Chương 26: Hợp Nhất Định Và Tuệ

12 Tháng Chín 201200:00(Xem: 7947)

Tsongkhapa
ĐẠI LUẬN VỀ
GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 3
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Hạ)
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎

Chương 26: Hợp Nhất Định và Tuệ

(c")Tóm lược những điểm chính để duy trì trí huệ và định lực

(d') Biện pháp để đạt được trí huệ thông qua thiền

(iii) Làm thế nào để hợp nhất định lực và trí huệ

 

–––––––\––––––

 

(c") Tóm lược những điểm chính để duy trì trí huệ và định lực

Như ta đã giải thích, khi ngươi đã tìm thấy quan điểm về những gì là liễu nghĩa, ngươi sẽ xác định rằng ngã và các sở hữu của ngã không tồn tại tự tính trên cơ sở liên quan đến những điều mà các quan niệm "ta" và "của ta" phát sinh. Và cũng giống như khi ngươi bước đầu đã thực hiện sự xác quyết này, ngươi tiếp tục sử dụng phân tích {thiền quán} mở rộng với trí huệ phân biệt để mang lại tác động chắc chắn cho việc trì giữ kết luận đó. Ngươi thực hành xen kẽ giữa việc thiền định – trụ lại kết luận mà không có sự phân tán – và phân tích bằng trí huệ phân biệt. Vào thời điểm đó, nếu sự bình ổn {an trụ} giảm do thiền phân tích quá nhiều, hãy tăng cường bình ổn thiền hơn và khôi phục lại định lực. Khi sự bình ổn tăng dưới ảnh hưởng của thiền định mở rộng, nếu ngươi bị mất chú tâm trong phân tích và do đó thất bại trong việc phân tích, thì sự xác định về thực tại của ngươi sẽ không trở nên vững chắc và mạnh mẽ. Thiếu vắng một sự xác định vững chắc và mạnh mẽ về thực tại, ngươi sẽ không làm được ngay cả những hủy hoại nhỏ nhặt nào lên việc đối kháng lại các gán đặt thêm vốn nhận thức về sự tồn tại của hai tự ngã. Vì vậy, hãy trau dồi một sự cân bằng của định lực và trí huệ bằng việc thiền quán mở rộng. Liên Hoa Giới trong phần thứ ba của Giai Trình Thiền dạy:[1]

 

Khi thông qua tu dưỡng tuệ giác, trí huệ trở nên vô cùng mạnh mẽ, thì định lực suy giảm. [796] Vì vậy, giống như một ngọn lửa được đặt trong gió, gió làm xao động tâm khiến nó không nhìn thấy thực tại một cách thật rõ ràng. Vì lý do đó, sau đó, ngươi nên nuôi dưỡng định lực. Cũng thế, khi định lực trở nên quá mạnh mẽ, ngươi sẽ không nhìn thấy thực tại một cách thật thấu suốt, giống như một người đang ngủ. Vì vậy, {khi đó} ngươi nên nuôi dưỡng trí huệ.

 

Hãy hiểu rằng cách để chuẩn bị cho một thời thiền, cách để kết thúc một thời thiền, và cách để tự hành xử giữa các thời thiền cũng giống như ta đã giải thích trong phần trên về người có năng lực nhỏ.[2] Trong phần về định, ta đã giải thích làm thế nào nhận diện hôn trầm và trạo cử, làm thế nào để sử dụng toàn tâm {chánh niệm} và tỉnh giác để loại bỏ chúng, và làm thế nào để thư giãn những nỗ lực của ngươi sau khi ngươi đã đạt được một sự an tịnh vốn vận hành một cách tự nhiên, mà không bị mất cân bằng do hôn trầm hoặc trạo cử.[3] Hãy nhận ra rằng tất cả điều này là tương tự khi thiền về vô ngã.

Bảo Sinh Tịnh trong Bát-nhã Ba-la-mật-đa Luận nói rằng việc duy trì định lực đối với đối tượng của thiền khiến sinh khởi nhu hoạt, và việc thiền phân tích về trí huệ lên đối tượng đó cũng làm phát khởi nhu hoạt. Sau khi ngươi đã xác lập hai điều đó một cách riêng biệt, thì ngươi hợp nhất chúng. Theo bản luận này, không đòi hỏi rằng ngươi tiến hành phân tích {quán} và bình ổn {chỉ} nội trong một thời thiền liên tục. Do đó, Bảo Sinh Tịnh giải thích rằng có thể chấp nhận được khi tiến hành chúng {thiền quán và thiền chỉ} trong các buổi {thiền} riêng biệt. Điểm quan trọng ở đây là bằng việc nhổ tận gốc tiến trình tư tưởng mà trong đó vô minh thật chất hóa các pháp, ngươi làm sinh khởi một điều chắc chắn mạnh mẽ về tính Không – là sự vắng mặt của sự tồn tại tự tính vốn đối nghịch với sự thật chất hóa này – và sau đó ngươi phải thiền định về tánh Không. Nếu ngươi thất bại trong việc bác bỏ các quan niệm về tự ngã và các tiến trình tư tưởng về vô minh, và ngươi bỏ tính Không vào một xó, thì thiền của ngươi sẽ không làm được gì để ngăn trở hai quan niệm về tự ngã. Các bậc thầy trước đây thường nói: "Nó giống như việc gửi một hình nộm đến cánh cửa phía tây để xua đuổi một con quỷ ở cửa phía đông".[4] Thật hiển nhiên rằng điều này là khá đúng.

Những điều mà ta đã nói ở đây là chỉ là một lời giải thích đại cương. [797] Để hiểu những điểm tế nhị về những gì là thuận lợi và bất lợi khi hành thiền, ngươi phải dựa vào các bậc thầy thiện tri, và ngươi phải sử dụng kinh nghiệm thiền của mình. Vì vậy, ta sẽ không đi vào chi tiết.

Đối với những thiền tập này, ta đã lấy các hướng dẫn trước đây về các giai trình của đạo pháp như là một nền tảng và sau đó mở rộng chúng. Một trong những hướng dẫn ban đầu ấy, Giáo Huấn Tóm Lược (Be'u bum) của Bodowa (Potoba) nói:[5]

 

Một số nói rằng ngươi xác định sự vắng mặt của sự hiện hữu nội tại

Sử dụng lý lẽ trong quá trình nghiên cứu và quán chiếu,

Nhưng, không là thiền nghiêm ngặt mà không có tư tưởng định danh trong thời gian thiền.

Nếu làm vậy, thì đây sẽ là một sự trống rỗng không kết nối với các nghiên cứu và quán chiếu.

Và, vì thiền trong một cách riêng biệt, nó sẽ không là một phương thuốc khắc phục.

Vì vậy, ngay cả ở thời gian thiền

Hãy phân biệt một cách phân tích qua việc sử dụng bất cứ điều gì ngươi đang quen thuộc –

Chẳng hạn như việc thiếu vắng một hoặc nhiều, hoặc duyên khởi –

Và sau đó bình ổn tâm ngươi mà không có ngay cả một chút ý tưởng lan man.

Nếu ngươi thiền theo cách đó, nó sẽ khắc phục các phiền não.

Đối với những người muốn theo Bổn Tôn Độc Tử [Atiśa]

Và đối với những ai muốn thực hành hệ thống các ba-la-mật-đa,

Đây là cách để nuôi dưỡng trí tuệ.

Bởi khi lần đầu tiên trở nên quen thuộc với nhân vô ngã,

Thì, ngươi có thể tiến hành theo cách này.

 

Ngoài ra, Atiśa [trong Nhập Môn Nhị Đế (Satya-dvayāvatāra)] cho biết: [6]

 

Ai hiểu được tính Không?

Nguyệt Xứng, môn đồ của ngài Long Thọ

Người đã được tiên tri từ Như Lai

Và là người nhìn thấy chân thực tại.

Người ta sẽ tìm hiểu chân thực tại

Từ giáo huấn dẫn xuất từ ngài.

