Chương Bảy Làm Thế Nào Để Tu Theo Con Đường Nhảy Qua

20 Tháng Mười Hai 201000:00(Xem: 6327)
CHƯƠNG BẢY
Làm thế nào để tu theo Con Đường
Nhảy Qua

Kính lễ đức Quán Thế Âm !

– Chỉ bằng cách tích lũy một cái hiểu thấu suốt về cả Đại Ấn và Đại Toàn Thiện mà bạn có thể đặt một nền tảng chắc thật cho giai đoạn những giáo lý này. Không có một căn bản thích hợp, phần thực hành Nhảy Qua sẽ không có ý nghĩa và kết quả. Đối với sự thực hành của cả Đại Ấn và giai đoạn Phá Thấu của Đại Toàn Thiện, sự trau dồi định và quán là những nền tảng không thể thiếu. Đối với sự trau dồi định và quán, những thực hành sơ bộ, gồm những giai đoạn phát sanh và thành tựu, là thiết yếu. Đây là chuỗi thực hành truyền thống cho sự tu hành này.

Không có một nền tảng thích hợp, bạn có nguy cơ bị lật ngửa như một lama ở Tây Tạng khi có một đệ tử hỏi, “Lama, ngài đang thiền định về cái gì ?” Vị lama trả lời, “Ta đang thiền định về nhẫn nhục.” Lâu sau cậu bé trở lại và hỏi, “Lama, bây giờ ngài đang thiền định về cái gì ?” Rất ngay thẳng, lama trả lời, “Nhẫn nhục.” Trở lại lần thứ ba, cậu bé hỏi, “Lama, ngài đang thiền định về cái gì ?” Vị hướng dẫn tâm linh lại nói, “Ta đang thiền định về nhẫn nhục.” Cậu bé nói, “Ô Lama, đi ăn cứt đi !” Tức khắc vị lama hét lên, “Ta ăn cứt ? Chính mày ăn cứt !”

Sự thực hành định có trong Tiểu thừa, Đại thừa và Kim Cương thừa. Thật vậy, nó có mặt suốt trọn con đường đến sự thức tỉnh tâm linh và bao gồm sự thức tỉnh này. Mọi thừa và mọi loại thực hành đều thấm nhuần quán và định. Để nhấn mạnh điểm này : định và quán có ý nghĩa với mọi người, không chỉ cho người Phật tử, cho đến khi mỗi chúng sanh giải thoát khỏi sanh tử, vì không có định và quán này, chúng ta vẫn lệ thuộc vào phiền não. –

Đây là những giáo huấn thực hành sâu xa của Quán Thế Âm. Đã trình bày những giới thiệu cả hai giai đoạn Phá Thấu(6) và Nhảy Qua(7) của Đại Toàn Thiện, lý do tại sao cần hợp nhất hai cái này được nói đến trong Tantra Bí Mật của Mặt Trời của Cõi Giới Trong Sáng Rực Rỡ của những Dakini :

Không có Phá Thấu, sẽ không có Nhảy Qua.
Không có Nhảy Qua, sẽ không có Phá Thấu.

Tantra Trích yếu những Tham Thiền của Samanta-bhadra nói :

Nếu nghĩa của Phá Thấu này không được chứng ngộ,
Thì dù Nhảy Qua được kinh nghiệm, nó vẫn sẽ là nhị nguyên.
Lầm lộn nghĩa với thứ tào lao không thể nghiệm
Thì giống như ném vụn vàng vào suối nước.

Như thế, sự hợp nhất cái nhìn thấy về nền tảng – tức là để tâm vào bản tánh thiết yếu của Phá Thấu, Đại Ấn – và con đường – tức là tịnh quang của sự Nhảy Qua – là chót đỉnh của chín thừa.

Tịnh quang của Nhảy Qua cần được thực hành. Về việc này có bốn đề mục : (A) trước hết đánh vào những điểm trọng yếu về thân, ngữ và tâm ; (B) trên căn bản của ba trọng yếu, để cho tri giác trực tiếp đến với bạn ; (C) những giáo lý về cách bốn cái nhìn thấy xuất hiện nếu bạn thực hành ; và (D) lời khuyên kết thúc.

A. ĐÁNH VÀO NHỮNG ĐIỂM TRỌNG YẾU

Đây có ba đề mục : (1) những điểm trọng yếu của thân, (2) những điểm trọng yếu của ngữ, và (3) những điểm trọng yếu của tâm.

1. Đánh vào những Điểm Trọng Yếu của Thân

Có ba đề mục : (a) tư thế hóa thân giống như một rïsïi ngồi xổm, (b) tư thế báo thân giống như một con voi nằm tựa và (c) tư thế pháp thân giống như một sư tử ngồi trong tư thế một con chó. Tantra Nguyên Thủy về sự Thâm Nhập của Âm Thanh nói :

Trong tư thế pháp thân của một con sư tử, người ta thoát khỏi mọi sợ hãi mê lầm và thấy với đôi mắt kim cương. Trong tư thế báo thân nằm dựa như một con voi, người ta kinh nghiệm bản thân thực tại và thấy với đôi mắt hoa sen. Trong tư thế hóa thân của một rïsïi ngồi xổm, người ta biểu lộ trong hình dáng của bản thân thực tại và thấy với đôi mắt Pháp.

Nếu có nhiều người thực hành, tư thế hóa thân là đủ. Nếu có số ít đệ tử và không phải là một giáo lý công khai, hãy không quá bảy người. Khi trời trong và không gió, hãy dẫn các đệ tử của bạn đến một chỗ im vắng.

a. Tư thế Pháp thân của một con Sư tử ngồi trong Tư thế một con Chó

Xếp đặt thân bạn trong tư thế của một con chó : hai lòng bàn chân trên đất ; siết chặt hai tay thành nắm kim cương ; cắm hai ngón chân cái trên mặt đất. Như sư tử, vươn phần trên hướng lên, duỗi mình oai nghiêm trên đất ; và hướng cái nhìn đến mục tiêu.

– Hai lòng bàn chân sát đất. Cắm hai ngón chân cái trên đất và giống như một con sư tử vươn ngực lên. Để làm thành nắm tay kim cương, thu các ngón tay cái vào lòng bàn tay, chạm vào phần chót ngón tay đeo nhẫn, và những ngón còn lại nắm vào quanh ngón đeo nhẫn. Không cong cổ tay, đặt cánh tay thẳng giữa hai đùi, chúng hướng ra hai bên. Mạnh mẽ duỗi mình trên đất trong tư thế oai hùng. Trong một số truyền thống, người ta đặt nắm tay trên đất trước chân họ ; những truyền thống khác lui sau một tí. Hơi ngẩng cằm và hai mắt, và hướng cái nhìn đến đối tượng, tức là không gian trống không. –

b. Tư thế Báo thân giống như một con Voi Dựa

Nằm úp xuống như một con voi ; ép hai đùi vào ngực ; để những ngón chân cái chỉa ra ngoài ; cắm hai khuỷu tay trên đất và hơi ngẩng cằm lên.

– Trong tư thế này hai mắt bạn không hướng lên cũng không hướng xuống, mà nhìn thẳng phía trước (song song với mặt đất) hay qua phải hay trái. Trong ba tư thế, cái này được xem là dễ nhất. Đùi và ngực đối diện với mặt đất, cho phép những ngón chân chỉa ra tự nhiên đến độ bạn cảm thấy mình là cái gì ở trên bụng, duỗi phần trên của ngực, và để cằm trong lòng bàn tay. –

c. Tư thế Hóa thân như một Rïsïi ngồi xổm

Ngồi thẳng lên với hai cổ chân gần nhau, bàn chân trên mặt đất ; để thân bạn dựng thẳng ; đùi ép vào ngực, khoanh cánh tay (từ khuỷu tay trở ra) ôm chặt lấy đùi ; và để cho xương sống thẳng đứng.

– Để hai lòng bàn tay sát đất, ngồi với đùi cong và cổ chân sát nhau. Ép đùi vào ngực, để khuỷu tay trên đùi, vòng cánh tay phải qua cánh tay trái, và để hai tay trên vai. Giữ phần trên thẳng lên và xương sống thẳng –

Bằng cách đánh vào ba điểm trọng yếu của thân theo cách này, trí huệ bổn nguyên của tánh giác hiện diện trong thân thể bạn sẽ khởi lên lộ diện. Như một thí dụ, dù một con rắn có các phần thân, nếu nó không trườn dài thì những phần thân đó khó có thể thấy.

2. Những Điểm Trọng Yếu của Ngữ

Ở đây có ba đề mục : (a) để lộ ngữ, (b) làm yên lặng ngữ, và (c) ổn định ngữ. Về để lộ ngữ, trong ba hay bốn ngày hãy để cho ngữ lắng xuống đến sự im lặng. Về làm yên lặng ngữ, hoàn toàn im lặng ngữ của bạn, không để cho nó trộn lẫn với lời của ai khác. Về ổn định ngữ, ổn định bằng cách không nói điều gì như bạn đã câm.

– Hoàn toàn làm yên lặng ngữ của bạn như sự im lặng của những sợi dây đàn đã đứt. Qua phần thực hành này, bạn đi vào một trạng thái không thể nghĩ bàn. Khởi lên từ kinh nghiệm sâu thẳm này và hòa vào một kinh nghiệm tánh Không, bạn hoàn toàn làm im lặng ngữ của bạn. Ngừng nói là một phần của kinh nghiệm không thể nghĩ bàn này, nhưng kinh nghiệm đó hoàn toàn khác với một quyết định cố ý không nói trong một thời gian, chuyện này thực ra không có gì đặc biệt. –

3. Những Điểm Trọng Yếu của Tâm

Không để cho tỉnh giác của bạn xao lãng đi đâu khác. Không để cho nó rời khỏi điểm ngắm.

– Dù bản văn dùng từ “điểm ngắm”, nó liên quan đến ba tư thế. Về pháp thân, cái nhìn hướng lên không gian, đó là điểm nhắm của bạn. Không cho cái nhìn hay sự chú ý của bạn đi khỏi chỗ đó, điều này rất quan trọng. Hãy giữ nó đúng vào điểm ngắm. Trong tư thế báo thân, cái nhìn nằm ngang, thế nên bất cứ cái gì xuất hiện trong khoảng ấy là điểm ngắm của bạn. Trong tư thế hóa thân hãy hướng cái nhìn xuống dưới, khoảng vài chiều dài ngón tay dưới chót mũi, không để cho cái nhìn hay sự chú ý đi lang thang khỏi chỗ đó. Trọng yếu là tìm ra một con đường trung dung trong tư thế của bạn, không chặt quá hay lỏng quá. Nếu nó lôi thôi, toàn bộ ý nghĩa sẽ mất. Ngược lại, không nên cứng cỏi quá mức. Cố gắng trung dung. –

B. TRÊN CĂN BẢN BA ĐIỂM TRỌNG YẾU, ĐỂ TRI GIÁC TRỰC TIẾP ĐẾN VỚI BẠN

Đây có ba đề mục : (1) những điểm trọng yếu về chỗ mở, (2) những điểm trọng yếu về đối tượng, và (3) những điểm trọng yếu về sinh khí.

– Những chỗ mở ám chỉ hai mắt ; đối tượng là không gian, và những điểm trọng yếu về hơi thở thuộc về sinh lực. –

1. Những Điểm Trọng Yếu về những Chỗ Mở

Những điểm trọng yếu về những chỗ mở là hai mắt, như Tantra Nguyên Thủy về sự Thâm Nhập của Âm Thanh nói :
 

Về những chỗ mở, hãy ngắm bằng hai mắt phù hợp với ba thân.

Không Chữ nói :

Hãy ngắm bằng hai mắt vào khoảng không gian.

Tràng Ngọc Trai nói :

Về những chỗ mở, chớ lìa khỏi cái vốn như vậy.

Ở đây có ba đề mục : (a) với sự ngắm pháp thân bạn nhìn lên để ngừng lập tức những hình tướng xuất hiện hư vọng ; (b) với sự ngắm báo thân bạn nhìn ngang để thấy bản tánh cốt lõi một cách trần trụi ; và (c) với sự ngắm hóa thân bạn nhìn xuống để kiểm soát được những sinh khí và tâm thức. Chớ bỏ ba loại ngắm nhìn này.

2. Những Điểm Trọng Yếu về Đối Tượng

Điều này gồm không gian tuyệt đối ở bên ngoài và không gian tuyệt đối ở bên trong. Tantra Nguyên Thủy về sự Thâm Nhập của Âm Thanh nói :

Không gian tuyệt đối thì ở bên ngoài và bên trong : cái bên ngoài là một bầu trời không mây, và cái bên trong như một con đường có thắp đèn.

– Bầu trời không mây này không có dù chỉ một màn sương mỏng. Con đường bên trong có thắp đèn là kinh mạch của tỉnh giác chạy từ tim đến hai mắt và rồi đi ra ngoài trong trường nhìn của bạn. Ngầm chứa trong cái này là phương diện của tánh Không, thế nên khi bạn có được kinh nghiệm, sự phân biệt bên trong và bên ngoài tan biến, và tánh bất nhị của trong và ngoài được chứng nghiệm. Bằng cách nhìn ra ngoài không gian, bạn thực sự trau dồi, tịnh hóa và làm biểu lộ hơn cái bên trong, cụ thể là tánh giác. Qua cái bên ngoài, cái bên trong trở thành biểu lộ. –

Ngọn Đèn Chói Sáng nói :

Bằng cách an định tỉnh giác của bạn vào không gian tuyệt đối ở bên ngoài, bản thân tánh giác được tịnh hóa và soi chiếu trong trạng thái của chính nó.

Tantra của Tánh Giác Sanh Khởi Tự Nhiên nói :

Bản tánh của không gian tuyệt đối là một vòng hào quang.

– Sự liên hệ giữa ngoài và trong có thể hiểu bằng ẩn dụ rót một tách nước vào đại dương, vào lúc đó nó không còn phân biệt với đại dương. Tương tự, nếu bạn chụm hai tay lại, không gian được gói kín trong lòng hai bàn tay, nhưng khi mở tay ra, nó không phân biệt với không gian chung quanh. –

Những Dấu Vết Niết Bàn nói :

Điểm trọng yếu của đối tượng là bầu trời, thoát khỏi mọi điều kiện. Không gian tuyệt đối bên trong là ngọn đèn tinh khôi. Hơn nữa, không có đối tượng để bám nắm trong không gian trống rỗng, thế nên do tập chú vào điểm trọng yếu của đối tượng, tức là không gian tuyệt đối, trí huệ bổn nguyên an nghỉ thong dong.

3. Những Điểm Trọng Yếu của những Sinh Khí

Có ba điểm trọng yếu của những khí lực : (a) giữ lại, (b) tống ra, và (c) sự chầm chậm và vững chắc. Tantra Nguyên Thủy về sự Thâm Nhập của Âm Thanh nói :

Điểm trọng yếu của những sinh khí đến từ sự giữ chúng lại một cách vững chắc và trục xuất chúng hoàn toàn.

Những Dấu Vết Niết Bàn nói :

Điểm trọng yếu của những sinh khí được phát lộ trong sự rất chậm của chúng.

Trước hết giữ hơi thở lại một cách nhẹ nhàng, rồi tống nó ra ngoài xa như bạn tống một mũi tên. Sau đó, hãy để hơi thở rất chậm như nó tự nhiên ổn định. Về điểm trọng yếu của tỉnh giác, hãy giam giữ những sợi dây bện.(8) Không Chữ nói :

Bản tánh cốt lõi khởi hiện như những chuỗi dây, tinh tế, lấp lánh.

– Hãy để cho hơi thở, nó cùng một bản chất với những sinh khí, được tự nhiên, không làm biến đổi nó dù cách nào. Những điểm cốt yếu của thực hành là chỗ ngắm của mắt, tư thế, và để hơi thở được tự nhiên. Cầm giữ những chuỗi dây kim cương sáng lung linh của tánh giác bằng cách chú ý vào chúng.

Về phần thực hành, khi bạn hướng tầm ngắm trước mặt, những chuỗi dây kim cương của tánh giác này sẽ xuất hiện trong không gian trước mặt bạn. Nếu những sợi dây bindu này bắt đầu chuyển động, chớ liếc mắt qua chung quanh hay cố gắng giữ chúng bằng cách xoay qua trái hay phải. Hơn nữa, “giam giữ” những chuỗi dây này bằng cách giữ sự ngắm rất vững chãi, và dần dần những chuỗi dây kim cương này sẽ trở nên an định, và những phẩm tính và chứng nghiệm tuyệt hảo sẽ khởi lên từ việc đó. Ngược lại, nếu bạn áp dụng một kinh nghiệm như vậy cho tâm thức bình thường và loạn thần của bạn, thì chẳng có một ổn định hay phẩm tính tuyệt hảo nào phát sanh cả. –

Tantra của Tánh Giác Sanh Khởi Tự Nhiên nói :

Những hiện thân của ánh sáng, thấm nhuần năm trí huệ bổn nguyên,
Biểu lộ sống động như những chuỗi dây.
Chúng đến và đi,
Dao động và trải ra.
Sự Hoàn Thành của Năng Lực của Trí Huệ Bổn Nguyên nói :

Bậc tự-xuất hiện của tánh giác
Trụ như những chuỗi dây của trí huệ bổn nguyên.

Những Dấu Vết Niết Bàn nói :

Hãy giữ những chuỗi dây trong nhà tù của tỉnh giác.
Theo cách này, hãy để cho tỉnh giác của bạn, không hề lìa khỏi ba địa điểm, quan sát những chuỗi. Ban đầu hãy có nhiều thời khóa ngắn rồi dần dần tăng thêm độ dài của những thời khóa. Bấy giờ thực hành vào những thời điểm đặc biệt suốt ngày và đêm, một kết quả của việc đó là bạn sẽ tu hành một tháng rưỡi.

C. BỐN CÁI NHÌN THẤY XUẤT HIỆN NHƯ THẾ NÀO

Cách những cái nhìn thấy sanh khởi như một kết quả của thực hành như thế được dạy trong Những Giáo Huấn Màu Trắng của Quán Thế Âm về Nghĩa của Tham Thiền Ban Ngày. Cái nhìn thấy thuộc tri giác về tự thân thực tại, được gọi là “chuỗi dây kim cương của tánh giác”, thì giống như một chuỗi hạt pha lê. Không chao động, mạnh mẽ tập chú vào cái nhìn thấy này, nó thoát khỏi hai cực biên là những hình tướng xuất hiện và tánh Không, ở điểm ngang giữa hai lông mày.(9) Do làm như vậy, sẽ sanh khởi những cái nhìn thấy do những sinh khí năng động tiêu tan ở bên ngoài, và sinh khí của trí huệ bổn nguyên được đi vào kinh mạch trung ương. Chúng được gọi là “sáu dấu hiệu ban ngày”. Sự Diễn Tả Toàn Hảo những Danh Hiệu của Văn Thù nói :

Đống lửa lớn của trí huệ và tánh giác bổn nguyên
Khởi sanh từ không gian và khởi sanh từ chính nó.

Do sinh khí của những kinh mạch phía sau đi vào kinh mạch trung ương, có sự được gọi là một màu đỏ chiếu sáng như một ngọn lửa hừng, gọi là “sự sáng chiếu của ánh sáng lớn”. Do sự hội tụ của sinh khí của những kinh mạch phía trước vào kinh mạch trung ương, có sự được gọi là một tia chớp như sấm chớp, gọi là “hình tướng xuất hiện sáng chiếu của trí huệ bổn nguyên”. Do sự hội tụ của sinh khí phía bên trái, có một màu trắng lung linh như mặt trăng, gọi là “ngọn lửa của thế giới”. Do sự hội tụ của những năng lực nghiệp phía phải, có một màu đỏ lung linh như mặt trời, gọi là “ngọn đèn của trí huệ bổn nguyên”. Do sự hội tụ của sinh khí phía trên, có một màu đen như Rahu, gọi là “tịnh quang vinh quang vĩ đại”. Do sự hội tụ của sinh khí trong kinh mạch trung ương, có nói rằng có xuất hiện một bindu tinh tế, màu sẫm của ánh sáng cầu vồng.

– Ở trên là những ám chỉ đến những loại cái nhìn thấy mà người ta có thể kinh nghiệm trong thực hành này. Những cái ấy thực sự là những tri giác thị giác, không phải là những hình ảnh ý niệm, không phải của chư Phật hay của các sinh thể thiêng liêng khác, mà của cái tánh giác của chính bạn. Chừng nào bạn có một cái nhìn thấy trực tiếp tánh giác của chính bạn, bạn là một vị Phật. Đôi khi người ta có một cái nhìn thấy, họ nghĩ là họ đã nhận được một trao truyền lạ lùng hay một mặc khải huyền bí, và lập tức họ nói cho người khác nghe. Khi làm thế, người ta nên lấy làm ngượng. Do có được một chứng ngộ đích thực bản tánh của tánh giác của chính mình, chúng ta chuyển hóa những phiền não của năm độc thành năm trí huệ bổn nguyên. Đó là lý do chúng ta thực hành. Một chứng ngộ đích thực khởi lên, không cần thiết nói với ai chúng ta đã có một số cái nhìn thấy nào đó. Những ai thực sự có những kinh nghiệm đích thực thì không cảm thấy cần nói về chúng ! –

Viên Ngọc Như Ý : Những Giáo Huấn về Tinh Túy của Cõi Giới Trong Sáng của Ratna Lingpa nói :

Thiền định theo cách đó, trước tiên, ở điểm giữa hai lông mày xuất hiện cái gì giống như ánh sáng cầu vồng, gọi là “ngọn đèn nguyên sơ của không gian tuyệt đối”. Trong đó là “bindu của ngọn đèn trống không”, nó giống như những vòng tròn đồng tâm do ném một viên đá (xuống một cái ao). Trong đó, giống như một dĩa tròn của áo giáp, xuất hiện một bindu cỡ bằng một hạt mù tạt hay hạt đậu. Trong đó là “những chuỗi dây kim cương của tánh giác”, chúng tinh tế như những nút trên lông đuôi ngựa, như những viên ngọc trai treo trên một sợi dây, như những xích sắt, như những tràng hoa xào xạt trong gió v.v... Chúng đều xuất hiện thành bộ hai, ba... Chúng là tánh giác của chính bạn, gọi là “chuỗi kim cương”, và “bindu độc nhất”.

Không gian tuyệt đối và tánh giác hiện diện không hợp nhất cũng không chia lìa, như mặt trời và những tia sáng của nó. Dấu hiệu của không gian tuyệt đối là một vòng hào quang, dấu hiệu của trí huệ bổn nguyên là một bindu, và những dấu hiệu của những hiện thân là những chuỗi. Về chỗ của chúng, khi ở trong tâm thức (citta), bindu là dấu hiệu của trí huệ bổn nguyên và chuỗi là dấu hiệu của những hiện thân xuất hiện một cách tri giác trong đường lối của những giác quan. Điều này xua tan những cái thấy do sự bám nắm của tính toán, những cái thấy phân tích của trí thông minh được tạo dựng bởi lời nói, trí năng v.v...

– Trong giai đoạn thực hành này, tư thế thông thường nhất là tư thế của một rïsïi ngồi xổm, nhưng cũng có thể thực hành ngồi chéo chân bình thường. Về nơi chốn, những bindu thực sự nằm ở trong citta (tâm thức), tức là trái tim, nhưng chúng xuất hiện trong đường lối những giác quan – đôi mắt. Trong dĩa tròn của áo giáp xuất hiện một bindu, cỡ hạt đậu. Tuy nhiên, một số người thấy một bindu cỡ khác, và một số không thấy một bindu nào cả. Chuỗi kim cương được tạo bằng những bindu tinh tế, xâu thành chuỗi. Hai, ba hay hơn nữa những chuỗi kim cương này của tánh giác xuất hiện trong mỗi bindu, và những chuỗi kim cương bản thân chúng gồm có những bindu như hạt trai trên một xâu chuỗi. Có thể có hai, ba hay nhiều hơn các hạt trai này trên một xâu chuỗi kim cương. Bởi thế số chuỗi kim cương trong mỗi bindu và số lượng bindu trong một chuỗi có thể khác nhau nhiều.

Như khi mặt trời lặn xuống chân trời, những cái nhìn thấy và những chứng nghiệm từ giai đoạn thực hành này xua tan mọi cái thấy trí thức, ý niệm đã trau dồi trong quá khứ. Những cái thấy này không sanh khởi do thông minh, học vấn. Chúng xuất hiện do bạn tin vào một vị thầy tâm linh đích thực và thực hành những tư thế và ngắm nhìn đúng. Rồi dần dần, từng giai đoạn, những phẩm tính bên trong của chính bạn biểu lộ ra bên ngoài thành những cái nhìn thấy này. Ngược lại, nếu bạn nhảy vào thực hành này mà không có sự hướng dẫn của thầy, không theo đúng trình tự thực hành, những chướng ngại sẽ khởi lên.

Thật ra, sự thực hành chính thống của Đại Ấn và Đại Toàn Thiện gồm một sự hợp nhất của quang minh và tánh Không. Sự thực hành Dzogchen siêu vượt tư tưởng và tâm thức quy ước, và trong Đại Ấn không có sự tham dự của trí óc. Sự thực hành đó là một xa lìa khỏi tâm thức quy ước vẫn xem thực tại quy ước là đối tượng. Bởi thế ý nghĩa thực của thực hành này là bạn siêu vượt tâm thức quy ước và thâm nhập thực tại.

Khi chúng ta nghiên cứu những thực hành của giai đoạn Nhảy Qua này, chúng ta như đi từ đỉnh xuống. Bốn cái nhìn thấy của Nhảy Qua được gọi là những cái nhìn thấy (thị kiến) bởi vì chúng xuất hiện với bạn một cách trực tiếp. Cái thứ nhất là cái nhìn thấy trực tiếp về tự thân thực tại. Cái này kéo theo một cái nhìn thấy trực tiếp về cách thế tối hậu của hiện hữu của tất cả hiện tượng. Nó là trực tiếp, vì nó là một quán chiếu không qua trung gian mà thuộc tri giác hơn là một kinh nghiệm do ý niệm, ngôn ngữ... tạo dựng. Điều này chỉ xảy ra sau khi người ta đã nhận ra cái thấy từ chính kinh nghiệm riêng. Tất cả những giáo lý trong Tiểu thừa, Đại thừa và Kim Cương thừa cuối cùng đều đưa đệ tử đến kinh nghiệm trực tiếp này về bản tánh tối hậu của thực tại.

Một khi bạn đã có một cái nhìn thấy như vậy, bạn phải quen biết triệt để với sự nhận thức này qua thực hành, để cho nó không mờ nhạt đi khỏi thức của bạn. Chuỗi kinh nghiệm này đưa đến cái nhìn thấy của tiến bộ trong kinh nghiệm thiền định, nó sẽ khai triển hơn nữa quán chiếu ban đầu bạn đã có. Kết quả là bạn đi vào cái thứ ba của bốn cái nhìn thấy – cái nhìn thấy tánh giác đến chỗ viên mãn. Sự thực hành của bạn bây giờ đến chỗ trọn vẹn, như một trái đào chín hoàn toàn, như một đứa bé khéo tập luyện thành ra những phẩm tính tuyệt hảo của nó phát triển viên mãn, hay như Phật Thích Ca. Nhưng đó cũng chưa phải là cái nhìn thấy cuối cùng. Trạng thái cuối cùng là cái nhìn thấy của sự tiêu tan mọi hiện tượng vào tự thân thực tại. Đó là điểm bạn không còn nương dựa vào giáo lý hay thực hành ; bạn đã thành tựu sự thức tỉnh tâm linh của một vị Phật.

Trong bốn cái nhìn thấy, cái nhìn thấy thứ nhất tương ứng với thâm nhập vào bản tánh của những hiện tượng như chúng là – hiểu biết bản thể học của một vị Phật. Cái thứ ba tương tự với hiểu biết hiện tượng học của một vị Phật – thấy sự xếp hàng đầy đủ của những hiện tượng. Sự không thể phân chia của hai loại hiểu biết này tương đương với cái thứ tư, là chót đỉnh của ba cái trước. –

Một Đống Ngọc : những Giáo Huấn về Tinh Yếu của những Dakini nói :

Cái nhìn thấy trực tiếp về tự thân thực tại xuất hiện vi tế và thuần khiết, trong trẻo và sáng ngời, rực rỡ tự nhiên và kỳ diệu. Ngọn đèn của không gian tuyệt đối và tinh khôi xuất hiện trực tiếp, thấm đẫm năm màu của một cầu vồng, theo chiều đứng và chiều ngang, như mũi tên và mũi giáo, như những mắt con cá, như những đầu nhọn của ánh sáng, như những lỗ mắt lưới, như những viên ngọc lấp lánh, và như một cái tháp phủ đày bindu lớn nhỏ. Trong tất cả những cái này xuất hiện rõ ràng những chuỗi kim cương có bản chất là tánh giác. Hãy nhận biết chúng và thực hành không dao động hay không chắc chắn.

– Không chắc chắn rằng mỗi hình ảnh này sẽ xuất hiện với bạn. Với một số người, một hay hai loại sanh khởi, trong khi với những người khác thì có thể nhiều hơn. Tuy nhiên, cách duy nhất chúng xảy ra là do thực hành nhiệt tình và kiên trì trong tư thế đúng và cách ngắm thích hợp, đem thân, ngữ, tâm bạn vào thực hành. –

Giải Thoát Tự Nhiên của sự Thấy : những Giáo Huấn Thực Nghiệm về Tiến Trình Quá Độ của Bản Thân Thực Tại của Karma Lingpa nói :

Thứ nhất, về cái nhìn thấy trực tiếp về tự thân thực tại, vị hướng dẫn tâm linh dạy, “Hãy thực hiện điểm trọng yếu của thân như thế này, thực hiện điểm trọng yếu của ngữ như thế này, và về điểm trọng yếu của tâm, hãy tập trung vào đây.” Học trò thực hành như vậy, không nương dựa vào những thi thiết của trí tưởng tượng và lời nói, họ thấy trực tiếp như đối tượng của họ cái nhìn thấy tánh giác của bản thân thực tại trong không gian trống không, không bị ô nhiễm bởi bất kỳ sự ý niệm hóa hấp dẫn nào. Thế nên nó được gọi là “cái nhìn thấy trực tiếp về tự thân thực tại”.

Như vậy, bằng cách thực hành phù hợp với những điểm trọng yếu, giữa hai lông mày bạn có “ngọn đèn của không gian tuyệt đối nguyên sơ”. Nó xuất hiện như những màu sắc của một cầu vồng hay con mắt của bộ lông con công. Trong đó là cái gọi là “ngọn đèn của những bindu trống không”, và nó giống như những vòng tròn đồng tâm của những gợn sóng khi bạn ném một hòn đá vào ao. Ở trong một hình thể như những dĩa tròn của một tấm khiên xuất hiện một bindu cỡ một hạt mù tạt hay hạt đậu. Trong đó có những cái gọi là “những chuỗi dây kim cương của tánh giác”, chúng tinh xảo như những nút trên đuôi một con ngựa, như một chuỗi hạt trai, như dây xích sắt, như một tràng hoa đong đưa trong gió nhẹ... Mọi cái này xuất hiện thành hai, ba v.v... và chúng được gọi là “bindu độc nhất của chuỗi của tánh giác của chính bạn”.

Không gian tuyệt đối và tánh giác không kết hợp cũng không tách lìa, mà hiện diện theo cách mặt trời và những tia sáng của nó. Dấu hiệu của không gian tuyệt đối là một vòng hào quang, chỉ điểm của trí huệ bổn nguyên là những bindu, và dấu hiệu của tánh giác và những hiện thân là những chuỗi. Về chỗ của chúng, chúng hiện diện trong trung tâm của citta, và về đường lối của chúng, chúng trực tiếp xuất hiện với mắt.

– Khi ngọn đèn này sanh khởi, nó trong sáng và vững vàng và xuất hiện trong nhiều màu. Nó không khởi sanh tự động hay rất nhanh, mà đến từ từ như một kết quả của thực hành. Trong một hình thể như những dĩa tròn của một tấm khiên, xuất hiện một bindu giống như một bọt nước – nó xuất hiện như không có hình thể hay bản tánh nội tại. Những bindu này, như ngọc trai, nút thắt và hoa nối nhau thành chuỗi hai, ba cái hay nhiều hơn. Dù chúng được gọi là bindu độc nhất, không có nghĩa là bạn chỉ thấy một bindu trong giai đoạn thực hành này, mà đúng ra điều này ám chỉ đến bản tánh độc nhất của tất cả mọi hiện tượng.

Sáu “ngọn đèn” là : ngọn đèn citta của thịt, ở trong trái tim ; ngọn đèn của kinh mạch kati trống rỗng như pha lê, nó là một kinh mạch màu nhợt, tinh tế nối trái tim với hai mắt ; ngọn đèn thòng lọng chất lỏng, ám chỉ hai mắt, như một cái thòng lọng ; ngọn đèn của không gian tuyệt đối nguyên sơ ; ngọn đèn của những bindu trống rỗng ; và ngọn đèn của trí huệ tự-sanh khởi. –

Tantra Nguyên Thủy về sự Thâm Nhập của Âm Thanh nói :

Cái nhìn thấy trực tiếp về tự thân thực tại
Chắc chắn khởi hiện ở cửa của các giác quan
Trong bầu trời trong sáng, thanh tịnh, không mây.

Có nói :

Những cái thấy do bám chấp vào so đo, thông minh tạo bằng lời nói và trí năng, và những cái thấy phân tích đều tan biến.

Cõi Giới Trong Sáng ghi nhận :

Do nhìn ngắm mạnh mẽ vào bầu trời xanh, khoáng đạt, một ngọn đèn xuất hiện nơi cửa của các giác quan, đẹp đẽ như mắt của lông công, với những bindu nối nhau thành chuỗi, chuyển động không yên như thể tới lui.

Tantra Tánh Giác Sanh Khởi Tự Nhiên nói :

Những hiện thân của ánh sáng thấm nhuần năm trí huệ bổn nguyên sáng tỏ như những chuỗi. Chúng đến và đi, di động và tản ra.

Sự Hoàn Thiện của Mãnh Lực Sư Tử nói :

Bản tánh thiết yếu của tánh giác tự-xuất hiện
Biểu lộ như những chuỗi của trí huệ bổn nguyên.
Hoa Văn Ngọc nói :

Từ ngọn đèn thòng lọng chất lỏng, Phật hoàn hảo biểu lộ trong hình dáng những hiện thân của những chuỗi của tánh giác.

– Mắt bản chất là thể lỏng ; như một thòng lọng, nó phóng đến những vật ở xa ; và như ngọn đèn, nó chiếu sáng. Từ đây Phật biểu lộ trong hình dáng những chuỗi kim cương của tánh giác. –

Cõi Giới Trong Sáng nói :

Trong bản tánh vốn thanh tịnh
Bản tánh của tính tự nhiên hiện diện,
Tràn ngập khắp tất cả các bậc Bi Mẫn,
Xuất hiện từ những kinh mạch mọc từ citta thanh tịnh.
Bản tánh của nó xuất hiện nơi cửa của các giác quan,
Và nó được gọi là tri giác trực tiếp về (hay của) tánh giác,
Nó thoát khỏi những phân tích trí năng.

– Khác với cái thấy hiểu rằng tâm ban đầu thì bị ô nhiễm và rồi dần dần nhờ thực hành, tâm trở nên thanh tịnh, trong ngữ cảnh này bản tánh của tâm vốn là bổn nguyên thanh tịnh, và nó chính là Pháp thân. Bản tánh của tính tự nhiên, vốn đã hiện diện, là Báo thân, và những bậc Bi Mẫn biểu lộ từ đó gọi là những Hóa thân. –

Những Dấu Vết Niết Bàn nói :

Hễ ai thấy điểm trọng yếu này của tri giác trực tiếp
Thì không trở lại trong ba cõi.

Bây giờ nhờ ngắm nhìn vào những bindu của ánh sáng cầu vồng, khi ba tia sáng cầu vồng xuất hiện trong trạng thái trung ấm, bạn sẽ được giải thoát ngay trên sự nhận ra năm trí huệ bổn nguyên là chính bạn.

– Do tự mình quen thuộc với thực hành này trong đời bạn, sau khi chết, bạn đi vào trạng thái trung ấm, bạn sẽ được chuẩn bị khi những tia sáng cầu vồng khác nhau xuất hiện. Những tia sáng này chói sáng đến độ bạn khó có thể nhìn thẳng vào chúng ; nhưng qua sự thực hành trước kia của bạn, khi chúng xuất hiện, bạn sẽ nhận biết chúng như là bản tánh của chính bạn, và bạn sẽ được giải thoát. Điều này giống như một đứa bé nhận ra mẹ nó. –

Tantra của Quán Thế Âm Nhận Thức Con Đường Bí Mật của Ánh Sáng Tối Thượng của Trí Huệ Bổn Nguyên nói :

Thiện nam tử, sự chấm dứt hơi thở của con và cảnh giới tinh khôi của Phật, như mặt trời xuất hiện trên một tấm gương, thì xuất hiện đồng thời. Vào lúc đó, khi thấy một ánh sáng xanh sẫm, hãy xem nó là bản tánh trống không của tánh giác của chính con như là trí huệ bổn nguyên của không gian tuyệt đối của những hiện tượng ; và con sẽ chứng nghiệm Vajrasattva tự-sanh khởi với phối ngẫu và hội chúng bao quanh.

Khi thấy một ánh sáng vàng, hãy xem nó là bản tánh trống không của tánh giác của chính con như là trí huệ bổn nguyên của bình đẳng ; và con sẽ chứng nghiệm Ratnasambhava tự-sanh khởi với phối ngẫu và hội chúng bao quanh.

Khi thấy một ánh sáng đỏ, hãy xem nó là bản tánh trống không của tánh giác của chính con như là trí huệ bổn nguyên của phân biệt ; và con sẽ chứng nghiệm Amitabha tự-sanh khởi với phối ngẫu và hội chúng bao quanh.

Khi thấy một ánh sáng lục, hãy xem nó là bản tánh trống không của tánh giác của chính con như là trí huệ bổn nguyên của thành tựu ; và con sẽ chứng nghiệm Amogasiddhi với phối ngẫu và hội chúng bao quanh.

Khi thấy một ánh sáng trắng, hãy xem nó là bản tánh trống không của tánh giác của chính con như là trí huệ bổn nguyên như tấm gương ; và con sẽ chứng nghiệm Vairocana tự-sanh khởi với phối ngẫu và hội chúng bao quanh.

Khi một cái nhìn thấy thanh tịnh về Đấng của những Bí Mật sanh khởi, sự thức tỉnh tâm linh sẽ được hoàn thành bằng cách nhận biết và chú tâm tới điều này như năm trí huệ bổn nguyên.

– Những ánh sáng khác nhau này xuất hiện trong trạng thái trung ấm theo sau cái chết, và nếu bạn nhận biết chúng, bạn sẽ chứng ngộ chúng là năm loại trí huệ bổn nguyên. Không nhận biết chúng, do thiếu chuẩn bị, sợ hãi và khủng khiếp sẽ khởi lên, và không có thì giờ để nghĩ về chúng, bạn sẽ rơi vào rối bời. –

Như thế, có nói rằng do liên tục ngắm nhìn những bindu và những bindu tinh tế của ánh sáng cầu vồng này, bạn sẽ không trở lại vào vòng sanh tử. Một tantra nói :

Bản tánh của những chuỗi là Phật tinh khôi, bổn nguyên thanh tịnh, không lầm lẫn.

Thực hành theo cách này, trên căn cứ của cái nhìn thấy trực tiếp về chính thực tại, có khởi sanh những cái nhìn thấy của tiến bộ trong kinh nghiệm thiền định. Trong những bindu khởi lên những hiện thân đơn, những hiện thân một nửa, những sắc tướng của những bổn tôn và những phối ngẫu, và những chuỗi dây hiện diện bất cứ nơi nào bạn nhìn. Điều này tạo nên sự tiến bộ trong kinh nghiệm thiền định. Về thực hành hơn nữa, Vidya-dhara Kumaraja nói rằng sự sáng tỏ đặc biệt do từ nhìn ngắm khi mắt bạn bị bao phủ bởi một vải len hay một phất trần và v.v...

– Trong mỗi bindu có thể xuất hiện một sắc tướng đơn của một bổn tôn đã được chọn mà không có phối ngẫu, hay có thể chỉ một phần như đầu hay đồ cầm trên tay. Khi bạn tiến bộ trong giai đoạn hai của thực hành, những bổn tôn phối kết với phối ngẫu có thể hiện khởi, và những chuỗi kim cương của tánh giác sẽ xuất hiện bất cứ chỗ nào bạn nhìn. Lúc này những chuỗi kim cương của tánh giác được thấy ở khắp nơi và rất vững chắc. Xin nhớ cho rằng đây là một trạng thái cao hơn trong thực hành Nhảy Qua. Chớ mong điều này xảy ra vào lúc đầu, mà chỉ sau khi bạn đã vào giai đoạn tiến bộ thứ hai.

Trong thực hành này có người ngắm thẳng vào mặt trời khi phủ mặt bằng một tấm khăn choàng, nhưng làm vậy có thể tổn hại cho mắt, thế nên tốt hơn ngắm mặt trời chiếu qua tấm vải theo góc nghiêng với bạn. –

Sự Giải Thoát Tự Nhiên của sự Thấy : Những Giáo Huấn Thực Nghiệm về Tiến Trình Quá Độ của Bản Thân Thực Tại do Orgyen Rinpoche dạy rằng :

Thứ hai, về những cái nhìn thấy của kinh nghiệm thiền định tiến bộ, trong những kinh nghiệm nhãn quan và những kinh nghiệm nhận thức, những kinh nghiệm nhận thức khởi lên trong nhiều cách như một cảm thức về lạc, một cảm thức về sáng tỏ và về tánh Không. Không cố định và phù du, chúng thì chung cho những thừa khác nhau, và chúng không đặc biệt quan trọng. Hơn nữa, những truyền thống như Đại Ấn cũng nói rằng những kinh nghiệm nhận thức như sương mù và người ta không nên đặt niềm tin vào giá trị của những kinh nghiệm như vậy. Hơn nữa, người ta cần nhấn mạnh nhất đến giá trị và những thứ khác thuộc về những chứng ngộ. Ở đây, tiêu chuẩn cho giá trị của những chứng ngộ được xác định bởi những kinh nghiệm về cái nhìn thấy ; và bởi vì những kinh nghiệm cái nhìn thấy thì không thoáng qua, chúng cần được nhấn mạnh nhất. Như vậy, như một kết quả của sự trau dồi những kinh nghiệm về cái nhìn thấy, có khi không gian tuyệt đối và tánh giác trở nên rõ ràng và có khi không.

Do tiếp tục thực hành, không gian tuyệt đối và tánh giác được tách lìa khỏi điểm giữa hai lông mày [chúng trở nên tách lìa khỏi những hiện tượng giác quan], và ngọn đèn của những bindu trống rỗng sanh khởi và hiện đến không cố gắng. Những bindu chuyển thành cỡ hạt đậu, và tánh giác thì như một con chim sẵn sàng có thể bay.

Tiếp tục thực hành, những cái nhìn thấy về năm ánh sáng sẽ chuyển hóa để xuất hiện theo một kiểu từng mảnh, theo chiều ngang, chiều đứng, như những điểm mũi nhọn, tương tợ những lỗ trong một tấm lều làm bằng lông trâu yak, và giống như những ô vuông trên một bàn cờ ; và những ánh sáng này tràn ngập khắp mọi sự trước mắt bạn. Hơn nữa, những bindu cũng chuyển hóa để thành như một tấm gương, và tánh giác xuất hiện theo kiểu một con nai đang chạy.

Tiếp tục thực hành, những cái nhìn thấy về không gian tuyệt đối xuất hiện thành một mắt lưới bằng ngọc, những mắt lưới và nửa mắt lưới bằng ánh sáng, chỗ đậm chỗ nhạt, chói sáng, như những điểm nhọn, và một tháp nhiều tầng, một hoa sen ngàn cánh, một hào quang, mặt trời và mặt trăng, một lâu đài, một thanh kiếm, một (chày) kim cương, một bánh xe và hình con mắt cá. Hơn nữa, ánh sáng ấy lấp đầy chung quanh nơi bạn sống. Những bindu trở thành như những quả bóng đồng và tánh giác của bạn trở thành như một con ong bay lượn trên cam lồ.

Tiếp tục thực hành, ánh sáng tràn ngập chung quanh những bindu trở thành như cái khiên da tê giác, ánh sáng tràn ngập khắp nơi nào bạn nhìn, và không gian tuyệt đối và tánh giác thường trực xuất hiện cả ngày lẫn đêm. Một thân đơn của một bổn tôn xuất hiện trong mỗi bindu, và những hiện thân thiêng liêng hiện khởi trong giữa tánh giác. Tánh giác vẫn bất động.

Khi những xuất hiện như vậy sanh khởi, những xuất hiện của trạng thái trung ấm được xác định theo cách ấy, thế nên không có trạng thái trung ấm sau này. Như thế, sự thực hành của tiến trình quá độ về bản thân thực tại chính là thực hành chính yếu này.

– Nếu bạn trở nên bám chấp vào một cảm thức lạc, điều này sẽ dẫn đến sự tái sanh trong cõi dục ; bám chấp vào cảm thức sáng tỏ dẫn đến sự tái sanh trong cõi sắc ; và vào vô niệm sẽ tái sanh trong cõi vô sắc. Đôi khi những kinh nghiệm này sanh khởi, người ta phấn chấn nghĩ rằng, “Điều này là vĩ đại !” Trái lại, nếu họ không có chúng, họ trở nên thất vọng. Bởi thế, tốt hơn là nhấn mạnh vào chứng ngộ hiện thực, nghịch lại với những kinh nghiệm nhận thức về tốt xấu, hay không hiện hữu. Với những người dấn thân vào thực hành Cắt Đứt, một số kinh nghiệm về cái nhìn thấy có thể sanh khởi như những dấu hiệu của thành công trong thực hành. Tuy nhiên, nếu bạn bám chấp vào chúng, điều này làm cho bạn dễ bị tổn hại bởi những ma quỷ hay làm hại. Thế nên bản thân sự tiến bộ, nếu hiểu sai, sẽ trở nên thực sự tai hại. Ngược lại, nếu bạn không bám chấp vào những cái nhìn thấy, không có tai hại gì và bạn có thể tiếp tục thực hành. Điểm cốt yếu là không phải bạn có những cái nhìn thấy hay không, mà bạn có đồng hóa với chúng và bám chấp vào chúng hay không. Nếu không, chúng được xem như thành phần của con đường.

Tương tự, khi tu định, những tư tưởng thô và hấp dẫn tự nhiên khởi lên trong tâm bạn, khiến bạn bối rối. Thật ra, bạn đang nhìn thấy những phương diện của tự tâm bạn, và chúng biểu lộ là tốt. Chỉ đơn giản nhận biết bản tánh của chúng và buông thả chúng là một dấu hiệu tiến bộ của tu định. Như thí dụ trước, chỉ có tai hại khi bám nắm.

Với những giấc mộng, chẳng hề gì nếu bạn có một giấc mộng báo trước hay một ác mộng, chỉ sự bám chấp vào nó là tốt hay xấu mới tai hại chứ không phải bản thân sự xuất hiện của nó. Suốt qua tâm thức khi tỉnh và trong trạng thái mộng, những vấn đề khởi lên từ sự bám chấp vào những cái nhìn thấy, những tưởng tượng và những tư tưởng và chúng khởi lên với con mắt tâm. Nếu bạn muốn thấy chúng có ý nghĩa gì, hãy kiểm nghiệm chúng. Bạn sẽ tự mình thấy chúng là không vững chắc, không có tự tánh, không có ý nghĩa nội tại sâu xa nào. Hơn nữa, đối xử với những giấc mộng với sự tự-bám chấp sẽ chỉ làm bật cháy thương ghét, chỉ thêm điều ác hạnh. Xin hãy tự kiểm nghiệm.

Có nhiều lama nói rằng những bindu xuất hiện một cách không cố gắng không chỉ khi mắt bạn mở mà cả khi nhắm. Do tiếp tục thực hành, chúng có thể xuất hiện như những đầu nhọn tròn của đinh ghim bằng ánh sáng chiếu qua một lều lông trâu yak tối đen. Nhờ thực hành, khi bạn đến điểm mà ánh sáng tràn ngập khắp nơi và không gian tuyệt đối và tánh giác thường trực xuất hiện cả ngày đêm, bạn sẽ không lệ thuộc nữa vào trạng thái trung ấm. –

Những Giáo Huấn Trắng của Quán Thế Âm về Nghĩa của Tham Thiền Ban Ngày nói :

Tiến bộ trong tư thế hóa thân, khi thực hành tư thế này cantali pranayama kéo theo sự bùng cháy và đi xuống. Do không lìa cái nhìn thấy trực tiếp của tánh giác về bản thân thực tại, bạn sẽ thấy một cách sáng rỡ những bindu màu đen trong sáng như những cái nhìn thấy ánh sáng có kích cỡ bằng hạt mù tạt tự trình diện như những đối tượng của tâm thức bạn vào những lúc không thể đoán trước trong ngày và đêm. Chúng không phải tưởng tượng mà xuất hiện trên bình diện tri giác. Chúng không hiện hữu, và không có hiện hữu bên ngoài. Dưới ảnh hưởng của những khí lực, chúng tăng và giảm ; nhưng thật ra chúng không tăng giảm, vì chúng sanh khởi như năm ánh sáng, những ánh sáng này là sự vinh quang lộng lẫy của trí huệ bổn nguyên. Những ánh sáng năm màu này xảy ra theo chiều thẳng đứng, chiều ngang, như (những lỗ) trong một tấm lều làm bằng lông trâu yak, và như những ô vuông trên bàn cờ, và chung quanh bạn hiện khởi những hình thể khác nhau : những tháp, những hoa sen ngàn cánh, phướn, những ô vuông đậm nhạt, những chùa, điểm ánh sáng như đầu đinh ghim, hàng rào mắt cáo v.v...

Tantra Nguyên Thủy về sự Thâm Nhập của Âm Thanh nói :

Trong những cái nhìn thấy của giai đoạn tiến bộ trong kinh nghiệm thiền định,
Những màu sắc và hình dáng của trí huệ bổn nguyên sanh khởi
Theo chiều thẳng đứng và theo chiều ngang.
Những bindu khác nhau và hai hiện thân
Biểu lộ như những đối tượng xuất hiện với tánh giác.

Những Dấu Vết Niết Bàn nói :

Nhờ những cái nhìn thấy của tiến bộ trong kinh nghiệm thiền định,
Trong trạng thái trung ấm, trí huệ bổn nguyên trở nên biểu lộ.

Cái gì là sự tương tự với cây đèn vào thời gian của trạng thái trung ấm ? Có nói rằng việc ấy giống như gặp một người bạn đã từng quen trước kia. Như thí dụ này, bởi tự mình quen thuộc triệt để với tri giác về tịnh quang của bản thân thực tại, những cái nhìn thấy tiến bộ dần ; và bạn đến tánh giác viên mãn. Về sau trong trung ấm, có sự xác tín, vì trí huệ bổn nguyên đã biểu lộ. Trong những cõi Phật tự-xuất hiện bạn trở thành một vị Phật từ trạng thái tịnh quang ; và bạn phụng sự những nhu cầu của chúng sanh trong những cách họ cần để tu hành.

Một Đống Ngọc : Những Giáo Huấn về Tinh Túy của những Dakini nói :

Bấy giờ như một kết quả của thực hành, những cái nhìn thấy về tánh giác viên mãn sanh khởi. Trong mỗi bindu là một hội đầy đủ chư Phật của năm bộ với những phối ngẫu, tất cả những thiên hà đầy những chuỗi sáng chói rực rỡ, và con đạt được sự làm chủ đối với sự sanh khởi của tánh giác tự-xuất hiện.

Giải Thoát Tự Nhiên của Nhìn Thấy : Những Giáo Huấn Thực Nghiệm về Tiến Trình Quá Độ của Bản Thân Thực Tại nói :

Thứ ba, về cái nhìn thấy tánh giác viên mãn, do tiếp tục thực hành, năm hiện thân thiêng liêng với những phối ngẫu xuất hiện trong mỗi bindu ở trước. Chúng là vô số và không thay đổi, và chúng đạt đến số lượng trọn vẹn, như nắm tay và đồng xu. Bấy giờ con có thể thậm chí ngừng thiền định. Vào lúc đó, thân thể con được giải thoát vào tịnh quang, những nguyên tố của nó biến thành tánh thanh tịnh tự nhiên của chúng ; những uẩn của thân vật chất của con giải thoát vào trạng thái bổn nhiên của chúng. Xuất hiện nhưng không có tự tánh, con tự nhiên giải thoát như một Hóa thân ; và vì Báo thân đã được nhận biết một cách không che dấu, bám chấp vào sự hiện thân được giải phóng trong trạng thái của tự nó.

– Vào điểm này những bindu và những chuỗi kim cương của tánh giác xuất hiện với con mắt của tâm là vô số và bất biến. Như chất đống đĩa cân với bàn tay và đồng xu, chúng đầy dần cho đến trọn vẹn, đạt đến số lượng viên mãn. Trong sự trau dồi tinh thần giác ngộ (Bồ đề tâm), khi nó sanh khởi tự nhiên vào mọi lúc, thậm chí khi bạn đang ngủ hay đang chơi, nó khai triển không cần cố gắng. Cũng thế, trong giai đoạn thực hành này, thiền định khai triển tự nhiên không cố gắng.

Vào lúc này những nguyên tố của thân tiến vào tánh thanh tịnh tự nhiên của chúng, và thân thể vật chất giải thoát vào trạng thái tự nhiên của nó. Đến mức độ còn những hình tướng xuất hiện của những cái bất tịnh – của các uẩn bị nhiễm ô, của thịt, xương... – những cái này được chuyển hóa thành tịnh quang. Bây giờ bạn thoát khỏi tất cả bám nắm ý niệm ; thậm chí bám nắm vào hình tướng của bạn như là báo thân được tự nhiên giải thoát vào trạng thái của tự nó. Không có ý niệm nào nữa. Bạn không nghĩ “Đây là báo thân, đây là hóa thân, đây là một vị thầy tâm linh, đây là một nhà sư mặc y” nữa. Trạng thái này được chứng ngộ trần trụi không có thiền định nào, hoàn toàn thoát khỏi bất kỳ loại kiến lập ý niệm nào. –

Những Giáo Huấn Trắng của Quán Thế Âm về Nghĩa của Tham Thiền Ban Ngày nói :

Đến sự viên mãn của tư thế báo thân, trong tư thế ấy, thực hành với một karmamudra, một mudra (ấn) của ánh sáng, hay một mudra trí huệ bổn nguyên. Nếu bạn thực hành mà không rời lìa khỏi hiện trường tiến bộ, những sinh lực nghiệp được chuyển hóa thành những sinh lực của trí huệ bổn nguyên, chúng được đưa vào kinh mạch trung ương, và mọi cánh cửa của những kinh mạch của mê lầm, chúng là những lối đi cho những chuyển động của ý niệm hóa, được lấp đầy bằng những bindu của bodhicitta (bồ đề tâm). Như một kết quả, bạn làm chủ những phẩm tính và những ban phước của thần chú, bạn có được cái nhìn thấy thiêng liêng, tri giác siêu giác quan, và những thành tựu tối thượng và thông thường ; những thiên hà trở nên trong sáng, và bạn hưởng thọ sáu lãnh vực giác quan của kinh nghiệm. Năm hiện thân của trí huệ bổn nguyên của tánh giác xuất hiện trong mỗi bindu, và những bindu này lấp đầy thế giới hiện tượng.

– Một mudra của ánh sáng là một phối ngẫu được quán tưởng khi phát sanh chính mình là một hóa thần bổn tôn đã chọn. Mudra trí huệ bổn nguyên là bản tánh của tánh giác của chính bạn. Những năng lực nghiệp được gọi như vậy bởi vì chúng đẩy chúng ta vào sanh tử do những phiền não chúng đã tích tập. Ở điểm này những sinh lực vẫn còn bất tịnh, nhưng chúng được chuyển hóa thành những sinh lực của trí huệ bổn nguyên bằng cách đưa chúng vào kinh mạch trung ương. Những kinh mạch qua đó sự ý niệm hóa xảy ra thì được lấp đầy bởi những bindu của bodhicitta đỏ và trắng. Bodhicitta bất tịnh tự nhiên được giải phóng và bây giờ chỉ còn những bindu thanh tịnh của bodhicitta đầy trong những kinh mạch này. –

Tantra Nguyên Thủy về sự Thâm Nhập của Âm Thanh nói :

Cái nhìn thấy tánh giác viên mãn
Là cái nhìn thấy những dấu hiệu và biểu tượng của báo thân :
Từ những màu sắc không xác định của cầu vồng
Xuất hiện chư Phật và những phối ngẫu của năm bộ.
Bấy giờ những đôi này được nối kết với những bindu chói sáng
Khoác hình tướng của những hiện thân thiêng liêng nam và nữ.
Ngay trên sự tắt mất của những xuất hiện mê mờ, có sự thức tỉnh tâm linh.

Những Dấu Vết Niết Bàn nói :

Với cái nhìn thấy tánh giác viên mãn
Báo thân được nhận ra.

Có nói rằng nếu điều này được chứng ngộ, sẽ không có trạng thái trung ấm. Tantra của Quán Thế Âm về Nhận Thức Con Đường Bí Mật của Ánh Sáng Tối Thượng của Trí Huệ Bổn Nguyên nói :

Khi hơi thở đi ra ngoài vào lúc cuối cùng của cái chết, sau khi lần chót con thở ra và không có hơi thở vào nữa, có một sự khai mở của trí huệ bổn nguyên trong không gian trước mặt con ; và những ánh sáng chói ngời của năm màu xuất hiện với con. Do nhận biết chúng – như áp dụng một chất thuốc luyện kim cho trí óc, hay như cầm một ngọn đèn trong phòng tối – tức thời con thoát về phía trên, không ngăn ngại. Thiện nam tử, đến khi con lìa khỏi hơi thở của con, đó gọi là dây của Vajrasattva hay dây của lòng bi phổ biến. Những dây của ánh sáng năm màu trải dài trong không gian trước mặt con, hay chúng có thể xuất hiện như một cầu thang. Vào lúc đó, hãy hướng tánh giác đến đôi mắt con, và tập chú mắt con vào sợi dây không thể đứt của lòng bi. Do làm vậy, con sẽ được giải thoát lên trên không ngăn ngại. Hay khi sợi dây của lòng bi trải ra như năm màu, do nhận biết chúng như những trí huệ bổn nguyên, và không có hơi thở con sẽ trở thành một vị Phật. Đấng của những Bí Mật, những quán đảnh truyền pháp trọn vẹn bên ngoài, bên trong và bí mật đã được phát lộ.

Đống Ngọc của Đại Toàn Thiện nói :

Bấy giờ cái nhìn thấy của sự tắt mất (hay tịch diệt) vào bản thân thực tại xuất hiện. Ngay trên sự tắt mất của những tiến bộ của kinh nghiệm, bám nắm vào ba hiện thân biến mất ngay chỗ của nó ; tánh giác đến nền tảng của nó một cách rõ ràng ; bám nắm vào một đối tượng của thiền định và một người thiền định được giải phóng vào trạng thái của tự nó ; sự mê vọng của vô minh được tịnh hóa hoàn toàn ; và con đạt đến sự tham thiền thanh tịnh bổn nguyên của Samanta-bhadra (Phổ Hiền).

– Rất giống khi ba hiện thân – pháp thân, báo thân và hóa thân – ban đầu xuất hiện, sự bám nắm vi tế nào đó sẽ còn tồn tại. Trong giai đoạn thực hành này, thậm chí hình thức bám nắm vi tế trước kia tiêu tan, và bạn không nhận dạng hay gán tên những hiện thân này nữa, bởi vì bạn là một bản tánh với chúng. Trước điểm này, tánh giác xuất hiện trong nhiều cái nhìn thấy khác nhau về những bindu và những chuỗi, nhưng bây giờ tánh giác sáng chói, sống động, trần trụi đến nền tảng của chính nó và nhận biết bản tánh của chính nó. Đối tượng của thiền định và người thiền định là một bản tánh, vô minh vĩnh viễn bị xua tan đến tận gốc rễ, và bạn đạt đến chót điểm của con đường này. –

Những Giáo Huấn Trắng của Quán Thế Âm về Nghĩa của Tham Thiền Ban Ngày nói :

Về cái nhìn thấy sự tắt mất của những hiện tượng, hãy thực hành bất cứ cái nào con thích trong ba tư thế, và hãy thực hành trong trạng thái không thi thiết siêu vượt trí năng, không có sự trà trộn của bám nắm vào những hiện thân thiêng liêng và những bindu như là chính con hay khác với con. Bấy giờ, do chứng ngộ kinh nghiệm chưa bao giờ từng bị mê lầm, không có sợ hãi nào về vòng sanh tử. Thức tỉnh tâm linh là hiện tiền trong con, thế nên không có hy vọng hay dự kiến về giác ngộ. Ba hiện thân là trọn vẹn ở trong con, và trong trạng thái tự do với những cực đoan, không có nhị nguyên ta-người, tất cả những phẩm tính của Phật vốn viên mãn, toàn thiện. Những xu hướng thói quen của những nguyên tố của thân cạn kiệt. Những tinh túy sức sống tan biến thành năm ánh sáng. Sự lắp ghép ngôn ngữ và lời nói tận diệt và tan biến vào một trạng thái không thể quan niệm và diễn tả. Trí năng kiệt tận, và những hiện tượng kiệt tận, tan biến vào trạng thái thanh tịnh bổn nguyên siêu vượt khỏi trí thức. Trong đó con thức tỉnh như là Pháp thân.

– Nếu thực ra bản tánh hiện tiền của chúng ta chưa từng bị mê, làm sao chúng ta có thể giải thích sự kiện rằng chúng ta hành động theo cách chúng ta đang làm ? Đơn giản bởi vì chúng ta chưa nhận biết bản tánh của chính chúng ta. Tôi sẽ minh họa điều này bằng một giấc mộng tôi có hồi hôm. Tôi mơ thấy một con rắn độc màu lục rất lớn, hung dữ, mạnh mẽ. Cạnh tôi có một người bạn đang đứng, cảnh cáo nó có thể tấn công bất kỳ kúc nào. Rồi người bạn phóng tới nắm đầu con rắn. Vào lúc đó tôi nhận biết rằng đó là một giấc mộng. Tôi đã không nhận biết con rắn độc là mộng mà người bạn đứng bên cạnh tôi cũng thấy thật nốt. Mọi sự có vẻ hoàn toàn thật, và ngay khi nhận biết mộng là mộng, tôi thấu hiểu rằng mọi sự trong giấc mộng không có căn cứ nào cả. Tiếp đó, tôi tự hỏi : làm sao chúng ta đến trong sanh tử và làm sao chúng ta lang thang trong vòng luân hồi ?

Khi chúng ta nhìn quanh trong trạng thái thức giống như trong mộng, mọi sự có vẻ thật, nhưng nó không có thể chất gì hơn những biến cố của một giấc mộng. Làm sao chúng ta có thể bị mê muội khi trong thực tế chưa từng có ngay cả một chúng sanh bị mê muội ? Thực ra, chúng ta chưa từng bị mê muội. Chắc chắn, tôi không đang nói đến hư vô chủ nghĩa bởi vì những hiện tượng này xuất hiện, nhưng chúng không có căn cứ nào trong thực tại.

Ở điểm này trong thực hành sự bám nắm vào một chủ thể và đối tượng – một cái tôi và anh – không xảy ra nữa. Khi những cái nhìn thấy những bindu của những chuỗi kim cương của tánh giác khởi lên, không có cảm thức suy nghĩ, “Ồ, tôi thấy chúng.” Không có cảm thức về nhị nguyên ; không có dự kiến về trình tự tương lai của sự phát triển tâm linh của bạn. Tất cả những thứ đó đã qua đi. Bạn từ bỏ mọi sự trong trạng thái bổn nhiên của tất cả. Không có thực hành nữa. –

Sự Giải Thoát Tự Nhiên của sự Thấy : Những Giáo Huấn Thực Nghiệm về Tiến Trình Quá Độ của Bản Thân Thực Tại nói :

Thứ tư, trong cái nhìn thấy của sự tắt mất vào bản thân thực tại, sự tiến bộ của những cái thấy ở trước đến một chỗ chấm dứt, nơi đó không có tính chất bám nắm vào xuất hiện hay không xuất hiện. Vào lúc đó xảy ra cái được gọi là cái nhìn thấy của sự tiêu tan vào bản thân thực tại. Những kinh nghiệm cạn kiệt, thân thể vật chất cạn kiệt, bám nắm vào những khả năng giác quan cạn kiệt, đám tư tưởng mê vọng cạn kiệt, mọi giáo điều triết lý và những hình tướng xuất hiện hư vọng cạn kiệt, và rồi thân ô nhiễm của con biến mất và con trở thành một vị Phật. Đó gọi là sự tắt mất vào bản thân thực tại, bởi vì nó kèm theo sự tắt mất hoạt động, những hình tướng xuất hiện hư vọng và những cái nhìn thấy của tiến bộ trong kinh nghiệm thiền định. Nó gọi là sự tắt mất vào bản thân thực tại, nhưng nó không phải không có như kiểu đoạn diệt, trong đó có sự tắt mất vào cái không có gì cả. Hơn thế, trí huệ bổn nguyên không thể diễn tả của hiểu biết và những phẩm tính tuyệt hảo trở thành biểu lộ. Tóm lại, thần lực của những phẩm tính của ba hiện thân được đến chỗ viên mãn.

Tantra Nguyên Thủy về sự Thâm Nhập của Âm Thanh nói :

Cái nhìn thấy của sự tịch diệt (tắt mất) vào bản thân thực tại
Là trống không mọi cái nhìn thấy thực nghiệm,
Thế nên thân thể cạn kiệt, những đối tượng của những giác quan cạn kiệt.
Một khi đám đông của những vọng tưởng được tự nhiên giải phóng,
Người ta xa lìa lời nói, nó là căn cứ của sự diễn tả.

Và :

Như thế trên sự dừng dứt của dòng tương tục của thân, những uẩn nhiễm ô biến mất, và với tâm người ta biểu lộ thành một vị Phật.

Những Dấu Vết Niết Bàn nói :

Do cái nhìn thấy của sự tịch diệt thành bản thân thực tại,
Quả của Đại Toàn Thiện, thoát khỏi hành, đạt được.
Nơi sự đạt đến tận cùng nền tảng và con đường theo lối này,
Niết bàn được tìm thấy không ở đâu khác.

– Câu “Quả của Đại Toàn Thiện, thoát khỏi hoạt động” ám chỉ sự tự do khỏi hoạt động quy ước hay thế gian. Người ta thoát khỏi thậm chí cả những hoạt động của tiến bộ trong kinh nghiệm thiền định. Đến đây bạn có thể hỏi, Chẳng phải chư Phật còn hoạt động rất nhiều hơn các chúng sanh như chúng ta sao ? Dĩ nhiên, một vị Phật thì năng động vô cùng so với chúng ta. Tuy nhiên, những hành động của một vị Phật không phải là thế tục. Như những tia sáng từ mặt trời thì cùng một bản chất với mặt trời, cũng thế, những hành động của một vị Phật thì cùng một bản tánh Phật. Những hoạt động của một vị Phật là những phô diễn tự nhiên, tự phát, toàn khắp của tánh giác của một vị Phật. –

D. LỜI KHUYÊN KẾT LUẬN

Tốt nhất là đạt được thân đại chuyển di, tự do khỏi sanh và tử, hay bất tử, như Orgyen và Vimalamitra ; hoặc các uẩn nhiễm ô của người ta tan biến thành một khối ánh sáng, như Garab Dorje và Sri Simha. Những Giáo Huấn Trắng của Quán Thế Âm về Nghĩa của Tham Thiền Ban Ngày nói :

Phật viên mãn là bậc Thức Tỉnh không có các uẩn tàn dư (vô dư).

Bậc trung là đạt đến mười địa trong đời này. Tantra của Tánh Giác Sanh Khởi Tự Nhiên nói :

Những địa không hiện hữu tách biệt. Trong một cá nhân thấy chân lý, những địa hiện diện trọn vẹn.

Những đường lối đạt đến mười sáu địa được bàn luận khá dài. Trong đó, tên của mười địa đầu phù hợp với những giải thích chung, trong khi những cái kia được dạy theo một thứ tự có thay đổi, tùy theo từng phái. Như thế, dù có thể có những dị biệt, địa thứ mười một là ánh sáng toàn diện ; địa thứ mười hai là những con mắt hoa sen bình thản ; địa thứ mười ba là vajradhara ; địa thứ mười bốn là đại hội những pháp luân ; địa thứ mười lăm là huy hoàng viên mãn ; địa thứ mười sáu là trí huệ bổn nguyên vô thượng, Devakusa, Sukhavati và Thành Phố của Đại Giải Thoát có cùng nghĩa ; địa thứ mười bảy là mang danh hiệu vajradhara ; địa thứ mười tám là Atakavati ; địa thứ mười chín là toàn thiện vô thượng ; địa thứ hai mươi là sự toàn thiện của bản tánh của ba thế giới ; và địa thứ hai mươi mốt là nền tảng của bindu không cố gắng, là chót điểm.

– Truyền thống của Đại thừa thường dạy rằng người ta đi vào mười địa của Bồ tát kết thúc nơi Phật quả. Về mười sáu địa trong bản văn này, mười cái là chung với những bản văn khác, trong khi địa thứ mười một đến địa thứ hai mươi mốt của Dzogchen tiếp theo sau thì khác nhau trong thứ tự và tên tùy theo những bản văn riêng biệt. –

Orgyen Rinpoche nói :

Đại Toàn Thiện là con đường chót đỉnh, tối hậu. Dù nếu những con đường cuối cùng của ba thừa thấp được đạt đến, nếu sự khai mở những phẩm tính của (thừa) Mantra không được thấy, bấy giờ người ta cần đi vào (thừa) Mantra, và người ta phải tu hành nghe và tư duy. Dù nếu người ta đến chỗ chấm dứt của thừa Kinh, người ta vẫn chưa đến chỗ chấm dứt của thừa Mantra, vì đây là chỗ chấm dứt của mọi con đường. Không có cái gì cao hơn cái này, thế nên trong nó những địa là toàn thiện, viên mãn và những con đường là toàn thiện, viên mãn. Không có gì vĩ đại hơn cái này, cho nên nó được đặt tên là “Đại Toàn Thiện, Đại Viên Mãn”.

– Khi bạn đã đến cái nhìn thấy thứ tư, cái nhìn thấy của sự tắt mất vào bản thân thực tại, bạn không cần tìm kiếm Pháp nào khác. Một khi bạn đã đến chỗ chấm dứt của ba thừa thấp, bạn cần đi vào Kim Cương thừa, nó là chỗ chấm dứt của mọi con đường và tu hành từ chỗ bắt đầu là nghe, suy nghĩ và thiền định. Lý do của sự tiến bộ này là trong chỗ chấm dứt của thừa Mantra đã bao hàm sự chấm dứt của thừa Kinh. Sự chấm dứt của thừa Kinh không bao hàm sự chấm dứt của Kim Cương thừa, nên bạn không phải dừng tu sau khi đạt đến sự chấm dứt của thừa Kinh. –

Viên Ngọc Như Ý : Những Giáo Huấn về Tinh Túy của Cõi Giới Trong Sáng của Ratna nói :

Tốt nhất là những uẩn nhiễm ô được giải thoát vào tịnh quang. Bậc trung là đạt được thức tỉnh tâm linh trong tiến trình quá độ của bản thân thực tại. Bậc kém là sinh ra tức thời trong năm tịnh độ hóa thân và rồi đạt được thức tỉnh tâm linh mà không trải qua trung ấm nào.

Những Giáo Huấn Trắng của Quán Thế Âm về Nghĩa của Tham Thiền Ban Ngày nói :

Trong thức tỉnh tâm linh hoàn hảo biểu lộ, người ta trở thành một vị Phật với sự biểu lộ rõ ràng một bầu trời tinh khôi, những cầu vồng, những cơn mưa hoa, những chấn động của đất, những âm thanh, những mùi hương thơm ngát, những di vật thiêng liêng, sự hiện khởi tự nhiên (những tượng trưng) của thân ngữ tâm, những hạt xá lợi v.v...

– Sự diễn tả ở trên là những dấu hiệu bên ngoài như cầu vồng, mưa hoa và đất rung động có thể xuất hiện khi người ta đạt đến Phật quả. Ở Tây Tạng tháng 12 năm 1958, cả hai hóa thân lưu xuất về ngữ và thân của Dušdjom Lingpa nhập diệt trong vùng Golok. Hai hóa thân sống cách nhau khoảng một giờ đi bộ, và cùng ra đi một lần. Dầu đang giữa mùa đông và rất lạnh, nhưng hoa rơi xuống giữa bầu trời. Có tiếng sấm trái mùa và một loại kết tinh băng giá rất mịn. Điều này tự tôi chứng kiến, thế nên tôi kể lại cho các bạn để các bạn biết rằng khi những bậc đại nhân ra đi, các vị biểu hiện những dấu hiệu của sự thức tỉnh tâm linh như vậy. –

Nghĩa của những đoạn này được nói đến trong Những Dấu Vết Niết Bàn :

Do cái nhìn thấy trực tiếp về bản thân thực tại,
Người ta siêu vượt lời nói do bám nắm vào động niệm.
Do tiến bộ trong kinh nghiệm thiền định,
Trí huệ bổn nguyên của trạng thái trung ấm biểu lộ.
Do cái nhìn thấy tánh giác viên mãn,
Người ta nhận biết báo thân.
Do cái nhìn thấy của sự tịch diệt vào bản thân thực tại,
Người ta đạt đến quả của Đại Toàn Thiện, thoát khỏi hoạt động
Trên sự đi đến chỗ chấm dứt của địa và con đường theo cách này,
Không nghi ngờ gì người ta đạt đến Niết Bàn.

Tantra Nguyên Thủy về Sự Thâm Nhập của Âm Thanh nói :

Từ ở đó bốn cái nhìn thấy xảy đến.
Do cái nhìn thấy trực tiếp về bản thân thực tại,
Người ta siêu vượt lời nói do vướng mắc vào động niệm.
Do cái nhìn thấy của tiến bộ trong kinh nghiệm thiền định,
Những hình tướng xuất hiện mê vọng tiêu tan.
Do cái nhìn thấy tánh giác viên mãn,
Ba hiện thân siêu vượt những cái nhìn thấy của con đường ý niệm.
Do cái nhìn thấy của sự tịch diệt vào bản thân thực tại,
Con đường hiện hành của ba cõi sanh tử được đoạn dứt.

Sự thành tựu tốt nhất là đạt đến thức tỉnh tâm linh không có các uẩn tàn dư hay đạt đến thức tỉnh tâm linh với các uẩn tàn dư. Thành tựu bậc trung là đạt đến thức tỉnh tâm linh trong trạng thái trung ấm và đến mười sáu địa. Sự thành tựu kém là sanh vào những tịnh độ hóa thân, và sau khi ở lại trong năm tịnh độ một trăm hai mươi năm, người ta nhận những quán đảnh, ban phước, lời dạy từ năm bộ Phật. Rồi sau năm trăm năm, người ta đi lên tịnh độ của những núi lửa cháy sáng, và ngay khi thấy mặt của Heruka tối thượng, người ta trở thành một vị Phật trong hình thức “cái bình trẻ trung”, không tách lìa Samantabhadra. Đó là địa bindu tổng hợp hay bindu không cố gắng, và có nói rằng thật ra nó là Pháp thân duy nhất.

Đây là tổng hợp trọn vẹn con đường Nhảy Qua của Đại Toàn Thiện. Nếu bạn muốn hiểu biết rộng hơn, hãy xem mười bảy tantra, Bảy Kho Tàng...
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn