Tiểu Sử Khenpo Jigme Puntsok

11 Tháng Mười Một 201300:00(Xem: 7453)

TIỂU SỬ CỦA KHENPO JIGME PUNTSOK

 

tieu_su_khenpo_jigme_puntsok

Khenpo Jigme Puntsok (1933-2004)

 

Khenpo Jigme Puntsok sinh vào Tháng Hai năm 1933, tức tháng giêng năm Thủy Dậu theo chu kỳ sáu mươi năm của lịch Tây Tạng. Ngài là con thứ năm trong một gia đình làm nghề chăn nuôi ở Zime Chole tại Dokhok trong miền Golok, hiện là một phần của Tỉnh Thanh Hải, Trung quốc. Theo Khenpo Sodarjey, thân phụ ngài là Chakhung Pete thuộc bộ tộc Chakhung ở địa phương. Theo các nguồn khác nhau thì thân mẫu ngài tên là Bumo Yumtso hay đơn giản là Yumtso, và Yutok; là người ở Nubza.

Năm 1938, khi ngài được năm tuổi, vị Khai Mật Tạng (Terton) Wangchuk và Mura Tulku Pema Norbu (1918-1958) xác nhận ngài là một hóa thân của Lerab Lingpa (1856-1926). Cũng được gọi là Nyala Sogyel và Terton Sogyel, Lerab Lingpa là một Đạo sư Mật thừa năng động, có cái nhìn xa rộng và ảnh hưởng mạnh mẽ ở vùng Nyarong thuộc miền đông Tây Tạng. Ngài là một nhân vật lỗi lạc có sức lôi cuốn, đã tham dự hàng loạt khám phá Kinh điển. Những Mật tạng được khám phá này đã trở thành phương tiện tu tập trong một số giáo khóa Nyingma, cả tu viện lẫn ngoài tu viện. Nổi danh nhất trong các thực hành được khám phá của ngài là Tiệt trừ Điều Không Tốt lành hay Tendrel Nyisel (bstan'brel nyes sel). Tiếng tăm về nghi lễ đầy uy lực của Terton Sogyal đã đến tai các vị có chức quyền cao cấp nhất trong chính phủ Lhasa và khiến cho Đức Đạt Lai Lạt Ma Thứ Mười ba Tubten Gyatso (1876-1933) thỉnh cầu ngài trợ giúp để ngăn chặn sự đe dọa của lực lượng Trung quốc tại biên giới Tây Tạng vào đầu thế kỷ hai mươi. Một hóa thân thứ hai của Terton Lerab Lingpa được Jamyang Khyentse Chokyi Lodro (1893-1959) ở Tu viện Dzongsar nhận ra vào đầu thập niên 1950 là Sogyal Rinpoche (sinh năm 1947), một Đạo sư Tây Tạng thuộc phái Nyingma ở Trehor thuộc tỉnh Kham.

Không lâu sau khi được xác nhận, cậu bé Jigme Puntsok gia nhập Tu viện Nubzur ở Serta, một nhánh của Tu viện Pelyul ở Derge. Ngài bắt việc tu tập trong tu viện như một sa di và nhận sự giáo dục chính thức trong việc đọc, tụng, và học thuộc lòng Kinh điển. Theo các tiểu sử của ngài, khi còn ở tuổi thiếu niên, ngài đã thuần thục các thiện xảo về sự thấu thị, nhờ đó ngài tìm lại được một số kho tàng bao gồm những chiếc rương và các pho tượng. Năm 1947, khi mười bốn tuổi, ngài đến tu học với Khenpo Sonam Rinchen ở Drakdzong, dưới chân vị Thầy này, ngài thọ giới xuất gia và nhận Pháp danh tu sĩ là Tubten Lekshe Zangpo. Qua năm sau, khi ngài khoảng mười lăm tuổi, ngài đặc biệt chú tâm đến Dzogchen (Đại Viên mãn).

Năm 1950, khi ngài khoảng mười tám tuổi, Jigme Puntsok thọ nhận Giáo pháp của Tubten Chompel (1886-1956), cũng được gọi là Tubga Rinpoche, tại Changma Gar ở Dzato gần Jekundo mà ngày nay là Quận Yushu thuộc Khu Tự trị Tây Tạng. Ở đó ngài nhận những giáo huấn và truyền dạy vĩ đại bao gồm các quán đảnh Mật thừa thuần thục (smin byed kyi dbang), các giáo huấn giải thoát (grol byed kyi khrid), giáo lý hỗ trợ (rgyab brten gyi bshad pa), giáo huấn cốt tủy (man ngag), và giáo huấn bổ túc về Dzogchen (rdzogs pa chen po'i lam gyi cha lag), đặc biệt là pháp “nhảy qua” (thod rgal) và “xuyên thủng” (khregs chod), và trạng thái trung ấm (bar rdo). Các thực hành khác mà ngài thọ nhận giáo huấn gồm có Vị Thầy Tinh túy (bla ma yang tig) của Namkha Jigme (1597-1650), và sādhāna (nghi quỹ) của các Bổn Tôn an bình và phẫn nộ (zhi khro).

Ngài đã nhận lãnh các giáo lý và giáo huấn từ một số các vị Thầy có ảnh huởng mạnh mẽ trong đó có Dzogchen Khenpo Yonten Gonpo (1916-1984), người đã dạy ngài Bốn phần Tâm Yếu Nền tảng (snying thig ya bzhi) của Longchen Rabjam (1308-1364) và quán đảnh Kālacakra (Thời Luân). Khenpo Gyatso (1903-1957) dạy ngài triết học Madhyamaka (Trung Đạo). Khenpo Orgyen Gonpo giới thiệu cho ngài luận giảng Dultika (’dul ti ka) về bộ Vinaya (Luật) của tu viện, và Lhatrul Rinpoche dạy ngài Kinh Bát Nhã Ba La Mật, luận lý (tshad ma), và thuật chiêm tinh (skar rtsis). Các vị Thầy có ảnh hưởng mạnh mẽ khác gồm có Penor Thứ Ba Lekshe Chokyi Drayang (1932-2009), Lama Karcho, Khen Dawo, và Gendun Dargye.

Năm 1957, khi ngài hai mươi bốn tuổi, Jigme Puntsok được mời làm Tu viện trưởng hay “khenpo” (mkhan po) của Tu viện Nubzur. Ở đó, ngài đã trải nghiệm một số linh kiến, các kho tàng được khám phá, và khai mở nhiều địa điểm thiêng liêng được kết hợp với các kho tàng đó. Năm 1959, khi vừa hai mươi chín tuổi, ngài thiết lập sơn thất (ri khrod) của ngài tại Sengge Yanzong ở Amdo và bắt đầu hiến tặng nhiều giáo lý về Kinh điển và Mật điển.

Tuy nhiên, vào lúc này, việc đồng hóa Tây Tạng thành Cộng hòa Nhân dân Trung hoa đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người Tây Tạng, trong đó có Khenpo Jigme Puntsok. Những thử thách gay go về phương diện xã hội, chính trị, và kinh tế mà người Tây Tạng phải đối mặt trong những thập niên sau đó đã làm biến đổi tiến trình lịch sử của Tây Tạng. Trong mọi miền của Tây Tạng, các tu viện và đền chùa bị tiêu hủy và cướp phá, các thánh địa bị báng bổ, và các tu sĩ bị sỉ nhục bằng ngôn ngữ và bị hành hạ thể xác. Họ bị cáo buộc là tàn dư của những ý thức hệ phong kiến cũ kỹ và vì thế là một chướng ngại cho sự phát triển lành mạnh của một đất nước vừa mới theo chủ nghĩa xã hội. Để tránh bị ảnh hưởng bởi các biến động chính trị, Khenpo Jigme Phutsok rời tu viện và rút lui khỏi đời sống công cộng. Cùng với một nhóm nhỏ tu sĩ trung thành, ngài sống ẩn dật tại một vùng núi hẻo lánh trong khu vực Serta. Ở đó, dường như không bị tác động bởi những cơn sóng bạo động và hủy diệt liên tục, nhóm nhỏ này bí mật tiếp tục thực hành thiền định Dzogchen trong khi thọ nhận các giáo lý từ Khenpo Jigme Puntsok. Mặc dù thời buổi khó khăn, danh tiếng của Khenpo Jigme Puntsok phát triển vô cùng mạnh mẽ, và khi cuộc Cách mạng Văn hóa chấm dứt vào năm 1976, ngài đã thu hút càng lúc càng nhiều người sùng mộ tìm đến để thỉnh cầu giáo lý và lời chỉ dạy ở ngài.

Danh tiếng của Khenpo Jigme Puntsok còn vang xa hơn nữa cùng với những hoạt động có tầm nhìn rộng lớn của ngài, và tột đỉnh là việc khám phá một số kho tàng Kinh điển và vật chất cụ thể, nhờ đó thanh danh sẵn có của ngài càng đáng tin cậy. Các chất liệu trong kho tàng dưới hình thức các rương đá, những cuộn giấy vàng, và các linh vật cùng những giáo lý Kinh điển của nguồn gốc theo cách nhìn thấu thị đã khiến Khenpo Jigme Puntsok có một vị trí vững chắc trong hoạt động thấu thị truyền thống có quan hệ với Đức Liên Hoa Sanh, nhân vật thần bí người Ấn Độ vào thế kỷ thứ tám có trọng trách đưa Phật giáo Mật thừa vào Tây Tạng. Những quyển sách, hình ảnh, áp phích quảng cáo, đĩa DVD, đĩa Video, các tài liệu tự truyện, những băng ghi âm bài giảng và những chiếc kẹp, mặt giây chuyền, và linh phù đủ loại có hình ảnh của ngài được lưu hành khắp cao nguyên Tây Tạng và đến các gian hàng gần Barkhor, con phố đi vòng quanh Điện Jokhang ở Lhasa, và những địa điểm khác.

Đầu thập niên 1980, tại sơn thất mà Khenpo Jigme Puntsok đã phát triển trong núi non ở miền nam Sertha tên là Larung Gar (bla rung sgar), ngài đã dành hầu hết thời gian để thực hành và giảng dạy Dzogchen (Đại Viên mãn) trong khi danh tiếng của ngài như một hành giả đức hạnh đã thu hút càng lúc càng nhiều tu sĩ. Ngài đặc biệt nhấn mạnh vào tầm quan trọng của giới luật Vinaya của tu sĩ. Danh tiếng của ngài lớn tới nỗi ngài được Đức Ban Thiền Lạt Ma Thứ Mười (1938-1989) thăm viếng trong chuyến du hành cuối cùng đến miền đông Tây Tạng năm 1980.

tieu_su_khenpo_jigme_puntsok_2

Đức Ban Thiền Lạt Ma Thứ Mười & Khenpo Jigme Puntsok

Năm 1986, Khenpo Jigme Puntsok ban nhập môn Mạng lưới Huyền diệu của Văn Thù ('jam dpal sgyu 'phrul drwa ba), một Mật điển nổi tiếng của dòng Nyingma. Khi ngài trì tụng lời thỉnh mời Bổn Tôn bảo hộ, vị Bổn Tôn báo cho ngài là nếu ngài đi Ngũ Đài Sơn, ngọn núi ở Trung quốc được hiến cúng cho Đức Văn Thù, thì điều đó rất lợi lạc cho Phật giáo và con người. Là một Bồ Tát Trí tuệ, Đức Văn Thù là một Bổn Tôn tôn quý vĩ đại trong truyền thống Đại Thừa và được cho là có một quan hệ đặc biệt với Cộng đồng Phật giáo Trung Hoa.

Qua năm sau (1987), Khenpo Jigme Puntsok bắt đầu chuyến hành hương Ngũ Đài Sơn với ý hướng củng cố quan hệ của ngài với Bồ Tát và làm hồi sinh thực hành Phật giáo ở Trung quốc. Ở đó, ngài ban giáo lý cho vài ngàn người sùng mộ Tây Tạng, Trung Hoa và Mông Cổ. Chuyến viếng thăm Ngũ Đài Sơn khiến cho lòng kính ngưỡng đối với Khenpo Jigme Puntsok vượt qua biên giới Tây Tạng và giúp mở rộng Phật giáo Tây Tạng đến những người Trung quốc sùng tín.

Cùng năm đó, trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh, ngài gặp lại Đức Ban Thiền Lạt Ma Thứ Mười. Vị Thầy này ban giáo lý về Ba mươi bảy Thực hành Bồ Tát (rgyal sras lag len so bdun ma) và chính thức xác nhận trụ xứ của Khenpo Jigme Puntsok tại Serta. Đức Ban Thiền Lạt Ma gia trì cho Larung Gar và ban cho nó danh xưng chính thức là Serta Larung Ngarik Nangten Lobling (gser rta bla rung lnga rig nang bstan blob gling) hay Học viện Phật giáo Ngũ Minh Serta Larung. 

Qua năm sau (1988), theo lời mời của Đức Ban Thiền Lạt Ma, Khenpo Jigme Puntsok tới Bắc Kinh để giảng dạy tại Học viện Nghiên cứu Phật giáo Cao cấp. Trong hai tháng, ngài giảng về những quan điểm triết học và nghi lễ theo kinh điển từ Nyingma Gyubum cho các tu sĩ thuộc mọi truyền thống chính yếu bao gồm Geluk, Sakya, Nyingma, Kagyu, Jonang, và Bon. Ngài cũng ban giáo lý cho nhiều cư sĩ người Trung quốc.

Cùng năm đó, Đức Ban Thiền Lạt Ma Thứ Mười mời Khenpo Jigme Puntsok đến gặp ngài ở miền trung Tây Tạng trong một nghi lễ hiến cúng. Cuộc du hành cùng với Ban Thiền Lạt Ma đã biến thành một chuyến hành hương quan trọng. Ngài thăm viếng một số trung tâm của lòng kính ngưỡng Phật giáo trong đó có Cung điện Potala, Norbulinka, và tu viện Nechung và những địa điểm khác. Ngài cũng đến Sakya và Tu viện Tashilhunpo, trụ xứ lịch sử của Đức Ban Thiền Lạt Ma. Trong một chặng sau của chuyến du hành, ngài đến tu viện Samye ở Lhokha. Các tiểu sử của ngài ghi lại rằng khi ngồi trên lưng ngựa trên đường đi tới địa điểm này, ngài đã trải nghiệm những linh kiến mãnh liệt cho thấy những khám phá kho tàng sắp xảy ra.

Chẳng hạn như trong khi ở trung tâm nhập thất Chimpu, một trong những thánh địa chính yếu được liên kết với Đức Liên Hoa Sanh, Khenpo Jigme Puntsok đã tìm lại một số rương châu báu và Kinh điển. Ngài cũng khôi phục một bản duy nhất tóm tắt các Mật điển, thông điệp, và các giáo huấn cốt tủy về những giai đoạn phát triển và thành tựu (bskyed rdzogs) và Dzogchen, được cho là do Đức Liên Hoa Sanh cất dấu trong một chiếc rương đá (rdo sgrom) có hình dạng một vỏ ốc xà cừ, và sau đó trao cho Yeshe Tsogyel (ye shes mtsho rgyal) và bà đã chôn dấu nó trong các tảng đá.

tieu_su_khenpo_jigme_puntsok_3

Khenpo Jigme Puntsok - Đức Đạt Lai Lạt Ma – Penor Rinpoche

Năm 1990, Đức Đạt Lai Lạt Ma Thứ Mười bốn và Penor Rinpoche mời Khenpo Jigme Puntsok tới Nepal và Ấn Độ. Trong khi ở Nepal, ngài đi hành hương Yanglesho, nơi có một hang động mà Đức Liên Hoa Sanh đã trú ngụ trên đường đi Tây Tạng. Ở đó, Khenpo Jigme Puntsok đã khám phá những kho tàng có liên kết với Đức Liên Hoa Sanh trong đó có giáo khóa Purba Gulkhukma (phur pa mgul khug ma), Lưỡi dao Kila trong Túi Đeo Cổ. Tại Dharamsala, trụ xứ của chính phủ Tây Tạng tại hải ngoại, Khenpo Jigme Puntsok gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma Thứ Mười bốn và nhiều tu sĩ Phật giáo cao cấp cư trú ở đó. Trong một loạt những trao đổi trang trọng những lời tán tụng và tặng vật, Khenpo Jigme Pintsok đã giảng giáo lý Dzogchen và ban nhập môn Purba Gulkhukma cho Đức Đạt Lai Lạt Ma. Trong buổi lễ, người ta nói rằng Khenpo Jigme Puntsok đã nhận những linh kiến xa rộng hơn nữa bao gồm Mecho Dogu (me mchod 'dod dgu) mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thay mặt ngài viết thêm một tiết mục.

Cùng năm đó, theo lời mời của Tsering Yangdon (sinh năm 1959), Hoàng hậu xứ Bhutan, và với sự trợ giúp của Đức Dilgo Khyentse Tashi Peljor (1910-1991), Khenpo Jigme Puntsok cũng viếng thăm Bhutan. Ở đó ngài tới những thánh địa chính yếu và ban giáo lý và giáo huấn cho Vua Jigme Sengge Wanchuk (sinh năm 1955). Năm 1993, Khenpo Jigme Puntsok bắt đầu một chuyến du hành khác và viếng thăm vài quốc gia Châu Á và Tây phương bao gồm Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kong, Pháp, Anh, Đức, Canada, và Hoa Kỳ. Ở tất cả những quốc gia này, ngài ban các nhập môn, giáo huấn, và lời khuyên dạy cho những cộng đồng Phật giáo.

Larung Gar

tieu_su_khenpo_jigme_puntsok_4

Học viện Phật giáo Larung Gar

 

Trong số rất nhiều thành tựu của Khenpo Jigme Puntsok, Larung Gar, trung tâm nhập thất trong vùng núi non mà ngài đã phát triển vào đầu thập niên 1980 là thành tựu nổi bật nhất. Larung Gar là một bước ngoặt trong hứa nguyện của ngài nhằm phổ biến Phật giáo theo một cách thế phổ quát, để củng cố đạo đức của tu viện và Phật giáo, và phát triển giáo dục tôn giáo và văn hóa truyền thống Tây Tạng. Lúc ban đầu, nó được thành lập bởi vị khám phá kho tàng Dudjom Dorje (1835-1904), người phổ biến các giáo lý và thực hành cho các môn đồ ở đó. Trong số nhiều hành giả cư trú ở địa điểm này có Chatrel Choying Rangdrol (1872-1952), một đệ tử của Terton Lerab Lingpa.

Khenpo Jigme Puntsok kế tục địa điểm này vào mùa hè năm 1980 và duy trì nó như một khu trại Phật giáo Tây Tạng (chos sgar), một cộng đồng lưu động truyền thống, là nơi cư trú của các môn đồ và những người sùng mộ tập trung quanh một Đạo sư Phật giáo có uy tín. Ngài đã mở một trường cao đẳng nhỏ (bshad grwa) và một trung tâm nhập thất (sgrub grwa), và bắt đầu ban giáo lý và các luận giảng về nhiều loại Kinh điển và Mật điển. Uy tín và sự uyên bác của Khenpo Jigme Puntsok dần dần thu hút đông đảo những người sùng mộ tới Larung Gar, và chẳng bao lâu chương trình giảng dạy được mở rộng, bao gồm ngữ pháp, triết học, nhận thức luận, lý luận, giới luật tu viện, triết học Trung Đạo, các luận giảng nguyên bản Mật thừa, Dzogchen (Đại Viên mãn), và những giáo huấn cốt tủy. Xác nhận của Đức Ban Thiền Lạt Ma Thứ Mười và linh kiến của Khenpo Jigme Puntsok khiến cho Larung Gar trở thành một trong những trung tâm nổi tiếng nhất của việc nghiên cứu Phật giáo trong thế kỷ hai mươi ở Tây Tạng, và gương mẫu của ngài mang lại một luồng sinh khí mới cho truyền thống Nyingma của Phật giáo Tây Tạng, gây truyền hứng khởi cho việc phát triển vài khu trại Nyingma ở miền đông Tây Tạng.

Khenpo Jigme Puntsok hết sức chú tâm đến sự hiểu biết và những thành tựu thiền định, điều này cho thấy sự dâng hiến của ngài cho việc tu học nghiêm ngặt của các tu sĩ, giới luật Vinaya về cách hành xử, và sự tận tâm đối với hệ thống giảng dạy phổ quát, trong đó các học viên thuộc mọi truyền thống của Phật giáo Tây Tạng đều được hoan nghênh. Ngài cũng tích cực tham gia các hoạt động rộng lớn bao gồm việc khánh thành và hiến cúng các thánh địa Phật giáo, cử hành các nghi lễ phóng sanh thú vật, phát biểu về sự tôn trọng thiên nhiên, muông thú hoang dã và môi trường, và ban những lời khuyên dạy về các vấn đề thế tục cho các cư sĩ kể cả việc phát triển nhóm người Trung quốc sùng mộ. Một số tư tưởng của ngài được thâu thập trong một ít ấn phẩm ngắn gọn gồm có Ngọn Đèn Soi sáng Đạo đức Tôn giáo và Thế tục (lugs gnyis blang dor gsal ba'i sgron me) và Đám Mây Du dương Lời Khuyên Tâm huyết (snying gdam sprin gyi rol mo).

Phẩm tính đạo đức tu sĩ của riêng ngài và sự tận tụy của ngài trong việc mang lại sinh khí cho giới luật tu viện - đã bị suy yếu bởi biến động chính trị trong nhiều thập niên trong xứ sở - đã góp phần vào quan điểm phê phán của Khenpo Jigme Puntsok về một vài phương tiện thích hợp của thực hành Mật thừa. Chẳng hạn như, mặc dù ngài đã đóng vai trò của người khám phá kho tàng (Khai Mật tạng), ngài không bao giờ đồng ý việc thực hiện pháp du già tính dục với một nữ phối ngẫu ngay cả khi điều đó được quy định trong một vài linh kiến của chính ngài. Cách nhìn phê phán của Khenpo Jigme Puntsok về việc có một người phối ngẫu thường gây nên sự thù địch ở miền đông Tây Tạng giữa những vị khám phá kho tàng không độc thân và những vị Thầy Phật giáo cảm thấy bị ngài quở trách không chính đáng.

tieu_su_khenpo_jigme_puntsok_5

Khenpo Jigme Puntsok và các tu sĩ tại Học viện Larung Gar

Trong thập niên 1990, Larung Gar trở thành một trong những học viện Phật giáo lớn nhất ở Tây Tạng. Từ năm 1995 đến 2000, tổng số người ở đó khoảng 10.000, bao gồm các tăng ni, các cư sĩ sùng mộ người Tây Tạng và Trung quốc, và các hành giả Mật thừa không độc thân. Khu trại dần dần được phân chia thành bốn khu vực tôn giáo chính yếu: Ngarik Nangten Lobling, Ủy ban Tôn giáo Quốc tế, Ni viện Pema Khandro Duling, và Lektso Charpeb Ling, khu liên hợp của cư sĩ. Các vị Thầy cao cấp hay các “khenpo” phụ trách mỗi khu vực, mỗi khu gồm vài ngàn học viên có ước nguyện trở thành khenpo hay khenmo (tước vị của các vị Thầy nam hay nữ). Một số đệ tử thân thiết nhất của Khenpo Jigme Puntsok trở thành những người lỗi lạc ở Larung Gar, kể cả Khenpo Tendzin Gyatso, đảm đương chức vụ tu viện trưởng, Khenpo Tsultrim Lodro (sinh năm 1962), chịu trách nhiệm về vấn đề hành chánh của Larung Gar, và Khenpo Sodarjey, một trong những thầy giáo chịu trách nhiệm về số người Trung quốc sùng mộ càng lúc càng tăng và duy trì một lịch làm việc bận rộn gồm những chuyến du hành trong nước và quốc tế. Jetsunma Mume Yeshe Tsomo (sinh năm 1966), cháu gái của Khenpo Jigme Puntsok, là một sư cô và là một hiển lộ được xác nhận của Khandro Mingyur Pelkyi Dronma, là người đứng đầu cộng đồng ni. Cô giảng dạy cho các sư cô cư trú ở tu viện; có khoảng 5.000 sư cô ở đó vào cuối thập niên 1990.

Một trong những đặc điểm chính yếu của Larung Gar là tính chất quốc tế, đa dạng của các học viên. Các học viên tu học ở đó không chỉ là người Tây Tạng mà còn có người Trung quốc và Mông Cổ, được lợi lạc từ việc thông dịch tại chỗ và việc in ấn Kinh sách. Các tu sĩ Trung quốc đã cư trú và viếng thăm Larung Gar trong một thập kỷ vừa qua đến từ đại lục Trung quốc và những quốc gia Châu Á khác kể cả Singapore, Malaysia, và Ấn Độ. Ngoài ra, tính chất phổ quát trong cách tiếp cận văn hóa và sự nghiên cứu Phật giáo của Khenpo Jigme Puntsok đã thu hút các Tu sĩ thuộc mọi truyền thống chính yếu của Phật giáo Tây Tạng.

Sự phát triển nhanh chóng và không được kiểm soát của địa điểm và dân số của nó thường tạo nên mối lo âu trong chính quyền địa phương. Mặc dù – hay có lẽ do bởi – sự thành công của Larung Gar như một trung tâm chính yếu của việc nghiên cứu, đạo đức, và phát triển văn hóa Phật giáo, trong khoảng những năm 2001 và 2004, ba đợt đàn áp và phá hủy một cách khốc liệt đã tác động lên cộng đồng. Theo lệnh của Vụ Tôn giáo, những toán cảnh sát và công nhân xây dựng tiến vào Larung Gar và trục xuất vài ngàn tu sĩ không có giấy phép cư trú chính thức. Ít nhất một ngàn nơi tu tập bị phá hủy và hai ngàn tu sĩ kể cả các tăng và ni bị buộc rời khỏi học viện và được lệnh trở về các tu viện tại quê nhà của họ. Những người được ở lại Larung Gar được cho phép cư trú chính thức tại đó và được cấp giấy chứng minh của nhà nước.

Khenpo Jigme Puntsok mất ngày 7 Tháng Giêng năm 2004 tại Bệnh viện Quân đội 363 ở Chen du (Thành Đô), thủ phủ của Tỉnh Tứ Xuyên. Không kể những vị đã được nhắc tới ở trên, trong số những đệ tử thân cận nhất của ngài có Khenpo Namdrol Tsering, Khenchen Tsultrim Lodro, và Achuk Khenpo Drubwang Lungtok Gyeltsen (1927-2011).

Cho tới bây giờ, Larung Gar tiếp tục thu hút hàng trăm hành giả tu sĩ và cư sĩ cũng như vô số khách hành hương đến viếng thăm thánh địa. Một vài vị khenpo phụ trách các lớp kinh viện (mkhas pa) và thực chứng (grub pa) chú trọng đến việc nghiên cứu văn bản và việc thực hành nghi lễ và thiền định. Khenpo Tsultrim Lodro, giám đốc của trung tâm, hiện đang điều hành các phương diện hành chánh của tu viện, với sự trợ giúp của những người đồng sự thân thiết nhất của ông là Tendzin Gyatso Rinpoche và Khenpo Sodarjey. Từ năm 2004, mặc dù sự ra đi của vị sáng lập và lãnh đạo đầy uy tín, tu viện đã tiếp tục phát triển mạnh mẽ phần nào nhờ sức làm việc của những đệ tử thân thiết nhất của Khenpo Jigme Puntsok và sự hỗ trợ của cộng đồng những người sùng mộ Tây Tạng. Cùng với sự tham gia bền bỉ của nhiều người sùng mộ Trung quốc đến Larung Gar để khẩn cầu các giáo lý, giáo huấn, và gia hộ từ các khenpo, tất cả những điều này đã góp phần làm cho di sản của Khenpo Jigme Puntsok được tồn tại lâu dài. 

Antonio Terrone
Tháng Mười 2013
Nguyên tác: “Khenpo Jigme Puntsok”
http://www.treasuryoflives.org/biographies/view/Khenpo-Jigme-Puntsok/10457
Thanh Liên dịch sang Việt ngữ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Mười 2015(Xem: 9116)
Trong một cơ duyên dịch giáo pháp của Đức Đạt Lai Lạt ma, tôi khắc ghi lời ngài rằng, nếu không có cái nhìn tổng thể, có thể đôi khi người thực hành sẽ thấy giáo pháp, những phương pháp thực hành mà đức Phật ban có nhiều điểm mâu thuẫn nhau. Thực ra tất cả giáo pháp, phương pháp thực hành của đức Thế Tôn đều mang pháp vị giải thoát. Đức Phật tuyên thuyết nhiều giáo pháp ứng hợp cho căn cơ của mỗi chúng sinh.
27 Tháng Tám 2015(Xem: 17936)
Hôm nay, 19-11-2010, tôi đã từng được yêu cầu nói về một số hiểu biết thông thường sai lạc về Phật Giáo. Và có nhiều thứ đa dạng khác nhau, với nhiều lý do khác nhau. Có một số đặc thù là văn hóa, hoặc là đối với văn hóa phương Tây, hay đối với Á châu và những nền văn hóa khác bị ảnh hưởng bởi sự suy nghĩ của phương Tây hiện đại. Có những hiểu biết sai lầm có thể đến từ những vùng văn hóa khác
27 Tháng Năm 2015(Xem: 12026)
Cuốn sách này gồm một hợp tuyển những tác phẩm của Longchen Rabjam (1308-1363) về Dzogpa Chenpo (S. mahasandhi, Việt : Đại Toàn Thiện). Những bản dịch có một giới thiệu chi tiết căn cứ chặt chẽ trên kinh điển và những giải thích truyền thống về phương diện bí truyền sâu xa nhất của Phật giáo.
01 Tháng Hai 2015(Xem: 15428)
Sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng có những nét đặc thù mà có lẽ không nước nào khác trên thế giới có được. Vào năm 641 vua Đường Thái Tông của Trung Hoa gã công chúa Văn Thành cho vua Tây Tạng. Vị công chúa này là người thông minh, có học và là một Phật tử thuần thành.