Chương 18: Sáu Loại Khổ

10 Tháng Chín 201200:00(Xem: 10436)

Tsongkhapa
ĐẠI LUẬN VỀ
GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 1
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Thượng)
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎

Chương 18: Sáu Loại Khổ

(b) Suy ngẫm về sáu loại khổ

(i) Khuyết điểm về tính không chắc chắn

(ii) Khuyết điểm về tính không thể toại nguyện được

(iii) Khuyết điểm về việc phải bỏ thân thể lặp đi lặp lại

(iv) Khuyết điểm về việc phải tái sinh lặp đi lặp lại

(v) Khuyết điểm của việc phải giáng hạ xuống thấp lặp đi lặp lại

(vi) Khuyết điểm của việc không có bạn đồng hành

 

–––\–––

 

(b) Suy ngẫm về sáu loại khổ

 “Bằng Hữu Thư Thích” [của ngài Mahāmati {tên dịch nghĩa: Đại Trí}] nói có bảy loại khổ, nhưng bởi vì cái khổ thứ bảy chỉ khẳng định lại mỗi sai sót một lần nữa nên ở đây quý vị suy ngẫm sáu loại thôi.

 

(i) Khuyết điểm về tính không chắc chắn

Trong khi quý vị trôi lăn trong sinh tử luân hồi, những thân quyến như cha mẹ trở thành kẻ thù trong những đời khác, trong khi kẻ thù trở thành thân quyến. Tương tự, cha quý vị trở thành con trai của quý vị và con trai trở thành cha; mẹ quý vị trở thành vợ quý vị và vợ thành mẹ. Bởi vì không có gì khác ngoài một chuỗi liên tục các thay đổi như vậy nên quý vị không thể nương cậy vào đâu được. Trong Bằng Hữu Thư:[1]

 

Không có gì chắc chắn cho những ai còn trong luân hồi

Bởi vì cha thành con, mẹ thành vợ,

Kẻ thù thành bạn,

Và điều ngược lại cũng xảy ra.

 

Ngay trong đời này, kẻ thù trở thành bạn và ngược lại. Đồng Tử Vấn Mật Điển nói:[2]

 

Trong một thời gian ngắn, kẻ thù có thể thành bạn

Và bạn có thể thành kẻ thù.

Cũng vậy, cả bạn lẫn thù đều có thể thành kẻ bàng quan,

Trong khi những người trước đây bàng quan có thể thành kẻ thù

Hoặc bạn thân thiết.

Biết được điều này, kẻ trí chẳng kết dây luyến ái.

Họ từ bỏ ý nghĩ vui thích với bạn bè

Và hài lòng tập trung vào đức hạnh.

 

Bằng cách thiền quán về điều này, quý vị nên ngăn chặn không để cho luyến ái và thù nghịch phát khởi từ việc phân biệt bạn và thù. Hãy ý thức rằng trong các hiện tượng của luân hồi, tuyệt đối không thể tin được điều gì. Đừng để mình bị mê hoặc nữa.

 

(ii) Khuyết điểm về tính không thể toại nguyện được

Bằng Hữu Thư dạy:[3]

 

Mỗi người trong chúng ta đã uống sữa

Nhiều hơn là số lượng có thể chứa đầy bốn biển; vậy nhưng

Những ai trong dòng luân hồi hành động như kẻ phàm phu[4]

Lại có ý định uống nhiều hơn số lượng đó nữa.

 

Suy nghĩ về điều này: mỗi chúng sinh trong quá khứ đã uống rất nhiều sữa mẹ, và tuy thế – lại không chịu tu tập đạo giải thoát – trong tương lai sẽ lại uống thêm nhiều như vậy. Đây chỉ là một thí dụ mà thôi. Khi quý vị suy ngẫm về việc quý vị đã chẳng thiếu gì những kinh nghiệm về những điều kỳ thú và những khổ ải của sinh tử luân hồi, quý vị không nên để cho mình bị mê hoặc nữa. Quý vị chìm đắm vào hưởng lạc để tìm sự thỏa mãn, tuy nhiên, với các hưởng lạc thế gian, cho dù quý vị hưởng thụ bao nhiêu chăng nữa, quý vị cũng không bao giờ thỏa mãn. Do đó, hết lần này đến lần khác sự ham muốn của quý vị tăng thêm, và vì lý do đó, quý vị lang thang bao nhiêu đời kiếp trong sinh tử luân hồi. Trong khoảng thời gian dài vô lượng quý vị sẽ trải qua khổ đau không thể chịu đựng nổi, khổ đau mà những dục lạc kia sẽ không đền bù được trong muôn một. Trong Bằng Hữu Thư:[5]

 

Giống như người cùi bị giòi bọ hành hạ

Lại gần lửa để giảm đau

Nhưng chẳng được bình yên, nên ngươi phải hiểu thấy

Tham luyến thú vui nhục dục cũng đều như vậy.

 

Ba-la-mật-đa Tập Luận cũng nói:[6]

 

Ngươi được cái ngươi muốn,

Dùng cho hết, rồi lại kiếm thêm,

Và ngươi vẫn không thỏa mãn,

Còn có gì bệnh hoạn hơn vậy không?

 

Đệ Tử Thư của ngài Nguyệt Quan nói:[7]

 

Có chúng sinh nào chưa từng sinh ra đời hàng trăm lần?

Có hưởng thụ nào đã không trải nghiệm vô số lần?

Có thứ xa hoa nào, như quạt bằng đuôi yak[8] màu trắng tuyệt vời, mà họ lại chưa có?

Tuy vậy, ngay cả khi họ có, tâm luyến ái vẫn tiếp tục tăng trưởng.

Chẳng có khổ đau nào họ không nhiều lần trải qua.

Những thứ họ ham muốn không làm họ thỏa mãn.

Không có chúng sinh nào chưa từng ngủ trong bụng họ.

Vậy tại sao họ không từ bỏ được tham luyến luân hồi?

Hãy suy nghĩ về điều này.

 

Hơn nữa, quý vị sẽ thật tỉnh mộng [đối với luân hồi] nếu quý vị quán chiếu về điều Phiền Não Giảm Khinh (Śoka-vinodana) nêu lên:[9]

 

Hết lần này tới lần khác trong các địa ngục

Ngươi đã uống nước đồng sôi –

Nhiều đến nỗi ngay cả nước trong đại dương

Cũng không thể so sánh được. [223]

 

Đồ dơ bẩn mà ngươi đã ăn

Khi làm chó hoặc làm heo

Chất thành đống rộng lớn hơn cả

Núi Tu-di, vua của các núi.

 

Vì mất người thương và bè bạn

Ngươi đã nhỏ biết bao nhiêu lệ

Trong các cõi sinh tử luân hồi

Đến nỗi đại dương không chứa hết.

 

Đầu bị cắt

Khi đánh giết lẫn nhau,

Nếu chất thành đống

Sẽ cao hơn cõi trời Phạm Thiên.

 

Ngươi đã từng làm con sâu

Và, vì tham ăn, ngươi đã ăn chất bầy nhầy cáu bợn nhiều đến nỗi

Nếu đem đổ vào đại dương

sẽ làm đầy ắp biển cả.

 

Do đó, Phẩm Hoa Nghiêm nêu lên:[10]

 

Hãy nhớ những thân nhiều vô số trong quá khứ,

Mà ngươi, vì tham dục, đã bỏ phí một cách vô nghĩa;

Bây giờ trong đời này hãy thực sự mưu cầu giác ngộ;

Hãy hành xử theo giới luật và nhờ đó diệt trừ tham dục.

 

Hãy nhớ những thân nhiều vô số trong quá khứ,

Mà ngươi, vì tham dục, đã bỏ phí một cách vô nghĩa lý.

Đã bao lần nhiều như số cát sông Hằng

Ngươi đã không làm hoan hỉ chư Phật và lơ là giáo pháp của các ngài như pháp này đây.

 

Ngay cả khi quý vị có được những thứ kỳ thú lớn lao của kiếp sống luân hồi, chúng sẽ là huyễn ảo. Hãy ghi khắc trong tâm những thân nhiều vô số mà quý vị đã bỏ phí trong quá khứ, phải trải qua vô lượng đau khổ mà không có ý nghĩa gì cả. Hãy suy xét rằng mọi việc sẽ tiếp tục như vậy trừ khi quý vị nỗ lực tìm cách chấm dứt chúng. Hãy phát khởi một ý thức tỉnh thức, không để mình bị mê hoặc. Jen-nga-wa nói:

 

Các vị thầy tôn kính, từ vô thỉ tới nay các ngài đã có bao nhiêu thân? Giờ đây, bởi vì các ngài chưa bao giờ thực hành giáo pháp Đại Thừa, các ngài phải chuyên cần tu tập.

 

Sang-pu-wa (gSang-phu-ba) nói:

 

Trong dòng sinh tử luân hồi này có rất nhiều khúc quanh rủi may; đừng đặt hy vọng ở nơi đó.

 

Hãy quán chiếu cho tới khi quý vị phát khởi được cách suy nghĩ như vậy; sau khi đã phát triển được suy nghĩ này, quý vị phải tiếp tục duy trì nó trong thiền quán.

 

(iii) Khuyết điểm về việc phải bỏ thân thể lặp đi lặp lại

Trong Bằng Hữu Thư: [11]

 

Mỗi người chúng ta đã bỏ lại đống xương

Sẽ làm núi Tu-di trông bé nhỏ. [224]

 

Nếu xương mỗi chúng sinh bỏ đi khi lấy thân mới không mất đi thì số xương này sẽ che khuất cả núi Tu-di.

 

(iv) Khuyết điểm về việc phải tái sinh lặp đi lặp lại

 

Trong Bằng Hữu Thư:[12]

Nếu ngươi tìm kiếm hạn lượng của các bà mẹ bằng cách đếm các hạt bụi đất

Kích thước bằng hột cây bách xù thì trái đất này cũng không đủ.

 

Những học giả trước đây coi câu trên có nghĩa là mỗi một viên bụi đất đại diện cho một chúng sinh đã từng là mẹ của ta, nhưng giải thích này không đúng. Lời “Bằng Hữu Thư Thích[13] trích dẫn một bài kinh cho thấy rằng câu trên nhắc đến tổ tiên bên họ mẹ, từ mẹ tới mẹ của mẹ mình, và cứ tiếp tục như vậy:

 

Này các thầy tì kheo, tỉ dụ như nếu có người lấy từ trái đất rộng lớn này những viên bụi đất kích thước bằng hột bách xù rồi để sang một bên, và nói rằng: “Đây là mẹ ta, và đây là mẹ của mẹ ta”; này các thầy tì kheo, đất của trái đất rộng lớn này sẽ hết đi, nhưng dòng tổ tiên bên mẹ vẫn chưa hết.

 

Lại nữa, cách hiểu của các học giả khi trước là sai lầm vì luận thích của ngài Long Thọ nói “hạn lượng của các bà mẹ”.

Quý vị nên hiểu phương cách mà điều này khiến quý vị tỉnh ngộ. Tứ Bách Kệ Tụng nói:[14]

 

Ngươi không thể thấy nguyên nhân tiên khởi

Của ngay cả một kết quả thôi;

Những nguyên nhân của một kết quả thôi cũng bao la biết chừng nào,

Thấy vậy, ai lại không kinh sợ?

 

Về điểm này luận của ngài Nguyệt Xứng nói:[15]

 

Thật đúng để nuôi dưỡng một ý thức tỉnh ngộ không nguôi, và cách hành xử tương xứng khi trực diện với chốn hoang dã mênh mông này – dòng luân hồi – nơi sự đi lại vốn khó khăn vì rừng rậm vô minh mà tầm mức của nó không thể đo lường được.

 

(v) Khuyết điểm của việc phải bị giáng hạ tái lặp

Tác phẩm Bằng Hữu Thư: [16]

 

Đã làm Trời Đế Thích, xứng đáng để thế gian tôn kính, ngươi vẫn sẽ rơi

Một lần nữa xuống trái đất vì nghiệp lực trong quá khứ.

Ngay cả khi đã làm một vị Chuyển Luân Vương,

Ngươi sẽ một lần nữa thành nô lệ của các chúng sinh khác trong dòng luân hồi.

 

Cho dù lâu nay ngươi trải qua các lạc thú

Vuốt ve ngực và eo của các thiên nữ siêu phàm

Ngươi sẽ lần nữa gặp những cảm xúc không hề chịu được [225]

Vì bị xay nghiền, cắt chém, và xé thịt bởi các vật tra tấn ở địa ngục.

 

Đã bao lâu ngự trên đỉnh núi Tu-di,

Hưởng thụ cảm xúc êm ái của đất mềm mại dưới chân,

Hãy tưởng đến nỗi đau đớn không chịu nổi

Vì phải lần nữa bước đi trên than nóng và tử thi xé nát dưới địa ngục.

 

Đã từng nô đùa trong những lùm cây xinh đẹp

Và hưởng thụ vòng tay ôm ấp của các thiên nữ siêu phàm,

Ngươi sẽ lần nữa tới các khu rừng địa ngục,

Nơi ấy, lá là gươm đao xẻ đứt tai, mũi, tay chân.

 

Dù ngươi đã vào đến Diệu Lưu Hà [Sông Chảy Diệu Dàng]

Với những nữ thần xinh đẹp và hoa sen vàng,

Ngươi lại lần nữa lao xuống địa ngục vào trong nước bỏng –

Loại nước không chịu nổi của Bất Khả Quá Giang [Dòng Sông Không Thể Đi Qua Được].

 

Đã hưởng các lạc thú lớn của một vị trời

Trong cõi dục, hoặc hạnh phúc không tham luyến của Trời Phạm Thiên,[17]

Một lần nữa ngươi lại làm nhiên liệu cho lửa

Của Địa Ngục Vô Gián, chịu đau đớn không ngừng nghỉ.

 

Đã là thần mặt trời hoặc mặt trăng,

Soi sáng toàn vũ trụ bằng ánh sáng thân mình,

Một lần nữa ngươi sẽ trở về bóng tối đen, dầy đặc,

Nơi ngươi không thể nhìn thấy ngay cả bàn tay xòe ra.

 

Ba dụng cụ để xay nghiền, cắt chém, và xé thịt là những dụng cụ lần lượt của các địa ngục Chúng Hợp, Hắc Thằng, và Đại Nhiệt. Được các thiên nữ chăm sóc có nghĩa là được các nữ thần phục vụ. Các “lạc thú của chư thần trong cõi dục” là để chỉ các vị thần trong cõi dục từ tầng Trời Thứ Ba Mươi Ba trở lên. Ở đây ánh sáng của mặt trời và mặt trăng được diễn tả bằng những từ ngữ quen thuộc với người thường mà không phân biệt vật hỗ trợ – cung điện của vị thần – và nhân vật được hỗ trợ – vị thần; nếu quý vị phân biệt những thứ này thì ánh sáng là ánh sáng từ các cung điện của mặt trời và mặt trăng.

Xem xét mọi cách mà quý vị có thể rớt từ chỗ cao xuống chỗ thấp – như được minh họa bằng những thí dụ này – quý vị sẽ không còn say mê sinh tử luân hồi nữa, bởi vì tất cả những điều kỳ thú của dòng luân hồi cuối cùng sẽ đều sụp đổ. Như Cơ Sở Giới Luật nêu lên:[18]

 

Kết cuộc của những thứ {thiện nghiệp} đã tích lũy được là sự cạn kiệt.

Kết cuộc của những thứ trên cao là rơi rớt xuống.

Kết cuộc của gặp gỡ là chia lìa.

Kết cuộc của cuộc sống là cái chết.

 

 

(vi) Khuyết điểm của việc không có đạo hữu

Trong Bằng Hữu Thư:[19]

 

Bằng cách này, ngươi sẽ bị sầu khổ.

Cho nên hãy lấy ánh sáng của ngọn đèn ba công đức;

Bằng không ngươi sẽ lẽ loi đi vào bóng tối vô tận

Mà cả mặt trời lẫn mặt trăng đều không thể chiếu soi.

 

 “Ngươi sẽ bị sầu khổ” có nghĩa là “Hãy biết rằng quý vị phải chết như ta đã chỉ cho quý vị thấy khi trước, và lấy ánh sáng công đức”. “Ba loại công đức” chỉ công đức của thân, khẩu hoặc ý, hoặc chỉ ba nền tảng mà từ đó công đức phát sinh – bố thí, v.v.... “Bóng tối vô tận” chỉ bóng tối của vô minh.

Bàn về việc không có bạn đồng hành, Nhập Bồ-đề Hành Luận nói:[20]

 

Thân thể này hiện tại đầy đủ, tuy nhiên

Thịt xương đi với thân này

Sẽ chia lìa và tan rã.

Bởi thân này như vậy,

Còn đề cập những điều khác, như những người thân yêu làm gì?

 

Do đó, sáu khuyết điểm này bao gồm ba loại:

 

1) Trong dòng luân hồi, không có một cơ sở vững chắc nào mà quý vị có thể trông cậy được

2) Dù quý vị buông thả trong các lạc thú của luân hồi bao nhiêu, cuối cùng chúng cũng không đem lại thỏa mãn.

3) Quý vị đã bị vướng vào sinh tử luân hồi từ vô thỉ.

 

Khuyết điểm đầu tiên gồm có bốn phần:

 

1) Không có sự an toàn nào trong việc có được thân, bởi vì quý vị bỏ thân tái lặp nhiều lần.

2) Không có sự an toàn nào trong các tác nhân giúp ích hoặc làm hại, bởi vì các tác nhân này không chắc chắn.

3) Không có sự an toàn nào trong việc đạt được một tình trạng tuyệt vời, bởi vì cái gì ở trên cao sẽ xuống thấp.

4) Không có sự an toàn nào nơi các bạn đồng hành, bởi vì vào lúc chết quý vị ra đi không có bạn đồng hành.

 

Điểm thứ ba trong bốn điều nêu trên chỉ việc phải tái sinh lặp đi lặp lại; không có giới hạn nào cho dòng tái sinh cả. Cũng suy ngẫm về đau khổ theo cách sắp xếp ba phần này.



[1]BA480 Suhṛl-lekha: 66; P5682: 236.5.5.

[2]BA481 Subāhu-paripṛcchā-tantra, {Tên Phạn đầy đủ Ārya-subāhu-paripṛcchā-nāma-mahāyānā-sūtra} P428: 35.3.5-6.

[3]BA482 Suhṛl-lekha: 67; P5682: 236.5.5-6.

[4]BA483 Cách diễn tả ở đây (so so yi skye bo’i rjes su ‘brangs pa’i ‘khor ba pa) gợi ý rằng một số phàm phu có thể đi theo cách thức của bậc thánh và như thế, bằng cách bắt chước gần giống như cách hành xử của bậc thánh, đạt gần tới tình trạng của các vị.

[5]BA484 Suhṛl-lekha: 26; P5682: 235.5.8-236.1.1.

[6]BA485 Pāramitā-samāsa: 27; P5340: 16.3.4.

[7]BA486 Śiṣya-lekha: 90-91; P5683: 240.5.2-3.

[8]Nhắc lại, Yak là loại bò lông dài ở Tây Tạng, chịu được khí hậu rất lạnh. Người ta nuôi yak để chở đồ và để lấy sữa và thịt. Da yak dùng để may giầy, quần áo, và che lều; phân yak dùng để làm củi. Quạt làm bằng đuôi yak màu trắng được coi là thứ đồ quí hiếm.

[9]BA487 Śoka-vinodana, P5677: 232.1.6-232.2.1. Được cho là của Mã Minh {skt. Aśvaghoṣa –còn có tên Hán-Việt là Trừ Ưu} trong P.

[10]BA488 Tsongkhapa có trích dẫn một bản Gaṇḍa-vyūha-sūtra có phần khác với P761: 299.3.1-3. So sánh với Vaidya 1960c 390.

[11]BA489 Suhṛl-lekha: 68ab; P5682: 236.5.6-7.

[12]BA490 Ibid., 68ab; P5682: 236.5.7.

[13]BA491 Vyakta-padā-Suhṛl-lekha-ṭīkā, {Còn có tên là Minh Cú Luận} P5690: 264.5.2-4.

[14]BA492 Cś: 7.10; P5246: 136.5.3-4.

[15]BA493 Bodhisattva-yogā-caryā-Catuḥ-śataka-ṭīkā, {Bồ-tát Du-già Hạnh Tứ Bách Luận Thích} P5266: 226.2.1-5.

[16]BA494 Suhṛl-lekha 69-75; P5682: 236.5.7-237.1.7.

 [17]BA495 Các thần thể dạng Trời {Phạm Thiên} sống bên ngoài dục giới; ở đó không có tham muốn nhục dục và không có phụ nữ. Zahler và đồng tác giả (1983) nói rằng những vị trời này ở trong cõi thiền thứ nhất của sắc giới (Rupadhatu); những tài liệu khác (Kloetzli 1983: 29-30, 45-50) lại gợi ý rằng tất cả các tầng của sắc giới có thể được gọi chung là thế giới Phạm Thiên (Brahmāloka). Một tài liệu khác (Lozang Jampal và đồng tác giả 1981:42, n.15) cho rằng từ “Brahmā” trong dòng đặc biệt này chỉ tất cả các chúng sinh trong cõi sắc và vô sắc giới (aupadhatu).

[18]BA496 Vinaya-vastu (‘Dul ba lung), P1030:50.2.5.

[19]BA497 Suhṛl-lekha: 76; P5682: 237.1.6-7.

[20]BA498 BCA: 8.32-33; P5272: 255.2.3-4.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Mười 2015(Xem: 9117)
Trong một cơ duyên dịch giáo pháp của Đức Đạt Lai Lạt ma, tôi khắc ghi lời ngài rằng, nếu không có cái nhìn tổng thể, có thể đôi khi người thực hành sẽ thấy giáo pháp, những phương pháp thực hành mà đức Phật ban có nhiều điểm mâu thuẫn nhau. Thực ra tất cả giáo pháp, phương pháp thực hành của đức Thế Tôn đều mang pháp vị giải thoát. Đức Phật tuyên thuyết nhiều giáo pháp ứng hợp cho căn cơ của mỗi chúng sinh.
27 Tháng Tám 2015(Xem: 17940)
Hôm nay, 19-11-2010, tôi đã từng được yêu cầu nói về một số hiểu biết thông thường sai lạc về Phật Giáo. Và có nhiều thứ đa dạng khác nhau, với nhiều lý do khác nhau. Có một số đặc thù là văn hóa, hoặc là đối với văn hóa phương Tây, hay đối với Á châu và những nền văn hóa khác bị ảnh hưởng bởi sự suy nghĩ của phương Tây hiện đại. Có những hiểu biết sai lầm có thể đến từ những vùng văn hóa khác
27 Tháng Năm 2015(Xem: 12029)
Cuốn sách này gồm một hợp tuyển những tác phẩm của Longchen Rabjam (1308-1363) về Dzogpa Chenpo (S. mahasandhi, Việt : Đại Toàn Thiện). Những bản dịch có một giới thiệu chi tiết căn cứ chặt chẽ trên kinh điển và những giải thích truyền thống về phương diện bí truyền sâu xa nhất của Phật giáo.
01 Tháng Hai 2015(Xem: 15429)
Sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng có những nét đặc thù mà có lẽ không nước nào khác trên thế giới có được. Vào năm 641 vua Đường Thái Tông của Trung Hoa gã công chúa Văn Thành cho vua Tây Tạng. Vị công chúa này là người thông minh, có học và là một Phật tử thuần thành.