HÒA BÌNH
THEO QUAN ĐIỂM CỦA KIM CANG THỪA Karma Lekshe Tsmo Đỗ Kim Thêm dịch “Người canh giữ đích thực cho hoà bình xuất phát từ nội tâm: tinh thần quan tâm và trách nhiệm về tương lai cho chính mình và vì phúc lợi cho tha nhân.“ H.H Dalai Lama **** Để thảo luận về vấn đề Hoà Bình theo quan điểm của Kim Cang Thừa ta cần tìm hiểu hai khái niệm Hoà Bình và Kim Cang Thừa cùng những truyền thống đặc sắc của Kim Cang Thưà. Trong phạm vi này, thì tìm hiểu tiến trình của Kim Cang Thưà trong mối quan hệ với các truyền thống Phật giáo khác và nhận thức về mối quan hệ gắn bó giữa Hoà bình và Kim Cang Thừa là vấn đề khả thi. Mặc dù Phật giáo Kim Cang Thừa có ở Trung Quốc, Nhật Bản và các nơi khác, nhưng tiểu luận sau đây sẽ đặt trọng tâm vào truyền thống Tây Tạng. Định Nghiã Hoà Bình (Shi Wa) Theo Kim Cang Thừa Âm shi thuộc về hợp âm shi wa trong ngôn ngữ Tây Tạng có hai dạng, vừa là danh từ có nghĩa hoà bình, và vừa là động từ có nghiã là ổn định hoá, tạo yên lành hoặc dẹp yên. Âm shi thể hiện trong hai hợp âm quan trọng là shi de và shi ne. Shi ne theo nghiã phổ thông là hoà bình, kết hợp của shi là hoà bình với de nghiã là hạnh phúc. Mối quan hệ chặt chẽ giữa hoà bình và hạnh phúc cho thấy cả hai là một tình trạng gắn bó mật thiết và hoà bình là một tình trạng cầu mong có hạnh phúc. Từ shi de chỉ tình trạng an bình và hạnh phúc trên bình diện cá nhân, cộng đồng, quốc gia và quốc tế. Trên bình diện cá nhân shi de chỉ sự an hoà thuộc khía cạnh tâm lý và tâm linh, thực ra hai khía cạnh này kết hợp nhau đến độ hầu như không còn phân biệt được. Mục đích giải thoát được coi là tình trạng tối hậu để đạt đến an hoà. Có môt câu nói nổi tiếng của Đức Phật khi giải thích về "Tứ Pháp Ấn" hay nguyên lý triết học của Phật giáo như sau : “Mọi tạo vật là vô thường Mọi ảo vật là bất toại Mọi hiện tượng là trống không của hiện sinh cố hữu Niết Bàn là hoà bình“ (Thích Ca Mâu Ni) Âm shi trong hợp âm shi me cũng có thể dịch là an hoà vĩnh cữu, một hình thức đặc biệt trong tu tập định tâm hay an định. Có chín giai đoạn liên tục để mô tả việc đạt đến tình trạng định tâm tĩnh lặng của tu tập thiền định: định vị (định tâm vào một đối tượng), định vị liên tục, tái lập định vị, cận định, chế ngự tâm linh, an định, an định toàn diện, tập trung vào một chủ điểm và đạt đến trầm lắng. Từ vajra được dịch nhiều cách khác nhau như là sự kiên quyết, có tính bất hoại, sấm sét và kể cả hàm chứa quyền năng. Từ yana được dịch là bánh xe, cỗ xe hay sự chuyên chở theo ý nghĩa một con đường dẫn đến giải thoát hay giác ngộ. Khi ghép thành varayana (Kim Cang Thừa) có nghĩa là một tông phái Phật giáo Đại thừa sử dụng phương pháp thiền định theo Mật tông. Từ này thường được dùng mà không phân biệt với tantrayana (Mật tông) và matrayana (Chân Ngôn Thừa). Đôi khi từ này cũng được coi như là Phật giáo thần bí dựa theo Hoa ngữ là mi cong hay Nhật ngữ là mikkya. Từ mantra (Thần chú) có nghiã văn chuơng là mạch, chuỗi hay dòng, và được diễn dịch là dòng ý nghĩa, một mạch của sự liên tục hay truyền thừa về những lời giáo huấn. Tantra (Thần Chú bằng văn bản) có tiếng là một loại hợp kim, không phù hợp với ý thức hệ có tính quy phạm. Nghi lễ theo Mật tông có sử dụng nhiều phẩm vật như thịt và rượu, đó là những thứ bị cấm trong việc tu tập của tôn giáo khác. Lịch Sử Còn Tranh Luận Con đường tu tập theo Phật giáo mở ra nhiều phương hướng: thuần lý và chuyên tâm, nhiều màu sắc và khổ hạnh, uyên náo và suy niệm. Phật giáo được gọi là một tôn giáo có đặc tính phổ quát, không phải chỉ làm thay đổi tín ngưỡng của tha nhân mà còn kết hợp những giá trị chung như hoà bình, từ bi và thành tín. Người ta dù có khác nhau về văn hoá, khuynh hướng, trình độ, chuyển hướng và tình trạng phát triển tâm linh đều có thể tìm đến Phật gíáo để tiếp cận và tu tập một cách thích hợp cho riêng mình. Theo truyền thống Tây Tạng, Đức Thích Ca Mâu Ni đã truyền giảng pháp môn Mật Tông khi Ngài còn tại thế, nhưng lời giảng quá khó hiểu cho người thông thường, vì thế mà lời giảng này được truyền thừa một cách bí mật qua hàng trăm năm. Theo lời các sử gia, những lời giáo huấn bắt đầu từ khoảng thế kỷ thứ IV tại Ấn Độ. Dù giáo huấn này có khi trở thành văn tự, cách truyền đạt giáo huấn từ sư phụ cho đệ tử vẫn còn tiếp tục và được coi như là chủ yếu để kiểm chứng tính cách trung thực của các kinh sách hay lời giảng huấn. Phật giáo Mật Tông được du nhập vào Trung Quốc và Nhật Bản qua nhiều đường lối và thời điểm khác nhau từ thế kỷ IV sau Tây Lịch cho đến ngày nay. Dù kinh điển Phật giáo Mật tông vẫn còn tồn tại bằng tiếng Sankrit, những bí ẩn về giáo huấn của Phật giáo Mật tông được lưu giữ trong ngôn ngữ Tây Tạng. Ngoài kinh điển, truyền thống hành trì theo pháp môn Mật tông còn ảnh hưởng tiếp nối cho đến ngày nay, dù chủ yếu là ở Tây Tạng, nhưng cũng có ở Trung Quốc và Nhật Bản là hai nơi có trong hai tông phái Chân Ngôn Tông và Tào Động Tông. Khái Niệm Về Hoà Bình Ràng buộc vào bản sắc và ý thức hệ là nguyên nhân chủ yếu cho việc sử dụng bạo lực trong thế giới ngày nay. Giáo huấn của Phật giáo về Vô Ngã nhằm rà soát lại những nguyên nhân của việc bám chặt vào bản ngã, chỉ quan tâm đến mình và tính tự cao tự đại của cái tôi. Khi hiểu biết về việc không có một loại tinh thần hiện hữu bất biến và độc lập hoặc là một loại khả năng có thể tự giải quyết sẽ làm giảm nhẹ mọi ràng buộc vào bản ngã và sở hữu, mà đó chính là trọng tâm của tranh chấp. Con người phải có những dị biệt về triết lý và tôn giáo hay tông phái, nhưng đó phải không là để giết nhau. Hiểu được sự vô thường của tư tưởng, thái độ và ý thức hệ giúp ta linh động hơn, khoan dung và không phản ứng khi gặp phải những người có những quan điểm khác biệt với mình. Thái độ của Kim Cang Thừa về hoà bình và bạo lực là cùng có chung một cơ sở với các truyền thống Phật giáo khác. Hoà bình và bất bạo động được đánh giá rất cao và phương cách tu tập theo Phật giáo là để phát huy đạo đức, trí huệ và từ bi cốt được đào luyện để đạt đến lý tưởng này. Lời giáo huấn của Đức Phật về "oán baó oán sẽ không bao giờ hết oán, chỉ có từ bi mới giải quyết vấn đề" thường được truyền tụng như là phương châm để sống. Tín đồ không được phép làm hại bất cứ người nào, thay vào đó, phải trân quý những người khác như chính người mẹ thân yêu hay đứa con duy nhất của mình. Phật tử được dạy là không một người nào muốn bị đau khổ và chính vì thế mà phải bảo vệ cuộc sống và để mọi sinh linh thoát khỏi mọi tổn hại, từ thể xác cho đến tinh thần, đó là điều an lạc và tạo công đức. Đạo đức Phật giáo được hình thành nhằm bảo vệ con người thoát khỏi mọi tổn hại và không làm hại lẫn nhau. Để sống phù hợp với quy luật nghiệp báo, thì mọi hành động tạo ra hậu quả và nhân nào thì quả nấy. Điều này có nghĩa là mọi hành vi tốt đẹp sẽ tạo những hậu quả an lành, trong khi hành vi không tốt đẹp sẽ gây hậu quả tương tự. Để tuân theo giáo lý này, Đức Phật dạy những quy luật qúy giá, tín đồ phải đối xử tốt với tha nhân giống như khi họ muốn tha nhân đối xử tốt với mình. Sự phát triển để quân bình tâm linh và trao giồi đức hạnh như từ bi và bác ái được tin là tạo điều kiện đưa tới hoà bình và hạnh phúc. Kinh điển Phật giáo có ghi nhiều cách trao giồi đức hạnh để nhằm ngăn ngừa những xung đột có bạo lực, giải quyết căng thẳng, duy trì bình ổn và hiển nhiên tạo được bình an tâm hồn. Theo quan điểm này, không có một kỹ thuật nào thật đặc biệt được đề ra để kiến tạo hoà bình. Đúng hơn, khi một con người thực sự có lòng đạo đức và từ bi, tất nhiên người này là một người kiến tạo hoà bình. Một người trao giồi tính an hoà trong thiền định sẽ trở thành hoà ái hơn, ít phản ứng hơn, và có nhiều tĩnh thức hơn đối với người khác trong đời sống hằng ngày. Bằng cách này, bình an tâm hồn sẽ mở rộng cho đến cộng đồng chung quanh, hành giả trở thành người đem xoa dịu và là nguồn lực tự nhiên cho mọi chuyển hoá xung đột. Phương cách ngăn ngừa và giải quyết xung đột được cô đọng lại trong đường hướng này của Phật giáo. Mọi cách thực hiện của Phật tử có thể đúc kết theo khuôn mẫu này. Trao giồi đức hạnh trực tiếp đưa tới việc nghiên cứu đạo đức Phật giáo. Đạo đức Phật giáo có nhiều phương cách hình thành khác nhau, nhưng theo truyền thống Tây Tạng thì có đề ra ba giới luật, đó là Bồ Đề Mộc Xoa, (pratimoksa), Bồ Đề Tát (bodhisattva) và Mật Giáo (tantric). Cá nhân tự luyện tập theo ba giá trị đạo đức này sẽ tạo một nền tảng đạo đức cho việc bồi dưỡng tâm linh và tạo một xã hội an hoà. Giới luật Bồ Đề Mộc Xoa là nền tảng đạo đức cho việc giải thoát cá nhân. Cả hai giới cư sĩ và tăng sĩ buộc phải giữ giới luật không được sát sanh, trộm cắp, nói dối, tà dâm và dùng ruợu. Giới luật Bồ Đề Tát là kỷ luật nhằm tạo phúc lợi và giải thoát chúng sinh khỏi khổ đau. Hơn nữa, hành trì theo pháp môn Mật Tông đòi hỏi khấn nguyện tuân thủ theo 14 giới luật chính và mười giới luật bí mật. Người theo giới luật của Mật Tông phải tuân thủ thêm giới luật của Bồ Đề Mộc Xoa và Bồ Đề Tát. Giới luật Phật giáo nhằm xây dựng xã hội an hoà và có những quy tắc đạo đức dành cho cá nhân bình thường và giới lãnh đạo. Mười tính hạnh của nhà lãnh đạo có đạo đức bao gồm lòng rộng lượng, đức hạnh, hy sinh, thành tín, tự kiểm, thân ái, thanh lịch, từ bi, khiêm tốn và khoan nhẫn. Nhà lãnh đạo lý tưởng là người cai trị với thành tín, công bình và từ bi. Với những nguyên tắc này làm nền tảng cho việc cai trị, quốc gia có thể đạt được hoà bình và ổn định, tạo điều kiện cho người dân được hạnh phúc và thịnh vượng. Những đức tính này không chỉ là nguyên tắc áp dụng cho lãnh đạo. Dĩ nhiên, những tính hạnh này làm kim chỉ nam cho cai trị tốt đẹp cũng được có thể mở rộng để áp dụng cho cá nhân. Những hướng dẫn của Đức Phật nhằm tạo lập một xã hội an hoà không thể bảo đảm là mục tiêu này sẽ đạt được, vì nhiều xã hội theo Phật giáo dễ bị tổn thương do tấn công và bị tham nhũng do những lực lượng ngoại nhập hay do những cá nhân thiếu đạo đức ngay trong lòng xã hội. Dù có lý tưởng hiếu hoà, các nước theo Phật giáo cũng có những nhà độc tài thô bạo và xung đột diệt chủng. Vì những thực tại này làm cho vấn đề giá trị hoà bình được coi như là nguyên tắc chỉ đạo cho bất cứ tình huống nào. Nhưng trước tình trạng hay đối với các đối thủ có tiềm năng dùng bạo lực thì cách cưỡng chế có thể biện luận được không? Liệu có thể so sánh cưỡng chế như hình ảnh ác thần hung nộ đánh đuổi những điều bất thiện trong ta không? Trong chừng mực nào thì những biện pháp quyết liệt này là phù hợp với tác động tích cực cho hoà bình? Bạo Lực Và Hậu Quả Đối với truyền thống của Phật giáo, kể cả Kim Cang Thừa, khi nghiên cứu thực tế thì tất cả xem bạo lực là vô nghiã. Theo quan điểm về giới luật của Phật giáo, khi cầu cứu đến bạo lực thì thắng là ít mà thua thì nhiều. Cái giá của bạo lực phải trả là chiụ cảnh chết chóc, tổn hại, mất mát, hao kém tiền bạc và gia sản, phá hủy môi trường và tổn hại về mặt tâm lý, tất cả vượt qua xa mức thắng lợi có thể đạt được. Hơn thế, việc này phù hợp với quy luật nhân quả vì có ít thiệt hại đáng kể. Hành vi bạo động luôn gieo mầm cho hận thù sau này trong tinh thần của thủ phạm sử dụng bạo lực và nạn nhân và gia đình của họ. Chính vì thế mà bạo lực biểu hiện suy đồi đạo đức dẫn đến suy vi trầm trọng mọi giá trị. Theo tinh thần của Tứ Diệu Đế, Phật tử theo truyền thống Tây Tạng xét đến nguyên nhân của bạo lực và nhận ra ba ảo tưởng tác hại cho tâm linh là gian tham, sân hận và vô minh. Ba ảo tưởng này được coi là nguốn gốc của vấn đề xã hội, kể cả trộm cắp, giết người và bạo hành trong gia đình. Những vấn đề này không thuần là cá nhân hay địa phương, nhưng còn có thể mở rộng khắp bốn phương. Thí dụ gian tham và mê say theo chủ nghĩa tiêu thụ ở một nơi trên thế giới có thể là nguyên nhân cho nghèo đói, bất công xã hội và bất ổn chính trị cho những nơi khác. Hiện nay, nhờ những phương thức chuyển vận và thông tin được cải thiện mà con người trên toàn địa cầu được nối kết nhau và ngày càng được gần gũi nhau nhiều hơn, kể cả ở những nơi hẻo lánh nhất. Những nối kết tăng lên đòi hỏi sự hiểu biết nhiều hơn, tôn trọng và từ bi hơn bao giờ hết, để ngăn ngừa hiểu lầm có thể gây ra tranh chấp và bạo lực. Mối quan hệ của mọi sinh hoạt là một bài học về sự tương thuộc trong một thế giới càng ngày càng nối kết. Khái niệm về Hoà bình của Phật giáo là toàn diện, nối kết sự phát triển tâm linh và hoạt động trong thế giới hằng ngày. Khởi đầu với sự chấp nhận và chuyển hoá những mầm móng bạo lực trong tâm trí từng con người, người ta có thể mở rộng một chương trình hành động từ căn bản cá nhân rồi đến gia đình, cộng đồng, quốc gia và vượt qua để tiến đến toàn vũ trụ. Kinh điển Phật giáo mô tả một nền hoà bình toàn diện bao gồm mối quan hệ xã hội, chính trị và cá nhân cũng như là mối quan hệ tâm và thân của cá nhân. Quan niệm tổng thể về một nền hoà bình toàn diện có thể được coi như là một phương tiện vừa ngăn ngừa và chỉnh sửa việc sử dụng bạo lực sai lầm theo cấu trúc. Lý tưởng của Phật giáo về khoan dung và kết hợp văn hoá, cũng có thể được coi là một phương tiện để ngăn ngừa và sửa sai bạo lực xuất phát từ văn hoá. Như đã được nhiều người biết rõ, tinh thần khoan dung và tôn trọng sự đa dạng các quan điểm tôn giáo và triết học được công nhận như là một yếu tố chính trong sự phát huy trong lịch sử của Phật giáo. Phật giáo thích ứng thành công trong những môi trường mới lạ và nhất là khi có khác biệt về văn hoá. Khái niệm về Hoà bình như là hành vi bất bạo động mang tính cấu trúc đòi hỏi ta nhận định lại tất cả khái niệm và thái độ thường làm hợp pháp hoá bạo lực trong mọi hình thức. Vì thế mà cách nhận định này trở nên cần thiết để phân tích mối quan hệ giữa bất bình đẳng giới tính và bạo lực, đặc biệt là những cấu trúc tạo nên bạo hành chống phụ nữ và trẻ em. Mọi hình thức phân biệt giới tính làm hại đến một vài mức độ của sự an hoà, đó là kết quả. Nền Tảng Triết Lý Của Tinh Thần Bất Bạo Động Là một tông phái của Phật giáo Đại thừa, mục tiêu và thành quả của việc hành trì theo Kim Cang Thừa nhằm đạt Phật tính. Những điều kiện thiết yếu cho việc tu tập theo cách này là theo ba nguyên tắc dẫn lối mà Atisa, một tăng sĩ người Ấn và cũng là một học giả đã chú dẫn trong tác phẩm "Ánh Sáng Soi Đường Giác Ngộ" (1983) như sau: từ bỏ, đạt tâm Bồ Đề và trực diện tính không. Từ bỏ đuợc định nghiã là quyết định không còn muốn tái sinh vào cõi luân hồi. Thái độ tĩnh thức là nguyện vọng vị tha mong đạt được như tình trạng giác ngộ tuyệt mỹ của Đấng Như Lai để nhằm cứu chúng sinh vật thoát khổ. Trực diện tính không là một loại trí huệ đạt được khi xem thực tại cố hữu của mọi hiện tượng là không thực. Nếu không theo đuổi ba nguyên tắc này, thì việc tu tập theo Kim Cang Thừa không thể đạt được mà còn nguy hiểm. Lập luận theo sau ba nguyên tắc tu tập này kết hợp toàn diện đưa tới sự hiểu biết quan điểm Kim Cang Thừa về hoà bình và bất bạo động. Trước tiên, để đạt đến tình trạng giải thoát hay giác ngộ, điều cần thiết phải khởi động cho việc từ bỏ tuyệt đối. Thúc đẩy này có nghĩa là từ bỏ mọi ràng buộc trong vòng luân hồi và từ bỏ mọi nghiệp dẫn đến tái sinh, đặc biệt là những hành vi bất thiện dẫn đến tái sinh trong điều kiện chuyển kiếp bất hạnh với mức độ thấp hơn, thí dụ như thú vật, qủy đói hay sa vào địa ngục. Giết một sinh vật hữu tình (là một sinh vật có ý thức) được xem như là một hành vi bất thiện nghiêm trọng mà kết qủa là tái sinh vào địa ngục. Không phải chỉ bị hành hạ trong địa ngục mà còn chịu hình phạt trong cả một thời gian dài, gây trở ngại lớn lao cho việc đạt đến giải thoát. Thứ hai, để đạt đến giác ngộ tuyệt mỹ, khởi động tâm Bồ Đề là cần yếu. Tĩnh thức này trở thành đấng Như Lai giác ngộ toàn diện và hỗ trợ cho chúng sinh thoát khỏi vòng luân hồi. Đây là một công việc mà Tôn giả Tịch Thiên (Santideva), một sư phụ người Ấn xem là căn cơ nhất trong 84.000 pháp môn của Đức Phật. Có bảy bước tu luyện để đạt đến giác ngộ, tùy theo sự hiểu biết mà tất cả mọi chúng sinh sẽ tái sinh vào cõi luân hồi. Vì thế, mọi chúng sinh đều có liên hệ nhau trong nhiều cách khác nhau. Bảy bước đó là 1) công nhận chúng sinh như là mẹ chúng ta trong một thời điểm nào đó, sinh ra trong chúng ta và chúng tỏ cho chúng thấy lòng từ ái vô hạn. 2) công nhận chúng ta nhận nhiều ân huệ của chúng sinh vì họ là mẹ và cưu mang chúng ta với từ tâm. 3) quyết tâm đền đáp lòng từ ái này cho tất cả chúng sinh. 4) khởi động từ tâm, cầu mong cho chúng sinh đạt đuợc hạnh phúc 5) khởi động lòng từ bi, công nhận rằng chúng ta hiện không đủ khả năng để cứu mọi chúng sinh thoát vòng đau khổ 6) khởi động suy tưởng đặc biệt, quyết tâm nhận trách nhiệm giải thoát chúng sinh khỏi vòng đau khổ và cuối cùng 7) đạt đến tâm Bồ Đề đích thực, mơ uớc đạt đến giác ngộ, công nhận rằng chỉ có Đấng Như Lai giác ngộ có khả năng gải thoát chúng sinh khỏi đau khổ. Để trở thành Như Lai thức tĩnh toàn diện, điều cần thiết là phải tránh phải tránh mọi hành động và suy nghĩ bất thiện và cố đào luyện thực hành mọi suy nghĩ và hành động hướng thiện. Kết quả là điều tất yếu là tránh làm tổn hại cho mọi sinh linh, gồm có mọi hành vi bạo lực dù là qua thân, tâm và ý. Thứ ba, để đạt đến tình trạng giác ngộ, cần phải phát triển việc trực diện tính không. Cội nguồn của mọi hành vi bất thiện và ràng buộc với chúng sinh trong vòng luân hồi là vô minh, hoặc là không hiểu biết về những cách đích thực của sự hiện hữu của các hiện tượng. Chúng sinh vô minh sẽ hiểu biết sai lạc về những hiện tuợng vô thường mà cho là thường hằng, những hiện tượng bất toại mà cho là thanh thoả, và những hiện tượng không có bản ngã mà lại cho là có bản ngã, và chủ yếu hay hiện hữu đích thực Nếu hành trì theo Kim Cang Thừa, thì thiền định sẽ phát huy được nhờ kỹ thuật thiền định của du già về những luồng gió và luồng năng lượng trong cơ thể. Khả năng kết hợp 72.000 nguồn gió hay năng lượng vào thành một nguồn tâm lực chính là điều có thể tôi luyện được, nhờ thế, mà đến phút lâm chung, người ta có thể chuyển hướng ý thức của mình thẳng vào cõi tinh độ của Phật A Di Đà. Trong bốn cách của Mật tông là thực hành, tạo thành quả, thiền hành và tránh loạn động - hành giả sẽ khởi động quán tưởng những thể hiện sinh động của chư thiên, tự đồng hóa mình như là những chư thiên đã giác ngộ và cuối cùng hãnh diện thành chư thiên. Hình ảnh đạt giác ngộ là trọng điểm trong sự quán tưởng mà người tu thể hiện qua hình thức hoặc là thiện hay ác. Mục đích không phải là vượt qua những ô trược về tâm ý hoặc là chuyển hoá chúng, mà còn đối diện với chúng, sử dụng chúng trong tiến trình thức tĩnh. Như là phân bón cho ruộng đồng, những cảm xúc gây đau khổ như mong muốn, nếu sử dụng một cách khéo leó, có thể được dùng trong lộ trình này. Thí dụ như trong bốn cách hành trì theo pháp môn Mật Tông, hành giả khởi động một cách có ý thức bốn loại hạnh phúc này - thể hiện qua nhìn, cười, ôm nhau và kết hợp - và sử dụng những thể hiện này như là phương tiện cho việc tu luyện theo con đường này. Biểu tượng nam nữ kết hợp là quy luật cho sự bổ túc giữa những phương tiện thiện xảo của nguời nam gắn bó với trí huệ của người nử. Tính cách thần thánh trong sự kết hợp thân xác nam nữ là biểu hiện hạnh phúc không thể tách đôi và đạt đến tĩnh lặng. Phương Cách Thiện Xảo Của Tĩnh Thức Có nhiều môn phái triết lý, phương cách tu tập và biểu hiện văn hoá khác nhau, đó là đặc điểm chung của Phật giáo Đại thừa. Có những cách diễn giảng khác nhau về giáo lý cơ bản, cũng là đặc điểm chung. Về mặt phương pháp, học giả Mật Tông phân loại việc tu tập theo Đại thừa vào loại Ba la Mật, (được biết như là Khế Kinh) và Chân Ngôn Thừa (được biết như là Mật Tông hay Kim Cang Thừa). Khái niệm của Đại thừa là Như Lai Tạng (Phật Tánh), tiềm năng của sự giác ngộ luôn có sẳn trong tất cả chúng sinh. Trước khi theo đuổi việc tu tập theo pháp môn Mật tông, hành giả cần có hiểu biết vững chắc về cơ bản giáo lý Phật giáo. Hành giả tôi luyện hằng ngày theo ba cách: thái độ đạo đức, tập trung thiền định và trí huệ. Hơn nữa, hành giả cần tuân thủ sáu đức tính để đạt đến sự hoàn hảo (theo tinh thần đáo bỉ ngạn) là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ. Điểm thứ ba trong sáu đức tính này là nhẫn nhục được xem như là một liều thuốc hóa giải sân hận. Đức Đạt Lai Lạt Ma XIV biểu lộ việc tu tập lòng kiên nhẫn của Bồ Tát như người mẹ khi bị trẻ sơ sinh đánh vào người, kéo tóc đưa tay vào mắt của bà. Cũng tương tự như vậy, Bồ Tát muốn có nhiều thời gian để đạt đến việc hoán cải sinh linh. Hơn nữa, hành giả cần hoàn tất chương trình tu tập nhập môn (ngondro), lập laị 100.000 nghi thức cúng lạy, thần chú 100 âm của Kinh Kim Cang và thiền định theo giới đàn (mandala). Cách thực tập thiền định theo sư phụ khác nhau đáng kể, tùy thuộc vào cách chỉ dẫn của sư phụ. Mỗi lời giáo huấn của sư phự về quán tưởng hướng về trọng tâm của một dòng truyền thừa để giúp tìm ra một đối tượng cho viêc quy y. Thông qua phép quán đảnh, hành giả thấy có sự hiện tiền cũa đấng giác ngộ như là cội nguồn của giáo lý và ân huệ. Sau khi hoàn tất khoá tu khởi đầu chuẩn bị, hành giả sẽ nhận được phép quán đảnh Mật tông của sư phụ. Phép này bắt chước theo giới đàn của một người đã đạt đạo, được coi như là một vị hoá thần trong quán tưởng, hoặc là Đức Phật hoặc là Bồ Tát, nam hoặc nữ, thể hiện trong qua vai thần Hộ Pháp: thiện thần hay ác thần. Nghi lễ kéo theo việc nhận bốn phép quán đảnh: hình thức bình, mật truyền, trí thức và ngôn từ. Mục tiêu của hành trì là đạt đến tính không như điểm tối hậu cho tất cả mọi khía cạnh tu tập mà hành giả và chúng sinh là những người trực tiếp hưởng thành quả của tu tập. Thiền định nương theo chư thiên làm đối tượng của quán tưởng và giới đàn chính là nơi an trú tịnh độ tuyệt vời của chư thiên mà cũng được xem như là đặc điểm của tính không. Cùng lúc với việc đạt đến giác ngộ, hành giả sẽ có hai hình thái của Đức Phật: sắc thân và pháp thân. Pháp thân có thể hiểu theo hai khía cạnh: đặc điểm toàn năng của giác ngộ và đặc điểm tính không của giác ngộ. Sắc thân có thể được hiểu theo hai khiá cạnh: hoan hỷ và lan toả. Đạt được pháp thân qua tu tập thiền định hành giả trao giồi trí huệ hoặc nhận thức hướng về tính không. Đạt được sắc thân, hành giả trao giồi những phương thúc thiện xảo như là phương pháp. Tôi luyện trí huệ đạt kết quả hoàn mãn với nhận thức về pháp thân Đức Phật, trong khi trao giồi phương pháp thiện xảo đưa tới rèn luyện thể xác theo sắc thân Đức Phật. Về bản chất, nguyên nhân và hậu quả giống nhau. Điều này có nghiã là tích lũy trí huệ tạo nên chân lý, trong khi tích lũy phương cách thiện xảo giúp thể hiện sắc thân. Thiền định về tính không là chủ yếu, nhưng chỉ thiền về tính không không đủ để đạt đến giác ngộ. Thiền định về tính không cần kết hợp với lòng vị tha và phưong tiện thiện xảo để làm giảm đi lòng khổ đau và mang lại hạnh phúc cho chúng sinh. Hành Trì Theo Phật Để Trao Giồi An Lạc Pháp môn Mật tông dùng quán tưởng là một phương tiện chuyển hoá, nhờ đó mà thay đổỉ những ô trược thường tục của tinh thần như giận dữ và ham muốn để hướng về con đường giác ngộ. Cũng giống như những truyền thống tâm linh khác, việc tu tập bao gồm nhiều yếu tố kinh nghiệm về quán tưởng, nhưng trong trường hợp Mật tông thì khả năng kiểm soát quán tưởng là chính. Trọng tâm của tu tập được gọi là du già theo chư thiên, nghịã là tự quán tưởng hướng về một đấng đã giác ngộ và muốn là mình sẽ trở thành đấng này. Dù có một số đấng giác ngộ tương tự như trong pháp môn Mật tông của Ấn độ giáo, nhưng các đấng này không được xem như là những vị thánh thông thường, mà là một khuôn mẫu cho việc đạt giác ngộ của riêng mình. Nói một các khác, bằng cách quán tưởng và đồng hoá mình với bậc tuệ giác, hành giả sẽ hấp thụ những đức tính này và tự biến mình sẽ trở thành người giác ngộ viên mãn. Nhận chân bản sắc của chư thiên để đạt đến giác ngộ là trọng tâm của việc tu tập theo Kim Cang Thừa. Đào luyện pháp thân giác ngộ theo Đức Phật thông qua nhiều cách hành trì, kể cả việc tu tập theo du già của chư thiên sẽ đạt đến sắc thân với 32 điểm chính và 80 điểm phụ cùng lúc với đạt đến mức độ giác ngộ viên mãn. Hành trì theo pháp môn Mật tông bao gồm việc thiền định quán tưởng hướng về chư thiên, kết hợp tâm, thân và ý của chính mình với tâm, thân và ý của đấng giác ngộ mà mình quán tưởng. Mọi hình thức này được cảm nhận như hình thức đã đạt đạo của chư thiên, mọi âm thanh được cảm nhận như là âm thanh của chư thiên và mọi sinh hoạt tâm linh được cảm nhận như là trí huệ của chư thiên. Trong việc tu tập theo du già chư thiên, hành giả khởi động một sự hãnh diện như thần thánh của việc hoá thân qua thiền định. Việc hoá thân này đuợc nói tới như là thăng tiến để đạt được Như Lai tánh. Chính vì thế mà tu theo Mật tông được coi như là một con đường tắt. Trong khi con đường này mở ra một tuyến đường nhanh để đạt đến mục tiêu tối hậu thì nó có cả những trách nhiệm và nguy hiểm. Chính vì thế mà còn gọi là con đường hiểm nghèo. Những hoạt động của chư thiên theo Mật tông bao gồm có việc tạo an hoà, thăng hoa, tăng nghị lực và hủy diệt. Biểu hiện về quan hệ tình dục giữa hai người nam nữ đã đạt đạo có giá trị tượng trưng cho việc phối hợp giữa trí huệ và từ bi, một điều kiện đòi hỏi cho việc trở thành Phật. Hành trì theo Kim Cang Thừa khởi đầu bằng cách nhận phép quán đảnh từ một vị su phụ là lama, rồi chuyển hóa khả năng từ việc tập trung quán tưởng vào một chủ điểm duy nhất trong nhiều hình ảnh khác của Đức Phật và các Bồ Tát. Đối với hầu hết các hành giả, kể cả các tăng sĩ trong tu viện, hành trì theo Kim Cang Thừa được thành tựu qua quán tưởng, chỉ có các bậc du già có trình độ cao cấp mới được phép tu tập với người bạn đường của minh. Nếu thiền định hướng về chư thiên thể hiện qua việc quan hệ thân xác, hành giả khởi động một cách có ý thức về các mức độ ham muốn thể xác để tìm hiểu về bản chất đích thực của ham muốn. Trong pháp môn Mật tông, khi thực tập với người bạn đường của mình thì khác với việc tu bằng cách quán tưởng, đây là một cơ hội đặc biệt cho bậc hành giả có trình độ cao, với điều kiện là người này không bị ràng buộc bởi quy luật của tu viện và đạt được những điều kiện đề ra như là từ bỏ tuyệt đối, thái độ giác ngộ qua hành vi vị tha và trực diện tánh không. Tín đồ của truyền thống Phật giáo Tây Tạng, kể cả tông phái Cách Lỗ (Gelugpa), coi việc thực hành trung thực tình dục của du già là có đạo hạnh, khi những điều kiện vừa kể đạt được. Hành giả theo quy luật tu viện với cách quán tưởng hơn là thực tập với người bạn đời của mình. Theo Kim Cang Thừa, quán tưởng thường dùng để thay đổi khái niệm và cùng lúc là những phương hướng mà chúng ta thích nghi được thế gian. Những vị thần Hộ Pháp thường được xem như đối tượng để tập trung trong tụng mật chú, vì các vị này - Đức Phật và các Bồ Tát - là một khuôn mẫu của giác ngộ, và nhờ đó chúng ta ngộ ra rằng hiện hữu thật sự là tính không, và về bản chất thì thân xác của một người thường cũng là hư không. Những vị thần hoá thân hay những khuôn mẫu điển hình của giác ngộ là đối tượng của du già hướng về chư thiên, đây là việc do tự khởi động của tâm thân và được thể hiện qua hình thức hướng về thiện thần hay ác thần. Chư thiên là đối tượng của tu tập thiền định thường được các lạt ma tuyển lựa dựa trên những phương thức thiện xảo và tùy theo khuynh hướng của hành giả. Hiểu biết về tiến trình quán tưởng đòi hỏi có ý thức và có phương cách mà con người thường cảm nhận sai lầm về thực tại. Thay vì cảm nhận hiện tượng thuần túy và trực tiếp, ý thức của một con người bình thường luôn bị bóp méo tiêu biểu qua trung gian các mẫu mã, khái niệm và phán đoán. Chính vì thế mà nguồn gốc của các nhận định sai lạc này là những ô trược tâm linh làm ngăn trở nhận thức con nguời về bản chất đích thực của hiện tượng. Tiến trình tự quán tưởng của con người thành bậc giác ngộ là phương tiện mạnh mẽ để dẹp bỏ những ô trược tinh thần. Khi hành giả bất đầu quen thuộc với chư thiên do quán tưởng và đồng hoá mình với những bậc này, thì hành giả nhận thức được về bản chất đích thực của tâm mình, một tiềm năng để đạt đến giác ngộ. Nhờ trao giồi khả năng thiền định theo chư thiên và biến đổi môi trường tu tập mà hành giả nhận chân khuynh hướng của tâm thân khi có cảm nhận sai lầm, khi bị bóp méo và dự kiến một cách có ý thức về những hình thức và nội dung. Thay vì phải chịu làm nạn nhân của phiền não tâm linh, cảm nhận sai lạc thì nhờ hành trì theo Mật tông, hành giả đạt được chủ động xuyên qua một tiến trình quán tưởng tích cực, tự thực hiện để chuyển hóa tâm linh. Một khía cạnh trong tiến trình này là nuôi dưỡng khả năng kiểm soát tâm linh, nhưng cũng có một khía cạnh khác là tạo ra một thế giới lý tưởng và thể hiện cách cảm nhận qua giác ngộ, đó là do trí huệ, tâm từ bi, tính ung dung và tinh thần đột biến. Các kinh nghiệm có thứ bậc này đóng góp bổ ích cho tiến trình giác ngộ. Không phải chỉ có khuôn mẫu đặc trưng cho hoà bình, bố thí và từ tâm được sử dụng trong tiến trình này, mà còn có ham muốn và những tư tưởng chủ yếu và cảm xúc khác cũng là phương tiện thiện xảo gây ảnh hưởng đến giác ngộ. Những hình thức giác ngộ thường được sử dụng trong thiền định theo Kim Cang Thừa thật rắc rối và biến dạng cực kỳ. Khi hành giả quán tưởng một cách liên tục, cầu nguyện và nhập thân vào một đấng giác ngộ, thì họ sẽ khởi động một ý thức bất nhị của thường tục (một tình trạng có ý thức mà vẫn chưa đạt đến mức độ giác ngộ) và của tối hậu (của tình trạng đạt đến giác ngộ của chư thiên). Tiến trình này tương tự như tình trạng bất nhị giữa luân hồi và thiên đàng, mà trong bản chất của cả hai có đặc điểm như là tính không. Thiền Chỉ Quán (samatha) và Thiền Minh Sát Tuệ (vipasyana) là hai phương cách chính của tu thiền, thường được sử dụng một các hoán chuyển nhau. Thứ nhất dùng để phân tích và thứ hai để thích nghi tâm thân vào tính không. Hành trì theo Kim Cang Thừa, hình thức giác ngộ của chư thiên được hiểu hai khía cạnh đồng thời nhau, vì vừa là hiện hữu theo thường tục lại vừa là tính không theo tối hậu. Cũng giống như khái niệm về luân hồi và thiên đàng, mà cả hai có mục tiêu tối hậu là có tính hư không, thì ở mực độ thường tục của thực tại, cả hai cùng hiện hữu nhưng không có bản chất chủ yếu. Chính vì thế mà trong khi mục tiêu tối hậu của việc hành trì theo pháp môn Mật tông là giác ngộ, lợi điểm thực tiễn việc tu tập này là tạo khả năng vượt qua mọi trở ngại và được an hưởng một cuộc sống trường thọ. Kinh điển Mật tông mô tả quy lễ tu tập nhằm kết hợp với các cách hành trì khác nhau liên quan tới các vị hoá thân. Quy lễ Mật tông khởi đầu bằng cách cầu nguyện an trú và khởi động Bồ Đề Tâm, một thái độ vị tha cầu mong giải thoát sinh linh khỏi mọi khổ đau. Kế đến là giải thoát khỏi thực tại thường tình qua dạng của tính không, và thay vào đó, quán tưởng đến vị hoá thân, đấng mà ta muốn dâng hiến và cung kính kỉnh lể. Tia sáng chuyển động sẽ chuyển từ vị hoá thân sẽ xóa tan ô trược và trở nghiệp, để chuyển hoá thành môi trường thành cõi tịnh độ của chư thiên. Thân, khẩu và ý của hành giả và của chúng sinh trở thành đồng nhất với thân, khẩu và ý của đấng giác ngộ. Tất cả hình thức này được coi như hình thức của chư thiên, tất cả mọi âm thanh là mật chú và tất cả tư tưởng là trí huệ giác ngộ của bậc đã đạt giác ngộ. Khi quán tưởng các mật chú được tụng càng lâu càng tốt trong lòng của hành giả Hành trì kết thúc khi toàn bộ các quán tưởng đạt đến trạng thái tính không. Kế đến hành giả suy niệm trong tâm của mình về đặc điểm của tính không. Cuối cùng, hành giả hướng đến chúng sinh về công đức đã tích lũy đưọc trong lúc tu tập. Chư thiên quán tưởng khi định tâm qua dạng giới đàn (mandala) và nghi thức này cùng với lễ nhạc gồm có cầu nguyện với mật chú bằng pháp âm và pháp ấn. Hình thức quán tưởng theo chư thiên trước đỉnh đầu cho đến khi nào mà hành giả cảm nhận được là mình được thêm sức qua phép quán đảnh, có thể thành chư thiên và đồng hoá mình được với chư thiên giác ngộ về tâm, thân và ý. Một thí dụ về quy lễ là nghi thức theo Phật Quan Âm nhằm trao giồi tính từ bi. Trong truyền thống Kim Cang Thừa, có vô số Đức Phật và Bồ Tát hành đạo như những vị hoá thân thành Hộ Pháp. Từ chư thiên hay hoá thân dùng ở đây chì có tính hướng dẫn, đã có nhiều chú giảng trong các nghiên cứu tôn giáo tổng quát và đặc biệt nghiên cứu về Mật tông. Thần Hộ Pháp được thể hiện trong hai hình thức hoặc là thiện thần hay ác thần, vì Thần Hộ Pháp có nhiều dạng khác nhau, nên có thể thể hiện cả hai hình thức. Thí dụ một vị thiện thần là Phật Quan Âm, một vị Bồ tát với tính từ bi, mà khuôn mặt thể hiện tịnh khiết và vị tha. Thần Hộ Pháp thể hiện ác thần là Hàng Phục Dạ Ma (Yamantaka), Bát Đầu Minh Vương (Hevajra) và Đại Hắc Thiên (Mahakala). Ác thần không phải là ác qủy, đây là một cảm nhận sai lầm, mà chính là một biểu hiện tâm linh để buộc người tu loại bỏ mọi trở lực nội tại và ngoại lai. Một vài vị Thần Hộ Pháp có hình thức khác nhau, kể cả thiện và ác. Thí dụ, Lục Độ Phật Mẫu (Tara), là đấng giác ngộ mang hình nữ giới nhưng biểu hiện qua 21 hình dạng khác nhau, mỗi hình dạng có vị thế độc đáo với những đặc trưng chuyên biệt. Tara nổi danh nhờ quyền năng chuyển hoá những ô trược và làm việc miệt mài đem phúc lợi cho chúng sinh. Một khi vị sư phụ thông qua phép quán đảnh tuyển chọn hay chấp nhận một vị Thần Hộ Pháp thì hành giả được phép tu theo pháp môn Mật tông coi vị Thần Hộ Pháp này như là một đối tượng để mình quán tưởng. Khởi động lòng tự hào thần thánh tự hoá thân để trở thành chư thiên thay đỗi nhận thức từ một tâm trạng nhận thức thường tình chưa giác ngộ để trở thành đạt đến tâm trạng giác ngộ. Lý Tưởng Hoà Bình Của Phật Giáo Và Thực Trạng Bạo Động Dĩ nhiên lý tưởng của Phật giáo về Hoà Bình không luôn được áp dụng một cách tuyệt vời tại các xã hội theo Phật giáo. Một xã hội binh thường là nơi trú ngụ của những cá nhân bình thường và chưa đạt giác ngộ. Vì thế mà họ là những người dể bị tổn thương với những cảm xúc phiền não, giam tham, sân hận và vô minh. Giống như những kỷ năng khác, tinh thần bất bạo động đòi hỏi luyện tập và thiền định đòi hỏi nhiều thời gian và thật tâm kết ước. Taị các xã hội theo truyền thống Phật giáo, luôn có tu viện và tăng sĩ du già theo việc hành trì này trong cô tịch. Ngay cả tại các xã hội đề cao tinh thần bất bạo đông, không phải tất cả mỗi cá nhân đều có thể hoàn thiện tinh thần hiếu hoà một cách toàn diện. Liệu có nên xem việc hủy hoại các tiêu cực là bạo lực chăng? Cưỡng chế của các ác thần có nên xem là hữu ích tất yếu cho việc xoá tan những hoang tưởng gây tác hại tâm linh và dẹp bỏ mọi chướng duyên trong hành trì không? Cách cưỡng chế này liệu có thể dùng để biện luận nhằm vượt qua những cơn bệnh của xã hội đuợc chăng? Nếu một nền kinh tế toàn cầu được dẫn dắt bởi các bậc đạt giác ngộ và những động lực thúc đẩy của họ chỉ nhằm đem lại phúc lơi cho mọi tạo vật trên thế gian, thì thành qủa này là tích cực. Nhưng nếu nền kinh tế toàn cầu được điều khiển bởi các cá nhân chạy theo tư lợi và do lòng tham thúc dục, thì việc điều hành cơ chế chỉ đưa tới lừa đảo, tham nhũng và bóc lột. Bất công kinh tế ngày một gia tăng đưa tới căng thẳng và xung đột có bạo lực. Nguồn Lực Của Phật Giáo Cho Hoà Bình Truyền thống Phật giáo theo Kim Cang Thừa có những nguồn lực nào để tạo hình cho một thế giới bất bạo động? Trước hết, cũng giống như các truyền thống Phật giáo khác, Kim Cang Thừa giúp ta tìm ra nhận thức có ba đặc điểm chủ yếu của cuộc sống (tam pháp ấn): khổ, vô thường và vô ngã. Nhận thức về khổ tìm ra được thực tại mà vạn vật là không thể trường tồn. Nhận thức về vô ngã xoá tan tinh thần vị kỷ và bất chấp quyền lợi riêng tư mà Phật tử xem là nguồn gốc cho tranh chấp và phản ứng bằng bạo lực. Suy giải về vô ngã cũng là một phương tiện tìm hiểu về con người bằng cách nhận chân ra ngũ uẩn, đó là sắc, thọ, tưởng, hình và thức. Suy nghĩ về ngũ uẩn giúp ta xoá tan những khái niệm thông thường về bản ngã, một khái niệm quen thuộc về bản ngã trong cụ thể, một thực thể đang xãy diễn, và khái niệm về bản ngã như một thực tại thường hằng, vì nó sẽ có giá trị nhiều hơn. Tiến trình phân tích này thường được dùng để nhìn thấu đáo hơn về khái niệm bản ngã, tách rời những khuôn mẫu bám chặt vào bản ngã, ràng buộc này dẫn đến xung đột có bạo lực. Tiến trình này giúp ta nuôi dưỡng nhận thức về bản chất đích thực và hành động để giải độc những tư tưởng nắm chặt tự ngã và ham muốn. Tu tập có quan hệ là suy niệm về tính vô ngã của bản ngã và của hiện tượng. Hành trì này nhằm tháo gở mọi ràng buộc tự ngã vì xem bản ngã như là một cuộc sống đích thực. Lợi điểm thiết thực của việc hành trì này là đạt đến khả năng bỏ đi những kỳ vọng, phẩn hận, ác cảm, thất vọng, giận dữ khi mọi kỳ vọng không đạt được. Một lợi điểm khác của tu tập là đặt nghi vấn về những suy đoán. Những nghi vấn quen thuộc có liên hệ ở đây là kỳ thị giới tính. Kỳ thị này tạo quan điểm về kinh nghiệm của hai loại giới tính một là bị trị hoặc một là thống trị. Qua tiến trình phân chia theo giới tính xem đàn ông là chủ động và đàn bà là thụ động, thì khái niệm này có thể tháo gở thành kiến trọng nam khinh nữ, vì gây tác hại. Bạo lực cuồng loạn qua các phim ảnh hay video trở thành món ăn hàng ngày cho khán giả có thể được xem như một loạị sản phẩm tạo nên phân biệt giới tính trong xã hội. Khi cho là nam giới thì cứng rắn và hung hãn, còn nữ giới thì e dè và thuần phục, thì khái niệm này phân chia cá nhân thành những khuôn mẫu trái hẳn với tự nhiên và gây nản lòng, tất cả tác động đến những thái độ gây hấn, làm thiệt hại và áp dụng theo quân phiệt. Khi các khuynh hướng của các chính phủ muốn đạt mục tiêu của mình và có gây tác hại tôn giáo thì Phật giaó cũng không thể tránh khỏi ảnh hưởng. Sau khi được du nhập vào Tây Tạng thì Phật giáo là một nguồn lực mạnh trong việc tạo an hoà, nhưng cũng có những hành vi baọ lực lại thĩnh thoảng xảy diễn, ngay cả giữa các tu viện với nhau. Lịch sử cho biết là để củng cố quyền lực tại Tây Tạng Ngài Đạt Lai Lạt La V đã hợp tác với Mông Cổ và có trừng phạt với các tấn công bằng vũ trang. Phật giáo cùng đồng tình với Hobbes khi triết gia này nói là nguyên nhân của bạo lực không phải do nhân tính, nhưng vì thiếu sự tưởng tượng về giải pháp bất bạo động luôn sẳn có, chỉ cần đề ra một cách khôn khéo và thi hành. Quan điểm đạo đức quốc tế của Đat Lai Lạt Ma XIV và những hành vi bất tuân dân sự của người Tây Tạng lưu vong và trong nước chứng tỏ rằng đề kháng không cần bạo lực là hữu hiệu. Ngay cả khi đối đầu với bạo lực đang gia tăng trong thế giới ngày nay, lòng chính trực đạo đức của tinh thần đối kháng bất bạo động vẫn luôn được công nhận và cổ vũ. * * * Nguyên tác bản dịch: “Shi Wa: A Vajrayana Buddhist Perspective”, The Palgrave International Handbook of Peace Studies: A Cultural Perspective, Wolfgang Dietrich, Josefina Echavarria Alvarez und Gustavo Esteva von Palgrave (2011), 229-242, Basingstoke, Palgrave Macmillan. Bản dịch không có phần chú thích và thư mục tham khảo trong nguyên tác. Karma Lekshe Tsomo là giáo sư Phật Học tại Đại học San Diego và là tác giả sách Into the Jaws of Yana, Lord of Death: Buddhism, Bioethics and Death (Albany: State University of New Yorrk, 2006). |