Chương 6: Nuôi Dưỡng Bồ-đề Tâm

11 Tháng Chín 201200:00(Xem: 6780)

Tsongkhapa
ĐẠI LUẬN VỀ
GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 2
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Trung)
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎

Chương 6: Nuôi Dưỡng Bồ-đề Tâm

b’ Duy trì và không làm suy yếu những gì quý vị đã đạt được

1’ Việc rèn luyện giới luật khiến quý vị không làm suy yếu tâm giác ngộ trong đời này

a’’ Việc rèn luyện giới luật để nhớ lại những lợi ích của Bồ-đề tâm

nhằm tăng sức mạnh sự nhiệt tình của quý vị cho nó

b’’ Việc rèn luyện giới luật để phát khởi tâm giác ngộ sáu lần mỗi ngày nhằm tăng cường Bồ-đề tâm thực sự

1’’ Kiên cường phát triển Bồ-đề tâm nguyện

2’’ Rèn luyện nâng cao Bồ-đề tâm nguyện

c’’ Rèn luyện giới luật để không có ý từ bỏ chúng sinh, mà là vì lợi ích của họ, quý vị phát triển tâm giác ngộ

d’’ Việc rèn luyện giới luật để tích lũy các tư lương công đức và trí tuệ siêu phàm

2’ Rèn luyện giới luật khiến cho quý vị cũng không bị tách rời với tâm giác ngộ trong kiếp sống tương lai

a’’ Tu tập trong giới luật để loại bỏ bốn hành vi đen tối vốn làm suy yếu tâm giác ngộ

b’’ Rèn luyện giới luật để áp dụng bốn thực hành trong sáng giữ cho tâm giác ngộ khỏi suy yếu

c’ Phương pháp tu sửa Bồ-đề tâm nếu quý vị làm suy yếu nó

 

–––––––––––––\–––––––––––––

 

b 'Duy trì và không làm suy yếu những gì quý vị đã đạt được

Quý vị cần phải biết các giới luật, vì vậy tôi sẽ giải thích chúng. Điều này có hai phần:

1. Việc rèn luyện giới luật khiến quý vị không làm suy yếu Bồ-đề tâm trong đời này

2. Rèn luyện giới luật khiến cho quý vị cũng không bị tách rời với tâm giác ngộ trong kiếp sống tương lai

 

1’ Rèn luyện giới luật khiến quý vị không làm suy yếu Bồ-đề tâm trong đời này

Việc rèn luyện giới làm cho quý vị không làm suy yếu tâm giác ngộ trong đời này có bốn phần:

1. Việc rèn luyện giới luật để nhớ lại những lợi ích của tâm giác ngộ nhằm làm tăng sức mạnh của sự nhiệt tình của quý vị cho tâm đó

2. Việc rèn luyện giới luật để phát khởi tâm giác ngộ sáu lần mỗi ngày nhằm tăng cường Bồ-đề tâm thực sự

3. Việc rèn luyện giới luật không phải là để từ bỏ chúng sinh một cách tinh thần mà vì lợi ích phát triển tâm giác ngộ

4. Việc rèn luyện giới luật để tích lũy các tư lương công đức và trí tuệ siêu phàm

 

a’’ Việc rèn luyện giới luật để nhớ lại những lợi ích của tâm giác ngộ nhằm làm tăng sức mạnh của sự nhiệt tình của quý vị cho tinh thần đó

Hãy nghĩ đến những lợi ích của tâm giác ngộ, sau khi quý vị đã hoặc nghiên cứu chúng trong các kinh điển hoặc lắng nghe chúng từ đạo sư của mình. Chúng được giải thích chi tiết trong các Phẩm Hoa Nghiêm, nên hãy xem xét từ đó.[1] Như đã nêu trên[2] văn bản này cho biết: “tâm giác ngộ giống như hạt giống của tất cả các phẩm chất Phật”, và kinh cũng khẳng định: “tâm giác ngộ tựa như một bản tổng kết bởi vì nó bao gồm tất cả các Bồ-tát hành và những nguyện ước”. [327] Đó là một “tổng kết” theo ý nghĩa rằng tất cả mọi việc được biên dịch thành một chỉ dẫn ngắn gọn, mặc dù có vô tận các giải thích chi tiết về các phần. Giống như một tổng kết của các bộ phận này, được cho là một tóm tắt trong đó đem đến tập hợp các điểm mấu chốt của tất cả các Bồ-tát đạo.

Những lợi ích được đề cập trong các Bồ-tát Địa[3] là những điều về Bồ-đề tâm nguyện. Bộ luận đó dạy hai lợi ích cho thế hệ ổn định đầu tiên của Bồ-đề tâm: trở thành một miền đất tinh khiết để tích lũy công đức và nhận đầy đủ công đức hộ vệ.

 

Lợi ích đầu tiên, việc trở thành một miền đất tinh khiết để tích lũy công đức, là như sau. Như Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy: “và được tôn kính trong thiên giới và nhân giới”,[4] quý vị trở thành một đối tượng tôn thờ cho tất cả chúng sinh lập tức sau khi quý vị đã phát triển Bồ-đề tâm. Ứng theo với tuyên thuyết rằng ngay sau khi phát triển tâm giác ngộ, quý vị vượt qua tất cả các đại A-la-hán trong dòng truyền thừa của mình, quý vị trở nên cao cấp và cao nhất. Ngay cả khi quý vị thực hiện một hành động nhỏ có công đức, nó mang lại cho các hậu quả vô lượng, vì vậy quý vị là một miền đất cho việc tích lũy công đức. “Như tất cả các thế giới phụ thuộc vào ngươi, ngươi cũng giống như địa tạng {đất}”. Vì vậy, quý vị giống như một người cha cho tất cả chúng sinh.

Lợi ích thứ hai, việc nhận đầy đủ công đức hộ vệ, là như sau. Khi quý vị luôn được bảo vệ thông qua đấng hộ pháp, vốn nhiều gấp hai lần số lượng của những người sống trong đất nước của Chuyển Luân Vương, quý vị có thể không bị tổn hại bởi Dạ-xoa {skt. yakṣa}[5] hoặc các thổ thần ngay cả khi quý vị đang ngủ, say rượu, hoặc bất cẩn. Các Mật và thần chú kiến thức vốn có thể chữa trị dịch bệnh, thương tích, và nhiễm trùng nhưng vốn không có hiệu quả trong tay của chúng sinh lại trở nên có hiệu quả khi một ai đó với một sự phát khởi ổn định của tâm giác ngộ sử dụng đến chúng. Tại sao lại đề cập đến mật chú hoạt hóa khi được sử dụng bởi các chúng sinh? Bồ-tát Địa dạy rằng khi tâm giác ngộ của quý vị ổn định, quý vị cũng có thể dễ dàng hoàn tất các tích lũy tư lương của các hành vi – an bình và vv...[6]. Vì vậy, nếu quý vị có điều này, quý vị cũng nhanh chóng hoàn thành các tri thức tinh thần thông thường. Bất cứ nơi nào quý vị đang ở, nơi đó sẽ phát sinh sự vô ngại {không sợ hãi}, không có đói kém và không gây thiệt hại cho các chúng sinh không phải là con người cũng như là quý vị sẽ dập tắt những việc như vậy đã xảy ra. [328] Ngoài ra, sau khi chết, quý vị sẽ có ít rắc rối, và quý vị sẽ được khỏe mạnh tự nhiên trong cuộc sống tiếp theo của mình; ngay cả khi một số tác hại phát sinh, nó sẽ không kéo dài hoặc trở nặng. Khi quý vị tham gia vào các phúc lợi của cuộc sống chúng sinh – như thí pháp, vv… – cơ thể của quý vị sẽ không cảm thấy mệt mỏi, quý vị sẽ không hay quên, cũng như tâm trí của quý vị sẽ không bị thoái hóa.

Nếu quý vị là một trong những người trì giữ trong truyền thừa Bồ-tát, tự nhiên quý vị ít có xu hướng rối loạn chức năng, một khi quý vị đã phát triển tâm giác ngộ, những khuynh hướng rối loạn chức năng của tâm và thân của quý vị là cực kỳ nhẹ. Quý vị kiên nhẫn và tế nhị, nên nếu một người nào đó làm hại quý vị, quý vị chịu đựng được và không gây hại trở lại. Nếu quý vị thấy người khác làm tổn thương nhau, quý vị rất không hài lòng. Quý vị ít khi giận dữ, ghen tuông, không gạt gẫm, che giấu, và vv…, nếu những ứng cảm đó phát sinh, chúng không mãnh liệt, không kéo dài, và nhanh chóng tan biến.

Thật khó khăn cho quý vị để được tái sinh trong các giới đau khổ, ngay cả khi quý vị được tái sinh ở đó, quý vị sẽ nhanh chóng được giải thoát. Ngay cả trong khi ở đó, đau khổ của quý vị sẽ được nhẹ và vì nó quý vị sẽ rất thất vọng về luân hồi và phát khởi lòng từ bi cho chúng sinh ở đó.

Nếu công đức của Bồ-đề tâm đã được hình thành, nó sẽ thậm chí không còn vừa trong bầu trời. Công đức cúng dường vật chất lên đức Phật cũng không bằng được thậm chí chỉ một phần của nó. Những câu hỏi của Vô Úy Thọ Gia Trưởng Vấn Kinh (Vīradatta-gṛha-pati-paripṛcchā-sūtra):[7]

 

Nếu bất cứ công đức nào thu được

Từ tâm giác ngộ mà có hình tướng

Nó sẽ lấp đầy lên toàn bộ bầu trời

Và sau đó vượt quá trời cao.

Nếu có ai phủ đầy các cõi Phật

Bằng châu báu của cải thật nhiều

Ví như cát của sông Hằng sâu rộng

Và cúng dường đấng Hộ pháp Thế gian,

Công đức đó vẫn cao hơn nhiều

Trong sự cúng dường, người đó chấp tay,

Kính phát khởi tâm giác ngộ này.

Không có giới hạn bởi công đức ấy.

 

Trong khi ngài Đại Trưởng Lão đi nhiễu vòng quanh pháp tòa kim cương ở Bồ-đề Đạo Tràng,[8] ngài nghĩ, “Làm thế nào tôi có thể có được sự giác ngộ viên mãn một cách nhanh chóng?” [329] liền sau đó, ngài đã thấy các pho tượng nhỏ đứng lên và hỏi những pho tượng lớn hơn: “Những người muốn nhanh chóng đạt được Phật quả nên tu tập điều gì?” Các tượng lớn hơn trả lời: “Họ cần rèn luyện theo tâm giác ngộ”. Cũng trong không gian phía trên điện thờ chính, một phụ nữ trẻ đã hỏi câu này với một phụ nữ lớn tuổi, và Atiśa nghe cùng một câu trả lời như trước. Vì vậy, bảo rằng, ngài đã trở nên chắc chắn hơn về tâm giác ngộ.

 

Theo đó, việc hiểu rằng tâm giác ngộ bao gồm các điểm mấu chốt của tất cả các biệt huấn Đại thừa, là một kho báu vĩ đại của tất cả các thành tựu tinh thần, là những tính năng vốn phân biệt Đại thừa với Tiểu thừa và là các cơ sở tuyệt vời thúc đẩy quý vị xúc tiến các hành vi Bồ-tát hiệu quả to lớn. Thậm chí việc trở nên nhiệt thành hơn trong nuôi dưỡng Bồ-đề tâm hoạt hóa giống như một người đang khát nghe nói về nước. Vì, khi các đấng Chiến Thắng và các con của mình sử dụng trí tuệ tuyệt vời của họ để kiểm tra các lộ trình tu tập rất chi tiết trong nhiều kiếp lượng, họ đã thấy đây là phương tiện siêu việt để trở thành một vị Phật. Như Nhập Bồ-đề Hành Luận dạy:[9]

 

Chiếu kiến trong nhiều kiếp lượng, đạo sư của các Bậc Hiền Thánh

Đã tri kiến rằng riêng một mình điều này là thật lợi lạc

 

b’’ Rèn luyện giới luật để phát Bồ-đề tâm ngộ sáu lần mỗi ngày nhằm tăng cường Bồ-đề tâm thật sự

1. Không từ bỏ phát triển của Bồ-đề tâm nguyện

2. Rèn luyện nâng cao Bồ-đề tâm nguyện

 

1’’ Không từ bỏ phát triển Bồ-đề tâm nguyện

Qua sự chứng kiến của chư Phật, Bồ-tát và các sư phụ, trong sự hiện diện của họ, quý vị đã cam kết chính mình để giải thoát tất cả chúng sinh chưa được giải thoát, và vv... Nếu sau đó quý vị thấy rằng chúng sinh thì rất nhiều và hành vi của họ thì vị kỷ, hoặc thấy rằng thời gian mà trong đó quý vị phải phấn đấu nhiều kiếp lượng thật dài, hoặc là quý vị phải rèn luyện trong hai sự tích lũy tư lương là vô hạn và khó làm, và quý vị lấy điều này như là một lý do để trở nên chán nản và từ bỏ trách nhiệm của mình để phát triển tâm giác ngộ, thì đó là một tội lỗi lớn hơn là một sự vi phạm các giới biệt giải thoát cá nhân. [330] Bát Thiên Bảo Đức Tập Kệ thuyết:[10]

 

Dẫu ngươi thực hành thập thiện nghiệp trong mười triệu kiếp lượng,

Nếu sau đó người phát khởi mong muốn trở thành một Độc giác phật A-la-hán,

Ngươi gây hại và làm suy yếu Bồ-tát giới của mình

Điều này vi phạm tâm giác ngộ nặng hơn cả phạm trọng giới.

 

Do đó, nói rằng một Bồ-tát giới như thế là sai sót. Việc hạn chế khỏi các sự xem xét Thanh Văn và Duyên Giác là giới luật cao nhất của các Bồ-tát, nên nếu các Bồ-tát đã làm suy yếu sự hạn chế này, thì họ sẽ phá hủy giới luật của chính họ. Vì nếu các Bồ-tát không bỏ sang một bên hạn chế này, sau đó thậm chí họ đã theo đuổi các thú vui cảm giác, thì họ sẽ không phá hủy thái độ của sự hạn chế vốn đặc trưng cho Bồ-tát. Một lần nữa, Bát Thiên Bảo Đức Tập Kệ khẳng định[11]

Dù chư Bồ-tát hưởng thụ năm đối tượng giác quan,

Nếu họ nương tựa nơi Phật, Pháp và Tăng,

Và cố định tâm trí mình trên toàn trí, suy nghĩ, “Tôi sẽ đạt Phật quả”,

Hãy hiểu rằng những hiền nhân này giữ trì giới luật Ba-la-mật-đa.

 

Nếu họ từ bỏ ý định đã hứa của mình, họ phải đi lang thang trong một thời gian lâu dài trong các tái sinh đau khổ. Nhập Bồ-đề Hành Luận nói:[12]

 

Nói rằng một khi người quyết định

Để cho đi lượng nhỏ một điều giản đơn

Và sau đó không đem nó để cho đi,

Họ tự khiến mình tái sinh như một ngạ quỷ.

Vậy làm sao ngươi có thể được tái sinh trong cõi phúc hạnh

Nếu ngươi lại đánh lừa tất cả chúng sanh

Sau khi đã chân thành mời họ

Để đến với hỷ lạc vô thượng?

 

Do đó, bài văn cũng nói:

 

Như kẻ mù tìm viên bảo ngọc

Từ trong một đống rác to,

Bằng cơ hội tâm giác ngộ

Đã khởi hiện trong tôi.

 

Hãy suy nghĩ: “Tuyệt vời làm sao khi tôi đã đạt được một điều như thế này”, và không bao giờ từ bỏ nó. Dành sự quan tâm đặc biệt cho điều này, thệ nguyện lập đi và lập lại không bao giờ từ bỏ nó ngay cả dù chỉ là một khoảnh khắc.

 

2’’ Rèn luyện nâng cao Bồ-đề tâm nguyện

Thật không đủ khi chỉ đơn thuần là không từ bỏ Bồ-đề tâm nguyện, hãy tăng cường nó với nỗ lực rất lớn ba lần trong ngày và ba lần vào ban đêm. Nếu quý vị có thể thực hành các nghi lễ bao quát nói trên, thì hãy làm như vậy. [331] Bằng không, hãy hình dung miền đất tích lũy công đức và sau khi quý vị thực hiện các cúng dường, hãy tinh lọc tình yêu, lòng từ bi của quý vị, và vv... Sau đó, tiếp thụ tâm giác ngộ sáu lần, hãy đọc tụng ba lược câu kệ sau đây trong mỗi lần:[13]

 

Con xin quy y cho đến khi giác ngộ

Vào Phật, Pháp và chư Tăng;

Bằng công đức thực hành sáu Ba-la-mật-đa

Xin cho con thành tựu Phật-đà để hỗ trợ chúng sanh.

 

c’’ Rèn luyện giới luật để không có ý từ bỏ chúng sinh, mà là vì lợi ích của họ, quý vị phát triển tâm giác ngộ

Mặc dù điều giới này không tìm thấy trong các phần thích hợp của Bồ-đề Đạo Đăng Luận hoặc Các Nghi Thức Bồ-đề Tâm và Bồ-tát Giới, thì trong Bồ-đề Đạo Đăng Luận Thích, Atiśa cho biết:[14]

 

Bằng cách chăm sóc và không từ bỏ chúng sinh, ngươi duy trì tâm giác ngộ vì đối tượng của nó {tâm giác ngộ}, duy trì lợi ích của nó, duy trì các nghi lễ để phát khởi nó, duy trì sự tăng trưởng nói chung của nó, và không quên nó.

 

Điều đó được liệt kê trong bối cảnh này và không mâu thuẫn với ý nghĩa chủ đích của chánh văn nên hãy rèn luyện điều này luôn thể.

Bị đánh giá về việc từ bỏ chúng sinh một cách tinh thần là khi quý vị phát khởi những suy nghĩ, “Bây giờ tôi sẽ không bao giờ làm việc cho phúc lợi của người này”, dựa trên một số điều kiện như hành động không thể chấp nhận được, vv…

 

d’’ Rèn luyện giới luật để tích lũy các tư lương công đức và trí tuệ siêu phàm

Sau khi quý vị đã tiếp thu Bồ-đề tâm nguyện thông qua các nghi lễ của nó, hãy phấn đấu hàng ngày để tích lũy các tư lương – như cúng dường Tam Bảo, vv… – để tăng cường tâm giác ngộ. Mặc dù tôi không thấy có nguồn có thẩm quyền nói về điều này như là một điều giới khác hơn so với các khẳng định của các đại sư trước đây, thì nó vẫn rất lợi lạc.

 

2’ Rèn luyện giới luật cũng khiến cho quý vị không bị tách rời với tâm giác ngộ trong các kiếp sống tương lai

Việc tu tập trong giới luật cũng khiến cho quý vị không bị tách rời với tâm giác ngộ trong kiếp sống tương lai gồm có hai phần:

1. Tu tập giới luật để loại bỏ bốn hành vi đen tối vốn làm suy yếu tâm giác ngộ

2. Rèn luyện giới luật để áp dụng bốn hành vi trong sáng giữ cho tâm giác ngộ khỏi suy yếu

 

a’’ Tu tập trong giới luật để loại bỏ bốn hành vi đen tối vốn làm suy yếu tâm giác ngộ

Chương Ca-diếp {hay Ca-diếp Phẩm Luận} trong Bảo Tích Kinh[15] có các lời dạy rằng danh mục bốn hành vi liên quan đến việc không hiện thực hóa hay quên lãng Bồ-đề tâm trong các kiếp sống tương lai và danh mục tu tập quan hệ đến việc hiện thực hóa và không quên tâm giác ngộ, không lìa bỏ tâm này cho đến khi quý vị đạt đến giác ngộ. [332] Chúng được trình bày như là giới luật của Bồ-đề tâm nguyện. Bốn hành vi đen tối là như sau.

 

1. Lừa dối các trụ trì, các đạo sư, các thầy giảng, và những người xứng đáng của các cúng dường. Hiểu biết được điều này trong nội dung của hai tiếp cận: các đối tượng của hành động của quý vị và những gì quý vị làm đối với các đối tượng này. Theo giải thích trong Ca-diếp Phẩm Luận Thích (Kāśyapa-paritvarta-ṭīkā) của Sthiramati {tên dịch nghĩa: An Huệ},[16] thì các đối tượng là các trụ trì và đại sư (điều này là hiển nhiên) các guru (những người muốn giúp đỡ), và những người xứng đáng của các cúng dường (dù không có trong hạng của hai nhóm trước đó, họ có các phẩm chất cao đẹp). Những gì quý vị có thể làm lên các đối tượng này sẽ là một hành vi đen tối? Gọi là một hành vi đen tối, nếu quý vị một cách có ý thức lừa dối bất kỳ người nào trong số họ. Về cách quý vị lừa dối họ, Ca-diếp Phẩm Luận Thích nói rằng khi họ từ bi giải thích về sự phá giới, và sau đó quý vị làm họ bối rối về chính quý vị bằng sự dối trá, đó là “đen tối”. Điều đó nói rằng bất cứ khi nào quý vị cố gắng để đánh lừa các guru của quý vị về chính mình với ý định lừa dối, đó là “đen tối”. Tuy nhiên, điều đó phải là một dẫn dắt sai lạc bởi lừa dối – sự sai lạc vốn không phải là lừa dối sẽ được giải thích dưới đây. Điều này là bởi vì biện pháp khắc phục của nó là điều đầu tiên trong bốn hành vi trong sáng, và Bồ-tát Học Luận[17] nói rằng loại bỏ các hành vi đen tối là một hành vi trong sáng. Hơn nữa, người ta nói rằng các đệ tử không thể sửa được sự lừa dối các guru của họ khi họ nói một điều với guru và lại bí mật nói một điều hoàn toàn khác với người ngoài, là những người sau đó nói, “Hãy cẩn thận, điều này sẽ đến tai của thầy”.

 

2. Làm người khác cảm thấy hối tiếc về một điều gì đó mà tự nó vốn không phải là đáng tiếc. Điều này được hiểu thông qua hai cách tiếp cận tương tự được đề cập trước đây. Đối tượng là những cá nhân đang nuôi dưỡng các thiện đức mà không hối tiếc. Quý vị làm gì với họ? Quý vị cố ý làm cho họ hối tiếc về một điều mà họ không nên hối tiếc. Ca-diếp Phẩm Luận Thích giải thích rằng các hành giả đệ tử gây hiểu nhầm một cách giả dối trong việc liên hệ đến một lời lẽ về sự rèn luyện khi họ đang theo đuổi rèn luyện điều đó một cách đúng đắn là hành vi “đen tối”.

Đối với hai hành vi đen tối đầu tiên, được xem là không có gì khác biệt bất kể là quý vị có thể hay không thể lừa dối hay quý vị có thể hay không thể gây ra sự hối tiếc. Ca-diếp Phẩm Luận Thích đồng tình về vấn đề này. Bản luận đó, tuy nhiên, xem trường hợp sau cũng là một trường hợp dẫn dắt sai lạc. [333]

 

3. Phát biểu một cách chê bai, vv… về con người vốn bước vào Đại thừa một cách đúng đắn. Một số người nói rằng đối tượng là những ai có tâm giác ngộ, đã tiếp nhận nó thông qua các nghi thức của nó. Số người khác nói đối tượng đó là bình đẳng giữa những ai trước đây đã phát triển tâm giác ngộ và cả những người hiện tại chưa có tâm đó. Khẳng định vừa rồi mâu thuẫn với các kinh văn và là sai. Bản luận {Ca-diếp Phẩm Luận Thích} chỉ đơn giản nói “một vị Bồ-tát” không làm rõ gì hơn nữa. Mặc dù trong ngữ cảnh các kinh điển khác có nhiều mệnh đề dạy rằng những ai có Bồ-tát giới tức những người đang tu học các rèn luyện là đã bước vào Đại thừa một cách đúng đắn; ở đây, tôi nghĩ rằng đối tượng được hiểu như là vị Bồ-tát bất kỳ, bắt đầu với những người đã phát khởi Bồ-đề tâm nguyện.

Điều gì đã làm lên những vị Bồ-tát này là phát ngôn một cách chê bai, đổ lỗi, tội phỉ báng, và vv... Sự khẳng định rằng những gì được nói là đã được thúc đẩy bởi hận thù thì phù hợp với bản luận. Tuy nhiên, dẫu cho ngay cả bản luận nói rằng các Bồ-tát được đề cập là siêng năng tìm kiếm giáo pháp, và ngôn từ được nói ra để dừng lại niềm tin hay ước muốn của họ vào thực hành Đại thừa, có vẻ như là đã đủ nếu họ hiểu ý nghĩa của những gì được nói. Bản luận giải thích rằng một điều chê bai nào đó, ví dụ như là nói rằng ông ấy hay bà ấy “có tính xấu”, trong đó quý vị không đề cập đến bất kỳ lỗi cụ thể nào; một sự đổ lỗi là, ví dụ như nói rằng “Ông ta không độc thân”, trong đó quý vị có nói cụ thể; và một sự phỉ báng là, ví dụ như nói rằng “trong cách này hoặc cách kia, ông ta quan hệ tình dục”, làm cho nó cụ thể hơn. Bản luận gán thuật ngữ “chỉ trích” cho ba loại này.

 

Tôi đã thảo luận một cách tóm lược[18] về nguy cơ của sự xúc phạm to tát nảy sinh trong chúng ta. Thật vậy, nếu các Bồ-tát có một ý nghĩ xem thường đối với những Bồ-tát khác, thì họ phải ở trong địa ngục nhiều kiếp lượng như số những khoảnh khắc của thời gian mà ý nghĩ đó xảy ra. Tịch Chiếu Thần Biến Định Kinh (Praśānta-viniśaya-prātihārya-samādhi-sūtra) nói rằng không có hành vi nào khác ngoài việc vu khống có thể khiến một vị Bồ-tát có thể bị giáng vào các cõi đau khổ. [334] Bát Thiên Bảo Đức Tập Kệ:[19]

 

Nếu các Bồ-tát đã không nhận được một tiên đoán về sự giác ngộ của họ

Đã có một tranh chấp tức giận với các Bồ-tác vốn đã nhận được một tiên tri,

Thì họ phải mang áo giáp của thực hành một lần nữa

Cho số kiếp lượng nhiều như những khoảnh khắc của thái độ thô thiển sai lầm của họ.

 

Do đó, nó nói rằng họ phải đi du hành theo đạo trình, bắt đầu trở lại một lần nữa, trong nhiều kiếp tương xứng với thái độ giận dữ của mình; họ trở nên ở khoảng cách rất xa với sự giác ngộ của mình. Vì lý do này, hãy ngăn chặn sự tức giận của quý vị trong tất cả các dịp, và nếu nó phát sinh, ngay lập tức thú nhận nó và cố gắng kiềm chế bản thân. Cùng văn bản dạy:[20]

 

Hãy phát triển chánh niệm, nghĩ rằng,

“Trạng thái tâm này không phải là tạo dựng”

Thú nhận từng trường hợp, và kiềm chế mình không làm điều đó nữa.

Không vui mừng trong đó; hãy rèn luyện trong giáo huấn của đấng Phật-đà.

 

Nếu quý vị cho hận thù một cơ hội, tình yêu và lòng từ bi mà quý vị đã phát triển sẽ bị suy yếu và sẽ khó có thể phát triển bất kỳ tình yêu và lòng từ bi mới nào, ngay cả khi quý vị tu tập trong một thời gian dài. Vì vậy, quý vị đã cắt bỏ các gốc rễ của Bồ-đề tâm. Nếu quý vị dừng hận thù lại – tức là các nghịch duyên của tình yêu và lòng từ bi – và nuôi dưỡng tình yêu và lòng từ bi theo giải thích trước,[21] sau đó chúng sẽ dần dần tăng cường và cuối cùng trở thành vô hạn. Lượng Thích Luận (Pramāṇa-varttika-kārikā) của Pháp Xứng {skt. Dharmakīrti} khẳng định:[22]

 

Nếu không bị hại bởi điều mà với nó là không tương thích,

Tình yêu tự nhiên đi vào tâm thức.

 

Và cũng thế:

 

Khi ngươi tự làm quen với

Thái độ của lòng từ và các loại tương tự,

Tăng lên từ các hạt giống trước, các trải nghiệm như thế,

Làm thế nào mà những thái độ kia vẫn như xưa?

 

4. Trong một trường hợp không có sự chân thành, bằng cách sử dụng sự lừa dối và trình bày sai lạc để có được sự phục vụ của những người khác. Đối tượng là bất kỳ chúng sinh nào khác ngoài quý vị. Những gì thực hiện lên chúng sinh này? Quý vị hành động lừa dối và trình bày sai lạc. Sự chân thành được giải thích trong Ca-diếp Phẩm Luận Thích[23] là thái độ bình thường của quý vị. Sự lừa dối và trình bày sai lạc là gian lận trong khi tính toán với một quy mô và vv… Như Gyal-wa-yen-jung (rGyal-ba-ye-'byung) cho biết, nó là, chẳng hạn như việc gửi vài người đến Dö-lung (sTod-lung) để khiến họ đi đến Rag-ma [một nơi xa khỏi Dö-lung nhiều], và sau đó khẳng định rằng họ cũng có thể đi đến Rag-ma. [335] Vi Diệu Pháp Tập Luận (Abhidharma-samuccaya)[24] của Vô Trước {skt. Asaṅga} nói rằng cả hai sự lừa dối và trình bày sai lạc phát sinh do tham chấp vào vật chất, các sự phục vụ và là sự tương tự được bao gồm trong lớp tham chấp hay vô minh. Ngài dạy rằng lừa dối là sự giả vờ rằng quý vị có một chất lượng diệu hảo mà quý vị không có, và trình bày sai lạc là che dấu lỗi của quý vị. Che dấu có nghĩa là sử dụng một số phương pháp để giữ bí mật một lỗi lầm.

 

b’’ Rèn luyện giới luật để áp dụng bốn thực hành trong sáng giữ cho tâm giác ngộ khỏi suy yếu

1. Việc từ bỏ nói dối một cách có ý thức với bất kỳ chúng sinh nào bất kể ngay cả trong lúc nói đùa hoặc thậm chí vì lợi ích cho cuộc sống quý vị[25]. Đối tượng đầu tiên trong bốn thực hành trong sáng là bất kỳ chúng sinh nào. Những gì quý vị làm là từ bỏ lừa dối có ý thức ngay cả vì lợi ích của cuộc sống của quý vị hoặc thậm chí trong lúc nói đùa. Bằng cách này, quý vị không đánh lừa các đối tượng đặc biệt trong các hành động của quý vị – trụ trì của quý vị, đạo sư, vv… với sự dối trá.

 

2. Không lừa gạt mà giữ lại sự chân thành đến tất cả chúng sinh. Các đối tượng thứ hai trong bốn thực hành sáng tỏ là tất cả chúng sinh. Những gì quý vị làm là không lừa dối họ, nhưng duy trì sự chân thành của quý vị; có nghĩa là, trì giữ trong sự chân thật. Đây là biện pháp khắc phục cho hành vi đen tối thứ tư.

 

3. Phát triển ý tưởng rằng tất cả các vị Bồ-tát là những Tôn Sư. Các đối tượng của việc thực hành trong sáng thứ ba là tất cả các Bồ-tát. Những gì quý vị làm là phát triển ý tưởng rằng họ là tương tự như Tôn Sư, và bày tỏ trong bốn hướng ca ngợi các phẩm tính của họ. Chúng ta tu dưỡng một số nhỏ giống như thế về đức hạnh, nhưng tìm thấy rằng nó không có các dấu hiệu của sự gia tăng và có nhiều dấu hiệu suy giảm, điều này chỉ đơn giản là kết quả của việc thù ghét của chúng ta, coi thường hoặc mắng nhiếc các Bồ-tát và đạo hữu. Vì vậy, người ta nói rằng nếu quý vị có khả năng loại bỏ hai lỗi lầm đầu tiên cũng như việc mắng nhiếc Bồ-tát, tất cả những thiệt hại liên quan đến các đối tượng nêu trong Bồ-tát Học Luận sẽ được ngăn chặn. Điều này dựa trên việc xem xét rằng quý vị không biết ai là một vị Bồ-tát, vì vậy, như đã nêu trong Ca-diếp Phẩm Luận Thích,[26], quý vị nên rèn luyện trong cảm nhận thanh tịnh về tất cả chúng sinh; nhận thức đó đến từ việc phát triển ý tưởng rằng tất cả chúng sinh đều là các Tôn Sư . Quý vị nên ca tụng các Bồ-tát khi có những người lắng nghe tại đó, nhưng quý vị không phải gánh nhận hậu quả sai sót nếu quý vị không đi ra ngoài bốn phương để ca tụng chư Bồ-tát. Đây là biện pháp khắc phục cho hành vi đen tối thứ ba.

 

4. Khiến cho các chúng sinh mà quý vị đang giúp đỡ được trưởng thành không muốn thừa nhỏ, nhưng tán đồng theo sự giác ngộ toàn hảo. Đối tượng của việc thực hành trong sáng thứ tư là các chúng sinh mà quý vị đang giúp đỡ để trưởng thành. Những gì quý vị làm cho họ là khiến cho họ không mong muốn thừa nhỏ [Tiểu thừa] nhưng lại tuân theo sự giác ngộ toàn hảo. [336] Hơn nữa, từ quan điểm của quý vị là thật cần thiết cho họ để kết nối với lộ trình Đại Thừa, nhưng nếu các đệ tử của quý vị không phát triển ý định đó, quý vị phải gánh trả lỗi lầm, bởi vì quý vị chỉ đơn giản là không thể hoàn thành nó. Thực hành trong sáng này giúp loại bỏ hành vi đen tối thứ hai [làm cho người khác cảm thấy hối tiếc về một điều gì đó không phải hề đáng tiếc], bởi vì nếu quý vị muốn từ sâu thẳm trái tim của mình cho người khác từ đầu hướng đến cực điểm của tất cả hạnh phúc, thì quý vị sẽ không làm điều gì đó mang lại về bất hạnh lên những người khác cũng như là làm cho họ cảm thấy hối tiếc về hoạt động thiện đức của họ. Sư Tử Vấn Kinh (Siṃha-paripṛcchā-sūtra) cũng cho biết:[27]

 

Nếu ngươi trau dồi tâm giác ngộ trong tất cả kiếp sống

Và không từ bỏ nó ngay cả trong mơ,

Thì còn gì cần để đề cập đến?

Việc không từ bỏ nó khi ngươi chưa ngủ?

Đức Phật dạy: “Là nguyên nhân để bước đến giác ngộ

Cho chúng sinh ở các làng mạc và thành phố

Hoặc bất kỳ ở nơi nào họ có thể trú.

Thì ngươi sẽ không rời tâm giác ngộ”.

 

Hơn nữa, Văn-thù-sư-lợi Phật Độ Trang Nghiêm Kinh nói rằng nếu quý vị có bốn điều này – gồm phá hủy tâm kiêu mạn, loại bỏ sự ghen tị, trừ khử tính keo kiệt, và vui sướng khi nhìn thấy sự thịnh vượng của người khác – quý vị không từ bỏ lời ước nguyện [Bồ-đề tâm nguyện]. Một khi quý vị trau dồi tâm giác ngộ này, quý vị sẽ không bị chia lìa khỏi thái độ cao quý này ngay cả trong các đời sống tương lai. Điều này được nêu rõ trong Bảo Vân Kinh (Ratna-megha-sūtra) của các Bảo Đỉnh Tập Kinh:[28]

 

Nếu ngươi rèn luyện tâm giác ngộ trong tất cả các hoạt động và nếu ngươi mở đầu sự nuôi dưỡng công đức bằng tâm giác ngộ...

 

Và trong Định Vương Kinh:

 

Bao nhiêu lần người thường kiểm tra

Bấy nhiêu lần tâm trí họ khởi tác

Những điều gì họ đang suy nghĩ qua.

 

Và cũng có trong các kinh điển khác nữa.

 

c' Phương pháp điều phục tâm giác ngộ nếu quý vị làm suy yếu nó

Nhiều học giả khẳng định quan điểm sau đây: “Quý vị từ bỏ Bồ-đề tâm nguyện nếu một thời gian nào đó trôi qua có bốn hành vi đen tối, cùng với hành vi thứ năm – việc từ bỏ các chúng sinh một cách tinh thần – hoặc hành vi thứ sáu, bỏ sang một bên Bồ-đề tâm bằng cách nghĩ rằng: „Tôi không thể hoàn thành Phật quả”. Tuy nhiên, nếu trong một khoảng thời gian quý vị hối tiếc sáu điều này, thì chúng đã làm suy yếu Bồ-đề tâm nguyện nhưng không làm quý vị từ bỏ nó và nếu quý vị thất bại để tiếp nhận tâm giác ngộ sáu lần mỗi ngày và để cho việc rèn luyện của quý vị trong hai sự tích lũy tư lương bị thoái hoá, thì điều đó chỉ làm suy yếu tâm giác ngộ. Nếu một nguyên nhân của việc từ bỏ nó xảy ra, quý vị phải lặp lại các nghi lễ cho việc áp dụng Bồ-đề tâm nguyện, nhưng nếu chỉ có một sự suy yếu, thì quý vị không phải lặp lại nó; việc tiến hành một sự sám hối là đủ”. [337]

Đối với điều này, nếu quý vị đã suy nghĩ, “Tôi không thể hoàn thành Phật quả”, thì quý vị lập tức từ bỏ tâm giác ngộ, thật không bao giờ cần thiết phải dựa vào đoạn văn trên về một thời gian nhất định, khẳng định như thế là hoàn toàn không chính xác. Bốn hành vi đen tối không phải là nguyên nhân của việc từ bỏ tâm giác ngộ trong kiếp này, nhưng là các nguyên nhân khiến cho việc không hiển lộ tâm giác ngộ trong các đời tương lai, vì vậy chúng ta nên ngăn cản chúng trong đời này. Bồ-đề Đạo Đăng Luận dạy:[29]

 

Để ghi nhớ được tâm giác ngộ ngay cả trong các kiếp sống tương lai,

Hãy duy trì các rèn luyện đã được giải thích.

 

Cụm từ “đã được giải thích” có nghĩa như được diễn giải trong Ca-diếp Phẩm Luận Thích. Đây là những gì kinh văn ý chỉ là bởi vì kinh này nói rõ ràng điều đó trong bối cảnh của bốn thực hành trong sáng:[30]

 

Này Ka-diếp, Bồ-tát có bốn thực hành sẽ làm hiển lộ tâm giác ngộ trong tất cả kiếp sống ngay lập tức sau khi được sinh ra và sẽ không từ bỏ nó hoặc quên nó cho đến khi họ đạt đến trái tim của giác ngộ.

 

Vì vậy, mặc dù kinh không nêu rõ trong bối cảnh của bốn hành vi đen tối liệu rằng chúng có hay không gây ảnh hưởng đến kiếp sống này hay các kiếp sau, thì hãy hiểu rằng điều đó là dành cho các kiếp sau. (Tuy nhiên, nếu quý vị quay sang tiếp nhận thực hiện những điều đen tối trong cuộc đời này, thì tâm giác ngộ của quý vị sẽ suy yếu). Bằng không, nếu các Bồ-tát, những người đang giữ giới của mình chỉ nói dối một chút như một trò đùa, lừa dối người khác và tự xuyên tạc bản thân họ trong một cách tầm thường , nói một điều gì đó hơi xấu về các Bồ-tát trong sự giận dữ hoặc chỉ phát khởi sự hối tiếc nhỏ với những người khác về việc nuôi dưỡng một cội rễ thiện đức của họ, và nếu họ trải qua một khoảng thời gian mà lại không cảm thấy hối tiếc, thì họ sẽ đánh mất Bồ-tát giới của họ. Họ đánh mất bởi vì họ đánh mất Bồ-đề tâm nguyện và, theo Bồ-tát ĐịaBồ-tát Học Luận,[31] khi quý vị đánh mất Bồ-đề tâm nguyện, quý vị cũng đã làm mất các giới nguyện. Nếu quý vị khẳng định rằng chúng làm mất đi các điều giới, thì quý vị phải thừa nhận các thực hành đen tối này như là phạm giới trọng yếu, nhưng điều này không được đề cập ở bất cứ đâu và là điều không đúng. [338] Hơn nữa, việc phán xét về một khoảng thời gian được dựa trên giải thích trong Upāli Vấn Kinh (Upāli-paripṛcchā-sūtra), nhưng vì tôi đã chứng minh chi tiết trong Lộ Trình Cơ Bản Đến Tỉnh Giác (Byang chub gzhug lam)[32] của tôi – là một giải thích về chương Giới Luật của Bồ-tát Địa – rằng đây không phải là ý chỉ của kinh này, nên tôi sẽ không giải thích nó một lần nữa ở đây.

 

Để từ bỏ chúng sinh một cách tinh thần có nghĩa là khi xem xét đến họ, nói chung, quý vị nghĩ: “Tôi không thể làm việc cho phúc lợi của nhiều chúng sinh”. Khi quý vị từ bỏ họ với ý nghĩ này, thật rõ ràng là quý vị cũng từ bỏ Bồ-đề tâm nguyện. Và khi việc xem xét một chúng sinh cụ thể, nếu quý vị có ý tưởng: “Tôi sẽ không bao giờ làm việc cho phúc lợi của người này”, thì giống như việc phá hủy toàn bộ sự tích lũy bằng cách loại trừ chỉ một phần của nó, quý vị tiêu diệt tâm giác ngộ, vốn được phát triển vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Nếu không, quý vị sẽ có thể gạt sang một bên nhiều chúng sinh – chúng sinh thứ nhì, thứ ba, thứ tư, và vv, chỉ phát triển tâm giác ngộ vì lợi ích của các chúng sinh còn lại và bởi đó nhất thiết phải phát khởi tâm giác ngộ toàn hảo và đầy đủ. Nhưng đây không phải là trường hợp như thế.

 

Bồ-đề Đạo Đăng Luận Thích nói[33] về các giới luật của Bồ-đề tâm rằng có các hệ thống {các quan điểm} khác nhau của vua Indrabhūti[34], Long Thọ, Vô Trước, Thánh Thiên, Tịch Thiên, Nguyệt Quan, Tich Hộ, vv… Được biết là một số vị khẳng định rằng các điều giới của Bồ-đề tâm là: “tất cả các điều giới cho cả sự phát khởi của tâm giác ngộ lẫn việc tham gia vào các Bồ-tát hành”[35]. Những người khác, khẳng định rằng: “Các ngươi phải trì giữ từng giới đã được thuyết giảng trong các kinh điển”, trong khi vẫn có những người khác nói rằng chúng là: “tất cả các giới luật cho một người trên con đường tích lũy {tích lũy đạo}”. Một số không khẳng định rằng chúng là: “một rèn luyện cụ thể như thế này hay thế kia”, nhưng những người khác khẳng định rằng: “cộng thêm vào với giới luật quy y, các ngươi trì giữ tám thực hành bao gồm việc không từ bỏ chủ tâm xúc tiến bốn thực hành trong sáng và việc quên đi ý định dẫn đến bốn hành vi đen tối”. Bản luận này giải thích, “Guru của tôi nói rằng vì mỗi một trong các hệ thống của những bậc đạo sư đều dựa trên kinh điển, ngươi nên trì giữ hệ thống {giới luật} nào mà guru của ngươi ban cho”. Bản luận cho rằng tất cả các điều này là ý nghĩa của các kinh điển. [339]

Nói chung, các đạo sư vĩ đại của dòng truyền thừa là hậu duệ của Geshe Drom-dön-ba không công nhận Bồ-đề Đạo Đăng Luận Thích là một bản luận của ngài Trưởng Lão, nhưng các dòng truyền thừa Nag-tso (Nag-tsho) chấp nhận đây là trước tác của Ngài Trưởng Lão và cũng chấp nhận nó như một giáo lý mật truyền của Nag-tso. Tuy nhiên, các học giả trước đây đều cho rằng Atiśa trước tác một bản luận ngắn trong khi ở Bu-rang (Pu-rangs). Người ta nói rằng sau khi ngài đến Sam-ye, có một dịch giả hỏi xin nếu ông ta có thể thêm thắt vào nó, và hậu quả là dịch giả này đã mở rộng nó. Do đó, ngài Trưởng Lão vĩ đại đã soạn thảo một bản luận ngắn. Điều này được bổ sung bởi nhiều giải thích vốn được dựa trên những lời dạy của nhiều đạo sư khác nhau. Có một số những sai lạc rõ ràng, và cũng có nhiều giải thích đúng đắn về ý nghĩa của kinh điển. Vì vậy, tôi đã trích dẫn nó trong bộ luận Giai Trình Đến Giác Ngộ (Lamrim) này và các nơi khác trong việc giải thích về những điểm vốn không có sai lạc.

Các giới luật nói trên của Bồ-đề Đạo Đăng Luận Thích không đáng tin cậy. Điều khẳng định rằng giới luật về tâm giác ngộ là: “tất cả các giới luật cho cả sự phát khởi Bồ-đề tâm lẫn sự tham gia vào các Bồ-tát hành” là sai lầm, bởi vì nếu quý vị có những giới luật của sự phát khởi “về Bồ-đề tâm” cũng là giới luật cho Bồ-đề tâm hành, thì thật không thể nào đủ để các giới chỉ để tránh khỏi bốn hành vi đen tối và xúc tiến bốn thực hành trong sáng cộng thêm vào với giới luật về quy y. Nếu quý vị chỉ lấy: “Sự phát tâm giác ngộ” để xem là Bồ-đề tâm nguyện, thì khi nói đến giới luật của Bồ-đề tâm nguyện, thật sẽ không cần thiết để rèn luyện trong mỗi giới đã được khẳng định trong các kinh điển, cũng không cần thiết để cho mọi người {tu tập} đến các giới đó bao gồm cả các những ai tham gia Bồ-tát hành. Nếu không, các giới luật của Bồ-đề tâm nguyện sẽ hoàn toàn không khác chi với các giới luật đến từ Bồ-tát giới.

 

Tất cả các giới luật nói trên (trừ hai giới luật về các thực hành trong sáng và đen tối vốn theo Ca-diếp Phẩm Luận Thích) đều chiếu theo Bồ-đề Đạo Đăng LuậnTâm Giác Giới Phát Thứ Đệ. Có một tuyên thuyết nói đến sự rèn luyện giới luật trong Thất Pháp Kinh (Chos bdun po'i mdo), nhưng vì kinh đó dạy, “Một người muốn nhanh chóng đạt được các tri kiến siêu việt phải tuân theo giới”, những giới luật này là không đặc biệt dành cho tâm giác ngộ, vì vậy tôi đã không viết về chúng ra đây.

Như vậy, lập thuyết của tôi là, với ngoại lệ về giới luật không từ bỏ Bồ-đề tâm nguyện và không từ bỏ chúng sinh một cách tinh thần, việc vi phạm giới luật không cấu thành một tội phá giới liên quan đến tâm giác ngộ cho đến khi quý vị nhận được Bồ-tát giới. Tuy nhiên, nếu quý vị vi phạm giới luật, quý vị cắt đứt điều nguyện vốn đến từ cam kết về đạo hạnh trong thời gian tạm trước khi quý vị phát Bồ-tát giới; do đó, quý vị dính dáng đến một hành động xấu, quý vị nên thực hiện một lời sám hối với bốn năng lực.[36] Sau khi quý vị nhận Bồ-tát giới, việc vi phạm các giới luật này là một sự phá giới mà giờ đây hủy hoại các giới luật đã được thệ nguyện. [340] Kể từ khi nó trở thành một sự vi phạm, thì cũng đủ để quý vị sửa chữa nó theo cung cách mà quý vị đã được chỉ dẫn, một thủ tục được bao gồm trong giới luật cho việc tham gia Bồ-đề tâm hành, và không tiến hành ở bất cứ nơi nào khác. Tuy nhiên, việc phát khởi tâm giác ngộ sáu lần một ngày là một giới cụ thể với Bồ-đề tâm nguyện.



[1]BA111 Gaṇḍa-vyūha, D44: Ka 309a3-325a3.

[2]BA112 LRCM: 285.15.

[3]BA113 Bbh, Wogihara 1971: 19; D4037: Wi lla7-bl.

[4]BA114 BCA: 1.9d. Ba dòng đầu tiên của bài kệ này có ở LRCM: 284.6

[5]Tên phiên âm là Dạ-xoa (chn. 夜叉). Dạ-xoa là chúng sinh, một trong Bát bộ chúng hay Thiên Long bát bộ được nhắc đến trong nhiều kinh Đại thừa với tên Phạn lần lượt là: (1) Deva: Thiên (trời, Phạm thiên), (2) Nāga: Long (rồng, rắn), (3) Yakṣa: Dạ-xoa, (4) Gandharva: Càn-thát-bà, (5) Asura: A-tu-la (thần), (6) Garuḍa: Ca-Lâu-La (chim thần trị rắn), (7) Kinnara: Khẩn-na-la (hương thực, nhạc sĩ cho chư thiên), (8) Mahoraga: Ma-Hầu–la-già (địa long). Tuy nhiên, Theo Phật giáo Tây Tạng, Dạ-xoa cũng là một trong 8 loại thần linh thế tục (skt. Lokapāla): (1) māra (tib. བདུད): ma vương, (2) mātrika (tib. མ་མོ་): giác thể hung nộ dạng nữ, (3) nāga (tib. ཀླུ): long, (4) Tạng ngữ ging (tib. གིང): người hầu của heruka (một giác thể hung nộ), (5) rāhula, (tib. སྒྲ་གཅན་འཛིན་): các linh tánh (6) Tạng ngữ tsen (tib. བཙན) các thần thể hung ác, (7) rākṣasa (སྲིན་པོ་): yêu tinh, (8) Yakṣa (གནོད་སྦྱིན): Dạ-xoa.

[6]BA115 Bốn loại hành vi đó là bình lặng, giảm nhẹ, tăng cường và bạo động.

[7]BA116 Ārya-vīradatta-gṛha-pati-paripṛcchā-nāma-mahāyānā-sūtra {Vô Úy Thọ Gia Trưởng Vấn Đại Thừa Kinh – tức người chủ nhà tên Vô Úy Thọ hỏi kinh}.

[8]BA117 Điều này và những câu truyện tiếp sau diễn ra ở nơi tên là Bồ-đề Đạo Tràng, nơi đức Phật Thích-ca thành đạo trong khi thiền định dưới cội Bồ-đề. Nơi mà ở đó ngài ngồi được biết là Kim Cương Tòa, và một tháp lớn đã được xây dựng gần đó. Các pho tượng đề cập ở đây đặt trên các phía vách của ngôi tháp và ngôi chánh điện trong câu truyện kế tới tọa lạc trên nền của ngôi tháp.

[9]BA118 BCA: 1.7ab.B.

[10]BA119 Ratna-guṇa-sañcaya-gāthā {Bảo Đức Bát Thiên Tập Kệ} 31.5; D13: Ka 18b3.

[11]BA120 Ibid.: 31.4; D13: Ka 18b2.

[12]BA121 BCA: 4.5-6,3.27.

[13]BA122 bodhisattvādikarmikamārgāvatāra-deśanā {Bồ-tát Đạo Nhập Môn Giáo Pháp} (giáo pháp nhập môn cho tu tập Bồ-tát đạo), D3952: Khi 296b7-297al.

[14]BA123 Cf. Bohdi-mārga-pradīpa-pañjikā, D3948: Khi 252al-2.

[15]BA124 Ārya-kāśyapa-paritvarta-ṭīkā-nāma-mahāyānā-sūtra {Ca-diếp Phẩm Đại Thừa Kinh} Cha 120a6-b6. Tên {Phạn} đầy đủ của bộ Bảo Tích Kinh bao gồm 49 tiểu kinh (Pagel 1995: Appendix III) là Ārya-mahā-ratnakūṭa-dharma-paryāya-śata-sāhasrika-kāśyapa-paritvarta-ṭīkā, P760, vols. 22-24.

[16]BA125 Phần đề cập về bốn hành vi đen tối và bốn thực hành trong sáng được trích trong phần sau tìm thấy trong Ārya-mahā-ratnakūṭa-dharma-paryāya-śata-sāhasrika-kāśyapa-paritvarta-ṭīkā, D4009: Ji 206B3-207a4.

[17]BA126 Śikṣāsamuccaya Vaidya 1961b: 33; D3940: Khi 35a2-4.

[18]BA127 LRCM: 178-179; Đại Pháp 1: 231-233.

[19]BA128 Ratna-guṇa-sañcaya-gāthā: 24.5; D13: Ka 14b4-5.

[20]BA129 Ibid.: 24.6b-d; D13: Ka 14b5-6.

[21]BA130 LRCM: 304.18-309.19.

[22]BA131 Pramāṇa-varttika-kārikā. 2.129cd, 2.126; Miyasaka 1972: 20-21.

[23]BA132 Kāśyapa-paritvarta-ṭīkā . D4009: li 207a4.

[24]BA133 Abhidharma-samuccaya, D4049: Ki 50b6-51al.

[25]BA134 Tên của bốn thực hành trong sáng không được nêu trong Tạng ngữ nhưng lại được tích hợp trong văn bản Tạng. Chúng được nêu danh sách ở đây vì lý do rõ ràng

[26]BA135 Kāśyapa-paritvarta, , D87: Cha 120b5. Ý này nói tất cả chúng sinh là Phật nghĩa là hãy tôn kính tất cả chúng sinh cũng giống như chúng ta tôn kính đức Phật, vì cả hai đều bình đẳng trong ý nghĩa rằng cả hai đều giúp chúng ta đạt đến Phật quả.

[27]BA136 Ārya-siṃha-paripṛcchā-nāma-mahāyānā-sūtra {Sư Tử [Cầu] Vấn Đại Thừa Kinh} D81: Cha 28b7-29al. Trích dẫn tìm thấy trong Bồ-tát Học Luận, Vaidya 1961b: 33; D3940: Khi 35a6-7.

[28]BA137 Śikṣāsamuccaya {Bồ-tát Học Luận} Vaidya 1961b: 33; D3940: Khi 35a7-b2, Trích dẫn Mañjuśrī-buddha-kṣetra-guṇa-vyūha-mahāyānā-sūtra {Văn-thù-sư-lợi Phật Độ Trang Nghiêm Kinh}, Ārya-ratna-megha-nāma-mahāyānā-sūtra {Bảo Vân Đại Thừa Kinh} và Samādhi-rāja-sūtra {Định Vương Kinh}. Geshe Yeshey Tapkay đã tái cấu trúc lại phần này để theo sát với Bồ-tát Học Luận P5336:199.3.6-8. Ông đã xem câu ba gzhan du'ang sems rin po che dang mi 'bral ba ni như là ngôn từ của chính Tsongkhapa. Hai dòng cuối trích dẫn từ Định Vương Kinhde la gnas pa'i rnam par rtog pa des/de Ita de Itar de la sems gzhol 'gyur – đã được thêm vào cho rõ.

[29]BA138 Bodhi-patha-pradīpa {Bồ-đề Đạo Đăng Luận}, D3947: Khi 239a3.

[30]BA139 Kāśyapa-paritvarta, D87: Cha 120a3-4.

[31]BA140 Bbh, Wbgihara 1971:160-161; D4037: Wi 85b7-86a4. Siksa-samuccaya, Vaidya 1961b: 41; D3940: Khi 43a5-b2.

[32]BA141 Byang chub sems dpa'i tshul khrims kyi rnam bshad byang chub gzhung lam, Tatz 1986:187-194. Tựa đề ở đây là Tshul khrims le'u rnam bshad. Ārya-gṛhapati-upāli-paripṛcchā-nāma-mahāyānā-sūtra {Gia Trưởng upāli Cầu Vấn Đại Thừa Kinh} là D68.

[33]BA142 Bohdi-mārga-pradīpa-pañjikā D3948: Khi 249b3-250bl.

[34]Một cách ngắn gọn thì đây là tên của một vị vua. Tương truyền vị vua này được đức Phật Thích-ca ban truyền năng lực tu tập. Indrabhuti. Rigpa shedra. Truy cập: 29/01/2012

 <http://www.rigpawiki.org/index.php?title=Indrabhuti>.

[35]Tức là Bồ-đề tâm hành.

[36]BA143 Bốn năng lực của sám hối xem LRCM: 195-203; Đại Pháp 1:251-259 {Xem lại quyển 1 chương 15 bốn năng lực lần lược là Năng lực diệt trừ, Năng lực của việc áp dụng các biện pháp đối trị, Năng lực của việc xa lánh các lỗi lầm và Năng lực nền tảng}.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn