác hạnh nhỏ nhất. Theo cách này, bạn sẽ dần dần tiến bộ theo các thừa khác nhau, Thanh Văn Thừa, Duyên Giác thừa và Bồ Tát thừa. Đừng bao giờ nghĩ rằng tránh làm việc ác, tích cực làm thiện là hành động của những thừa cơ bản, và chẳng cần làm vậy trong Đại thừa hay Kim Cương thừa. Làm như vậy là một lỗi lầm cơ bản, vì thế ngài Shechen Gyaltsap viết,

Bây giờ, khi con có những lực chọn, đừng nhầm lẫn cái cần phải làm với cái cần phải tránh.

Khi bạn có trong tay tự do để hành động và bạn biết những hành động nào là xấu, đừng nên sai lầm trong quyết định và cách bạn cư xử.

Nếu con muốn tâm con hướng về Pháp, con cần trải qua những khổ đau.

Để chuyển tâm về với Pháp, đầu tiên chúng ta phải tự nhận ra điều gì mà đau khổ trong luân hồi đưa đến. Nếu chúng ta chưa nếm hương vị đau khổ của luân hồi, tâm chúng ta sẽ chẳng thể hướng về Pháp. Khi chúng ta biết rằng khổ đau là gì, tự nhiên chúng ta sẽ cố gắng tìm ra con đường giải thoát. Vì vậy chúng ta nên hiểu những đau khổ vốn có trong luân hồi bằng cách nghiên cứu những diễn giải chi tiết trong các thực hành tiên quyết. Hơn thế nữa, chúng ta cần nhận thức rằng bằng các ác hạnh, chúng ta đang mua đau khổ cho những đời tương lai. Vì vậy, chúng ta nên cẩn trọng, cảnh giác và cẩn thận, ăn năn và sửa chữa những ác hạnh trước đây.

Những người mới nên hiểu rằng khi chúng ta bắt đầu thực hành Pháp, có thể sẽ có những khó khăn. Cố gắng hòa tâm mình với Pháp cũng sẽ khó, nhưng đây là một khó khăn xứng đáng. Người ta nói rằng, “Trải qua khó khăn người ta mới đạt được một điều quý hiếm.” Chỉ nhờ có những khó khăn lớn, người ta mới có thể đạt được một điều gì đó độc nhất và giá trị. Đức Thích Ca Mâu Ni, là một ví dụ, đã phải trải qua những chướng ngại rất lớn để tích tập những công đức qua ba a tăng tỳ kiếp, dù chính ngài đã dạy rằng Đại thừa là thừa dành cho những chúng sinh có căn cơ cao. Và nếu Kim Cương thừa được cho là con đường để đạt đến Phật quả chỉ trong một đời, nó không thể là một con đường dễ dàng. Hãy xem những khó khăn mà ngài Jetsun Milarepa đã trải qua. Trong mười hai năm ngài thiền định miên mật, ngồi trên mặt đất trong hang động Đá Trắng mà chẳng có gì để ăn hay quần áo. Không có sự nỗ lực đó, thành tựu vĩ đại không bao giờ đến cả.

Hãy quán chiếu về sự vô nghĩa của những công việc vất vả và phát triển lòng quyết tâm sâu sắc. Không có một con đường nào là dễ dàng.

Ví dụ, hãy nhìn vào những rắc rối và khó khăn một người bình thường phải trải qua khi điều hành một đất nước. Họ cần nỗ lực rất lớn tuy nhiên nó hoàn toàn là vô nghĩa. Nếu họ nỗ lực như vậy trong một ngày thôi để thực hành Pháp, họ sẽ gần hơn với giải thoát. Nhưng họ đã lang thang trong luân hồi lâu đến mức tâm họ tự động sẽ đi sai hướng. Xu hướng tự nhiên của họ là sát sinh, trộm cắp hay các ác hạnh khác như làm hại người già. Họ không bao giờ chuyển tâm mình về với Pháp, và một mình thực hành nó. Vì thế cần nhiều tháng nhiều năm thực hành thì chúng ta mới có một tâm an lạc. Bởi vì chúng ta vẫn có rất nhiều thói quen sai từ đời trước, chúng ta sẽ không có được hòa bình và hạnh phúc dễ dàng. Bởi vậy với mục đích quan trọng là giải thoát tâm mình, hãy quay lưng lại với luân hồi và nỗ lực dần dần thực hành Pháp.

Nếu con đã quay lưng với luân hồi, hãy nỗ lực cho sự giác ngộ vô song.

Chúng ta cần tinh tấn trên suốt đường tu. Thậm chí nếu chúng ta đạt đến quả vị A La Hán như hàng Thanh Văn, Duyên Giác, chúng ta còn nhiều nữa mới đạt đến Phật Toàn giác. “Sự giác ngộ vô song” là kết quả tối thượng của Đại thừa, vì thế đây là cái chúng ta kiếm tìm. Và khi ngài Zurchungpa nói rằng, “nỗ lực”, ngài muốn chúng ta nên nghĩ về tinh tấn trong cả cuộc đời. Đừng có nghĩ rằng chỉ thực hành trong vài tháng hay vài năm. Chúng ta bị những cảm xúc khổ đau đè nén, vì thế cần thực hành tinh tấn và dần dần cho đến khi chúng ta đẩy lùi mọi chướng ngại.

Nhận ra những lợi ích của giác ngộ và giải thoát theo ba thừa là rất quan trọng.

Để đạt được một vài phẩm tính của giải thoát và giác ngộ cũng như có được một điều gì quý giá. Hãy khắc ghi trong tâm rằng dù chỉ nhận ra một chút các phẩm tính của Phật quả thôi cũng đem lại những lợi lạc to lớn, trong khi tham gia vào một vài hành động thế tục cũng gây ra những nguy hại khủng khiếp. Nếu bạn thực hành các giáo lý của ba thừa một cách hoàn toàn, bạn sẽ đạt được mọi phẩm tính đáng kính trọng và hiểu rằng những giáo lý này không hề mâu thuẫn. Và kết quả là bạn sẽ đạt được ba thân – Pháp thân, Báo thân, Hóa thân.

Nếu con muốn đạt được kết quả, ba thân Phật, hãy hợp nhất hai sự tích lũy.

Hai sự tích lũy gồm sự tích lũy công đức – với những ý niệm – và sự tích lũy trí tuệ – không ý niệm. Thứ đầu tiên bao gồm năm sự hoàn hảo siêu việt [Ba la mật] – bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn và thiền định – trong khi điều thứ hai bao gồm sự hoàn hảo thứ sáu, trí tuệ siêu việt. Bằng cách chăm chỉ tích lũy công đức và trí tuệ bạn sẽ đạt đến Phật quả.

Điều này làm cho những vết nhơ che đậy Ba thân Phật được xua tan.

Phật tính hoàn hảo thực tế luôn hiện hữu trong ta, nhưng nó bị che đậy bởi những cảm xúc khổ đau và bởi những chướng ngại về nghiệp và ý niệm. Như chúng ta thấy, hoàn toàn có thể đẩy lùi điều này bằng cách hướng tâm về với Pháp và trau dồi bốn phẩm tính vô song.

 

Trích: Chúc thư của ngài Zurchungpa, Một luận giải về Tám mươi chương Lời khuyên cá nhân của Zurchung Sherab Trakpa – Dilgo Khyentse Rinpoche.

Việt dịch: Tuệ Tạng.



[1] Trong bản văn này, những dòng in đậm là bản văn gốc của ngài Zurchungpa, những dòng in nghiêng là lời chú thích, bình giảng của ngài Shechen Gyatsap Rinpoche – vị thầy gốc của Đức Dilgo Khyentse Rinpoche, và những dòng chữ in thường là luận giải của Khyentse Rinpoche.

[2] Tiếng Tạng mkhas grub, “uyên bác và thành tựu”. Những học giả mà không chỉ hoàn toàn uyên thâm về giáo lý mà còn thực hành chúng và đạt đến mức độ cao của sự giác ngộ.

[3] Một người không nên cố gắng theo những chỉ dẫn mà người đó không thể giữ. Ví dụ, chỉ có Bồ Tát những người đã đạt đến các cấp bậc Bồ Tát mới có thể cho đi đôi tay. Những giới luật Kim Cương thừa chỉ có thể duy nhất giữ được bởi những người chứng ngộ hoàn toàn.

[4] Ví dụ, năm độc mà chúng sinh bình thường trải qua khác với cách mà chúng được một hành giả Kim Cương thừa trải nghiệm, họ không từ bỏ năm độc mà trải nghiệm chúng như là năm trí tuệ.

[5] Tiếng Tạng kun gzhi, tiếng Phạn alaya.

[6] Tiếng Tạng zung ’jug do rje’i sku, sự hợp nhất của Pháp thân và Rupakaya (bao gồm Báo thân và hóa thân).

[7] Theo ngài Khenpo Ngawang Pelzang trong cuốn Những chỉ dẫn cho Lời vàng của Thầy Tôi, cẩn trọng là sự thận trọng tuyệt đối trong việc làm những điều đúng và tránh những điều sai.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn