Phụ Lục Những Nguồn Kinh Điển Cho Cuốn Sách Này

07 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 8544)
PHỤ LỤC
NHỮNG NGUỒN KINH ĐIỂN CHO CUỐN SÁCH NÀY


Những vấn đề chúng ta đối diện là bây giờ và ở đây, nhưng rất thường lời khuyên tốt nhất cho những khó khăn được truyền lại cho chúng ta từ quá khứ. Một trong những ý định của tôi trong việc trích dẫn rộng rãi những vị thầy tâm linh vĩ đại gần đây hay thời xưa là hãy để những lời minh triết này nói một cách trực tiếp trong những ngôn từ đẹp đẽ và truyền cảm của chúng.

Một lý do khác là xác nhận sự tiếp cận nền tảng của quyển sách này. Kinh điển tràn ngập với những lời giảng về cách làm thế nào tâm thức chúng ta có thể chữa lành đau khổ. Tuy vậy, chỉ có một phần nhỏ của những kinh điển này có thể thích hợp với những chương của một cuốn sách giống như sách này. Tôi nghĩ độc giả có thể tò mò muốn thấy một số những bài tập chữa lành như khi chúng xuất hiện trong kinh điển. Phần phụ lục này cũng trình bày những nguồn kinh điển khác về tâm và những cảm xúc.

CHỮA LÀNH QUA QUÁN TƯỞNG

Kinh điển hướng dẫn chúng ta chữa lành tâm và thân bằng niềm tin mạnh mẽ, cầu nguyện nhiệt thành, và gợi lên những hình ảnh tâm thức.

Bước đầu tiên là nhận dạng được bệnh tật tinh thần hay thể xác – cái mà những bản văn Phật giáo ám chỉ như “đối tượng để phủ định.” Những cảm xúc tiêu cực và bệnh mọc rễ trong sự chấp ngã, nhưng trước khi chúng ta làm bình lặng chúng, cần thiết phải thấy chúng rõ ràng. Như Ngài Shantideva nói :

Không có sự nhận biết thực thể được gán cho,
Bạn sẽ không nhận ra sự không hiện hữu của nó
(không có tự tánh).

Vậy, trước khi quán tưởng một hình ảnh tích cực, chúng ta cần phải hiểu được tâm và nguồn gốc của phiền não. Như Ngài Zhabkarpa nói :

Nếu bạn không xác minh những đặc tính thực tế của
tâm là gì,
Bất cứ việc tu hành đức hạnh nào bạn theo đuổi, sẽ không đụng đến điểm cốt yếu.
Cũng giống như có mục tiêu ở gần bên
Nhưng lại bắn mũi tên đi xa mất.
Giống như có một tên trộm trong nhà bạn
Mà lại nỗ lực tìm kiếm ở bên ngoài.

Nhiều bản văn khuyên quán tưởng bệnh tật trong một dạng dơ bẩn. Một khi hình ảnh tiêu cực được gợi lên, nó có thể được tịnh hóa với những năng lực chữa lành như cam lồ và ánh sáng. Ngài Dri-me OŠzer mô tả sự quán tưởng sau đây trong đó nguồn sức mạnh là đức Phật Kim Cương Tát Đỏa (Vajrasattva) hiện thân của chân lý và sức mạnh vô tận :

Hãy nghĩ rằng từ thân Phật những tia sáng và những dòng cam lồ xuống trong bạn. Những ngăn che tối tăm của thân bạn được tịnh hóa... Thân bạn được ban phước như thân kim cương, thân của Phật. Với những tia sáng và dòng cam lồ từ ngữ Phật, những nhiễm ô của lời nói bạn được tịnh hóa... Ngữ của bạn được ban phước như ngữ kim cương. Với những ánh sáng và cam lồ từ tâm Phật, những ngăn che của tâm bạn được tịnh hóa... Tâm bạn được ban phước thành tâm kim cương. Với ánh sáng và cam lồ chảy xuống từ mọi phần của đức Phật, những nhiễm ô do bám chấp vào thân, ngữ, tâm như một thực thể cá biệt (bản ngã) được tịnh hóa... Bạn đã tiếp nhận sự ban phước trí huệ kim cương.

Trong một nghi thức về chữa lành, Ngài Do Khyentse giới thiệu một quán tưởng chữa lành dùng khói, lửa, không khí, nước và cam lồ :

Tay của vị bổn tôn (nguồn sức mạnh) cầm một bình kho tàng như ý,
Tỏa ra những đám mây khói thơm ngát.
Nó thiêu cháy mọi bất tịnh, khuyết điểm và nhiễm ô của
chúng ta.
Từ lỗ mũi của vị bổn tôn phát ra không khí-trí huệ,
Thổi tung mọi nhiễm ô, chán nản và vẩn đục.
Từ miệng của bổn tôn, những đám mây, sương ban phước
Và một cơn mưa cam lồ trí huệ đến
Rửa sạch mọi bệnh tật, hậu quả độc hại, nhiễm ô, mất hài hòa và không toại ý của chúng ta.
Cầu cho mọi bất tịnh bị thiêu cháy bởi lửa trí huệ.
Mong sao chúng bị thổi tiêu mất bởi lực mạnh mẽ của
không khí
Mong cho chúng được tịnh hóa bởi cam lồ.

Ngài Tsewang Chokdrub, một tác giả vĩ đại của kỹ thuật thiền định ở thế kỷ mười tám, viết về sự cần thiết chuẩn bị tâm thức cho việc chữa lành – đặc biệt qua sự tập trung khiến dẫn đến tỉnh giác tĩnh lặng và trong sáng.

Vậy, để loại bỏ hôn trầm, bạn nên giữ và hoàn toàn tập trung tâm thức mạnh mẽ, hoàn toàn và nhất tâm tại trái tim. Để loại bỏ sự lỏng lẻo, khích động hay sự rối loạn của tâm trí, bạn nên giữ và hoàn toàn tập trung tâm trí một cách mạnh mẽ, hoàn toàn và nhất tâm ở dưới rốn (đan điền). Khi sự tập trung của bạn trở thành nhất tâm và mạnh, sẽ không có sự hôn trầm hay khích động trong tâm thức.

Một trong những bài tập chữa lành thực tế được do Ngài Tsewang Chokdrub đề nghị liên quan đến việc chúng ta tự quán tưởng mình như một vị Phật và tưởng tượng trong trái tim chúng ta chủng tự HUNG, đại diện cho tâm giác ngộ của đức Phật :

Để chữa lành những bệnh tật thân xác, trước tiên quán tưởng và tự thấy bạn như vị bổn tôn. Quán tưởng chữ HUNG màu xanh dương đậm có cỡ như hạt đậu tại luân xa tim. Nếu tính chất bệnh tật của bạn là nóng, quán tưởng chữ HUNG màu trắng có kích thước như một hạt đậu được phóng ra từ chữ HUNG màu xanh dương đậm, và bao bọc mọi phần của phần trên thân bạn, cuốn hút tất cả bệnh tật, giống như nam châm hút sắt, thoát ra khỏi đỉnh đầu và biến mất vào không gian. Sau đó thở ra. Nếu tính chất bệnh tật của bạn là lạnh, quán tưởng chữ HUNG
màu đỏ phóng ra từ chữ HUNG màu xanh dương đậm và bao bọc mọi phần dưới cơ thể bạn, thu hút tất cả bệnh tật liên hệ đến lạnh và thoát ra từ “những cửa dưới” sau đó tan biến xuống sâu trong lòng đất. Nếu bạn bị đau ở một chỗ riêng biệt như cánh tay, quán tưởng chữ HUNG màu đen tại chỗ đau. Nó thu hút mọi đau đớn và thoát ra từ đầu những ngón tay hoặc từ đôi mắt của bạn và biến mất vào không gian. Hình bên là Chữ HUNG Tây Tạng)

Ngài Tsewang Chokdrub cũng mô tả phương pháp hòa lẫn tỉnh giác của chúng ta thành một với đau khổ. Ngài nói về sự hòa nhập vào Đại Ấn, một thuật ngữ của đạo Phật chỉ sự rộng mở, rỗng rang (tánh không) :

Bất cứ bệnh tật nào bạn đang kinh nghiệm hay từ bất cứ nguyên nhân và điều kiện nào bệnh tật khởi lên, tất cả những đau khổ như bệnh tật và đau đớn xảy đến với thân huyễn hóa của bạn xảy ra vì chuỗi vọng tưởng được tạo tác do không nhận ra chân lý, rằng những đau khổ được khởi lên chỉ vì hành vi chấp ngã, rồi theo sau là những lực lượng của phiền não, tham và sân. Bấy giờ bạn cần phân tích xa hơn. Nếu bạn nói : “Gốc rễ của tất cả đau đớn và khổ sở này do sự chấp ngã, và tôi sẽ từ bỏ nó”, bấy giờ (cái gọi là) tự thân người từ bỏ sẽ khởi lên như một sự chấp ngã. Cách đúng đắn của việc tự nguyện từ bỏ sự chấp ngã là như sau : Không có bất kỳ tạo tác giả tạo nào, đối với bất cứ đau đớn hay bệnh tật nào bạn đang kinh nghiệm, hãy tham thiền về sự hợp nhất hay nhất thể của (người đang kinh nghiệm) mùi vị đau khổ và tự chính sự đau khổ mà không có sự chấp nhận (chính mình, người đang kinh nghiệm nó) và không có sự khước từ (đau khổ). Tập trung tâm trí bạn một cách mạnh mẽ và nhất tâm vào sự hợp nhất đó, nó là cái nhất thể và rỗng rang vô ngại, cả hai tự thân đau khổ và ý niệm về chính mình, người đang kinh nghiệm đau khổ, đều tan biến vào khoảng không của Đại Ấn mà không có bất kỳ sự phân biệt nào của sự chấp nhận bản ngã và khước từ đau khổ. Điều này sẽ cắt đứt những trói buộc vào chấp ngã.

TỈNH GIÁC VỀ THÂN, TÂM VÀ HIỆN TƯỢNG

Tỉnh giác về những phẩm tính và tính chất của thân thể bạn, những cảm nhận, những tư tưởng, và những hiện tượng là chủ đề trung tâm của những thiền định Phật giáo phổ thông, như “Bốn Niệm Xứ” và “chỉ, quán”. Nó duy trì tỉnh giác về mọi tư tưởng và cảm nhận của tâm thức, và mỗi sự hiện diện thân xác và mỗi khoảnh khắc, một cách rộng mở, không có bất cứ khái niệm bám chấp hay cảm xúc xung đột nào.

Tỉnh giác về những phẩm tính tích cực và hoan hỷ, và bản tính rộng mở của thân, tâm và vũ trụ là con đường và mục đích của “hai giai đoạn” (tức giai đoạn phát triển và giai đoạn thành tựu) tu tập của Phật giáo mật truyền.

THẤU HIỂU MỖI TẾ BÀO HAY NGUYÊN TỬ CỦA THÂN THỂ VÀ CỦA THẾ GIỚI LÀ NHỮNG PHẨM TÍNH CỦA PHẬT

Trong giáo lý mật truyền của đạo Phật, bạn tu tập sự thấu hiểu mọi khía cạnh của thân và tâm bạn và vũ trụ như những phẩm tính và trí huệ khác nhau của Phật. Ngay trong những giáo lý phổ thông, chúng thấu hiểu mỗi nguyên tử như sự biểu lộ vô tận và vô hạn của những cõi Phật tịnh độ. Bhadracharya-pranidhana nói :

Mong sao tôi chứng ngộ trong mỗi vi trần (nguyên tử)
Sự phô bày hoàn thiện của tất cả cõi tịnh độ trong ba thời.
Cầu mong tôi được đi vào cõi tịnh độ của chư Phật
(Của mỗi nguyên tử) của tất cả mười phương.

HIỂU TÂM

Ngài Chandrakirti, một triết gia Trung Quán vĩ đại của đạo Phật ở thế kỷ thứ bảy viết :

Chúng sanh, thoạt tiên chấp vào “ngã” như là “tôi” và
Rồi vào “các pháp” như là “của tôi”,
Quay tròn trong chu kỳ của cuộc sống thế gian giống như một bánh xe dẫn nước.

Nhưng làm sao những chúng sanh đau khổ là chúng ta có thể tháo mở sự chấp ngã ? Mặc dù chúng ta có khuynh hướng nghĩ về những kinh nghiệm là tích cực hay tiêu cực, đặc tính tốt hay xấu của những hoàn cảnh không thành vấn đề hơn là chúng ta thấy và sử dụng chúng một cách khéo léo như thế nào. Trích dẫn Ngài Longchen Rabjam, Ngài Paltrušl Rinpoche hướng dẫn chúng ta trong việc sử dụng những phương tiện thiện xảo để chuyển hóa cuộc sống chúng ta.

Đôi khi hãy nhìn vào tính chất xuất hiện của những hoàn cảnh hài hòa.
Bằng sự thấu hiểu chúng như tự biểu hiện, chúng khởi lên như sự hỗ trợ cho những kinh nghiệm tâm linh.
Đôi khi hãy nhìn vào những xuất hiện của những hoàn cảnh xấu.
Nó rất hiệu quả để xua tan sự bám luyến vào những vọng tưởng.
Đôi khi hãy nhìn vào bạn bè và những vị thầy ;
Nó cho bạn cảm hứng để rèn luyện bằng việc học được những tính tốt và xấu của họ.
Đôi khi hãy nhìn vào sự phô bày của những điều kỳ diệu của bốn nguyên tố trong không gian.
Nó đem lại việc thấu hiểu sự tan biến của những nỗ lực tâm thức vào trong thật tánh của tâm.
Đôi lúc hãy nhìn vào đặc tính của xứ sở, nơi ở và những sở hữu của bạn ;
Thấy chúng như ảo ảnh xua tan sự bám luyến của bạn vào những hình tướng như huyễn ấy...
Tóm lại, hãy đánh giá bản chất hoặc tính cách của những hiện tượng xuất hiện trong nhiều khả năng khác nhau ;
Nó hủy diệt sự bám luyến bị lừa dối của bạn với chúng như là có thật.

Phần lớn chúng ta thấy sự cô đơn như một cảm xúc tiêu cực, nhưng những thiền giả có kinh nghiệm đã biết rằng cảm nhận đó, trong một tâm thức buông lỏng, có thể giúp chúng ta giải quyết những ý niệm khô cứng và đưa sâu vào thiền định. Ngài Paltrušl Rinpoche viết :

Nếu bạn ở một nơi mà cảm giác cô đơn (hoặc buồn bã, thờ ơ hay trống không) xảy đến, sự thể nhập thiền định khởi lên trong chúng ta. Như vị thánh Milarepa nói :

Trong những hang động của những thung lũng trống,
nơi không có người,
Không có thời gian cho cảm giác cô đơn ngưng dứt,
Không có thời gian để tách rời khỏi tâm thức sùng mộ
Với Đạo sư (Guru) và chư Phật của ba thời.

Khi chúng ta bắt đầu hiểu được tâm, chúng ta thấy rằng nó không cần bám vào hạnh phúc, buồn phiền, hay bất cứ hiện tượng nào khác thuộc tâm thức hay bên ngoài. Trong quan điểm đạo Phật, tất cả hiện tượng chỉ là những phản ảnh và định danh của tâm. Ngài Mipham Rinpoche viết :

Vậy, tất cả đều là những trò phô bày huyễn thuật của tâm.
Nếu giải thoát, đó là sự giải thoát của tâm, và nếu bị trói buộc, đó là sự trói buộc của tâm.
Lìa khỏi tâm không có giải thoát cũng không có trói buộc,
Không có hạnh phúc cũng không đau khổ và không có Phật cũng chẳng có chúng sanh.

Ở mức độ cao nhất của hiểu biết, chúng ta tìm thấy an lạc trong sự giải thoát khỏi bám chấp, và những phiền não của chúng ta rơi rụng. Bấy giờ máy quay đèn chiếu của những khát khao thế gian sẽ dừng lại. Shantideva viết :

Khi bạn đã thấu hiểu
Rằng không có người kinh nghiệm những cảm nhận và
Không có cảm nhận,
Làm sao sự khát khao của bạn (là kết quả của cảm nhận) không quay lưng bỏ đi ?

NHỮNG PHIỀN NÃO

Chính thái độ nắm giữ của chúng ta gây ra những phiền não của chúng ta. Theo kinh điển sáu phiền não gây rắc rối đau đớn nhất là : vô minh (si), sân, tham, keo kiệt, ganh tỵ và kiêu mạn.

Sự nhẫn nhục được lựa ra như một đức hạnh hùng mạnh đặc biệt. Nó là một thái độ của việc hãy để như vậy, không khước từ hoặc bám chấp vào hoàn cảnh hay cảm xúc, mà để cho những xuất hiện khởi lên rồi tan biến. Ngài Shantideva viết :

Không có gì xấu như thù hận
Và không có gì công đức như nhẫn nhục.
Bởi thế, bằng những phương tiện khác nhau
Hãy dâng hiến đời bạn cho sự thực hành nhẫn nhục.

Những bài giảng của kinh điển về thái độ đúng nhận ra sự khó khăn của phần đông chúng ta có là những phiền não. Kinh điển nói rằng, phải bắt đầu bằng cái gì dễ dàng. Vậy nếu có ai chui rúc trong bụi gai của sự ganh tỵ, bước nhỏ nhất trước tiên là nghĩ về một người nào đó kém may mắn hơn chúng ta và cầu mong trước tiên cho họ được thịnh vượng. Điều này có thể làm mềm đi thói quen cứng như đá chỉ mong muốn hạnh phúc cho mình và gieo trồng khả năng cảm thấy hạnh phúc vì vận may của những người khác.

Sự khuyên răn thường hoàn toàn thực tiễn đời thường. Để nới lỏng sự trói buộc của tính ích kỷ, tự thân đức Phật đã khuyên rằng người ta trước tiên nên cho người khác một cái gì nhỏ, như rau chẳng hạn. Ngài Shantideva viết :

Đạo sư (đức Phật) hướng dẫn người ta,
Vào lúc bắt đầu, nên cho những vật như rau.
Đã rèn luyện dần dần, về sau,
Họ sẽ có thể cho ngay cả chính thịt của họ.

Đạo Phật tin vào sự tái sanh, và thấy sự hào phóng tạo được nghiệp tốt có thể mang vào đời tương lai. Ngài Long Thọ nói với chúng ta rằng tài sản mà chúng ta không thể cho hay hưởng thụ chỉ là nguồn gốc của đau khổ :

Hưởng thụ tài sản sẽ đem lại hạnh phúc trong đời này.
Bố thí tài sản đem lại hạnh phúc trong đời tương lai.
Tài sản bị hao phí do không được hưởng thụ hay không được bố thí
Chỉ đem lại đau khổ và không có hạnh phúc.

Ngài Sakya Pandita, nhà học giả vĩ đại nhất của học phái Sakya của đạo Phật Tây Tạng, tuyên bố :

Sự giàu có tốt nhất là sự bố thí,
Hạnh phúc tốt nhất là hạnh phúc của tâm.

Những phiền não mạnh mẽ như tham dục làm chúng ta mắc bẫy trong đau khổ. Thèm khát và bám chấp dẫn chúng ta ra xa khỏi an bình thực sự của tâm. Để tháo mở những bám vướng của chúng ta, là minh triết khi tư duy một cách sâu sắc về tính chất thoáng qua của mọi xuất hiện. Ngài Ngagi Wangpo nói :

Sự giàu có của cuộc sống này giống như mật của những
con ong.
Dù chúng gom góp mật, mật lại được hưởng thụ bởi các
loài khác.
Sự tụ họp của họ hàng và bạn bè giống như sự gặp gỡ của những khách trọ,
Dù có ở cùng nhau, họ sẽ ra đi trên những con đường riêng lẻ.
Đời sống là vô thường giống như hạt sương trên đầu ngọn cỏ.
Dù chúng ta ở đây, sự biến mất của chúng ta sẽ sớm đến.
Thần chết như những mật thám,
Ngày đêm chờ trông cơ hội để bắt chúng ta.
Những hiện tượng của cuộc sống này cũng như người sắp tỉnh khỏi một giấc mộng :
Chúng là tạm thời và thoáng qua, rồi chúng ta sẽ ra đi,
rời bỏ tất cả chúng.
Những nghiệp của luật nhân quả, giống như cái bóng của chúng ta,
Sẽ luôn luôn theo sau chúng ta không bao giờ cách hở.
Thế nên, người có tâm trí sáng suốt
Đi theo con đường giải thoát ngay từ ngày hôm nay.

Udanavarga nói :

Nếu bạn muốn có tất cả hạnh phúc,
Hãy từ bỏ tất cả những tham dục.
Bằng sự từ bỏ tất cả những tham dục,
Bạn sẽ hưởng thụ hạnh phúc tối thượng.
Chừng nào bạn còn bám víu vào những đối tượng tham muốn,
Sẽ không có sự thỏa mãn nào đến với bạn.
Vậy, bất cứ ai, nhờ trí huệ, nhịn được tham dục,
Sẽ hưởng thụ được sự hài lòng.

Về tất cả những cảm xúc đau khổ, vô minh (si) là cái độc chủ yếu. Say mê với những đấu tranh của mình, chúng ta khó nhìn thấy thế gian vô thường và khổ đau này là cái gì, khó chứng ngộ thật tánh của chúng ta và sự rỗng rang vĩ đại của mọi hình tướng. Trí huệ nằm trong bất cứ những bước nhỏ nào mà chúng ta có thể làm trong việc thoát khỏi sự chấp ngã. Ngài Shantideva nói :

Vậy, bất cứ ai muốn làm bình lặng những khổ đau
Nên phát triển trí huệ.

Kinh Dharmapada (Pháp cú) nói :

Khi bạn chứng ngộ với trí huệ của bạn
Rằng mọi hiện tượng hiện hữu đều vô ngã (vô tự tánh),
Bạn sẽ không bị thương tổn bởi đau khổ.
Đây là con đường hoàn thiện.


THUẬT NGỮ

AH : Theo kinh điển Đại thừa AH là nguồn gốc của mọi âm thanh, diễn tả và chữ viết ; nó không sanh, không tạo, không do cấu tạo, là sự rộng mở rỗng rang, thanh tịnh và tự nhiên. Nó không truyền đạt bất cứ những diễn tả ý niệm nào, nhưng nó biểu lộ bản tánh bổn nguyên của nhất thể, tánh không.

ánh sáng : Những ánh sáng thông thường như ánh sáng ban ngày được đặc trưng như là khía cạnh thanh tịnh của những nguyên tố thô. Ngài Natsok Rangtrol viết : “Khía cạnh thanh tịnh của những nguyên tố thô như ánh sáng và tia sáng mặt trời, và tia sáng của pha lê.”

ánh sáng tuyệt đối : Theo Ngài Longchenpa năm uẩn của thân tâm của quan niệm thế gian chính là năm thân Phật trong Phật tánh. Năm cảm xúc phiền não là năm trí huệ bổn nguyên, và năm nguyên tố vật chất (năm đại) là năm ánh sáng thanh tịnh... Trong Phật tánh chúng hiện diện trong bản tánh của nhất thể hay sự hợp nhất, an bình và hoan hỷ, nhưng trong tâm thức trần tục, tâm và những đối tượng của nó được tri giác, chấp giữ và kinh nghiệm như là năm uẩn thân tâm, năm cảm xúc phiền não, năm nguyên tố vật chất... theo một kiểu nhị nguyên cảm xúc và đau khổ.

bardo : Theo đạo Phật, sau khi bạn chết sẽ là giai đoạn bardo, là một giai đoạn chuyển tiếp ; sau đó bạn sẽ tái sanh vào một cuộc sống khác. Trong bardo nếu được trang bị, bạn có thể chứng ngộ bản tánh tối hậu và tất cả những hình tướng xuất hiện có thể khởi lên như là nhất thể.

bản tánh chân thật (Thật tánh) : Còn được gọi là Phật tánh, bản tánh tối hậu, chân lý tuyệt đối, tánh giác ngộ hay Tâm Phật.

Chân ngôn của Đức Liên Hoa Sanh

OM : Chủng tử tự của Thân Phật
AH : Chủng tử tự của Khẩu Phật
HUM : Chủng tử tự của Tâm Phật
VAJRA : Kim cương (cứng chắc), Pháp Thân (Bản tánh tuyệt đối của Phật)
GURU : Đạo sư (sự phong phú), Báo Thân (Tướng thanh tịnh của Phật)
PADMA : Hoa sen (sự thanh tịnh), Hóa Thân (thân Phật người bình thường thấy được)
SIDDHI : Thành tựu, đạt được những kết quả chung và không chung
HUM : Xin ban cho ; Mong rằng

Chân ngôn của Đức Phật Đại Bi : Trong những kinh văn Phật giáo, chân ngôn chỉ có sáu chữ, nhưng trong phần lớn những kinh văn được phát hiện (Terma) lại có bảy chữ, thêm HRI là chủng tự tâm của đức Quán Thế Âm. Trong chân ngôn này HRI là chủng tự tâm của Phật được cầu khẩn và sáu chủng tự khác là phương tiện để cầu khẩn nó.

OM : A + O + M = OM ; biểu tượng thân, ngữ và tâm của chư Phật, do đức Quán Thế Âm hiện thân.
MANI : Ngọc quý ; biểu tượng cho sự thỏa mãn những ước nguyện, những phương tiện thiện xảo.
PADME : Hoa sen ; biểu tượng cho sự thanh tịnh không nhiễm ô, cho trí huệ. Tu tập những phương tiện thiện xảo và trí huệ là con đường tâm linh của đạo Phật và sự toàn thiện của chúng là phương tiện thiện xảo và trí huệ của Phật tánh.
HUNG : Sự hợp nhất, sự cầu khẩn, hay việc hợp nhất. Nó tượng trưng cho sự hợp nhất giữa trí huệ và phương tiện thiện xảo. Nó cầu khẩn chư Phật ban cho trí huệ, phương tiện thiện xảo và tất cả sự gia hộ ban phước. Lần lượt HUNG hợp nhất thân, ngữ và tâm của người ta làm một không thể tách rời với (Thân, Ngữ và Tâm của) Phật.
HRI : Chủng tự tâm, đại diện cho tinh túy tâm của đức Phật Đại Bi để cầu khẩn và được hợp nhất.
Nghĩa đơn giản : “Ôi ! Đức Phật, Ngài nắm giữ ngọc báu và hoa sen (đại bi và trí huệ), mong Ngài ban phước gia hộ cho con.”

chấp ngã : Ý niệm nhận thức về chính mình (“tôi” và “của tôi”) hay về người khác hoặc sự vật (“ông ấy”, “bà ấy” hay “này”, “kia”, “đây”, “đó”) như thể chúng thật sự hiện hữu.

cõi giới tối hậu (Pháp giới) : Ngài Shakya Chokden viết : “Cõi giới tối hậu (không gian tối hậu) là trí huệ của Phật tỏa khắp, thấm khắp nền tảng, con đường và quả.” Ngài viết rằng pháp giới cũng có thể giải thích theo ba bối cảnh : “Trong bối cảnh của nền tảng, tức là luân hồi, thì pháp giới hiện diện như bản tánh tuyệt đối và thanh tịnh. Trong bối cảnh con đường, trong các bậc thánh hay chứng đắc cao của Đại thừa, nó hiện diện như phương tiện chứng ngộ (hay phát triển) của Pháp thân với hai sự thanh tịnh (thanh tịnh khỏi những nhiễm ô đột nhiên sanh khởi và thanh tịnh trong thật tánh của nó từ vô thủy). Trong bối cảnh của kết quả, Địa vị Phật, nó hiện diện như ba thân Phật và những hoạt động Phật tự nhiên thành tựu.

kim cương (vajra) : Biểu tượng cho phẩm tính cứng rắn, kiên cố bất hoại và không thay đổi. Giống như thập tự giá trong đạo Cơ Đốc, kim cương là biểu hiện của đạo Phật mật truyền. Kim cương cũng giống như một vương trượng, một pháp khí được bổn tôn cầm hay được sử dụng trong những buổi lễ, tượng trưng cho sức mạnh nam tính.

mantra (chân ngôn) : Chữ hay nhóm từ hoặc nhiều nhóm từ bí mật đầy năng lực bằng tiếng Phạn, hiện thân bản tánh tuyệt đối của âm thanh, ngôn ngữ, diễn tả và sức mạnh. Nó cũng là sự biểu hiện hoặc diễn tả trí huệ tinh hoa và năng lực của một bổn tôn, một vị Phật. Với hành giả, nó có thể được tụng niệm như một thiền định, cầu nguyện hay phương tiện diễn đạt tâm linh hoặc hành động.

năm màu : Mỗi một màu có sức mạnh chữa lành riêng. Ngài Kunkhyen Longchenpa viết : “Khi trí huệ (thật tánh) biểu hiện sự bất biến, ánh sáng của nó xuất hiện như màu xanh lá cây. Khi trí huệ biểu hiện thanh tịnh, ánh sáng của nó xuất hiện là màu trắng. Khi trí huệ hiện thân những phẩm tánh, ánh sáng của nó xuất hiện là màu đỏ. Khi trí huệ thành tựu tất cả bốn hành động, ánh sáng xuất hiện là màu xanh dương.
Ngài viết : Ngài Rang Shar giải thích : “Ánh sáng màu trắng là (ánh sáng của hành động hay năng lực) của sự an bình ; ánh sáng màu vàng là sự phát triển ; ánh sáng đỏ là sức mạnh (khiến tất cả được kiểm soát) ; ánh sáng xanh lá cây là lực (giải thoát khỏi tiêu cực) và ánh sáng xanh dương là sự thành tựu của tất cả (bốn) hành động.”

những thân Phật : Những phương tiện khác nhau của Phật. Phần lớn những giáo lý giới thiệu ba thân Phật. Thân tối hậu (Pháp thân) là tánh Không toàn thể hay khía cạnh rỗng rang của Phật tánh. Thân hưởng thụ (Báo thân) là hình tướng chân thật hay thanh tịnh của Phật. Trong đây, tất cả mọi hình tướng của chư Phật và những hình tướng hiện tượng của cõi tịnh độ là bất biến và không thể tách rời khỏi chính Phật tánh. Thân biểu lộ (Hóa thân) không phải là thân thực sự hay thanh tịnh của Phật. Nó là một dạng biểu hiện cho chúng sanh bình thường để phục vụ cho những nhu cầu và tri giác của họ.

terma : Những giáo lý và những đồ vật được tìm thấy nhờ năng lực của giác ngộ.

tịnh độ : Những tướng chư Phật và những biểu hiện của vùng đất mà chư Phật an trụ. Trong Phật tánh không có những phân biệt chủ và khách. Tất cả đều hiện diện trong trạng thái nhất thể, như trí huệ và sức mạnh của trí huệ với an bình, niềm vui và đẹp đẽ. Từ này có thể dịch là cõi Phật hoặc đất Phật.

thân ánh sáng : Nhiều Đạo sư Thành tựu của Đại Toàn Thiện (Dzogchen) Tây Tạng vào lúc chết đạt được “Thân ánh sáng” hay “Thân cầu vồng” (jalu), họ chuyển hóa thân sanh tử thành thân ánh sáng thanh tịnh, và chỉ để lại tóc và móng chân, tay. Một số đạt được “thân ánh sáng thanh tịnh của đại chuyển di” (jalu phowa chenpo), trong đó họ chuyển hóa thân thể thô nặng thành thân thể ánh sáng thanh tịnh, không để lại dấu vết vật chất gì.

thở theo OM AH HUNG : OM là sức mạnh bất biến và vẻ đẹp của thật tánh mà chúng ta đều sở hữu, thân Phật. AH là sự diễn tả bất tận và là năng lực thịnh hành của thực tại, ngữ Phật. HUNG là sự toàn thiện bất động của sự rỗng rang bổn nguyên của thực tại, tâm Phật. Cũng có những thực hành như thở ra chữ OM và hít vào chữ HUNG và giữ hơi thở lại với chữ AH hay thở ra với OM, thở vào với AH và giữ hơi với HUNG.

thực hành phương pháp thở bí truyền : Trong Phật giáo Tây Tạng có nhiều cách rèn luyện bí truyền về năng lực hay khí như sự rèn luyện Lung (rlung) hay Tsalung (rtsa rlung). Chúng sử dụng năng lực của cơ thể như một phương tiện đầy sức mạnh để phát sinh năng lực, nó lại đem đến sự chứng ngộ về sự hợp nhất của đại lạc và rỗng rang (tánh Không), chân lý tối hậu. Kết quả, hành giả mật truyền sống với nội nhiệt mà không cần quần áo để giữ ấm, bay trong bầu trời như chim muông ; tự nuôi sống bằng năng lực thay vì phải dùng thực phẩm thô và hưởng thụ sự tươi trẻ và trường thọ. Ngoài ra, một trong những cách tốt nhất để neo buộc lại những năng lực và tâm bạn là chú tâm vào điểm ở dưới rốn (đan điền). Những giải thích về cách rèn luyện này nên đọc ở những sách khác.

tư thế hoa sen : Đây là một tư thế thiền định phổ thông nhất ở phương Đông : (1) ngồi theo thế kiết già (hoa sen), (2) đặt tay trong lòng theo tư thế thiền định, (3) giữ xương sống thẳng, (4) hơi cúi đầu xuống, (5) cánh tay hơi đưa ra giống hai cái cánh hay cái ách, (6) hạ thấp tầm mắt tập trung trước mặt khoảng một đến hai thước ngang tầm đầu mũi, và (7) đặt đầu lưỡi đụng vòm họng.

tsa ba và grang ba : Theo y học Tây Tạng, mọi bệnh tật của thân thể đều liên hệ đến tsa ba (nóng) hay grang ba (lạnh). Phần trên cơ thể là trung tâm của tsa ba và phần dưới là trung tâm grang ba.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Mười 2015(Xem: 9122)
Trong một cơ duyên dịch giáo pháp của Đức Đạt Lai Lạt ma, tôi khắc ghi lời ngài rằng, nếu không có cái nhìn tổng thể, có thể đôi khi người thực hành sẽ thấy giáo pháp, những phương pháp thực hành mà đức Phật ban có nhiều điểm mâu thuẫn nhau. Thực ra tất cả giáo pháp, phương pháp thực hành của đức Thế Tôn đều mang pháp vị giải thoát. Đức Phật tuyên thuyết nhiều giáo pháp ứng hợp cho căn cơ của mỗi chúng sinh.
27 Tháng Tám 2015(Xem: 17952)
Hôm nay, 19-11-2010, tôi đã từng được yêu cầu nói về một số hiểu biết thông thường sai lạc về Phật Giáo. Và có nhiều thứ đa dạng khác nhau, với nhiều lý do khác nhau. Có một số đặc thù là văn hóa, hoặc là đối với văn hóa phương Tây, hay đối với Á châu và những nền văn hóa khác bị ảnh hưởng bởi sự suy nghĩ của phương Tây hiện đại. Có những hiểu biết sai lầm có thể đến từ những vùng văn hóa khác
27 Tháng Năm 2015(Xem: 12034)
Cuốn sách này gồm một hợp tuyển những tác phẩm của Longchen Rabjam (1308-1363) về Dzogpa Chenpo (S. mahasandhi, Việt : Đại Toàn Thiện). Những bản dịch có một giới thiệu chi tiết căn cứ chặt chẽ trên kinh điển và những giải thích truyền thống về phương diện bí truyền sâu xa nhất của Phật giáo.
01 Tháng Hai 2015(Xem: 15440)
Sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng có những nét đặc thù mà có lẽ không nước nào khác trên thế giới có được. Vào năm 641 vua Đường Thái Tông của Trung Hoa gã công chúa Văn Thành cho vua Tây Tạng. Vị công chúa này là người thông minh, có học và là một Phật tử thuần thành.