Chương Năm Một Sự Nhận Diện Qua Văn Xuôi

20 Tháng Mười Hai 201000:00(Xem: 7140)
CHƯƠNG NĂM
Một Sự Nhận Diện Qua Văn Xuôi

Kính lễ đức Quán Thế Âm !

Đây là những giáo huấn thực hành sâu xa của Quán Thế Âm. Mục tiêu của lãnh nhận giáo huấn này về sự hợp nhất của Đại Ấn và Atiyoga là để biết bản tánh cốt lõi của tâm. Điều này quan trọng. Dù điều này đã được luận giải trong phần trình bày chính về nhận diện, tôi e rằng những người mới học còn chưa nhận diện được bản tánh của tâm ; và dù có những người đã làm được việc đó, tôi sẽ trình bày một sự giới thiệu vào bằng văn xuôi dễ hiểu để cho sự xác tín của họ được tăng trưởng.

Sự hiểu biết này về bản tánh cốt lõi của tâm là cách tốt nhất để tịnh hóa những che chướng, như Kinh Pháp Vương ghi nhận :

Nếu người ta biết tâm không riêng biệt và bất nhị, điều này có thể so sánh với dùng một miếng vải chùi bụi đã tích tập trên một tấm gương cả ngàn năm. Nhờ cầm một cây đèn dầu đơn sơ, người ta xua tan bóng tối trong một nhà trống lây lất cả ngàn năm. Cũng thế, chỉ bằng cách biết sự thật rằng tâm không có tánh nhị nguyên, những tội lỗi đã tích tập từ vô số kiếp được tịnh hóa trong chỉ một khoảnh khắc.
¬
– Chỉ do chúng ta không biết bản tánh cốt lõi của tâm mình mà chúng ta bám nắm một cách nhị nguyên vào những hình tướng xuất hiện và định tướng chúng, bởi thế kéo dài sự hiện hữu của chúng ta trong sanh tử. Để phản kháng lại sự bám nắm và sự vật hóa này, chúng ta phải nhận biết bản tánh của tâm.

Đã thỏa nguyện chưa một khi bạn biết bản tánh của tự tâm bạn ? Chưa. Như một đứa bé, được sanh ra là chưa đủ : nó phải được chăm sóc, nuôi nấng và được giáo dục và phát triển những phẩm tính tuyệt vời. Bấy giờ khi trưởng thành và đã phát triển hiểu biết, nó mới sẵn sàng tự lo liệu để sống. Tương tự, về thực hành tâm linh, biết bản tánh của tâm thì chưa đủ, vì bấy giờ bạn phải hộ trì, giữ gìn nó. Ban đầu là xác quyết bản tánh cốt lõi của tâm, nhưng nếu cái hiểu biết ở mức nào đó này bắt đầu mờ nhạt hay biến mất hoàn toàn, bấy giờ bạn phải phục hồi lại nó. Đây là cách bạn hộ trì sự xác quyết và quán chiếu.

Trong truyền thống Phật giáo, có một số tuyên bố rằng những chúng sanh có khả năng giác ngộ, dù họ chưa giác ngộ. Trái lại, đặc biệt dòng Nyingma và Kagyu chủ trương rằng Phật tánh hay tathagatagarbha (Như Lai tạng), là một thực tại hiện tiền chứ không chỉ là một tiềm năng, cần phải được nhận biết và sự nhận biết phải được duy trì để cho sự chín muồi tâm linh thành tựu. Làm như vậy, tức là bạn chuyển hóa quả của giác ngộ viên mãn thành con đường thức tỉnh. –

Nếu bạn có thể thường trực giữ gìn tỉnh giác về bản tánh của tâm, thì thậm chí bạn không cần ẩn tu nhập thất. Kinh Ngọn Đèn của Mặt Trăng nói :

Nếu người ta biết bản tánh của tâm, dù thân người ta có ở nơi chợ búa, tâm người ta cũng sống trong chỗ hoang sơ. Trong chỗ hoang sơ của thân, Phật của tâm trú ngụ.

– Nếu bạn duy trì tỉnh giác về bản tánh của tâm, bạn không cần đi vào ẩn cư, vì bạn đang hộ trì trạng thái thiền định ấy bất cứ bạn đang ở đâu. Chẳng hạn, bất cứ nơi nào Đức Ngài Dudjom Rinpoche đến, bất cứ hoạt động nào ngài làm, ngài thường trực duy trì cấp độ chứng ngộ ấy. Với viễn cảnh ấy, mọi hoạt động và biến cố sẽ được tri giác là những diễn xuất của tánh giác. –

Những thí dụ nào được trình bày cho sự chứng biết bản tánh của tâm ? Kinh Tinh Túy của Như Lai nói :
 

Như một thí dụ, một người hầu gái gói một tượng Phật bằng chất quý trong một miếng vải có mùi và đặt nó trong áo. Rồi ông chủ của người hầu gái lấy nó từ áo choàng của cô và vất miếng vải có mùi, để cho tượng quý thành một vật cho chính ông thờ phụng và là một căn cứ cho những người khác tích tập công đức. Tương tự, Như Lai tạng, tâm sáng tỏ tự thân, bị che dấu bởi những nhiễm ô của phiền não, trụ trong thân của tất cả chúng sanh trong sanh tử, nhưng không được biết. Nhờ bạn lành, như ông chủ trong thí dụ này, người ta được giúp đỡ để biết Như Lai tạng, tâm quang minh tự thân. Bấy giờ người ta tự mình giải thoát khỏi vòng sanh tử và giải thoát cho những người khác.

– Những tư tưởng không có nền tảng sanh khởi không phải là một chướng ngại nếu, khi chúng khởi và diệt bạn có thể tập chú vào tính quang minh sáng tỏ tự nhiên của chính những tư tưởng đó. Tuy nhiên, khi chúng khởi, nếu cái tâm phán đoán của bạn bám níu vào chúng và trở nên phiền não, đó mới là vấn đề. Nhưng chỉ sự sanh khởi và đi qua của bản thân những tư tưởng không nên được xem là một vấn đề. –

Kinh Tư Tưởng Vô Nhiễm nói :

Văn Thù Sư Lợi hỏi, “Thưa Thế Tôn, cái gì là kinh nghiệm của một vị tăng tu định khi đi vào tham thiền ?”

Đức Phật trả lời, “Như một thí dụ, nếu người ta dập tắt lửa bằng bất cứ phương tiện gì, khói không bốc ra nữa. Cũng thế, trên sự nhận biết tâm là tánh giác trống không, người ta kinh nghiệm những xuất hiện trống không của những sắc, những âm thanh trống không, hương trống không, vị trống không, và xúc trống không. Nếu nước không bị lay động, nó trong trẻo, nếu bầu trời không bị che, nó trong sáng ; nếu tâm không biến chất, nó là an lạc.

Về chuyện này, có nói rằng :

Một người tham thiền biết bản tánh của tâm
An trụ trong bản tánh của thiền định
Và trong thực tại bổn nguyên
Mặc cho người ấy có làm gì.

Đó được nói là kinh nghiệm của định (samadhi).

– Kỳ lạ biết bao nhiêu khi xác nhận rằng khi tâm không biến chất, không sửa sang, nó ở trong một trạng thái an lạc ! Mọi sự chúng ta làm đối với tâm – nhận lấy một số hạnh kiểm nào đó và tránh những cái khác – đều kéo theo sự sửa sang, biến đổi của tâm. Cái lạc này hoàn toàn vượt khỏi thế giới quy ước. Trong trạng thái tự nhiên của nó, tâm là an lạc và giải thoát. Như nước không bị xáo trộn thì trong trẻo và sáng láng, tâm cũng thật như vậy. Mỗi cái chúng ta lấy và bỏ đều kéo theo những biến đổi làm hỗn loạn tâm, kéo theo sự nắm bắt nhị nguyên. Thế nên, trong giai đoạn thực hành này bạn dừng mọi cái đó lại và để tâm ở trong một trạng thái không biến đổi.

Nhiều loại khởi niệm tự nhiên sanh khởi, và chúng tự sanh và tự diệt. Chúng tự nhiên tan biến. Trong diễn tiến sự tự nhiên sanh khởi và tan biến, chúng không làm hại hay ban cho lợi lạc. Trong phẩm tính này của tánh giác bạn hoàn toàn ở bên trên lãnh vực làm hại hay có lợi đối với tâm. Thật vậy, trong bối cảnh này, những tư tưởng sanh khởi thì không khác với bản tánh của tâm, như sóng khởi trên mặt đại dương không khác với đại dương. –

Kinh Những Câu Hỏi của Vua Miyowa nói :

Khi những xuất hiện hình tướng trong sáng một cách tự nhiên, không có bám níu hay chấp thủ, chúng là thanh tịnh trong trạng thái của chính chúng. Chớ có nghĩ khác.

Kinh Những Câu Hỏi của Ngangpa Giryin nói :
 

Hãy biết rằng nếu không có xao lãng, đây là sự tham thiền về quang minh tự nhiên của tự thân thực tại.

Kinh Những Câu Hỏi của Maitreya nói :

Hãy an trụ không có ý niệm trong cái nhìn thấy kiên cố về những xuất hiện hình tướng. Chỉ có cái đó là tốt nhất của những thiền định.

– Không ý niệm, hãy để cho tánh giác của bạn, y như nó là, trong cái nhìn thấy kiên cố về những xuất hiện. Nếu bạn có thể làm như thế, đó thật sự là cái tốt nhất trong những thiền định. Về nhận biết tánh giác, những vị hướng dẫn tâm linh trong quá khứ, gồm cả Đức Ngài Dudjom Rinpoche, nhận xét rằng nó có thể được xác quyết trong khoảng hở theo sau sự diệt dứt của một tư tưởng và trước sự khởi sanh của tư tưởng kế tiếp. Trong khoảng hở đó có tánh không. Khoảng hở đó dài bao nhiêu ? Là một sai lầm khi nghĩ nó ngắn ngủi. Hơn nữa, nó chính là bản tánh của cả sanh tử và niết bàn. Trong cái nhìn thấy rất kiên cố những xuất hiện hình tướng, ngay trong khoảnh khắc đó, trong cái nhìn thấy tức thời của khoảnh khắc tức thời của những xuất hiện, bạn có thể nhận ra bản tánh của tâm. Có nói rằng tất cả chư Phật có thể được tìm thấy trong chỉ một nguyên tử, điều này chỉ ra bản tánh đơn nhất của toàn thể sanh tử và niết bàn. –

Kinh Những Câu Hỏi của Dewa Lodroš nói :

Không nghĩ đến cái gì cả gọi là thiền định vĩ đại.

Kinh Những Câu Hỏi của Srimatibrahmani nói :

“Tịnh quang tự nhiên của tất cả mọi hiện tượng” ám chỉ tánh giác bổn nguyên, nó thoát ngoài mọi hôn trầm và trạo cử. Tại sao ? Bởi vì tánh giác là bất sanh, bất diệt và bổn nhiên.

Kinh về Sở Hữu những Thiện Căn nói :

Trí huệ bổn nguyên của chính mình là cái thức trong sáng, an lạc nó không ý niệm hóa bất cứ cái gì, và nó được thấu hiểu là Pháp thân.

Có nói rằng : “Không kinh nghiệm những sự vật như là ở ngoài tâm, và không nghĩ chúng là ở trong tâm, đó là cái tốt nhất của những an trụ thiền định.

Kinh Những Câu Hỏi của Vua Katsal nói :

“Cái thấy” là không phân tích bản tâm ; đó là kinh nghiệm tốt nhất về thực tại.

– “Không phân tích bản tâm” nghĩa là xa lìa mọi chấp nhận và từ chối, hay mọi thiên vị yêu chuộng. Nhưng hãy biết rằng thực hành này không phải chỉ là làm trống trơn hay rơi vào một cơn mê mẩn. Hãy nhớ rằng cho đến khi nào bạn xác quyết được bản tánh của tâm, bạn cần tiếp tục những thực hành từ bỏ hạnh xấu và nhận lấy hạnh tốt. –

Kinh Những Câu Hỏi của Bà La Môn Tsangpa nói :

Thức của sự hợp nhất của thiền định và cái thấy là an trụ liên tục trong sự trong sáng và vô niệm. Cái đó tương đương với tâm của Phật.

– Thông thường cái thấy đi trước, và sau đó là thiền định, thiền định về cái thấy. Nhưng ở đây có một trạng thái sâu hơn : qua thiền định, bạn an trụ trong cái thấy, và đó là quả của con đường. Đây thực sự là sự chuyển hóa quả thành con đường. Cái gì là quả ? Nó là cái thấy và cái thấy trở thành con đường. Đây là một điểm rất quan trọng : cái thấy là quả, thiền định là quả. Cả hai, cái thấy và thiền định đồng thời là quả. –

Kinh Những Câu Hỏi của Cô Gái Regošma nói :

Với tâm mình ở trong thực tại của chính nó, không tích tập công đức, những che chướng được tịnh hóa ; và không tái sanh, người ta chắc chắn sẽ đạt đến trạng thái thức tỉnh tâm linh ngay trong đời này.

Kinh Những Câu Hỏi của Vua Dewa nói :

Người nào biết làm sao dùng tâm quan sát tâm là người tham thiền tốt nhất.

Kinh Trí Huệ Ba La Mật nói :

Khi dòng tỉnh giác không ngừng, với tâm không sự vật hóa, tự thân thực tại được biết rõ ràng.

Kinh Những Câu Hỏi của Vua Dejin nói :

Không rút lui tâm mình, mà để nó ở trong bản tánh của chính nó, đó là thiền định tốt nhất.

Kinh Những Câu Hỏi của Phạm Thiên nói :

Để tâm nhất như trong tâm, tâm bèn không bị đối tượng hóa bởi tâm.

– Trong thực hành này, bạn để yên tâm trong tâm, nhưng tâm không phải là một đối tượng để tập trung. Thế thì làm sao thực hiện điều này ? Dudjom Lingpa bình giảng, “Chớ bao giờ lìa khỏi hư không (không gian).” Nghĩa là, luôn luôn để cho cái nhìn ngắm của bạn ở yên giữa hư không (không gian). –

Vua của những Tantra Đồng Đẳng với Không Gian nói :

Khi tâm trở nên hợp nhất với một thân bình thường, người chứng ngộ được tâm mình là Pháp thân trở thành một vị Phật ngay trong đời này. Vì sao ? Vì gốc rễ của vô minh bị cắt đứt.

Tilopa hỏi một dakini trí huệ bổn nguyên, “Phật giống như cái gì ?” Dakini trí huệ bổn nguyên trả lời, “Tilopa, nếu tâm quan sát tâm, cái đang quan sát là tâm của chính ông, và cái đang được quan sát cũng là tâm của chính ông. Như thế, khi tâm được quan sát, như không gian không thể nhìn thấy, cả người quan sát và cái được quan sát được tịnh hóa. Bấy giờ khi quang minh này được chứng ngộ, đó là Phật hiện tiền tự nhiên ; nó là Phật đi vào con đường ; và nó cũng là Phật biểu hiện chứng ngộ. Khi điều này được thấu hiểu, tâm là bất sanh và bất diệt, thế nên ma Thần Chết bị hàng phục. Tâm được xác quyết là trí huệ bổn nguyên vô tự tánh, thế nên ma nghi ngờ và giải đãi bị hàng phục. Tâm không có chỗ trụ trong năm uẩn, nên ngũ ấm ma bị hàng phục. Tâm không có phiền não, nên ma phiền não bị hàng phục. Theo cách đó, khi bốn loại ma đã bị đánh tan, tất cả vô số tư tưởng về những xuất hiện tạo thành đối tượng được xác quyết là tâm của chính ông ; và khi chúng được xác quyết là tâm, tâm được gọi là Pháp thân bất sanh bất diệt. Tilopa, hãy biết cái này !”

– Khi người quan sát và cái được quan sát được tịnh hóa, chúng không phải được lau chùi sạch, mà chúng biến mất, vì cả hai vốn không có nền tảng. Trong khảo sát ban đầu về tâm, người ta xác định rằng tâm không có màu sắc, hình dáng và không có bản chất, và vì thế như hư không (không gian). Hơn nữa, nó vốn không nền tảng (vô trụ) bởi vì dù nó xuất hiện, nó không có hiện hữu bẩm sinh (vô tự tánh), thế nên nó không thực sự hiện hữu. Như thế, bản tánh của tâm siêu khỏi ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai, và nó siêu khỏi sanh, trụ, diệt.

Vô số tư tưởng, chúng là thuần túy chủ thể, hay cả chủ thể lẫn khách thể. Những tư tưởng tạo ra cả chủ thể và khách thể, và nếu bạn nhận biết bản tánh của những tư tưởng, bạn sẽ thấy chúng đích thị là bản tánh sâu xa của tánh giác. Mọi hiện tượng vừa được định danh bởi tư tưởng vừa là những phát biểu sáng tạo của tánh giác. –

Cái thức không do kiến tạo này của cái hiện tiền, khoảnh khắc vĩnh viễn đứng ngoài mọi can thiệp của trí óc, được gọi là Đại Ấn. Vì nó không dơ nhiễm bởi những nhiễm ô, dù nó có xuất hiện, nó cũng vô nhiễm suốt ba thời. Thức tức thời khoảnh khắc này không cưỡng chống cái xấu và không khẳng định cái tốt ; nó không có con đường để tiến bộ ; và nó không có phiền não hay đối trị để vượt qua. Bởi vì nó không hiện hữu, nó không thể tìm thấy dù có tìm kiếm. Mọi sự đều bao hàm trong cái thức khoảnh khắc này của hiện tiền, thế nên đó gọi là hiện thân của tất cả chư Phật ; và khi bạn đến được kết luận này, không thể còn bàn luận tranh luận nào nữa. Thức của cái hiện tại này là nền tảng căn bản của mọi phẩm tính tuyệt hảo, thế nên không có mâu thuẫn trong việc xem nó như nền tảng. Thức hiện tiền này không do ai tạo ra, thế nên không mâu thuẫn khi nói rằng nó là hiện diện tự nhiên. Nếu bạn nói, “Thật ra nó giống như thế này...”, thì nó không tác động như một đối tượng cho bất kỳ một tâm nào, cũng không có bất kỳ bản chất nào, thế nên nó là bất nhị. Thức hiện tiền này thì thoát khỏi bất kỳ một căn cứ nào cho sự gán ghép hay phủ nhận, vì nó là không gian tuyệt đối của những đối tượng, lìa ngoài sanh, diệt và trụ, và nó hiện diện như là Pháp thân vĩ đại.

– Trong thức hiện tiền này không có phê phán. Không có những tư tưởng xấu. Không có những tư tưởng tốt. Không có muốn dứt bỏ cái này hay muốn trau dồi cái kia. Nếu chúng ta muốn tìm ra phiền não, chắc chắn chúng dễ tìm ; chúng ở ngay trước chúng ta. Nhưng nếu chúng ta tìm tâm, nó không thể được tìm thấy, bởi vì nó vốn không có nền tảng ; dầu nó xuất hiện, nó không có hiện hữu bẩm sinh. Nếu nó có nền tảng, nó phải thật sự có phiền não, và sẽ có những đối trị cho chúng. Nhưng bởi vì tự tâm vốn không nền tảng, thì không có phiền não hay những đối trị để chiến thắng phiền não. Mọi thứ hiện diện trong thức khoảnh khắc của cái hiện tiền này. –

Nếu bạn nghiên cứu tìm tòi xem cái thực tại ấy có sự sanh sự trụ nào ? Có bản chất nào ? Có hình dáng nào ? Có thức nào ? Có xuất hiện nào ? Có tánh không nào ? Có Phật nào ? Có chúng sanh nào ? Có tánh giác nào ? Có vô minh nào ? Nếu bạn quan sát cẩn thận, không có cái gì có thể quan sát được bởi bất kỳ chủ thể nào trong bất cứ phương diện nào. Cái nhìn thấy như vậy là cái nhìn thấy vĩ đại, vì đó là cái nhìn thấy như thị. Nó không phải là một cái nhìn thấy cái gì hiện hữu. Như thế, Tantra của Vô Trụ nói :

Đây là Đại Ấn : nó không dơ bẩn bởi những nhiễm ô, nó không phủ định hay xác định, và không có con đường hay những đối trị được tìm thấy. Cái này là hiện thân của tất cả chư Phật. Đây là căn cứ của tất cả những phẩm tính tuyệt hảo. Cái này là hiện diện tự nhiên. Nó không dính dáng với cái gì và không có bất cứ loại nhị nguyên nào. Nó thoát khỏi những gán ghép và phủ nhận, hiện tiền như Pháp thân vĩ đại. Nếu sanh, trụ, bản chất và diệt được quan sát, trong đó không có cái gì được thấy. Đây là cái nhìn thấy vĩ đại tánh như.

Một tantra như vậy chỉ nhận lãnh được bằng sự thanh tịnh của dòng tâm mình và thần lực của vị hướng dẫn tâm linh của mình. Cũng bản văn trên nói, “Nhờ những ban phước, cái này được nhận từ vị hướng dẫn tâm linh của mình.”

– Làm sao có thể kinh nghiệm được sự thanh tịnh của dòng tâm bạn ? Qua những thực hành như thiền định về Vajra-sattva. Làm sao bạn có thể nhận lãnh thần lực của thầy bạn ? Bằng những ban phước của thầy. Chẳng hạn, khi bạn nhận một quán đảnh truyền pháp, bạn cần thấy vị thầy kim cương như Phật, từ ngài bạn trực tiếp nhận quán đảnh. Bởi thế, nhận lãnh tantra ở trên, một học trò phải có niềm tin và cái nhìn thấy thanh tịnh về vị hướng dẫn tâm linh.

Chính bấy giờ công việc vị thầy là ban quán đảnh truyền pháp, sự trao truyền bằng lời, và giải thích. Bởi sự hội tụ của hai cái này – cái thầy đem đến cho mối tương quan và cái bạn với tư cách là học trò đem đến cho mối tương quan đó – bạn có thể nhận lãnh cái mà bạn đã sẵn có, tức là, bạn nhận biết cái vốn đã là của bạn. –

Trong một bài kệ, Tantra Giải Thoát Toàn Thể Thế Giới : Một Bình Giảng về Nghĩa của Đại Bi dạy :

Hãy cắt đứt gốc rễ của ba thời.
Không xếp đặt, hãy giải phóng ba cửa và tập trung.
Thực tại bổn nguyên ấy, thoát khỏi ba căn bản,
Vốn giữ gìn định và quán.

– Thực tại bổn nguyên ám chỉ tánh giác, thoát khỏi ba căn bản. Ba căn bản là gì ? Có thể hiểu theo hai cách : là quá khứ, hiện tại, vị lai ; hay là ba cửa thân, ngữ, tâm. –

Từ cái gì tâm bạn sanh khởi ? Bây giờ nó trụ ở đâu ? Cuối cùng nó đi đâu ? Bạn có thể trông tìm, nhưng mọi sự đều trống không, rốt ráo không nền tảng. Khi đang trong kinh nghiệm này, hãy ở yên không chuyển động thân, không nói, và không biến đổi tâm bạn. Như một thí dụ, nếu một người trông giữ voi quá chặt chẽ, voi sẽ nổi giận ; và nếu y không trông chừng voi, nó sẽ trốn thoát. Như vậy, y thư giãn và tập trung, và trông chừng từ xa. Cũng thế, nếu tâm bạn quá siết chặt, nó sẽ mệt mỏi, và tư tưởng sẽ sinh sôi ; và nếu bạn không thiền định, những khuynh hướng thói quen sẽ tự động tiếp diễn. Thế nên hãy thư giãn và tập trung. Với người lính gác nội quan hãy nhận biết tánh giác. Khi bạn để cho nó như là nó, không sửa sang, giữa những tư tưởng quá khứ, hiện tại, tương lai, và nền tảng không sửa sang, tạo tác, bạn bèn thoát khỏi những tư tưởng đó. Không bám níu, hãy duy trì định tĩnh, nó an trụ mà không có sửa sang, và quán chiếu khởi sanh một cách tươi mới như trí huệ bổn nguyên, vô nhiễm và thực nghiệm.

– Sự phát sanh của tâm là trống không, và chỗ trú hiện tại và chỗ đến sau đó là trống không và không nền tảng, thế nên trong thực tế nó không có gốc rễ hay căn cứ. Với người lính canh của chú ý, kết hợp với cẩn trọng và nội quan, hãy nhận biết tánh giác. Hãy ghi nhận những phẩm tính của thiền định mà Karma Chagmé nhấn mạnh : một đường lối trung đạo không quá ít hay quá nhiều căng thẳng, trong khi trau dồi chánh niệm, nội quan và cẩn thận chăm chú.

Chúng ta cần trau dồi mọi mặt này của con đường. Những chỗ khác của bản văn nói cần không có sự thiền định, người thiền định và không có gì để thiền định. Vậy hai nhận xét này là không nhất quán sao ? Không, chúng không phải không tương hợp. Thật tánh của Đại Toàn Thiện là không có thiền định, người thiền định và đối tượng thiền định. Nhưng chừng nào chúng ta còn bị trói buộc vào bám chấp nhị nguyên, khi ấy chúng ta còn cần khép mình theo con đường và đó là lý do tại sao tác giả chỉ ra điều này.

Khi bạn thư giãn và tập trung với nội quan và không chỉnh trị, bạn thoát khỏi những tư tưởng về quá khứ, hiện tại, tương lai, cũng như ám ảnh về nền tảng không tạo tác. Khi bạn thoát khỏi những tư tưởng, bạn đi đâu ? Không có chỗ để đi, thế nên bạn ở trong nền tảng không tạo tác. Tâm an trụ này, không tạo tác, chỉnh trị, là định tĩnh, và cái quán chiếu soi suốt tánh không này là vô niệm. Hai trạng thái này cần được duy trì : định tĩnh an trụ không tạo tác và quán chiếu tươi mới sanh khởi như là trí huệ bổn nguyên vô nhiễm. Khi quán chiếu này sanh khởi, nếu có một cảm thức bám nắm vào nó khởi lên, nó không là quán chiếu nữa. Quán chiếu chỉ được duy trì nếu vắng mặt bám nắm. Đó giống như cái nhìn yên nghỉ trong không gian trước mặt – không phải vào một đối tượng để thấy, mà ở trong chính không gian, không có gì để bám nắm, không có gì để dính bám. –

Cũng thế, Một Bản Văn Giáo Huấn của Ánh Sáng Đại Bi Tối Thượng nói :

Hãy nhận biết khởi niệm chính là tâm con ; nó sanh khởi từ tâm và giải phóng như là tâm. Biết nó tạo bởi tâm, hãy biết nó là tâm ; và bất cứ cái gì xuất hiện, hãy biết nó là tâm của chính con, không phủ định hay xác định. Đó là sự mọc lên của hóa thân chưa biết của tánh giác, một trạng thái lạc, không và đồng nhất vi tế và tinh khiết. Nó là bản tánh vốn hiện tiền của mình : thức bình thường không phóng dật, không chỉnh trị. Khi tánh không không thể bám nắm như một vật, nó là tự soi chiếu, và được kinh nghiệm bởi sự không có bám nắm ; thế nên đó là kinh nghiệm của sự thọ hưởng trọn vẹn trí huệ bổn nguyên của tánh giác.

Hãy chứng biết mọi tạo tác tư tưởng bên ngoài là tâm của bạn. Hãy chứng biết tự tâm bên trong là không có tự tánh. Hãy chứng biết kinh nghiệm khoảng giữa là đại lạc. Sự xảy ra không khác biệt của bên ngoài, bên trong và khoảng giữa được giải phóng như là một nhất thể. Bấy giờ nhất thể đó thoát khỏi những cực đoan một và nhiều, ngoài và trong ; nó là không có những phạm trù và toàn khắp. Tánh giác sống động, không có bản chất, trong sáng tự nhiên, không trung gian, không nền tảng, không sáng tỏ cũng không che ám chính là Pháp thân.

– “Sự mọc lên của hóa thân chưa biết của tánh giác”, được nói là chưa biết vì trước đó nó chưa được nhận ra. Bởi thế, vào giây phút người ta nhận biết nó lần thứ nhất, cái chưa biết ấy trở thành cái được biết. Nó vốn hiện tiền từ xưa nay.

Tôi tin rằng “tạo tác tư tưởng bên ngoài” ám chỉ môi trường bên ngoài gồm các nguyên tố v.v... Nó được gọi là tạo tác tư tưởng vì môi trường bên ngoài được tạo thành bởi những tư tưởng, thế nên bạn cần chứng biết rằng cái thế giới bên ngoài ấy chính là tâm bạn. Hãy ghi nhớ mười thí dụ về mọi hiện tượng như những phản chiếu v.v..., và cuối cùng chứng biết kinh nghiệm khoảng giữa là đại lạc. Sự kiện không khác biệt của bên ngoài, bên trong và khoảng giữa này thì tương tự với tinh túy, bản tánh và lòng bi toàn khắp của tánh giác, ám chỉ pháp thân, báo thân và hóa thân. Cả ba cái này được chứng ngộ một lần. Việc này giống như một viên thuốc trị bá bệnh, hay một chìa khóa mở vô số cánh cửa của hiểu biết. Đúng như câu nói : Nếu bạn biết một điều, tất cả được giải thoát. Đây là tánh giác lộ toàn thân, tươi mới và không biến chất. Nó vượt khỏi lợi hay hại. Nó không được sáng tỏ bởi cái gì, cũng không có cái gì có thể che ám.

Khi bạn trở nên quen với tánh giác này, bạn sẽ ở trong một vị trí để sẵn sàng hỏi những câu hỏi. Sự trình bày bằng văn xuôi này giống như một bản đồ, nên khi bạn đọc đoạn này, nhiều câu hỏi phải sanh khởi. Và điều đó là tốt, nhưng quan trọng nhất là nêu lên những câu hỏi thích đáng để hỏi những hành giả đã chứng ngộ. Hãy chăm chú kỹ vào những lời dạy và chớ quên hay rời bỏ chúng sau khi đọc một lần. Bạn cần đem những lời dạy này vào thực hành, và đó là cách duy nhất để có những câu hỏi xứng đáng đặt ra. –

Vua Trisong Deutsen hỏi Orgyen Rinpoche Padma-sambhava, “Đại sư, để cho chúng sanh là nhân thành tựu quả Phật, vào lúc mới bắt đầu cái thấy của chứng ngộ là cốt yếu. Thế thì ai được phú bẩm cái thấy của chứng ngộ ?”

– Những cái thấy khác nhau được bàn luận trong bản văn này. Thứ nhất là cái thấy của thiền định ; thứ hai là cái thấy của chứng ngộ ; và thứ ba là cái thấy của quả. Ban đầu, bạn nhận lãnh những giáo huấn thực hành từ một vị thầy ; rồi bạn có một cái hiểu nào đó, và trên nền tảng đó bạn thực hành. Như một kết quả của thiền định, cuối cùng chứng ngộ sanh khởi, và đó là cái thấy của chứng ngộ. Khi bạn duy trì và trau dồi chứng ngộ như vậy, cuối cùng bạn hoàn thành cái thấy của quả. Vào thời điểm đó bạn hoàn toàn vượt khỏi những nghi vấn hay những câu hỏi ; sự xác quyết của bạn rốt ráo trọn vẹn. Bạn tuyệt đối tin vào sự chứng ngộ của bạn đến độ tất cả chư Phật và chư Bồ tát có nói với bạn là bạn sai lầm, bạn cũng hoàn toàn không lay chuyển. –

Đạo sư trả lời, “Chót đỉnh của mọi cái thấy nằm ở những giáo huấn tinh túy thực hành cho giác ngộ. Tất cả những thiên hà, tất cả những chư Như Lai của ba đời và mười phương, và tất cả chúng sanh của ba cõi đều đồng một thực tại : họ đều bao gồm trong tâm căn bản của Bồ đề tâm. Cái gọi là “tâm” này thì vô sanh và biểu lộ thành muôn ngàn cách thức.”

“Thế thì, đâu là sự khác biệt giữa chư Phật và chúng sanh ?”

“Không khác nhau chỗ nào ngoài sự biết và không biết tâm. Dù ngài không biết, Phật đang hiện diện ở tâm ngài. Do không nhận biết bản tánh của tâm, ngài lang thang trong sáu trạng thái sanh tử.”

– Chúng ta lang thang trong sáu cõi vì bám níu vào cái không có mà cho là có, vào cái không thật mà cho là thật. Sự bám níu này tạo thêm những nguyên nhân nữa để tái sanh. Như bánh xe do nước quay, chúng ta tích tập nghiệp, tức là những nguyên nhân cho tái sanh tiếp diễn. –

“Thế thì, có phương pháp nào để thấu đạt cái tâm ?”

“Để được vậy, những giáo huấn thực hành của một vị thầy là cần thiết.

“Cái gọi là tâm hiện hữu như một kinh nghiệm của chánh niệm và hiểu biết. Chớ quan sát tâm theo cách ở ngoài mà theo cách ở trong. Hãy tìm tâm với tâm. Hãy xác minh tự tâm bằng tâm. Hãy quan sát : từ đâu ban đầu tâm sanh khởi, bây giờ nó trụ ở đâu, và cuối cùng nó đi về đâu ? Về mặt này, do tự mình quan sát tâm này, không chỗ khởi nguồn, không chỗ ở, và không chỗ đến có thể được tìm thấy. Không có cách gì để chỉ ra bản tánh của nó bằng cách nói, “Nó giống thế này...” Như vậy, không có bên ngoài hay bên trong, và không có người quan sát hoặc cái được quan sát, tâm là trí huệ bổn nguyên vĩ đại, không chu vi và trung tâm, trí huệ bổn nguyên vĩ đại trống không, vốn tự do và toàn khắp. Trí huệ bổn nguyên, hiện diện tự nhiên trong hiện thể của nó, không phải là cái gì được tạo ra. Sự nhận biết sự hiện diện của trí huệ bổn nguyên là cái thấy. Hãy cố gắng thấu đạt nó !

“Nền tảng và cái có nền tảng thì giống như không gian, hiện diện tự nhiên, bổn nguyên. Nó giống như mặt trời, không có chỗ cho vô minh bám rễ. Nó giống như một hoa sen, không dính nhiễm. Nó giống như vàng, không thay đổi khỏi bản tánh của tự thân thực tại. Nó giống như đại dương, không chuyển động. Nó giống như một dòng sông, không đứt đoạn. Nó giống như một sự hiện diện, không có gặp gỡ hay xa lìa. Nó giống như Núi Tu Di, không chuyển động và biến đổi. Ngay trên sự dò thấu một thực tại như vậy, chứng ngộ hiện ra cùng lúc với xác tín.”

– Trong tánh giác không có nền tảng, thế nên nó giống như không gian, vốn hiện diện tự nhiên. Năm ấm của thân và tâm, khởi sanh do nghiệp lực trước kia, không làm hại hay giúp đỡ cho tánh giác. Nó không thấm năm độc, nên đối với những người đã chứng ngộ tánh giác, năm độc này không thể làm hại. Trái lại, khi chúng sanh khởi, họ chỉ việc nhận biết sự sanh khởi của chúng và tri giác chúng là trí huệ bổn nguyên. Bởi thế, chúng không có quyền lực ngăn che, làm hại hay che ám.

Tánh giác như vàng, không biến đổi, không bị sanh tử làm hại hay niết bàn làm lợi lạc. Tánh giác này là bản tánh của cả sanh tử lẫn niết bàn. Nó là bản tánh của chư Phật và hiện diện nơi tất cả chúng sanh. Nó không khuyết hụt chỗ nào, dù với chúng sanh địa ngục hay với người đạt đến Phật quả, tánh giác tương tục hiện diện. Người ta không hề lìa nó dù trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Khi bạn chứng ngộ bản tánh cốt lõi của tánh giác của bạn, bạn chứng ngộ bản tánh của tất cả chư Phật. Bạn gặp tất cả chư Phật. Bạn chứng ngộ bản tánh cốt lõi của tất cả các vị thầy. Bạn nhận tất cả những quán đảnh. Bạn nhận tất cả những ban phước. Bạn nhận sự chứng ngộ của cả hai giai đoạn phát sanh và thành tựu. Đây là sự chứng ngộ Đại Ấn, sự chứng ngộ Đại Toàn Thiện và sự chứng ngộ sự hợp nhất của Đại Ấn và Đại Toàn Thiện. –

Orgyen Rinpoche giới thiệu (tánh giác) cho những đệ tử của ngài, trong đó có vua và triều thần. Đây là lời chỉ dạy cho Đức Bà Yeshe Tsogyal : “Hỡi người thành tín, hãy nghe ! Tâm không có tự tánh, thế nên hãy để nó trong trạng thái tự nhiên, không biến đổi, tự nhiên hiện tiền, không có thiền định. Do trụ trong trạng thái này, tự tâm sẽ tự nhiên giải thoát, và con sẽ thành Phật.” Như vậy, Tsogyal giải thoát ngay lúc bấy giờ.

– Tánh giác, như đại dương, là một trạng thái tự nhiên hiện diện, không có thiền định. Không cần làm gì đặc biệt, không cần tư thế, không có đối tượng thiền định. Hãy chỉ để cho bạn nghỉ ngơi, không quấy nhiễu nó. Như nước tự nhiên chảy thành dòng, bạn không cần làm gì cả với nó. Như những bọt nước tự nhiên sanh và tan vào nước, bạn chẳng cần làm gì cả ; chúng tự-sanh khởi và tự-giải phóng. Tương tự, nếu những tư tưởng khác nhau sanh khởi trong tâm, bạn không cần làm gì với chúng. Chỉ để tâm nghỉ ngơi trong trạng thái tự nhiên của nó và bùn đất của tâm sẽ bị lắng xuống. Như những đám mây sanh khởi và tan tự nhiên trong bầu trời, tự tâm tự nhiên giải thoát, tự nhiên giải phóng như vậy.

Đã bao nhiêu lần bạn nghe câu nói, “Hãy để tâm bạn trong trạng thái không sửa sang, không tạo tác, không thi thiết ?” Thế mà chúng ta chỉ làm cái ngược lại. Tại sao ? Bởi vì chúng ta không thỏa mãn chỉ để tâm nghỉ ngơi trong trạng thái của tự nó. Tại sao ? Bởi vì chúng ta chạy theo trăm hướng khác nhau để tìm cái gì mới, đi tìm thỏa mãn. Nhưng rồi chúng ta chẳng tìm được cái gì cả, bởi vì tất cả chỉ là thi thiết, giả tạo. Kết quả là càng ngày chúng ta càng lún sâu thêm vào sanh tử. Cho nên, hãy thực hành Pháp một cách chân chánh ! –

Lời chỉ dạy của ngài cho Lang Palgyi Sengge : “Đứa con của dòng họ tốt đẹp (thiện nam tử), hãy nghe ! Tất cả mọi hiện tượng là tự tâm, và không có cái gì khởi lên từ cái nào khác. Tâm không có tự tánh, thế nên nó vượt khỏi ngôn từ và tư tưởng. Hãy yên nghỉ một cách sáng tỏ trong trạng thái không biến dạng, nó không có những phân biệt tốt xấu, lấy bỏ, phủ nhận và xác nhận, hay trong và ngoài. Trong trạng thái này thân và tâm an lạc, và thức bất sanh bất diệt được kinh nghiệm. Đấy là những chỉ báo của hơi nóng của chứng ngộ, thế nên vào lúc đó con sẽ đạt đến sự chứng ngộ của Phật.” Như vậy, Lang Palgyi Sengge cũng giải thoát.

Ngài dạy Vairocana : “Đứa con của dòng họ tốt đẹp, hãy nghe ! Mọi hiện tượng sanh khởi từ tâm. Tâm không phải là một cái gì cả để có thể nắm hiểu ; nó không chu vi hay trung tâm, không trụ không tán. Hãy an nghỉ không xao lãng trong trạng thái không tạo tác của đại bình đẳng. Do thiền định theo cách này, khởi niệm sẽ sanh khởi như trí huệ bổn nguyên và cái ấy tự nó là thức tỉnh tâm linh.” Như vậy, Vairocana được giải thoát.

Lời chỉ dạy của ngài cho Nup Namkhey Nyingpo : “Namkhey Nyingpo, hãy nghe ! Tâm thì thoát khỏi những tạo tác ý niệm. Hãy an nghỉ trong trạng thái không sửa sang, không biến chất, nó không có cái ta ; nó tự sanh khởi và tự an lặng. Do ở trong trạng thái này, những dấu báo của hơi nóng chứng ngộ sẽ tự nhiên xảy ra ; và chính trạng thái ấy là bản thân sự thức tỉnh tâm linh.” Như vậy, Namkhey Nyingpo được giải thoát.

Lời chỉ dạy của ngài cho Kumara : “Jnana, hãy nghe ! Tâm vốn không do những nguyên nhân mà có, và không bị hoại diệt bởi những nguyên nhân. Hãy yên nghỉ trong trạng thái vô sanh thoát khỏi hoạt động và nỗ lực, không liên kết ngữ ngôn. Trong trạng thái đó, con sẽ tìm thấy quả mà không phải tìm kiếm. Thức tỉnh tâm linh không chỗ nào khác ngoài cái đó.” Như vậy, Kumara được giải thoát.

Lời chỉ dạy của ngài cho Ngenlam Gyalwa Chog-yang : “Gyalwa Chog-yang, hãy nghe ! Tánh giác không thể được trau dồi trong thiền định, cũng không thể quan niệm được. Hãy an nghỉ không phân tán ra hay thu rút về, để cho các giác quan tự nhiên, khởi niệm tự lặng. Trong trạng thái đó, chánh niệm tự lặng sẽ sanh khởi trong tâm, và thức tỉnh tâm linh hiện thành ngay tại chỗ đó.” Như vậy, Gyalwa Chog-yang được giải thoát ngay liền.

Lời chỉ dạy của ngài cho Nanam Dorje Dušdjom : Dorje Dušdjom, hãy nghe ! Tánh giác là vốn tự-sanh khởi, vốn tự-hiện diện, không có chu vi hay trung tâm. Hãy yên nghỉ trong quang minh tự nhiên, tự sanh khởi, không có căn cứ, nền tảng nào. An nghỉ như vậy, và con thoát khỏi những sanh sôi của tâm, đó chính là sự thức tỉnh tâm linh.” Như vậy, Dorje Dušdjom được giải thoát và đạt được siddhi.

Lời chỉ dạy của ngài cho Pal Yeshe Yang : “Yeshe Yang, hãy nghe ! Trong tâm không có nhị nguyên chủ thể-đối tượng, thế nên nó không có sự sinh sôi hay chuyển động, không có hành động hay nỗ lực. Hãy yên nghỉ trong trạng thái không biến chất, không có hy vọng hay lo sợ, không phân tán hay thu rút. Không xao lãng khỏi thực tại này là Phật quả.” Như vậy, Yeshe Yang được giải thoát.

Lời chỉ dạy của ngài cho Sogpo Lha Palgyi Yeshe : “Lha Palgyi Yeshe, hãy nghe ! Bồ đề tâm (tâm giác ngộ) thì không có hoạt động, thế nên, không tìm kiếm nó, nó tự-sanh khởi. Nó không có nỗ lực hay thành tựu, thế nên hãy an nghỉ trong trạng thái không biến chất của quang minh tự nhiên. Trong trạng thái đó dòng sanh sôi và chuyển động sẽ dừng dứt. Ngay lúc đo, hãy biết rằng con là Phật.” Như vậy, Palgyi Yeshe được giải thoát.

Lời chỉ dạy của ngài cho Yeshe Dey : “Yeshe Dey, hãy nghe ! Tâm đây không có phủ định hay xác định, không có tác nhân hay hành động, không có chủ thể hay đối tượng, không có chỉnh trị hay cố gắng. Hãy an nghỉ không chấp nhận hay bác bỏ. Nếu con an trụ trong trạng thái này mà không xao lãng, đó chính là bản thân sự thức tỉnh tâm linh.” Như vậy, Yeshe Dey được giải thoát.

Lời chỉ dạy của ngài cho Kharchen Palgyi Wangchuk : “Palgyi Wangchuk, hãy nghe ! Tâm vốn không có tự tánh, không có cái gì để thiền định cả. Đối với trí năng, nó là không có nền tảng và không biến chất. Hãy để nó tự-sanh khởi và tự-phô diễn. Ở trong trạng thái đó, con thành Phật mà không từ chối vòng sanh tử.” Như vậy, Palgyi Wangchuk được giải thoát.

Lời chỉ dạy của ngài cho Dram Gyalwey Lodroš : “Tâm này là không thể quan niệm và không thể đối tượng hóa, vượt khỏi có và không, thường và đoạn. Hãy để nó là mà không có người thiền định hay đối tượng để thiền định. Nếu không có sự dao động hay lìa khỏi trạng thái này, đó gọi là Pháp thân.” Như vậy, vị này được giải thoát.

Lời chỉ dạy của ngài cho OŠ Palgyl Chungwa : “Tâm không có hiểu biết hay người hiểu biết, không có sự nắm hiểu hay người nắm hiểu. Hãy an nghỉ trong một trạng thái trong sáng không có tự tánh. Nơi đây, nếu thức vô niệm không biến đổi, đó gọi là Phật.” Như vậy, vị này được giải thoát.

Lời chỉ dạy của ngài cho Drenpa Namkha : “Tâm này xuất hiện nhưng không có tự tánh ; nó trong sáng, nhưng không có sự ý niệm hóa ; nó không thể nắm bắt bằng tạo tác ý niệm và không thể diễn tả. Hãy để sự chứng ngộ qua kinh nghiệm của con tự do khỏi những chuyển động của tâm. Ở trong thực tại này, dù thân con là thân người, tâm con được gọi là Phật.” Như vậy, Drenpa Namkha thành tựu siddhi.

Lời chỉ dạy của ngài cho OŠdren Palgyi Wangchuk : “Bồ đề tâm xuất hiện nhưng trống không ; nó là ánh sáng trống không và thanh tịnh ; và nó không có gì để sửa sang hay trau dồi. Hãy an nghỉ trong trạng thái của trí huệ bổn nguyên vĩ đại tự-sanh khởi. Chớ lìa khỏi cái gọi là Bồ đề tâm này.” Như thế, vị này được giải thoát.

Lời chỉ dạy của ngài dành cho Ma Rinchen Chok : “Tâm hoàn toàn không có bản chất cốt lõi nào cả. Không có một cái gì để ổn định cũng không có cái gì để thiền định. Nó thì không biến chất, tự-sanh khởi và tươi mới trẻ trung. Hãy an nghỉ trong trạng thái của cái hiện tiền bổn nhiên tự tại này ; đó là thiền định một cách sáng tỏ. Trong trạng thái đó tâm thoát khỏi chuyển động, và không có quả nào khác ngoài cái đó.” Như vậy, vị này thành tựu siddhi.

Lời chỉ dạy của ngài cho Nup Sangye Yeshe : “Bồ đề tâm xuất hiện nhưng trống không. Hãy an nghỉ trong trạng thái hình tướng xuất hiện và tánh không là không thể phân chia, trong trạng thái tánh giác và tánh không không thể phân chia. Không dao động, hãy an nghỉ trong trạng thái không lời nói, ngữ ngôn. Ở trong trạng thái đó gọi là Pháp thân.” Như vậy, Sangye Yeshe được giải thoát.

Lời chỉ dạy của ngài cho Langdro Košnchok Jungney : “Tự tâm là không bản chất và vốn tinh khôi. Nó là trống không mọi bản chất nội tại và không biến chất. Hãy an nghỉ trong trạng thái không có một đối tượng của thiền định nào hay một người thiền định nào. Từ cái độc nhất ấy, kết quả của sự thức tỉnh tâm linh được thành tựu.” Như vậy, vị ấy được giải thoát.

Lời chỉ dạy của ngài cho Lasun Gyalwa Jangchup : “Tự tâm là bất sanh và bất diệt, thoát khỏi bản chất và hình tướng. Trống không, không có tự tánh, nó là trong sáng và không dứt. Nếu không có lay động dạt khỏi thực tại của duy chỉ cái ấy, đó gọi là “thức tỉnh tâm linh”. Đó là sự chứng ngộ Pháp thân.” Như vậy, Gyalwa Jangchup được giải thoát.

Những Giai Đoạn của Con Đường Mật Chú của Orgyen Rinpoche nói rằng :

Có ba phương diện cốt yếu của việc an định tâm : (1) Không dao động như thường lệ ; (2) không bị phân tán bởi ý niệm hóa ; (3) nhưng không có tạo tác, chỉnh trị nào, chỉ bình thản để cho thức trong trạng thái của chính nó. Do làm như vậy, thiền định sẽ tự đến. Nếu có dao động và phân tán, trạng thái thiền định sẽ không sanh khởi.

Thứ hai, đây là bản tánh của trạng thái thiền định hiện khởi : do để nó như vậy trong trạng thái của chính nó, mọi khởi tưởng thô và tế ngủ ngay tại chỗ. Một khi tâm đã bình lặng, tâm sẽ ở một cách sáng suốt trong trạng thái của chính nó. Đó gọi là “định tĩnh”. Với sự không ngừng của sự rực rỡ của cái đó, một quang minh sáng tỏ, trực tiếp, không đối tượng và tự nhiên sẽ hiện đến. Đó gọi là “quán chiếu”. Cả hai cái này, định và quán, cũng an trụ kiên cố trong bản tánh của một khoảnh khắc đơn nhất, không thể phân chia của thức. Bản thân cái ấy gọi là “định và quán”. Nếu người ta an trụ trên một đối tượng, đó là kinh nghiệm thiền định. Nếu người ta an trụ không có đối tượng, đó là thấu hiểu. Nếu người ta hiện diện kiên cố trong bản tánh của thức ấy, đó là chứng ngộ. Cái ấy được gọi là sự chứng ngộ của chư Phật ba đời. Cái ấy không được tạo ra bằng những giáo huấn thực hành của một vị thầy, cũng không khởi sanh từ một đại trí huệ của đệ tử. Nó được gọi là đạt đến bản tánh của mình hay tính chất của tánh giác.

Bốn Âm của Đại Ấn nói :

Hãy an thân trong tư thế Vairocana, với bảy đặc điểm. Như một kim xí điểu vĩ đại bay vút trong bầu trời, hãy an nghỉ trong trạng thái bổn nguyên, không biến chất, không có nỗ lực hay hoàn thành. Như một đại dương tự do khỏi các sóng, hãy an nghỉ mà không có tư tưởng hay chuyển động. Như mặt trời tự do khỏi những đám mây, hãy an nghỉ với một sự rực rỡ chiếu khắp. Hãy an nghỉ trong hiểu biết rằng mọi cảm nhận, giống như những gợn sóng trong nước, chỉ là tâm. Như một em bé nhìn chăm chú vào một bàn thờ, hãy an nghỉ với sự trong sáng không dứt và không nắm bắt. Như một con chim bay qua bầu trời, hãy an nghỉ không để lại dấu vết gì.

Sự Đột Ngột Đại Ấn nói :

Hãy an thân trong tư thế Vairocana bảy điểm. Với thân tâm thư giãn bên trong, không đem đến tâm bất cứ cái gì của ba thời quá khứ hiện tại vị lai. Bằng cách để cho tâm ở trong một trạng thái không tạo tác, tâm trước đã qua, tâm tương lai chưa sanh khởi ; và cái thức thuần túy của hiện tại tồn tại như không gian, trong sáng, trống không và thoát khỏi tạo tác. Bản thân cái đó gọi là “thức không mê lầm”, “tịnh quang của tự tâm”, “lạc bổn nhiên”, và “đại lạc của Pháp thân”. Lập tức an nghỉ trong trạng thái chỉ nhận biết cái đó, không sửa tạo, thoát khỏi nỗ lực hay hoàn thành.

An nghỉ trong sự quan sát thức mê lầm bao gồm quan sát một cách kiên cố với đôi mắt của trí huệ bất kỳ loại niệm tưởng tốt, xấu và trung tính nào sanh khởi. Sau cùng sự khởi niệm đã được quan sát trở nên bình lặng, tâm không phải không hiện hữu, mà hơn nữa, bản tánh trống không, trong sáng, trong trẻo, tinh khiết và sống động của tâm là sự bất nhị của không gian tuyệt đối và trí huệ bổn nguyên. Bất cứ bản tánh cốt lõi nào được thấy, là tâm được thấy. Người ta thấy rằng từ vô thủy, nó không tụ không tán ; nó ở khắp tất cả hiện tượng ; nó siêu vượt khỏi những trường kinh nghiệm của sáu giác quan ; và rốt ráo nó không trụ trong màu sắc, hình dạng...

Sự thống nhất bất nhị của mê lầm và không mê lầm : Do quan sát một cách vững chắc với con mắt trí huệ bất kỳ tư tưởng nào sanh khởi, không có cái gì được nhận biết cả. Khởi niệm tự tan và trống không. Hơn nữa, sự tự tan vốn trống không này khởi từ trạng thái trống không của tự tâm ; nó trụ trong trạng thái trống không của tự tâm ; và nó an lặng trong trạng thái trống không của tự tâm. Lìa ngoài trạng thái trống không của tự tâm, không có tư tưởng xấu nào để bỏ. Như đại dương và những làn sóng của nó, không có phân biệt giữa thức mê lầm và thức không mê lầm. Như thế, bất cứ khởi niệm nào sanh khởi hãy tức thời và kiên cố quan sát nó, và không dao động, hãy đột ngột ở trong trạng thái đó.

Giáo Huấn Viên Ngọc Như Ý về Tâm nói :

Không dao động và không thiền định. Hãy giải phóng tham cầu và an nghỉ.

“Không dao động” là không đi vào những xao lãng về quá khứ, hiện tại hay tương lai. “Không thiền định” là không đi vào bất cứ đối tượng nào của sự nhận biết. “Tham cầu” nghĩa là tiến hành bằng cách lìa bỏ mọi nỗ lực tâm ý. Từ trạng thái không dao động và không thiền định, những tư tưởng thình lình khởi lên ; bấy giờ, không theo chúng, hãy áp dụng chánh niệm không dao động vào bất cứ tư tưởng nào sanh khởi.

Gyalsey Thogmé nói :

Nếu bạn quan sát bản tánh của sáng chói trong trạng thái vô niệm của tâm, bạn ở trong tánh không hoàn toàn, nó không đặt nền trên bất cứ cái gì. Đó gọi là thức trong sáng trống không, không có bám nắm. Từ ban đầu nó bị che chướng bởi khởi tưởng nhị nguyên về có và không đối với mọi hiện tượng, thế nên nó không được nhận biết. Bạn đang thấy bản tánh của nó bởi thần lực của sự thực hành của bạn, thế nên hãy quán sát bản tánh trống không này của tâm trong khi cẩn thận loại bỏ bất kỳ những gán ghép đặt tên nào. Theo cách này, những phẩm tính tuyệt hảo sanh khởi càng lúc càng trọn vẹn, và đây là con đường được dùng như nguyên nhân cho siddhi tối thượng. Thế nên hãy tùy hỷ cái này và thực hành !

Gyatošnpa Choškyi Zangpo nói :

Do an định thân, ngữ, tâm của bạn một cách không cố gắng và buông lỏng, giữa sự ngừng dứt của thức quá khứ và sự sanh khởi của thức tương lai, cái thức quang minh, vô niệm là nền tảng. Do ổn định cái nhìn ngắm một cách sáng tỏ và không dao động vào cái đó, không đối tượng quan sát cũng không người quan sát, nếu bạn kinh nghiệm tánh Không trong sáng, thoát khỏi tạo tác ý niệm và vắng bặt mọi nhận thức, đó là sự nhận diện (tánh giác). Nếu không thấy, thì không có sự nhận diện. Bằng cách an nghỉ như vậy, nếu những tư tưởng nhị nguyên thình lình khởi lên, đó là vòng sanh tử ; và toàn bộ thế giới hiện tượng không gì khác hơn là những xuất hiện của khởi tưởng. Nếu khởi tưởng được tịnh hóa, niết bàn không phải tìm kiếm ở đâu khác ; vì tịnh quang của tâm bạn là Phật. Do quan sát bất cứ tư tưởng nào sanh khởi, tánh Không trong sáng không một dấu vết trở nên rõ ràng, và đó là niết bàn. Toàn bộ niết bàn không gì khác hơn là sự sanh khởi của tưởng và niệm như là trí huệ bổn nguyên.

Cái gì là sự thực hành ? Khởi tưởng được gán ghép bởi trí óc. Sự không sanh trước đó, sự khởi sanh ở khoảng giữa, và sự mở thoát cuối cùng của nó, cả ba đều không có tự tánh. Ngay nơi việc để cho nó trong trạng thái của chính nó mà không sửa tạo, nếu nó tồn tại, hãy quan sát bản tánh của sự tồn tại của nó. Nếu nó tiêu tan, không có gì để làm ngoài việc hãy quan sát bản tánh của sự tiêu tan của nó. Quang minh khi đơn giản không dao động khỏi trạng thái của lạc và quang minh căn bản, cả hai là cốt lõi của sự thực hành. Bằng cách ở yên trong trạng thái này, những phẩm tính tuyệt hảo sẽ dần dần sanh khởi, thế nên nó cần phải được duy trì, dù có những hoàn cảnh lỡ lầm hay không.

Bạn phải thực hành bằng cách giải phóng, mở thoát tâm, không vui hay thất vọng về những kinh nghiệm tốt xấu. Nói chung, sự việc không có mong mỏi thiền định sẽ tụ hội những điều tốt đẹp ; hơn nữa, tâm phải được duy trì và hòa lẫn với bất cứ sự gì xảy ra. Dù vui hay buồn, đau yếu hay chướng ngại xảy ra, hãy kiên cố quan sát chúng. Hãy dựng thẳng sự cảnh giác lên và canh chừng. Dù bạn có sẵn sàng hay không, hãy thường trực canh chừng, và sau một lúc tâm sẽ trở nên bình thản. Với điều đó như một chỉ báo, hãy hòa lẫn với bất kỳ tư tưởng không kiểm soát được nào xảy ra, và sẽ có tiến bộ.

Tantra Tổng Hợp Tinh Túy của Đại Bi nói :

Hãy chuyển hóa những ký ức và những tư tưởng tự-giải phóng thành tâm giác ngộ.

Bất cứ tư tưởng nào bạn nhớ về quá khứ, hiện tại và tương lai, đối tượng được nhớ đến và người nhớ đều tự-xuất hiện, và chánh niệm vẫn duy trì. Chúng trống không và được giải phóng khi chúng thật là vô tự tánh. Đó là tâm của Như Lai, và sự nhớ tưởng trống không này về những hiện tượng là sự chuyển hóa thành con đường của tâm giác ngộ. Đến đây kết thúc giáo lý nhận diện tâm qua văn xuôi
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn