Không Có Sự Xung Đột Giữa Tiểu Thừa Và Đại Thừa

27 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 8953)
Không có sự xung đột
giữa Tiểu thừa và Đại thừa

Vua Trisong Deutsen dâng cúng một mạn đà la bằng vàng cho đại đạo sư Padmakara và nói : Kỳ diệu thay ! Thưa đại sư, con xin ngài dạy cho phương pháp thực hành chứng tỏ rằng không có sự xung đột giữa Tiểu thừa và Đại thừa.

Đạo sư trả lời : Emaho, thưa đại vương, thật hiếm hoi tiếp tục được sanh ra làm một ông vua trong một thân người hoàn hảo cùng với phước đức, thế nên thật quan trọng khi trị vì được vương quốc của Pháp.

Ngài có thể duy trì một luật lệ chặt chẽ đối với các hoạt động trần thế nhưng nó làm hại cho các chúng sanh, thế nên điều quan trọng là tu hành Bồ đề tâm.

Ngài có thể yêu quý cái thân huyễn hóa này với lòng say mê lớn lao, nhưng giờ phút của cái chết thì không chắc chắn. Tóc trắng và các vết nhăn của ngài là điều báo của cái chết, thế nên điều quan trọng là cảm thấy nhàm chán và nỗ lực trong các phương thuốc, tức là sự thực hành Pháp.

Nguyên nhân để đi vào con đường giải thoát là giữ gìn sự biết hổ thẹn và khiêm tốn, xa lánh hạnh xấu, thế nên điều quan trọng là tuân thủ những lời thệ nguyện và giới luật mà không làm hư hại chúng.

Chúng sanh hữu tình là đối tượng của lòng đại bi, thế nên hãy thoát khỏi thành kiến đối với các sự quen biết mới. Điều quan trọng là đưa tất cả cận thần, thần dân và quyến thuộc vào chánh pháp và ủng hộ họ.

Người ta có thể không bao giờ gom góp cho đủ các vật như thức ăn và của cải, thế nên, điều quan trọng là dùng chúng cho chánh pháp mà không để cho chúng bị hoang phí bằng cách trở thành lương thực cho kẻ thù và ma quỷ.

Không có đức tin và sùng mộ, người ta không thể nhận tinh túy của những lời dạy miệng, thế nên điều quan trọng là tôn thờ và phụng sự dòng các đạo sư với niềm tin, sùng mộ và tin cậy.

Chính vị thầy chỉ cho ngài trí huệ về Phật tánh thường hằng hiện diện nơi chính ngài, thế nên điều quan trọng là thỉnh cầu lời khai thị từ một vị thầy của dòng trực chỉ và rồi đem nó vào thực hành.

Ngài không nhận được những sự ban phước khi ngài để thân, khẩu, tâm trong tình trạng bình thường, thế nên điều quan trọng là tập trung thân, khẩu, tâm vào hiện thân của hóa thần, thần chú và trạng thái bổn nhiên vượt khỏi ý niệm.

Nếu ngài theo đuổi các việc làm bình thường thì thân, khẩu, tâm ngài sẽ chạy rông trong các kinh nghiệm thế gian, thế nên điều quan trọng là khéo léo bỏ đi các bầu bạn xấu và ẩn cư trong núi.

Cha mẹ, anh em, con cái và thê thiếp cũng giống như những người du lịch đi qua. Ngài sẽ không thể cùng ở hoài với họ, thế nên điều quan trọng là buông bỏ ràng buộc và tự chế với phái nữ, nguồn gốc của sanh tử luân hồi.

Mọi thành tựu, danh dự và tiếng tăm của đời này là nguyên nhân cho sự phóng dật và các chướng ngại, thế nên điều quan trọng là vất bỏ mối bận tâm với đời này và khước từ toàn bộ tám sự quan tâm thuộc về thế gian.

Mọi kinh nghiệm hiện thời của ngài, cảm giác sướng khổ đa dạng, đều giả tạo và không thực, thế nên điều quan trọng là nhận biết rằng tất cả những gì xuất hiện và có mặt đều không có một hiện hữu độc lập, đều vô tự tánh, giống như một sự hiện hình ảo huyễn hay một giấc mộng.

Tâm thì giống như một con ngựa rừng chạy rông bất kỳ chỗ nào nó thích, thế nên điều quan trọng là luôn luôn chánh niệm tỉnh giác.

Bản tánh của tâm ngài, không thể chỉ điểm, là tánh Giác tự có xưa nay vốn sẵn ; điều quan trọng là nhìn vào chính ngài và nhận ra bản tánh của ngài.

Khi nắm bắt cái tâm, nó không còn lại, thế nên điều quan trọng là buông xả thân tâm từ bên trong, và để cho sự chú tâm ở trong trạng thái tự nhiên vốn sẵn của nó.

Mọi sửa trị và tạo tác là sự lầm lạc thêm một lần thứ hai nữa của chính tư tưởng, thế nên điều quan trọng là buông xả hoạt động phồn tạp của tư tưởng trong khi để nó được tự do trong trạng thái tự nhiên bổn nguyên của nó.

Mọi cố gắng và thử nghiệm để thành tựu đều bị cột ràng bởi sợi thừng của tham cầu, thế nên điều quan trọng là để cho tâm được sáng tỏ trong chính nó, lìa ngoài mọi cố gắng và tham cầu.

Ngài không đạt đến Phật tánh khi còn chứa chấp hy vọng và sợ hãi, thế nên điều quan trọng là quyết chắc rằng bản tánh trống không và vô sanh của tâm thì siêu vượt khỏi một Phật tánh để-đạt-được và một sanh tử để-rơi-vào.

Emaho, hãy nghe, đức vua ! Nếu ngài thực hành điều ấy ngài sẽ không có bất kỳ xung đột nào giữa Đại Thừa hay Tiểu thừa, giữa Mật thừa hay Giáo thừa, giữa thừa Nhân và thừa Quả, thế nên, đại vương, hãy giữ điều ấy trong tâm.

Vào lúc chót của thời kỳ này, đại vương, ngài sẽ cắt đứt dòng tái sanh và đem sanh tử đến chỗ chấm dứt. Tánh Giác bổn nguyên của Phật tánh sẽ mọc lên tròn vẹn trong ngài và ngài sẽ không ngừng thành tựu lợi ích cho chúng sanh. Hãy cất dấu các lời dạy này như kho tàng quý giá !

Nghe xong lời chỉ dạy này về sự hợp nhất của phát triển và thành tựu, nhà vua vô cùng hoan hỷ và lễ lạy, đi nhiễu nhiều lần và rải rắc bụi vàng.

Đây là lời dạy miệng về sự khuyên bảo quan trọng rằng không có xung đột gì giữa các thừa chánh yếu.

Dấu ấn kho tàng.
Dấu ấn che dấu.
Dấu ấn giao phó.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Mười 2015(Xem: 9120)
Trong một cơ duyên dịch giáo pháp của Đức Đạt Lai Lạt ma, tôi khắc ghi lời ngài rằng, nếu không có cái nhìn tổng thể, có thể đôi khi người thực hành sẽ thấy giáo pháp, những phương pháp thực hành mà đức Phật ban có nhiều điểm mâu thuẫn nhau. Thực ra tất cả giáo pháp, phương pháp thực hành của đức Thế Tôn đều mang pháp vị giải thoát. Đức Phật tuyên thuyết nhiều giáo pháp ứng hợp cho căn cơ của mỗi chúng sinh.
27 Tháng Tám 2015(Xem: 17947)
Hôm nay, 19-11-2010, tôi đã từng được yêu cầu nói về một số hiểu biết thông thường sai lạc về Phật Giáo. Và có nhiều thứ đa dạng khác nhau, với nhiều lý do khác nhau. Có một số đặc thù là văn hóa, hoặc là đối với văn hóa phương Tây, hay đối với Á châu và những nền văn hóa khác bị ảnh hưởng bởi sự suy nghĩ của phương Tây hiện đại. Có những hiểu biết sai lầm có thể đến từ những vùng văn hóa khác
27 Tháng Năm 2015(Xem: 12032)
Cuốn sách này gồm một hợp tuyển những tác phẩm của Longchen Rabjam (1308-1363) về Dzogpa Chenpo (S. mahasandhi, Việt : Đại Toàn Thiện). Những bản dịch có một giới thiệu chi tiết căn cứ chặt chẽ trên kinh điển và những giải thích truyền thống về phương diện bí truyền sâu xa nhất của Phật giáo.
01 Tháng Hai 2015(Xem: 15437)
Sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng có những nét đặc thù mà có lẽ không nước nào khác trên thế giới có được. Vào năm 641 vua Đường Thái Tông của Trung Hoa gã công chúa Văn Thành cho vua Tây Tạng. Vị công chúa này là người thông minh, có học và là một Phật tử thuần thành.