Chương Iii Giải Thích

10 Tháng Mười Hai 201000:00(Xem: 8068)
CHƯƠNG III GIẢI THÍCH

Những tư liệu hàm chứa trong chương này đều đã được căn cứ vào truyền thống Tây Tạng chú sớ về Quán Âm Quán Tưởng Tu Pháp và đã được một số các bậc Thượng Sư hướng dẫn trực tiếp bằng khẩu truyền cho dịch giả.

1 – QUY Y (Trở về nương tựa)

Trong chương đầu tiên này, Pháp tu đã được diễn đạt về hai động cơ thiết cốt có tính cách sống còn chủ yếu nhất để tu học Phật Pháp là Thọ Quy Y và Phát Bồ Đề Tâm.

 Hai linh niệm này luôn luôn nhất định phải được thể hiện trước bất cứ sự hành trì nào trong Phật giáo và thực sự đó là điều bắt buộc không thể thiếu được trên tiến trình tu học Phật Pháp của họ.

THỌ QUY Y

 (Ba hàng văn đầu của chính văn tu Pháp) đã chính thức đưa ra như là một tiền đề xác định nơi quy y (trở về nương tựa) tối hậu và đồng thời cũng là lý tưởng tối cao của hành giả. Đó là PHẬT, PHÁP và TĂNG. Nói khác hơn, hành giả quyết định lấy Phật, Pháp. Tăng như là điểm quy hướng cơ bản tối hậu của sự xác chứng cho đến khi chính mình chứng thành Phật quả. Lúc thọ Quy Y, hành giả cần ghi nhớ rằng: Đức Phật là một bậc đã thật sự chứng được quả vị Chánh Giác một cách hoàn toàn viên mãn và Ngài đích thực là một khải thị tối cao là linh cảm, là nguồn cảm hứng vô tận đối với toàn thể Phật Giáo đồ. Pháp là những áo nghĩa, triết lý và phương tiện tối cao, tối hảo mà đại biểu là Kinh Tạng do Đức Phật giảng dạy, và Tăng là những đoàn thể thánh chúng, nói cách khác, Tăng là danh xưng chung để chỉ cho tất cả những thánh nhân quí phái cao thượng, có một đời sống thanh khiết, thánh thiện đã và đang nỗ lự́c tinh tấn phát triển trí huệ hầu thành tựu Phật Tánh. Như thế, Phật, Pháp, Tăng là ngôi tối tôn kính đối với toàn thể Phật tử.

 Trong lúc trì tụng Kệ Tam Quy Y, hành giả cần phải quán tưởng rằng: bao quanh mình gồm có cha mẹ, bạn bè, oán cừu cho đến tất cả chúng sanh, và tất cả đều ngồi chung môt chỗ và đồng thọ Quy Y. Trong khoảng không trung ở trước tất cả chúng sanh là Phật, là chư vị Bồ Tát, những quyển Kinh tượng trưng cho Pháp, và đoàn thể Tăng già. Quán tưởng sự có mặt của Chư Phật và Thánh chúng sẽ làm tăng sức mạnh cho thệ nguyện lực quy y của hành giả.

 Thông thường, khi thọ Pháp Quy Y lần đầu, tất cả đều hiện diện (thực hiện) trước mặt vị Thượng Sư và lễ thọ Quy Y này là mốc đánh dấu cho sự chánh thức tiến vào Phật đạo. Sau đó, việc lặp lại nghi thức đọc tụng Tam Quy Y Văn, nhất là trước khi quán tưởng thiền định là cốt giúp cho hành giả ghi nhớ mãi chủ hướng tối thượng và lý tưởng tối cao của mình.

PHÁT BỒ ĐỀ TÂM

(tức ba hàng chữ thứ hai của đoạn thứ nhất) là kết quả tất nhiên của sự thọ Tam Quy Y và đồng thời còn là cái chủ trương tối trọng yếu trong Phật pháp. Đoạn văn này nhấn mạnh: Cái mà hành giả đem hết nổ lực để mong cầu giác ngộ chính là cái nhu yếu muốn lợi ích tất cả chúng sanh (hay: Tất cả sự nỗ lực của hành giả để đạt đến sự giác ngộ là vì sự lợi ích của tất cả chúng sanh). Nỗ lực này bao gồm tất cả phương tiện tu học của Phật giáo như: Bố thí, cứu giúp người (độ sanh), tụng kinh, tu tập thiền định, v.v... Hành giả nên thực hành những phương tiện này với một nhận thức minh mẫn rằng: Tất cả mọi nỗ lực đều nhắm vào mục tiêu tối hậu là chứng thành Phật quả để độ thoát chúng sanh, như thế (tức) có thể cấu thành một nguyện lực cường đại có đủ năng lực thẩm thậu khả dĩ biến đổi, chuyển hóa tất cả mọi sự kế tiếp. Mục đích của sự phát Bồ Đề Tâm này là nhằm tránh những sai lầm to lớn mà hành giả có thể vấp phải, đó là: Nỗ lực tu tập chỉ vì mục đích tư lợi.

 Vì thế, trước khi mở đầu pháp tu thật tế này, hành giả cần để ra một vài phút quán tưởng để nhìn thấy mọi sự thống khổ mà vô lượng chúng sanh đang thọ nhận trong lúc luân hồi sanh tử trong thế gian. Trong Phật giáo, chúng sanh được phân làm sáu loại: Thiên, A Tu La, Nhân, Súc Sanh, Ngạ Quỷ và Địa Ngục Chúng Sanh (chúng sanh trong địa ngục). Phải thừa nhận rằng mỗi một loại chúng sanh đều tự có một lãnh vực sinh tồn của chính chúng, nhưng, nhìn từ một quan điểm khác thì, tất cả sáu loại hình thái sinh tồn đó đều có thể tồn tại ngay trong nhân loại (kinh gọi là Nhân thú hay Nhân đạo).

Trời (Thiên):

Là một loại ở trong thiên đường vật chất, nhưng sinh hoạt tâm linh của họ phát triển rất ít. Sinh mạng của họ sẽ chấm dứt, và lúc mà họ phát hiện cái nhược điểm đó của chính mình thì họ sẽ bị khủng hoảng đến sửng sờ và đau khổ đến cùng tột.

A Tu La:

Là một loại chúng sanh thuộc cảnh giới mà tánh khí nóng nảy, tật đố, ưa tranh chấp, có thể tranh đấu liên lỉ suốt đời và lại thiếu hẳn cơ hội để suy gẫm về những vấn đề (phương diện) tâm linh.

Loài Súc Sanh:

 Là loài tánh tình ngu độn, đau đớn, và thiếu hẳn trí năng sáng suốt. Đời sống của chúng là một chuỗi cắn xé, giành giật để sinh tồn. Chúng cũng thường bị bắt buộc làm nô lệ cho những chúng sanh khác

Ngạ Quỷ:

 Là một cảnh giới (loài) luôn bị đau khổ bởi sự khát khao thèm muốn dục vọng cực độ mà họ không bao giờ có thể thỏa mãn. Vì lòng keo kiệt, bủn xỉn của chính họ mà không lúc nào họ không suy tìm thức ăn, áo mặc và vật dụng; dẫu thế, họ chỉ có thể tìm được một mẩu vụng nhỏ bé hoặc một mảnh giẻ rách mà thôi.

Chúng sanh trong Địa Ngục:

 Thì hoàn toàn bị sự nô dịch hóa bởi lòng căm thù, oán hận của chính họ, vì thế mà họ phải nhận không biết là bao nhiêu sự cực hình tra tấn và đau khổ một cách vô hạn.

Loài Người:

 Tuy họ cũng có thể có đầy đủ một số mức độ của tất cả những vấn đề đó, nhưng, họ dường như có vừa đủ mức độ trộn lẫn cả khổ đau và thông minh để có khả năng vượt qua sự giao tranh sinh tử và phát triển đôi chút khôn ngoan. Vì thế, loài người là một loại chúng sanh duy nhất khả dĩ có thể tu tập và phát triển Phật đạo. Suy xét thật kỹ thì, số sinh vật được làm người thì không đươc̣ nhiều như những loại sinh vật khác, do đó, phải biết rằng được làm thân người là cả một điều may mắn, hy hữu. Nhưng, dù đã được làm thân người (nhân thú) cũng không sao tránh khỏi những vấn đề chủ yếu như: Bệnh tật, vô minh, cầu bất đắc khổ (mong muốn cầu xin mà không được thỏa mãn là một thứ KHỔ) và sự chết, v.v...

 Mặc dù chúng ta có thể nhận thấy được sự đau khổ ở mặt phiến diện nhưng, không phải bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể thể nghiệm được mức độ xung kích cực độ của khổ đau nơi chính bản thân mình. Dù vậy, nếu suy nghĩ (thật cẩn trọng) về tính cách bao quát lan tràn của sự khổ đau đang tồn tại, nó sẽ kích phát được tâm từ bi của con người và đồng thời có thể khiến họ hưng khởi thệ nguyện vĩ đại để cứu độ tất cả sự đau khổ của chúng sanh. Chúng ta cần thể hội một cách toàn triệt trọng yếu tánh về sự phát triển cần thiết của trí tuệ để ra tay cứu độ một cách hữu hiệu tất cả chúng sanh, để tạo thành một thay đổi thật sự và toàn diện cho cả TÂM lẫn CẢNH của tất cả chúng sanh. Sự tri nhận một cách đầy đủ về nhu cầu khẩn yếu của việc đạt tới trí tuệ và từ bi có thể làm tăng cường sự mong muốn và quyết tâm của hành giả trong việc tu tập (pháp môn này), đồng lúc, sử dụng một cơ hội quý giá để thực hành Phật Pháp như là một nhân thể thông minh lành mạnh, khang kiện.

2 – HIỆN TÁC GIAI ĐOẠN
(hay GIAI ĐOẠN HIỆN TƯỚNG)

 Hiện tại, hành già đã được chính thức bắt đầu tiến vào phương pháp tu tập, giai đoạn này gọi là giai đoạn hiện tướng bởi vì nó trình bày từng bước một cái quá trình xuất hiện của hình ảnh mà mình quán tưởng về Quán Thế Âm Bồ Tát.

 Lúc bắt đầu, trước hết, một lần nữa hành giả phải quán tưởng trong hư không đầy dẫy vô lượng chúng sanh. Vô lượng chúng sanh này ngập tràn toàn thể vũ trụ. Hành giả tưởng tượng chúng đang ngồi trong một diện tích rộng lớn và tự khởi lên tịnh tọa và tu tập thiền định cùng lúc với hành giả.

 Hành giả quán thấy trên đảnh đầu của mình và của cả chúng sanh đều hiện lên một đóa sen trắng tám cánh. Rễ của hoa sen này sanh trong đầu của những chúng sanh và mọc nhú lên từ nơi thiên đảnh huyệt (gọi là đầu đảnh môn xứ Bà La Môn) của đầu nổi lên (mọc nhú lên). Lủng lẳng bình hành trên đầu cánh hoa là một Nguyệt Luân (vầng trăng) màu trắng tương tự như một tọa cụ dùng để ngồi thiền nhưng rấ bằng phẳng.

 Trên những nguyệt luân (vầng trăng) này đột nhiên xuất hiện chủng tử HRÌH (đọc âm đồng vận như chữ free trong anh ngữ. Âm H đại biểu cho lúc âm tiết đã chấm dứt có một khí âm đoản xúc). Âm tiết của chữ này là sở tại tinh túy của Từ Bi và Trí Tuệ của chư Phật. Lúc quán tưởng chữ này, có thể sử dụng bất cứ loại văn tự nào cũng được, ví dụ: chữ Phạn thì: ; Tây Tạng thì: ; hoặc phiên âm theo Anh ngữ thì là HRÌH. Có thể quán tưởng chữ này trong một chiều cao một vài inches (phân Anh), đứng ở trên nguyệt luân, mặt hướng về phía trước, màu nó thật khiết bạch và rất quang minh rực rỡ ba động với ánh sáng, tiếp nhận tinh lực linh hoạt nhở bởi tinh chất Đại Bi mãnh liệt. Ánh sáng đó rung động miên viễ́n và chiếu soi toàn thể vũ trụ.

 Sau đó chữ HRÌH này lại tự động chuyển biến thành Hình Tượng hay Pháp Tượng của Bồ Tát Quán Thế Âm.

 Đức Quán Thế Âm có một màu da quang minh rực rỡ và khiết bạch giống như màu sắc của một vầng thu nguyệt. Thánh thể của Ngài phóng chiếu rực rỡ và trải ra năm màu quang huy chói lọi của móng cầu vòng như trắng, xanh da trời, vàng, đỏ và xanh diệp (năm màu này là năm màu đại biểu để cấu thành năm thứ nguyên tố của thế giới). Ánh sáng đó chiếu rọi toàn thể vũ trụ. Gương mặt đức Bồ Tát đang cười hàm tiếu (vi tiếu) và hai mắt đều hiển lộ chan chứa từ bi, đang xót thương xem xét tất cả chúng sanh trong thế gian. Ngài có bốn cánh tay – Hai cánh tay chấp trước ngực trong vị thế kỳ đảo, cầu kinh, khấn nguyện (namaskara). Trạng thái này thể hiện cho lòng chí kính đối với vô lượng chư Phật. Tay phải vòng ngoài, cầm một hoa sen tuyệt mỹ (tượng trưng của Bồ Tát), và tay trái vòng ngoài thì cầm một chuỗi hạt pha lê (mala) tượng trưng cho lòng Đại Bi không ngừng nghỉ.

 Đức Quán Thế Âm Bồ Tát ăn mặc theo truyền thống thêu dệt bằng oanh lạc, tơ lụa và chân báu. Những thứ này bao gồm cả khăn choàng, xiêm y, áo choàng, v.v... Tất cả đều được chế tạo bởi nhữngloại tơ lụa và châu báu hảo hạng tối thượng; ngoài ra, Ngài còn trang sức thêm những loại nữ trang như: Xoan vòng, bông tai, kiềng đeo cổ, nhẫn, đai, xuyến. Ngài còn vận một tấm da nai bên vai trái để tượng trưng cho lòng từ bi của Ngài đối với tất cả chúng sinh. Tóc của Ngài được bệnh thành những nhánh búi tóc nhỏ quấn vòng quanh đầu và tạo thành một cái đỉnh, phần tóc còn lại thì được xỏa xuống tự nhiên. Ngài đội một bảo quan (chiếc mão làm bằng châu báu), phía trước mão, ở trên có gắn một tượng nhỏ mày đỏ của đức Phật A Di Đà. Phật A Di Đà là bậc thượng sư của Quán Thế Âm Bồ Tát và là bậc chí tôn trong chư Phật từ liên hoa phóng sanh mà Quán Âm Bồ Tát thuộc một trong phổ hệ này. Hầu hết trên bảo quang của những tôn tượng Quán Âm, đều có một tượng nhỏ Phật A Di Đà để biểu thị lòng tôn sùng chí kính đối với Phật A Di Đà, một vị Phật vô cùng trọng yếu.

 Quán Âm Bồ Tát ngồi trong tư thế Kim Cang tọa (Vajrasana), hai chân giao xếp vào nhau, bàn chân hữu gác trên đùi chân trái và ngược lại bàn chân trái gác trên đùi chân hữu. Ngài ngồi đâu lưng với vầng nguyệt luân màu trắng. Vầng trăng đang ở đằng sau Ngài, sự thanh lương, quang huy, rực rỡ của vầng trăng này tượng trưng cho tâm từ bi dùng để khắc phục sự thống khổ, nhiệt não (nóng bức) của tham ái.

 Những lời tối hậu của tiết này là hướng dẫn, chỉ dạy cho hành giả phải nhận định một cách minh bạch rằng đức Quán Âm Bồ Tát đang ở trên đầu của hành giả không chỉ là một huyễn tượng được sanh ra từ sự quán tưởng mà chính là đức Quán Âm đích thật. Hành giả cần phải quán tưởng rằng: Bồ Tát này là tất cả sự tinh anh của trí tuệ của chư Phật (tức đối tượng quy đích thực của hành giả). Hình tượng được quán tưởng như thế thì, tức khắc trở thành Phật Tánh tối cao, đầy đủ những oai lực không gì so sánh nổi và có thể thị hiện sự cảm ứng linh hiện trực tiếp với hành giả.

3 – CẦU NGUYỆN ĐỨC QUÁN ÂM

Những hàng văn kế tiếp sau đây là loại văn cầu đảo có tính truyền thống để xưng tụng đức Quán Âm mà trong đó tổng kết lại tính cách đại phẩm đức trọng yếu của Quán Thế Âm Bồ Tát. Viên Mãn Phật tức chỉ đức Phật A D Đà.

Một mặt, hành giả phải khắc nhớ trong tâm tất cả những quán tưởng đã thực hiện từ trước, mặt khác, phải đọc trong nhiều lần (biến) lời Kệ kỳ đảo (cầu nguyện) này. Kệ văn tụng này biểu đạt cách căn bản lòng tôn kính và sự sùng ngưỡng của một tâm cảnh hết sức cao xa sâu thẳm đối với bậc Bồ Tát; loại tâm cảnh này khác hẳn và nghịch phản với cái tâm hồ̃n loạn dẫy đầy tham dục của tất cả chúng sanh đang trôi lăn trong luân hồi trong sanh tử. Vì thế, hành giả nên khẩn thiết thỉnh cầu Bồ Tát ban cho sự che chở và gia bị.

4 – BIẾN HÓA VÀ TRÌ CHÚ

 Đoạn văn ở trước đã tường thuật sự khẩn cầu và nguyện thiết, cả hai đều biểu thị: Hành giả đã chuẩn bị thành thục và đã đạt đến giai đoạn sẵn sàng ban phát, thi thiết, thực hiện tâm Từ Bi. Vì thế, trong tâm Bồ Tát tự nhiên sanh khởi niệm đầu cứu khổ tất cả chúng sanh đang trầm luân trong bể khổ sanh tử. Ánh sáng bắt đầu được phóng ra từ thân thể thế giới. Ánh sáng này có thể quét sạch tất cả những trạng huống (tình trạng, vấn đề) hỗn loạn, sự thống khổ hư huyễn của thế gian được tạo thành bởi vô minh lầm lỗi nơi chúng ta. Hành giả tưởng tượng toàn thể ngoại cảnh (thế giới vật lý) đều được ánh sáng quang minh chiếu soi. Ngay lúc đó tất cả những việc chung quanh hành giả biến thành những phẩm vật vô cùng mỹ lệ và hết sức ý nghĩa. Nói cách khác, tất cả đều trở thành những trang sức phẩm trang nghiêm của cõi Tịnh Độ Cực Lạc (là chỗ ở của Phật A Di Đà và Quán Âm, và những bậc Bồ Tát thiện tri thức) thí như căn phòng mà hành giả đang ngồi đang biến thành cung điện thủy tinh, một cảnh giới thích ứng cho bậc giác giả. Đồng thời, tất cả chúng sanh ở thế gian được chuyển hóa bởi luồng quang minh. Và dạng thức giác ngộ nhất của họ được trở thành một thành tựu viên mãn, cứu cánh.

 Thân họ biến thành giống như thân của Quán Âm. Bất cứ những gì họ nói đều biến thành Lục Tự Chơn Ngôn của Quán Âm. Và bất cứ những gì họ đang suy nghĩ cũng đều là sự hoạt dụng tự phát của Bồ Đề Tâm. Hiển nhiên, bản thân của hành giả cũng được chuyển hóa y hệt như vậy.

 Một cách dễ hiểu hơn, tất cả những hiện tượng trong vũ trụ đều chuyển biến thành những hình thái mà lẽ ra chỉ có thể có được nơi cảnh giới của một bậc thánh giả. Ánh sáng (hào quang) của Bồ Tát đã tẩy sạch tận gốc vọng tâm của chúng ta và làm cho tất cả những đối lập tánh nhị nguyên của thế gian bị tiêu hủy một cách toàn diện. Tất cả những âm thinh, sắc tướng và tư tưởng đều biến thành vô phân biệt để cùng trở thành bất khả phân với Không Tánh.

 Lúc tâm cảnh đã đạt đến một cảnh khiết tịnh như thế, hành giả liền đã có thể bắt đầu tuyên hô Thần Chú. Số biến của Chú trì tụng càng nhiều càng tốt, nhưng tối thiểu cũng cần phải có 100 biến. Trong khi tuyên hô trì tụng Thần Chú, đặc biệt hành giả cần phải giữ gìn toàn thể sự quán tưởng như vừa diễn tả.

 Lục Tự Chơn Ngôn Án Ma Ni Bát Di Hồng (OM MANI PADME HÙM) này được coi là chứa đựng sự tập trung của tất cả năng lực thiêng liêng phát từ lòng Đại Bi và sự Đại Diệu Dụng của Quán Âm Bồ Tát. Nói theo nghĩa đen thì chữ ÁN bao gồm 5 loại hình tượng và trí tuệ của Phật; MA NI có nghĩa là Bảo Châu; BÁT DI có nghĩa là Liên Hoa; hợp hai ý nghĩa này với nhau có nghĩa là Ngài là bậc Thủ Trì Liên Hoa và Bảo Châu, và đây cũng đích thị là biệt hiệu khác của Quán Âm. HỒNG: có công năng bảo hộ lục đạo chúng sanh. Như vậy, theo truyền thống, ý nghĩa của Luc̣ Tự Chơn Ngôn này là: “Hỡi bậc Đạo Sư của Ngũ Phật Thân và Ngũ Trí Như Lai, bậc Thủ Trì Liên Hoa và Bảo Châu, xin Ngài hoan hỷ gia hộ cho lục đạo chúng sanh vượt qua các thống khổ.”

 (Xin chú ý, thường thì chơn ngôn này được dịch là: vạn tuế Bảo Châu trong Liên Hoa: đây là một chuyển dịch sai lầm)

 Cũng có người cho rằng Lục Tự Chân Ngôn tương đương với lục thú và tương ứng với lục sắc, lục dục, lục trí, lục Phật. Có nhiều sự giải thích khác nhau về Chú này nhưng không cần thiết để phải nghĩ đến tất cả ý nghĩa ấy trong lúc trì tụng. Sức mạnh đơn thuần cố hữu của chỉ nội âm thanh của Lục Tự này sẽ tự nhiên truyền đạt Trí Huệ và Từ Bi của Quán Thế Âm Bồ Tát cho hành giả, và từ đó, qua hành giả, nó truyền đạt đến tất cả chúng sanh.

(Chú thích: OM đọc giống như chữ OM trong chữ Việt, MANI đọc như MANI; còn chữ PADME có thể đọc là PADME hay đọc theo Tây Tạng là PÊ MÊ, còn chữ HUM thì đọc lơ lớ giữa HUM và HUNG trong chữ Việt)

5 – GIAI ĐOẠN HOÀN THÀNH

 Sau khi đã hoàn tất giai đoạn tuyên trì thần Chú, thì toàn bộ quán tưởng đều đã tan biến để hòa nhập vào Không Tánh. Như thế, hành giả đã được chỉ dạy cách thể hiện Chân Tánh khế hợp theo nguyên lý cao lớn nhất của Phật Đạo. Chính phần Thiền Quán này, kết quả của việc quán tưởng từ đầu đến đây, thực ra đã không khác gì với những sự tham thiền khác như sự tham thiền trong Thiền Tông hoặc Minh Kiến (Vipashyana).

 Có thể giải thích rằng: Vì mình hiện đang có được Trí Huệ Giác Ngộ của Quán Thế Âm Bồ Tát, nên mình tế nhận được Không Tính của tất cả mọi sự trong vũ trụ, kể cả Không Tính của việc quán tưởng. Tâm thức, do đó, trở thành hoạt dụng tự nhiên trở lại với tự tính, tức linh túy của chính sự Giác Ngộ. Tất cả mọi kiến trúc nhị nguyên của Tâm Thức đã được siêu vượt qua hẳn. Bất kỳ là thọ giả, tác giả hay sở tác nghiệp sẽ đều bị đánh mất ý nghĩa. Không có một sự vật gì để nắm bắt đeo níu (chấp thủ), và ngay cả cảnh địa của sự khoái lạc cũng chẳng có gì để có thể tham trước đeo níu. Ngược lại, hành giả thoát giải buông bỏ theo tự tánh, và tự tánh đây là chân tánh nguyên uyên. Hành giả nên trụ lại trong cảnh giới tự giải thoát này càng lâu càng tốt bởi, nó vốn là phần tối trọng yếu trong pháp tu.

6 – TU XONG ĐỨNG DẬY (XUẤT ĐỊNH)

 Lúc xuất định (ra khỏi cảnh Định) thì mình trực nhận rằng tất cả mọi sự đều thuộc về đạo trường mạn đà la của Quán Thế Âm Bồ Tát. Mình nhận thấy rằng tất cả chúng sanh và tất cả hình tướng đều là tự thân của chính Quán Âm. Tất cả âm thanh đều được lãnh hội như là Lục Tự Chơn Ngôn. Tất cả tư tưởng đều được tri nhận như là thành phần thuộc về Từ Bi và Trí Huệ của Quán Thế Âm. Xuất phát từ sự cảm ứng được sanh ra bởi kết quả tu chứng của sự quán tưởng, hành giả nhìn thấy thực tế một cách cao quý sâu thẳm và mới lạ. Ông ta nhìn tất cả sự vật bằng một cái nhìn thuần tịnh, sáng suốt và như thật.

 Như thế, bằng mọi cách có thể, càng nhiều càng tốt, hành giả nên đem cảnh giới giác ngộ đã đạt được trong lúc quán tưởng hòa nhập vào sự sinh hoạt hằng ngày. Điều này có nghĩa là hành giả cần phải tránh xa (phủ nhận) tư tưởng nhị nguyên và lòng tham trước níu những đối tượng vật chất. Ngược lại, hành giả cần bồi dưỡng tâm Từ Bi đối với tất cả chúng sanh. Phải xem họ như bạn lành để ra tay giúp đỡ, tế độ. Đồng lúc, luôn luôn ghi nhớ rằng: tất cả mọi hiện tượng đều chỉ là hư huyễn.

7 – HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC

 Bất cứ pháp môn nào trong Phật giáo, theo truyền thống, khi hoàn tất việc tu tập, nhất định phải bày tỏ lời hồi hướng này để biểu thị một điều rằntg: tất cả những côngt đức nào mình gặt hái được trong lúc tu tập đều cần được mang ra cống hiến, chia xẻ cho tất cả chúng sanh. Hệt như khi bắt đầu tu tập, hành giả đã phải xác định một cách khẳng quyết rằng: hành giả tu tập Phật pháp không phải vì mục địch nhằm tư lợi bản thân mà chính là vì sự lợi lạc của tất cả chúng sanh. Hành giả thệ quyết sẽ nhất định thành Bồ Tát như Bồ Tát Quán Âm để cứu độ tất cả chúng sanh và làm cho mỗi một chúng sanh đều đạt được tâm thức giác ngộ.

 Sau hết, cũng nên có những lời thích đáng về sự tu tập lòng Từ Bi trong đời sống hằng ngày: Phần đông, những hành nhơn sớm muộn gì cũng phát giác và liễu ngộ được rằng: những phương pháp tối ư thông minh và vô cùng hữu hiệu để độ người đã không phải là những phương pháp dễ dàng. Mục đích của Bồ Tát Hạnh là vĩnh viễn giúp đỡ tất cả chúng sanh đều chứng thành chánh giác. Nhưng nếu có thể tri nhận phương pháp tốt nhất để đạt đến mục đích tối cao thì nó đòi hỏi rất nhiều trí tuệ và phương tiện, và rất có nhiều lỗi lầm có thể dễ dàng vấp phải đối với những kẻ sơ học. Ví dụ: Đương nhiên, tuyệt đối không ai trong chúng ta lại muốn hợp lực với kẻ cướp để phạm tội. Một cách tổng quát: Tuyệt đối không thể vì Từ Bi mà cổ súy, khích lệ người khác nỗ lực làm cái công việc lợi kỷ (lợi mình) hoặc giúp đỡ họ tăng trưởng bản ngã và khiến họ kẹt vướng hơn nữa vào những sự biến động xung đột của tình cảm rối rắm.

 Vì thế, người sơ học nên đặc biệt chú trọng đến thái độ nội tâm mà định thời tu tập. Và, đây là một điều hết sức trọng yếu: Hành giả không nên có quá nhiều tham vọng, hoài bảo lớn và cũng không thể lãng mạn tự cho mình là một Cứu Thế Đại Giáo Chủ, làm Vô Thượng Sư cho tất cả mọi người. Dù ý nguyện trong nội tâm của hành giả thực ra là phát triển tự thân để thành đạt lý tưởng sâu thẳm cao cả này, nhưng trong thời gian đầu, thượng sách là chỉ nên thay đổi chút đỉnh cung cách lề lối xử sự bên ngoài. Một cách đơn giản, hành giả chỉ cần trở thành một người có lòng ưu ái thân thiết hơn, thông thường hơn và đừng quên lòng nhân từ của mình đối với cả loài thú vật. Nên tránh hẳn sự giết hại (sát sinh) dù đó là một côn trùng nhỏ, hay một con gián. Như thế, dần dần hành giả có thể trở thành một người có thể làm chủ và chế ngự được những cảm xúc tình tự và những vấn đề (phức tạp khó khăn) của chính mình. Ngã chấp dần dần sẽ giảm khinh và, đối với những nhu yếu, tình huống của người khác cũng sẽ được mình tri nhận, thông cảm cách rõ ràng sáng suốt hơn.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Mười 2015(Xem: 9118)
Trong một cơ duyên dịch giáo pháp của Đức Đạt Lai Lạt ma, tôi khắc ghi lời ngài rằng, nếu không có cái nhìn tổng thể, có thể đôi khi người thực hành sẽ thấy giáo pháp, những phương pháp thực hành mà đức Phật ban có nhiều điểm mâu thuẫn nhau. Thực ra tất cả giáo pháp, phương pháp thực hành của đức Thế Tôn đều mang pháp vị giải thoát. Đức Phật tuyên thuyết nhiều giáo pháp ứng hợp cho căn cơ của mỗi chúng sinh.
27 Tháng Tám 2015(Xem: 17943)
Hôm nay, 19-11-2010, tôi đã từng được yêu cầu nói về một số hiểu biết thông thường sai lạc về Phật Giáo. Và có nhiều thứ đa dạng khác nhau, với nhiều lý do khác nhau. Có một số đặc thù là văn hóa, hoặc là đối với văn hóa phương Tây, hay đối với Á châu và những nền văn hóa khác bị ảnh hưởng bởi sự suy nghĩ của phương Tây hiện đại. Có những hiểu biết sai lầm có thể đến từ những vùng văn hóa khác
27 Tháng Năm 2015(Xem: 12031)
Cuốn sách này gồm một hợp tuyển những tác phẩm của Longchen Rabjam (1308-1363) về Dzogpa Chenpo (S. mahasandhi, Việt : Đại Toàn Thiện). Những bản dịch có một giới thiệu chi tiết căn cứ chặt chẽ trên kinh điển và những giải thích truyền thống về phương diện bí truyền sâu xa nhất của Phật giáo.
01 Tháng Hai 2015(Xem: 15435)
Sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng có những nét đặc thù mà có lẽ không nước nào khác trên thế giới có được. Vào năm 641 vua Đường Thái Tông của Trung Hoa gã công chúa Văn Thành cho vua Tây Tạng. Vị công chúa này là người thông minh, có học và là một Phật tử thuần thành.