Thực Hành Đúng Đắn

29 Tháng Chín 201000:00(Xem: 14571)

Thực hành Đúng đắn

1. Quán tưởng Cây Quy y

Ta quán tưởng toàn thể cây quy y trong không gian trước mặt chúng ta. Trước tiên ta quán tưởng Đức Dorje Chang (Kim Cương Trì) – vị Lạt Ma tượng trưng cho mọi suối nguồn của sự quy y. Ta quán tưởng Lạt Ma là trung tâm của cây quy y. Ta nên hoàn toàn tỉnh giác rằng Dorje Chang là vị Thầy của ta và Ngài là tâm của Lạt Ma của ta. Ta nghĩ tưởng về Dorje Chang để quả quyết rằng sự hiển lộ của bản tánh của tâm không bị ô nhiễm bởi những tư tưởng quen thuộc của ta. Để giúp ta duy trì cái thấy thanh tịnh, cái thấy của trí tuệ, chúng ta quán tưởng thân tướng thanh tịnh toàn hảo này. Cùng lúc đó ta duy trì sự tỉnh giác rằng Dorje Chang là tâm của Lạt Ma của ta. Mọi sự xuất hiện trong không gian trước mặt ta thì giống như một cầu vồng hay một sự phản chiếu của một tấm gương; nó không phải là một sự vật. Nếu ta gặp khó khăn trong việc quán tưởng toàn thể cây quy y thì ta nên có sự xác tín rằng tất cả các đối tượng quy y thực sự ở trước mặt ta cho dù ta không thể lưu giữ các đối tượng ấy trong tâm ta.

2. Sự Tỉnh giác về Bản thân ta và Những Người khác

Chúng ta không đơn độc trong khi thực hành. Ta được vây quanh bởi toàn thể chúng sinh đầy khắp toàn thể vũ trụ. Ta quán tưởng cha ta ở bên phải và mẹ ta ở bên trái ta. Khi ta đứng giữa cha mẹ ta trong đời này ta nhận thức rằng mỗi một và mọi chúng sinh không loại trừ ai từng là cha mẹ của ta trong đời trước nào đó. Điều này giúp ta nhớ lại thiện tâm của tất cả cha mẹ của ta, tất cả chúng sinh, là những người đã giúp đỡ ta suốt trong vô lượng kiếp.

Ta quán tưởng những người ta coi là những kẻ thù của ta ở trước mặt ta, giữa cây quy y và chúng ta. Ta nghĩ về những người gây ra cho ta những vấn đề và làm trở ngại việc thực hiện những chương trình của ta. Tất cả những người này rất quan trọng bởi họ giúp ta phát triển những phẩm tính như sự nhẫn nhục và lòng bi mẫn. Chúng ta thường muốn tránh những người như thế. Ta cố giữ một khoảng cách với họ. Ta không muốn nghĩ về họ. Việc đặt họ ở trước mặt ta giúp cho ta không quên họ. Việc đối xử với những kẻ thù theo cách như thế bảo vệ cho ta không bất kính đối với họ.

Chúng ta tập trung sự chú tâm vào cây quy y. Ta tin tưởng rằng sự quy y có thể giải thoát tất cả chúng sinh khỏi nỗi đau khổ của sinh tử và có thể che chở ta khỏi bị phiền não mà nỗi khổ này gây ra. Trong một tâm thức như thế, được vây quanh bởi tất cả chúng sinh, chúng ta bắt đầu lập lại thần chú quy y. Mọi sự quanh ta bắt đầu rung động. Ta kinh nghiệm ánh sáng mạnh mẽ phát ra từ cây quy y. Ánh sáng chiếu sáng chúng ta do bởi lòng sùng mộ của riêng ta. Điều này làm tâm thức chúng ta rộng mở hơn nữa. Sau đó ta bắt đầu lễ lạy. Chúng ta là những Đạo sư của buổi lễ và hướng dẫn toàn bộ sự thực hành. Việc lễ lạy của ta lập tức gây cảm hứng khiến tất cả chúng sinh bắt đầu thực hành tương tự. Ta nghe tất cả chúng sinh lập lại thần chú và thực hành lễ lạy. Những sự rung động này đầy ngập toàn thể vũ trụ.

Việc duy trì một thị kiến như thế thay vì chỉ tập trung vào bản thân ta mở rộng hoạt động của ta. Ở một mặt nó mang lại cho ta sức mạnh, ở mặt khác nó cho ta động lực để thực hành. Tất cả chúng sinh cùng lễ lạy với chúng ta mang lại cho ta sự khích lệ. Khi kinh nghiệm lượng năng lực khổng lồ từ tất cả chúng sinh đang lễ lạy, chúng ta cảm thấy tin tưởng và sùng mộ Tam Bảo hơn nữa. Cảm giác “cưỡi ngựa cùng đám đông” giúp chúng ta nhanh chóng hoàn thành việc lễ lạy và trải nghiệm hạnh phúc lớn lao trong thời gian thực hành.

3. Ý nghĩa Tượng trưng của Mỗi Yếu tố trong Hành vi Lễ lạy

Để mang lại cho việc thực hành của ta một tầm kích tối thượng chúng ta nên chú ý tới ý nghĩa tượng trưng của một lễ lạy. Khi đôi bàn tay chắp lại của ta chạm vào trán, ta khẩn cầu các đối tượng quy y ban phước của thân các ngài. Đồng thời ta quán tưởng rằng sự ban phước của thân giác ngộ của các ngài chiếu tỏa vào ta, xuyên qua thân ta và làm tan biến những che chướng của nó. Sau đó đôi bàn tay chắp lại của ta chạm vào cổ họng. Chúng ta khẩn cầu sự ban phước của ngữ. Đồng thời ta nghĩ tưởng rằng sự ban phước của ngữ giác ngộ của các ngài phát ra từ những đối tượng quy y và tịnh hóa mọi che chướng mà ta từng tích tập qua ngữ của ta. Trong phương cách như thế ta thoát khỏi những che chướng này. Khi đôi bàn tay ta chạm vào tim ta khẩn cầu các đối tượng quy y ban phước của tâm giác ngộ của các ngài. Nó giúp ta thoát khỏi mọi ngăn che và những tà kiến trong tâm ta. Ta tin tưởng rằng mọi ước muốn xấu xa ta chất đầy tâm thức ta từ vô thủy hoàn toàn được tịnh hóa. Ta nên nghĩ rằng ta đang nhận sự ban phước trọn vẹn của thân, ngữ, và tâm giác ngộ từ Tam Bảo. Nhờ năng lực của sự ban phước này, mọi ngăn che, nghiệp xấu, và những khuynh hướng tiêu cực trong thân, ngữ, và tâm ta được tịnh hóa. Chúng ta hoàn toàn thanh tịnh và bất khả phân với thân, ngữ, và tâm của Lạt Ma và Tam Bảo.

Khi năm điểm (hai đầu gối, hai bàn tay, và trán) của thân ta chạm mặt đất ta nên nhận thức rằng năm cảm xúc phiền não – tham, sân, si, kiêu ngạo và ganh tị – ra khỏi thân ta và biến mất trong trái đất. Theo phương cách như thế chúng ta kinh nghiệm sự tịnh hóa trọn vẹn.

Hai phương diện của sự lễ lạy, việc làm tan biến những độc chất của tâm và nhận sự ban phước của Tam Bảo, tạo nên sự chuyển hóa tham, sân, si, kiêu ngạo và ganh tị thành năm trí tuệ tương ứng. Ta nên xác tín rằng sự chuyển hóa thực sự xảy ra, tin rằng ta có khả năng bẩm sinh, tự nhiên để phát triển những trí tuệ này.

Phương diện tượng trưng này của sự lễ lạy sẽ chỉ làm việc nếu ta có sự xác tín. Sự xác tín của ta có thể mang lại cho ta sự tịnh hóa vĩ đại này. Việc thực hành mà không có sự xác tín thì giống như bài tập thể dục nhịp điệu.

4. Sự quan trọng của Lòng Sùng mộ

Càng lễ lạy thì lòng sùng mộ của ta sẽ càng tăng trưởng. Cuối cùng ta sẽ đạt tới chỗ không còn nghĩ rằng thân, ngữ, và tâm ta khác biệt với thân, ngữ, và tâm của Tam Bảo. Những sự lễ lạy mang lại một kết quả kỳ diệu; chúng là suối nguồn của một sự ban phước hết sức mạnh mẽ và một sự tịnh hóa lớn lao. Ta không nên nghĩ rằng việc lễ lạy chỉ bao gồm một hoạt động của thân thể ta. Sự ban phước và tịnh hóa xuất hiện chủ yếu là bởi lòng sùng mộ.

5. Sự Tăng trưởng Sức mạnh của việc Thực hành

Ta thực hành với một tâm thức mở trống. Ta không nên nghĩ rằng ta là người duy nhất lễ lạy. Tất cả chúng sinh đang thực hành lễ lạy cùng chúng ta. Ta không phải giới hạn tư tưởng khi chỉ nghĩ tới bản thân ta. Ta không nên tự khẳng định bằng cách nghĩ: “Tôi đang lễ lạy.” Nếu nghĩ như thế ta tích tập tiềm năng tốt lành tương ứng với hành động đang lễ lạy. Nếu ta nghĩ rằng tất cả chúng sinh đang thực hành lễ lạy cùng ta, tiềm năng tốt lành mà ta tích tập sẽ còn to lớn hơn nữa. Khi đang thực hành lễ lạy ta nên nghĩ rằng một trăm hóa thân của ta đang lễ lạy cùng với ta. Nếu ta có thể quán tưởng thì thực hành của ta sẽ mạnh mẽ hơn. Ta không nên tính thêm các lễ lạy nếu ta quán tưởng có thêm chúng sinh đang lễ lạy cùng ta. Đây chỉ là một trong những phương pháp đặc biệt của Kim Cương thừa trợ giúp thực hành của ta được mạnh mẽ. 

6. Sự Nối kết Lễ lạy với việc Làm An định Tâm

Sau một lát thân thể ta sẽ mỏi mệt. Đây là giây phút ích lợi để thực hành an định tâm. Khi thân và tâm mệt mỏi, sự tham luyến tăng trưởng. Nếu ta ngưng lễ lạy một lát thì tâm ta tự nó sẽ an tĩnh một cách tự nhiên mà không cần phải dụng công. Sau một lát thân và tâm ta lại cảm thấy muốn nghỉ ngơi, tâm ta trở nên xao động. Đây là dấu hiệu bắt đầu lại việc lễ lạy. Khi chúng ta luân phiên thay đổi sự lễ lạy và an định tâm thì ta có thể thực hành không ngừng nghỉ.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn