Những Bài Ca Cho 25 Đệ Tử

27 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 8489)
Những bài ca cho 25 đệ tử

Nhà vua và hai mươi lăm đệ tử bấy giờ hỏi vị đại sư quý báu của Uddhiyana : Xin ban cho chúng tôi một lời dạy sâu xa chạm đến điểm chính yếu, nó gồm trọn tất cả và tuy nhiên đơn giản cho thực hành.

Padmasambhava hát lên để trả lời :

Kỳ diệu thay !
Hỡi đức Vua, hoàng tử và các đệ tử còn lại,
Thật nghĩa thì không ở trong giới hạn của bất kỳ ai.
Khi một người nhận không xứng đáng được nghe.
Nó trở thành nguyên nhân cho vu khống, hiểu lầm và làm hư hoại các samaya.

Ta đã cho các con những tiên tri quan trọng về tương lai,
Nhưng các lãnh tụ xấu xa của Tây Tạng
Không có niềm tin, bất kể họ nghe nhiều thế nào,
Truyền rộng sự giả dối, họ nói chuyện vu vơ.

Tuy nhiên ta sẽ giảng giải ngắn gọn.
Về điều mà các con, đầy lòng sùng mộ, đã hỏi ta.
Bây giờ không phải là thời để truyền bá,
Nhưng cho mỗi người để tự hành trì đúng đắn
Bởi vì lời chỉ dạy này sẽ được cất giấu như một kho tàng Terma cho lợi lạc của tương lai,
Hãy phát thệ giữ gìn bí mật !

Dạy họ gắn bó với sự yêu cầu phải kín đáo này, ngài trước tiên nói với nhà vua :

Thưa Bệ hạ, hãy nghe đây, dùng tư thế tréo chân.
Giữ thân thể thẳng đứng trên chỗ ngồi và tham thiền !
Giữ sự chú tâm tự do với niệm tưởng và không bị giam nhốt bởi các tạo tác của tâm thức.
Vì tiêu điểm của ngài siêu vượt mọi loại đối tượng,
Không trụ vào bất kỳ dấu hiệu cụ thể nào,
Hãy ở yên lặng, thanh tĩnh và tỉnh giác !
Khi ngài ở tư thế ấy, các dấu hiệu của tiến bộ tự nhiên xuất hiện,
Vì sự trong sáng của tâm thức không khởi cũng không diệt.
Và tánh Giác tự do rốt ráo với mọi vọng tưởng.
Đây là trạng thái giác ngộ tìm thấy trong chính ngài,
Không tìm ra ở đâu khác mà tự hiện hữu – kỳ diệu biết bao !

Nghe đây, hỡi Tsogyal họ Kharchen sùng tín !
Vì tâm con không có bản chất thực nào để chỉ bày,
Trong một trạng thái tự nhiên, không giả tạo, hiện diện xưa nay,
Hãy ở không phóng tưởng trong cõi giới của không-thiền-định !
Hãy an trụ như thế, giải thoát xảy ra tự nhiên.
Đây chính là trạng thái giác ngộ !
Hãy nghe đây, Palgyi Senge, đứa con lỗi lạc cao cả của ta !
Mọi hiện tướng của sanh tử và Niết bàn đều là tự tâm con,
Không xuất hiện ở ngoài tâm này –
Không có tự tánh, lìa ngoài tư tưởng, ngữ ngôn và diễn tả.
Không nhận lấy thích thú hay chối bỏ khó chịu, không xác nhận hay phủ nhận, không thiên về đâu,
Mà an trụ tỉnh giác một cách sống động trong trạng thái bổn nhiên vô tạo tác !
Bằng cách ở yên như thế, dấu hiệu tiến bộ là thân, khẩu, tâm ý của con
Cảm thấy tự do và thoải mái, vượt ngoài mọi giới hạn sướng khổ.
Đây là phút giây thấu hiểu trạng thái giác ngộ !

Hãy nghe đây, Vairochana, con người xứng đáng !
Mọi thứ xuất hiện và tồn tại, sanh tử và Niết bàn, đều khởi từ tâm của chính con
Cái tâm không thể nắm bắt, thoát khỏi mọi trung tâm và biên bờ.
Trong trạng thái tự nhiên của sự bình thản bao la, vốn sẵn và không cần phải tạo ra.
Hãy an trụ không lãng trí vào sự không cố gắng vĩ đại !
Tư tưởng nào con nghĩ ra, nó sanh khởi như là khoảng không của Tánh Giác.
Bậc Giác Ngộ là không gì khác hơn điều ấy.
Khi tỉnh giác tự thông tỏ được thực hiện trọn vẹn
Đó là cái được gán cho danh từ “Phật !”

Hãy nghe đây, Yudra Nyingpo từ xứ Gyalmo !
Tâm con là không sanh, không có vật gì để có thể thấy.
Tự do khỏi tư tưởng, không tạo ra ý niệm, chớ chạy theo niệm tưởng của mình !
Thế nên chớ xác nhận hay phủ nhận, mà an trụ thảnh thơi trong chính mình !
Trong trạng thái này, dòng niệm tưởng bị cắt đoạn
Và trí huệ lộ bày, nối liền sanh tử với Niết bàn !

Hãy nghe đây, Namkhai Nyingpo, người khất thực từ xứ Nub !
Tâm con là sự đơn giản trơ trọi xa lìa cái ta và một bản ngã,
Nên hãy an trụ trong trạng thái tự xảy ra, tự biến mất, thoát khỏi tạo tác giả tạo !
Vào lúc đó, lạc sanh ra từ bên trong,
Những dấu hiệu tiến bộ xảy ra tự nhiên ; đây chính là trạng thái giác ngộ.

Hãy nghe đây, Jnana Kumara, nghe không đãng trí lời dạy này !
Tâm con từ khởi thủy không được tạo bởi các nguyên nhân,
Và cuối cùng không hủy diệt bởi các điều kiện,
Vậy hãy an trụ không dùng sức trong trạng thái không thể nghĩ bàn và không do tạo dựng !
Vào lúc đó, Quả được khám phá nơi chính con mà không phải tìm kiếm.
Lìa ngoài cái này con sẽ không tìm ra bậc Giác Ngộ nào khác !

Hãy nghe đây, Gyalwa Cho-yang họ Nganlam !
Tâm sáng tỏ của giác ngộ không phải được tạo ra qua thiền định,
Thế nên, tự do khỏi nghĩ suy, không có niệm phóng ra hoặc tan vào,
An trụ với giác quan rộng mở, để cho ý thức lắng chìm trong chính nó !

Trong trạng thái này, thức nghĩ suy tự nhiên tan biến
Và trí huệ tự hiện tiền, không do tìm kiếm,
Đây chính là sự khám phá trạng thái giác ngộ !

Hãy nghe đây, Dorje Dudjom họ Nanam !
Cái có tên là “tâm sáng tỏ của giác ngộ”
Là vốn sẵn bên trong, bổn nhiên tự hữu và không tâm điểm cũng chẳng chu vi.
Chớ sửa chữa, chỉnh trang nó, mà ngay trong trạng thái vốn tự ngộ và trong sáng tự nhiên,
Không thay đổi, không làm biến chất, mà an trụ, giải thoát trong tánh bổn nhiên !
Ở yên như thế, tâm con thoát khỏi động niệm
Chính nó là Phật !

Hãy nghe đây, Yeshe Yang họ Ba, và tu hành theo giáo huấn này !
Tâm con không chao động khi không trụ vào chủ thể và đối tượng.
Không phóng dật vì nỗ lực, hy vọng hay sợ hãi, vì hộ trì và làm tan biến những tư tưởng ;
Chớ sửa chữa chúng, mà an trụ trong trạng thái tự nhiên của con.
Không lìa khỏi cái tự nó là Phật !

Hãy nghe đây, Palgyi Yeshe họ Sogpo !
Trạng thái giác ngộ của tâm là vô tạo tác,
Vô cầu và vốn tự sẵn đủ.
Tuyệt không nỗ lực để bám níu vào một chủ thể hay đối tượng
Mà ở trong trạng thái vô vi của tánh Giác vốn có !
Bằng cách an trụ như vậy, dòng vọng động bị cắt đứt và dừng lại ;
Hãy biết rằng giây phút ấy chính là bậc Giác Ngộ !

Hãy nghe đây, Nanam Yeshe, người khất thực trẻ tuổi từ xứ Shang !
Lìa sự chú tâm khỏi mọi tạo tác phân biệt, không xác nhận cũng không phủ nhận,
Mà an trụ trong cái không nỗ lực không do tạo tác, không lấy không bỏ.
Trạng thái giác ngộ là ở yên không vọng động trong đó !

Hãy nghe đây, Palgyi Wangchuk họ Kharchen !
Hãy để cho tâm con trong không-thiền-định, không tạo ra một quan kiến nào,
Mà, không một khởi tạo, an trụ trong tánh Giác bổn nhiên vốn sẵn !
Ở yên trong trạng thái ấy, không vất bỏ khía cạnh sanh tử,
Sự tiêu tan tự nhiên những lỗi lầm của sanh tử chính là trí huệ của Phật !

Hãy nghe đây, Denma Tsemang, con người trổi vượt !
Tâm con trống vắng mọi chủ thể và đối tượng và vô tạo tác,
Thế nên, thoát ngoài dụng công và thêm thắt, chớ tạo ra bất cứ cái gì qua thiền định,
Mà an trụ không phóng dật trong tánh Giác bổn nhiên vốn sẵn !
Bằng sự ở yên trong trạng thái này, cái giác tự nhiên vốn là giải thoát.
Con sẽ không tìm ra Phật nếu con bỏ qua điều này !

Hãy nghe đây, dịch giả Kawa Paltsek họ Chinbu !
Khi lìa chủ thể và đối tượng, tâm không phải là một vật gì có thể chỉ ra.
Cũng thế, nó không được làm ra hay phải sửa chữa.
Hãy an trụ trong trạng thái thản nhiên, không lạc lầm vào sự trụ tướng.
An trụ không xao lãng khỏi cái nó vốn chính là trạng thái giác ngộ !

Hãy nghe đây, Palgyi Senge họ Shubu !
Trạng thái giác của tâm là thoát ngoài mọi yêu cầu tăng hay giảm.
Không sanh và tự nhiên không dính dấp đến một chủ thể chấp nhận hay chối bỏ đối tượng,
Chớ trụ vào bất cứ thứ gì, hãy rốt ráo không chướng ngại.
An trụ trong trạng thái này chính là Phật !

Hãy nghe đây, Gyalwey Lodroš, người khất thực xứ Drey !
Tâm con không thể suy nghĩ đến, cũng không thể quan sát được.
Nó vượt ngoài có và không, thường và đoạn,
Thế nên, hãy an trụ, thoát khỏi sự thiền định về chủ thể tham thiền và đối tượng !
Khi con ở yên không xao lãng khỏi trạng thái này,
Đó là cái được gọi là Pháp thân của Phật !

Hãy nghe đây, Lokyi Chungpa, lời dạy này !
Lìa chú tâm khỏi người biết và cái được biết,
Không trụ tâm, mà buông xả tự do không ước muốn,
Và an trụ trong trạng thái Giác vô tánh, vô trụ.
Ở yên không động lìa khỏi nó chính là trạng thái giác ngộ !
Hãy nghe đây, Drenpa Namkha !
Tâm con, nó tri giác nhưng thoát khỏi mọi bản chất,
Biết mà không tư tưởng, thông tỏ tuy bất khả tư nghì.
Tự do khỏi các chuyển động của thức tưởng phân chia,
Hãy an trụ trong trạng thái đó, tỉnh giác và rộng mở.
An trụ trong bản tánh này chính nó là trạng thái giác ngộ !

Hãy nghe đây, Palgyi Wangchuk họ Odren !
Tâm giác là tánh Không thông tỏ, cái biết trống rỗng mà sáng chiếu.
Hãy an trụ trong trạng thái vốn sẵn có này, chớ làm thoái hóa hay chỉnh trị nó.
An trụ không động lìa khỏi nó thì chính nó là Phật !

Hãy nghe đây, Rinchen Chok !
Tính nhất như của tỉnh giác, nó không trụ vào bất cứ cái gì,
Thì không thể bám nắm ; nó không được tạo ra cũng không bị lơ là trong thiền định.
Chớ sửa trị hay làm biến chất sự trẻ trung bản hữu của nó,
Mà an trụ trong trạng thái bổn nhiên xưa nay hiện tiền !
Trong trạng thái này, chớ để tâm con dậy sóng,
Từ đó con sẽ không tìm thấy Quả nào lìa ngoài Nó !

Hãy nghe đây, Sangye Yeshe, người khất thực từ xứ Nub !
Tâm tỉnh giác là trống không mà thấu biết
Và thấu biết trong khi vẫn trống không.
Một sự bất nhị không thể quan niệm nổi của tri giác và tánh Không thông tỏ –
Hãy an trụ trong tánh bổn nhiên, không lìa khỏi cảnh giới ấy.
An trụ không động lìa khỏi Nó thì chính Nó là Phật !

Hãy nghe đây, Palgyi Dorje Wangchuk họ Lhalung !
Bản tánh của tâm con thì vô tướng và không thuộc tính,
Chớ tìm cách tạo ra hay cải thiện nó, mà an trụ không thay đổi hay quên mất.
An trụ như thế chính là Phật !

Hãy nghe đây, Košnchok Jungney họ Landro !
Tâm con thì vô tướng và thanh tịnh bổn nhiên,
Xưa nay trống không và không thêm thắt giả tạo,
Thế nên, hãy an trụ trong trạng thái giải thoát khỏi người thiền và đối tượng thiền.
Qua nó, con đạt đến quả của Phật tánh !

Hãy nghe đây, Gyalwa Jangchub họ Lasum !
Tâm con không khởi không diệt, cũng vô tướng.
Trống không tự bản chất, tánh giác của nó thì không chướng ngại
An trụ không động lìa khỏi nó thì chính là Phật !

Tất cả các con, hãy áp dụng các lời dạy này vào thực nghiệm !
Các con có thể so sánh các kinh và mật của Phật cùng các chú giải,
Với lời chữ nhiều hơn cả không gian,
Nhưng yếu nghĩa thì gồm trọn trong các điểm chính yếu này.
Thế nên hãy thực hành chúng, và dấu chúng như các kho tàng hợp với lời phát thệ của mình.
Padmasambhava nói như thế, và chỉ bằng sự trao lời dạy chân thật cốt tủy cho họ, mà tất cả họ đều được giải thoát và đạt đến thành tựu.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Mười 2015(Xem: 9116)
Trong một cơ duyên dịch giáo pháp của Đức Đạt Lai Lạt ma, tôi khắc ghi lời ngài rằng, nếu không có cái nhìn tổng thể, có thể đôi khi người thực hành sẽ thấy giáo pháp, những phương pháp thực hành mà đức Phật ban có nhiều điểm mâu thuẫn nhau. Thực ra tất cả giáo pháp, phương pháp thực hành của đức Thế Tôn đều mang pháp vị giải thoát. Đức Phật tuyên thuyết nhiều giáo pháp ứng hợp cho căn cơ của mỗi chúng sinh.
27 Tháng Tám 2015(Xem: 17938)
Hôm nay, 19-11-2010, tôi đã từng được yêu cầu nói về một số hiểu biết thông thường sai lạc về Phật Giáo. Và có nhiều thứ đa dạng khác nhau, với nhiều lý do khác nhau. Có một số đặc thù là văn hóa, hoặc là đối với văn hóa phương Tây, hay đối với Á châu và những nền văn hóa khác bị ảnh hưởng bởi sự suy nghĩ của phương Tây hiện đại. Có những hiểu biết sai lầm có thể đến từ những vùng văn hóa khác
27 Tháng Năm 2015(Xem: 12028)
Cuốn sách này gồm một hợp tuyển những tác phẩm của Longchen Rabjam (1308-1363) về Dzogpa Chenpo (S. mahasandhi, Việt : Đại Toàn Thiện). Những bản dịch có một giới thiệu chi tiết căn cứ chặt chẽ trên kinh điển và những giải thích truyền thống về phương diện bí truyền sâu xa nhất của Phật giáo.
01 Tháng Hai 2015(Xem: 15428)
Sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng có những nét đặc thù mà có lẽ không nước nào khác trên thế giới có được. Vào năm 641 vua Đường Thái Tông của Trung Hoa gã công chúa Văn Thành cho vua Tây Tạng. Vị công chúa này là người thông minh, có học và là một Phật tử thuần thành.