7 Tinh Tấn

31 Tháng Mười 201000:00(Xem: 8549)
7
TINH TẤN


Sau khi phát Bồ đề tâm và tiến những bước để ngăn ngừa nó khỏi bị hư hỏng, bây giờ chúng ta phải học cách khai triển nó một cách liên tục. Đây là chủ đề ba chương tiếp theo của Shantideva, chương đầu tiên trong đó dành cho tinh tấn

Tại sao tinh tấn là cần thiết ? Nếu chúng ta xem xét sự tiến bộ vật chất, chúng ta thấy rằng sự nghiên cứu bắt đầu bởi một người luôn luôn có thể được tiếp tục bởi một người khác. Nhưng điều này không thể áp dụng được với tiến bộ tâm linh. Sự chứng ngộ chúng ta thường nói trong Phật pháp là cái gì được hoàn thành bởi cá nhân. Không người nào khác có thể làm nó cho chúng ta. Dĩ nhiên, thật kỳ diệu nếu trong tương lai chúng ta có thể đạt được chứng ngộ nhờ một loại tiêm chủng mới hay nhờ một thế hệ máy tính mới, không phải qua nhiều gian nan. Nếu chúng ta có thể chắc chắn tuyệt đối rằng thời gian đó sẽ tới, chúng ta có thể chỉ nằm yên và chờ cho được giác ngộ. Nhưng tôi nghi ngờ điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Tốt hơn là làm một cố gắng. Chúng ta phải phát triển tinh tấn.

1. Như thế với nhẫn nhục, tôi sẽ thực hành sự tinh tấn,
Vì chính qua chuyên cần mà tôi sẽ đạt đến giác ngộ.
Nếu không có gió, thì không có xao động ;
Không có công đức nào ở nơi không có tinh tấn.

Chúng ta có thể nhẫn nhục theo nhiều cách, như là không nghĩ xấu về những người làm hại chúng ta hay bằng cách chấp nhận khổ đau như con đường. Trong hai cái này, cái sau là quan trọng hơn cho sự phát sanh tinh tấn, và chính tinh tấn làm cho chúng ta đạt đến giác ngộ. Như Shantideva nói, “Chính qua chuyên cần mà tôi sẽ đạt đến giác ngộ.” Cũng như cái bóng đèn cho phép ngọn lửa không cháy chập chờn do gió thổi, tinh tấn làm cho tâm thức có đức hạnh lớn lên mà không bị quấy nhiễu.

Tinh tấn là gì ? Nó là sự tìm thấy niềm vui khi làm điều gì tốt. Để thực hành nó, cần trừ bỏ thứ gì chống lại nó, đặc biệt là lười biếng. Lười biếng có hai phương diện : không có ý muốn làm tốt, bị xao lãng bởi những hoạt động xấu, và tự đánh giá mình thấp khi nghi ngờ khả năng của mình. Thuộc về hai cái này là thích nhàn rỗi quá đáng và ngủ, và thản nhiên với sanh tử như là một trạng thái khổ đau.

4. Bị sập trong cái bẫy của tình thức nhiễm ô,
Mắc dính vào lưới của sự sanh ra,
Làm sao tôi không biết rằng
Tôi đã rơi vào miệng của thần chết ?

Mọi người chúng ta đều muốn hạnh phúc và không khổ đau. Nhưng bởi vì những thức tình tiêu cực, tâm chúng ta không bao giờ an ổn. Khi khởi lên, những tư tưởng tiêu cực quấy phá tâm thức chúng ta và tạo ra một bầu không khí tiêu cực quanh chúng ta. Hơn nữa, những thức tình này làm chúng ta gắn liền với khổ đau trong tương lai ở bất kỳ chỗ nào ta gặp những hoàn cảnh khó khăn. Khi chúng còn tồn tại, làm sao chúng ta có thể dung túng chúng ? Chúng ta biết rằng chúng ta sẽ chết, nhưng làm sao chúng ta có thể nói khi nào ? Từ giây phút này trở đi, chúng ta phải phát sanh tinh tấn.

7. Cái chết sẽ rất nhanh xảy đến với tôi,
Và đến lúc đó tôi mới tích tập công đức.
Đợi đến lúc đó mới xua đuổi biếng lười –
Thời gian sẽ không còn, và tôi sẽ làm gì được ?

Nếu chúng ta chờ đến phút chết mới quyết định làm một cố gắng, sẽ quá trễ. Vào lúc ấy chúng ta có thể nhiều đau đớn, cả vật chất lẫn tinh thần, bị hành hạ sợ hãi về cái không biết, bởi trí nhớ về những hành động tiêu cực, và bởi sự luyến ái với những người thân thiết với chúng ta.

8. ”Cái này tôi đã không làm. Cái này tôi chỉ mới bắt đầu.
Và cái này tôi mới chỉ làm một nửa…”
Bấy giờ là sự ập tới bất ngờ của Thần Chết,
Và rồi ý tưởng này sẽ đến, Ôi, xong đời tôi rồi !

9. Bây giờ mặt bạn ướt nước mắt,
Từ đôi mắt đỏ sưng trong nỗi buồn đau cay đắng,
Bạn nhìn những gương mặt của những bạn bè không còn hy vọng
Và nhìn các sứ đồ của Thần Chết.

14. Hãy lợi dụng chiếc thuyền con người này,
Giải thoát mình khỏi dòng buồn đau chảy mạnh !
Phương tiện này về sau sẽ rất khó kiếm ;
Bây giờ không phải là lúc để ngủ, hỡi kẻ ngu !

15. Bạn quay lưng với Giáo Pháp thiêng liêng,
Niềm vui tối thượng và ngọn nguồn vô tận của hạnh phúc.
Lạc thú nào bạn có trong trò giải trí tầm thường
Khi bạn đã lạc vào trong những nguyên nhân của sự khốn khổ của chính bạn ?

Phần đông không muốn nghe về cái chết, huống gì suy nghĩ về nó. Nhưng nếu chúng ta đã huấn luyện tâm thức chúng ta và có thể đối diện cái chết với sự tự tin và một thái độ tích cực, bấy giờ chúng ta chẳng có gì để phải sợ. Trong khi đó, suốt cuộc đời chúng ta, những phẩm tính này sẽ giúp chúng ta nhiều. Thế nên khi chúng ta có đời người quý giá này, với nó chúng ta có thể thành tựu được nhiều điều, chúng ta chớ để bị chìm trong lười biếng, lơ là với những hành động tích cực.

Về mặt này, chúng ta cần xem xét chủ đề tái sinh, mà Phật giáo xác định như là sự tương tục của tâm thức từ một đời này sang đời kế tiếp. Một thức tương lai dựa vào một thức trước đó, đấy là sự tương tục. Nó không thể được sanh ra bởi cái gì khác ngoài thức. Thức, và không là cái gì khác, phải là nguyên nhân của thức tương lai kế tiếp.

Ở đây chúng ta cần hiểu sự phân biệt thức thô và vi tế. Nói chung, thức được phối hợp với óc não và những tiến trình hóa học của nó. Nhưng theo ý kiến của tôi, chỉ có thức thô là bị quy định bởi những yếu tố ấy. Quả thật những thức thô liên hệ đến những hoạt động của sự thấy, nghe… thì dựa vào thân thể con người và những giác quan của nó. Cái chúng ta gọi là ý thức con người là cái thức thô nó sử dụng thân thể con người như một chỗ nương dựa. Cái thức mà những hình thức khác của đời sống sở hữu, như loài vật, thì khác bởi vì não bộ của chúng là khác.

Tuy nhiên, khó chứng minh sự tái sanh chỉ trên nền tảng những thức thô của các giác quan khác nhau chúng dùng óc não như là một chỗ nương dựa. Những thức thô này xuất hiện như là những giác quan phát triển lên trong bụng mẹ. Nhưng cái thức tiếp tục từ đời này sang đời khác là một thức vi tế – khả năng kinh nghiệm và hiểu biết, sự sáng tỏ tự nhiên của tâm. Nếu không có nguyên nhân nào cho thức vi tế này (như là cái thức vi tế của đời trước đó), quan niệm về tái sanh thực sự khó giải thích được.

Để qua một bên trí nhớ – nó cho phép chúng ta nhớ lại, chẳng hạn những kinh nghiệm thời tuổi nhỏ – tất cả chúng ta có những khuynh hướng tiềm ẩn và vô thức, chúng khởi lên dưới một số hoàn cảnh và ảnh hưởng cách thức phản ứng của tâm thức chúng ta. Những khuynh hướng như thế là sản phẩm của những kinh nghiệm mạnh mẽ mới đây hay trong quá khứ xa xôi, chúng khiến cho chúng ta phản ứng một cách vô thức mà không cần sự nhớ lại của chúng ta về những kinh nghiệm ấy. Khó giải thích được những khuynh hướng này và vì sao chúng hiển lộ, ngoài cách nói chúng là những dấu in của những kinh nghiệm quá khứ lên cái thức vi tế.

Khi chúng ta nói về lý thuyết bùng nổ lớn (big bang) để giải thích nguồn gốc của vũ trụ, là người Phật giáo, chúng ta cũng phải nói rằng chính cái bùng nổ lớn này cũng có một nguyên nhân. Mọi sự là sản phẩm của một chuỗi vô tận của những nguyên nhân và những kết quả, nhưng thật ra chúng ta không thể tìm ra một nguyên nhân nguyên thủy nào cho tất cả những cái ấy. Không có sự bắt đầu nào cho thức, cho những loạt tái sanh của chúng ta, hay cho những phần tử tạo nên vũ trụ. Đơn giản đó chỉ là bản chất sự vật vốn như vậy.

Trong bối cảnh này, những hiện tượng được phân tích theo những kết quả chúng tạo ra hay theo sự tương thuộc của chúng. Về phân tích theo tương thuộc, duyên sanh, chúng ta nói rằng nếu kết quả có, thì nguyên nhân phải có. Điều này đúng thật cho tâm thức cũng như cho những phần tử. Khi chúng ta trộn hai chất hóa học, một phản ứng hóa học xảy ra và một chất mới được tạo ra. Tương tự, nếu một người rất nóng nảy thực hành lòng từ một thời gian dài, tính khí nó dần dần thay đổi. Dĩ nhiên, nó có thể không hoàn toàn thoát khỏi khuynh hướng dễ nổi giận của nó, nhưng nó sẽ ít dễ nổi giận hơn. Sự chuyển hóa này trong tính khí của nó xảy ra vì sự tương thuộc giữa hai loại thức, nóng giận và tình thương. Về phân tích theo kết quả được sanh ra, chúng ta có thể nói về một phản ứng hóa học như là một sự thay đổi của lực quân bình ổn định của một vật (entropy). Cũng như thế với tâm thức. Nếu người ta quan sát những kết quả tai hại của giận dữ và những kết quả tốt lành của tình thương, người ta có được một niềm tin mới mẻ vào năng lực của tình thương, và khuynh hướng thương yêu của người ta càng ngày càng lớn mạnh. Đây là bản chất của sự vật, và điều quan trọng là thấu hiểu nó. Tôi không biết quan niệm Phật giáo này về bản chất có làm vừa lòng tất cả mọi người không, nhưng nó trả lời được cho nhiều vấn đề.

Trở lại với chủ đề tinh tấn – nếu chúng ta muốn thoát khỏi lười biếng miễn cưỡng với những hành động tích cực, chúng ta nên nghĩ đến đời người chúng ta ngắn bao nhiêu. Tiếng Sanskrit chữ lười biếng, alassya, nghĩa là “không sử dụng.” Những hành động tích cực chúng ta thực hiện sẽ làm lợi lạc cho chúng ta bây giờ và trong tương lai. Ngược lại, để cho mình bị ảnh hưởng bởi những tình thức tiêu cực sẽ hủy hoại chúng ta trong đời này và những đời sau, thế nên chúng ta phải tránh tiêu phí cuộc đời chúng ta bởi loại lười biếng thứ hai bị phân tán bởi những hành động tiêu cực.

16. Chớ nản chí, mà điều chỉnh tất cả sức mạnh của bạn.
Hãy can đảm và làm chủ chính mình.
Hãy thực hành bình đẳng giữa ta và người ;
Hãy thực hành trao đổi giữa ta và người.

Loại lười biếng thứ ba khởi từ sự tự đánh giá thấp chính mình và nghĩ rằng bạn không bao giờ có thể đạt được giác ngộ. Nhưng không có gì để ngã lòng như vậy. Tất cả chúng ta đều có tiềm năng Phật tánh. Bản tánh tối hậu của tâm thức, dù là cái gì không cụ thể, đang hiện diện trong mỗi chúng ta, dù khi nó bị che ám. Vì bản tánh này, ngay cả con côn trùng nhỏ nhất cũng có thể đạt được giác ngộ nếu nó biết tinh tấn.

17. Ôi, làm sao “Tôi” có thể trở thành giác ngộ ?
Chớ bị nản lòng bởi những tư tưởng như thế.
Vì chư Phật, những bậc phát ngôn của chân lý,
Đã tuyên bố và chân thật nói rằng

18. Nếu làm nảy sinh sức mạnh của tinh tấn
Ngay cả ong và ruồi và muỗi
Và sâu đục thân cũng sẽ dễ dàng
Tìm ra giác ngộ vốn khó tìm thấy.

19. Vậy thì tôi, có thể phân biệt tốt với xấu,
Dòng giống người và sinh ra trong nhân loại,
Nếu tôi hiến mình cho những công hạnh Bồ tát,
Lẽ nào tôi không đạt được trạng thái Phật tánh sao ?

Chúng ta cũng không nên lo âu rằng chúng ta sẽ không bao giờ có thể hoàn thành những hoạt động khó khăn của Bồ tát như đem cho thân thể, tài sản và mọi công đức của chúng ta. Như người sơ học, chúng ta chưa sẵn sàng cho những điều ấy, thế nên chúng ta bắt đầu bằng chỉ phát sanh ý muốn đem cho những thứ ấy và bố thí chúng ở trong tâm thức, sử dụng con đường của phương tiện và trí huệ. Khi sự thực hành của chúng ta có năng lực hơn, chúng ta sẽ đi đến chỗ biết rằng thật là thích đáng để cho đi thân thể chúng ta, và chúng ta thật sự có khả năng làm như thế mà không có sự khổ đau vật chất hay tinh thần nào.

28. Nhờ công đức, họ hưởng thụ một thoải mái của thân ;
Nhờ học tập, họ hưởng thụ một hạnh phúc của tâm.
Dầu ở trong sanh tử vì lợi lạc cho chúng sanh,
Với lòng thương xót, làm sao những vị ấy có thể buồn khổ ?

30. Thế nên giờ hãy cưỡi con ngựa Bồ đề tâm
Vút qua mọi mệt mỏi u sầu,
Và với một tâm thức đi từ niềm vui này đến niềm vui khác,
Người ta có bao giờ rơi vào sự nản chí ?

Có nói trong Tràng Chuỗi Ngọc rằng cần thiết tích tập vô số công đức trong vô số kiếp để thành tựu Phật tánh. Chúng ta chớ nên kinh hoàng bởi điều ấy, nghĩ rằng, Làm sao tôi có thể tích tập công đức nhiều như vậy ? Thay vào đó, chúng ta hãy tạo thành mong muốn dẫn dắt vô số chúng sanh đến vô số phẩm tính của Phật tánh bằng cách tiến hành vô số hoạt động của Bồ tát trải qua vô số thời kỳ của thời gian. Với chỉ một khoảnh khắc của một ý định như vậy, có bốn tính chất vô số này, chúng ta có thể tích tập công đức rất dễ dàng. Thế nên chúng ta chớ để sự lười biếng của ngã lòng ảnh hưởng.

31. Những lực lượng bảo đảm sự tốt đẹp của chúng sanh
Là nguyện vọng, cương quyết, hoan hỷ và điều độ.
Nguyện vọng lớn lên qua chiêm nghiệm cảnh khổ
Và nghĩ về lợi lạc do nguyện vọng này đem lại.

Để phát sinh tinh tấn chúng ta cần bốn sự chống đỡ : nguyện vọng, cương quyết, hoan hỷ và điều độ. Nguyện vọng được phát triển bởi suy nghĩ về nghiệp, về nhân quả. Như các bạn biết, một kết quả tốt đến từ một hành động tích cực và một kết quả xấu từ một hành động tiêu cực. Thế nên để đạt trạng thái của Phật, ngài thoát khỏi mọi khuyết điểm và có tất cả những phẩm tính tốt đẹp, cần thiết tích tập vô số công đức và tịnh hóa vô số che chướng trải qua nhiều kiếp. Hãy nghĩ trong cuộc đời ngắn ngủi này, các bạn đã ít hướng về thực hiện những hành động tốt và tịnh hóa những che chướng của mình bao nhiêu. Các bạn nên tự thúc đẩy mình tinh tấn.

42. Nếu hạnh của tôi tốt lành
Và phản chiếu những thiện ý của tâm thức tôi,
Bất cứ tôi đi đâu, kính trọng và vinh dự
Sẽ được dành cho tôi, quả trái và phần thưởng công đức.

43. Nhưng nếu, dù ước muốn hạnh phúc,
Mọi điều tôi làm lại xấu xa,
Bất cứ tôi đi đâu, những ngọn dao của thống khổ
Sẽ đốn hạ tôi, lương bổng và phần thưởng của tội lỗi.

44. Từ trong lòng mát lạnh của một đóa hoa sen thơm ngát
nở ra,
Những cánh của nó mở ra trong ánh sáng của chư Phật, tôi sẽ trổi vượt cao cả,
Với vinh quang được nuôi dưỡng bằng lời ngọt ngào của bậc Điều Ngự,
Và sống, như một người con Phật, trong sự hiện diện của các bậc Chiến Thắng.

Kinh Ngọn Cờ Kim Cương nói về cương quyết, hay tự tin, bằng những lời này : “Khi mặt trời lên, nó chiếu sáng khắp thế giới, chẳng kể sự đui mù của con người hay bóng ngọn núi. Cũng thế, khi một Bồ tát hiển lộ vì lợi lạc cho những người khác, ngài đem chúng sanh đến giải thoát, chẳng kể gì những chướng ngại của họ.”

Shantideva tiếp tục với lời khuyên này :

47. Trước hết hãy xem xét tài nguyên của bạn –
Bắt đầu hay không bắt đầu cho thích hợp ;
Tốt nhất là dừng lại và không đi,
Nhưng một khi đã bắt đầu, còn tốt hơn nữa là không quay trở lại !

Trước khi chúng ta làm việc gì, chúng ta luôn luôn tự hỏi chúng ta sẽ có khả năng làm nó thích đáng và hoàn thành nó hay không. Nếu câu trả lời là không, chúng ta không nên bắt đầu. Bỏ những công việc dở dang sẽ tạo ra một thói quen xấu cho tương lai. Thế nên một khi đã bắt đầu việc gì, chúng ta cần chắc chắn không từ bỏ quyết định của mình.

Tự tin không được lầm với kiêu mạn. Kiêu mạn là nghĩ cao quá về mình mà không có lý do rõ ràng. Tự tin là biết rằng người ta có khả năng làm việc gì một cách thích đáng và quyết tâm không bỏ cuộc.

Những người bình thường được chuẩn bị để làm nhiều cố gắng cho những mục đích tương đối vô nghĩa. Chúng ta đã hứa làm việc cho mục tiêu quan trọng bao la hơn là giải thoát tất cả chúng sanh, thế nên chúng ta cần trau dồi sự tự tin lớn lao, nghĩ rằng, Dầu nếu tôi là người độc nhất làm chuyện đó, tôi cũng sẽ vẫn làm lợi lạc tất cả chúng sanh.

50. Suy nhược vì những phiền não của tâm thức họ,
Những người thế gian không mong gì tìm ra hạnh phúc.
So với những chúng sanh lang thang lạc lõng, tôi có
khả năng ;
Bởi thế, tôi sẽ đảm đương công việc này.

52. Khi thấy một con rắn sắp chết
Ngay cả những con quạ cũng giống như chim ó vút bay.
Nếu tôi cũng yếu ớt như thế
Ngay cả những lỗi nhỏ cũng sẽ đánh quỵ và làm thương tổn tôi.

53. Những người nhát như cáy, từ bỏ trận chiến,
Làm sao giải thoát chính họ khỏi hèn yếu ?
Nhưng những người tự tin đứng vững và kiên trì trên trận địa mình
Thì khó đánh bại, ngay cả đối với người mạnh.

Sự quyết tâm của chúng ta, tuy nhiên không là kiêu mạn bình thường, cái này là một thức tình tiêu cực. Trái lại, chúng ta cần tự tin đối với những tình thức tiêu cực, cương quyết không để chúng chiến thắng.

55. Tôi sẽ là người chiến thắng tất cả,
Và không cái gì có thể đánh bại được tôi !
Dòng dõi sư tử của bậc Chiến Thắng
Nên thường trực ở trong sự tự tin kiêu hãnh này.

Đây là loại kiêu hãnh chúng ta cần – sự tự tin không chịu chấp nhận sự thống trị của những thức tình tiêu cực và làm mọi thứ để tiêu diệt chúng. Tính cách anh hùng của Bồ tát nằm trong sự sử dụng tự tin để đương đầu với những tình thức tiêu cực và chiến thắng kiêu mạn. Người không tự tin như thế tự để mình bị xâm chiếm bởi kiêu mạn và những tình thức khác khi vừa chớm khởi. Không có gì anh hùng trong đó cả. Ngay cả nếu phải đánh đổi cả cuộc đời chúng ta, chúng ta không bao giờ để mình bị ảnh hưởng bởi những thức tình ấy.

61. Dù hiểm nguy ghê gớm có xảy ra,
Một người sẽ luôn luôn giữ gìn đôi mắt của mình.
Cũng thế, dù sự đối nghịch có xảy ra với tôi,
Tôi sẽ không bị thức tình nhiễm ô đánh bại.

Về phần hoan hỷ, một khi chúng ta đã phát Bồ đề tâm, chúng ta nên đảm đương những hoạt động của một Bồ tát với thích thú hoan hỷ. Chúng ta càng thực hành, sự mong muốn tiến bộ thêm nữa của chúng ta càng lớn.

65. Nếu tôi không bao giờ đầy đủ những đối tượng của
tham muốn,
Những mật ngọt bám trên đầu lưỡi dao cạo,
Tại sao tôi có thể cảm thấy đầy đủ công đức,
Chúng sẽ chín thành hạnh phúc và bình an ?

66. Một con voi, bị hành hạ bởi mặt trời giữa trưa
Sẽ nhào vào nước trong một cái hồ ;
Cũng thế, tôi phải nhào vào trong công việc này
Mà tôi sẽ đưa nó tới chỗ viên mãn.

Từ một cuộc đời này sang đời khác chúng ta luôn luôn tìm hạnh phúc, nhưng bởi vì chúng ta đã luôn luôn bị những tình thức tiêu cực thống trị, chúng ta chỉ gặp những gian khổ. Sinh lại làm người, chim chóc, hươu nai, côn trùng… chúng ta đã không bao giờ có hạnh phúc lâu dài. Đã không có gì để chứng tỏ mọi cố gắng chúng ta đã làm để được hạnh phúc và tránh đau khổ. Bây giờ chúng ta đã bắt đầu trên con đường Bồ tát, chúng ta nên thực hành với hoan hỷ và không nên ngã lòng bởi một vài khó khăn bắt buộc phải xảy ra lúc ban đầu. Những cố gắng của chúng ta nhất định sẽ mang lại kết quả.

Điều độ được áp dụng khi, như thỉnh thoảng xảy ra với tất cả chúng ta, chúng ta trở nên kiệt sức về thể xác và tinh thần và không thể tiếp tục, dầu chúng ta cố gắng nhiều. Những lúc như vậy chúng ta không nên cưỡng bách mình, mà nên dừng lại và nghỉ ngơi để sau đó cái gì chúng ta làm sẽ được làm một cách thích đáng và trọn vẹn.

Khi chúng ta giải thoát mình khỏi lười biếng và có được một cảm giác nồng nhiệt qua nguyện vọng, cương quyết, hoan hỷ và điều độ của chúng ta, chúng ta cần thực hành tinh tấn bằng cách áp dụng chánh niệm và chú ý. Hoặc trong khi hay giữa khoảng cách những thời thiền định, chúng ta phải luôn luôn giữ tâm thức chúng ta quy tụ vào những hành động tích cực. Chúng ta có thể có khả năng thiền định về Bồ đề tâm rất tốt trong một thời gian ngắn, nhưng nếu chúng ta không cẩn thận duy trì chánh niệm và chú ý trong mọi lúc, chúng ta có nguy cơ phạm những lỗi lầm và vượt qua những lời nguyện của chúng ta.

Khi chúng ta có thể tập trung vào một phương diện riêng biệt của con đường trong một thời gian, quan trọng là có một quân bình trọn vẹn giữa những phương diện khác nhau. Thiền định nên tiến bộ sát cánh với nghiên cứu, học hỏi, không có cái nào bị lơ là. Đã quét sạch những nghi ngờ về tri thức, chúng ta nên bổ khuyết sự hiểu biết của chúng ta với kinh nghiệm của thiền định. Theo cách này, sự thực hành của chúng ta sẽ được quân bình và trọn vẹn.

Thế nên chúng ta hãy, với chánh niệm và chú ý, cẩn thận để đánh lùi những cuộc tấn công của những thức tình tiêu cực, đặt một chấm dứt cho những kẻ thù này của chúng ta để không còn trượt vào những hoạt động sai lầm.

69. Nếu trong cuộc hỗn chiến, người lính rơi mất kiếm mình,
Sợ hãi, nó vội vàng nhặt lại.
Cũng thế, nếu vũ khí chánh niệm bị mất,
Vì sợ địa ngục, hãy nhanh chóng lấy lại nó.

Đấy là những nguy hiểm khi trở nên quá buông xả và mất chánh niệm.

70. Như nọc rắn thấm vào đầy khắp thân thể,
Được chuyên chở mang theo cùng với máu
Cũng thế, khi tìm ra cơ hội,
Cái xấu ác lan thấm khắp thân.

Về việc làm thế nào để thực hành thực sự chánh niệm và chú ý, Shantideva tiếp tục :

71. Như một người sợ hãi, cầm một bát dầu lớn trên tay,
Đầy tới miệng, và bị đe dọa bởi một kiếm thủ
Nói rằng “Làm đổ một giọt thì ngươi sẽ chết” –
Người tự điều phục phải hộ trì chính mình như thế.

73. Mỗi lần tôi phạm vào những điều lầm lỗi,
Tôi sẽ trách mắng và sỉ nhục chính mình,
Quán chiếu sâu xa để bất cứ cái gì
Là những lỗi lầm như vậy, trong tương lai sẽ không xảy
ra nữa.

74. Như thế trong bất cứ lúc nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào,
Chánh niệm sẽ là thói quen của tôi.
Vì lý do này tôi luôn luôn tìm cách
Thân cận với những vị thầy và hoàn thành những công việc thích đáng.

Một khi chúng ta có thể thực hành chánh niệm và chú ý trong cái chúng ta làm, chúng ta sẽ không bao giờ mệt mỏi hay ngã lòng. Chúng ta sẽ luôn luôn được chuẩn bị để tiếp tục.

76. Những cọng lan trên cây đưa đi đưa lại,
Theo chuyển động của những cơn gió
Cũng thế, mọi việc tôi làm sẽ được hoàn thành,
Nhanh chóng bởi những chuyển động của một tấm lòng hoan hỷ.

Thực hành tâm linh thì khó khăn lúc ban đầu. Các bạn tự hỏi làm sao trên cõi đời này các bạn có thể làm điều đó. Nhưng khi đã quen với nó, sự thực hành dần dần trở nên dễ dàng hơn. Chớ nên quá cương cường hay thúc đẩy mình quá sức. Nếu bạn thực hành hợp với khả năng cá nhân của mình, từng chút từng chút bạn sẽ tìm thấy nhiều thích thú và niềm vui trong đó. Khi các bạn có được sức mạnh bên trong, những hành động tích cực sẽ có được chiều sâu và tầm vóc.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Mười 2015(Xem: 9117)
Trong một cơ duyên dịch giáo pháp của Đức Đạt Lai Lạt ma, tôi khắc ghi lời ngài rằng, nếu không có cái nhìn tổng thể, có thể đôi khi người thực hành sẽ thấy giáo pháp, những phương pháp thực hành mà đức Phật ban có nhiều điểm mâu thuẫn nhau. Thực ra tất cả giáo pháp, phương pháp thực hành của đức Thế Tôn đều mang pháp vị giải thoát. Đức Phật tuyên thuyết nhiều giáo pháp ứng hợp cho căn cơ của mỗi chúng sinh.
27 Tháng Tám 2015(Xem: 17940)
Hôm nay, 19-11-2010, tôi đã từng được yêu cầu nói về một số hiểu biết thông thường sai lạc về Phật Giáo. Và có nhiều thứ đa dạng khác nhau, với nhiều lý do khác nhau. Có một số đặc thù là văn hóa, hoặc là đối với văn hóa phương Tây, hay đối với Á châu và những nền văn hóa khác bị ảnh hưởng bởi sự suy nghĩ của phương Tây hiện đại. Có những hiểu biết sai lầm có thể đến từ những vùng văn hóa khác
27 Tháng Năm 2015(Xem: 12029)
Cuốn sách này gồm một hợp tuyển những tác phẩm của Longchen Rabjam (1308-1363) về Dzogpa Chenpo (S. mahasandhi, Việt : Đại Toàn Thiện). Những bản dịch có một giới thiệu chi tiết căn cứ chặt chẽ trên kinh điển và những giải thích truyền thống về phương diện bí truyền sâu xa nhất của Phật giáo.
01 Tháng Hai 2015(Xem: 15429)
Sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng có những nét đặc thù mà có lẽ không nước nào khác trên thế giới có được. Vào năm 641 vua Đường Thái Tông của Trung Hoa gã công chúa Văn Thành cho vua Tây Tạng. Vị công chúa này là người thông minh, có học và là một Phật tử thuần thành.