 

Giáo huấn này cũng giống như những gì Atiśa nói trong Trung Quán Luận của mình (Madhyamakopadeśa), ngài nói rằng ngươi xen kẽ giữa thiền quán và thiền định vốn bình ổn trên các kết luận của phân tích như vậy. Không có sự khác biệt giữa điều này và hệ thống của đại sư Liên Hoa Giới. Như đã giải thích trước, các ý nghĩa chủ định trong Nhập Trung Quán Luận của Nguyệt Xứng, Trung Đạo Tâm Luận của Thanh Biện, và các tác phẩm của bậc thầy Thánh Thiên đều là một. Điều này cũng được giải thích nhiều lần trong giáo pháp của ngài Di-lặc và các bản luận của tôn giả Vô Trước, và nó được giải thích rõ ràng trong Bát-nhã Ba-la-mật-đa Luận của học giả Bảo Sinh Tịnh, người xem hệ thống của Vô Trước là chính xác. [798] Vì vậy, thật hiển nhiên rằng các bản luận và giáo huấn bắt nguồn từ Long Thọ và Vô Trước đều tương hợp về cách thức để duy trì trí huệ.

 

(d') Các biện pháp để đạt được trí huệ thông qua thiền.

Khi ngươi thiền định sử dụng trí huệ phân biệt để phân tích theo cách này, thì ngươi có một tiếp cận về tuệ giác cho đến khi ngươi phát triển nhu hoạt như ta đã giải thích ở trên; một khi ngươi phát triển nhu hoạt, thì nó là tuệ giác chân thật. Bản chất của nhu hoạt và cách thức để sinh khởi nó như ta đã giải thích về chúng bên trên.[7] Nhu hoạt cũng được đem đến từ một định lực đạt được từ trước và liên tục, do đó, tuệ giác không chỉ đơn giản là một vấn đề của việc có nhu hoạt. Nó là gì? Tuệ giác là khi sức mạnh của thiền quán tự nó có thể đem lại nhu hoạt. Về vấn đề này, trí huệ quan sát sự phân hóa và trí huệ quan sát bản chất thực là như nhau. Vì vậy, Giải Thâm Mật Kinh​​ nói:[8]

 

Bạch Thế Tôn, khi các Bồ-tát, vốn đã không đạt đến nhu hoạt tinh thần và thể chất, chú ý một cách nội tại lên một đối tượng của sự tập trung vốn là một hình ảnh dựa trên cách họ đã hiểu biết về những hiện tượng thường tục đó trong sự quán chiếu thậm thâm, thì sự chú ý đó là gọi là gì?

Này Di-lặc, nó không phải là trí huệ, ngươi có thể nói rằng họ có một niềm xác tín đó là một tiếp cận của trí huệ.

 

Bát-nhã Ba-la-mật-đa Luận của Bảo Sinh Tịnh cũng nói:[9]

 

Như vậy, việc đạt được trí huệ nằm trong việc đạt được nhu hoạt thể chất và tinh thần. Khi ngươi có một sự quan tâm mạnh mẽ lên các đối tượng của sự tập trung bên trong, vốn là một hình ảnh dựa trên cùng đối tượng này như là ngươi đã quán chiếu nó, thì ngươi sẽ thực hiện sự phân biệt phân tích. Cho đến khi ngươi phát triển nhu hoạt thể chất và tinh thần, sự chú ý này là một tiếp cận của trí huệ; khi nhu hoạt phát triển, sự chú ý này là trí huệ. [799]

 

Điều này có nghĩa rằng trong thiền về sự phân hóa của các pháp thường tục, thì định lực, trí huệ, và cách chúng hợp nhất được so sánh với những gì được thực hiện trong thiền lên bản chất thật sự {chân tánh}. Khi chính sự phân tích có thể mang lại nhu hoạt, thì nó cũng có thể mang lại tập trung nhất tâm. Vì vậy, lợi thế của việc đã đạt được định lực là thiền quán về sự phân hóa có thể tự nó đem lại sự tập trung nhất tâm này. Vì vậy, đối với những người đã xác lập định lực mạnh mẽ, thì thậm chí thiền quán {cũng} giúp cho định lực. Vì vậy, đừng suy nghĩ rằng: "Nếu tôi thực hiện thiền phân tích về sự phân biệt, thì sự an trụ của tôi sẽ giảm bớt".

Việc thiền của ngươi sẽ cấu thành một tuệ giác vốn kết hợp thiền định và thiền quán về bản chất thực sự chỉ khi ngươi đáp ứng được tiêu chuẩn của việc đã tìm thấy một sự hiểu biết chính xác, chân thực về quan điểm triết học của một trong hai vô ngã và sau khi đã tập trung và thiền lên điều này. Đây là những gì phân biệt trí huệ thực sự; nó không thể được phân biệt bởi bất kỳ phương tiện nào khác.

Những loại sự việc nào không nhận ra được nó {trí huệ thực sự}? Thiền về đối tượng bất kỳ nào đều có thể ngăn chặn cảm nhận thô về sự trình hiện nhị nguyên giữa đối tượng và chủ thể, để lại tâm của ngươi như một bầu trời không bợn nhơ; tâm thức ngươi có thể được phú cho các phẩm chất về tri kiến, sự rõ ràng và thấu suốt. Giống như một ngọn lửa không bị ảnh hưởng bởi gió, tâm có thể vẫn giữ ổn định trong một thời gian dài; các đối tượng bên ngoài và bên trong có thể xuất hiện trong tâm ngươi như các cầu vồng hay những làn khói mong manh, và có thể tiếp tục xuất hiện theo cách đó trong một thời gian dài. Khi ngươi tập trung chú ý lên đối tượng bất kỳ nào vốn xuất hiện trước ý thức, thì đối tượng đó không thể đứng vững ngay cả với những chú tâm nhỏ nhất, và sau đó định lực của ngươi được phục hồi. Lúc đầu, các đối tượng thô bên ngoài như sắc tướng và âm thanh có xuất hiện, nhưng khi ngươi nuôi dưỡng sự quen thuộc với trạng thái thiền này, thì cuối cùng có vẻ như các hiểu biết và kinh nghiệm về loại mà ngươi có từ trước đã bị loại trừ; khi ngươi tập trung tâm mình lên chúng, thì chúng biến mất mà không mang lại một chú ý nhỏ nhặt nào. [800] Những kinh nghiệm như thế xảy ra, nhưng không thể được xem là các trường hợp của việc tìm thấy quan điểm vốn hiểu biết thực tại vượt ra ngoài hai cực đoan; mà các trình hiện mơ hồ không phân biệt rõ ràng này cũng không thể được xem là "tựa như ảo ảnh" trong ý nghĩa Trung Quán. Điều này là bởi vì nhiều điều như vậy xuất hiện khi ngươi duy trì sự bình ổn trong một thời gian dài, ngay cả khi tâm trí của ngươi không được hướng đến quan điểm. Như ta đã giải thích trước đây[10], ý nghĩa về "tựa như ảo ảnh" đòi hỏi rằng một trình hiện được dựa vào hai yếu tố: (1) sự chắc chắn của một thức lập luận vốn đã kết luận rằng các pháp thiếu nền tảng, và (2) sự xác lập không thể phủ nhận của nhận thức hiệu quả thường tục về các trình hiện.

Các pháp chẳng hạn như các sắc tướng có thể trình hiện trong tâm trí của ngươi theo một khía cạnh mỏng và trong suốt, tựa như một cầu vồng; điều này chỉ đơn giản là sự kết hợp của sự vắng mặt của đối tượng khả xúc[11] nào đó và một sự trình hiện mơ hồ vốn xảy ra bất chấp sự vắng mặt của bất cứ điều gì cảm giác được. Như vậy, vì loại xác định này không có ngay cả một chắc chắn nhỏ nhất về sự vắng mặt của sự tồn tại tự tính, nên thật không đúng khi xem xét việc này là một trình hiện tựa ảo ảnh, bởi vì làm như vậy tức là gọi "sự tồn tại tự tính" khả xúc, xem hai đối tượng của sự phủ định – sự hiện hữu tự tính và khả xúc, như thể chúng là như một. Nói cách khác, nếu ngươi đã cho rằng ý nghĩa Trung Quán về ảo tưởng và sai lạc là một điều gì đó thuộc loại này, thì khi một cầu vồng và làn khói mỏng được lấy như là các nền móng, ý tưởng rằng chúng tồn tại một cách tự tính sẽ không bao giờ xảy ra, bởi vì theo phương pháp tiếp cận của ngươi, chính tính chắc chắn của các nền móng này sẽ là một sự xác thực mà chúng xuất hiện nhưng thiếu sự hiện hữu tự tính. Ngoài ra, khi sự khả xúc tự nó được dùng như là một nền móng, thì cách tiếp cận này sẽ không dẫn đến sự chắc chắc rằng việc khả xúc thiếu vắng tồn tại tự tính, bởi vì theo phương pháp tiếp cận của ngươi, sự chắc chắn của nền móng là một quan niệm về tồn tại tự tính. Vì vậy, khi sắc tướng và v.v… trình hiện theo cách đó, điều này không phải là những gì có nghĩa như sự trình hiện tựa một ảo ảnh, bởi vì không có ngay cả một sự phủ định nhỏ nhặt nào về đối tượng của hiểu biết sai lầm vốn nghĩ rằng sự trình hiện mỏng và trong suốt này là cơ chế của trạng thái, hay tình trạng bản thể của các đối tượng đó. Như ta đã giải thích, sự trình hiện tựa ảo ảnh đề cập đến những gì trình hiện trước một người nào đó trước đây đã tìm thấy, và những người đã không quên, quan điểm xác thực.[12] [801]

Giai trình của truyền thống đạo pháp bắt nguồn từ Geshe Gonbawa (dGebshes dGonpaba)[13] mô tả làm thế nào để tạo ra sự hiểu biết đó về tánh Không như sau: Trước tiên, ngươi thiền định về nhân vô ngã. Sau đó ngươi thiền định về ý nghĩa của pháp vô ngã, đem lại chánh niệm và tỉnh giác để duy trì. Trong một thời thiền dài, thất bại trong việc sử dụng chánh niệm sẽ làm cho ngươi dao động giữa hôn trầm và trạo cử, và do đó sẽ có rất ít lợi lạc. Vì vậy, hãy tiến hành bốn thời trong mỗi sáng, chiều, hoàng hôn, và bình minh, ngươi thiền trong mười sáu buổi mỗi ngày. Khi ngươi nghĩ rằng đối tượng đang trở nên rõ ràng hay ngươi đang có trải nghiệm nào đó, thì ngươi nên dừng lại. Khi ngươi thiền định theo cách này, và sau đó, giả sử rằng ngươi đã {cảm thấy} đang thiền không lâu, hãy kiểm tra thời gian và xem ban đêm hay ngày đã bị ngắn lại, điều này có nghĩa rằng tâm đã liên kết với đối tượng của nó. Nếu ngươi kiểm tra thời gian giả dụ rằng ngươi đã hành thiền trong một thời gian rất lâu và thấy rằng không có bao nhiêu thời gian {thật sự} đã trôi qua, điều này có nghĩa là tâm trí của ngươi chưa liên kết đến đối tượng của nó. Khi tâm trí được liên kết với đối tượng của nó, thì các phiền não giảm đi trong tâm trí của ngươi, và ngươi tự hỏi liệu ngươi đã bao giờ sẽ cần phải ngủ lại nữa không.

Khi ngươi đang thành công trong mỗi thời thiền của ngày và đêm, thì sự tập trung của ngươi sẽ phát triển bốn đặc tính: (1) không rời rạc – khi ngươi đang ở trong cân bằng, ngươi sẽ không cảm thấy sự chuyển động của hít vào và thở ra, và hơi thở và suy nghĩ của ngươi sẽ trở nên rất tinh tế; (2) độ sáng – nó sẽ giống như độ sáng của bầu trời thu vào giữa trưa; (3) sự thấu suốt – nó sẽ giống như sự rõ ràng mà ngươi nhìn thấy khi ngươi đổ nước vào một tách kim loại sạch và đặt nó dưới ánh mặt trời và (4) sự vi tế – việc theo dõi từ nội trong điều kiện vốn có ba đặc tính đầu, ngươi thấy được những gì xảy ra dù với việc nhỏ bằng sự chia chẻ một phần của cọng tóc. Điều này tiếp cận sự tạo thành trí huệ phi định danh. So với trí huệ phi định danh thực sự, thì bản chất của nó {vẫn} là định danh; do đó nó được cho là bị sai lạc. Điều này giải thích những gì được ghi trong Trung Biên Phân Biệt Luận của Di-lặc,[14] "Sự tiếp cận là sai lạc". Theo những gì được nói trong Trung Biên Phân Biệt Luận, ngay cả thiền định cát tường nhất về tính Không bởi một phàm phu chỉ là một tiếp cận và phải được xem xét là sai lạc. [802]

Khi ngươi thiền về ý nghĩa của quan điểm chính xác như được giải thích ở trên, sau đó mặc dù các đặc điểm khác đã không phát sinh, nhưng điều này là thiền định về ý nghĩa của vô ngã. Nếu ngươi không thiền định về ý nghĩa của quan điểm, được xác định chính xác, thì ngay cả nếu bốn đặc điểm phát sinh, nó không thể được coi là thiền định về liễu nghĩa. Vì vậy, việc một điều gì đó có phải là thiền về ý nghĩa của bản chất thật sự hay không được xác định như ta đã giải thích ở trên. Cách mà các thứ trình hiện như là các ảo ảnh sau khi thiền định lên bản chất thật sự đó nên được hiểu theo những gì ta giải thích bên trên.[15]

 

(iii) Làm thế nào để hợp nhất định lực và trí huệ

Như ta đã giải thích trong các phần trên về các tiêu chuẩn để thành tựu được sự định lực và trí huệ,[16] nếu ngươi không đạt được chúng, thì sẽ không có bất cứ điều gì để hợp nhất. Do đó, để hợp nhất chúng, ngươi dứt khoát phải đạt được cả hai. Ngoài ra, từ thời gian mà ngươi lần đầu tiên đạt được trí huệ, ngươi sẽ có sự hợp nhất đó. Vì vậy, được bảo rằng cách để đạt được sự hợp nhất đó là việc thực hiện thiền quán dựa trên cơ sở định lực trước đó, theo tuần tự phát triển bốn sự chú tâm – như là tập trung căng chặt – ở đây tại thời điểm trí huệ. Vì vậy, khi ngươi đã phát triển sự tập trung thứ tư [tự động tập trung] như đã giải thích ở trên,[17] điều này cấu thành sự hợp nhất. Ngoài ra, ở phần cuối của thiền quán, ngươi thực hành và duy trì thiền định, nó là sự hợp nhất khi sự định lực do đó đạt được trở nên thiền bình ổn của loại này. Vì vậy, Thanh Văn Địa của Vô Trước nói: [18]

 

Làm thế nào để ngươi kết hợp và cân bằng giữa định và tuệ? Và tại sao nó được gọi là một đạo pháp của sự hợp nhất? Người ta nói rằng nó đạt được thông qua chín trạng thái tinh thần. Dựa trên việc đã đạt được trạng thái thứ chín – cân bằng – và đã hoàn toàn đạt được định lực, ngươi áp dụng cho mình để đi đến trí huệ siêu việt – sự phân biệt các pháp. Vào thời điểm đó, ngươi nhập vào đạo pháp về các pháp khác biệt một cách tự nhiên và bất dụng công. [803] Bởi vì con đường của định lực không bị dính mắc bởi phấn đấu, nên trí huệ là thuần tịnh, thanh khiết, đi kèm sau định lực, và hoàn toàn tràn ngập hỷ lạc. Do đó, định lực và trí huệ của ngươi kết hợp và cân bằng; điều này được gọi là đạo pháp về sự hợp nhất của định và tuệ.

 

Liên Hoa Giới trong phần thứ ba của Giai Trình Thiền:[19]

 

Thông qua việc được phân lập khỏi hôn trầm và trạo cử, tâm trí của ngươi trở nên cân bằng và vận hành một cách tự nhiên. Khi điều này làm cho tâm ngươi cực kỳ rõ ràng về thực tại, ngươi đạt được cân bằng qua việc hành xả nỗ lực của mình. Hãy hiểu rằng sau đó ngươi đã đạt được đạo pháp về sự kết hợp của định và tuệ.

 

Tại sao điều này được gọi là "sự hợp nhất"? Trước khi đạt được nó, thiền quán về sự phân biệt có thể không phải bởi tự chính nó mang lại sự bình ổn về sự không rời rạc. Vì vậy, ngươi phải thực hiện việc nuôi dưỡng thiền quán và thiền định một cách riêng biệt. Khi đạt được cả hai, chính hoạt động của thiền quán về sự phân biệt có thể tự mang lại định lực. Vì vậy, nó được gọi là sự hợp nhất. Ngoài ra, sự phân tích tại điểm này là trí huệ. Sự bình ổn ở cuối của phân tích là một định lực đặc biệt quan sát tính Không. Bát-nhã Ba-la-mật-đa Luận của Bảo Sinh Tịnh:[20]

 

Sau đó, tâm quan sát hình ảnh rời rạc đó. Khi tâm đó kinh nghiệm cả định và tuệ trong một dòng liên tục lẫn không bị gián đoạn của sự chú tâm, thì điều này được gọi là con đường về sự hợp nhất (zung 'Brel) của định lực và trí huệ. Định và tuệ là một cặp (zung); kết nối ('Brel ba) có nghĩa là có nhau; chúng hoạt động liên kết với nhau. [804]

 

"Không bị gián đoạn" có nghĩa là sau khi ngươi hoàn thành thiền phân tích tự nó, thì ngươi không phải bình ổn tâm trí của ngươi trong một trạng thái không rời rạc, mà thiền phân tích của ngươi tự nó mang lại sự không rời rạc. "Hãy trải nghiệm cả hai" có nghĩa là ngươi kinh nghiệm cả định vốn quan sát một hình ảnh không rời rạc và tuệ vốn quan sát một hình ảnh rời rạc. Chúng không phải là đồng thời, nhưng ngươi trải nghiệm chúng trong vòng một quá trình liên tục, không gián đoạn của sự chú ý thiền của ngươi.

 

Vấn: Phải chăng nó không mâu thuẫn với giải thích rằng, sau khi đạt được định lực trước đó, Ngài sử dụng thiền quán về phân biệt để xác lập sự bình ổn?

 

Đáp: Nếu, trước khi đạt được định, ngươi liên tục luân phiên thời thiền giữa phân tích và sự bình ổn hậu-phân tích, thì sẽ không thể đạt được định lực. Việc tiến hành thiền như vậy sau khi đạt đến định lực cho thấy rằng ngươi thành tựu được một định lực nâng cao. Vì vậy, không có mâu thuẫn.

 

Hơn nữa, có một trường hợp đặc biệt để xem xét: thiền phân tích ngay lập tức trước khi đạt được trí huệ có thể đem lại tập trung nhất tâm. Ta đã giải thích ở trên rằng không thể xác lập định lực, nếu trước khi đạt được trí huệ, ngươi liên tục luân phiên giữa phân tích và sự bình ổn hậu phân tích, và ta đã giải thích rằng sau khi ngươi đạt đến định lực, thì thiền quán không thể đem lại sự không rời rạc. Ta đã đưa ra những giải thích này về tình hình trước khi đạt được trí huệ, bỏ qua một bên trường hợp đặc biệt của phân tích vào sự khởi đầu của trí huệ. Tóm lại, trước khi thành tựu định lực, thì không thể đạt đến định bằng cách thực hiện thiền bình ổn trong sự luân phiên, qua việc bình ổn tâm ngươi tại kết luận của sự phân tích. Một khi định được xác lập, nhưng trước khi thành tựu trí huệ, thì thiền quán tự nó không thể đem lại một sự bình ổn vững chắc nhất tâm. Vì vậy, việc đạt được sự bình ổn vững chắc thông qua phân tích – phân tích mở rộng bởi trí huệ phân biệt – xảy ra khi thành tựu trí huệ; do đó sự hợp nhất của tuệ và định cũng được thừa nhận tại thời điểm đó. [805]

Vì vậy, đừng nhầm lẫn sự hợp nhất định lực và trí huệ với một hỗn hợp trong đó trí tuệ có thể phân biệt một cách phân tích ý nghĩa của vô ngã từ nội trong một trạng thái không rời rạc không thay đổi một cách nền tảng của sự bình ổn vững chắc, giống như một con cá nhỏ di chuyển bên dưới mặt nước lặng yên mà không phá hư mặt nước đó.

Hãy biết làm thế nào để hợp nhất định và tuệ theo những gì trình hiện trong các văn bản nguyên thủy. Đừng đặt sự tin cậy trong các lời giải thích có nguồn gốc từ bất cứ điều gì khác. Từ quan điểm của những kinh luận Ấn-độ này, dường như ta phải phân biệt nhiều tính năng về việc làm thế nào ngươi duy trì định lực và trí huệ trong thiền. Nhưng ta thận trọng với việc bị dông dài, vì vậy ta sẽ không viết thêm.



[1]BA714 Bk3, Tucci 1971:10-U, D3917: Ki 59b2-3.

[2]BA715 LRCM: 55-69 (Great Treatise 2000: 93-108).

[3]BA716 LRCM: 514-536.

[4]BA717 Thurman 1984: 246, n. 86 nói: "Ngạn ngữ này phát khởi từ các nghi lễ đuổi tà phổ biến trong đó một kẻ lãnh tội được làm từ bột lúa mạch và được xếp đặt để nhận lãnh các thế lực tiêu cực để được đuổi tà là hậu quả bị ném ra khỏi nhà mà trong đó nghi lễ được cử hành – dĩ nhiên nó phải bị ném về hướng mà ở đó sự phá rối đến.

[5]BA718 Đây là Be'u bum sngon po, một giải thích bKa-glams-pa về đạo pháp được dạy bởi Po-to-ba Rin-chen-gsal và được xếp đặt bởi Dol-pa Shes-rab-rgya-mtsho.

[6]BA719 Satya-dvayāvatāra, D3902: A 7b4-5.

[7]BA720 LRCM: 537-543.

[8]BA721 Sn, Lamotte 1935:90; P774:13.5.4-5; cf. LRCM: 537.

[9]BA722 Prajñāpāramitopadeśa, P5579: 248.3.1-3.

[10]BA723 LRCM: 741-750.

[11]Đối tượng khả xúc tức là các vật có thể cảm giác được. Có 6 loại gồm: (1) trơn láng (tib. འཇམ་པ), (2) Thô ráp (tib. རྩུབ), (3) nặng nề (tib. ལྕི་བ), (4) lạnh (tib. གྲང་བ), (5) đói (tib. བཀྲེས་པ) và (6) khát (tib. སྐོམ་པ).

[12]BA724 LRCM: 442-450. Về một giải thích của "tựa ảo ảnh" các trình hiện liên hệ với Mật điển Thời Luân mà Tsongkhapa đang hướng tới ở đây. Xem Stearns 2000

[13]BA725 Gon-ba-wa là dGon-pa-ba-dbang-phyug-rgyal-mtshan (G6n-ba-wa Wang-chuk-gyei-tsen) (1016-1082). bKa'-gdams-pa (Kadampa) được truyền xuống từ Atiśa cho dGe-bshes Bromston-pa-rgyal-ba'i-'byung-gnas (Geshe Drom-d6n-ba). Đệ tử của 'Brom-ston-pa sau đó truyền xuống trong 3 dòng, "tảng văn" (gzhungpa ba), "Giáo huấn" (man ngag ba), và "Giai Trình của Đạo Pháp" (lam rim ba), vốn được truyền khẩu cho Po-to-ba (Bo-do-wa) ) (1027/31-1105), sPyan-snga-tshul-khrims-'bar (Jen-nga-tsul-trim-bar) (1038-1103), và Geshe dGon-pa-ba một cách tương ứng. Những người theo chân dòng Giai Trình của Đạo Pháp đã dựa trên các bản luận gọi là "Giai Trình của Giáo pháp" (bstan rim),  vốn là các giải thích về Giai Trình của Đạo Pháp, một số trong các luận của Tsongkhapa dựa trên Đại Pháp của ngài. Xem chú thích 743 dưới đây; xem thêm Tharchin and Engle 1990.

[14]BA726 Madhyānta-vibhāga: 4.12a, D4021: Phi 43a4.

[15]BA727 LRCM: 741-750.

[16]BA728 Điều này đề cập đến thời ngay liền trước đó được xem là đã thành tựu trí huệ và đến thời được xem là nuôi dưỡng thành công định lực LRCM: 536ff.

[17]BA729 LRCM: 535-537.

[18]BA730. Sbh P5537:107.5.2-6.

[19]BA731 Bk3, Tucci 1971:9; D3917: Ki 59bl-2.

[20]BA732 Prajñāpāramitopadeśa, P5579:246.3.5-6.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn