Chương 21: Phê Phán Của Chúng Tôi Về Y Tự Khởi Không Ảnh Hưởng Đến Các Luận Điểm Của Chúng Tôi

12 Tháng Chín 201200:00(Xem: 7841)

Tsongkhapa
ĐẠI LUẬN VỀ
GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 3
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Hạ)
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎

Chương 21: Phê Phán của Chúng Tôi
về Y Tự Khởi Không Ảnh Hưởng Đến
các Luận Điểm của Chúng Tôi

 (b')) Tại sao những lỗi sai chúng tôi tìm thấy trong các luận điểm Y Tự Khởi này không áp dụng cho chúng tôi

(b)) Theo hệ thống nào để phát triển quan điểm trong dòng tâm thức của các ngươi

 

–––––––\––––––

 

(b')) Tại sao những sai sót chúng tôi tìm thấy trong các luận điểm Y Tự Khởi không áp dụng cho chúng tôi

Có phải các luận điểm của chúng tôi không có cùng loại sai sót mà chúng tôi tìm thấy trong luận điểm của phía khác, chẳng hạn như các chủ thể và lý lẽ không được xác lập? Và nếu chúng có được xác lập, ta có nên tránh hạn chế việc tìm kiếm mâu thuẫn trong các luận điểm của những phía khác hay không?

Lý do những phía khác có các sai sót đó nằm ở chỗ sự chấp nhận của họ về các luận điểm Y Tự Khởi. [Minh Cú Luận] nói rằng vì chúng tôi không chấp nhận các luận điểm Y Tự Khởi, nên chúng tôi không có những sai lạc đó. Ở đây, thuật ngữ “các luận điểm" chỉ đến các phép suy luận. Nếu các ngươi chấp nhận phép suy luận Y Tự Khởi, thì các ngươi phải chấp nhận rằng cả hai phía đồng ý là có những nhận thức hiệu quả mà vốn có hiệu lực trong khuôn khổ tự tính. Do đó, nhất thiết phải chứng minh điều cần minh chứng qua việc có cả hai phía xác lập cả ba tiêu chí với những nhận thức hiệu quả không sai lạc đó. Nhưng vì các nhận thức hiệu quả như thế không tồn tại, nên chủ thể và các bộ phận khác của phép suy luận Y Tự Khởi không thể được xác lập.

Nếu các ngươi không chấp nhận các phép suy luận Y Tự Khởi, thì các ngươi có thể cho phép các nhà Bản Chất Luận sử dụng loại nhận thức hiệu quả đó để xác lập chủ thể, v.v…, nhưng tự chính các ngươi không cần xác lập chủ thể, v.v… với những nhận thức hiệu quả đó. Do vậy, các luận điểm được tìm thấy trong các văn bản như Minh Cú Luận là "các luận điểm dựa trên những gì phía bên kia chấp nhận"; mục đích duy nhất của họ là để bác bỏ luận thuyết của bên kia. Chúng không phải là luận điểm Y Tự Khởi

Ví dụ, chương thứ ba của Căn Bản Trung Luận của ngài Long Thọ nói:[1]

 

Thị giác không thấy

Tự chính nó. [712]

Làm thế nào những gì không tự thấy mình

Có thể thấy được những gì khác hở?

 

Điều này giống như luận điểm vốn sử dụng việc không nhìn thấy tự chính mình của con mắt như là một lý do để chứng minh rằng con mắt không nhìn thấy các thứ khác. Trong trường hợp này, lý lẽ được chấp nhận bởi phía khác trong khi các nhà Trung Quán tông cũng chấp nhận luận thuyết này – rằng việc nhìn thấy những sự vật khác thiếu sự tồn tại nền tảng. Một phép suy luận như thế được gọi là "một suy luận dựa trên những gì người khác chấp nhận". Minh Cú Luận của Nguyệt Xứng khẳng định:[2]

 

Chúng tôi không sử dụng các luận điểm Y Tự Khởi vì sự bác bỏ các luận thuyết của các phía khác là hiệu quả duy nhất của các luận điểm của chúng tôi.

 

Điều này có nghĩa rằng các phép suy luận mà ngài Nguyệt Xứng sử dụng không phải là phép suy luận Y Tự Khởi. Ngài không nói rằng mình không sử dụng phép suy luận, vì ngài chấp nhận những ai chỉ dùng sự bác bỏ các luận thuyết của người khác làm mục đích duy nhất của họ. Đoạn kế liền sau đó của Minh Cú Luận nêu ra cách thức ngài sử dụng các phép suy luận để bác bỏ các luận thuyết của họ:[3]

 

Những ai nghĩ rằng con mắt nhìn thấy những thứ khác cũng bảo lưu rằng, mắt không nhìn thấy chính nó. Họ cũng tin rằng nếu mắt không có đủ phẩm chất nhìn thấy những thứ khác, thì nó sẽ không nhìn thấy. Vì vậy, chúng tôi tranh biện: "Bất cứ điều gì mà không thấy chính mình cũng không nhìn thấy các thứ khác, như trong trường hợp của cái ấm. Con mắt cũng không thấy chính nó, do vậy, mắt cũng không thể nhìn thấy những thứ khác. Do đó, sự thấy các thứ khác của mắt, chẳng hạn như màu xanh, mâu thuẫn với việc không thấy chính nó. Lập thuyết của ngươi mâu thuẫn bởi luận điểm này vốn dựa trên điều mà ngươi chấp nhận”. Đây là cách thức để một luận điểm, vốn được xác lập cho họ, bác bỏ lập thuyết của họ.

 

Khi "điều các ngươi chấp nhận" hướng đến đối phương, thì nó cũng giống hệt như việc nói rằng "điều người khác chấp nhận" từ quan điểm của người đề xuất Trung Quán.

Đây là thủ tục của chúng tôi trong việc bác bỏ các quan niệm sai lầm bằng cách khẳng định một phép suy luận dựa trên những gì người khác chấp nhận. Vì điều này rất quan trọng, nên ta sẽ giải thích chi tiết. Cụm từ, "điều đó xác lập cho họ", ở cuối của đoạn văn đó không có nghĩa là chúng tôi, trong hệ thống của mình, không chấp nhận (1) chủ thể - con mắt, (2) ví dụ – cái ấm, (3 ) lý do – mắt không nhìn thấy chính nó, và (4) đặc tính cần chứng minh – nó không nhìn thấy màu xanh, v.v... Cũng không có nghĩa là lý lẽ, sự truyền dẫn, và v.v… chỉ được xác lập cho đối phương vì chúng đơn giản là những gì người khác khẳng định. [713]

Điều đó có nghĩa là gì? Mặc dù chúng tôi chấp nhận bốn điều này {các thành phần của phép luận lý} trong hệ thống riêng của mình, nhưng hệ thống của chúng tôi không có, thậm chí ở mức thường tục, một nhận thức hiệu quả vốn xác lập bốn điều này và {nhận thức hiệu quả đó} vốn hiểu biết các đối tượng của nó là tồn tại một cách nền tảng. Đối với những người ủng hộ tự tính, việc xác lập chủ thể, v.v… chắc chắn phụ thuộc vào những điều đang được xác lập bởi loại nhận thức hiệu quả này. Vì vậy, không có nhận thức hiệu quả nào vốn hiểu đối tượng của nó như hiện hữu một cách nền tảng lại có thể xác lập một trình hiện chung của chủ thể, v.v… cho cả hai phía. Do đó, chúng bị cho là không được xác lập cho cả hai phía; chúng bị cho là dựa trên những gì được chấp nhận bởi hoặc được xác lập cho những phía khác.

 

Truy vấn: Nếu các nhận thức hiệu quả như thế không tồn tại ngay cả ở mức thường tục, thì lý lẽ mâu thuẫn với việc chấp nhận những gì mà chúng xác lập cho đối phương, giống như nó mâu thuẫn với sự gán đặt thêm của tự tính. Vậy thì làm thế nào Ngài có thể tìm thấy quan điểm Trung Quán dựa vào lời chứng thật của chúng? Vì, nếu đã có thể tìm thấy một cái nhìn triết học chính xác sử dụng các luận điểm mà nhận thức hiệu quả mâu thuẫn, thì Ngài có thể sử dụng tất cả các loại giáo lý không chính xác để tìm ra một quan điểm như thế.

 

Đáp: Trong trường hợp này, ngay cả hệ thống riêng của chúng tôi chấp nhận sự tồn tại một cách thường tục của các đối tượng mà vốn đối phương lại nhận hiểu như đang hiện hữu, cụ thể là, (1) chủ thể – con mắt, (2) lý lẽ – nó không nhìn thấy chính mình, (3) ví dụ – cái ấm, và (4) điều cần chứng minh – nó không cảm nhận được màu xanh và v.v… Vì vậy, lý lẽ không mâu thuẫn với các đối tượng này. Tuy nhiên, vì đối phương thất bại trong việc phân biệt giữa sự tồn tại sự tồn tại tự tính của các đối tượng đó, nên lý lẽ thật có sự mâu thuẫn với ý tưởng mà nhận thức hiệu quả xác lập các đối tượng mà ý tưởng đó hiểu nhưtồn tại nền tảng. Tuy nhiên, lý lẽ không thể bác bỏ những gì được xác lập bởi các thức thường tục không khiếm khuyết trong dòng tâm thức của đối phương. Cho nên, vì hệ thống Bản Chất Luận và hệ thống của chúng tôi không tương thích về việc liệu có tri kiến hiệu quả vốn hiểu biết về các đối tượng là tồn tại tự tính hay không, nên chúng tôi không chứng minh các điều đó với họ bằng các luận điểm Y Tự Khởi mà đúng hơn, chúng tôi chỉ đơn giản phơi bày những mâu thuẫn bên trong các khẳng định của chính họ.

Làm thế nào điều này được thực hiện? Hãy để chúng tôi lấy ví dụ đề cập bên trên[4] về một phép suy luận dựa trên những gì phía khác chấp nhận. [714] Lý lẽ – tức là, chủ thể, đó là mắt, không nhìn thấy chính nó – có tồn tại một cách ước lệ, nhưng một cách nền tảng việc thấy các pháp như màu xanh không tồn tại ngay cả ở mức ước lệ. Do đó, điều ban đầu [mắt không nhìn thấy chính nó] có thể được sử dụng để bác bỏ điều thứ đến. Trong trường hợp của mắt, (1) lý lẽ, không nhìn thấy chính nó, và (2) điều cần chứng minh của sự bác bỏ, việc không nhìn thấy những thứ khác, hoặc là như nhau ở chỗ cả hai đều tồn tại hoặc như nhau ở chỗ cả hai đều không tồn tại. Vậy làm thế nào một trong chúng có thể mâu thuẫn với sự tồn tại của điều kia? Vì vậy, trong một phép suy luận dựa trên sự chấp nhận của người khác, thì chủ thể, điều cần chứng minh, và lý lẽ phải là các thứ vốn tồn tại một cách thường tục; chỉ đơn thuần với dữ kiện một đối phương cho rằng một pháp nào đó tồn tại là chưa đủ.

Các đối phương tự mình chấp nhận sự tồn tại của các đối tượng đó, chẳng hạn như mắt, cũng như là những lý lẽ và ví dụ. Thế nên, tại sao nhà Trung Quán cần phải chứng minh cho các đối phương? Nếu họ không trung thực không nhận những gì họ thực sự chấp nhận, và nói: "Vì chúng không được xác lập cho chúng tôi, xin vui lòng xác lập chúng", điều đó sẽ có nghĩa là không có điều gì mà họ đã không sẵn sàng để chối bỏ và sẽ là vô nghĩa khi tranh luận với họ. Nào ai có bao giờ khả dĩ giúp được họ?

 

Phản biện: Ngài cho là việc phơi bày một mâu thuẫn giữa khẳng định của các đối phương rằng con mắt không nhìn thấy tự chính nókhẳng định của các đối phương rằng việc nhìn thấy màu xanh của mắt và v.v… có bản chất nền tảng hoặc tự tính. Nhưng loại nhận thức nào hiểu được mâu thuẫn? Nếu nó là một nhận thức hiệu quả vốn xác lập mâu thuẫn, thì nó sẽ phải xác lập mâu thuẫn cho cả hai bên, do đó, nó sẽ không được "dựa trên những gì người khác chấp nhận". Nếu Ngài thừa nhận mâu thuẫn này chỉ đơn giản bởi trạng thái đang được khẳng định của nó, thì vì các đối phương chấp nhận việc mắt không nhìn thấy chính nó và việc mắt nhìn thấy một cái gì khác là không mâu thuẫn, thật không có cơ sở để sử dụng khẳng định của họ nhằm thừa nhận một mâu thuẫn. Nếu Ngài thừa nhận chúng như là mâu thuẫn trên cơ sở khẳng định của riêng Ngài, thì điều này dẫn đến sự vô lý hoàn toàn. Làm thế nào Ngài có thể nói với các đối phương rằng thật không đúng khi họ chấp nhận hai lập thuyết này như là không mâu thuẫn bởi vì Ngài khẳng định rằng chúng đang mâu thuẫn?

 

Đáp: Lập thuyết của chúng tôi không bị lỗi này. Việc mắt không nhìn thấy chính nó mâu thuẫn với việc có một tự tính hay một bản chất nền tảng của mắt; nhận thức hiệu quả xác lập mâu thuẫn này, vì vậy điều đó không được thừa nhận thông qua việc đang được khẳng định một cách đơn giản.

 

Truy vấn: Nếu có thể chỉ dạy nhận thức hiệu quả đó cho các đối phương và để sau đó họ nắm chắc chắn được điều mâu thuẫn, thì tại sao cần thiết phải dựa vào những gì họ chấp nhận?

 

Đáp: Để cho một điều nào đó là một nhận thức hiệu quả vốn chứng minh được sự mâu thuẫn, như các nhà Bản Chất Luận nhìn thấy điều đó, thì nhận thức đó phải hiểu được một đối tượng tồn tại một cách nền tảng. [715] Nhưng làm thế nào chúng tôi có thể chứng minh mâu thuẫn đó bằng cách chấp nhận riêng cho chúng tôi một điều nào đó mà vốn không tồn tại? Một khi chúng tôi đã chỉ cho họ rằng không có mâu thuẫn trong việc chấp nhận một điều gì đó như là một nhận thức hiệu quả ngay cả khi đối tượng của nhận thức đó thiếu tự tính hay thiếu bản chất nền tảng, thì loại nhận thức hiệu quả này sẽ chứng minh điều đó cho họ. Sau đó, họ sẽ tìm thấy quan điểm nhận biết các pháp đều thiếu vắng tự tính. Vì vậy, tại điểm đó sẽ không còn cần thiết để chứng minh với họ rằng nếu một thứ gì đó không nhìn thấy chính nó, thì điều này mâu thuẫn với việc nhìn thấy một cách nền tảng của nó. Do đó, nếu các ngươi muốn hiểu hệ thống của Nguyệt Xứng, các ngươi nên phân tích chi tiết những điểm này và đào sâu ý nghĩa của chúng.

 

Truy Vấn: Nhưng làm sao Ngài sử dụng những gì họ chấp nhận để chứng minh những công năng của các truyền dẫn, rằng những gì không thấy chính nó thì không thấy các vật khác một cách nền tảng?

 

Đáp: Điều này nên được giải thích như trong Phật Hộ Căn Bản Trung Quán Luận Thích:[5]

 

Ví dụ, thông qua kết hợp với nước, đất được nhận thấy là ướt; thông qua liên hợp với lửa, nước được cảm thấy là nóng, và thông qua liên hợp với hoa nhài, vải được coi là có mùi thơm. Chúng ta thấy rằng những nhận thức đó của đất như ướt, v.v… là phụ thuộc vào các nhận thức về sự ướt, nóng, và hương thơm trong nước, lửa, và hoa nhài một cách tương ứng. Đây là điều mà các ngươi tự mình chấp nhận. Tương tự vậy, nếu các sự vật đã có một số tự tính hay bản chất nền tảng, thì các ngươi sẽ phải nhận thức được tự tính đó trong mối liên hệ đến chính sự vật, và chỉ sau đó ngươi mới có thể nhận thức nó trong một sự vật liên hợp nào khác. Nếu đầu tiên các ngươi không cảm nhận được điều đó trong sự vật tự nó, thì, khi nó liên hợp với sự vật khác, làm thế nào các ngươi có thể nhìn thấy nó ở đó? Ví dụ, nếu các ngươi không cảm nhận được một mùi hôi trong hoa nhài, thì các ngươi sẽ không cảm nhận được một mùi hôi thối trong vải vốn đã được liên hợp với chúng.

 

Bằng cách sử dụng các ví dụ chấp nhận được và quen thuộc với đối phương của mình, Phật Hộ đã dẫn dắt họ đến điều chắc chắn về sự truyền dẫn và sự phản truyền dẫn và sau đó áp dụng chúng cho trường hợp đang xét. Nếu mắt đã có một nền tảng thị giác nào đó, thì cái thấy của nó về chính nó nên được nhận biết trước tiên, và chỉ sau đó thì nó sẽ có thể nhận thấy rằng nó nhìn thấy các pháp như sắc tướng, và nhận thấy rằng nó thấy thành phần của sắc tướng trong các pháp cấu hợp. [716] Nhưng vì mắt không nhìn thấy chính nó, nên nó không nhìn thấy những thứ khác {là điều vô lý}. Đây là cách chúng tôi chứng minh sự truyền dẫn bằng cách sử dụng những gì phía khác chấp nhận.

 

Ngoài ra, Tứ Bách Kệ Tụng của Thánh Thiên tuyên thuyết:[6]


Nếu các bản chất của tất cả các pháp

Trình hiện trước tiên nội trong tự chính các pháp đó,

Thì, tại sao mắt

Lại không thể thấy được chính nó?

 

Phản biện: Lửa đốt cháy những thứ khác, mặc dù nó không đốt cháy chính nó. Tương tự như vậy, không phải là mâu thuẫn khi mắt nhìn thấy những thứ khác, mặc dù nó không nhìn thấy chính nó.

 

Đáp: Chúng tôi không bác bỏ một cách rộng rãi rằng lửa đốt cháy nhiên liệu hoặc rằng mắt chỉ nhìn thấy các sắc tướng; thay vào đó chúng tôi bác bỏ rằng mắt một cách nền tảng nhìn thấy các vật khác. Vì điều này là như vậy, nên ví dụ của các ngươi sẽ phải là lửa một cách nền tảng đốt cháy nhiên liệu. Do đó, ví dụ của các ngươi là sai, cũng giống như những gì các ngươi đang cố gắng chứng minh là sai. Nếu cả lửa và nhiên liệu có tự tính hoặc bản chất nền tảng, thì chúng sẽ phải hoặc có cùng một bản chất hoặc có các bản chất khác nhau; thế thì điều nào là đúng? Nếu chúng có cùng một bản chất, thì lửa sẽ đốt cháy chính nó[7]; cũng vậy, làm thế nào khả dĩ lửa là tác nhân đốt cháy và nhiên liệu là đối tượng bị cháy? Giả sử các ngươi đã nhấn mạnh rằng chúng có thể [xảy ra] được. Nếu ai đó tranh luận rằng lửa là đối tượng bị cháy và nhiên liệu là tác nhân đốt cháy, thì các ngươi có thể đưa ra bác bỏ gì? Nếu chúng có các bản chất khác nhau, thì lửa có thể hiện diện ngay cả khi không có nhiên liệu, cũng giống như các con bò có thể có mặt mà không có các con ngựa. Như Tứ Bách Kệ Tụng của Thánh Thiên tuyên thuyết:[8]

 

Lửa đốt thứ gì, thứ đó nóng.

Nếu vật gì không nóng, làm thế nào nó có thể bị cháy?

Vì vậy, không có gì được gọi là "nhiên liệu" tách biệt khỏi lửa[9],

Và ngoại trừ với nhiên liệu đó, có thể không có lửa.

 

Vậy, nếu các ngươi cho rằng việc cháy có bản chất nền tảng hay tự tính, thì việc này kéo theo rằng vật gì không tự đốt cháy chính nó sẽ không thể đốt cháy các vật khác. Tương tự như vậy, nếu các ngươi cho rằng mắt có việc thấy như là tự tính của nó, thì các ngươi phải chấp nhận rằng nếu nó không nhìn thấy chính nó, thì nó không thể nhìn thấy những thứ khác. Do đó, các sai sót trên không lay chuyển. [717]

Khi người ta thấy các phê phán như thế về niềm tin vào tự tính, người ta sẽ từ bỏ các tôn chỉ hàm chứa về sự tồn tại tự tính hay bản chất nền tảng. Sau đó người ta có thể hiểu rằng các đối tượng và tác nhân là có thể biện hộ {khả biện} trong sự thiếu vắng của tự tính; do đó, người ta phân biệt sự khác nhau giữa sự vắng mặt của tự tính với sự không tồn tại. Vì vậy, người ta cũng phân biệt giữa sự tồn tại tự tính với sự tồn tại, nên người ta biết được rằng các nhận thức hiệu quả vốn không có tự tính nắm bắt các đối tượng {cũng} vốn không có tự tính, và v.v…

 

Truy vấn: Các nhận thức hiệu quả vốn biết rằng lửa và nhiên liệu thiếu vắng tự tính không thể là các cảm nhận, và do đó Ngài phải tin rằng chúng là các suy diễn. Nếu thế, thì chúng dựa vào lý luận gì?

 

Đáp: Nếu các thứ như lửa và nhiên liệu có tự tính, thì các tự tính đó phải là giống nhau hoặc khác nhau. Sau khi các ngươi đã thấy điều này, thì các ngươi thấy rằng một phản bác về các tự tính vốn là giống nhau cũng như về các tự tính vốn là khác nhau đều phải kéo theo sự thiếu vắng của tự tính. Điều này đáp ứng hai tiêu chí đầu tiên của một lý lẽ đúng. Sau đó sự xác định rằng không có tự tính vốn là cùng một loại hay khác nhau thỏa mãn tiêu chí thứ ba, sự trình bày của lý lẽ trong chủ thể. Vì vậy, đó là một lý lẽ thỏa mãn ba tiêu chí để trở thành một lý lẽ chính xác có khả năng dẫn đến kiến thức suy luận. Căn cứ vào lý lẽ đó, người ta chắc chắn rằng lửa và nhiên liệu thiếu tự tính; sự khẳng định này là một suy luận. Trong trường hợp của phép suy luận được thừa nhận trước đây đã dựa trên những gì người khác chấp nhận, các ngươi nên hiểu rằng chúng ta sử dụng cùng một phương pháp này để phát triển ba tiêu chí và sự suy diễn tương ứng.[10]

Trong dạng thức Quy Mậu, luận điểm hoạt dụng như sau: "Nếu lửa và nhiên liệu có tự tính, thì chúng {các tự tính đó} sẽ phải hoặc giống nhau hoặc khác nhau", và "Nếu chúng giống nhau, thì lửa sẽ đốt cháy chính nó", và v.v… Hình thức này sử dụng một điều mà bên kia chấp nhận như là một lý lẽ, tạo ra các hàm ý ngược lại với các tín điều của phía khác. Ví dụ này cũng sẽ cho phép các ngươi hiểu làm thế nào để kiến lập các luận điểm Quy Mậu khác.

Vì vậy, chừng nào những đối phương đó chưa từ bỏ các giáo lý Bản Chất Luận của họ, thì họ vẫn tiếp tục tin rằng các nhận thức hiệu quả xác lập các đối tượng suy diễn của nhiều bộ phận khác nhau trong một phép suy luận dựa trên kiến thức về các pháp tồn tại vốn một cách nền tảng. Giây phút mà họ thấy biết với nhận thức hiệu quả về tính phi nền tảng của mọi thứ, họ sẽ từ bỏ các giáo lý Bản Chất Luận của mình. [718] Minh Cú Luận khẳng định:[11]

 

Truy vấn: Tuy nhiên, sự phản bác của các nhà Bản Chất Luận có sử dụng một suy luận hay không, trong đó chủ thể, v.v… được xác lập một cách suy luận ít nhất từ một trong hai phía, ngay cả khi không cho cả hai phía?

 

Đáp: Có. Phản bác đó sử dụng một lý luận được xác lập cho chính các nhà Bản Chất Luận, và không phải một lý luận xác lập cho bên khác [tức là cho Trung Quán tông], vì đó là những gì được nhìn thấy trong thế gian. Trong thế gian, đôi khi người thắng và kẻ thua trong một tranh chấp được quyết định thông qua lời chứng thực của một nhân chứng mà hai bên chấp nhận như là đáng tin cậy. Tuy nhiên, đôi khi điều này có thể được quyết định bằng cách chỉ sử dụng các lời chứng thực của chính họ, mà không cần sự chứng thực của ai khác để xác định bên nào thắng hay thua. Điều này đúng trong lĩnh vực lý luận triết học cũng như trong thế gian, vì nó chỉ là quy ước của thế gian mà vốn là phần cột trụ trong các giáo pháp triết học.

 

Điều này đưa ra một ví dụ và một giải thích để chỉ ra rằng các lý lẽ dựa trên những gì người khác chấp nhận là phù hợp.

Các nhà luận lý học cho rằng ba tiêu chí và chủ thể, v.v… phải được xác lập cho cả người đề xuất lẫn đối phương, vì họ bảo rằng bất kỳ nhận thức hiệu quả nào được sử dụng để xác lập ba tiêu chí, v.v… cho đối phương cũng phải xác lập những điều này cho người đề xuất. Nguyệt Xứng bác bỏ điều đó. Cùng một bản luận trên khẳng định:[12]

 

Phản biện: Một người có thể chứng minh hay bác bỏ một mệnh đề về một điều gì đó vốn xác định cho cả hai bên. Nhưng Ngài không thể làm được điều này, khi Ngài cho rằng có sự nghi ngờ về việc liệu rằng chủ thể, v.v… có được xác lập cho một hoặc cho cả hai bên hay không.

 

Đáp: Ngay cả các ngươi những người nghĩ theo cách này nên chấp nhận phương pháp mà chúng tôi ủng hộ, cụ thể là, suy luận đó là dựa trên quan điểm của thế gian về các pháp. Điều này có nghĩa là khi các ngươi sử dụng Kinh điển để bác bỏ một điểm nhất định, thì các ngươi không nhất thiết phải sử dụng các kinh điển vốn chỉ có thể chấp nhận được bởi cả hai bên. Tại sao không? Bởi vì các ngươi có thể sử dụng những điều mà chỉ có họ chấp nhận.[13] Những gì chúng tôi suy luận từ các ý tưởng riêng của đối phương sẽ luôn luôn được xác lập cho các đối phương. Phương pháp này là đáng tin cậy, trong khi việc cố gắng xác lập một điều gì đó cho cả hai bên thì không {thể có}. Đó là lý do tại sao các định nghĩa của các nhà luận lý học là dư thừa, vì những vị Phật giúp các đệ tử là những ai vốn không hiểu biết thực tại nương theo việc sử dụng những gì mà những cá nhân đó nắm bắt hoặc chấp nhận. [719]

 

Vậy, khi các lý lẽ đó được sử dụng để chứng minh điều cần chứng minh được xác lập cho cả hai phía với loại nhận thức hiệu quả được giải thích trước đây, thì đây là một lý lẽ Y Tự Khởi [hoặc "svātantra"]. Khi lý lẽ không được xác lập theo cách đó và điều cần chứng minh được chứng minh bằng cách sử dụng ba tiêu chí mà bên khác, tức đối phương, chấp nhận như đang được trình bày, thì điều này cấu thành phương pháp Cụ Duyên. Thật khá rõ ràng rằng đây là những gì đại sư Nguyệt Xứng chủ định.

 

(b)) Hệ thống nào cần theo để phát triển quan điểm trong dòng tâm thức của các ngươi

Các nhà Trung Quán tông vĩ đại là những người theo thánh giả Long Thọ và người con tinh thần của ngài là Thánh Thiên chia thành hai hệ thống khác nhau: Cụ Duyên và Y Tự Khởi. Chúng tôi theo bên nào? Ở đây, chúng tôi là các học trò của hệ thống Cụ Duyên. Hơn nữa, như đã giải thích trước đây, chúng tôi bác bỏ tự tính hoặc bản chất nền tảng ngay cả ở mức thường tục; nhưng tất cả những gì đã được dạy về luân hồi và Niết-bàn phải hoàn toàn tương thích với điều bác bỏ đó. Do vậy, các ngươi nên tìm đến tri kiến chắc chắn cả về cách thức sự tồn tại nền tảng bị phủ nhận lẫn cách thức mà Niết-bàn và Luân hồi vẫn khả dĩ.

Các văn bản của hai bậc thầy này thường nói rằng các ngươi nên tiến hành phân tích hợp lý vốn kiểm nghiệm cẩn thận về việc các pháp sẽ ra sao nếu chúng đã được chấp nhận như là tồn tại tự tính hay nền tảng. Vì thấy rằng các bản luận của thánh giả và con trai tinh thần của ngài đều tương thuận đầy đủ về điều này, nên ta chấp nhận hệ thống đó. Theo đó, thật là rõ ràng rằng các ngươi nên chấp nhận lập thuyết Cụ Duyên như được giải thích ở trên.



[1]BA547 MMK:3.2, deJong I977:5.

[2]BA548 PPs: 34.6-10; D3796: Ha lla4.

[3]BA549 PPs: 34.10ff; D3796: Ha lla4-7.

[4]BA550 LRCM: 711-712.

[5]BA551 Bpālita, D3842: Tsa 175a2-b3.

[6]BA552 Cś: 13.15, Lang 1986:122-23; D3846: Tsha 14a7.

[7]Lý lẽ chi tiết của phép luận lý này là như sau:Theo giả thiết của câu này là lửa và nhiên liệu có cùng loại nền tảng. Giờ đây vì lửa đốt cháy nhiên liệu và các thứ cùng loại nền tảng như nhiên liệu. Mà vì lửa do có cùng loại nền tảng như nhiên liệu nên lửa phải đốt cháy chính nó.

[8]BA553 Cś: 14.16, Lang 1986:130-31; D3846: Tsha 15b7.

[9]Ở đây lý luận cũng cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau của lửa và nhiên liệu tùy do cách gán đặt hay định danh.

[10]BA554 Phép suy luận được thừa nhận trước đây (LRCM: 714) là: Mắt không thấy một cách nền tảng các sự vật vì nó không tự thấy chính nó.

[11]BA555 PPs: 34.13-35; D3796: Ha llbl-3.

[12]BA556 PPs: 35.5-36; D3796: Ha llb3-6..

[13]Tình huống này có thể so sánh tương đương với mệnh đề luận lý kéo theo trong logic toán học: A à B. Trong đó:

 A là mệnh đề bao gồm hai mệnh đề con X và Y, (A = X^Y), của đối phương. Y là mệnh đề mà đối phương xác lập là đúng và X là mệnh đề đối phương chấp nhận (hay muốn chứng minh). Các nhà Trung Quán muốn phản bác mệnh đề X này.

 B là kết quả. Giả sử toàn bộ phép suy luận là chặt chẽ hợp lệ (tức giá trị của phép lập luận kéo theo là chân thật) và tìm thấy B lại là kết quả phi lý (sai hay dẫn đến mâu thuẫn) thì buộc tiền đề A phải là tiền đề sai. Ở đây, A lại là sự kết hợp của hai mệnh đề X và Y nên buộc hoặc là X là mệnh đề sai hoặc Y là mệnh đề sai, mà vì Y là mệnh đề vốn đã được xác lập (đối phương xem là đúng) cho nên chỉ còn một khả năng mệnh đề X của đối phương phải là mệnh đề sai.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn