Chương 6: Định, Một Phần Của Đạo Pháp

12 Tháng Chín 201200:00(Xem: 7886)

Tsongkhapa
ĐẠI LUẬN VỀ
GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 3
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Hạ)
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎

Chương 6: Định, Một Phần của Đạo Pháp

(2’) Trình bày chung về cách thức để tiến hành theo đạo pháp cơ bản của định từ thiền

(3’) Trình bày đặc biệt về cách thức để tiến hành theo đạo pháp thế tục

(a") Sự cần thiết để thành tựu định từ thiền trước khi xúc tiến trên lộ trình có hàm chứa các khía cạnh của bình lặng và thô

(b") Trên cơ sở định từ thiền, cách để thoát khỏi tham chấp vào dục giới

 

–––––––\–––––––

 

(2’) Trình bày chung về cách thức để tiến hành theo đạo pháp cơ bản của định từ thiền

Vấn: Phải chăng ngài chỉ đơn thuần duy trì một sự thấy biết không rời rạc có đặc tính thấu rõ, không rời rạc, v.v... qua việc thành tựu sự chú tâm dẫn đến sự tập trung không rời rạc như được giải thích trước đây?

 

Đáp: Tạo ra được sự tập trung như thế trong dòng tâm thức của mình là vì mục tiêu phát khởi tuệ giác vượt thắng các đau khổ. Do đó, nếu không phát khởi tuệ giác trên cơ sở của sự tập trung này, thì quý vị sẽ không thể tiêu trừ ngay cả các đau khổ của dục giới, bất kể là quý vị tinh thông với sự định tâm ấy đến đâu. Trong trường hợp như thế, thì ích lợi được gì ngay cả trong việc giải trừ tất cả khổ đau? Do đó, hãy nuôi dưỡng tuệ giác. 

Xa hơn nữa, có hai loại tuệ giác: tuệ giác tiến hành bằng đạo pháp thế tục, vốn giải trừ các đau khổ hiển hiện, và tuệ giác tiến hành bằng đạo pháp siêu thế, vốn nhổ tận gốc các hạt giống của các đau khổ. Không có phương tiện hành trì nào cao hơn hai đạo pháp trên. Vô Trước khẳng định trong Thanh Văn Địa[1]:

 

Do vậy, thiền giả nào đã thành tựu sự chú tâm và đã nhập vào một hỷ lạc nhỏ về sự giải trừ các đau khổ đều có hai phương cách để tiến bộ và không có cách khác. Hai phương cách này là gi? Đó là [con đường] thế tục và siêu thế.

 

Do đó, người nào đã thành tựu định từ thiền, hay sự chú tâm, đều có thể nuôi dưỡng hoặc là trí tuệ về đạo pháp thế tục hoặc là trí tuệ được tiến hành trên đạo pháp siêu thế. Cho dù là loại tuệ giác nào quý vị mong muốn nuôi dưỡng, thì quý vị phải nuôi dưỡng thường xuyên định lực đã thành tựu trước đó; và khi quý vị tu tập theo cách này, tính nhu hoạt và nhất tâm sẽ tăng cường to tát, và định lực cũng trở nên bền vững hơn nhiều. Hơn thế nữa, quý vị trở nên hiểu biết về các dấu hiệu của định và tuệ, và sau đó, hãy phấn đấu trên lộ trình nào trong hai đạo pháp mà quý vị mong muốn. [551] Thanh Văn Địa nêu[2]:

 

Về điều này, thiền giả mới sơ khởi có sự chú tâm hãy quán chiếu rằng “tôi sẽ tiến hành hoặc đạo pháp thế tục hoặc đạo pháp siêu thế” và họ tự mình thường xuyên áp dụng sự tập trung này. Với càng nhiều ngày đêm tu tập thường xuyên thì nhu hoạt và nhất tâm của họ sẽ tăng cường, khai triển và mở rộng một cách tương xứng. Khi chú tâm của họ trở nên vững vàng, bền lâu và rắn chắc, khi nó [sự chú tâm] tiến hành lên các đối tượng thuần khiết theo ý muốn, và khi nó thấm nhuần bởi các dấu hiệu liên hệ đến định và tuệ, thì vào thời điểm đó hãy nỗ lực thực hành theo đạo pháp thế tục hay đạo pháp siêu thế, mà mình mong ước tu tập theo.

 

Tuệ giác thế tục bao gồm thiền có hàm chứa các khía cạnh về sự bình lặng và thô, trong đó quý vị tuân theo sự thô thiển ở các mức thấp hơn và sự bình lặng ở các mức cao hơn. Tuệ giác siêu thế, như được khẳng định trong Thanh Văn Địa, bao gồm thiền tuân theo mười sáu khía cạnh của Tứ Diệu Đế, gồm có vô thường và v.v...[3]. Một cách thiết yếu quý vị nuôi dưỡng quan điểm hiểu biết về nhân vô ngã.

 

Vấn: Kiểu người nào thành tựu định như giải thích trước đây và không tiến hành đạo pháp siêu thế trong kiếp sống ấy, mà theo lộ trình tu tập thế tục?

 

Đáp: Thanh Văn Địa khẳng định[4]:

 

Người nào trong kiếp sống này chỉ tiến hành đạo pháp thế tục mà không theo đạo pháp siêu thế? Có bốn kiểu người sau đây: (1) Tất cả những ai không là Phật tử; (2) những ai trung thành với giáo pháp [Phật giáo] nhưng trong khi họ tu tập định một cách tốt đẹp, thì lại có năng lực nhận thức mờ yếu; (3) tương tự, những ai có năng lực nhận thức nhạy bén nhưng gốc rễ thiện đức của họ chưa chín muồi; và (4) các Bồ-tát mong muốn thành tựu giác ngộ trong tương lai, mà không phải trong kiếp hiện tại. [552]

 

Theo nội dung trên, tất cả các thiền giả không phải Phật giáo đã thành tựu định từ thiền được đề cập trước đây không sử dụng việc quán chiếu trí huệ để duy trì một phân tích về vô ngã của con người, vì họ đã không rút ra được tính vô ngã. Do đó, hoặc là họ chỉ duy trì định từ thiền không rời rạc, hoặc là họ chỉ nuôi dưỡng tuệ giác có hàm chứa các khía cạnh về bình lặng và thô. Theo cách này, họ chỉ tiến hành đạo pháp thế tục.

Nếu quý vị là hành giả theo giáo pháp này, tức là một Phật tử, nhưng lại thiếu năng lực nhận thức và đã thành thục sâu sắc việc bình ổn thiền định riêng từ trước, thì quý vị sẽ không quan tâm việc thiền khảo sát đến ý nghĩa của vô ngã với trí huệ phân biệt. Hay, ngay cả nếu quý vị có quan tâm, nhưng vì không đủ khả năng để hiểu ý nghĩa của vô ngã, quý vị sẽ tiến hành chỉ bằng đạo pháp thế tục trong kiếp này. Đó là vì quý vị hoặc chỉ duy trì một mình sự bình ổn của định, hoặc chỉ nuôi dưỡng được tuệ giác mang theo các khía cạnh về sự bình lặng và thô.

Ngay cả nếu quý vị là Phật tử với các năng lực nhạy bén vốn đã hiểu được ý nghĩa của vô ngã, nếu các gốc rễ về thiện đức cho việc thấy biết chân lý một cách sáng suốt đã không đủ chín mùi, thì trong kiếp này quý vị sẽ vẫn không thể phát khởi đạo thánh pháp, không ô trược, siêu thế. Trong trường hợp này, người ta nói rằng quý vị sẽ “chỉ tiến hành đạo pháp thế tục”, nhưng không có nghĩa là quý vị không có khả năng nuôi dưỡng tuệ giác hướng sự tập trung lên vô ngã.

Hãy xem xét về các Bồ-tát là những người hạn độ để tái sinh thêm trước khi thành Phật quả và là người mà trong suốt kiếp sống kế của mình, sự tái sinh cuối cùng của họ vẫn thuộc vòng luân hồi, sẽ tạo sinh trong tâm thức họ bốn lộ trình, bắt đầu từ lộ trình chuẩn bị. Trong khi họ còn giới hạn trong một lần sinh kế tiếp, thì họ không thể phát khởi thánh đạo. Nên ta nói rằng kiếp sống này họ “xúc tiến qua đạo pháp thế tục”, nhưng không có nghĩa là họ thất bại trong việc thấy biết ý nghĩa của vô ngã. Vi Diệu Pháp Báu Luận (Abhidharmakośa) của ngài Thế Thân khẳng định[5]:

 

Đối với Bổn Sư của chúng ta và các vị Phật Bích Chi giống các tê giác,

Tất cả các lộ trình từ chuẩn bị cho đến giác ngộ

Đều có một sự ổn định thiền cuối cùng.

Trước đó là hỗ trợ cho việc giải thoát [lộ trình tích lũy] [553]

 

Điều này tương hợp với cách thức của việc thành tựu Phật quả được dạy trong các giáo pháp Tiểu thừa, nhưng đó không là sự diễn dịch Đại thừa của thánh sư Vô Trước.

Do đó, những người không là Phật tử giải trừ được sự hiển lộ của khổ đau qua việc thiền lên đạo pháp mang các khía cạnh về bình lặng và thô, cũng như là các Phật tử giải trừ tận gốc phiền não qua việc thiền lên ý nghĩa của vô ngã, trước tiên phải thành tựu sự tập trung về định từ thiền đã được giảng giải trước đây. Nên định lực được giải thích bên trên là cần thiết cho các thiền giả Phật tử và không theo đạo Phật như là cơ sở cho việc giải trừ các phiền não. Hơn nữa, các thiền giả thuộc về cả Đại thừa hay Tiểu thừa cũng phải thành tựu sự tập trung này; và ngay cả trong số các hành giả Đại thừa, tất cả các thiền giả của cả Mật Chú thừa và Bát-nhã Ba-la-mật-đa thừa cũng phải thành tựu định từ thiền. Nên định lực này là vô cùng quan trọng như là cơ sở để xúc tiến theo các lộ trình tu tập cho tất cả thiền giả.

Hơn thế nữa, định lực được giảng giải trong các mật điển bao gồm những khác nhau chắc chắn trong các phương tiện để khởi tạo sự tập trung và trong các đối tượng thiền, như là việc tập trung lên các dạng hóa thân, lên phương tiện của các giác thể chọn trước, hay lên các âm tiết. Nhưng tách khỏi các dạng đó, chúng hoàn toàn giống nhau về nhu cầu để giải trừ ngũ triền cái về sự tập trung, bao gồm biếng nhác và v.v...; về các phương tiện để nuôi dưỡng những liều thuốc trị, như là toàn tâm và tỉnh thức và v.v...v.v...; và về sự thành tựu định của chín trạng thái tinh thần và việc xảy ra kế tiếp của nhu hoạt, v.v...v.v... Nên sự tập trung này rất phổ biến. Từ lưu ý đó, Kinh Giải Thâm Mật khẳng định rằng tất cả các kiểu tập trung Đại thừa và Tiểu thừa đều được bao gồm trong các kiểu tập trung của định và tuệ[6]. Do đó, quý vị, những người muốn có kỹ năng trong việc tập trung, nên trở thành thiện xảo trong định và tuệ.

Mặc dù có nhiều mục đích cho việc phát triển sự tập trung này (sự chú tâm của định), thì mục tiêu chủ yếu vẫn là cho lợi ích về việc phát triển tri kiến của tuệ giác. [554] Hơn thế nữa, về mặt tuệ thì có hai loại: (1) một loại mang theo các khía cạnh về bình lặng và thô, vốn chỉ giải trừ được các phiền não hiển hiện, và là chung cho cả Phật tử và không Phật tử; và (2) loại chung cho các Phật tử, bao gồm cả các hành giả Đại thừa và Tiểu thừa; đó là, tuệ giác mang theo các khía cạnh của thực tại về vô ngã, vốn một cách tối hậu giải trừ các hạt giống của các phiền não. Loại thứ hai này là phẩm chất đặc thù của riêng các Phật tử. Loại trước là một sự hiếm thấy nhưng không phải là điều chi không thể thiếu; trong khi loại sau lại là một thành tố rất cần thiết. Nên những ai thiết tha cho sự giải thoát nên sinh khởi tuệ giác hiểu được thực tại về vô ngã.

Hơn nữa, ngay cả nếu quý vị không thành tựu được các mức ổn định thiền cao của sắc giới hay các trạng thái thiền định sâu của vô sắc giới, nhưng lại thành tựu trình độ định đã được giải thích trước đây, vốn được bao gồm trong mức truy cập bình ổn thiền đầu tiên, thì quý vị vẫn có thể thành tựu giải thoát – tự do khỏi tất cả các trói buộc của luân hồi – bằng cách nuôi dưỡng tuệ giác có cơ sở từ việc định đó. Qua các phương tiện của trí tuệ thế tục vốn được phát triển trên cơ sở của định đã được giải thích trước đây, quý vị có thể thành tựu “tâm thức của tột đỉnh của Luân Hồi[7]”, giải trừ được tất cả các hiển hiện của đau khổ thuộc vô sắc giới cấp Vô sở hữu xứ và cấp thấp hơn[8]. Nhưng nếu quý vị không thấy biết được thực tại vô ngã và thiền lên đó, thì quý vị sẽ không được giải thoát khỏi luân hồi. Do đó trong [chương đầu tiên] “Tán Tụng Đoản Giáng” từ tác phẩm “Tán Tụng Vinh Danh Thế Tôn”, ngài Mātṛceṭa[9] có dạy[10]:

 

Ai chống lại điều Thầy bảo ban

Bị mù lòa do mang ảo tưởng

Ngay cả khi đã được mở đường

Đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ

Khổ đau lại xảy ra và luân hồi vẫn giữ đấy.

Ai tuân thủ điều Thầy chỉ dạy

Cả khi không đủ định từ thiền

Cũng xa được luân hồi khổ đọa

Trước cái nhìn trừng của mắt các Ma.[11]

 

Do đó, định từ thiền sử dụng như là cơ sở cho tuệ để thành tựu các thánh đạo của tất cả các người thuộc dòng nhập môn và những người tái vãng một lần là định đã được giải thích trước đây, vốn bao gồm trong sự truy cập đến trình độ bình ổn thiền đầu tiên. [555] ] Tương tự, hãy biết rằng tất cả các A-la-hán, những ai giải trừ được tất cả phiền não cùng một lúc, trở thành A-la-hán do bởi việc nuôi dưỡng tuệ giác trên cơ sở định từ thiền đã được giảng giải trước đây. Nếu ban đầu quý vị không xác lập được sự tập trung của định trong dòng tâm thức của mình như mô tả trước đây, thì sẽ không làm cho tri kiến thật sự về tuệ giác vốn tập trung hoặc lên bản chất thật hoặc lên sự phân hóa của tất cả hiện tượng có thể phát khởi được. Điều này sẽ được bàn thảo sau[12].

Do đó, trong khi các thiền giả thuộc truyền thống Mật điển du-già tối thượng phát triển tuệ giác có thể không phát triển được tuệ giác hàm chứa các khía cạnh của bình lặng và thô vốn tập trung lên sự phân hóa của tất cả các hiện tượng, hay phát triển định lực phát khởi bởi tuệ giác này, thì họ phải phát triển định. Hơn nữa, điểm mà định phát khởi lần đầu tiên, trong khuôn khổ của giai đoạn phát khởi và giai đoạn hoàn tất, chính là trong suốt giai đoạn phát khởi trong số hai giai đoạn này.

Tóm lại, quý vị phải phát triển định trước tiên và sau đó trên cơ sở này quý vị có thể xúc tiến đạo pháp tuần tự lên đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ qua các phương tiện của tuệ giác có hàm chứa các khía cạnh về bình lặng và thô; hay quý vị có thể xúc tiến theo năm lộ trình của giải thoát hay của toàn trí qua các phương tiện của tuệ giác có hàm chứa khía cạnh về thực tại vô ngã. Điều này cấu trúc nên dấu ấn chung của các giáo pháp thù thắng của đấng Điều Ngự, nên không thiền giả nào rời khỏi nó.

Việc xúc tiến này là một thể hiện tổng quát của cách thức tiến hành từ các lộ trình cao đến cao hơn trên cơ sở của định từ thiền.

 

(3’) Một trình bày đặc biệt về cách thức để tiến hành theo đạo pháp thế tục

Ở đây có hai phần: (1) Nhu cầu thành tựu định từ thiền trước khi xúc tiến lộ trình có hàm chứa các khía cạnh về bình lặng và thô và (2) trên cơ sở của định từ thiền, cách thức để giải thoát khỏi tham chấp vào dục giới.

 

(a") Nhu cầu thành tựu định từ thiền trước khi xúc tiến trên lộ trình có mang theo các khía cạnh của bình lặng và thô.

Người nào nuôi dưỡng đạo pháp có hàm chứa các khía cạnh về bình lặng và thô bằng cách thấu rõ lên các tính năng[13] trước tiên phải thành tựu định từ thiền đã được giảng giải trước đây, vì Đại Thừa Kinh Trang Nghiêm Luận có dạy[14]:

 

Trong việc tăng cường tập trung này

Và bởi tăng trưởng nó nhiều hơn

Thiền giả thật đạt bình ổn định từ thiền. [556]

 

Các trạng thái này mà vốn một người đã thành tựu đến trạng thái tinh thần thứ chín cùng với nhu hoạt như đã được giảng giải trước đây, tăng cường cho sự tập trung này và do đó thành tựu ổn định thiền thật sự.

Hơn thế nữa, từ thời điểm trạng thái tinh thần thứ chín trở lên cho đến khi quý vị thành tựu sự chú tâm [về sự thấu rõ lên các tính năng], thì quý vị được xem là đạt tới mức của một “người mới bắt đầu ở sự tập trung [đầu tiên đạt đến định]”. Một khi quý vị đã đạt tới sự chú tâm về việc thấu rõ lên các tính năng, và quý vị nuôi dưỡng nó từ một mong muốn tịnh hóa các phiền não, thì quý vị được xem là đạt tới mức của một “người mới bắt đầu ở điểm thanh tịnh các phiền não”. Nên người nào nuôi dưỡng sự thấu rõ lên các tính năng trước tiên hãy thành tựu sự chú tâm [định]. Thanh Văn Địa khẳng định[15]:

 

Một “người mới bắt đầu ở điểm chú tâm” là một người bắt đầu từ lúc chưa đạt tới sự chú tâm trong mối liên hệ đến tính nhất tâm [trong các khía cạnh của bình lặng và thô] cho tới lúc đạt được sự nhất tâm. Một “người mới bắt đầu ở điểm thanh tịnh phiền não” là người sau khi đạt tới sự chú tâm này và bắt đầu đạt tới sự chú tâm về việc thấu rõ các tính năng – tức là một sự chú tâm vốn mong muốn thanh tịnh tâm khỏi các phiền não và là một sự quen thuộc hóa với thực hành này.

 

Cũng ở bắt đầu của phần thứ tư, người ta nói rằng quý vị nuôi dưỡng các đạo pháp thế tục và siêu thế tách riêng ra sau khi đã thành tựu chú tâm [định]

Sự giải thích rất chi tiết trong Thanh Văn Địa về tiến trình của việc loại trừ các phiền não bởi việc hoàn tất định trước tiên được giải thích bên trên và sau đó thành tựu tuệ giác thế tục và siêu thế không thấy trình bày rõ ràng trong các giáo pháp khác về Vi Diệu Pháp. Các học giả tiên phong nào đã nghiên cứu trong các kinh luận cao và thấp hơn của Vi Diệu Pháp[16] cũng không viết rõ ràng về tiến trình giải trừ các đau khổ này trên cơ sở của việc hoàn tất nhất tâm định trước tiên.

Do đó, nếu quý vị chưa hiểu rõ giải thích này trong Thanh Văn Địa, thì quý vị có thể có ý kiến sai lạc như: “Giai đoạn thấp nhất trên lộ trình về các bình ổn thiền của sắc giới và các trạng thái định thâm sâu từ thiền của vô sắc giới là truy cập được mức bình ổn đầu tiên. [557] Và loại đầu tiên trong sáu loại chú tâm đã giải thích theo nội dung này là sự phân biệt về các tính năng. Do đó, sự phân biệt về các tính năng là trạng thái của tâm ở thời điểm bắt đầu của sự truy cập". Thật là sai lạc khi giữ một quan điểm như thế, vì các lý do: (1) nếu thiếu thành tựu định, quý vị không có cách nào để tạo ra sự truy cập đến mức bình ổn thiền đầu tiên; (2) nếu quý vị không thành tựu sự truy cập này thì sẽ không thành tựu được định; và (3) vì sự phân biệt về các tính năng bao gồm thiền quán, qua việc nuôi dưỡng thiền quán đó, quý vị sẽ không thể hoàn tất được định mà quý vị chưa thành tựu trước đó. Theo Du-già Sư Địa Luận được trích dẫn trước đây[17], không có nhu hoạt trong nhất tâm trong vòng dục giới; và Kinh Giải Thâm Mật và v.v... khẳng định rằng nếu quý vị không thành tựu nhu hoạt, thì quý vị sẽ không hoàn tất được định[18]. Do đó, nếu quý vị không thành tựu trạng thái truy cập đầu tiên, quý vị sẽ không thành tựu định.

Do vậy loại chú tâm đầu trong sáu loại của trạng thái truy cập mức đầu tiên [sáu loại chú tâm nhân quả trong danh mục của bảy chú tâm sẽ được đề cập sau] là ngỏ vào để nuôi dưỡng tuệ giác được bao gồm trong trạng thái truy cập, nhưng nó lại không có ngay vào lúc bắt đầu của trạng thái truy cập ở mức đầu tiên, vì định vốn bao gồm trong trạng thái truy cập phải đến trước. Tất cả các trạng thái tập trung trước khi thành tựu về các sự tập trung được bao gồm trong trạng thái truy cập đầu tiên đều chỉ là sự nhất tâm trong dục giới. Nên nếu quý vị bám chặt vào các giải thích trong các kinh điển cổ, sẽ có rất ít người thành tựu định, kể chi đến tuệ giác.

 

(b") Trên cơ sở của định từ thiền, cách thức để giải thoát khỏi sự bám chấp vào dục giới

Một khi quý vị trở nên quen thuộc với định từ thiền được giảng giải trước đây, vốn mang theo nhiều thuộc tính về sự thấu rõ, sự thấy biết không rời rạc, v.v..., nếu quý vị không nuôi dưỡng hoặc là một trong hai loại tuệ giác, thì quý vị sẽ không thể đình chỉ được ngay cả các phiền não hiển lộ của dục giới. Trong trường hợp như thế, cần chi bàn đến việc loại trừ các hạt giống của khổ đau và các ngăn trở tri kiến? [558] Do vậy, nếu quý vị muốn thành tựu trình độ bình ổn đầu tiên, vốn thoát khỏi tham chấp với dục giới, hãy nuôi dưỡng trí huệ trên cơ sở của định lực đó.

 

Vấn: Vậy thì, tại sao điều này không mâu thuẫn với mệnh đề trước đây rằng nếu quý vị trở nên quen thuộc với chỉ riêng định, thì quý vị sẽ trấn áp được các phiền não hiển hiện[19]?

 

Đáp: Không thành vấn đề, vì sự giải thích trước đây gộp tuệ giác thế tục chung vào lớp định từ thiền; nhưng giải thích này ám chỉ đến định lực vốn được bao gồm trong trạng thái truy cập đầu tiên và vốn có trước cả hai loại tuệ giác. Hơn thế nữa, đối với tuệ giác hoàn tất việc giải thoát khỏi tham chấp, thì có hai cách để tự giải thoát cho quý vị, một là từ tuệ giác mang theo khía cạnh của các Diệu Đế và cách kia là từ tuệ giác mang theo các khía cạnh của bình lặng và thô. Sự bàn thảo hiện tại là một trình bày về cách thức để hoàn tất giải thoát khỏi tham chấp qua con đường sau của hai đạo pháp này.

 

Theo ý hướng này, những người nuôi dưỡng[20] nó là cả những ai ngoài Phật giáo, vốn hoàn toàn không có quan điểm vô ngã, và những người theo đuổi giáo pháp này [các Phật tử] vốn có quan điểm vô ngã. Loại đạo pháp họ nuôi dưỡng để giải trừ phiền não tương ứng với các giáo huấn trong Thanh Văn Địa[21]:

 

Vì mục tiêu giải thoát khỏi dục giới, các thiền giả cần mẫn dùng bảy loại chú tâm và sau đó thành tựu được sự giải thoát. Bảy loại chú tâm: chú tâm về (1) sự thấu rõ về các tính năng, (2) khởi tín tâm, (3) cô lập, (4) hỷ lạc hay hồi nội, (5) phân tích, (6) áp dụng sau cùng và (7) kết quả của áp dụng sau cùng.

 

Trong số đó, điều cuối cùng là sự chú tâm vào thời điểm bước vào trạng thái bình ổn thiền thật sự trở nên không còn tham chấp vào dục giới; vậy nên đây là điều được hoàn tất trong khi sáu điều trước đó là để hoàn thành nó.

 

Vấn: Nếu trong trường hợp này ngài không giải trừ các phiền não thông qua thiền lên ý nghĩa của vô ngã, thì thứ gì ngài đang xác lập và sau đó thiền lên đó để giải trừ phiền não? [559]

 

Đáp: Mặc dù các phiền não hiển lộ khác của dục giới được giải trừ bằng đạo pháp này có mang theo các khía cạnh của bình lặng và thô, nhưng mệnh đề “tự giải thoát khỏi tham chấp dục giới” chủ yếu nói đến việc giải trừ tham chấp qua cách của phương thuốc trị của nó. Hơn thế nữa, tham chấp ám chỉ ở đây là thèm mong và bám chấp vào các đối tượng của ngũ căn thuộc dục giới. Thuốc trị điều này là xem các đối tượng của ngũ căn như là sự bất lợi trong vô số cách. Do đó, bằng cách giữ vững vào sự đối nghịch của cơ chế về sự nắm bắt của tham chấp và sau đó tự làm cho mình quen thuộc với nó, thì quý vị trở nên không còn tham chấp vào dục giới.

Ngoài ra, quý vị có thể có một sự chắc chắn bền vững của việc phân biệt về các tính năng, là một phân biệt không lầm lẫn về các sai sót của dục giới và các phẩm chất tốt đẹp của mức bình ổn thiền thứ nhất. Tuy nhiên, nếu quý vị chưa hoàn tất xong định, quý vị sẽ không thể giải trừ các phiền não bất kể quý vị có trở nên thuần thục đến đâu về việc phân biệt giữa các sai sót đó và các phẩm chất tốt đẹp. Hơn thế nữa, ngay cả nếu quý vị đã thành tựu định, nếu quý vị không phân tích với sự phân biệt, thì cho dù quý vị nuôi dưỡng định bao nhiêu, quý vị sẽ không thể giải trừ các phiền não. Do vậy, quý vị phải giải trừ chúng bằng con đường nuôi dưỡng cả định lẫn tuệ. Đây là thủ tục cho mọi cách giải trừ các phiền não.

Trong trường hợp đó, có bảy kiểu chú tâm được mô tả như sau:

1. Tri kiến về các tính năng [sự phân biệt về các tính năng] trong đó người ta phân biệt giữa các khuyết điểm và các thuận lợi của các cấp độ thấp và cao hơn dẫn đến sự hợp nhất của truy cứu và quán chiếu qua những phương tiện của các trạng thái tinh thần vốn khởi lên từ truy cứu về một số sự kiện và những trạng thái tinh thần khởi lên từ sự quán chiếu đến những sự kiện khác.

2. Bằng việc tự làm thành thục theo cách này, quý vị sẽ tin tưởng đặc biệt vào các đối tượng về bình lặng và thô qua cách thức thiền vốn siêu việt hơn sự truy cứu và quán chiếu; và đây là sự chú tâm khởi lên từ lòng tin. Về việc này, Thanh Văn Địa khẳng định[22], “Tập trung vào dấu hiệu [thô và bình lặng], ngươi nuôi dưỡng định và tuệ”, và ngay cả trong đoạn văn chú trọng đến sự chú tâm thứ sáu có tham chiếu đến việc nuôi dưỡng định và tuệ. Đoạn văn về mức chú tâm đầu tiên này đề cập đến sự tập trung lên sáu căn bản tố, bao gồm ý nghĩa[23], và trong các đoạn văn khác thì sự tập trung này thường được chỉ định như là tuệ giác. Do đó, mặc dù điều này không dẫn đến việc nuôi dưỡng quan điểm về vô ngã, thì nó vẫn là tuệ giác. [560]

Do đó trong khuôn khổ của các kiểu chú tâm này, quý vị giải trừ các phiền não sau khi đã thiền theo cả hai lộ trình định và tuệ. Đây là cách thức quý vị nuôi dưỡng hai điều này: quý vị nuôi dưỡng tuệ giác qua việc phân tích lặp đi lặp lại các đối tượng khác nhau của sự bình lặng và thô, và vào lúc kết thúc của sự phân tích này, quý vị hãy nuôi dưỡng định bởi sự tập trung nhất tâm lên những đối tượng về bình lặng và thô này. Loại chú tâm thứ hai và thứ nhất trong lối thiền như thế là phương thuốc chữa ảo tưởng.

3. Khi dựa trên cơ sở về việc tự mình làm cho quen thuộc với sự nuôi dưỡng xen kẽ định và tuệ theo cách đó, thì quý vị khởi tạo một phương thuốc trị cho các phiền não lớn lao [thô] của dục giới, điều này được gọi là sự chú tâm cô lập.

4. Xa hơn nữa, gọi là sự chú tâm về hỷ lạc hay hồi nội khi quý vị có khả năng giải trừ các phiền não trung bình qua các phương tiện của việc nuôi dưỡng xen kẽ định và tuệ.

5. Sau đó, khi quý vị thấy rằng các phiền não của dục giới vốn ngăn trở nỗ lực của quý vị trong thiện đức không còn khởi hoạt trong cả việc trụ lại trong sự tập trung hay khi quý vị vừa khởi tâm [tập trung], thì đừng có một ý nghĩ thô thiển rằng “Giờ đây tôi đã giải trừ các phiền não”. Đúng hơn, hãy phân tích, “Phải chăng sự tham chấp vào các hấp dẫn về thụ cảm không được khởi hoạt trong khi tôi chưa thoát khỏi nó? Hay có phải nó không khởi hoạt sau khi tôi đã được giải phóng khỏi nó?” Sau đó để thử nghiệm điều này, hãy theo dõi sự tham chấp khởi lên khi quý vị hướng tập trung vào một đối tượng rất đẹp của tham chấp. Từ đó về sau, sự hứng khởi của quý vị trong thiền nhằm mục đích giải trừ tham chấp này là sự chú tâm phân tích. Điều này giúp tránh khỏi sự kiêu mạn của ý tưởng cho rằng quý vị đã dẹp trừ cái vốn chưa được dẹp trừ [thật sự].

6. Sau đó, lặp lại, quý vị quán chiếu phân tích lên các đối tượng của sự bình lặng và thô như trước đây và tập trung nhất tâm ở phần kết luận của sự phân tích. Sự chú tâm áp dụng sau cùng là khi qua việc thiền theo cách này quý vị phát khởi phương thuốc trị cho các phiền não vi tế của dục giới. Các loại chú tâm thứ ba, thứ tư và thứ sáu là các phương thuốc giải trừ các phiền não.

7. Do vậy, khi quý vị đã giải trừ các phiền não vi tế, thì quý vị đã vượt qua tất cả các phiền não hiển lộ của dục giới, và với thời điểm hiện tại chúng không khởi hoạt dù trong một mức độ nhỏ nhất. Nhưng quý vị vẫn chưa tiêu diệt hoàn toàn các hạt giống của các phiền não ấy. [561] Bằng phương tiện này, quý vị đã thoát khỏi các tham chấp đến trạng thái Vô sở hữu xứ, nhưng vì quý vị không thể ngưng được ngay cả các phiền não hiển lộ của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nên quý vị chưa thể vượt qua được luân hồi. Tuy nhiên, trên cơ sở bình ổn thiền quý vị cũng thành tựu được Ngũ thần thông[24], nhưng thầy sẽ không bàn về chúng vì sợ dông dài. Trước đây, điều này đã được chi tiết hóa trong Thanh Văn Địa của Vô Trước, hãy xem thêm ở đó [25].

Ngày nay, không có ai dùng các phương pháp này để thật sự hoàn tất các bình ổn thiền và v.v..., nên không người nào dẫn quý vị lạc lối cả. Mặc dù thế, nếu quý vị phát khởi một hiểu biết rằng điều đó không bị hạn chế chỉ trong mô tả bằng lời tổng quan về chúng, thì sẽ thật sự hữu ích để tránh những bẫy rập về những sự tập trung khác với các điều này.

Các sự tập trung như thế về bốn cấp bình ổn thiền của sắc giới và bốn cấp thiền sâu của vô sắc giới, cũng như ngũ thần thông, thì được chia sẻ cho những người không theo Phật giáo. Vậy nên, ngay cả nếu quý vị thành tựu được những sự tập trung siêu việt như thế, thì chẳng những quý vị sẽ không được giải thoát khỏi luân hồi chỉ bằng những điều này, mà chúng còn ràng buộc quý vị vào luân hồi. Do đó, hãy tìm kiếm trí huệ quán chiếu và quan điểm về vô ngã, và đừng thỏa mãn chỉ với định lực.

Ngay cả nếu quý vị thiếu tri kiến sâu xa về các phương tiện của việc hoàn tất mức bình ổn thiền đầu tiên và v.v..., thì quý vị chắc chắn nên xem xét một cách cẩn thận vào trọng tâm của các bàn thảo sau đây và đạt đến hiểu biết tối thiểu nào đó về chính các giáo pháp đó, để tự tránh cho quý vị khỏi các thêu dệt: (1) bàn thảo bên trên liên quan đến chín cách thức để tập trung tâm quý vị, trình bày trong trích dẫn trước đây của Trung Quán Giai Trình Thiền, chúng là các phương tiện cho việc hoàn tất “định” hay “sự chú tâm” đề cập từ trước vốn có từ các Kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa thâm diệu, v.v...; (2) ý nghĩa đề ra của chúng như được giảng giải trong Đại Thừa Kinh Trang Nghiêm Luận của Di-lặc; (3) các bàn thảo tổng kết của thánh giả Vô Trước về chúng trong Bồ Tát Địa, Vi Diệu Pháp Tập LuậnQuyết Định Yếu Luận, cũng như là giải thích chi tiết về chúng trong Thanh Văn Địa tương hợp với biểu thị trong Căn Bản Tập Luận (Vastu-saṃgraha) [26] của ngài mà cả định lẫn tuệ đều được bàn thảo trong Thanh Văn Địa; (4) các bàn luận về ý nghĩa của chúng trong Trung Quán Giai Trình Thiền và tác phẩm Bát-nhã Ba-la-mật-đa Luận của Bảo Sinh Tịnh; và cũng thế (5) cách thức để hoàn tất định thông qua tám phương thuốc trị và các con đường để giải trừ ngũ triền cái, trong Trung Biên Phân Biệt Luận của Di-lặc. [526]

Một số hành giả về bình ổn thiền ngay cả không quen thuộc với các tên của các trạng thái thiền. Một số trở nên thành thục chỉ với các từ vựng khi họ nghiên cứu kinh văn cổ, nhưng họ lại không hiểu ý nghĩa một cách đúng đắn. Sau đó, khi có dịp để tu tập thì họ thấy không cần thiết với các giáo pháp đó, rồi loại bỏ chúng như là không có lợi ích, và bảo lưu việc thiền của họ. Hậu quả là khi họ thành tựu một trạng thái tập trung vốn phù hợp để được bao gồm trong lớp định, thì họ bênh vực rằng đó là sự tập trung lên tính Không, vốn là một chỉ dấu cho thấy họ không nhận thức được trọng điểm về tu tập với sự hiểu biết cẩn thận. Khi họ chỉ thành tựu trạng thái thứ chín, vốn là một sự tập trung có chung cho cả Phật tử và ngoài Phật tử, thì họ cho rằng đã trải nghiệm giai trình cuối cùng của mật điển du-già tối thượng với toàn bộ các tính năng của nó. Nhiều trong số những người này, sau khi họ đã trộn lẫn cân bằng thiền với trạng thái sau khi thiền, đã khẳng định một cách sai lầm rằng trải nghiệm này là trí huệ không bị gián ngắt và không rời rạc.

Khi quý vị thâu nhận đúng chắc về các giải thích trước đây, thì quý vị sẽ không bị lừa chỉ bởi sự định danh của những ngôn từ hấp dẫn như là thiền lên không có đối tượng, không có biểu hiệu, và ý nghĩa khẳng định. Qua việc thấy biết phạm vi của các ý nghĩa về các sự tập trung này, quý vị sẽ nhận biết được điều gì có và điều gì không bị chệch hướng với đạo pháp. Do đó, hãy trở nên thiện xảo trong giai trình của việc hoàn tất tập trung được dạy trong các giáo pháp quyền năng đó.

Ở đây ta bảo:

 

Sự thâm diệu là các mô tả về giai trình cho việc thành tựu tập trung.

Được dạy tường tận trong các kinh và các luận tuyệt luân

Những ai căn trí nhỏ không thể hiểu chính xác chúng,

Nên phóng tưởng[27] các sai lạc của tâm mình lên kẻ khác.


Nghĩ rằng: “Không có giáo huấn cho việc lưu giữ tỉnh thức không rời rạc”,

Họ không tìm kiếm từ các kinh luận có chúng [các giáo huấn],

Và lại nghĩ rằng đã tìm thấy chúng

Sau khi đã tìm rất kỹ ở nơi mà chúng không có.

 

Những người như thế thất bại trong việc phân biệt

Ngay cả giữa các định Phật giáo và tập trung phi Phật giáo

Điều gì cần, thì đó là điều để nói đến

Việc phân biệt chính xác khác nhau giữa chúng

 

Giữa sự tập trung của Đại thừa và Tiểu thừa [563]

Cũng như của Kim Cương và Ba-la-mật-đa! Hãy nhìn tình trạng này,

Ta đã giảng giải trong ngôn từ đơn giản

Cách để bảo lưu sự tập trung như được dạy trong kinh luận cổ.

 

Này bằng hữu, những ai đã tu tập nhiều năm trong kinh luận cổ,

Đừng đánh mất viên ngọc quý của mình

Trong ý hướng phủ lớp trang phục kim hoàn của kẻ khác,

Mà hãy nhận thấy có điều chi giá trị vĩ đại từ ngươi!

 

Không gì xa khỏi nghĩa từ các huấn thị

Trong các giáo pháp đã học. Hãy biết lấy điều này,

Vị thiện sư của các hiền nhân đã dạy “Có hỷ lạc trong rừng

Cho những ai hiếu học vô cùng". Hãy phân tích các ngôn từ đó.

 

Xin cho các thiền giả vốn đặt niềm hy vọng vào sự kiên định tuyệt đối,

Dù họ chưa một lần thu được sự thấu rõ đúng ngay

Về cách thức tu tập và ước lường thành đạt

Của đạo pháp về định tập trung hoàn toàn không rời rạc.

 

Thấy được chính xác con đường bảo lưu

Thiền trong sự nương tựa vào bậc thiện tri.

Nếu không, ít tác hại nếu họ dừng tạm một thời gian

Ngưng nghỉ để tỉnh táo với giáo pháp của đấng Thù Thắng.

 

Giải thích này về đường thành tựu định

Dụng giáo pháp của Từ Thị và Vô Trước

Cho lợi ích phục vụ dài lâu

Các giảng huấn của đức Thù Thắng.

 

Trong các giai trình về đạo pháp của một cá nhân có căn cơ rất cao, thì điều này bao gồm giải thích về cách thức cho những ai đang tu tập Bồ-tát hành rèn luyện định, mà vốn là bình ổn thiền.



[1]B208 Śbh, Wayman 1961: 125; P5537:115.2.2-3.

[2]B209 Ibid, Wayman 1961:125; P5537:115.2.3-7.

[3] B210 LRCM: 269 (Great Treatise 2000:341-42)

[4] B211 Śbh, Wayman 1961:125-26; P5537:115.2.7-115.3.1

[5] B212 Abhidharmakośa-kārikā (AK): 4.24; P5590: 124.3.8. "Lộ Trình Tích Lũy" dịch từ mthar pa cha mthun (nghĩa là "sự hỗ trợ để giải thoát")

[6] B213 Sn, Lamotte 1935: 111; P774:17.6.2-6; trích từ LRCM: 470

[7]Đây là mức cao nhất của cấp độ thiền vô sắc thường được dịch thành “phi tưởng phi phi tưởng xứ”. Các cấp còn lại trong thiền vô sắc giới từ thấp đến cao là: không vô biên xứ, thức vô biên xứ và vô sở hữu xứ.

[8]B214 Phi tưởng phi phi tưởng xứ (srid rtse, bhavagra) là mức cao nhất của bốn mức cân bằng thiền của vô sắc giới, còn được gọi là mức tột đỉnh của luân hồi. Xem chú thích B65.

[9]Có sách dịch là “Tán Phật Tụng”. Và tên Mātṛceṭa dịch nghĩa là “Mẫu Hầu”. Có sách dịch tên phiên âm thành Ma-hý-lý-chế-tra.

[10]B215 Varṇā-varṇe-bhagavato-buddhasya-stotre-śākya-stava D1138: Ka 96a3-4.

[11]B216 Bốn loại Ma là (1) Uẩn Ma, (2) Phiền não ma, (3) Tử ma và (4) Thiên ma (Devaputra), một hóa thân của tội lỗi thường xuất hiện vào nhiều lúc cùng với các chủ thể như là một sư cám dỗ trong các truyện kể Phật giáo.

[12]B217 LRCM: 802

[13]B218 Qua các giá trị về sự thấu rõ của các tính năng {của sự tập trung tâm thức} này ta phân biệt được bình ổn thiền hay cân bằng thiền với các thiền khác, có sự tiến triển từ các đặc tính tương đối thô của các trạng thái thiền thấp sang sự bình lặng tương đối của các trạng thái cao hơn.

[14]B219 MSA: 14.15d-16ab; P5521:10.5.6-7.

[15]B220 Śbh, P5537: 88.1.4-6.

[16]B221 Các luận cao hơn và thấp hơn về Vi Diệu Pháp (chos mngon pa) lần lượt là Vi diệu Pháp Tập Luận (Abhidharma-samuccaya) và Vi Diệu Pháp Báu Luận (Abhidharmakośa).

[17]B222 LRCM: 539.

[18]B223 Sn, MSA, Bkl cited at LRCM: 537.

[19]B224 Sn and Bk2 cited at LRCM: 479.

[20]B225 Đoạn dịch này dùng theo 'di la rten ni tìm thấy trong Ganden Bar Nying: 279a5.

[21]B226 Śbh, P5537:115.3.5-7.

[22] B227 Śbh, P5537; 116.4.1

[23] B228 Sáu căn bản tố là ý nghĩa (don), thực thể (dngos), đặc tính (mtshan nyid), phương hướng [không gian] (phyogs), thời gian (dus) và truy cứu nguyên nhân (rigs pa yongs su 'tshol ba)

[24]B229 Ngũ thần thông là thiên nhãn thông [thấy được vô biên], thiên nhĩ thông [nghe được mọi cõi], tha tâm thông [hiểu được tâm ý mọi chúng sinh], túc mạng thông [nhớ lại được nhiều tiền kiếp] và lậu tận thông [thấy biết được sự hoại diệt của các cấu hợp thể]. Các chi tiết thêm xem Vajiranana 1975: 443-53 and Conze 1990: 79-82

[25]B230 Śbh, P5537:120.2.3-8.Các chi tiết bàn về bảy loại chú tâm xem Zahler, et al. 1983:92-115

[26] B231 Yoga-caryā-bhūmau-vastu-saṃgraha P5540:152.1.1-2

[27]Nhắc lại, phóng tưởng (hay tưởng tượng) có thể xảy ra khi tâm nhận thức về một đối tượng (chẳng hạn từ các cơ quan thụ cảm) và sau nhận thức đó, tâm tiếp tục khởi sinh các trạng thái tư tưởng thứ cấp và tạo dòng tư tưởng phóng hoạt thứ cấp. Dòng tư tưởng này có thể đúng có thể sai mà hầu hết là sai lạc do thiếu đi các lập luận hay các chứng cứ hỗ trợ.

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn