Phần Hai : Những Loại Và Những Cách Sử Dụng Giấc Mộng

06 Tháng Mười Hai 201000:00(Xem: 14443)


NHỮNG YOGA TÂY TẠNG VỀ GIẤC MỘNG VÀ GIẤC NGỦ

Nguyên tác: The Tibetan Yogas of Dream and Sleep
Nhà Xuất Bản Snow Lion Ithaca, New York, 1998
Việt dịch: Đương Đạo - Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức, 2000


PHẦN HAI: 
NHỮNG LOẠI VÀ NHỮNG CÁCH SỬ DỤNG GIẤC MỘNG

Mục đích của thực hành giấc mộng là giải thoát ; ý định của chúng ta là chứng ngộ cái hoàn toàn vượt khỏi những giấc mộng. Nhưng cũng có những sử dụng tương đối về giấc mộng, chúng có thể là lợi lạc trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Những sử dụng này bao gồm cả việc dùng thông tin mà chúng ta lượm lặt từ những giấc mộng và trực tiếp có lợi lạc từ những kinh nghiệm chúng ta có trong giấc mộng. Thí dụ ở Tây phương, sự sử dụng giấc mộng trong phép điều trị là phổ biến và có nhiều nghệ sĩ và khoa học gia dùng tính sáng tạo của giấc mộng để làm lợi cho công việc của họ. Người Tây Tạng cũng dựa vào giấc mộng theo nhiều cách. Phần này diễn tả một số những sử dụng tương đối về những giấc mộng.

 

1 Ba Loại Giấc Mộng

Có ba loại giấc mộng tạo thành một sự tiến bộ trong thực hành giấc mộng : 1) những giấc mộng sanh tử bình thường, 2) những giấc mộng của sự sáng tỏ, và 3) những giấc mộng tịnh quang. Hai loại đầu được phân biệt do những khác biệt về những nguyên nhân của chúng, và trong mỗi loại, người nằm mộng có thể minh bạch hay không minh bạch. Trong những giấc mộng tịnh quang, có tỉnh giác, nhưng không có sự phân hai chủ thể và đối tượng. Những giấc mộng tịnh quang xảy ra trong tỉnh giác bất nhị.

NHỮNG GIẤC MỘNG SANH TỬ

Những giấc mộng hầu hết chúng ta có hầu như trong mọi lúc là những giấc mộng sanh tử khởi sanh từ những dấu vết nghiệp*. Ý nghĩa trong những giấc mộng này là ý nghĩa chúng ta phóng chiếu vào chúng ; nó được người nằm mộng gán cho hơn là nội tại trong giấc mộng. Đây cũng là trường hợp ý nghĩa trong đời sống lúc thức. Điều này không làm cho những giấc mộng có ý nghĩa thành không quan trọng và làm cho ý nghĩa của đời sống lúc thức thành quan trọng. Tiến trình này tương tự với việc đọc một cuốn sách. Một cuốn sách chỉ là những dấu hiệu trên giấy, nhưng vì chúng ta đem cảm thức về ý nghĩa của chúng ta vào đó mà chúng ta có thể rút ý nghĩa từ nó. Và ý nghĩa của một cuốn sách, cũng như một giấc mộng, tùy thuộc vào sự diễn giải. Hai người có thể đọc cùng một cuốn sách và có những kinh nghiệm hoàn toàn khác nhau ; một người có thể thay đổi toàn bộ đời sống của y dựa trên ý nghĩa đã tìm thấy trong những trang sách ; trong khi bạn y có thể chỉ thấy cuốn sách khá thích thú hay thậm chí không phải thế nữa. Cuốn sách không thay đổi. Ý nghĩa được phóng chiếu lên chữ câu bởi người đọc, và rồi đọc lại.

Mộng bình thường
(Khởi sanh từ những dấu vết nghiệp thuộc cá nhân)
Không minh bạch
Minh bạch
Những giấc mộng của sự sáng tỏ
(Khởi sanh từ những dấu vết nghiệp siêu cá nhân)
Không minh bạch
Minh bạch
Những giấc mộng tịnh quang
(Bất nhị)
Minh bạch
(Vượt khỏi nhị nguyên chủ thể – đối tượng)

NHỮNG GIẤC MỘNG CỦA SỰ SÁNG TỎ

Khi có tiến bộ trong thực hành giấc mộng, những giấc mộng trở nên sáng tỏ hơn và chi tiết hơn, và một phần lớn của mỗi giấc mộng có thể được nhớ lại. Đây là kết quả của việc đem nhiều tỉnh giác hơn vào trạng thái mộng. Vượt lên sự tỉnh giác càng tăng trong những giấc mộng bình thường là một loại mộng thứ hai được gọi là giấc mộng của sự sáng tỏ, nó khởi lên khi tâm thức và khí được quân bình và người nằm mộng đã phát triển khả năng ở lại trong sự hiện diện vô ngã. Khác với giấc mộng sanh tử trong đó tâm thức bị trôi dạt đây đó bởi khí nghiệp, trong giấc mộng của sự sáng tỏ, người nằm mộng ổn định, vững chắc. Dù những hình ảnh và thông tin khởi lên, chúng ít được đặt nền trên những dấu vết nghiệp cá nhân và thay vào đó trình bày cái hiểu biết có giá trị trực tiếp từ tâm thức nằm dưới mức độ của cái ngã quy ước. Điều này cũng tương tự với những khác biệt trong khí nghiệp thô của kinh mạch trắng, nó nối kết với xúc tình tiêu cực, và khí trí huệ của kinh mạch đỏ. Chúng cả hai đều là khí nghiệp – những năng lực tham dự vào những kinh nghiệm nhị nguyên – nhưng một cái thì thanh tịnh và kém mê lầm hơn cái kia, cũng thế giấc mộng của sự sáng tỏ thì thanh tịnh và kém mê lầm hơn giấc mộng sanh tử. Trong giấc mộng của sự sáng tỏ, như có cái gì được trao cho hay được tìm thấy bởi người nằm mộng, ngược lại với giấc mộng sanh tử trong đó ý nghĩa được phóng chiếu từ người nằm mộng lên sự thanh tịnh của kinh nghiệm nền tảng.

Những giấc mộng của sự sáng tỏ có lúc khởi lên cho bất kỳ ai, nhưng chúng không thường cho đến khi nào sự thực hành được phát triển và vững chắc. Với hầu hết chúng ta, mọi giấc mộng đều là giấc mộng sanh tử đặt nền trên cuộc sống hàng ngày và những phiền não của chúng ta. Dù chúng ta có thể có một giấc mộng về giáo lý, về thầy chúng ta hay sự thực hành, hay chư Phật, hay chư dakini*, thì giấc mộng vẫn còn là cái gì gần giống như một giấc mộng sanh tử. Nếu chúng ta đi vào thực hành với một vị thầy, dĩ nhiên bấy giờ chúng ta sẽ mộng về những cái ấy. Là một dấu hiệu tích cực khi có những giấc mộng ấy vì thế có nghĩa là chúng ta dấn thân vào những giáo lý, nhưng bản thân sự dấn thân thì nhị nguyên và bởi thế nằm trong lãnh vực sanh tử. Có những phương diện tốt hơn và xấu hơn của sanh tử, và tốt là dấn thân trọn vẹn vào vào thực hành và những giáo lý bởi vì đó là con đường giải thoát. Cũng tốt khi không lầm lẫn những giấc mộng sanh tử với những giấc mộng của sáng tỏ.

Nếu chúng ta lầm lẫn tin rằng những giấc mộng sanh tử cho chúng ta sự hướng dẫn chân thật, rồi thay đổi đời sống hàng ngày của chúng ta, cố gắng theo những mệnh lệnh của của những giấc mộng, việc ấy có thể trở thành một công việc làm mất hết thì giờ. Đó cũng là một cách để bị kẹt vào trong bi kịch cá nhân, tin rằng mọi giấc mộng của chúng ta là những thông điệp từ một nguồn cao hơn, tâm linh hơn. Không phải như vậy. Chúng ta cần chú ý chặt chẽ vào những giấc mộng và phát triển một hiểu biết nào đó về những cái có nội dung thật sự và những cái chỉ là những biểu lộ của những xúc tình, tham, sợ, mong và những mộng tưởng của đời sống hàng ngày.

NHỮNG GIẤC MỘNG TỊNH QUANG

Có một loại giấc mộng thứ ba xảy ra khi người ta đã đi khá xa trên đường đạo, giấc mộng tịnh quang. Nó khởi lên từ khí bổn nguyên trong kinh mạch trung ương. Tịnh quang thường được nói đến trong những giáo lý về yoga giấc ngủ và chỉ ra một trạng thái thoát khỏi giấc mộng, tư tưởng, và hình ảnh, nhưng cũng có một giấc mộng tịnh quang trong đó người nằm mộng ở yên trong bản tánh của tâm thức. Đây không phải là một thành tựu dễ dàng ; hành giả phải rất vững chắc trong tỉnh giác bất nhị trước khi giấc mộng tịnh quang sanh khởi. Gyalshen Milu Samleg, tác giả của những bình giảng quan trọng về Tantra Mẹ, viết rằng ngài thực hành miên mật trong chín năm trước khi ngài bắt đầu có những giấc mộng tịnh quang.

Phát triển khả năng cho những giấc mộng tịnh quang thì tương tự với phát triển khả năng an trụ trong sự hiện diện bất nhị của rigpa vào ban ngày. Lúc bắt đầu, rigpa và tư tưởng có vẻ khác nhau, đến nỗi trong kinh nghiệm về rigpa thì không có tư tưởng, và nếu tư tưởng khởi lên chúng ta bị phóng dật và mất rigpa. Nhưng khi sự vững chắc trong rigpa được phát triển, tư tưởng chỉ đơn giản khởi lên và tan biến mà không có chút che ám nào rigpa ; hành giả an trụ trong tỉnh giác bất nhị. Những tình huống này tương tự với học chơi trống và chuông đồng thời trong thực hành nghi lễ : lúc ban đầu chúng ta chỉ có thể làm được một thứ. Nếu chơi chuông, chúng ta mất nhịp điệu của trống, và ngược lại. Sau khi chúng ta đã vững chắc, chúng ta có thể chơi cả hai cùng một lúc.

Giấc mộng tịnh quang không như nhau với giấc mộng của sự sáng tỏ. Giấc mộng của sáng tỏ khi khởi lên từ những phương diện sâu xa và tương đối thanh tịnh của tâm thức và phát sanh từ những dấu vết nghiệp tích cực, vẫn còn xảy ra trong nhị nguyên. Giấc mộng tịnh quang, khi khởi từ những dấu vết nghiệp của quá khứ, không đưa đến kinh nghiệm nhị nguyên. Hành giả không tái lập một chủ thể quan sát đối với giấc mộng như một đối tượng, cũng không như một chủ thể trong thế giới của giấc mộng, mà an trụ hoàn toàn hội nhập với rigpa bất nhị.

Những khác biệt trong ba loại giấc mộng có vẻ tinh tế. Những giấc mộng sanh tử khởi từ những dấu vết nghiệp và xúc tình của cá nhân, và tất cả nội dung giấc mộng được tạo thành bằng những dấu vết và xúc tình này. Giấc mộng của sự sáng tỏ bao gồm nhiều hiểu biết khách quan hơn, nó khởi từ những dấu vết cộng nghiệp và có thể dùng được cho ý thức khi nó không bị ràng buộc với những dấu vết nghiệp cá nhân. Bấy giờ ý thức không bị trói buộc bởi không gian, thời gian và lịch sử cá nhân, và người nằm mộng có thể gặp những chúng sanh thực, nhận những giáo lý từ những vị thầy thực, và tìm thấy những thông tin hữu ích cho những người khác cũng như cho chính nó.

Giấc mộng tịnh quang không được định nghĩa bởi nội dung giấc mộng, mà bởi vì không có một người mộng làm chủ thể hay một bản ngã trong mộng, cũng không có một cái ngã nào trong tương quan nhị nguyên với giấc mộng hay nội dung giấc mộng. Dù một giấc mộng khởi lên, nó là một hoạt động của tâm thức và hoạt động ấy không quấy phá gì đến sự vững chắc an định của hành giả trong tịnh quang.

 

2 Những Sử Dụng Giấc Mộng

Giá trị vĩ đại nhất của những giấc mộng nằm trong bối cảnh của một hành trình tâm linh. Quan trọng nhất là chúng có thể được dùng như một thực hành trong chính giấc mộng. Chúng cũng có thể cung cấp những kinh nghiệm động viên người nằm mộng đi vào con đường tâm linh. Hơn nữa chúng có thể là một phương tiện để xác định sự thực hành có được làm đúng hay không, sự tiến bộ đã thực hiện được bao nhiêu, và cần chú ý cái gì.

Cùng cách ấy, nếu chúng ta chú ý vào những giấc mộng chúng ta có thể ước định sự trưởng thành của chính chúng ta trong việc thực hành. Đôi khi trong trạng thái thức chúng ta nghĩ chúng ta đang làm rất tốt, nhưng khi ngủ chúng ta thấy rằng ít ra có phần nào trong chúng ta còn mê mờ lắm hay còn kẹt trong trong cái tiêu cực. Điều này không nên xem như một sự ngã lòng. Là một lợi lạc khi những phương diện của tâm thức biểu lộ ra trong mộng và chỉ ra chỗ nào chúng ta cần làm việc để tiến bộ. Ngược lại, khi thực hành trở nên rất mạnh mẽ, những kết quả của thực hành sẽ biểu lộ trong mộng và cho chúng ta tự tin vào những nỗ lực của chúng ta.

KINH NGHIỆM TRONG MỘNG

Kinh nghiệm thì rất uyển chuyển mềm dẻo trong giấc mộng và chúng ta tự do với rất nhiều cái mà chúng ta không thể khi thức dậy, gồm những thực hành đặc biệt làm cho sự phát triển của chúng ta dễ dàng. Chúng ta có thể chữa lành những vết thương trong tinh thần, những khó khăn phiền não mà chúng ta đã không thể hàng phục. Chúng ta có thể dời bỏ những khối chướng ngại kiên cố nằm trong sự vận chuyển tự do của năng lực trong thân thể. Và chúng ta có thể xuyên thủng những che ám trong tâm thức bằng cách dùng kinh nghiệm vượt khỏi những biên giới và giới hạn thuộc ý niệm.

Nói chung, những công việc này được hoàn thành tốt nhất sau khi chúng ta phát triển khả năng duy trì sự sáng sủa minh bạch trong giấc mộng. Nó chỉ được đề cập ở đây như một khả tính ; trong phần sau về thực hành có nhiều chi tiết về điều phải làm trong giấc mộng một khi minh bạch đã đạt được.

HƯỚNG DẪN VÀ NHỮNG KHUYÊN NHỦ

Hầu hết người Tây Tạng – những đạo sư tâm linh cao cả và người bình thường, đơn giản – xem những giấc mộng là một nguồn tiềm năng của cả hiểu biết tâm linh sâu xa nhất lẫn của sự hướng dẫn cho đời sống hàng ngày. Những giấc mộng được tham vấn để chẩn đoán bệnh tật, cho những chỉ dẫn cần có những thực hành tịnh hóa hay soi sáng nào, và cho những chỉ dẫn cần phải chú ý đến những tương quan với những bổn tôn và những hộ pháp nào. Sử dụng những giấc mộng như vậy, có thể bị cho là mê tín, nhưng ở một mức độ sâu xa những giấc mộng miêu tả trạng thái của người mộng và tình trạng mối tương quan của nó với những năng lực khác nhau. Ở Đông phương, người ta nhận biết những năng lực này và liên hệ với chúng như những hộ pháp và hồn linh che chở cũng như những tình trạng sinh lý và những tình trạng tâm linh bên trong. Ở Tây phương với sự nghiên cứu còn rất mới về những giấc mộng, những năng lực này có thể được hiểu như những đau ốm mới chớm hay những mặc cảm, những mô hình mẫu (archetype) bắt rễ thâm sâu.

Một số người làm việc với những giấc mộng suốt trọn đời họ, như một hình thức hàng đầu để tiếp thông với những phương diện sâu hơn của chính họ và với những thế giới khác. Mẹ tôi là một thí dụ tốt cho điều này. Bà là một hành giả và là một người đàn bà rất đáng yêu và tốt lòng. Bà thường nói với cả gia đình những giấc mộng của bà vào buổi sáng, khi chúng tôi tụ họp cho bữa ăn, và đặc biệt khi giấc mộng có liên hệ đến hộ pháp và người che chở của bà là Namthel Karpo.

Namthel là một hộ pháp của vùng Bắc Tây Tạng, miền Hor, nơi mẹ tôi lớn lên. Dù sự thực hành về ngài cả Tây Tạng đều biết, ngài được thờ phụng hàng đầu ở làng mẹ tôi và vùng lân cận. Mẹ tôi thực hành về ngài, nhưng cha tôi thì không, và ông thường chọc bà sau khi bà kể lại những giấc mộng của bà.

Tôi nhớ rõ ràng mẹ tôi kể cho chúng tôi một giấc mộng trong đó Namthel gọi bà. Như bao giờ cũng vậy, ngài mặc áo dài trắng và đôi đeo tai bằng vỏ ốc tù và, mái tóc dài. Vào lúc ấy ngài trông có vẻ giận dữ. Ngài đến qua cửa cái và ném mạnh một cái túi nhỏ trên sàn. Ngài nói, “Ta luôn luôn nói với con hãy chăm lo cho mình nhưng con làm điều đó không được tốt !” Ngài nhìn sâu vào mắt mẹ tôi và rồi biến mất.

Vào buổi sáng mẹ tôi không chắc giấc mộng có nghĩa gì. Nhưng đến chiều tối một người đàn bà vẫn thường làm việc trong nhà của chúng tôi định lấy tiền của chúng tôi. Bà dấu nó dưới áo quần nhưng khi đi ngang qua trước mặt mẹ tôi, tiền rơi ra. Cũng là một cái túi nhỏ đúng như mẹ tôi đã thấy trong trong mộng. Mẹ tôi cầm túi lên và ở trong là tất cả số tiền của gia đình tôi, sắp bị đánh cắp. Mẹ tôi xem biến cố này là một hoạt động bảo vệ của hộ pháp và tin rằng Namthel đã khiến cho cái túi rơi xuống sàn.

Namthel xuất hiện trong giấc mộng của mẹ tôi suốt đời bà, luôn luôn trong một hình dáng. Dù những thông điệp ngài cho bà có thay đổi, chúng thường là những giấc mộng giúp đỡ cho bà theo một cách nào đấy, bảo vệ và hướng dẫn bà.

Đến năm lên mười tôi vào trường Thiên Chúa Giáo, sau đó cha mẹ tôi đem tôi ra và cho tôi vào Tu viện Meri. Một vị sư ở đó tên là Gen Sengtuk thỉnh thoảng kể cho tôi nghe những giấc mộng của ông. Tôi nhớ một số những giấc mộng đó rất rõ ràng tương tự với với những giấc mộng của mẹ tôi. Ông thường mộng thấy Sippe Gyalmo, một trong những vị che chở đã giác ngộ quan trọng và cổ thời của truyền thống Bošn. Sự thực hành về Sippe Gyalmo cũng được làm trong những trường phái Phật giáo Tây Tạng ; trong Điện Potala ở Tây Tạng, có một phòng để bàn thờ của ngài nữ này. Những giấc mộng của Gen Sengtuk về Sippe Gyalmo hướng dẫn ông trong đời sống và trong thực hành.

Sippe Gyalmo không xuất hiện trong giấc mộng của ông hung dữ như chúng ta thấy nơi các bức vẽ trong các đền thờ hay phòng thiền. Ông lại thấy ngài là một người đàn bà rất già, tóc xám, trong một thân thể không còn thẳng, chống gậy. Gen Sengtuk luôn luôn gặp Sippe Gyalmo trong một sa mạc bao la nơi đó ngài có một cái lều. Không có ai sống ở đó cả. Nhà sư đọc những biểu lộ của ngài, mặt ngài vui hay buồn, hay có sự giận dữ trong cách ngài di chuyển. Và hiểu ngài theo cách này, ông biết làm thế nào để chữa những chướng ngại trong thực hành của mình hay thay đổi một số diều nào đó trong cuộc đời theo một chiều hướng tích cực hơn. Ngài đã hướng dẫn ông bằng những giấc mộng của ông như vậy đó. Ông giữ gìn một sự nối kết chặt chẽ với ngài qua những giấc mộng và ngài xuất hiện với ông trong một cách thức giống nhau suốt cuộc đời ông. Những kinh nghiệm của ông với ngài là những thí dụ tốt về giấc mộng của sự sáng tỏ.

Bấy giờ tôi còn nhỏ, và tôi có thể nhớ lại rõ ràng một hôm, khi nghe nhà sư kể lại một trong những giấc mộng của ông, thình lình tôi sững sờ như thể ông có một người bạn ở một nơi khác xa xôi. Tôi nghĩ thật là hay khi có một vài người bạn để chơi trong những giấc mộng, vì suốt ngày tôi không thể chơi nhiều, việc học thì rất nặng và những vị thầy thì nghiêm ngặt. Đó là ý nghĩ của tôi lúc bấy giờ. Thế nên, bạn thấy đó, cái hiểu về giấc mộng và sự thực hành giấc mộng của chúng ta, và động lực để thực hành, có thể trở nên sâu thẳm hơn và chín dần khi chúng ta lớn lên.

DỰ ĐOÁN

Nhiều thiền sư, vì sự vững chắc của thực hành thiền định, có thể dùng những giấc mộng của sự sáng tỏ để dự đoán. Để làm như vậy, người nằm mộng phải có thể giải thoát mình khỏi hầu hết những dấu vết nghiệp cá nhân mà bình thường đã tạo thành giấc mộng. Nếu khác đi, thì thông tin không có được từ giấc mộng mà được phóng chiếu lên giấc mộng, như trường hợp bình thường của những giấc mộng sanh tử. Cách dùng những giấc mộng như thế này trong truyền thống Tây Tạng được xem là một trong vài phương pháp của thuật bói toán và rất phổ thông với người Tây Tạng. Là chuyện thường khi một học trò hỏi vị thầy hướng dẫn cho một công việc hay chỉ dẫn cho hướng hàng phục một chướng ngại, và vị thầy thường xoay về những giấc mộng để tìm câu trả lời cho học trò.

Thí dụ khi tôi ở Tây Tạng tôi đã gặp một phụ nữ Tây Tạng đã chứng ngộ tên là Khachod Wangmo. Bà rất có thần lực và là một “người khám phá kho tàng” (terton) đã tìm lại được nhiều giáo lý được cất giấu. Tôi hỏi bà về tương lai của tôi, một câu hỏi tổng quát về những chướng ngại tôi sẽ gặp... Tôi đã xin bà có một giấc mộng của sự sáng tỏ dành cho tôi.

Thường thì trong tình huống đó, người nằm mộng đòi một cái gì sở hữu của người xin giấc mộng. Tôi đã đưa cho Khachod Wangmo cái áo lót tôi đang mặc. Cái áo thun ấy đại diện cho tôi về mặt năng lực, và bằng cách tập chú vào nó bà có thể nối kết với tôi. Bà đặt nó dưới gối bà ban đêm, rồi ngủ và có một giấc mộng của sự sáng tỏ. Sáng hôm sau bà cho tôi một giải thích dài về điều sẽ đến trong đời tôi, những sự việc tôi cần tránh và những sự việc tôi cần làm. Nó là một hướng dẫn rõ ràng và giúp ích.

Đôi khi một học trò hỏi một giấc mộng nói cho chúng ta điều gì về tương lai có chứng tỏ rằng tương lai là cố định hay không. Trong truyền thống Tây Tạng, chúng tôi tin rằng không. Những nguyên nhân của mọi sự có thể xảy ra đã hiện diện bây giờ, ngay lúc này, bởi vì những hậu quả của quá khứ là những hạt giống cho những hoàn cảnh tương lai. Những nguyên nhân hàng đầu của bất cứ tình huống nào trong tương lai được tìm thấy trong cái đã xảy ra. Nhưng những nguyên nhân phụ cần thiết cho sự biểu lộ của những hạt giống nghiệp thì không cố định, chúng có thể thay đổi, gia giảm. Đấy là tại sao sự thực hành là có hiệu quả, và tại sao bệnh tật có thể chữa lành. Nếu khác đi, sẽ không có nghĩa gì khi cố gắng thử làm việc này việc nọ, vì chẳng có gì có thể thay đổi. Nếu chúng ta có một giấc mộng về ngày mai, rồi ngày mai đến và mọi sự xảy ra đúng như trong giấc mộng, điều đó không có nghĩa là tương lai thì cố định và không thể thay đổi ; nó chỉ có nghĩa là chúng ta đã không thay đổi nó.

Hãy tưởng tượng một dấu vết nghiệp mạnh mẽ, in vào với một xúc tình mạnh mẽ nó là một nguyên nhân hàng đầu cho một hoàn cảnh đặc biệt, và nó đang đi đến quả. Nhưng chính là cuộc đời đang sống của chúng ta cung cấp những nguyên nhân phụ cần thiết cho nguyên nhân hàng đầu biểu lộ. Trong một giấc mộng về tương lai, nguyên nhân đang hiện diện và dấu vết đang chín thành sự biểu lộ quy định giấc mộng, với kết quả rằng giấc mộng là một tưởng tượng của những hệ quả. Đấy cũng như chúng ta vào một nhà bếp và có một người nấu ăn tuyệt diệu lối Ý ở đó, và mùi hương những gia vị và đồ nấu, và những thành phần món ăn được để trên bàn. Chúng ta có thể tưởng tượng hầu hết hầu hết bữa ăn đang được sửa soạn, thấy hầu hết những kết quả của tình huống. Điều ấy giống như giấc mộng. Chúng ta có thể không hoàn toàn chính xác, nhưng chúng ta đoán đúng hầu hết sự việc. Và rồi khi chúng ta được dọn bữa ăn, nó sẽ hòa lẫn với những mong ước của chúng ta, những khác biệt sẽ mờ đi, và đó sẽ là bữa ăn chúng ta mong đợi dù nó không hoàn toàn như nhau.

Tôi nhớ một thí dụ về điều này khi tôi còn nhỏ. Đó là một ngày được gọi là Diwali ở Ấn Độ, thường được cử hành với pháo. Tôi và những bạn tôi không có tiền mua pháo, thế nên chúng tôi tìm những pháo đốt rồi mà không nổ. Chúng tôi gom chúng lại và đốt chúng lần nữa. Tôi rất nhỏ, bốn hay năm tuổi. Một cái pháo hơi ướt, và tôi để nó trên than đỏ. Tôi nhắm mắt, thảy vào than và dĩ nhiên nó nổ. Trong một khoảnh khắc tôi chẳng thấy gì ngoài những đom đóm, và ngay lúc ấy tôi nhớ lại giấc mộng đêm hôm trước. Nó đúng y như vậy, toàn bộ kinh nghiệm ấy. Dĩ nhiên sẽ ích lợi hơn nếu tôi nhớ lại giấc mộng trước khi biến cố xảy ra ! Có nhiều trường hợp như thế, trong đó những nguyên nhân của những tình huống tương lai đã được dệt thành một giấc mộng về một tương lai gần giống, nhưng không nhất thiết phải giống, để có thể khám phá.

Đôi khi trong một giấc mộng những nguyên nhân và kết quả có ảnh hưởng vào người khác. Khi tôi còn ở Tây Tạng, thầy tôi, Lopon Tenzin Namdak, đã có một giấc mộng và rồi nói với tôi rằng tôi rất cần làm một thực hành đặc biệt nối kết với một vị hộ pháp. Tôi bắt đầu thực hành nhiều giờ mỗi ngày khi tôi đi du lịch, cố gắng ảnh hưởng đến điều gì thầy tôi đã thấy trong mộng. Vài ngày sau giấc mộng của ngài, tôi làm một hành khách trong một cỗ xe vượt qua một con đường nhỏ trên núi cao. Những người lái xe là những người du mục hoang dã sợ chết. Ba người chúng tôi chật ních trong một thùng xe lớn với hành lý nặng nề khi bánh xe lọt vào một ổ gà và xe lật.

Tôi nhảy ra và nhìn xuống. Tôi không sợ hãi lắm. Nhưng rồi tôi thấy một hòn đá nhỏ giữ cho xe khỏi trượt xuống thung lũng, như một hòn đá rơi khỏi lề đường rớt xuống còn lâu mới tới đáy. Bấy giờ tim tôi mới đập thình thình trong ngực ! Rồi tôi thấy sợ, biết rằng một hòn đá nhỏ là tất cả cái gì chặn giữa chúng tôi và cái chết, nó giữ cho cuộc đời tôi khỏi chấm dứt như một câu chuyện quá ngắn.

Khi tôi thấy tình huống ấy tôi nghĩ, “Đúng rồi. Đó là tại sao tôi phải thực hành về hộ pháp.” Đó là điều thầy tôi đã thấy trong giấc mộng của ngài và tại sao ngài bảo tôi làm thực hành. Một giấc mộng có thể không đặc biệt lắm, nhưng vẫn có thể qua cảm giác và hình ảnh gởi đến điều gì sẽ xảy ra mà cần được chữa chạy. Đây là một loại lợi ích chúng ta có thể nhận được từ sự làm việc với giấc mộng.

NHỮNG GIÁO LÝ TRONG GIẤC MỘNG

Có nhiều thí dụ trong truyền thống Tây Tạng về những hành giả nhận được những giáo lý trong giấc mộng. Thường thường những giấc mộng đến theo chuỗi, giấc mộng của đêm này bắt đầu nơi chỗ đêm trước chấm dứt, và theo cách này chuyển giao những giáo lý toàn bộ, chi tiết cho đến một điểm hoàn mãn chính xác và thích hợp được đạt đến, lúc đó những giấc mộng dừng lại. Những bộ giáo lý được “khám phá” theo lối này, gồm nhiều thực hành mà người Tây Tạng đã làm hàng thế kỷ. Cái này chúng tôi gọi là “kho tàng tâm thức” (gong-ter*).

Hãy tưởng tượng đi vào một hang động và tìm thấy một bộ những giáo lý được cất giấu trong đó. Đây là sự tìm thấy trong một không gian vật chất. Kho tàng tâm thức được tìm thấy trong tâm thức hơn là trong thế giới vật chất. Những đạo sư đã biết tìm thấy những kho tàng ấy cả trong giấc mộng của sự sáng tỏ lẫn khi thức. Để nhận những loại giáo lý này trong một giấc mộng, hành giả phải đã phát triển một số khả năng, như có thể ở vững chắc trong tâm thức mà không đồng hóa với cái ngã quy ước. Hành giả mà sự sáng tỏ không bị những dấu vết nghiệp và những giấc mộng sanh tử che ám thì có thể đi vào trí huệ bẩm sinh nội tại trong chính tâm thức.

Những giáo lý chính thống được khám phá trong giấc mộng không đến từ trí năng. Nó không phải như đi đến thư viện và nghiên cứu và rồi viết một cuốn sách, dùng trí năng để thu thập và tổng hợp thông tin như một học giả. Dầu cho có nhiều giáo lý tốt đẹp đến từ trí năng, chúng không được xem là những kho tàng tâm thức. Trí huệ của chư Phật là tự phát sanh, khởi từ những chiều sâu của tâm thức, trọn vẹn trong chính nó. Điều này không có nghĩa là những giáo lý của kho tàng tâm thức sẽ không giống với những giáo lý hiện hành. Hơn nữa, những giáo lý này có thể được tìm thấy trong các nền văn hóa khác nhau và trong những thời kỳ lịch sử khác nhau, và có thể tương tự dù chúng ta không thông tin với nhau. Những nhà sử học tìm dấu vết một giáo lý ngược dòng thời gian để chỉ ra nó được ảnh hưởng bởi một giáo lý tương tự như thế nào, nơi sự tiếp xúc lịch sử xảy ra..., và thường họ tìm thấy một sự liên kết như vậy. Nhưng sự thật nền tảng là những giáo lý này khởi lên một cách tự phát từ những con người khi họ đạt đến một điểm phát triển nào đó. Những giáo lý là bẩm sinh nội tại trong trí huệ nền tảng mà bất kỳ nền văn hóa nào cuối cùng đều có thể thâm nhập. Chúng không chỉ là Phật giáo hay đạo Bošn, chúng là những giáo lý cho toàn thể nhân loại.

Nếu chúng ta có nghiệp giúp đỡ những chúng sanh khác, những giáo lý từ một giấc mộng có thể lợi lạc cho những người khác. Nhưng cũng có trường hợp, nếu chúng ta có nghiệp với một dòng phái chẳng hạn, những giáo lý được khám phá trong một giấc mộng sẽ riêng biệt cho sự thực hành của chúng ta, có thể là một phương thức đặc biệt để đánh bại một chướng ngại riêng biệt.

 

3 Khám Phá sự Thực Hành Chošd

Nhiều đạo sư đã dùng giấc mộng như một cánh cửa trí huệ quan trọng qua đó họ đã khám phá những giáo lý, có những nối kết với những đạo sư ở cách xa trong thời gian và không gian, và phát triển khả năng giúp đỡ những người khác. Những việc này được minh họa trong những tiểu sử của Tongjung Thuchen, một đạo sư vĩ đại của đạo Bošn, mà người ta tin rằng ngài sống trong thế kỷ thứ tám. Trong một loạt giấc mộng, ngài đã khám phá ra sự thực hành chošd*, một thực hành trau dồi tính rộng lượng bố thí và cắt đứt bám chấp.

Vào lúc sáu tuổi Tongjung Thuchen đã biết về những giáo lý. Mười hai tuổi ngài có những cuộc nhập thất lâu dài và có những kinh nghiệm mộng đáng kể trong đó ngài khám phá ra những giáo lý, gặp và nhận giáo lý từ những đạo sư. Một lần khi ngài đang nhập thất và thực hành mãnh liệt về Walsai, một trong những hóa thần bổn tôn quan trọng nhất của đạo Bošn, đạo sư của ngài gọi ngài đến. Ngài bỏ nhập thất và đi đến nhà của một người thí chủ cho đạo sư của ngài, nơi đây ngài đi ngủ và có một giấc mộng kỳ lạ.

Trong giấc mộng, một người đàn bà đẹp đẽ dẫn ngài qua những phong cảnh xa lạ cho đến khi họ đến một nghĩa địa lớn. Nhiều xác chết để trên mặt đất, và ở giữa trung tâm có một cái lều trắng lớn với những trang hoàng rực rỡ và có hoa đẹp bao quanh. Ở giữa lều, một người đàn bà da nâu ngồi trên một cái ngai rộng. Bà mặc áo dài trắng và tóc trang điểm với ngọc màu lục và với vàng. Nhiều dakini đẹp đẽ tụ hội quanh bà, nói nhiều thứ tiếng của nhiều nước khác nhau, và Tongjung Thuchen hiểu rằng họ đã đến từ những vùng đất xa.

Rời khỏi ngai, vị dakini da nâu đưa cho Tongjung Thuchen một sọ người đầy máu và thịt và cho ngài ăn. Khi cho ăn, bà nói với ngài hãy nhận những đồ cúng dường như là thanh tịnh và bà và các dakini khác sắp ban cho ngài một lễ nhập môn quan trọng.

Rồi bà nói, “Mong ông thành tựu giác ngộ trong không gian của Đại Mẫu. Ta là Sippe Gyalmo, người nắm giữ giáo lý Bošn, bà Hoàng Nâu của Hiện Hữu. Nhập môn và giáo lý này là cốt tủy của Tantra Mẹ. Ta làm lễ nhập môn cho ông để ông có thể làm lễ nhập môn và dạy dỗ cho những người khác.” Tongjung Thuchen được đẫn đến một cái ngai cao. Sippe Gyalmo đưa cho ngài một mũ lễ, một áo nhập môn và những dụng cụ nghi lễ. Rồi bà làm ngài ngạc nhiên khi yêu cầu ngài ban lễ nhập môn cho những dakini đang tề tựu.

Tongjung Thuchen nói, “Ồ, không, tôi không thể ban lễ nhập môn. Tôi không biết làm lễ nhập môn này thế nào.”

Sippe Gyalmo làm ngài yên tâm, “Chớ lo âu. Ngài là một đạo sư vĩ đại. Ngài có tất cả những nhập môn truyền pháp từ ba mươi vị thầy của Tây Tạng và Zhang Zhung. Ngài có thể cho họ nhập môn.”

“Tôi không biết tán những lời cầu nguyện như thế nào trong lễ nhập môn”, Tongjung Thuchen phản đối.

Sippe Gyalmo nói, “Ta sẽ giúp ngài và mọi vị che chở khác sẽ cho ngài thần lực. Không có gì phải sợ cả. Xin hãy làm lễ nhập môn.”

Vào lúc đó, mọi thịt và máu trong lều biến thành bơ, đường, thức ăn, và thành thuốc thang và hoa. Những dakini rắc hoa lên người ngài. Thình lình ngài nhận ra rằng ngài đã biết làm thế nào để ban lễ nhập môn đối với Tantra Mẹ và ngài bắt đầu làm.

Sau đó mọi dakini cám ơn ngài. Sippe Gyalmo nói, “Năm năm tới những dakini từ tám nghĩa địa chánh cũng như nhiều đạo sư sẽ gặp nhau. Nếu ngài đến, chúng ta sẽ cho ngài nhiều giáo lý hơn nữa về Tantra Mẹ.” Rồi những dakini đều nói từ biệt với ngài, ngài cũng nói từ biệt với họ, và Sippe Gyalmo nói ngài có thể đi. Một dakini màu đỏ viết một chữ YAM lên một khăn quàng, tượng trưng cho nguyên tố gió, và để nó phất phới trong không khí, rồi bảo ngài đặt chân phải lên đó. Ngài vừa chạm đến, thì trở lại trong thân và nhận ra ngài đang mơ.

Ngài đã ngủ một thời gian dài đến nỗi người ta nghĩ ngài đã chết. Cuối cùng khi ngài thức dậy, thầy của ngài hỏi tại sao ngài đã ngủ quá lâu. Ngài kể lại giấc mộng cho thầy nghe, vị này nói điều ấy rất tuyệt diệu, nhưng cũng lưu ý ngài giữ bí mật, e rằng nó trở thành một chướng ngại. Vị thầy nói với Tongjung rằng một ngày nào ngài sẽ là một vị thầy và rồi cho ngài một ban phước để gia trì cho những lời dạy tương lai của ngài.

Năm sau, Tongjung Thuchen đang trong nhập thất thì một buổi chiều có ba dakini thăm viếng ngài. Họ có những khăn quàng màu lục và chạm chúng vào chân ngài. Khi họ làm thế, ngài mất ý thức trong chốc lát và tỉnh dậy trong một giấc mộng.

Ngài thấy ba cái hang hướng về phía Đông. Một cái hồ đẹp ở trước các hang. Ngài đi vào trong hang giữa. Bên trong, hang được trang hoàng rất kỳ diệu bằng hoa. Ngài gặp ba đạo sư, mỗi vị mặc đồ khác nhau trong những y phục bí truyền để làm lễ nhập môn. Những dakini bao quanh họ, chơi những nhạc cụ, nhảy múa, dâng cúng, cầu nguyện và thực hiện những hoạt động thiêng liêng khác.

Ba đạo sư ban cho ngài những nhập môn để đánh thức ngài với trạng thái bổn nhiên, để khiến ngài nhớ lại những đời quá khứ của ngài và để cho phép ngài có thể dạy thực hành Chošd một cách thành công. Đạo sư ở giữa đứng lên và nói, “Con có tất cả những giáo lý thiêng liêng. Con đã nhận những quán đảnh nhập môn và chúng ta ban phước cho con có khả năng chỉ dạy.”

Bấy giờ đạo sư ngồi bên phải đứng lên và nói, “Chúng ta đã nhập môn cho con vào mọi giáo lý tổng quát, những triết học luận lý dùng để cắt đứt bản ngã, sự sử dụng tâm thức ý niệm để giải thoát những vọng tưởng, và vào những thực hành Chošd. Chúng ta ban phước cho con để con có thể dạy những thực hành này và làm cho chúng tương tục.”

Đạo sư bên trái đứng lên và nói, “Ta sắp ban cho con giáo lý tantra thiêng liêng ở trong tâm của mọi đạo sư Tây Tạng và Zhang Zhung. Chúng ta nhập môn cho con và ban phước cho con với những giáo lý này để con có thể giúp đỡ những người khác.”

Cả ba đạo sư là những đạo sư Bošn rất quan trọng đã sống vào khoảng cuối thế kỷ thứ bảy, năm trăm năm trước khi Tongjung Thuchen ra đời.

Một thời gian sau, khi thầy của Tongjung Thuchen đã qua đời, Tongjung Thuchen trở lại ngôi làng nhỏ của thầy mình và làm những nghi lễ và thực hành ở đó. Trong nhiều dịp, cả trong những kỳ thiền định và nhập thất ngắn, đã có những đạo sư khác nhau viếng thăm ngài trong những linh kiến. Ngài đã kinh nghiệm có thể thấy được trong thân ngài, với những kinh mạch và năng lực như pha lê trong suốt. Nhiều lần khi ngài đi, chân ngài không chạm mặt đất, và ngài có thể đi cực kỳ nhanh khi dùng thần lực của khí.

Bốn năm nữa trôi qua, vị dakini màu nâu ngài đã gặp trong giấc mộng, sự biểu lộ của Sippe Gyalmo, đã nói với ngài họ sẽ gặp lại năm năm sau và thời gian đã tới. Một hôm ngài có một giấc ngủ ngắn và trong giấc ngủ ngài cầu nguyện đến tất cả các đạo sư. Khi thức dậy, ngài nhìn vào bầu trời trong sáng không thể tưởng. Một ngọn gió nhẹ nổi lên và hai dakini đến, cỡi trên gió, và nói với ngài rằng ngài đi cùng với họ.

Đồng hành với họ, ngài đến một cuộc hội họp những dakini, cũng những dakini từ nhiều xứ sở mà ngài đã từng gặp năm năm về trước. Ngài nhận những trao truyền và giải thích về những thực hành Chošd và Tantra Mẹ. Những dakini tiên đoán rằng trong tương lai, một thời gian sẽ đến, khi những bồ tát và mười hai đạo sư xuất hiện và đó là thời gian Tongjung Thuchen sẽ dạy. Mỗi dakini có một lời hứa giúp ngài trong việc giảng dạy. Một vị nói rằng bà sẽ hoạt động như một hộ pháp của những giáo lý, một vị khác nói bà sẽ ban phước cho những giáo lý, vị tiếp theo nói bà sẽ bảo vệ những giáo lý khỏi sự sai lầm v.v... Sippe Gyalmo cũng cam kết hoạt động như một người che chở cho những giáo lý. Lần lượt, mỗi vị của chúng hội dakini nói với ngài những trách nhiệm nào họ sẽ đảm nhận để giúp cho sự tỏa rộng của những giáo lý, và họ nói với ngài rằng những giáo lý sẽ tỏa rộng khắp mười phương như những tia sáng mặt trời, đến mọi vùng của thế giới. Lời tiên tri này là một điều quan trọng làm phấn khích cho những ai ngày nay học những thực hành ấy, bởi vì chúng ta biết rằng chúng sắp truyền rộng khắp trái đất.

Những giấc mộng của Tongjung Thuchen là những thí dụ tốt về những giấc mộng của sự sáng tỏ. Ngài đã nhận thông tin chính xác trong một giấc mộng về một giấc mộng quan trọng mà ngài sẽ có trong tương lai. Ngài đã nhận những giáo lý và những truyền pháp và được các dakini và các đạo sư khác giúp đỡ. Trong phần đời trẻ của ngài, dù ngài đã thành tựu, ngài không biết tiềm năng đầy đủ của ngài như một đạo sư cho đến khi điều đó được phát hiện cho ngài trong giấc mộng. Qua những ban phước ngài đã nhận trong giấc mộng, ngài đã thức tỉnh với những chiều kích khác nhau của tâm thức và đã nối kết lại với cái phần của chính ngài mà ngài đã học và phát triển trong những đời quá khứ. Ngài tiếp tục trưởng thành qua những giấc mộng của ngài, nhận những giáo lý và gặp gỡ với những đạo sư và dakini suốt cuộc đời ngài.

Thế thì điều ấy là cũng có thể đối với tất cả chúng ta. Là những hành giả, chúng ta sẽ tìm thấy một sự liên tục sẽ phát triển trong cái phần đời mà chúng ta tiêu cho giấc mộng. Điều này là giá trị trong hành trình tâm linh của chúng ta, vì giấc mộng trở thành một phần của một tiến trình đặc biệt tái nối kết chúng ta với con người sâu thẳm hơn của chúng ta, và làm trưởng thành sự phát triển tâm linh chúng ta.

 

4 Hai Mức Đôï của sự Thực Hành

Một đêm cách đây vài năm, tôi mơ thấy một con rắn trong miệng tôi. Tôi phun nó ra và thấy rằng nó đã chết ; thật hoàn toàn khó chịu. Một xe cứu thương đến nhà tôi và những y tá nói với tôi đó là con rắn độc và tôi sắp chết. Tôi nói, được, và họ đem tôi đến bệnh viện.

Tôi sợ và nói với họ tôi cần thấy một bức tượng Tapihritsa, đạo sư Đại Toàn Thiện, trước khi tôi chết. Những y tá không biết ngài là ai, nhưng họ chấp nhận và nói tôi nên đợi chết, nó giải thoát cho tôi. Nhưng rồi họ làm tôi ngạc nhiên khi đem đến một bức tượng. Lý do trì hỗn cái chết của tôi không có tác dụng lâu. Thế rồi tôi nói với họ rằng không làm gì có cái chết ; bây giờ đây là cái nạng chống của tôi. Và giây phút tôi nói điều đó, tôi thức dậy, tim đập nhanh.

Lúc đó là đêm trước Năm Mới và ngày hôm sau tôi phải bay đi Rome từ Houston. Cảm thấy không ổn sau giấc mộng, tôi nghĩ có lẽ tôi cần xem chuyện đó là nghiêm trọng và hỗn những chương trình du lịch của tôi. Tôi muốn có lời khuyên nhủ của thầy tôi, thế nên tôi đi ngủ lại và trong một giấc mộng sáng sủa tôi du lịch đến Lopon ở Népal và nói với ngài về giấc mơ quấy rối nọ.

Vào lúc đó, Houston đang bị lụt. Thầy tôi giải thích giấc mộng có nghĩa tôi tượng trưng cho Garuda, Kim Xí điểu, con chim huyền thoại có quyền lực với loài Naga (Rồng), những sinh linh giống con rắn ở dưới nước. Lopon nói rằng giấc mộng có nghĩa là chim Garuda đang chiến thắng những sinh linh dưới nước gây ra lụt lội. Sự giải thích này làm tôi cảm thấy tốt hơn ; ngày hôm sau tôi đi Rome như đã định. Đây là thí dụ dùng giấc mộng sáng sủa minh bạch cho một điều gì hiện thực, cho một quyết định.

Có lẽ tất cả điều này nghe có vẻ lạ lùng và khó tin, nhưng điểm thật sự là phát triển sự uyển chuyển mềm dẻo của tâm thức và phá thủng những biên giới trói buộc nó. Với sự uyển chuyển mềm dẻo hơn, chúng ta có thể chấp nhận tốt hơn cái gì sanh khởi mà không bị ảnh hưởng bởi những ước ao và tham muốn. Dù cho chúng ta còn bị giới hạn bởi nắm lấy và ghét bỏ, loại thực hành tâm linh này sẽ làm lợi lạc cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Nếu tôi thực sự sống trong sự chứng ngộ rằng không làm gì có cái chết và không có ai chết cả, bấy giờ tôi sẽ không tìm lời giải thích cho một giấc mộng như tôi đã làm trong trường hợp này, khi giấc mộng để lại cho tôi cảm giác lo âu. Sự tham muốn của chúng ta giải thích một giấc mộng đặt nền trên hy vọng và sợ hãi ; chúng ta muốn có cái hiểu để thay đổi cái gì đó. Khi bạn thấu hiểu, chứng ngộ bản tánh chân thật của bạn, bạn không tìm kiếm ý nghĩa, tìm kiếm để cho ai ? Vì bấy giờ bạn vượt khỏi hy vọng và sợ hãi, ý nghĩa của giấc mộng trở thành không quan trọng ; bạn chỉ đơn giản kinh nghiệm trọn vẹn bất cứ cái gì biểu lộ trong khoảnh khắc hiện tại. Bấy giờ không có giấc mộng nào có thể gây ra xao xuyến.

Yoga giấc mộng mở rộng trên toàn bộ cuộc đời chúng ta và áp dụng cho mọi chiều kích khác nhau của kinh nghiệm chúng ta. Nhưng cái này có thể dẫn đến một cảm thức xung đột giữa cái tri kiến triết lý cao nhất và một số giáo huấn. Một mặt, tri kiến là vô biên : những giáo lý áp dụng với cái bất nhị, với thực tại không quy ước, tuyên bố rằng không có gì để hoàn thành, rằng tìm kiếm là mất, rằng sự cố gắng đem người ta tách lìa khỏi bản tánh chân thật của chính mình. Nhưng cũng có những thực hành và giáo lý chúng chỉ có ý nghĩa trong khuôn khổ nhị nguyên, trong hy vọng và sợ hãi. Giáo huấn được ban cho về giải thích những giấc mộng, về làm an bình những hộ pháp địa phương, về những thực hành kéo dài tuổi thọ, và người học trò được yêu cầu thực hành với tinh tấn và giữ gìn sự tập chú của tâm thức. Có vẻ như chúng ta đang nghe nói về cả hai, rằng không có gì để thành tựu và rằng chúng ta cần làm việc rất khó nhọc.

Đôi khi sự lầm lẫn về điểm này dẫn một hành giả vào một lầm lẫn về thực hành. Câu hỏi khởi lên : “Nếu thực tại tối hậu là trống không những phân biệt, và nếu giải thoát được tìm thấy trong sự chứng ngộ bản tánh trống không này, thì bấy giờ tại sao tôi lại phải làm những thực hành nhắm vào những kết quả tương đối ?” Câu trả lời thì rất đơn giản. Bởi vì chúng ta đang sống trong một thế giới nhị nguyên, tương đối, nên chúng ta phải làm những thực hành có hiệu quả trong thế giới này. Trong hiện hữu sanh tử, những phân hai và những đối cực có ý nghĩa ; có đúng và sai, những cách tốt hơn và xấu hơn để hành động và suy nghĩ, đặt nền trên những giá trị của những tôn giáo, trường phái tâm linh, hệ thống triết lý, khoa học và văn hóa khác nhau. Hãy tôn trọng những hoàn cảnh mà bạn bị vướng mắc trong đó. Khi sống trong sanh tử, những thực hành quy ước được áp dụng và sự giải thích giấc mộng có thể rất hữu ích.

Tôi cần sự giải thích giấc mộng bởi vì tôi còn sợ chết. Nhưng điều quan trọng với tôi là biết rằng nhu cầu của tôi đặt nền trên sợ hãi, trên nhị nguyên, và khi tôi ở trong sự hiện diện bất nhị thì không có sợ hãi và không cần giải thích. Chúng ta sử dụng cái gì ích lợi cho hoàn cảnh trong đó chúng ta đang sống. Khi chúng ta thuần chỉ sống trong bản tánh của tâm thức, trạng thái trong đó thực tại thì thực sự không có một phân biệt, chia cách nào, bấy giờ chúng ta không cần làm những thực hành tương đối. Bấy giờ không cần giải thích giấc mộng bởi vì không cần hướng dẫn trở lại cho chính chúng ta, không có một cái ngã ích kỷ nào để hướng dẫn trở lại. Chúng ta không cần tham vấn một giấc mộng về tương lai, bởi vì không còn hy vọng hay sợ hãi. Chúng ta hoàn toàn hiện diện trong bất cứ cái gì khởi lên, không bỏ cũng không nắm. Chúng ta chẳng cần tìm kiếm ý nghĩa của giấc mộng, bởi vì chúng ta đang sống trong chân lý, trong sự thật.

Trong đời sống quy ước của chúng ta, chúng ta có những chọn lựa và có thể thay đổi những sự việc ; đó là tại sao chúng ta nghiên cứu những giáo lý, tại sao chúng ta thực hành. Khi chúng ta hiểu hơn và khéo léo thiện xảo hơn trong cuộc đời chúng ta, chúng ta trở nên uyển chuyển linh hoạt hơn. Chúng ta bắt đầu thực sự hiểu những việc mà chúng ta được dạy : sáng sủa minh bạch là gì, những kinh nghiệm của chúng ta như huyễn mộng ra sao, như thế nào khổ đau xảy tới, bản tánh chân thật của chúng ta là gì. Một khi chúng ta bắt đầu thấy cái chúng ta đang làm là một nguyên nhân cho khổ đau thêm nữa như thế nào, chúng ta có thể chọn lựa làm cái gì khác. Chúng ta càng sống càng mệt lữ bởi những bản sắc, nhân cách bó hẹp và những khuynh hướng lập đi lập lại chúng đưa chúng ta đến nhiều hơn nữa sự khổ đau không cần thiết. Chúng ta buông bỏ những trạng thái xúc tình tiêu cực, tự huấn luyện để hàng phục sự xao lãng phóng dật, và an trụ trong hiện diện thanh tịnh thuần khiết.

Cũng như thế với việc mộng. Có một sự tiến bộ trong thực hành. Khi thực hành được phát triển, sẽ khám phá rằng có cách khác để mộng. Bấy giờ chúng ta tiến về những thực hành giấc mộng không quy ước trong đó câu chuyện và những giải thích của nó không quan trọng nữa. Chúng ta làm việc trên những nguyên nhân của những giấc mộng hơn là bản thân những giấc mộng.

Không có lý do gì không dùng yoga giấc mộng để đạt được những mục tiêu thế gian. Một số những thực hành nhằm đến những quan tâm tương đối và dẫn đến sự sử dụng giấc mộng cho những mục tiêu như sức khỏe, dự đoán, hướng dẫn, tẩy sạch những khuynh hướng nghiệp không lành mạnh, chữa bệnh và vân vân. Con đường là thực dụng và thích hợp cho tất cả. Nhưng khi sử dụng yoga giấc mộng để làm lợi ích cho chúng ta trong thế giới tương đối là tốt, thì đó chỉ là một sự sử dụng tạm thời. Một cách rốt ráo, chúng ta muốn dùng giấc mộng để giải thoát chúng ta khỏi tất cả những điều kiện tương đối, chứ không chỉ cải thiện chúng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Mười 2015(Xem: 9117)
Trong một cơ duyên dịch giáo pháp của Đức Đạt Lai Lạt ma, tôi khắc ghi lời ngài rằng, nếu không có cái nhìn tổng thể, có thể đôi khi người thực hành sẽ thấy giáo pháp, những phương pháp thực hành mà đức Phật ban có nhiều điểm mâu thuẫn nhau. Thực ra tất cả giáo pháp, phương pháp thực hành của đức Thế Tôn đều mang pháp vị giải thoát. Đức Phật tuyên thuyết nhiều giáo pháp ứng hợp cho căn cơ của mỗi chúng sinh.
27 Tháng Tám 2015(Xem: 17941)
Hôm nay, 19-11-2010, tôi đã từng được yêu cầu nói về một số hiểu biết thông thường sai lạc về Phật Giáo. Và có nhiều thứ đa dạng khác nhau, với nhiều lý do khác nhau. Có một số đặc thù là văn hóa, hoặc là đối với văn hóa phương Tây, hay đối với Á châu và những nền văn hóa khác bị ảnh hưởng bởi sự suy nghĩ của phương Tây hiện đại. Có những hiểu biết sai lầm có thể đến từ những vùng văn hóa khác
27 Tháng Năm 2015(Xem: 12029)
Cuốn sách này gồm một hợp tuyển những tác phẩm của Longchen Rabjam (1308-1363) về Dzogpa Chenpo (S. mahasandhi, Việt : Đại Toàn Thiện). Những bản dịch có một giới thiệu chi tiết căn cứ chặt chẽ trên kinh điển và những giải thích truyền thống về phương diện bí truyền sâu xa nhất của Phật giáo.
01 Tháng Hai 2015(Xem: 15432)
Sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng có những nét đặc thù mà có lẽ không nước nào khác trên thế giới có được. Vào năm 641 vua Đường Thái Tông của Trung Hoa gã công chúa Văn Thành cho vua Tây Tạng. Vị công chúa này là người thông minh, có học và là một Phật tử thuần thành.