4. Đền Tội

17 Tháng Chín 201200:00(Xem: 7484)

RECHUNG
ĐỖ ĐÌNH ĐỒNG dịch
MILAREPA
CON NGƯỜI SIÊU VIỆT
Nguyên tác Tây tạng: Mila Khabum - Tác giả: Rechung
Anh dịch: Lama Kazi Dawa-Samdup
Cô đọng và phóng tác: Lozang Jivaka
Việt dịch: Đỗ Đình Đồng

IV

ĐỀN TỘI

 

Bấy giờ tôi cần phải tìm những lễ vật để dâng lên Đạo sư tôi. Vì thế tôi bắt đầu làm một cuộc hành khất gấp rút. Và sau khi leo đèo, vượt suối và đi khắp vùng quê, tôi trở về mang theo nhiều dạ lúa mạch để đối lấy một chiếc bình bằng đồng nguyên vẹn với bốn quai cầm. Hơn nữa, cuộc đổi chác còn đem lại cho tôi một ít thịt và bia. Tôi cho phần lúa mạch còn lại vào một cái bao và xếp tất cả những vật đổi được vào bao thành một đống cao nghệu rồi vác về nhà của Đạo sư tôi.

Bao đồ quá nặng nên khi vừa đến nhà, tôi buông nó từ trên lưng xuống kêu một tiếng “bịch” nặng nề làm cả nhà giật mình, và Thầy tôi dậm chân nhảy lên, hét: “Ô hô! Mi cho là mi mạnh lắm phải không? Mi muốn phá nhà để biểu diễn sức mạnh cho chúng ta xem à? Hãy mang cái đồ đó đi chỗ khác!” và liền với câu nói, ông đá bay bao lúa mạch ra ngoài nhà. Tôi phải đi nhặt những đồ vật bị đổ ra, góp lại trên lối đi. Hỡi ôi, Thầy tôi là một người nóng tính làm sao! Nhưng niềm tin của tôi nơi ông là một vị Đạo sư vẫn không gì lay chuyển. Vì thế tôi quyết định xử sự đúng đắn hơn khi có mặt ông. Sau khi lấy tất cả những đồ vật trong chiếc bình đồng ra, tôi mang nó vào nhà, lòng hơi e dè, tôi cung kính làm lễ và dâng chiếc bình lên Thầy tôi.

Ông đặt một bàn tay trên chiếc bình, như thế có nghĩa là ông chấp nhận, một sự nhẹ nhõm lớn đối vơi tôi; và dường như ông mất hút trong sự cầu nguyện. Sau một lúc, tôi nhìn thấy những giọt nước mắt lăn dài xuống hai má ông khi ông nói: “Ấy là điềm lành, ta dâng nó lên Đạo sư Naropa của ta,” và ông đưa bàn tay lên như đang dâng hiến một vật gì. Kế đó ông lúc lắc chiếc quai bình và đập mạnh tay lên nó làm nó kêu vang. Cuối cùng ông cầm chiếc bình đến trước bàn thờ và lấy loại bơ cháy được mà ông dùng để rót vào những chiếc đèn trên bàn thờ đổ đầy cái bình.

Ngày lại ngày, suốt mấy tuần lễ, tôi khẩn khoản cầu xin ông dạy giáo lý, cuối cùng ông nói: “Ta có nhiều đệ tử từ xa cố gắng đến đây, nhưng bị bọn cướp chăn cừu phá phách trên vùng đồi phục kích đánh cướp. Hãy đến đó phóng một trận bão đá phá hết hoa màu của bọn chúng đi rồi ta sẽ dạy Đạo lý cho anh.”

Vì thế tôi đã đi phóng những trận bão đá kinh khủng xuống bất cứ nơi nào tôi tìm thấy bọn cướp. Rồi tôi trở về trình báo đã làm xong lời hứa nhưng chỉ gặp sự từ chồi chua cay:

“Cái gì! Anh tưởng mấy cơn bão đá nho nhỏ đó xứng đáng với Chân lý ta phải trăm cay nghìn đắng mới học được từ bên Thiên trúc sao? Này, bây giờ nếu anh là người đứng đắn thì hãy dùng bùa chú tiêu diệt tất cả những người của các bộ tộc khác trong vùng Lhobrak vì họ đã đánh cướp các đệ tử của ta và đôi khi còn làm phiền ngay cả ta nữa, rồi ta sẽ dạy anh Đạo lý có thể đạt được Giải thoát và thành Phật ngay trong chỉ một đời thôi.”

Tôi lại tức khắc vâng lời ông. Tôi dùng Huyền thuật khiến cho người trong các bộ tộc bắt đầu đánh nhau và kết quả nhiều người chết. Tôi trở về, lòng đầy hy vọng lần này tôi có thể đạt được điều mơ ước vĩ đại từ lâu. Nhưng rồi một lần nữa, những hy vọng trong lòng tôi tan vỡ chua cay. Thầy tôi đón mừng tôi một cách tử tế và tặng tôi danh hiệu “Đại Phù thủy,” nhưng khi tôi yêu cầu dạy Giáo lý, ông cười ầm lên và hỏi tôi làm sao ông có thể truyền Đạo lý cho tôi để trả giá những hành vi tàn ác đó, dù rằng tôi đã làm tròn phận sự. Ông bảo: “Hãy đi đi, trước tiên hãy hoàn nguyên lại tất cả những gì anh vừa phá hoại; hãy cứu sống những người đã chết và hoàn trả đầy đủ số hoa màu bị tàn phá.” Rồi ông bắt đầu mắng nhiếc tôi dữ dội, tưởng chừng như ông sắp đánh tôi. Tô vừa bước đi vừa khóc trong thất vọng, trong khi đó bà vợ của Thầy tôi đến cố gắng an ủi tôi.

Có lẽ đêm đó bà đã nói gì với chồng, nên sáng hôm sau ông tìm tôi bảo:

“Có lẽ hôm qua ta hơi quá nóng một chút, nhưng con đừng để trong bụng nhiều làm gì. Hãy kiên nhẫn đi, vì cuối cùng ta sẽ dạy cho con. Bây giờ thì thời giờ vẫn còn thong thả mà dường như con là người khéo tay, ta đề nghị con xây cho thằng con của ta một ngôi nhà. Khi nào xây xong đường hoàng, không những ta dạy con Giáo lý mà còn cho con thức ăn quần áo trong lúc con học tập nữa.”

Khá nghi ngờ, tôi đánh bạo hỏi ông:

“Rồi sẽ ra sao nếu con chết trước khi con được học Đạo lý và đạt được Giải thoát?”

Ông thuyết phục:

“Ta quả quyết rằng con không chết như thế đâu. Với Giáo lý của ta, ấy là tùy con, chính con, vì con có vẻ đầy năng lực, để đạt Giác ngộ ngay trong đời này, nếu con muốn. Môn phái ta hơi khác những môn phái khác, chúng ta nương nhờ vào những phát khởi từ Suối Nguồn Thượng Thừa và sự trực ngộ.”

Được bảo đảm như thế, tôi hỏi đồ thị ngôi nhà để xây cất theo ý muốn. Bây giờ nhìn lại tôi mới thấy đức Lạt-ma đã thực sự dùng một công mà được hai việc. Vì ông muốn xây ngôi nhà tại vị trí đặc biệt mà những người có cùng lợi ích đã đồng ý để trống chỗ đó, vì thế cần thiết phải làm lạc hướng sự chú ý của họ đối với mục đích thực sự của ông bằng cách bắt đầu sự xây cất ở một chỗ khác, nhưng ông cũng muốn thử tôi một cách hoàn toàn nhất về sự đền tội những hành vi độc ác của tôi – và đây là điều thực sự ông cần phải làm. Thực tế, cuối cùng ông đã đạt dược cả hai mục đích.

Đức Lạt-ma bắt đầu đem tôi lên một ngọn núi quay mặt về hướng đông và ra lệnh cho tôi xây ở đó một ngôi nhà hình tròn. Một hôm ông đến xem khi ngôi nhà đã xây lên được một nửa và rồi sau một hồi quan sát ông bảo rằng ông đã đổi ý. Vì thế tôi phải phá bỏ những gì tôi đã xây và mang những tảng đá trả lại chỗ cũ của chúng. Rồi ông dẫn tôi đến một ngọn núi khác quay mặt về hướng tây, bảo tôi xây một ngôi nhà hình trăng lưỡi liềm; và rồi việc cũ lại xảy ra. Một lần nữa, tôi phải mang trả lại nguyên chỗ từng tảng đá theo lệnh của ông; vì ông bảo rằng ông đã hơi khắc khe một chút khi ông ra những mệnh lệnh như thế.

Ngôi nhà thứ ba quay mặt về hướng bắc và có hình tam giác. Tôi hơi áy náy trong lòng vì nghĩ rằng thật là phí thì giờ, phí tiền bạc để xây rồi phá như thế này. Nhưng được đáp lại bằng sự trầm lặng lạnh lùng, và tôi phải thực hiện theo ý ông muốn… Một lần nữa, nào đá lớn, đá nhỏ đè nặng trên vai tôi và ngôi nhà mới bắt đầu thành hình.

 Thật hãi quá! Khi ngôi nhà mới xây xong được một nửa, một hôm Thầy tôi đến tỏ vẻ khó chịu và hỏi tôi tại sao lại xây một ngôi nhà hình dáng đặc biệt như thế này. Thật là điên đầu và chán nản, tôi nhắc lại rằng đó là ý riêng của ông.

“Ta không bảo anh xây như thế này,” ông rống to. “Hoặc nếu có bảo, lúc đó ta bị mất trí.”

Tôi đánh bạo thưa: “Nhưng bạch thầy, thầy không nhớ con đã yêu cầu thầy suy xét kỹ, rồi bây giờ bắt con bắt đầu xây lại, thầy muốn như thế nào?”

Ông chế nhạo: “Ồ, anh viện dẫn gì thế? Có phải anh đang cố gắng đọc thần chú để tiêu diệt ta bằng cách bằng cách muốn bắt ta nhốt vào trong ngôi nhà tam giác huyền bí đó? Thật là khiến cả quỉ thần chung quanh đây cũng phải phát điên. Hoặc anh phá nó đi và mang những tảng đá đó trả lại chỗ cũ hoặc là bỏ tất cả đi vì ta sẽ không dạy cho anh nữa trừ phi anh làm theo lời ta bảo.”

Thầy tôi dường như quá phẫn nộ khiến cho tôi tự cảm thấy chính mình khó sai bảo, nhưng vì không có việc gì khác để làm, tôi lại khom lưng vác từng tảng đá trả lại hầm đá, hết hy vọng bao giờ cũng làm vừa lòng Thầy. Nhưng tôi cần Giáo lý đến nỗi tôi không thể làm được việc gì khác trừ vâng lời ông một cách tuyệt đối. Bây giờ trên lưng tôi, giữa hai bả vai đã đau đớn vô cùng, nhưng tôi không dám nói ông biết, sợ ông lại tức giận nữa; cũng không dám nói với vợ ông, e rằng bà nghĩ tôi đang cố gắng tìm cách làm mọi người chú ý đến việc làm nặng nhọc của tôi. Vì thê, tôi im lặng làm việc, chỉ nhờ bà cố gắng thuyết phục chồng bà dạy cho tôi chút ít. Người đàn bà đứng tuổi có tâm hồn mẹ hiền này đến nói thẳng với chồng rằng sự xây cất vô ích của ông đã làm cho tôi chán ngán và bà xin ông dạy cho tôi chút ít.

Thầy tôi bảo:

“Hãy đi nấu cơm đi rồi mời hắn vào.” Bà bèn đi nấu cơm ngay, xong đợi tôi vào ăn cơm. Sau khi chúng tôi ăn xong, đức Lạt-ma nói:

“Này Đại Phù thủy, đừng có buộc cho ta những việc ta không làm như hôm qua nhé. Bây giờ ta sẽ dạy cho anh.” Rồi ông dạy cho tôi về ba ngôi Tam Bảo, và mấy Giới luật và ông kết thúc: “Đây là Giáo lý cụ thể. Nếu anh muốn được truyền thụ Tri thức Thượng thừa, anh phải kiếm cách lấy.” Và ông kể cho tôi nghe câu chuyện Đạo sư Naropa, rồi thêm: “Dĩ nhiên đây là điều quá cao xa đối với anh, ta sợ anh khó đạt đến.” Điều này làm tim tôi xúc động mạnh, mắt tôi rơi lệ; tôi quyết tâm vâng lời Đạo sư của tôi mọi việc.

Vài hôm sau, ông dắt tôi đi dạo và khi đến địa điểm nơi ông đã bị cấm xây cất, ông bảo tôi xây ở đó một ngôi nhà bốn mặt thông thường, cao chín tầng; ông thành thật hứa rằng ngôi nhà này sẽ không bị phá bỏ nữa và khi xây xong ông sẽ truyền Chân lý cho như tôi ao ước.

Đã có kinh nghiệm lần trước nên tôi cẩn thận hơn. Tôi thử đề nghị vợ ông làm chứng những lời ông nói và tôi nhắc ông về chuyện ba ngôi nhà trước:

“Thưa thầy, lần trước thầy đòi con trưng bằng chứng những mệnh lệnh thầy đã ra cho con, con đã không có nhân chứng; vì thế lần này xin thầy cho phép để vợ làm chứng những lời thầy nói.”

“Dĩ nhiên ta sẽ đứng ra làm chứng, nhưng thầy con quá ư độc tài, rồi ông ta sẽ không lý gì đến cả hai chúng ta. Tất cả việc xây cất này chẳng cần thiết gì cả, lại hoàn toàn phí thì giờ vô ích. Xây rồi phá, phá rồi xây, cứ hoài hoài như thế. Vả lại người ta không cho phép ông xây nhà chỗ này. Nhưng ông sẽ không bao giờ để ý đến tiếng nói yếu ớt của ta và ta chỉ làm cho ông thêm bực bội thôi.”

Đến đây đức Marpa nói với vợ:

“Bà hãy làm đúng theo lời yêu cầu và làm nhân chứng đi; hơn nữa bà cứ chú tâm việc của bà, còn tôi, tôi chú tâm việc của tôi.”

Với sự bảo chứng này, một lần nữa tôi bắt đầu đặt móng xây nhà. Một hôm ba đệ tử cao cấp của Thầy tôi nghĩ làm một trò vui, họ cùng nhau khiêng một tảng đá mòn khổng lồ đến chỗ xây nhà. Vì tảng này có kích thước rất hợp nên tôi dùng nó để làm viên đá đầu tiên đặt trên móng nhà, bên cạnh chiếc cửa lớn tương lai. Lúc Thầy tôi nhìn thấy tảng đá này thì tôi đã xây đến tầng thứ hai.

“Anh lấy tảng đá này ở đâu ra vậy? “ Thầy tôi hỏi khi quan sát việc tôi làm.

Tôi đáp: “Bạch thầy, ba sư huynh khiêng nó vào để đùa con đấy ạ.”

Ông nói: “Nhưng anh không có quyền dùng tảng đá này. Hãy lấy nó ra trả lại chỗ cũ.”

Tôi nhắc lại cho ông nhớ lời ông đã hứa rằng nhà xây lên sẽ không được kéo sập xuống nữa, nhưng ông chỉ bảo:

“Ta không có hứa để anh dùng những đệ tử chính của ta như những lạo động trong công việc xây nhà, họ là những người đã được Điểm Đạo Truyền Pháp. Vả lại anh không phải kéo sập ngôi nhà mà chỉ lấy tảng đá này ra thôi.”

Nhưng toàn thể bức tường đó đã đổ xuống, và tôi phải cực nhọc vận dụng toàn lực mới trả được tảng đá vĩ đại đó về chỗ cũ. Chẳng mấy chốc sau đó, đức Lạt-ma lại bảo:

“Bây giờ chính anh phải mang nó trả lại chỗ đầu tiên và nhớ đặt nó đúng vào vị trí cũ của nó.”

Lần đầu tiên phải ba người mới khiêng nổi tảng đá ấy, bây giờ chỉ một mình tôi cũng phải đặt nó đúng vào vị trí đầu tiên. Nhưng dù sao tôi cũng đã thành công và tảng đá mòn đó đã lưu lại một kỷ niệm về sức mạnh vĩ đại của tôi.

Những người đã nhất định rằng việc xây nhà trên địa điểm đó sẽ bị cấm chỉ, bây giờ họ bắt đầu tự hỏi hay là Marpa thật có ý định đúng đắn trong việc dựng nhà ở đó. Nhưng thói quen hay ra lệnh phá hủy những cố gắng của tôi trước kia của ông đã đánh lừa họ. Vì thế tôi đã xây đến tầng thứ bảy của ngôi nhà trước khi họ nhận thấy rằng cuối cùng ngôi nhà này là một ngôi nhà vĩnh viễn, và nó không phải là một sự luyện tập tinh thần và thể xác cho một chú tiểu lỗi lầm. Nhưng đã quá trễ, đức Marpa đã được một sở hữu bên ông và bằng cách dùng những Năng lực Thượng thừa, ông đã chuyển hóa những người đã đến với chủ ý thù nghịch cuối cùng đã trở thành những đệ tử của ông. Bấy giờ trên lưng tôi bị đau thêm một chỗ thứ hai.

Vào lúc này đức Lạt-ma sắp sửa làm lễ Điểm Đạo Truyền Pháp cho các đệ tử, và bà vợ của ông giục tôi nhập bọn với những người dự thí vì bà nghĩ rằng, và tôi cũng nghĩ như thế, tất cả những công lao khó nhọc của tôi và ngôi nhà hầu như đã hoàn thành sẽ là món lễ vật xứng đáng để dâng lên Đạo sư. Hỡi ôi, tôi hy vọng biết bao nhiêu!

Thấy tôi ngồi ở hàng cuối cùng, đức Marpa nói:

“Đại Phù thủy, anh có lễ vật gì mang theo đấy?

Tôi thưa: “Bạch thầy, thầy đã hứa khi ngôi nhà cho con trai thầy hoàn thành, thầy sẽ Điểm Đạo Truyền Pháp cho con, vì thế bây giờ con hy vọng thầy sẽ ban ân huệ đó cho con.”

Ông hét lớn: “Mi là con chó nhỏ đầy kiêu căng tự phụ, Với vài tảng đá nhỏ và vài bức tường bùn đó, mi nghĩ ta sẽ cho mi Tri thức Thượng thừa ta mang từ Thiên trúc về đây bằng một giá quá đắt sao? Hãy nộp lệ phí thụ pháp nếu không hãy bước ra khỏi nơi tôn nghiêm này.” Rồi ông đánh tôi và nắm tóc tôi lôi ra ngoài. Tôi thật muốn chết ngay tại chỗ nếu tôi chết được, và tôi khóc suốt đêm đó.

Bà Marpa lại đến an ủi tôi và nói: “Ta thật không hiểu chồng ta như thế nào. Ông bảo ông đem Giáo lý từ Thiên trúc về đây là để giúp đỡ mọi người và bình thường ông ta đã dạy hay giảng cho bất cứ ai đến đây – ngay cả chó nữa. Này, con đừng đánh mất niềm tin của con nơi ông, nghe con.”

Sáng hôm sau Thầy tôi bảo:

“Này Đại Phù thủy, hãy ngừng xây ngôi nhà đó đi; hãy bắt đầu xây một ngôi nhà khác, mười hai cột, một tiền đường và một chánh điện. Khi nào anh xây xong, ta nhất định sẽ dạy Giáo lý cho anh.” Như thế một lần nữa tôi lại đặt móng xây nhà và người bạn tốt của tôi, bà Marpa, cung cấp thức ăn và bia; và giúp đỡ tôi bằng những lời khuyên và thiện cảm của bà.

Khi ngôi nhà mới này gần hoàn thành, một đệ tử khác đến để được Điểm Đạo Truyền Pháp ở một mức độ cao hơn lễ Điểm Đạo Truyền Pháp vừa rồi. Lập tức bà Marpa đến bảo tôi:

“Lần này Thầy chúng ta chắc chắn sẽ cho con. Đây, con cầm lấy miếng bơ, cuộn vải len, và chiếc bình đồng này làm lễ vật và hãy ngồi chung với những người kia.” Tôi không bao giờ nghĩ đến việc bà đã lấy những thứ ấy ở đâu và tôi nhập bọn ngồi xuống với lòng đầy hy vọng.

Thầy tôi bảo:

“Này Đại Phù thủy, lệ phí Điểm Đạo Truyền Pháp của anh đâu mà anh lại có mặt với những người dự thí đó?”

Tôi xuất trình bơ, vải, và chiếc bình đồng mà bà Marpa đã cho tôi. Nhưng hỡi ôi, đó là tất cả những vật do những người phát nguyện khác đã mang đến làm lễ vật!

Đức Lạt-ma hỏi:

“Cái gì! Sao anh dùng những vật của ta để làm lễ vật dâng ta? Hãy dâng thứ gì của anh, nếu không hãy cút đi cho khuất mắt ta!” Rồi ông đá tôi bay ra khỏi phòng bằng những cú đá trời giáng, đến nỗi tôi cảm thấy như lún xuống nền nhà. Sau đó tôi bắt đầu suy nghĩ tìm lý do tại sao tôi phải chịu tất cả sự đối xử tàn nhẫn như thế. Có phải tôi đang trả nghiệp cho những hành vi tàn ác trong việc dùng những trận bão đá giết chết quá nhiều người và phá hoại mùa màng phì nhiêu không? Hay là thấy tôi không xứng thọ lãnh và tu tập Giáo lý? Hay ông ghét bỏ tôi? Dù sao, nếu không có cuộc sống tôn giáo để sống cho xứng đáng, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện tự tử. Ngay khi đó bà Marpa mang đến cho tôi một phần thức ăn đã dâng cúng trong buổi lễ và cố gắng an ủi tôi. Tôi ăn nhưng chẳng thấy ngon tí nào và tôi gào khóc vang vọng trong đêm.

Sáng hôm sau, đức Lạt-ma bảo tôi: “Hãy xây cho xong hai ngôi nhà đó rồi nhất định ta sẽ dạy Giáo lý cho anh.”

Và như thế tôi tiếp tục việc xây cất cho đến khi một vết thương nữa xuất hiện trên lưng tôi, máu và mủ từ ba vết thương chảy ra nhầy nhụa. Toàn thể cái lưng của tôi đã biến thành một vết thương to lớn. Bây giờ tôi phải bày lưng ra cho người đàn bà tốt bụng với tôi biết, nhờ bà nhắc chồng bà nhớ những lời hứa của ông và yêu cầu dùng uy thế của bà để bắt ông dạy Giáo lý cho tôi. Nhìn thấy tấm lưng đau đớn của tôi, bà khóc và lập tức chạy đến nói với thầy tôi:

“Thân thể của thằng Đại Phù thủy đang ở trong tình trạng trầm trọng lắm, tất cả do việc xây nhà gây nên; chân tay nó bị nứt nẻ, tím bầm và lưng nó mang ba vết thương lớn hành hạ. Trước giờ tôi nghe người ta nói lừa ngựa bị lở da lưng vì yên cương chứ không bao giờ nghe nói người bị lở da lưng vì yên cương. Nếu thiên hạ nghe được chuyện này họ sẽ chê cười ông cho ông xem, ông Lạt-ma tôn kính, ông phải ý thức sự tàn ác của ông, ông phải có một chút tình cảm chứ! Ông đã hứa dạy nó Giáo lý, nó đang khao khát khi nó xây nhà xong, ông nhớ không?”

Đức Lạt-ma đáp:

“Vâng, tôi thực có hứa như thế. Tôi hứa rằng khi nào nó hoàn thành ngôi nhà mười tầng nó phải xây. Nó đã xây xong chưa?”

“Nhưng nó đã xây cái thứ hai lớn hơn cái đó nhiều,” bà Marpa xúc động biện hộ.

Ông vặn lại:

“Nói nhiều, làm ít; đó là lời tục. Khi nào nó xây xong ngôi nhà mười tầng, tôi sẽ dạy Giáo lý cho nó. Nếu xây chưa xong, tôi chưa dạy. Nhưng thực lưng nó đau nhiều sao?”

Bà Marpa nóng nảy đáp:

“Nếu ông không quá bạo ngược, ông hãy đi xem nó ra sao. Không những lưng nó bị đau đớn hành hạ mà cả cái lưng của nó là một vết thương to lớn. Ông có biết không?” Sau khi trách mắng ông, bà Marpa bỏ đi thật lẹ. Nhưng ông chỉ nói với theo bà:

“Hãy để thằng bé đó lên đây.”

Tôi bước lên với hy vọng cuối cùng thầy sẽ thương xót mà dạy cho tôi, nhưng ông chỉ bảo đưa lưng cho ông xem. Khi xem lưng, ông nói:

“Hừ! Đâu có đáng gì so với Đạo sư của ta, Chúa Naropa đã chịu đựng. Ngài chẳng tiếc thân mạng ngài chút nào. Ta cũng đã bỏ ra tất cả của cải, thân mạng để làm lễ cúng dường tình nguyện theo ngài. Nếu anh là người cầu Đạo chí thành thì đừng khoe khoang những gì anh làm, hãy tiếp tục kiên nhẫn siêng năng cho đến khi hoàn tất ngôi nhà. Ta để anh suy nghĩ về những tình cảm thâm trầm của ta trong những lời này.”

Rồi ông gấp chiếc y thành tấm nệm nhỏ và chỉ cho tôi biết người ta lót nệm cho ngựa lở lưng vì chiếc yên như thế nào và ông khuyên tôi hãy làm như thế.

Tuyệt vọng khiến tôi hỏi:

“Nhưng cái nệm nhỏ có ích gì cho con khi cả cái lưng của con là một ung độc mưng mủ.”

Bất ngờ ông đáp:

“Nó sẽ chận bụi bẩn khỏi xâm nhạp vào vết thương làm nó tệ hại hơn; anh vẫn mang đá và đất sét được.”

Nếu đây là mệnh lệnh của thầy, tôi phải vâng theo. Và bây giờ tôi làm việc bằng cách mang những vật nặng phía trước ngực. Thầy tôi thấy tôi làm việc như vậy, ông ngầm khen ngợi trong lòng. Sự chân thành và tin tưởng của tôi làm ông cảm động đến rơi nước mắt. Nhưng vết thương trên lưng tôi lai trở nên tệ hại hơn, cho đến cuối cùng, sự đau đớn khiến tôi phải ngừng làm việc. Một lần nữa tôi xin bà Marpa yêu cầu chồng bà dạy tôi Giáo lý hay cho phép tôi tạm nghỉ một thời gian.

Câu trả lời của đức Lạt-ma là: “Giáo lý thì hắn không thể có được trước khi hắn hoàn thành ngôi nhà. Tuy nhiên hắn có thể nghỉ làm việc, bởi vì việc này cũng không giúp hắn được gì. Dù sao cứ để hắn làm được gì thì làm.” Và bà Marpa bắt tôi nằm xuống để chữa những chỗ ung độc trên lưng. Những chỗ ung độc trên lưng tôi vừa lành thì Thầy bảo tôi đi làm và tôi sắp sửa vâng lời ông đi làm thì bà Marpa đề nghị với tôi mưu kế để lấy Giáo lý. Tôi phải gói kín những vật sở hữu của tôi thành một gói và lấy một bao bột mì rồi lẻn ra khỏi nhà đến một địa điểm mà người ở trong nhà có thể thấy và nghe tôi nói được. Rồi bà sẽ chạy theo tôi, giả vờ khuyên can tôi đừng bỏ đi và hứa sẽ cố gắng nói với chồng bà dạy tôi Giáo lý.

Và chuyện xảy ra như thế này: Tôi và bà Marpa đang cãi cọ ngoài đường thì Thầy tôi gọi vọng ra: “Hai người đang đóng trò gì đó?” Bà Marpa đáp: “Thằng Đại Phù thủy bảo rằng nó đến kính ông làm Đạo sư để học Đạo lý. Nó đã dâng cho ông tất cả thân tâm nó trong khi ông lại chửi mắng, đánh đập nó. Vì vậy bây giờ, sợ rằng nó sẽ chết mất trước khi học được Giáo lý của ông, nên nó từ giã ông để đi tìm một Đạo sư khác. Tôi đang cố gắng giữ nó lại và bảo nó rằng ông sẽ dạy nó đúng lúc.”

“Thế à?” Marpa hỏi, và từ trên nhà bước xuống đường, tiến tới tát tôi một cái bốp, rồi nói:

“Này, khi mi đến mi đã nói dâng cho ta cả thân, ngữ, ý của mi. Mi hoàn toàn thuộc về ta, thế bây giờ mi muốn bỏ đi đâu? Ta có quyền chém mi ra làm trăm mảnh mà không ai can thiệp được. Này cái gì đây? – bao bột mì rơi xuống đổ ra vì sự tấn công của ông – “Mi có quyền gì lấy thực phẩm của nhà ta hã?” Rồi ông đá tôi ngã xuống và đánh tôi tàn bạo; sau khi đánh xong, ông mang bao bột mì bị hỏng về nhà.

Bây giờ lòng tôi đau đớn vô hạn. Lối đối xử nghiêm khắc của ông làm tôi kinh sợ, và tôi nghĩ rằng đây là hậu quả do sự âm mưu lừa dối với vợ ông sau lưng ông đem lại. Vì thế tôi lại chui vào giường để khóc và cũng để che đậy hậu quả của trận đòn. Như thường lệ, bà Marpa đến an ủi tôi và an ủi rằng thật không thể thuyết phục, không có mưu kế gì có thể làm thầy tôi động lòng thay đổi. Nhưng bà quả quyết với tôi rằng, cuối cùng, thế nào ông cũng dạy tôi. Rồi bà thêm:

“Trong khi chờ đợi, ta sẽ dạy con,” và bà bắt đầu dạy tôi phương pháp thiền định khiến lòng khao khát hiểu biết của tôi được thỏa mãn ít nhiều. Tôi rất biết ơn những gì bà đã dạy tôi. Dĩ nhiên, dù bà không thể dạy cho tôi một Giáo lý đầy đủ. Vì thế, để tỏ lòng biết ơn bà, tôi đã bỏ việc riêng của tôi để làm cho bà một vài việc nho nhỏ. Tôi làm cho bà một dụng cụ để vắt sữa và một dụng cụ khác để bà rang lúa mạch ở sân trước.

Vào thời gian này tôi muốn tìm một Đạo sư khác vô cùng. Nhưng tôi biết rằng Đạo sư hiện tại của tôi là vị Đạo sư duy nhất có Giáo lý Giải thoát để giải thoát tôi ra khỏi Bánh Xe Sinh Tử. Đây là Giáo lý đặc biệt tôi muốn có, vì tôi biết nếu tôi không có được Giáo lý này thì ác nghiệp của tôi sẽ lôi tôi đến một định mệnh hãi hùng sau khi tôi chết. Vì thế, tôi nhất quyết noi gương sư ông Naropa can đảm, kiên cường; và tôi phải được giải thoát bằng cách quyết chí noi theo. Với tấm thân chứa đựng linh hồn này, tôi tiếp tục đem ra làm chiếc xe chở bùn đá để xây vách làm nhà.

Rồi một lễ Điểm Đạo Truyền Pháp nữa được tổ chức. Người dự thí, chỉ một mình Ngogdun. Ngodun đến với những lễ vật vô giá và đoàn tùy tùng đông đảo. Một lần nữa bà Marpa lại giục tôi vào hàng với những người khác. Bà tặng tôi viên ngọc bích của riêng bà để tôi làm lệ phí như đức Lạt-ma đòi hỏi phải có – dĩ nhiên ông đã hỏi.

Tôi trình viên ngọc bích ra.

Ông hỏi: “Này Đại Phù thủy, anh lấy đâu ra cái này?”

Tôi thưa: “Bạch thầy, người vợ hiền của thầy cho con ạ.”

“Hãy gọi Damema đến đây,” ông bảo. Và tôi đi tìm bà. Khi bà đến, ông hỏi:

“Này Damema, làm sao chúng ta có viên ngọc này?”

Mặc dù thấu hiểu và kính trọng chồng, bà Marpa không bỏ qua tiếng “chúng ta” mà ông vừa nói. Bà đáp:

“Ông chồng của tôi ơi, viên ngọc này không phải của “chúng ta,” nó là của riêng tôi trước khi tôi làm vợ ông, cha mẹ tôi đã cho tôi. Cha mẹ tôi biết tánh ông như lửa và sợ rằng cuộc hôn nhân của tôi và ông có thể không bền vững lâu dài nên cho tôi làm vật phòng thân, nếu khi nào tôi cần xa ông. Nhưng tôi thấy thằng bé này quá thất vọng không học được Giáo lý nên tôi đã cho nó làm lệ phí. Nó đã làm việc thật cực nhọc và kiên nhẫn vô cùng, vì thế xin ông nhận viên ngọc này và làm lễ Điểm Đạo Truyền Pháp cho nó, còn các anh, anh Ngogdun và tất cả những người ngồi đó, xin các anh nhân danh nó, góp tiếng yêu cầu cùng tôi.”

Nhưng những người dự thí không có lòng can đảm như bà, nên họ không dám lên tiéng cầu xin, họ chỉ đứng dậy hướng về đức Lạt-ma thi lễ với mấy tiếng: “Xin Thầy vui lòng.”

Rồi Marpa nói với vợ:

“Này Damema, bà là một người đàn bà ngốc làm sao, sự ngu ngốc của bà làm tôi suýt nữa mất luôn viên ngọc này. Khi mà chính bà đã hoàn toàn thuộc về tôi, thì tất cả những gì bà có, gồm cả viên ngọc này, hiển nhiên là của tôi. Này Đại Phù thủy, nếu anh có vật gì của riêng anh làm lệ phí, hãy dâng lên ta, ta sẽ làm lễ Điểm Đạo Truyền Pháp cho anh; vì vật này đã là của ta rồi.”

Dĩ nhiên tôi không có vật riêng nào cả, nhưng tôi nán lại với hy vọng rằng ông có thể thương xót và bớt nghiêm khắc với tôi. Song, tôi chỉ làm kích động tính khí của ông bừng dậy thôi; vì thình lình vừa chủi mắng tôi với những lời tôi đã từng nghe nhiều lần trước kia, ông nện vào đầu tôi một cú làm tôi ngã nhào xuống; rồi ông lôi tôi đứng dậy và xô tôi ngã ngửa ra, cuối cùng ông lấy gậy đánh tôi không ngừng. Nhưng Ngogdun, người dự thí chính trong buổi lễ, đã nhảy vào dùng sức mạnh can ông ra; trong khi quá kinh hãi, tôi co giò phóng qua cửa sổ, việc này ngấm ngầm đe dọa ông. Tôi ngã xuống đất, thân thể không bị đau nhưng tinh thần lại mang một vết thương sâu thẳm, và lúc dó tôi muốn tự tử dể giải quyết đời tôi. Như thường lệ, người an ủi vẫn là bà Marpa, bà đã đến an ủi tôi với tất cả tấm lòng thương cảm của bà:

“Này Đại Phù thủy, con đừng lo buồn thái quá. Con vẫn là người đệ tử yêu quí nhất và trung thành nhất. Nếu con thật muốn đi tìm một Đạo sư khác, ta sẽ cho con tiền bạc và quà tặng để làm lễ vật.” Người hiền phụ đó đã ở lại suốt đêm với tôi và chúng tôi cùng khóc. Bà lo lắng cho tôi đến nỗi làm trễ lễ puja (cúng) chiều với chồng bà.

Sáng hôm sau Thầy tôi cho gọi tôi. Cuối cùng có phải là để dạy Giáo lý? Nhưng không! Ông chỉ hỏi rằng lòng tin của tôi đối với ông lung lay và tình thương của tôi đối với ông đã trở thành oán ghét phải không?

Tôi thưa: “Bạch thầy, không! Bởi vì dó chỉ là ác nghiệp quá khứ của con quá sâu dày đã ngăn cản lễ Điểm Đạo Truyền Pháp của con và lòng con đầy hối hận về những việc ác con đã làm,” và tôi bật khóc.

Ông hét: “Cái gì thế? Mi khóc lóc để buộc tội ta đấy à? Và ông lại nổi giận.

Tôi vội vàng rời khỏi phòng. Tôi cảm thấy lòng tôi tan vỡ và bàng hoàng. Tôi ước làm sao tôi có được nửa tài sản tôi đã bỏ lại quê nhà. Tôi sẽ không được gì cả từ vị Đạo sư này nếu tôi khong có một món quà tốt đẹp – mà bất cứ Đạo sư nào cũng vậy, vì đó là tục lệ. Không có gì cả khiến tôi muốn chết cho xong đời trong triền phược tội lỗi – thế tại sao tôi vẫn tiếp tục sống? Hay để làm việc gì khác? Suy nghĩ và suy nghĩ. Tôi sẽ đi làm việc và kiếm tiền trở lại? Hay về nhà với mẹ? Điều này là một liều lĩnh vì những người trong làng phẫn nộ tôi vô cùng. Nhưng tôi phải có tiền bằng bất cứ cách nào, hay đi tìm Giáo lý ở nơi khác. Vâng. Đi, đi… Những tiếng đi, đi… như những nhát búa nện mạnh vào óc tôi.

Tôi đã thu góp mấy quyển sách của tôi xong, nhưng lúc này tôi không có quyền lấy thức ăn trong nhà đem đi. Tôi cũng không tỏ bày tâm sự với bà Marpa. Nhưng sau khi đi được bốn năm dặm đường, tôi bắt đầu muốn gặp lại bà để cảm ơn lòng tử tế của bà đối với tôi, sự vô ơn bạc nghĩa lúc bỏ bà ra đi không nói được vài tiếng “cảm ơn” làm lòng tôi tràn đầy hối hận. Đến trưa, tôi xin được một ít gạo lúa mạch và mượn dụng cụ để nấu bữa ăn trưa tiết kiệm. Mọi việc thật khó khăn, tôi bắt đầu nghĩ rằng muốn có lương thực lâu dài, tôi phải làm những trò nho nhỏ rẻ tiền và lấy nhiều nhất là nửa giá tiền công, và điều này cũng không giải quyết được sự phiền phức trong lúc sửa soạn bữa ăn này. Ý tôi nửa đã muốn trở về, nhưng không thể vác mặt về như thế này được.

Rồi khi tôi đi trả những dụng cụ đã mượn để nấu ăn, một cụ già giữ tôi lại, hỏi:

“Tặt! Tặt! Thanh niên như anh có thể làm việc khá lắm, sao lại đi xin? Anh đọc Kinh được, sao không đọc để lấy mì bơ mà ăn? Nếu không đọc được, sao không kiếm việc gì mà làm? Giả anh đọc được chăng?”

Tôi thưa rằng tôi có thể đọc được và tôi không phải là một tên ăn mày chuyên nghiệp.

Ông nói: “Được rồi, hay theo tôi về nhà đọc tôi nghe, tôi sẽ trả công anh tử tế. Đi!”

Tôi vui vẻ nhận lời đề nghị. Tôi bắt đầu đọc kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa cho ông nghe, và dĩ nhiên khi tôi đọc đến đoạn vị Thánh nghèo không xu dính túi, đã bán thịt mình để lấy Pháp (Dharma). Thực sự vị Thánh sẽ bán luôn cả tim mình nếu cần. Và đem so sánh những thử thách của tôi chẳng nghĩa lý gì. Rồi một lần nữa tôi lại bắt đầu hy vọng có lẽ rồi đức Lạt-ma sẽ bớt nghiêm khắc và dạy Giáo lý cho tôi. Tôi tự bảo dù sao bà Marpa cũng đã hứa giúp tôi tìm một Đạo sư khác. Vì thế tôi trở về.

Sau này tôi biết rằng trong khi tôi ra đi, bà Marpa đã biết ngay tôi đã bỏ đi và bà đến nói với chồng:

“Hừ, bây giờ ông hả dạ lắm phải không? Kẻ tử thù của ông đã bỏ đi rồi đó!”

“Bà nói gì thế?” ông hỏi nhanh.

“Dĩ nhiên là nói cái thằng Đại Phù thủy khốn khổ chứ ai. Không phải ông đã đối xử với nó như kẻ thù tàn tệ nhất của ông sao?”

Nghe bà nói, hiển nhiên đức Lạt-ma mất bình tĩnh rất nhiều và cầu nguyện cho người “đệ tử định mệnh” của ông sẽ quay về; rồi ông lấy chiếc y trùm kín đầu và chìm mất trong trầm mặc.

Khi về đến nhà, tôi vào làm lễ với bà Marpa, thấy tôi trở về bà vui mừng quá đỗi.

“Thế là con đã làm một việc hay tuyệt,” bà nói, “ta nghĩ rằng, cuối cùng Thầy con sẽ dạy Giáo lý cho con; vì khi ta bảo ông rằng con đã bỏ đi, ông đã rơi nước mắt, và ông ấy lớn tiếng cầu nguyện cho người đệ tử tài năng và định mệnh của ông. Ta nghĩ rằng ông ấy đã dùng thần lực khiến con từ ngoài xa trở về đây.”

Phần tôi, tôi cảm thấy bà nói điều đó như để truyền vào tôi một sức sống mới, vì làm sao sự từ chối không dạy gì cả cho tôi cộng thêm vài lời cầu nguyện lại khiến cho tôi trở về được? Nếu ông gọi tôi là “tài năng” rồi tự lấy đó làm vui mừng. Nhưng tôi hiểu rõ không những ông từ chối dạy tôi mà còn ngăn cản không cho tôi tìm một Đạo sư khác nữa.

Bây giờ bà Marpa nói với chồng: “Cuối cùng thằng Đại Phù thủy cũng không bỏ chúng ta. Nó đã trở về rồi. Ông muốn tôi gọi nó vào làm lễ không?”

“Hắn trở về không phải do thương chúng ta đâu,” ông nói một cách chua cay, “nhưng hắn có thể vào đây chào tôi.”

Vì thế tôi bước vào quì xuống trước mặt ông, và ông tôi nói:

“Này Đại Phù thủy, đừng có do dự như vậy. Nếu anh thật quyết tâm đạt cho được Giáo lý thì anh hãy chuẩn bị hy sinh cả thân mạng anh nữa đấy. Bây giờ hãy đi đi. Đi xây cho xong ba tầng nhà cuối cùng, rồi lòng khao khát to lớn của anh sẽ được thỏa mãn. Nhưng nếu anh có tí nghi ngờ nào thì hãy đi nơi khác đi, vì như thế ta chỉ phí mất thời giờ và cơm gạo quí giá cho anh thôi!”

Tôi bước đi chẳng dám nói gì, nhưng khi ra ngoài tôi nói với bà Marpa:

“Thưa bà, con muốn gặp lại mẹ con quá và con tin chắc rằng đức Lạt-ma sẽ không dạy cho con đâu. Nếu con biết chắc ông dạy, con sẽ không đi và sẽ hoàn thành ngôi nhà. Nhưng ông chỉ bào chữa hết việc này đến việc khác. Con biết con sẽ chẳng được Giáo lý dù con có xây xong ngôi nhà; vì thế xin bà cho con về nhà.” Tôi cúi đầu thật thấp chào bà, và khi sắp từ giã bà nói:

Con hoàn toàn có lý. Ta đã hứa tìm cho con một Đạo sư khác, có một đệ tử của thầy con đã được tất cả Giáo lý của ông là Ngogdun Chudor – người đã đến đây hôm lễ Điểm Đạo Truyền Pháp vừa rồi. Nếu con nán lại ít hôm và giả vờ làm việc, ta sẽ giúp con lấy được những gì con muốn.” Sự sắp đặt này làm tôi rất hài lòng và tôi đi làm việc một cách hăng hái.

Lúc còn sống, sư ông Naropa thường lấy ngày mồng mười mỗi tháng làm ngày thánh đặc biệt và đức Marpa cũng kế thừa làm như vậy. Và ngay cái ngày đó, bà Marpa đã nghĩ ra một kế để lừa vị Đạo sư của tôi. Cất bia thường để lấy rượu mạnh thượng hảo hạng, xong bà chia thành ba bình; lượt đầu là loại mạnh nhất, bà cho chồng dùng; các đệ tử được dùng loại hạng nhì; trong khi bà và tôi chỉ nhấm chít ít trong cái bình hạng ba. Chẳng bao lâu cả nhà lăn ra ngủ. Rồi bà lẻn vào phòng Thầy tôi gỡ lấy mấy món đồ của ông, gồm hai thánh tích của sư ông Naropa, một xâu chuỗi và một vòng hoa của ông. Bà gói kín những vật này trong một tấm khăn quàng cổ và trao cho tôi với một lá thư trong đó bà giả đức Marpa viết ra để bảo Ngogdun làm lễ Điểm Đạo Truyền Pháp cho tôi, và bà chỉ nơi Ngogdun ở để tôi dễ tìm. Và như thế tôi ra đi với bao nhiêu hy vọng vươn lên trong lòng hướng về miền Trung tâm Tây tạng.

Hai ngày sau, đức Lạt-ma hỏi vợ ông tôi đang làm gì?

Bà trả lời hết sức bất ngờ:

“Tôi đoán bây giờ nó đang trên đường đi, nhưng tôi không thể nói chính xác là chỗ nào.”

“Hắn đi đâu và đi khi nào?”

Bà đáp:

“Nó nói dù nó làm việc khổ nhọc bao nhiêu, ông cũng chẳng thỏa lòng, và ông cũng chẳng dạy gì cho nó, chỉ chửi mắng, đánh đập nó, vì thế nó đã đi tìm thầy khác rồi. Vì có lẽ ông sẽ đánh luôn cả tôi nữa, nếu tôi nói cho ông biết, nên tôi nghĩ tốt hơn là tôi không nói. Không ai giữ nó lại được.”

Mặt đức Lạt-ma tái đen vì phẫn nộ. Ông gầm lên như sấm:

“Hắn bỏ đi khi nào?”

“Hai ngày rồi,” vợ ông đáp. Lời đáp được đón nhận trong im lặng. Rồi sau một lúc, ông nói dường như cho chính ông nghe:

“Bây giờ đệ tử của ta chưa thể đi xa lắm.”

Thực tế, lúc đó tôi vừa đến nhà Ngogdun. Bấy giờ Ngogdun là Lạt-ma cao cấp và tôi thấy ông đang bận giảng triết lý cho các đệ tử. Tôi vẫn còn nhớ những lời ông đọc từ một bản văn: “Ta là giảng sư. Ta là thính giả. Ta là bậc Thầy thế gian và ta là người Sùng mộ. Ta là Bậc vượt qua mọi cảnh giới thế gian và ta là Bậc An lạc.” Đến đây ông chợt thấy tôi đang đứng bên cạnh nhóm đệ tử và tôi đã thi lễ với ông trong khi vẫn còn cách một quãng xa. Ông nhận lễ bằng cách cất mũ chào tôi.

Nhìn cách thi lễ của tôi, ông biết ngay tôi là đệ tử của đức Marpa và sự có mặt của tôi ở đây trùng hợp với một bài kệ ông đang tụng, dường như đó là điềm lành. Thực sự ông đã tiên tri được hùng lực của nó rằng một ngày nào đó tôi sẽ trở thành một bậc Thầy Ngộ Đạo. Rồi ông sai một đệ tử đến hỏi tôi xem tôi là ai và đến đây có việc gì.

Tôi đáp khá trơn tru rằng đức Marpa quá bận việc không thể dạy tôi được nên gửi tôi đến đây, và có mang theo mấy thánh tích của sư ông Naropa để tặng Lạt-ma. Rồi ông đã nhận ra tôi là Đại Phù thủy và những thánh tích đã làm cho ông tràn ngập hân hoan, ông liền sửa soạn một lễ tiệc để tiếp nhận thánh tích.

Khi tôi bước đến chỗ ông đang đứng đợi, tôi quì mọp xuống dâng gói thánh tích lên. Ông nhận thánh vật, xúc động vô cùng.

Ông đặt thánh tích lên bàn thờ, rồi đọc lớn những lời trong thư bà Marpa viết:

“Ta sắp sửa qui ẩn và vì Đại Phù thủy có nhiệt tâm muốn học Giáo lý, nên ta gửi nó đến nhờ anh làm lễ Điểm Đạo Truyền Pháp và phong Thánh chức cho nó. Mong anh thừa quyền ta làm điều đó và dạy Giáo lý cho nó. Ta gửi anh xâu chuỗi và vòng hoa của sư ông Naropa làm tín vật.”

Kho Ngogdun đọc xong bức thư ông bảo chắc chắn sẽ làm lễ Điểm Đạo Truyền Pháp và phong Thánh chức cho tôi. Nghe ông nói, tim tôi nhảy lên. Nhưng những lời kế tiếp của ông làm cho lòng hy vọng của tôi chìm xuống.

“Tôi có một số đệ tử ở Dol muốn đến với tôi, nhưng khi đi, họ bị bọn cướp phục kích đánh cướp giữa đường. Nhờ anh đến đó phóng một trận bão đá chống lại bọn cướp và dạy chúng một bài học; rôi khi anh làm xong, tôi sẽ làm lễ Điểm Đạo Truyền Pháp và phong Thánh chức cho anh.”

Tôi đã nguyền rủa biết bao nhiêu cái ngày tôi đã từng sử dụng Huyền thuật và biết được uy lực của những trận bão đá gây nên. Dường như tôi không thể nào chạy trốn được dĩ vãng. Tôi đến đây để cầu Chân lý, và một lần nữa lại bị bắt buộc phải làm những việc chỉ tạo thêm ác nghiệp cho tôi. Tại sao tôi lại có cái khả năng đáng ân hận này để giết hại con người và làm tổn thương, hư hại của cải. Song ân hận cũng chẳng ích gì; nếu tôi không vâng lời, ông sẽ không dạy cho tôi Giáo lý. Vì thế, tôi bèn đến ở trọ nhà một bà cụ trong làng tôi phải khai diễn cuộc tàn phá. Nhưng khi mây đen tụ hội và những hạt mưa lớn đầu tiên rơi xuống, bà cụ chủ nhà cho tôi ở trọ bật khóc bi ai rằng bà sẽ chết đói nếu hoa màu bị tàn phá.

Điều này làm tôi lo lắng hết sức, vì bà là một bà lão đáng thương. Tôi làm một việc khá liều lĩnh, tôi bảo bà vẽ sơ lược cho tôi họa đồ thửa ruộng của bà. Thửa ruộng hình tam giác với cái đuôi dài. Tôi lấy một cái chảo để chiên đồ ăn chụp ngay lên họa đồ. Rồi tập trung tư tưởng cho thửa ruộng của bà không bị tàn phá. Kết quả, toàn thể hoa màu bị hư hại chỉ trừ thửa ruộng của bà lão không việc gì nhờ cái chảo úp trên họa đồ. Khi mọi việc đã xong, tôi đi xem cuộc tàn phá. Thửa ruộng của bà lão vẫn phô vẻ xanh tươi với cái đuôi chạy dọc theo cánh đồng bị tàn phá chung quanh.

Trên đường trở về nhà Ngogdun, tôi gặp một người chăn cừu và đứa con trai của ông bị lạc mất cả đàn cừu trong trận mưa lớn; và tôi chắc chắn họ sẽ loan truyền rằng trận bão là hậu quả sự cướp phá những người hành cước vô tội của họ, và trong tương lai họ sẽ không còn cướp phá như thế nữa. Rồi họ kinh sợ những quyền uy của Ngogdun và tất cả bọn họ đã trở thành tín đồ của ông.

Khi bước dọc theo đường đi, tôi nhìn thấy một mớ chim chết dưới gốc hàng rào chúng đã tìm đến để trú ẩn, những con chuột với những con chim khác, và lòng tôi tràn đầy sự ghê tởm những hành động tàn ác của tôi. Tôi nhặt tất cả xác của những con chim và những con vật đã chết bỏ đầy vào nón và áo tôi. Khi về đến nhà Lạt-ma Ngogdun, tôi trút chúng xuống trước mặt ông. Tôi nói:

“Thưa thầy, tôi đến đây tìm lời dạy chân lý nhưng chỉ gây thêm tội lỗi cho tôi. Xin thầy hãy thương xót tôi vì tôi quá độc ác. Và rồi tôi bật khóc.

Nhưng vị Lạt-ma bảo: “Đừng thất vọng. Chẳng cần sợ hãi việc này. Hãy tin tưởng nơi tôi, trận bão của anh không giết nổi những con chim con chuột này đâu. Nếu không tin, anh hãy xem đây!” Ông ngồi nhắm mắt im lặng độ vài phút, rồi bỗng nhiên những ngón tay ông, ô kìa! Những con chim chồm dậy cất cánh bay mất. Những con chuột chạy biến vào những cái hang gần nhất! Tôi thấy rằng vị Lạt-ma này cũng đã thành Phật; tôi xúc động quá vì kính ngưỡng và biết ơn sâu xa.

Và như thế cuối cùng tôi đã nhận được sự Điểm Đạo Truyền Pháp chính Ngogdun đã thọ nhận từ đức Marpa. Rồi tôi tìm một cái cốc quay mặt về phía nhà ông, tôi quét dọn sạch sẽ để có thể ở được; rồi tôi tự giam mình trong đó, chỉ chừa một lỗ hổng để đưa cơm nước vào, theo truyền thống. Vị Đạo sư của tôi đã giảng cho tôi phép thiền định và tôi thực tập nó; nhưng dù cố gắng đến đâu, tinh thần tôi vẫn không tiến bộ chút nào, vì tôi không được sự đồng ý của Sư phụ Marpa.

Một hôm Ngogdun đến cốc hỏi tôi đã được chút kinh nghiệm nào trong lúc thiền định chưa, tôi đã phải thưa rằng chưa.

“Sao thế?” ông hỏi. “Phương pháp tu tập đặc biệt này không bao giờ thất bại trong việc khai mở tâm thần trừ phi có gì trở ngại. Anh có gì trở ngại? Không lẽ Đại Sư phụ không cho phép chúng ta, vì chúng ta có thư và thánh tích làm tín vật. Dù sao anh hãy cứ tu tập để chúng ta xem.”

Việc này làm tôi hoảng quá, suýt nữa tôi đã tiết lộ sự thật, nhưng can đảm ngăn tôi kịp thời! Tuy nhiên, nó chỉ làm tôi nhớ cần phải bình tĩnh đối với đức Marpa. Và tôi dùng hết sức mình vào việc thiền định.

Chẳng bao lâu sau đó, đức Lạt-ma Marpa – trong thời gian đó đã tìm người khác hoàn thành ngôi nhà cho con trai ông – viết thư bảo Ngogdun mang một số cành cây làm viền quanh ngôi nhà lợp tranh của ông; và bảo thêm rằng chừng nào xong việc trang hoàng, Lạt-ma Ngogdun phải đích thân đến dự lễ phong Thánh chức, và ông nhân tiện ông cũng làm lễ mừng cho con trai ông đã đến tuổi thành niên. Trong thư còn thêm rằng nếu có cái thằng Thopaga mất nết ở đó, hãy mang hắn về luôn.

Lạt-ma Ngogdun mang thư đến cốc và đọc cho tôi nghe qua lỗ hổng, rồi nói:

“Đây có lẽ anh không được Đại Sư phụ cho phép nhận lễ Điểm Đạo Truyền Pháp.”

Tôi thừa nhận:

“Vâng, thưa Thầy, chính đức Lạ-ma không cho phép; đó là bà vợ ông đã giả thư và cho tôi thánh vật.”

Ông gầm lên:

“Hừm, như thế, đó là lý do khiến anh không thể có được sự thành công thường lệ và tất cả đã phí thì giờ vô ích. Anh phải biết rằng anh không được tự tiện trong việc nhận lễ Điểm Đạo Truyền Pháp nếu anh không được cho phép. Dù sao, ông ấy bảo tôi phải mang anh trả lại ông. Anh muốn đi hay không?”

Tôi thưa, tôi muốn đi và tôi xin ông cho tôi làm người hầu cận ông. Vì thế, ông bảo khi nào ông biết chắc chắn ngày cử hành lễ, ông sẽ cho tôi biết. Rồi tôi vẫn tiếp tục ở trong cốc.

Khi những người giúp việc của ông trở về sau khi đã đem cành cây đến nhà đức Marpa, họ nói cho ông biết ngày nào cử hành lễ và ông lại đến cốc tôi ở. Chúng tôi nói chuyện rất nhiều về ngày lễ sắp đến qua lỗ hổng. Sau một lúc, tôi có cơ hội hỏi ông có việc gì liên quan đến tôi không. Ngogdun đáp:

“Có, bà Marpa hỏi thăm anh, hỏi anh đang làm gì. Người đưa thư của tôi thưa với bà rằng anh đã nhập thất ẩn tu và vui vẻ với bạn riêng. Bà bảo anh đã bỏ quên con xúc xắc và nhờ người giúp việc của tôi gói kỹ bỏ túi đem về đây cho anh.” Rồi ông đưa con xúc xắc cho tôi qua lỗ hổng.

Khi ông rời khỏi cốc, tôi đã chơi với con xúc xắc ấy một cách thích thú, tôi ném nó nhiều lần. Nhưng rồi tôi nhớ rằng tôi không bao giờ chơi những trò này trước mặt bà Marpa, và tôi bắt đầu suy nghĩ tại sao bà gửi nó làm chi, nhất là khi chính nó là vật đã làm tiêu tan tất cả sản nghiệp của tổ tiên tôi? Hay nó là dấu hiệu khinh bỉ của bà đối với tôi? Ý nghĩ này làm tôi không thể chịu đựng nổi và cơn phẫn nộ thình lình khiến tôi ném mạnh con xúc xắc xuống nền đất làm nó vỡ đôi, một mảnh giấy nhỏ văng ra. Tôi nhặt lên đọc:

“Con, bây giờ Thầy con đã định làm lễ Điểm Đạo Truyền Pháp và dạy Giáo lý cho con. Vì thế, con hãy trở về đây với Lạt-ma Ngogdun.”

Bấy giờ tôi nhảy cỡn lên trong cái cốc nhỏ vì sung sướng.

Rồi Lạt-ma Ngogdun đến bảo: “Này Đại Phù thủy, hãy chuẩn bị sẵn sàng để đi.” Tôi làm mọi việc một cách nhanh chóng. Chính vị Lạt-ma đã góp nhặt tất cả của cải có thể mang theo được của ông, bất cứ lúc nào cũng nhiều hơn những gì đức Marpa cho ông, để mang theo làm tặng phẩm dâng lên Đạo sư. Và đó là mọt tổng số những vật quí giá: kinh sách, thánh vật, châu ngọc, vàng thoi, bình bằng bạc, gia súc… chỉ bỏ lại một vật duy nhất là một con dê già què chân không thể nhập đàn với bầy dê, cừu. Ông cũng cho tôi một khăn quàng bằng lụa để tôi làm tặng phẩm cho Thầy tôi, vợ ông cũng góp thêm một bịch bơ chà thành bột làm quà cho bà Marpa.

Chúng tôi lên đường với đoàn tùy tùng đông đảo. Khi còn cách chừng một quãng đường nữa, Ngogdun bảo tôi đi trước thông báo cho Thầy chúng tôi biết và hỏi xin một ít bia để uống lấy sức. Và như thế tôi trở lại nhà Thầy tôi. Trước tiên tôi gặp bà Marpa, tôi trao cho bà bịch bột bơ và cung kính làm lễ với bà. Rồi tôi thưa với bà rằng Lạt-ma Ngogdun còn ở cách đây không xa và xin bà cho ít bia để ông giải khát. Bà rất hài lòng và bảo tôi vào tỏ lòng kính trọng với Thầy.

Tôi tìm thấy ông đang ngồi thiền định trong phòng trên. Tôi cúi đầu hành lễ và cố gắng dâng lên ông chiếc khăn choàng, nhưng ông ngồi quay lưng lại phía tôi. Tôi đi qua phía khác làm lễ, dâng khăn lần nữa, và lần này ông quay một nửa về phía tôi, thấy thế tôi lấy hết can đảm nói:

“Kinh bạch Thầy, mặc dù Thầy giận con và từ chối không nhận lễ của con, nhưng con phải thưa cho Thầy biết là Lạt-ma Ngogdun đang trên đường đến đây và mang theo tất cả những vật sở hữu làm lễ vật dâng lên Thầy,” – đến đây tôi dâng lên ông danh sách những vật Ngogdun mang theo – “như thế, thưa Thầy, Thầy có hoan hỉ tiếp đón ông ta không? Nếu Thầy hoan hỉ, xin Thầy gửi cho ông ta một ít bia và để giải khát trong lúc ông ta còn đi đường mệt nhọc.”

Đức Lạt-ma nóng tính này hiển nhiên đùng đùng nổi giận, một lần nữa bật lên tiếng mắng chửi:

“Ta có bao giờ được ai tiếp đón đâu, khi ta cong lưng mang những vật vô cùng quí giá – những Giáo lý – từ Thiên trúc về đây? Dù cho một con chim què cũng không bao giờ chạy ra kêu vài tiếng chíp chíp để mừng ta, ta Dịch giả Marpa, phải đi đón Ngogdun chỉ vì hắn mang cho ta mớ súc vật lạc loài ở đâu đó sao? Không, không bao giờ! Nếu hắn mong điều đó thì tốt hơn hết, hắn quay về đi.”

Tôi vội vã bỏ đi và đến thưa với bà Marpa; bà nói: “Thầy con thật là người nóng tính. Ngogdun là một bậc đại nhân, phải đón tiếp ông ấy một cách đặc biệt. Đi! Chúng ta hãy đi đón ông ta.”

“Ồ không!” tôi hấp tấp cắt ngang, “Ông ta không mong bà đi đón, chỉ xin bà cho một ít bia mang ra cho ông ta thôi.”

Nhưng bà Marpa không có bia nên bà ra lệnh cho các đệ tử mang theo một ít rượu mạnh loại ngon và chúng tôi cùng nhau đi đón Ngogdun.

Hôm nay, một cuộc họp mặt đông đảo được tổ chức không những để mừng ngày khánh thành ngôi nhà mới mà còn để mừng người con trai duy nhất của gia đình Thầy tôi đến tuổi trưởng thành. Nhiều tân khách tặng quà và người ta đã chuẩn bị một bữa tiệc lớn. Khi tất cả đã sẵn sàng, Thầy Marpa hát bài chúc phúc cho tất cả bằng hữu, kêu gọi sự ban phúc lành cho Tông phái, Giáo lý, cho chính ông và các đệ tử, cho tất cả ý tưởng và hành động; cuối cùng cho toàn thể các Lạt-ma và cư sĩ đã tụ hội nơi này.

Khi ông chấm dứt bài hát, Ngogdun bước đến dâng các lễ vật lên ông cùng với lời trình như sau:

“Lạt-ma Đạo sư chí tôn chí kính, không kể đến chúng con và tất cả những gì của con là của Thầy. Đây con xin dâng tất cả lên Thầy. Vật duy nhất con đã để lại ở nhà là con dê cái già què chân không thể nhập bầy được. Và với những lễ vật này, con xin Thầy ban cho con lễ Điểm Đạo Truyền Pháp Quí báu, những Đạo lý Bí truyền thâm sâu hơn, cùng những Kinh sách cần thiết.” Rồi ông sụp xuống phục lạy để mong Thầy hài lòng, và đức Marpa đáp:

“Nếu ta không nói quá thì ta đã được một ít chân lý và Kinh điển thâm áo nhất và hiếm có nhất. Những Kinh điển và chân lý này thuộc về Con Đường theo đó người ta có thể đạt được Niết-bàn ngay trong đời này, khỏi bị tái sinh đời đời kiếp kiếp đến vô kể, nhưng muốn ban cho những Đạo lý như thế phải có những điều kiện nghiêm lệ đi kèm. Vì thế, trừ phi anh về nhà mang luôn con dê già què chân anh đã bỏ lại đến đây, e rằng ta không thể ban những Đạo lý ấy cho anh. Kể cả những thứ anh đã có ở đây.”

Nhất định nếu Ngogdun về mang con dê già què giò đến thì đức Marpa sẽ làm lễ Điểm Đạo Truyền Pháp cho ông ta, vì thế sáng hôm sau Lạt-ma Ngogdun lên đường về nhà, và vài ngày sau ông ta trở lại với con dê già trên vai. Với lòng mộ đạo như thế, vị Đạo sư thật đã xúc động sâu xa, nói:

“Con thật là một người chí thành trọn tín cầu Đạo. Ta có dùng con dê già què giò nay làm gì, nhưng ta muốn nhấn mạnh sự quan trọng và giá trị của những Đạo lý này thôi.”

Và sau đó chẳng mấy chốc ông đã làm lễ Điểm Đạo Truyền Pháp cho Ngogdun theo sự mong cầu.

Cuộc lễ tiếp tục một thời gian dài, những người khách khác biếu quà vào những ngày khác nhau. Và một hôm khi chỉ có một đệ tử từ xa đến, cùng với những người trong gia đình, bỗng nhiên đức Marpa trừng mắt nhìn Ngogdun và đưa tay chỉ mặt ông ta, buộc tội:

“Này Ngogdun Chudo, anh lấy gì để chuộc tội vì đã làm lễ Điểm Đạo Truyền Pháp cho cái thằng Thopaga xấu xa vô lại này?” Và ông nhìn vào cây gậy đang cầm trên tay.

Vị Thượng tọa đáng thương này hoảng sợ, lúng túng thưa rằng:

“Lạy Đạo sư kính ái nhất đời, chính Thầy đã lệnh cho con trong bức thư Thầy đã ấn dấu ký tên, bảo con làm lễ Điểm Đạo Truyền Pháp cho Thopaga, Thầy đã gửi vòng hoa và xâu chuỗi của sư ông Naropa làm tín vật. Con chưa dám làm điều gì sái quấy, vì thế xin Thầy đừng giận con.” Và ông ta nhìn quanh một cách khổ nhọc, có lẽ để tìm đường rút lui.

Và đến lượt tôi. Ngón tay buộc tội đã quay hướng sang tôi:

“Mi đã lấy những vật ấy ở đâu?” Một câu hỏi đầy đe dọa. Tôi hoảng sợ. Tim tôi bắt đầu đập thình thịch và đầu gối tôi bắt đầu yếu oặt.

Sự sợ hãi tràn ngập khắp người, tôi ngập ngừng lắp bắp thưa rằng tôi đã nhận những vật đó do bà vợ ông trao cho.

Tức tốc Marpa nhảy xuống khỏi chiếc trường kỷ và đi về phía vợ ông, tay cầm cây gậy với chủ ý rõ ràng là để gia tăng hình phạt. Nhưng vợ ông, từ lâu đã có kinh nghiệm nên có thể tự bảo vệ mình, bà đã chiếm một chỗ ngồi gần cửa. Bà phóng lẹ ra cửa và chạy vào nhà nguyện đóng cửa lại. Ông Marpa đập cửa ầm ầm, nhưng không thể mở cửa được. Vì thế ông quay trở lại nạn nhân khác.

Ông Marpa ngồi xống và nói: “Này Ngogdun Chudo, vì anh đã làm những điều ta không bảo anh làm; ta ra lệnh cho anh về nhà mang xâu chuỗi và vòng hoa của sư ông Naropa đến đây ngay.” Rồi ông trùm kín đầu ngồi im lặng, không ai quấy rầy ông được.

Ngogdun cúi đầu chào và im lặng rút lui, khi ông ra ngoài tôi chặn ông lại, vì tôi đã chạy trốn cùng lúc với bà Marpa, tôi khóc lóc xin ông cho tôi theo. Nhưng ông sợ hãi bảo:

“Nếu bây giờ tôi đem anh đi mà không được Thầy cho phép, thì chỉ gây thêm cảnh bi đát khác mà chẳng ích gì. Nếu Thầy chỉ đối xử tệ với anh thôi, tôi sẽ làm những gì tôi làm được để giúp anh.”

Tôi nói: “Tất cả lỗi này là do quá khứ độc ác của tôi nên tôi buồn khổ lắm, và bây giờ lại thêm ngài và sư mẫu Marpa dính líu vào nữa. Tôi không còn hy vọng nào lấy được Giáo lý. Tôi chỉ còn cách kết thúc đời tôi càng sớm càng hay.” Và sự thực nhiều lúc tôi đã có ý định tự tử.

Nhưng Lạt-ma Ngogdun bảo: “Đừng, đừng làm thế, Đại Phù thủy, hãy can đảm lên. Giáo lý đã dạy những nguyên tắc và những khả năng bản thân chúng ta đều thiêng liêng cả. Nếu chúng ta tự ý cắt đứt sinh mệnh mình quá sớm sẽ mắc phải tội giết chết thần tính trong chúng ta và như thế chúng ta sẽ bị trừng phạt xứng đáng. Không tội nào lớn hơn tội tự tử… Ngay trong Kinh điển cũng lên án nó một cách gắt gao. Vì lợi ích tốt lành, anh hãy hiểu thấu và xóa bỏ cái ý đó trong đầu óc anh! Có thể cuối cùng Thầy sẽ cho anh Giáo lý, và nếu ông không cho, thì vẫn có người khác cho anh.”

Ông ta đã cố gắng an ủi tôi như thế. Vài đệ tử khác cũng xúm lại tỏ thiện cảm, cố gắng an ủi tôi. Nhưng lòng tôi dường như đã tan vỡ, nỗi đau khổ quá độ vỡ bờ.

Như thế, bây giờ các anh đã biết, Rechung và các đệ tử của ta, ta đã phải chịu đựng bao nhiêu đau khổ trong lúc bắt đầu cầu Đạo vì những hậu quả quá khứ độc ác của ta.

 

* * *

 

Rất ít khi chúng tôi cầm được nước mắt tuôn trào vì câu chuyện đầy hình ảnh sống động của Sư phụ Milarepa; sự thực có vài người không khóc nhưng cũng mềm lòng vì xúc động.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn