Chương 9: Giai Trình Bước Vào Thực Tại

12 Tháng Chín 201200:00(Xem: 7615)

Tsongkhapa
ĐẠI LUẬN VỀ
GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 3
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Hạ)
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎

Chương 9: Giai Trình Bước Vào Thực Tại

(3’) Cách xác định quan điểm triết học về tính Không

(a”) Giai trình bước vào thực tại

 

 (3”) Cách xác định quan điểm triết học về tính Không

Phần này bao gồm hai nội dung:

1. Giai trình bước vào thực tại

2. Sự xác định thật sự về thực tại (các chương 10 đến 24)

 

(a”) Giai Trình Bước Vào Thực Tại

Vấn: Niết-bàn là thực tại mà một người muốn đạt đến, nhưng Niết-bàn là gì? Nếu “lối vào thực tại” có nghĩa là một phương pháp nhằm đạt đến Niết-bàn, thì Ngài sẽ bước vào ra sao?

 

Đáp: Thực tại mà ngươi tìm cách để đạt – hiện thân của chân lý – là sự đoạn diệt hoàn toàn những ý niệm về ngã và sở hữu của nó, cụ thể là ngăn không cho khởi hiện tất cả các hiện tượng bên trong và bên ngoài khác nhau như thể chính chúng là thực tại – mà vốn chúng không phải thực tại - cùng với các tập khí tiềm ẩn cho các sự khởi hiện sai lạc[1] như vậy.

 

Giai trình để các ngươi bước vào thực tại đó như sau: Trước tiên, sau khi đã quán chiếu về sự chán ngán các khiếm khuyết và bất lợi của luân hồi, ngươi nên phát triển nguyện ước ngừng nó. Kế tiếp, hãy hiểu rằng ngươi sẽ chẳng vượt qua được luân hồi ngoại trừ ngươi đối trị được nguyên nhân của nó, ngươi tìm hiểu về các căn nguyên, cứu xét xem điều gì có thể là nguyên nhân chính của luân hồi. Từ đó, ngươi trở nên xác quyết từ trong thâm tâm rằng quan điểm thật chất hóa về các uẩn[2] đang hư hoại {hoại uẩn hay diệt uẩn}, hay vô minh, vốn hoạt tác như là gốc rễ của luân hồi. Bởi thế ngươi cần nuôi dưỡng một mong ước thành tâm loại trừ điều đó.

Kế đến, hãy thấy được rằng việc vượt qua tri kiến thật chất hóa về các hoại uẩn thì vốn phụ thuộc vào việc phát triển tuệ giác hiểu biết được rằng bản ngã, theo như nhận nghĩ, là không hiện hữu. Rồi ngươi sẽ thấy rằng ngươi phải phủ định bản ngã đó. Hãy xác thật sự phản bác đó bằng cách dựa vào kinh sách và các dòng lập luận, vốn dẫn ra mâu thuẫn về sự tồn tại của nó {bản ngã} và chứng tỏ sự không hiện hữu của nó. Đây là một kỹ năng cần thiết cho bất kỳ ai muốn cầu tìm giải thoát. Do đó, sau khi ngươi đã đạt đến quan điểm triết học, vốn nhận thức rằng bản ngã và các sở hữu của ngã thiếu vắng dù chỉ một chút mảy may tự tính, thì ngươi nên tự làm quen với điều đó; điều này sẽ dẫn đến việc đạt được hiện thân của chân lý.[575] Minh Cú Luận của ngài Nguyệt Xứng dạy rằng:[3]

 

Vấn: Ngài nói rằng tất cả các điều này như phiền não, nghiệp, các thân, các tác nhân và các hậu quả không phải là thực tại. Tuy nhiên, mặc dù chúng không phải là thực tại, nhưng chúng trình hiện trước những kẻ non dạ trong dạng chung về thực tại – giống như một đô thị ma quái và v.v... Nếu quả vậy, thì thực tại là cái gì và cách bước vào thực tại đó như thế nào?

 

Đáp: Thực tại là sự diệt trừ hoàn toàn các ý niệm về cả ngã lẫn điều gì thuộc về ngã về phương diện nội tâm và ngoại pháp, đây là kết quả của việc không nắm bắt được các pháp bên trong và bên ngoài. Về việc bước vào thực tại, hãy đọc Nhập Trung Luận, vốn dạy như sau:

 

Trong tâm mình, các thiền giả nhận thức rằng mọi phiền não

Và mọi sai sót khởi lên từ quan điểm thật chất hóa về các hoại uẩn

Và, biết rằng ngã là đối tượng của quan điểm đó,

Họ phản bác tự ngã.

 

Minh Cú Luận của ngài Nguyệt Xứng dạy rằng:[4]

 

Các thiền giả muốn bước vào thực tại và những ai muốn đoạn diệt mọi phiền não và sai sót hãy suy ngẫm câu hỏi, “Luân hồi này có điều gì làm cội rễ?” Sau khi họ đã truy cứu thấu suốt điều này thì họ thấy rằng luân hồi có gốc rễ là quan điểm thật chất hóa về các hoại uẩn, và họ thấy rằng bản ngã là đối tượng được nuông theo bởi quan điểm thật chất hóa đó về các hoại uẩn. Họ nhận thấy rằng việc không chiều theo bản ngã dẫn đến việc loại bỏ được quan điểm thật chất hóa các hoại uẩn, và thông qua việc loại bỏ đó, tất cả mọi phiền não và sai sót được vượt qua. Do đó, ngay từ lúc đầu, họ chỉ kiểm tra bản ngã mà hỏi rằng: “Bản ngã gì vốn là đối tượng của sự định danh về bản ngã?”

 

Kinh điển đưa ra nhiều luận điểm phản bác tự tính của vô số các pháp riêng lẻ. Tuy nhiên, khi hành giả mới tiến hành tu tập Phật pháp, họ thiền một cách vắn tắt bằng cách xác quyết rằng cả ngã lẫn các sở hữu của ngã đều thiếu tự tính. Đại sư Phật Hộ nói đây là ý nghĩa chương thứ mười tám trong Căn Bản Trung Luận của ngài Long Thọ. [576] Luận giải của đại sư Nguyệt Xứng dựa trên câu tuyên thuyết này của ngài Phật Hộ. Lại nữa, các giáo pháp về nhân vô ngã trong Nhập Trung Luận của ngài Nguyệt Xứng chỉ là sự khai triển của các lời giảng giải trong chương thứ mười tám trong Căn Bản Trung Luận của ngài Long Thọ.

 

Nghi vấn: Không phải là Ngài đang giải thích cách bước vào thực tại của Đại thừa ư? Trong trường hợp đó, thực tại mà người ta đang tìm kiếm để đạt đến không thể là sự đoạn diệt đơn thuần của các khái niệm về ngã và các sở hữu của ngã.[5]

Lại nữa, bởi vì sự xác quyết đơn thuần rằng ngã và các sở hữu của nó thiếu tự tính không dẫn đến được xác quyết rằng các đối tượng, vốn khác biệt với các cá nhân, đều là vô ngã, nên thật sai lầm khi xem đó là con đường bước vào thực tại.

 

Đáp: Chẳng có vấn đề gì ở đây, bởi vì có hai loại đoạn diệt hoàn toàn các ý niệm về cả ngã lẫn các sở hữu của ngã. Thậm chí những người tu theo Tiểu Thừa cũng có thể có được cách thứ nhất, sự đoạn diệt hoàn toàn các phiền não, khiến chúng sẽ không bao giờ phát khởi lên nữa; tuy nhiên, cách thứ hai là pháp thân Phật. Đây là sự đoạn diệt – thông qua việc hoàn toàn không tri nhận {skt: Anupalabdhi} - các biểu hiệu vốn là các diễn tưởng về các hiện tượng bên trong và bên ngoài.

 

Lại nữa, khi ngươi biết rằng bản ngã không hiện hữu một cách tự tính, thì ngươi cũng vượt qua được sự định danh cho rằng các uẩn, vốn là các thành phần của bản ngã đó, tồn tại một cách tự tính – cũng như là khi một chiếc xe ngựa bị cháy, các bánh xe và các thành phần của nó cũng bị cháy theo. Minh Cú Luận của ngài Nguyệt Xứng dạy rằng:[6]

 

Bản ngã được gán đặt ra một cách phụ thuộc; đó là điều mà những người có sai sót về vô minh bám chấp vào một cách mãnh liệt; nó được xem như sở hữu chủ của năm uẩn. Những người tìm giải thoát phân tích liệu rằng bản ngã này có các đặc tính của các uẩn hay không. Khi những người tìm kiếm giải thoát đã phân tích điều này bằng đủ mọi cách, thì họ không quan sát thấy một bản ngã nào, và vì vậy, [Căn Bản Trung Luận của ngài Long Thọ] dạy rằng:

 

Nếu bản ngã không tồn tại

Thì làm sao các sở hữu của ngã có thể tồn tại được?

 

Bởi vì họ không quan sát thấy bản ngã, nên họ cũng không hề quan sát thấy các uẩn thuộc về bản ngã – chúng vốn là cơ sở để bản ngã được định danh. [577] Khi một cỗ xe ngựa bị đốt cháy thì các bộ phận của nó cũng bị hỏa thiêu, và do đó, {các bộ phận này} không tìm thấy được; tương tự vậy, khi các thiền giả biết rằng bản ngã không tồn tại, thì họ sẽ biết rằng những thứ thuộc về bản ngã, những thứ vốn là các uẩn, cũng chẳng có ngã.

 

Do đó, ngài Nguyệt Xứng đã nói rằng khi ngươi biết bản ngã không có tự tính, thì ngươi cũng biết các uẩn của bản ngã là thiếu vắng bản ngã, nghĩa là chúng thiếu tự tính.

Lại nữa, Nhập Trung Luận Thích (Madhyamakāvatāra-bhāṣya) của ngài Nguyệt Xứng dạy rằng:[7]

 

Các Thanh văn và Duyên giác đi theo các giáo huấn Tiểu thừa là không chính xác bởi vì các vị đó nắm bắt một nền tảng bên trong các pháp, như sắc chẳng hạn. Do đó, các vị thậm chí còn không biết nhân vô ngã. Đó là vì các vị bám chấp lấy các định danh về các uẩn, là cơ sở được định danh như bản ngã. [Bảo Hành Vương Chính Luận {Ratnāvalī } của ngài Long Thọ] dạy rằng:[8]

 

 Chừng nào mà ngươi còn cưu mang về các uẩn

 Thì lúc đó con còn cưu mang chúng như ”cái Ta”.

 

Như vậy, ngài nói rằng nếu ngươi không nhận biết được các uẩn thiếu tự tính, thì ngươi sẽ không nhận biết được nhân vô ngã.

 

Nghi vấn: Nếu cùng một sự tỉnh giác vốn biết được con người thiếu vắng tự tính cũng biết được rằng các uẩn thiếu vắng tự tính, thì ở đây có sự ngụy biện – hai sự tỉnh giác vốn biết được hai loại vô ngã sẽ phải như nhau. Tuy nhiên, bởi vì pháp {hiện tượng} và cá nhân {con người} khác biệt nhau nên các tỉnh giác biết được chúng thiếu sự tồn tại tự tính cũng phải khác biệt nhau, cũng giống như trường hợp các tỉnh giác biết được sự vô thường của một cái nồi và sự vô thường của một cái cột. Nếu tỉnh giác biết được cá nhân không có tự tính không biết được rằng các uẩn không có tự tính, thì làm sao Nguyệt Xứng lại có thể cho rằng người ta sẽ biết các uẩn không có tự tính khi biết được rằng nhân vô ngã?

 

Đáp: Bởi vì chúng tôi không khẳng định điều này nên ta sẽ giải đáp câu hỏi cuối cùng của ngươi. Tỉnh giác biết được cá nhân thiếu tự tính sẽ không nghĩ: “Các uẩn không tồn tại một cách tự tính”. Tuy nhiên, không dựa vào bất kỳ điều gì khác, chính sự tỉnh giác này lại có thể dẫn đến tri kiến chắc chắn rằng các uẩn thiếu tự tính, từ đó, loại bỏ việc thật chất hóa về sự tồn tại tự tính vốn được gán đặt thêm trên các uẩn. Vì thế, ngài Nguyệt Xứng đã nói rằng nếu ngươi biết cá nhân không tồn tại trên cơ sở tự tính, thì ngươi cũng sẽ biết rằng các uẩn không hiện hữu trên cơ sở tự tính. [578] Lại nữa, luận giải của ngài Phật Hộ đối với Căn Bản Trung Luận dạy rằng:[9]

 

Điều được gọi là các sở hữu của ngã có tên là “điều vốn thuộc về bản ngã”. Bản ngã đó không tồn tại; nếu nó không tồn tại thì việc nói đến các điều gì thuộc về nó làm sao mà đúng được?

 

Đây là cách mà ngươi nên hiểu về điều này. Ví dụ như khi quán chiếu rằng đứa con của người đàn bà hiếm muộn không hiện hữu, chính sự tỉnh giác đó không nghĩ rằng “Đôi tai, v.v…, của đứa nhỏ đó không tồn tại”. Tuy nhiên, sự tỉnh giác đó lại có thể loại bỏ bất kỳ ý nghĩ thật chất hóa nào có thể hình dung rằng đôi tai của nó hiện hữu. Tương tự vậy, khi ngươi biết rằng bản ngã không tồn tại trong thực tại, ngươi sẽ chấm dứt mọi ý niệm rằng đôi mắt, v.v…, của nó tồn tại trong thực tại.

 

Phản biện: Có những Phật tử theo chủ trương nền tảng[10] cho rằng con người hiện hữu như một sự gán tên; họ không thừa nhận rằng con người hiện hữu về phương diện chân đế. Do đó, ngay cả họ cũng sẽ biết rằng đôi mắt, vân vân, không hiện hữu trên cơ sở tự tính.

 

Đáp: Ngươi đang tranh luận rằng bởi vì họ khẳng định các đối tượng thô lậu, như đôi mắt và các mầm non, tồn tại như các sự gán tên, nên họ sẽ biết rằng các đối tượng đó không hiện hữu trên cơ sở tự tính. Nếu ngươi thừa nhận như vậy thì ngươi lại mâu thuẫn với chính sự khẳng định của ngươi khi cho rằng họ là các nhà Bản Chất Luận, là những người cổ vũ sự thật hữu. Nếu các nhà Bản Chất Luận đã hiểu biết về sự thiếu vắng tự tính, thì thật không cần thiết để các nhà Trung Quán chứng minh cho họ rằng mầm non là thiếu vắng sự thật hữu. Hơn nữa, quá trình hoàn tất một hành vi thiện đức hay bất thiện đức là một dòng tương tục, và nếu các nhà Bản Chất Luận đã thừa nhận rằng một dòng tương tục thiếu vắng tự tính, thì tại sao họ lại thách đố các nhà Trung Quán về lập thuyết cho rằng một dòng tương tục, tựa như một giấc mơ, thiếu vắng sự thật hữu? Tuy nhiên, đây là điều mà chúng ta tìm thấy trong tiểu luận của Sư Tử Hiền về Hiện Quán Trang Nghiêm Luận: (Abhisamayā-laṃkāra-vṛtti)[11]

 

[Các nhà Bản Chất Luận nói với các nhà Trung Quán chúng ta rằng:] Nếu tất cả mọi hiện tượng đều tựa như những giấc mơ thì thập bất thiện nghiệp, hạnh bố thí vân vân sẽ không hiện hữu. Do đó, ngay cả khi ngươi không ngủ, sẽ tưởng chừng như ngươi lại đang ngủ.

 

Vì vậy, có một sự khác biệt lớn lao giữa hệ tư tưởng của một nhà Bản Chất Luận và hệ tư tưởng của một nhà Trung Quán đối với việc liệu rằng các pháp có hiện hữu hay không, về cả phương diện thường tục lẫn phương diện tối hậu? Điều mà họ xem là hiện hữu thường tục thì rốt cuộc là hiện hữu tối hậu theo quan điểm Trung Quán và điều mà họ xem là hiện hữu một cách tối hậu thì chỉ hiện hữu một cách ước lệ theo các nhà Trung Quán. [579] Chẳng có gì mâu thuẫn ở đây cả. Do đó, ngươi cần phải rút ra những điểm khác biệt.

 

Hơn nữa, mặc dù con người tồn tại một cách gán đặt của những Phật tử theo chủ trương nền tảng này và con người tồn một cách gán đặt của đại sư Nguyệt Xứng đều giống nhau về tên gọi, nhưng ý nghĩa của chúng lại không giống nhau. Bởi vì ngài Nguyệt Xứng cho rằng các nhà Bản Chất Luận này không có tri kiến về nhân vô ngã. Điều này là do ngài khẳng định rằng nếu ngươi không hiểu biết rằng pháp vô ngã, thì người cũng không hiểu biết rằng nhân vô ngã. Do đó, ngài Nguyệt Xứng khẳng định rằng những người này sẽ tiếp tục nắm bắt con người là tồn tại một cách nền tảng cho đến chừng nào họ chưa buông bỏ giáo thuyết cho rằng các uẩn là hiện hữu một cách nền tảng. Vì vậy, các nhà Bản Chất Luận không biết được rằng con người không tồn tại một cách tối hậu.



[1]Theo như cách dịch của nhiều dịch giả thì hay dùng các từ ngữ như "giả tạm", " huyễn", "giả huyễn" … các thuật ngữ này sẽ có hàm ý các hiện tượng này không tồn tại hay không có thật (tạo nên bởi từ "giả"). Tuy nhiên, ý này là thiếu chính xác. Tâm phàm tục thật sự có tiếp nhận sự trình hiện về các pháp và do việc nhận thức không chính xác, không đầy đủ về bản chất của hiện tượng (tức là vô minh) vốn cho rằng chúng có hay một phần nào đó có tự tính. Trong khi thật ra, ở mức thường tục, do sự hoạt hóa của duyên khởi, các hiện tượng vẫn xảy ra, vẫn hiện hữu (tức là không phải giả) chỉ có điều là chúng đều không có bản chất hay không có tự tính. Cho nên chúng tôi tránh không sử dụng các thuật ngữ như thế để khỏi gây hiểu lầm cho quý độc giả.

[2]Nhắc lại – Thật chất hóa (eng. reify) tức là tiến trình của tư tưởng biến một khái niệm hay một sự định danh trừu tượng thành cụ thể rõ ràng có thêm ít nhiều các đặc tính thật sự như sắc tướng, cảm thụ, có tư tưởng, có hành vi …. Nói rằng có sự thật chất hóa về các uẩn chính là quan điểm cho rằng các pháp (cấu tạo từ uẩn hợp) có một thật chất bền vững rắn chắc nào đó. Trong khi thật sự điều này hoàn toàn không xảy ra cho đến từng thời điểm chóng vánh. Tất cả đều theo luật duyên khởi và phụ thuộc lẫn nhau: sinh diệt liên tục.

[3]BA253 Prasannapadā La Vallee Poussin 1970a (PPs): 340.3-13; de Jong 1978:224; P5260:52.5.5-8. Madhyamakāvatāra (MAV): 6.120, La Vallee Poussin 1970b: 233. Lưu ý rằng Tsongkhapa đọc là gzhi thay vì gyu trong cụm từ chỉ đến các uẩn như là căn bản của sự định danh của bản ngã.

[4]BA254 PPs: 340.13-15, P5260: 53.1.1-4.

[5]BA255 Nghi vấn là khi tất cả đã được miêu tả là một trạng thái về việc loại trừ các ngăn che khỏi sự giải thoát, hay ngăn trở phiền não – nghiệp và các khổ đau – vốn được thành tựu ngay cả bởi các nhà tu Tiểu thừa và đã không đề cập gì đến việc loại bỏ các ngăn che đến toàn trí, hay các ngăn che nhận thức vốn phải được loại trừ nếu một người muốn thành tựu Phật quả. Phần thứ nhì của nghi vấn quan tâm đến sự kiện rằng tất cả các điều được nói đến một cách rõ ràng là sự giác ngộ về nhân vô ngã, trong khi các nhà Đại thừa phải chứng ngộ cả nhân vô ngã lẫn pháp vô ngã.

[6]BA256 PPs: 345.13-346.3; D3796: Ha 112a4-7. MMK: 18.2ab (việc đánh số các câu kệ theo de Jong 1977).

[7]BA257 Madhyamakāvatāra-bhāṣya (MAVbh), La Vallee Poussin 1970b: 20.5-9; P5263:111.2.3-4.

[8]BA258 Ratnāvalī (Ra) {Bảo Hành Vương Chánh Luận}: 1.35ab, Hahn 1982:14-15; Dunne và McClintock 1997:14; P5658:174.3.6-7

[9]BA259 Buddhapālita-mūlamadhyamaka-vṛtti (Bpālita) {Phật Hộ Căn Bản Trung Quán Luận Thích} ở MMK: 18.2, Lindtner 1981:201; D3842: Tsa 240b2

[10]BA260 A dngos po yod par smra ba, "người ủng hộ thật hữu" thường được viết tắt trong Tạng ngữ thành dngos smra ba, và được diễn giải ở đây như là “nhà bản chất luận” {hay nhà thiết yếu luận}

[11]BA261 Abhisamayā-laṅkāra-vṛtti P5191:291.4.3-4.

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn