Lời Giới Thiệu

02 Tháng Mười 201000:00(Xem: 16899)

PHÁP TU QUAN ÂM
PHƯƠNG PHÁP BÍ TRUYỀN CỦA MẬT TÔNG TÂY TẠNG
Tác Giả: Tangtong Gyalbo - Dịch Giả: Thích Viên Lý
Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới xuất bản 2001

LỜI GIỚI THIỆU


Mỗi người trong chúng ta ít nhất cũng phải trải qua nhiều cơn khủng hoảng đau đớn trong đời mình; có những lúc mình không còn biết mình là ai và chẳng còn lý do gì để sống cho ra hồn trên cõi đời quạnh hiu này.

Đó là lúc mình bắt đầu đánh mất hết tất cả những gì gọi là cao quí, cao thượng và thiêng liêng nhất trong mê hộ vô tình của kiếp người.

Mấy chục triệu người Việt đang ở quê hương đều phải trải qua cộng nghiệp bi đát của thể mệnh tịch liêu và mấy triệu người Việt đang sống ở khắp thế giới phải chịu chung tất mệnh mất gốc rễ của nhân loại hiện nay. Mỗi một người trong chúng ta đều muốn sống một đời sống khác hơn. Đúng nghĩa trọn vẹn, phản ảnh toàn diện thâm tính thiêng liêng của nhân sinh, phục chiếu “thanh đài thượng” của sự bừng tỉnh sáng rực trên tuyệt đỉnh Tính Mệnh oanh liệt của trường sở hiện tính dân tộc.

Từ năm trăm năm trước trở lại thuở ban đầu sáng rực của Sử Tính Việt Nam, chúng còn nhìn thấy lại Thiền tông và Mật tông đã điều động và quyết định tất cả hướng đi trầm hùng của ý thức toàn diện, của tất cả mọi sinh hoạt dân tộc. Thế rồi từ thế kỷ XV cho đến nay, thể nghiệp bi đát nào đã kéo lôi toàn thể sinh mệnh của Việt Nam đi xuống tất mệnh đen tối hiện nay?

Vấn đề trầm trọng nhất của chúng ta hôm nay không phải đơn giản phục hồi lại những gì đã mất mà phải học cách trầm lặng đánh thức lại những khả tính âm thầm nào đang ẩn giấu trong Mệnh Tính của Việt Nam.

Việt tính của Việt Nam đã được nuôi dưỡng cả ngàn năm trong hơi thở siêu việt của Trí Huệ Bát Nhã; trường sở thiêng liêng của Việt Nam là linh sở bí ẩn “liên tục vượt về phương nam”của Thiện Tài Đồng Tử trong Hoa Nghiêm Nhập Pháp Giới. Tổ Sư Ấn Độ Atisa, người đã truyền đạo Phật đến Tây Tạng vào lần thứ hai, cũng chính là người đã từng đến phương Nam của Đông Nam Á để học đạo trên cả chục năm, mà lúc đó, trung tâm Phật giáo hưng thịnh nhất của Đông Nam Á chính là Việt Nam.

Nhiều lúc con đường trở về phục tính và thu phối lại thể tính của Việt Nam lại đưa mình đi vòng quanh nhiều lối đi bí ẩn. Ở tận nơi căn nguyên vô căn và vô nguyên thì con đường đi lên và đi xuống đều là một con đường giống nhau. Nhiều khi đi lên tận đỉnh Hy Mã Lạp Sơn của Tây Tạng thì lại chính là đi xuống giòng nước thơm ngát của sông Cửu Long ở miền Nam đất Việt.

Không phải do tình cờ ngẫu nhiên mà hôm nay chúng ta được trao nhận Pháp Tu Quán Âm của Đạo Sư Tây Tạng Tangtong Gyalbo ở vào thế kỷ thứ XV; sự đồng thanh tương ứng thiêng liêng nào đã thị hiện hôm nay giữa Tây Tạng và Việt Nam, giữa núi rộng trống vắng và sông dài tịch mịch?

Trong một trăm ngàn trang kinh Phật trong ấn bản Hán tạng, đâu là bờ là bến? Không còn gì may mắn diễm phúc hơn là chúng ta đang có Pháp Tu Quán Âm này, nơi đây tất cả một trăm ngàn trang Kinh Luật Luận đã được thu phối lại trọn vẹn súc tích trong một Pháp môn thực hành đơn giản, khả dĩ giúp đỡ chúng ta sống lại đươc̣ thể tính nguyên vẹn của sinh mệnh mình để đẩy lùi tất cả những điên đảo mộng tưởng tàn phá kiếp người đọa lạc.

Thầy Viên Lý đã thực hiện một công đức vô lượng giữa những hoàn cảnh khó khăn nhất và đi ngược lại đời sống vong tính của sinh hoạt tâm linh hiện tại. Đang lúc hiện tượng lạm phát về Thiền và Mật đang hoàn thành khắp nới trong toàn thể thế giới, sự xuất hiện khiêm tốn của Pháp Tu Quán Âm là một biến cố trọng đại nhất và làm sụp đổ tất cả những quyển sách “thời thượng” của mọi tác giả khác tự nhận là “chuyên trị” về Thiền tông hay Mật tông.

Con đường thêng thang mở ra tận đỉnh Tuyết Sơn đang nằm ở trước mặt chúng ta và đây cũng là một trong vài ba lối đi quyết định nhất để đánh thức dậy những khả tính ẩn mật phong phú của Việt Tính.

Dân tộc tính, đúng nghĩa là dân tộc tính, chỉ là hậu quả tất nhiên của Việt Tính mà thể hiện cụ thể là nói Việt Nam; tiếng nói Việt Nam, Định Phận Việt Nam và Việt Tính chỉ là một, mà hiện thân cảm động nhất là mỗi một bà mẹ Việt Nam. Mỗi một bà mẹ Việt Nam là một hiện thể Quán Thế Âm Bồ Tát. Nhìn thấy được thể tính của Quán Âm là nhìn ra được Thực tính của Mẹ Việt, căn nguyên nền tảng của Tính Mệnh dân tộc.

Việt Tính có nghĩa là gì, nếu không có đôi cánh chim Việt Điểu, tức là lòng Từ Bi và cái Trí Tuệ Siêu Việt của mấy ngàn năm vượt thằng vào trường sở linh hiện ở phương Nam?

Phạm Công Thiện

California, ngày 5 tháng 5, năm 1991

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Mười 2015(Xem: 9121)
Trong một cơ duyên dịch giáo pháp của Đức Đạt Lai Lạt ma, tôi khắc ghi lời ngài rằng, nếu không có cái nhìn tổng thể, có thể đôi khi người thực hành sẽ thấy giáo pháp, những phương pháp thực hành mà đức Phật ban có nhiều điểm mâu thuẫn nhau. Thực ra tất cả giáo pháp, phương pháp thực hành của đức Thế Tôn đều mang pháp vị giải thoát. Đức Phật tuyên thuyết nhiều giáo pháp ứng hợp cho căn cơ của mỗi chúng sinh.
27 Tháng Tám 2015(Xem: 17950)
Hôm nay, 19-11-2010, tôi đã từng được yêu cầu nói về một số hiểu biết thông thường sai lạc về Phật Giáo. Và có nhiều thứ đa dạng khác nhau, với nhiều lý do khác nhau. Có một số đặc thù là văn hóa, hoặc là đối với văn hóa phương Tây, hay đối với Á châu và những nền văn hóa khác bị ảnh hưởng bởi sự suy nghĩ của phương Tây hiện đại. Có những hiểu biết sai lầm có thể đến từ những vùng văn hóa khác
27 Tháng Năm 2015(Xem: 12034)
Cuốn sách này gồm một hợp tuyển những tác phẩm của Longchen Rabjam (1308-1363) về Dzogpa Chenpo (S. mahasandhi, Việt : Đại Toàn Thiện). Những bản dịch có một giới thiệu chi tiết căn cứ chặt chẽ trên kinh điển và những giải thích truyền thống về phương diện bí truyền sâu xa nhất của Phật giáo.
01 Tháng Hai 2015(Xem: 15440)
Sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng có những nét đặc thù mà có lẽ không nước nào khác trên thế giới có được. Vào năm 641 vua Đường Thái Tông của Trung Hoa gã công chúa Văn Thành cho vua Tây Tạng. Vị công chúa này là người thông minh, có học và là một Phật tử thuần thành.