9. Thâm Sơn Cùng Cốc

17 Tháng Chín 201200:00(Xem: 7242)

RECHUNG
ĐỖ ĐÌNH ĐỒNG dịch
MILAREPA
CON NGƯỜI SIÊU VIỆT
Nguyên tác Tây tạng: Mila Khabum - Tác giả: Rechung
Anh dịch: Lama Kazi Dawa-Samdup
Cô đọng và phóng tác: Lozang Jivaka
Việt dịch: Đỗ Đình Đồng

IX

THÂM SƠN CÙNG CỐC

 

Bây giờ tôi xin Thầy chúng tôi kể cho chúng tôi nghe về những nơi ông đã viếng và ở lại, ông đã thiền định những gì và tu tập như thế nào.

 

* * *

 

Sáng hôm sau người con trai bác mục phu tặng tôi một ít thực phẩm, gồm một bao bột lúa mì, một ít phó-mát và bơ; và khi tặng anh ta yêu cầu tôi khi thiền định phải nhớ đến vợ chồng anh ta. Như thế tôi ra đi vào cái hang tôi đến đầu tiên là một hang đá trên sườn đồi ngay phía sau ngôi nhà tôi. Chìm sâu trong sự sùng mộ của mình, tôi đã ăn uống một cách tiết kiệm và số thực phẩm đủ cho tôi dùng trong vài tháng, nhưng người tôi lại hoàn toàn suy yếu. Khi không còn gì nữa, tôi quyết định đi xin thực phẩm, nếu không, tôi không thể tiếp tục thiền định được. Vì thế tôi mang theo cái bát đựng của bố thí ra đi, hướng về mấy ngôi nhà tranh và mấy cái chòi của những người chăn súc vật và sống trên các ngọn đồi.

Căn lều tôi đến đầu tiên là một căn lều da bò, nghĩ rằng mình sẽ gặp may, khi đưa đầu vào nhìn, tôi đã đụng phải – vì nó giống như mọi căn lều khác – căn lều của thím tôi! Dĩ nhiên bà nhận ra tôi ngay và tức tốc bà thả chó ra cắn tôi, tôi phải bỏ cả cây gậy trong tay xuống và nhặt đá ném mấy con chó. Vì thế, chính bà chạy ra, tay cầm cọc lều, chạy tới đánh tôi tàn nhẫn, trong khi cất tiếng sỉ nhục, mỉa mai tôi:

“Mi làm nhơ nhuốc người cha cao quí của mi! Mi là tên sát nhân của bà con quyến thuộc! Mi là kẻ làm tan nát xứ này. Mi còn đến đây làm chi? Nghĩ cha mi lại sanh thằng con như mi!”

Và bà lại đánh tôi túi bụi, vì thế tôi quay lưng bỏ chạy, nhưng người tôi đang suy yếu vì thiếu ăn, tôi vấp phải hòn đá và té nhào xuống một ao nước, suýt nữa bị chết đuối. Tôi cố gắng tìm mọi cách ra khỏi ao trong khi thím tôi vẫn con nhục mạ, tôi cố gắng dùng cây gậy chống đỡ thân thể yếu đuối đứng dậy. Rồi trong khi buồn vô hạn, tôi lại cất tiếng hát cho thím tôi nghe và bà đã ngừng chửi rủa để nghe tôi hát. Trong bài hát tôi kể lại rằng bà và chồng bà là hai kẻ đã gây bao đau khổ cho hai đứa trẻ mô côi và người mẹ góa. 

Trong khi một đứa đi lang thang như một kẻ ăn mày, người mẹ đã chết trong nghèo khổ, người em gái lưu lạc nơi đâu không ai biết. Gia đình đổ vỡ, mọi người mất nhau, tôi đang sống cuộc sống cô đơn để thiền định những Giáo lý của Thầy, nhưng vì thực phẩm đã cạn, tôi ra khỏi nơi ẩn tu để tìm lương thực giữ mạng sống. Dù sao ai đó đã khiến tôi mù mắt đến cửa nhà thím, bà đã thả chó cắn tôi, dùng cọc lều đánh vào thân xác tiều tụy của tôi. Tuy nhiên, mặc dù tôi đã nổi giận vì bà, nhưng nhớ lại những lời Thầy dạy, tôi không để những tình cảm như thế len vào tâm tôi, cũng không được phép lập tâm trả thù bà, tôi cầu xin Sư phụ tôi giúp đè nén lòng uất hận!

Bài hát đã làm cho chị tớ gái đứng sau lưng thím tôi bật khóc. Chính bà cũng có vẻ hồi tâm hối hận và cảm thấy hổ thẹn. Vì thế bà vào lều bảo người tớ gái mang ra cho tôi một miếng bơ và một ít phó-mát. Tôi tiếp tục đánh một vòng các căn lều và chòi còn lại mà tôi không nhận ra được người nào. Nhưng tất cả những người đó dường như họ nhận biết tôi ngay; mặc dù họ nhìn tôi một cách lạnh lùng nhưng họ lại rộng lòng trong việc bố thí thức ăn cho tôi, và như thế, tôi trở về hang đá với lương thực khá đầy đủ.

Đã có kinh nghiệm với những phản ứng của thím tôi, nên tôi có thể tưởng tượng nhưng gì chú tôi sẽ làm và tôi định tránh xa nơi ông ở, nhưng ông đã tự xây một ngôi nhà mới. Dĩ nhiên tôi không biết được điều đó, vì thế tôi đã đến đúng ngay nhà chú tôi, và trước khi đến nơi tôi đã bị một viên đá ném vào người. Tôi biết ngay lỗi lầm của mình. “Tao chờ gặp mi đã lâu rồi,” ông hét, trong khi chạy ra tấn công tôi với nhiều viên đá khác. Tôi quay mình chạy gấp, nhưng ông lại lấy cung và tên vừa bắt đầu bắn tôi vừa la hét với những người chung quanh, cho nên cuối cùng họ bắt kẻ đã phá hoại quê hương xứ sở họ, họ phải bắt hắn.

Dường như lúc này chỗ nọ tôi cũng bị người ta lên án xử tội. Trong vô vọng, tôi kêu cầu Sư phụ tôi, tôi gọi tên ông, tôi kêu gọi các vị thần hộ mệnh cứu tôi thoát khỏi kẻ thù. Việc này đã có hiệu lực chận đứng được những kẻ vẫn chạy theo tôi, họ lộ vẻ kinh sợ những năng lực thần bí của tôi; họ giữ chú tôi lại, không cho ông làm hại tôi, và trong lúc hốt hoảng họ còn bố thí cho tôi nữa. Chú tôi khong như thế, ông vẫn kiên quyết tấn công tôi mặc dù ông đã bất lực trước những thanh niên giữ ông lại.

Trong khi về hang đá tôi đã quyết định rời bỏ ngay vùng này vào ngày hôm sau, vì nơi đó vẫn con nhiều người thù hận tôi; nhưng đêm đó tôi đã thấy một giấc mộng khiến tôi ở nán lại vài hôm nữa.

Rồi việc đã xảy ra: Zesay, cô gái mà tôi đã được hứa hôn khi còn bé, nghe tôi đã trở về và cô ta đến hang đá thăm tôi, mang cho tôi nhiều thức ăn ngon. Cô ta đầy nước mắt ôm tôi và kể cho tôi những chi tiết về cái chết của mẹ tôi, sự lưu lạc của em gái tôi, khiến tôi buồn vô hạn.

“Cô vẫn giữ lòng trung thành quá, cô vẫn chưa lấy chồng,” tôi nói.

“Người ta ai cũng sợ Uy lực của anh, có ai dám sờ đến bàn tay tôi đâu,” cô ta vừa nói vừa mỉm cười yếu ớt, “Nhưng dù có ai đến hỏi em, em vẫn không thể lấy họ được. Anh đã chọn cuộc sống đạo hạnh thật là việc rất hay, nhưng còn nhà cửa, ruộng đất của anh thì sao?”

Tôi biết cô ta muốn nói gì, nhưng vì tôi từ bỏ tất cả những gì liên quan đến của cải thế gian, nên tôi đáp:

“Nếu cô gặp em Peta ở đâu, nhờ cô nói với nó, tôi cho nó tất cả đó. Tạm thời bây giờ cô có quyền sử dụng những thứ đó cho đến khi Peta trở về. Và nếu Peta chết, thì chúng hoàn toàn thược về cô.”

“Còn anh không cần sao?” cô ta hỏi một cách ngạc nhiên. Tôi đáp:

“Còn tôi, tôi sẽ tìm thực phẩm ở bất cứ nơi nào có thể tìm được, nếu không tôi sẽ đến chết đói là cùng, như thế tôi giữ ruộng đất để làm gì? Tôi chỉ ở trong những hang động, những sơn cốc để ẩn tu, như thế tôi giữ nhà cửa để làm gì? Tôi đã biết rằng dù cho tôi có cả trần gian này, khi tôi chết tôi cũng không thể mang theo được, như thế nếu bây giờ tôi từ bỏ tất cả mọi vật thì tôi sẽ được hạnh phúc trong cả đời này và những đời sau. Đây chắc chắn là con đường trái nghịch với con đường thông thường mà phần đông mọi người đều suy nghĩ và hành động, nhưng xin hãy coi như tôi không còn sống nữa.”

Cô ta hỏi:

“Có phải cách tu tập của anh cũng khác hẳn với cách tu tập của tất cả những người của các tôn giáo khác?”

Tôi đáp:

“Dĩ nhiên là tôi trái nghịch với nhũng kẻ trá hình muốn làm thầy tu để được người khác kính trọng và tôn vinh. Họ chỉ mặc áo nhà tu, trong khi họ vẫn cố gắng thu góp của cải, tìm kiếm danh vọng, và như thế, họ cố gắng đạt cho được những gì tốt đẹp nhất của hai thế giới đó.

Họ học thuộc lòng một vài cuốn sách, một vài cuốn kinh rồi tan biến trong sự xung đột bè phái không có vẻ đạo lý chút nào. Nhưng những người cầu Chân lý và Tôn giáo chân thành, dù thuộc đảng phái nào, tôn giáo nào, nếu họ không làm giống như những người kia, thì họ ắt là những người hợp với lòng tôi và thực sự có thể có chút ít khác nhau giữa họ và tôi. Tóm lại, những gì tôi cảm thấy là bất cứ kẻ nào không chân thành, dù họ có mang bất cứ một nhãn hiệu tôn giáo nào, họ và tôi đều cùng chung một niềm tin.”

Cô ta hỏi:

“Nhưng thế nào ấy, hình thức tu hành của anh khiến anh không bằng cả một tên ăn mày tầm thường. Tôi chưa bao giờ thấy ai làm như anh cả. Anh thuộc môn phái nào và tôn giáo nào?”

Tôi nói cho cô ta biết rằng đó là Con Đường Tự Khước Từ Hoàn Toàn, từ bỏ tất cả và theo con đường này, người ta có thể thành Phật ngay trong đời này. Nhưng khi đã theo con đường này, tất cả những mục đích, tất cả những tham vọng thế gian đều như cát bụi tản mác theo gió bốn phương.

Cô ta nói một cách đầy bất ngờ:

“Hừ, ý nghĩ của anh và của họ có vẻ rất khác nhau, con đường anh đi khó khăn lắm.”

Tôi nói:

“Chắc chắn con đường họ dễ đi hơn, nhưng một hành giả Du-già (Yoga) vẫn còn bị trói buộc nhiều mối như thế, theo ý tôi, không phải là một tín đồ chân thật. Ngay cả những người cầu Đạo chân thành cũng không thể đẻ chiếc y vàng của họ nhiễm một vết yêu mến nhỏ bé nào với mọi vật của thế gian này, nhất là danh vọng và vinh dự; và dù cho họ đã từ bỏ những thứ đó thì cũng vẫn còn một khác biệt vĩ đại nữa giữa những nhà sư áo vàng và tôi trong phương diện mau chóng và hữu hiệu trên con đường thành Phật. Nhưng cô sẽ không hiểu đúng điều đó đâu. Như thế, nếu có thể được, hãy tự hiến mình cho cuộc sống tu tập. Nếu không, cô hãy về nhà mà vui hưởng những của cải nhất thời của tôi đi.”

Cô ta nói:

“Tôi không thể nhận ngôi nhà và ruộng đất mà đúng ra chúng vẫn thuộc về người em gái của anh. Tôi cũng thích làm người hiến mình – nhưng không phải một kẻ hiến mình như anh!” Rồi cô ta từ giã.

Dĩ nhiên việc tôi không quan tâm đến sản nghiệp đã đến tai thím tôi, vì tôi đã tuyên thệ theo mệnh lệnh của Thầy tôi, khiến bà nghĩ rằng bây giờ bà có thể chiếm được nó một cách hợp pháp. Bà đến thăm tôi mang theo thức ăn đồ uống làm quà tặng. Bà đến với tôi một cách ôn hòa lễ độ, khác hẳn với cái bản ngã thường lệ của bà. Bà nói:

“Cháu à, hôm trước gặp cháu, thím đã đối xử rất thô lỗ với cháu, xin cháu hãy bỏ qua cho sự vô minh của thím và hãy hoan hỉ tha thứ cho thím, như thế cháu mới xứng đáng là người tu hành. Giả sử bây giờ thím canh tác ruộng đất của cháu, cung cấp lương thực cho cháu, cháu nghĩ thế nào?”

Tôi đáp:

“Được, mỗi tháng thím mang cho tôi hai chục giạ lúa mạch, phần còn lại thím có thể giữ lấy.”

Vì thế bà ra về với công việc hàng ngày của bà. Sau hai tháng lúa đã lên cao, và rồi một hôm bà lại đến miệng hang nói với tôi: 

“Người ta nói rằng nếu thím canh tác đồng ruộng của cháu thì các Thần Hộ vệ của cháu sẽ phật ý mà làm hại thím.”

Tôi hỏi:

“Làm sao tôi có thể thi triển Huyền thuật nữa? Nếu thím cày cấy ruộng đất cho tôi và cung cấp thực phẩm cho tôi là thím sẽ xóa bớt một ít sự ác độc của thím đấy chứ.” 

Bà nói ngay:

“Thế thì xin cháu vui lòng thề rằng cháu sẽ không dùng chú thuật nữa, được không?”

Bằng một cách ngây thơ như bao nhiêu người ở thế gian, tôi đã thề theo lời yêu cầu của bà, và bà lại ra về mà lòng còn hân hoan hơn cả lần trước.

Bây giờ tôi kiên tâm dành tất cả thì giờ của tôi cho việc thiền định. Nhưng tôi không đạt được một dấu hiệu nào chứng tỏ có sự tiến bộ hay tăng trưởng về mặt tri thức hay kinh nghiệm của tôi trong phép Du già luyện Thân Nhiệt. Dĩ nhiên việc này làm tôi buồn vô cùng và khiến tôi lo lắng về những gì tôi sắp làm. Rồi một đêm nọ tôi nằm mộng. Tôi đang cày một thửa ruộng nhưng đất cứng quá, tôi không thể cày được. Khi tôi đang thất vọng thì chính Sư phụ Marpa hiện đến khuyến khích tôi hãy kiên nhẫn. Sư phụ tôi đích thân dắt bò cày ruộng thì đất cày vỡ dễ dàng và một mùa gặt với hoa màu thừa thải theo sau. Điều này làm tôi vui sướng vô cùng.

Trước tiên cái ý tưởng xuất hiện cho rằng những giấc mộng chỉ là những vọng tưởng của con người, sau rốt, kẻ đần độn cũng không cho chúng có một tác dụng nào cả. Nhưng rồi dường như đối với tôi, tôi cho dó là một thông điệp rõ ràng của Sư phụ tôi gửi cho tôi. Tốt hơn là tôi ghi nó vào trí nhớ, và tôi đã lồng giấc mộng này vào một bài thơ. Tôi ví đất cứng với tâm tôi mà niềm tin là nước tưới xuống và phân bón rải vào để nuôi dưỡng ruộng tâm, và Ân điển tưới xuống như mưa rào. Những con bò và cái cày là sự Tập trung và Trí tuệ; lưỡi cày là Phương pháp và Lý luận Chân chánh; bàn tay dẫn dắt là Mục đích, chiếc roi là nhệt tâm và kiên nhẫn; như thế đất cứng là Vô minh bị phá vỡ, những viên đá tội lỗi và cỏ dại giả hình bị bật gốc. Dĩ nhiên, mùa gặt là Chánh mạng đã thành tựu với những Quả Chân lý được đón hái.

Tôi quyết định đi tìm một hang động khác trong các hang động Sư phụ tôi đã chỉ. Tôi mất một thời gian vì trong lúc tôi sắp ra đi thì thím tôi leo lên đồi mang theo đủ sáu chục gia lúa mạch, một chiếc áo may bằng những mảnh da thú, một cuộn vải tốt, và một ít bơ gói thành một cục. Bà ném những thứ đó xuống chân tôi và nói:

“Cháu ơi, này cháu à, những món này là để trả cho cháu về phần ruộng của cháu đấy. Bây giờ thì cháu hãy đi cho khuất mắt thím, hãy đi càng xa càng tốt. Những người chung quanh xóm bảo rằng thằng Thopaga sẽ làm hại chúng ta nữa, nếu thím còn dính líu đến nó. Và họ sẵn sàng giết chết cả hai chúng ta. Vì thế, trong lúc còn êm đẹp, cháu hãy trốn đi để được an lành hơn. Thím không hiểu tại sao họ muốn giết thím, nhưng chắc chắn họ sẽ giết cháu, nếu cháu còn ở đây.”

Tôi biết rõ rằng chẳng có ai nói những lời như thế, vì đó không phải là điều họ nói. Tôi biết rằng bây giờ làm thế nào tôi cũng mất công thề thốt nữa. Tuy nhiên tôi đáp:

“Thím à, nếu cháu không trung thành với những lời thề của cháu thì bây giờ thím đã thành một xác chết rồi, vì hoàn cảnh này làm thay đổi lời thề của cháu. Nhưng nếu cháu không giữ được hạnh nhẫn nhục với một người như thím là kẻ luôn luôn muốn hại cháu, thì cháu còn giữ được nhẫn nhục với ai? Nếu tối nay cháu chết cháu đâu còn hưởng thụ được nữa? Nhưng hạnh Nhẫn nhục là Con Đường để thành Phật, vì thế nó có giá trị hơn ruộng đất nhiều. Và thím cũng như chú là những người đã tạo cơ duyên cho cháu chọn cuộc sống đạo hạnh, vì thế cháu rất biết ơn chú thím, và cháu sẽ cầu nguyện cho thím – và cả chú nữa – cũng có thể thành Phật trong những kiếp sau. Thím đã lấy ruộng đất rồi bây giờ cháu cho luôn ngôi nhà cho thím.” Rồi tôi giảng Phật Pháp cho bà nghe và tôi kết thúc bằng một bài hát diễn tả rõ sự tương phản giữa cuộc sống thế gian với của cải, khoái lạc và thức ăn đồ uống – nhất là thức ăn đồ uống ngăn chận tất cả sự Phát triển Tâm linh – và cuộc sống của nhà tu khổ hạnh là người thoát khỏi những xiềng xích trói buộc mình với thế gian.

“Cháu ơi, chật thật là một người chân tu,” thím tôi nói khi bà bước chân ra về với lòng đầy thỏa mãn.

Tôi thật không ngờ vì thấy bà đã có thể cư xử như thế nhưng đồng thời tôi cũng rất vui mừng vì đã thoát khỏi trách nhiệm của một người làm chủ những của cải thế gian. Tôi quyết định thực hiện chương trình của tôi và tìm một cái hang khác mà tôi đã nhớ ra trong trí. Vì thế sáng hôm sau, với những thứ mà thím tôi gọi là để trả phần cho tôi và một ít thức ăn còn lại, tôi đã ra đi và dĩ nhiên là để tìm nơi thích nghi cho tôi; tôi đặt chăn mền trên chiếc nệm cứng trải trên nền đất. Ngay lúc đó và tại đó, tôi đã nguyện rằng tôi sẽ không xuống những nơi có người ở nữa cho đến khi nào tôi đạt được Năng lực tôi đang tìm kiếm, tức Tri thức Siêu việt mà nó là đoạn mở đầu đưa đến Giác ngộ, và tôi cầu nguyện các vị Thần Hộ mệnh giúp tôi trong việc giữ vững lời nguyền. Nếu tôi phản lại lời nguyền, tôi thề rằng tôi sẽ chết ngay tức khắc.

Và như thế tôi đã tiếp tục sống qua một thời gian dài với một ít bột lúa mì và bất cứ loại thực phẩm nào có thể kiếm được ở đó, và tôi đã lãnh hội được tri thức của sự Điểm Đạo Truyền Pháp Cao Nhất mà Sư phụ tôi đã cho tôi. Nhưng lúc này thân thể của tôi quá suy nhược không thể kiểm soát được luồn Khí hay Năng lực của thân tâm vì thế tôi vẫn không đạt được Nội Nhiệt và tôi vẫn dễ cảm thấy lạnh lắm.

Rồi với lòng nhiệt thành vô hạn, tôi đã cầu nguyện với Sư phụ tôi và kết quả đến với tôi là cảnh một số Thiên nữ bảo rằng họ đã được Lạt-ma Marpa phái đến để trợ giúp. Họ đã tổ chức một buổi lễ trang nghiêm và sau đó cho tôi những lời dạy về các phép luyện tập. Vì thế tôi luyện tập theo những lời dạy này và sau đó tôi bắt đầu cảm thấy trong người tôi sinh ra một luồng Nội nhiệt, và tôi tiếp tục luyện tập chuyên cần luồng Nội nhiệt này thêm một năm nữa. 

Bỗng nhiên tôi muốn ra ngoài để giải khuây một chút. Lúc tôi sắp ra ngoài thì tôi nhớ lại những lời thệ nguyện và tôi đã dừng lại kịp thời. Tôi tự trách mình một cách chính đáng vì đã có ý nghĩ như thế, chưa chi đã đầu hàng rồi. Rồi tôi hát một bài tự khiển trách mình nhắc nhở rằng Milarepa, một kẻ không ra gì, đã may mắn được sống một mình, không bị những quan tâm thế gian quấy rầy, việc gì mà bỗng dưng y lại cảm thấy cô đơn? Nếu y giữ được tâm bình thường thì những ý nghĩ cám dỗ đâu có thể len vào tâm y được. Một người hiến mình cho Đạo trở lại với thế gian vì cái gì?

Và như thế tôi lại tiếp tục thiền định thêm ba năm nữa và lúc này thần trí tôi đã được mở mang không ít. Nhưng bấy giờ bột lúa mạch dự trữ đã cạn mặc dù khẩu phần của tôi rất nhiệm nhặt, chỉ hai chục giạ lúa mạch một năm, và dường như tôi đã bắt đầu sắp chết đói đến nơi mà vẫn chưa đạt đến Phật tánh. Điều này khiến tôi suy nghĩ làm sao những người thế gian lại có thể quá sung sướng khi họ kiếm được một đồng bạc và họ cũng đau khổ nhiều như thế nếu họ mất một đồng. Đem so sánh với sự hạnh phúc nhất thời đó, thì cuộc sống của tôi là một cuộc sống lý tưởng và Phật tánh còn giá trị hơn một triệu đồng rất nhiều. Thật sự nếu có phải chết đi trong lúc tiếp tục giữ vững những lời thệ nguyện vẫn hay hơn là phản bội chúng để được sống. Tôi phải làm gì? Rồi tôi nghĩ không phản lại lời thề để đi tìm thực phẩm, nếu tôi không đến nơi có người ở. Như thế, tôi đã giữ dúng theo những điều tôi đã thệ nguyện trước kia.

Do dó, một buổi sáng nọ tôi đi dạo qua phía bên kia miệng hang, đến một nơi có ánh nắng mặt trời, có con suối chảy và những cây tầm ma mọc chung quanh; một nơi đẹp như tranh mà người ta có thể ước mơ phóng tầm mắt nhìn khắp vùng đồng quê. Tôi rất thích nơi này và đã đem một ít vật sở hữu ra khỏi hang, xuống dòng suối tiếp tục thiền định ở đấy, chỉ sống với canh nấu bằng đọt cây tầm ma.

Thân thể tôi tóp lại chỉ còn xương với da, da tôi xanh như tấm giấy da dê, và cả tóc nữa cũng ngã màu xanh. Lúc này, bên ngoài tôi không có quần áo che thân, bên trong không có thực phẩm nuôi mình. Cuộn giấy Sư phụ cho để tham cứu lúc có việc bất trắc xảy ra, tôi thường lấy xuống và nhìn nó một cách trìu mến rồi đặt lên đầu như là dấu hiệu tỏ lòng kính trọng những gì ghi trong cuộn giấy, và đó cũng là tục lệ của người Tây tạng chúng ta. Việc này dường như đã xoa dịu được những cơn đau vì đói mặc dù không có gì để ăn. Đôi khi tôi còn ợ nữa làm như vừa ăn xong một bữa ăn ngon. Một hai lần tôi suýt mở cuộn giấy ra nhưng có cái gì đó ngăn lại vì tôi biết rằng chưa đến lúc phải làm như thế. Nguy hiểm sẽ đến với tôi còn to lớn hơn nhiều. Nhưng bao giờ cuộn giấy cũng nằm bên cạnh tôi.

Một năm nữa đã trôi qua và một vài người thợ săn lang thang lạc đến vì không tìm được cuộc vui nào. Thoạt nhìn thấy tôi họ chạy trốn vì nghĩ rằng tôi là một con quỉ. Tuy nhiên tôi quả quyết rằng tôi là một con người giống như họ, một người hiến mình cho Đạo.

“Ông không có vẻ gì là người cả,” họ phê bình, nhưng họ cũng đã bình tĩnh trở lại và bước tới gần hơn để nhìn đối tượng kỳ lạ. Rồi họ vào trong hang, bới móc từng xó góc, từng kẽ nứt trong hang. Tìm chẳng có gì, họ lại xuống suối hỏi tôi:

“Chỗ để thức ăn của ông đâu? Hãy cho chúng tôi một ít rồi chúng tôi sẽ trả lại đầy đủ cho ông, nhưng nếu ông không có món gì, chúng tôi sẽ giết ông đó.”

Tôi đáp:

“Bần tăng chẳng có gì cả, chỉ có rau tầm ma thôi. Và nếu bần tăng có thức gì khác, bần tăng cũng không cho bất cứ kẻ nào thô lỗ như các thí chủ, những kẻ dùng vũ lực uy hiếp người để lấy đồ ăn. Đặc biệt họ đã làm nhục tôi bằng cách nâng người tôi lên cao rồi thả xuống.

“Chúng tôi không cần cướp của ông,” họ phản đối. “Và ông biết chúng tôi làm nhục ông bằng cách nào không?”

Tôi nói:

“Các thí chủ nên để lại một chút phước đức chứ.”

Họ lập tức đáp:

“Được rồi, chúng tôi sẽ làm nhục ông hoài hoài,” và họ làm theo lời nói. Họ nhấc bổng tôi lên rồi thả xuống nhiều lần, vì thế xương cốt tôi không có gì che chở, bị dập da tím bầm và tôi cảm thấy đau đớn vô cùng.

Tuy nhiên, một một người trong bọn đã từ chối tham dự cuộc đánh phá tôi, nói: “Này chúng mày, ông bạn này dường như là một vị Thánh thật đấy, dù cho ông ta không phải Thánh, thì cũng chẳng hay ho gì chúng mày hành hạ một người yếu đuối không thể tự vệ được. Chúng ta đói đâu phải lỗi tại ông ta, bây giờ chúng mày nên thôi đi!” Rồi anh ta nói với tôi: “Chào ẩn sĩ, ngài là một người rất tốt, cư xử quá độ lượng. Vì chính tôi không làm gì ngài, vậy xin ngài hãy nhớ đến tôi trong lúc cầu nguyện.”

Những người kia lấy việc ấy làm trò cười:

“Vâng, cũng nên nhớ đến chúng tôi vì đã nâng ngài lên và thả ngài xuống đấy nhé!” Người thứ nhất nói thêm: “Ê! Nếu ông ta cầu nguyện, chắc chắn ông ta sẽ nhớ đến chúng mày, nhưng sẽ nhớ đến một cách khác lắm!” Họ cười ầm lên rồi bỏ đi.

Chắc chắn là tôi không nguyền rủa họ. Sau này tôi nghe nói họ bị một quan tổng đốc của tỉnh bắt giữ, kẻ cầm đầu bị xử tử, những người kia bị móc mắt, chỉ trừ người đã nói câu tử tế bênh vực tôi.

Một năm nữa trôi qua, tất cả những y phục của tôi gồm mấy miếng giẻ rách của tấm vải mà thím tôi đã cho và chiếc bao đựng bột lúa mì. Tấm da rách tôi đã dùng trải giường và cuộn vải len để che phần dưới của thân tôi, chiếc bao tôi đắp trên ngực, và những phần chính của thân tôi đắp bằng mấy miếng giẻ rách kết lại với nhau tạo thành ba tấm buộc lại với nhau bằng một mảnh dây thừng tôi đã lượm được, ban ngày tôi dùng nó làm áo, ban đêm thì có tấm da và chiếc bao. Nhưng tôi vẫn cảm thấy lạnh.

Lại một năm nữa trôi qua. Một hôm, tôi bỗng nghe tiếng nói của nhiều người và nhìn ra cửa hang tôi thấy thấy rõ đám đông những người đang săn bắn. Khi nhóm người đi đầu nhìn thấy tôi, họ buông hành lý la hoảng: “Nhìn kìa! Có quỉ!” và họ quay đầu chạy trốn. Nhưng những người phía sau không nhìn thấy chế nhạo những người đi trước rằng giữa thanh thiên bạch nhật mà quỉ thần gì. “Hãy nhìn lại coi!” họ đứng đứng xa xa nói. “Nó vẫn còn đó!” những người nói giọng sợ hãi xác định, và rồi cả những người đứng hàng sau chót cũng phát run. Vì thế tôi bước ra khỏi hang và bảo họ rằng tôi không phải là quỉ thần gì cả mà chỉ là một người ẩn tu mắc phải tình trạng này là vì thiếu thức ăn. Không thỏa mãn, họ lục soát trong hang nhưng chỉ tìm thấy những đọt tầm ma và họ tỏ vẻ đầy kính sợ. Họ để lại cho tôi một phần thịt rất nhiều và nói bằng một giọng cung kính nhất: “Ngài là một hiền nhân ẩn tu khổ hạnh như thế này, xin ngài hãy cầu nguyện cho những con vật bị chúng tôi giết chết và tội lỗi của chúng tôi vì đã giết chúng.”

Một lần nữa, ý nghĩ có một ít thức ăn thông thường như người ta thường dùng thật là kỳ diệu, và khi tôi ăn, một cảm giác khoan khoái dễ chịu chạy lan khắp người. Vì thế, tôi có thể vận dụng toàn thể tâm trí vào việc tu luyện, và tôi đã đạt đến cảnh giới an lạc mà trước kia tôi không có. Công đức mà những người tốt đã bố thí thức ăn cho một người già xa lạ ẩn tu trên sườn núi to lớn hơn là biếu những món quà sang trọng cho những người giàu có ở thành thị. Tôi đã chia thịt ra thành từng phần để ăn từng bữa cho đến cuối cùng, trước khi hết, nó đã hóa giòi. Tôi nghĩ hay là bắt sạch những con giòi trong thịt ra, nhưng tôi lại cảm thấy nếu tôi làm như vậy thì có khác gì ăn cướp, tước đoạt thức ăn của giòi, vì thế tôi để phần thịt lại cho chúng, và tôi trở lại với canh rau tầm ma.

Một đêm nọ, có người nghĩ rằng tôi đã chôn dấu của cải gì đó, nên anh ta lẻn vào trong hang, lục soát từng xó góc tìm kiếm. Thấy thế, tôi bật cười, nói: “Nếu ban đêm mà anh có thể tìm thấy vật gì mà ban ngày tôi không thể tìm được thì anh đáng mặt giữ nó.” Nghe tôi nói, anh ta cũng bật cười rồi bỏ đi.

Sau đó một năm, một nhóm thợ săn khác đi ngang qua hang. Tôi đang ngồi nhập định xuất thần, mình quấn ba miếng vải buộc bằng sợi dây thừng, vì thế họ lấy đầu cung đâm vào người tôi xem tôi có phải là người hay không. Vì thân thể và “quần áo” của tôi lúc ấy khiến họ nhất quyết là không phải.

Trong khi họ đang cãi nhau xem tôi là gì thì tôi mở miệng nói : “Dĩ nhiên bần tăng là người.”

Rồi một người hỏi:

“Anh là Thopaga?”

Khi tôi bảo họ là phải, thì họ hỏi mượn tôi một ít thực phẩm, hứa chắc rằng họ sẽ trả lại tử tế.

Họ nói:

“Chúng tôi nghe nói anh về quê đã mấy năm nay rồi. Suốt thời gian từ đó đến giờ, anh vẫn ở đây sao?”

Tôi đáp:

“Tôi ở đây. Nhưng tôi không thể cho các anh thức ăn vì tôi không có thứ gì để các anh ăn được.”

Họ nói:

“Anh ăn gì thì chúng tôi ăn nấy; chúng tôi không có gì đặc biệt đâu.”

“Thế thì các anh đốt lửa lên rồi hái những đọt tầm ma bỏ vào nước sôi luộc đi,” tôi bảo. Và họ làm theo lời tôi. Khi rau đang sôi, một người reo lên:

“Chúng ta hãy cho thịt hay xương vào làm canh, hay một chút mỡ nữa cũng được.”

“Rồi, hãy cho chúng tôi một chút bột lúa mì hay chút hạt gì để làm cho nó đặc một chút,” họ hỏi một cách hy vọng.

Tôi nói:

“Nếu tôi có những thứ đó thì tôi đã có món ăn ngon đầy chất bổ rồi, mấy năm nay tôi chẳng có những thứ như thế. Thay vì, các anh hãy ăn món đọt tầm ma xem.”

“Được, nhưng ít nhất cũng cho chúng tôi một tí muối chứ?” họ hỏi một cách thất vọng.

Tôi lặp lại những câu trả lời trên và giới thiệu họ món canh đọt tầm ma. Họ nói:

“Nếu anh sống bằng cái thứ mà anh gọi là thực phẩm này, và mặc bằng những mảnh giẻ buộc dây đó, thực không thể nghĩ ra anh là thế nào. Ôi, anh khó phải là người lắm! Nếu anh không thể tìm được việc làm nào khá hơn, chẳng hạn như người giúp việc, thì ít nhất anh cũng có được ít món ngon lành để ăn. Anh bao giờ cũng là người khốn khổ nhất đời và cũng là người đáng thương nhất.”

Tôi phản đối:

“Bây giờ đừng nói thế. Sự việc còn hoàn toàn trái ngược là khác. Sự thực tôi là người may mắn nhất đời vì tôi đã gặp được Đại Dịch giả Marpa, ngài đã trở thành Sư phụ của tôi và tôi học Đạo nơi ngài; Đạo mà người ta có thể thành Phật ngay trong đời này. Vì thế tôi là người duy nhất, với can dảm và hoài bảo chân thật, đã vượt ra ngoài toàn thể loài người. Về phần các anh – được sinh ra trong xứ sở Phật giáo mà suốt đời không bao giờ lắng nghe dù chỉ một bài thuyết pháp. Các anh đặt mục đích của mình ở một thế giới thấp kém nhất trong tất cả trong tất cả những thế giới khả hữu và các anh mãi mê trong đó! Các anh đang chồng chất những nợ nần oan trái cho chính mình. Các anh có một ý thức rất sai lầm về các giá trị. Trái lại, tôi hạnh phúc trong cảnh An lạc tương lai và vui hưởng những sự vật mà chúng là nguồn hạnh phúc chân thật. Sự thành Phật có giá trị to lớn hơn quần áo, thức ăn; và những vật sở hữu đạm bạc của tôi cũng đủ để giữ cho tôi khỏi chết. Hãy làm như tôi làm. Nếu các anh không thể nhìn thấy sự lầm lạc của những con đường các anh đi, thì ít nhất cũng dành cho tôi một chút tình thương xót của các anh chứ. Trời đang về chiều, mặt trời sắp lặn, đã đến lúc các anh phải từ giã, và chết sẽ đến với mọi người chúng ta, tôi không thể lãng phí thì giờ để nói những chuyện vô ích. Vì thế, bây giờ tôi sẽ trở lại việc thiền định của tôi.”

Và như thường lệ, tôi đã đưa phần chót cuộc nói chuyện và một bài thơ. Thay vì ghi vào lòng những lời tôi nói, họ bảo:

“Anh biết anh có giọng hát hay đấy chứ? Ừ mà chúng tôi không thể làm nó khàn được như anh đang làm, vì thế chúng tôi phải từ giã anh.” Và họ ra đi.

Tuy nhiên, cuộc viếng thăm của họ không phải không có hậu quả. Nhớ đến bài hát và giọng hát của tôi, họ lại đem ra hát vào một ngày lễ công cộng. Dịp may hôm đó Peta, em gái tôi, đang đi xin ăn ở đó. Khi nghe hát, Peta nói: “Thưa các ngài, người mà các ngài ca tụng trong bài hát thực là một ông Phật.” Nghe Peta nói, họ cười ầm lên và cát tiếng chế giễu vì Peta đang ca ngợi anh mình.

Một người nói:

“Phật hay không gì, đó chính là anh của mày, đang thân tàn ma dại sắp chết vì đói rồi đó.”

Peta hét lên:

“Làm sao các ông có thể hả hê khi nhìn thấy những buồn khổ của tôi như thế được? Cha mẹ tôi đã chết từ lâu, anh tôi mất tích và tôi trở thành kẻ ăn mày lang thang.” Và Peta tan biến trong trận khóc ngây dại.

Ngay lúc ấy Zesay đang đi đến gần đó, bèn dừng lại an ủi Peta, không phải họ chế giễu Peta mà có thể họ chế diễu tôi. Zesay nói:

“Tôi cũng đã gặp anh ấy một lần. Hãy đến hang xem anh ấy còn ở đó hay không. Nếu còn, chúng ta sẽ thăm anh ấy.”

Bấy giờ đã tin tưởng nhiều hơn, Peta đến miệng hang tôi ở, một tay mang ít bia, một tay xách bao bột lúa mì, nhưng thoạt thấy tôi, Peta sợ hãi. Bộ xương bọc da của tôi lộ ra từng mấu từng đốt, đôi mắt thụt sâu vào hai hốc xương mắt, da vẫn xanh màu lá cây, các bắp thịt hầu như đã hoàn toàn suy nhược, tóc trên đầu dựng lên, và đôi chân gầy guộc như hai que củi. Vì thế dĩ nhiên khiến Peta kích động kinh hãi, và trước hết nó nghĩ rằng tôi là một loại ma gì đó. Nhưng rồi nó nghĩ lại đã nghe người ta nói rằng tôi sắp chết đói và Peta lấy hết can đảm đến gần tôi và hỏi:

“Ông là người hay là ma?” 

Tôi đáp:

“Anh là Thopaga đây.” Và khi nghe giọng nói của tôi, Peta nhào vào người tôi và ôm choàng lấy tôi, gọi: “Anh ơi!” Rồi nó lả người ngất lịm. Tôi phải mất một lúc mới cứu tỉnh nó được. Nhưng khi tôi loay hoay đặt đầu nó lên hai đầu gối tôi thì nước mắt tôi tuôn chảy ròng ròng.

“Mẹ đã chết không thấy mặt anh,” Peta nức nở. “Không còn ai thân cận mẹ và em, em không thể chịu đựng nổi cảnh cô đơn trong ngôi nhà to lớn đó mà không có phương tiện để sống, và vì thế em đi ăn xin xứ lạ quê người. Lúc ấy em nghĩ chắc anh đã chết. Nhưng anh vẫn còn sống, em rất ngạc nhiên thấy anh đến nông nỗi này. Anh biết Định mệnh đeo đuổi em thế nào! Trên đời còn ai bất hạnh hơn em?” Và nó tự thương thân trách phận, tự bi ai cho chính nó, nó kêu cha gọi mẹ. Tôi hết sức an ủi nó.

Bị sự khốn khổ của Peta ảnh hưởng, một lần nữa tôi lại cất tiếng hát cho vơi bớt những cảm xúc trong lòng. Tôi bắt đầu lặp đi lặp lại những lời thệ nguyện sống cô tịch, và rồi so sánh những ước muốn giàu sang vật chất của em gái tôi với ước vọng được giác ngộ của tôi. Tôi bằng lòng với bất cứ điều gì Thiên nhiên đã cống hiến và điều đó đem lại lợi ích cho tôi trong việc thành tựu Tri thức Siêu việt, có nghĩa là tôi sẽ được sinh trong cõi Phật trong đời kế tiếp.

Peta nói:

“Nếu tất cả điều đó có thực thì kỳ diệu biết bao, nhưng em không thể tin được. Nếu thật như thế, thì chắc chắn tất cả những người sùng mộ sẽ tu hành khổ hạnh như anh, nhưng trên khắp cả những bước đường lang thang của em, em đâu có bao giờ thấy ai tu hành hành khổ hạnh như anh.” Rồi Peta cho tôi thức ăn và đồ uống nó mang đến, rồi ra đi. Tôi ăn uống ngon miệng làm sao! Với sức khỏe dồi dào hơn nhiều, đêm đó tôi lại lao mình vào thiền định.

Nhưng sáng hôm sau, thân thể tôi lại mất đi sức khỏe tốt đó. Tôi lại đau khổ vì đã nuôi một ước vọng vĩ đại là muốn làm gương cho những kẻ an ủi thế gian, đau khổ rất nhiều do sự đau đớn thực tế của thân xác đi kèm. Không một nỗ lực nào trong nhiếp tâm hữu dụng trong tình trạng này.

Vài hôm sau, Zesay mang Peta theo đến thăm tôi, trang bị nào thịt ướp, bia, nào bơ và bột mì. Hai người gặp tôi trong khi tôi đang trên đường đến suối để lấy nước, và bấy giờ tôi đang trần truồng như nhộng. Cả hai hoàn toàn bối rối, nhưng họ vẫn xúc động đến rơi nước mắt vì cảnh nghèo của tôi.

Tôi uống một chút bia khi Peta nói:

“Anh ơi, dù sao nhìn anh em cũng thấy rằng anh không có vẻ là một người bình thường hoàn toàn. Xin anh hãy đi khất thực và ăn những món ăn thích hợp của con người. Em sẽ cố gắng kiếm cho anh ít vải để anh che thân lúc cần.”

Và Zesay cũng thêm lời khẩn khoản:

“Vâng, anh hãy đi xin của bố thí và em cũng sẽ mang đến cho anh ít vải để anh dùng.”

Tôi nói:

“Thấy rằng một người không bao giờ biết cái chết bắt đầu khi nào, nên tôi không muốn lãng phí thì giờ quí báu trong việc đi xin của bố thí. Dù tôi có phải chết rét thì đó cũng là chết vì Chân lý. Tôi không bao giờ có thể thỏa mãn với sự phô trương bề ngoài của tôn giáo như một nhóm người tụ hội vui chơi chè chén, tự do ăn uống hỉ hả và mặc các thứ quần áo cắt may đẹp đẽ và đắc tiền nhất, tất cả những việc như vậy chỉ đánh mất lòng sùng mộ chân thực thôi. Tôi không cần quần áo và cũng không cần các cô thăm viếng. Và tôi sẽ không chú ý đến lời khuyên của các cô về chuyện đi xin của bố thí.”

Lúc ấy Peta nói:

“Thế thì làm sao bao giờ anh có thể thỏa mãn được? Vì theo ý em, lúc nào anh cũng khao khát một tình cảnh còn tệ hại hơn tình cảnh anh đang sống và đang cố bày ra càng lúc càng nhiều những cuộc ép xác diệt dục mà anh đang đắm mình vào đó trong hiện tại, phải không? Hoặc ngay cả sự khéo léo của anh có tạo được bất cứ một tình cảnh nào khác hơn nữa không?”

Tôi đáp:

“Có ba cảnh giới hiện hữu còn tệ hại hơn cảnh giới của anh: thế giới của súc sanh, thế giới của ngạ qủi, và thế giơi của Địa ngục. Và cho đến bây giờ, anh vẫn thấy con người dường như đang cố gắng hết sức để được sinh vào thế giới này hay thế giới kia, một trong ba thế giới đó. Không, anh hoàn toàn thỏa mãn với tình cảnh hiện tại, với những việc làm của anh.” Và rồi tôi hát cho cả hai nghe một bài hát nói về sự bằng lòng sống cuộc sống cô tịch của tôi.

Zesay nói trong khi cả hai nghe tôi hát:

“Chắc chắc anh thực hành những gì anh rao giảng và người ta không thể không ngưỡng mộ anh.”

Peta phản đối:

“Anh ơi, bất cứ anh nói gì em cũng không thể tiếp tục nhìn thấy anh trần truồng và chết đói được. Em sẽ cố gắng tìm ít vải mang đến đây cho anh. Lòng sùng mộ của anh sẽ không từ giã anh vì anh có đủ thức anh và quần áo. Nhưng nếu anh không chịu đi xin của bố thí thì có lẽ anh sẽ anh sẽ ôm ước vọng của anh mà đi sang thế giớ bên kia trong cô tịch vì đói rét. Song nếu anh không đi và không chết quá sớm thì em sẽ mang vải đến ngay khi nào em tìm được.” Rồi cả hai từ giã.

Chẳng may thực phẩm ngon lạ này làm tăng thêm những đau đớn thể xác và bất an tinh thần của tôi đến độ tôi không thể tiếp tục thiền định được. Trong tình trạng nan giải đáng sợ này, tôi cảm thấy rằng đã đến lúc phải mở xem cuộn giấy mà Thầy tôi đã cho tôi, vì có sự nguy hiểm nào to lớn hơn đối với một người đã đặt tay vào chiếc cày và rồi bắt đầu nhìn lại phía sau?

Và ồ! Bên trong cuộn giấy là lời giải đáp bài toán nan giải của tôi! Phép chẩn mạch cơn bệnh của tôi và cách chữa trị mà theo đó sự nguy hiểm không những có thể giải tan được mà còn có thể biến thành chuyện tốt. Hơn nữa, trong cuộn giấy còn viết rằng ngay lúc này tôi phải ăn những thức ăn đơn giản và giải thích rõ ràng sự buồn phiền của tôi cho tôi biết; rằng sự thiền định kiên quyết và bền bĩ của tôi đã điều hòa thần kinh của tôi sang một trạng thái biến đổi nhiệm vụ, nhưng sự biến đổi đó bị chậm đi vì thức ăn, và rồi bị bia của Peta kích thích thần kinh và những món ăn bất thường cũng ảnh hưởng đến chúng. Bây giờ tôi hiểu rõ những gì đang xảy ra trong cơ thể cũng như trong tâm thức của tôi và tôi bước vào những phương pháp luyện tập mới mà tôi tìm thấy trong cuộn giấy. Với sức khỏe dồi dào, tôi luyên tập một cách chuyên cần. Tôi đã bắt đầu thể nghiệm cảnh giới an định và thị lực tinh minh vượt quá bình diện vật chất, giống như tôi đã đạt được trước kia, nhưng lần này vượt hơn các nỗ lực trước rất xa về chiều sâu và cường độ nhập định xuất thần của tôi. Như thế bây giờ, Tri thức Siêu việt và bất tri đã đến với tôi. Tôi đã minh bạch rằng khuynh hướng ác của tôi đã biến thành khuynh hướng thiện chỉ trong khoảnh khắc và tôi bắt đầu hiểu cái Một của Tất cả mà nó phá tan mối quan hệ chủ-khách trong những hạn từ mà chúng ta suy tư cả đời. Bây giờ tôi thấy cả Niêt-bàn và Thế giới Huyễn ảo cũng là tương đối và là những cảnh giới phụ thuộc; và chẳng có gì cả trừ cái Tâm mà trong đó chẳng có sự phân biệt, phân chia. Theo quan niệm: Tâm như là một Đại Nhân Duyên trong chiều hướng thông thường người ta đi vào Thế giới Huyễn ảo, bình thường con người có thể nhận thức được. Trong chiều hướng trái nghịch, nó đưa người ta đến Niết-bàn hay cái hiểu bao quát về huyễn ảo và Nhận Thức không có bất cứ một căn nguyên huyễn ảo nào. Cả hai thế giới, thế giới của chúng ta và Niết-bàn tôi thức ngộ nằm trong Khái niệm về Chơn Không (sự vô hữu của Hư không) mà nó là Tâm.

Tri thức mới này tôi đạt được đã sinh ra từ các nỗ lực to lớn của tôi trước kia. Tất cả những gì tôi cần trong lúc khủng hoảng là dưỡng chất và những chỉ dẫn, và bây giờ tôi đã có cả hai. Về điểm này, Peta và Zesay đã đóng góp về mặt vật chất, vì thế món nợ của tôi đối với họ thật là to lớn. Tôi đã hát cho cả hai nghe một tán ca để đáp lại việc làm tốt đẹp của họ, như thế việc làm đó sẽ được dâng lên Mục đích Vĩnh cửu.

Sau khi luyện tập và thiền định kịch liệt hơn, trong tôi đã bắt đầu phát triển các Năng lực, những Lực biến tôi thành bất cứ hình tướng nào tôi muốn và tôi có thể bay lượn được trong hư không. Rồi ban ngày tôi có thể làm việc như phép lạ, và ban đêm tôi có thể băng qua mọi tầng trong Vũ trụ và có thể thấy rõ tất cả những gì trong đó. Trước tiên, những Năng lực này chỉ xuất hiện trong giấc mộng của tôi, nhưng khi tôi tiếp tục, một cách ngẫu nhiên, tôi thấy rằng tôi có thể bay được trong lúc ban ngày và đến bất cứ nơi nào tôi muốn. Việc này đưa tôi đến một tiến bộ lớn trong phép luyện lửa Tam-muội, mà đây là mục tiêu chính của tôi.

Một hôm, tôi đang bay như thế và khi bay ngang qua trên ngôi làng của người bà con xa của tôi đang ở, người này có người con dâu, một trong số ba mươi lăm người bị giết chết vì sự sụp đổ của ngôi nhà của chú thím tôi. Ông ta và cậu con trai đang cày ruộng thì tôi đang bồng bềnh trên đầu họ. Cậu con trai đang ở trước đầu bò và người cha đang cầm cày cày ruộng.

Bỗng nhiên cậu con trai nhìn lên và thấy tôi, la lên: “Kìa! Có người đang bay!” Người cha giận dữ: “Việc gì thế?” Tại sao mi sững sờ như từ cung trăng rớt xuống vậy?” Đó chỉ là tên vô lại Mila, một tên vô tích sự bệnh hoạn vì thiếu ăn, con trai của mụ già độc ác ở gần đây. Đứng tránh ra! Đừng đứng dưới bóng của hắn và làm việc của mi đi!” Người cha tránh sang một bên và tôi cũng cố gắng tránh cho bóng tôi không phủ xuống họ. Nhưng cậu con trai nói: “Con chẳng cần biết người ta vô tích sự hay không, miễn là anh ta có thể bay được là con khoái rồi. Bay được là việc kỳ diệu nhất mà con người có thể làm được.” Và cậu ta tiếp tục ngước mắt nhìn tôi.

Bấy giờ dường như tôi đã đạt đến giai đoạn tôi có thể dùng nó để giúp đỡ chúng sinh nhưng tôi nhận được một lệnh truyền từ Sư phụ tôi đến bảo tôi hãy tự giam mình để thiền định vì đó là hình thức tốt nhất để phụng sự loài người và Phật giáo. Tuy nhiên, nếu tôi ở lại nơi đang ở, khi người ta biết rằng tôi có thể bay được thì họ sẽ kéo đến xem tôi làm các phép lạ, và rồi danh vọng, của cải vật chất sẽ làm trở ngại bất cứ sự tiến bộ nào của tôi. Vì thế, tôi quyết định dời chỗ ở lên vùng sườn núi Everest, nơi có nhiều hang động, và tôi ra đi với vật sở hữu duy nhất trên lưng là chiếc nồi bằng đất sét nung tôi dùng nấu canh tầm ma.

Nhưng bấy giờ thân thể tôi quá yếu, không thể bước đi được như lúc bình thường, đến nỗi tôi chỉ vấp nhẹ vào một tảng đá khi tôi rời hang khiến chiếc nồi rơi xuống vỡ tan. Và khi nồi vỡ, một lớp cặn bã màu xanh đóng cứng trong nồi rớt xuống đất giống hệt như một chiếc nồi thứ hai.

Việc này làm tôi buồn vô cùng, sự vô thường của mọi vật trên đời và tôi xem đó như là một điềm tốt để tôi tiếp tục sự sùng mộ của tôi. Tôi ngồi xuống sáng tác một tán ca cho vị Đạo sư mới của tôi – chiếc Nồi Đất – vì nó đã dạy cho tôi một bài học như thế. Tôi còn đang hát tán ca thì vài người thợ săn đi ngang qua đó dừng lại lắng nghe. Rồi một người nói:

“Này ẩn sĩ, ông có giọng hát rất hay. Ông đang làm gì với chiếc nồi vỡ và lớp cặn xanh đó? Và sao chính ông cũng xanh và tiều tụy như thế?”

Tô nói họ nghe và họ trố mắt nhìn tôi một cách hết sức ngạc nhiên và rồi họ mời tôi dùng bữa với họ. Trong khi ăn, một trong những người trẻ tuổi nói:

“Trông ông có vẻ là một người có thân vóc vạm vỡ khỏe mạnh – hay ít nhất cũng đã có lần như thế. Ông mà làm chiến sĩ mang vũ khí, ngồi lưng ngựa thì tuyệt. Ông cũng sẽ trở nên giàu có và con có thể giúp đỡ những người thân thuộc của ông hay hạnh phúc thật sự nữa là khác. Hoặc ông có thể là một thương gia thành công và kiếm được nhiều tiền của. Kém nhất thì ông cũng có thể đi làm việc được và chắc chắn sẽ có thức ăn ngon, quần áo đẹp. Cho đến bây giờ, chuyện đó dường như chưa đến với ông, nhưng bây giờ ông hãy bắt đầu suy nghĩ đi.”

Nhưng một người lớn tuổi hơn và có vẻ khôn ngoan hơn nói:

“Anh ta có vẻ là một người hiến mình rất vĩ đại và không thích nghe chúng ta nói về sự khôn ngoan thế tục đó đâu. Tốt hơn chú hãy im lặng đi.” Rồi ông ta nói với tôi:

“Xin ngài hát cho chúng tôi nghe một bài khác và dạy cho chúng tôi qua bài hát đó.”

Tôi đáp:

“Dường như tất cả các anh đều nghĩ rằng tôi là kẻ khốn cùng và bất hạnh, nhưng sự thực không ai trong cõi đời này hạnh phúc hơn tôi, không ai thành công vĩ đại hơn tôi, nhưng các anh không bao giờ hiểu được điều đó đâu. Tôi sẽ hát cho các anh nghe về những gì tôi vui hưởng cũng như các anh vui hưởng bất cứ lạc thú nào trong thế giới của các anh. Hãy lắng nghe tôi hát.”

Và tôi hát cho họ nghe bà “Du Già Hành Giả Ca”:

 

 “Trong Cung điện Thân ta,

 Trong lồng ngực chiếc bàn thờ là

 Con ngựa Tâm đang dậm chân vênh váo.

 Phải dùng Thòng lọng nào để bắt ngựa này?

 Phải buộc nó vào Trụ nào?

 Phải nuôi dưỡng nó bằng thức ăn nào?

 Phải cho nó uống gì và

 Phải để nó nơi nào cho ấm?

 Thòng lọng là Mục tiêu Duy nhất;

 Trụ cột là Thiền định,

 Thức ăn là Giáo lý của Đạo sư;

 Nước uống là Dòng Ý thức

 Chỗ nhốt nó là trong thời tiết lạnh là Tánh Không.

 Dùng Ý chí làm Yên, Lý trí làm Cương;

 Kiên định Bất động là sợi Đai buộc bụng;

 Các luồng Sinh Khí là dây Giàm buộc đầu và Cương buộc mũ.

 Kỵ sĩ là Nhiếp tâm:

 Mũ sắt y đội là Vị tha;

 Áo giáp của y là Học thức và Chiêm nghiệm;

 Trên lưng là Chiếc Thuẫn Nhẫn nhục;

Trong tay là Mũi Giáo Ước nguyện;

Bên hông là Lưỡi Gươm Trí Tuệ;

Những mũi tên là những tia Đại Tâm được thẳng là do không oán ghét và giận dữ. Đuôi tên gắn những chiếc lông Bốn Hạnh Vô Lượng;

Đầu tên bịt bằng Tri thức tinh minh.

Chiếc cung có thể uốn cong là Thần trí kiên định được sửa chữa

Trong Lỗ hổng của Phương pháp đúng và Con đường đúng.

Những mũi tên này được kéo ra đến Khoảng Rộng Đầy Người;

Khi bắn ra rơi xuống khắp mọi quốc gia,

Phấn khích những Kẻ Thành tín,

 Và giết con Quỉ Vị kỷ.

Như thế là những Ác Phiền não được chế ngự,

Và tất cả loài người, những kẻ cùng huyết thống với chúng ta được an toàn.

Con Ngựa phi nước đại theo Đồng bằng Hạnh phúc thênh thang

Với cõi Phật là Cứu cánh.

Bỏ lại sau nó những Triền phược của vạn sự thế gian,

 Phía trước nó là chỗ an toàn Giải thoát.

 Như thế đó là hướng ta đang hướng về Phật tánh.

Bây giờ, các anh có nghĩ đây là ý tưởng về Hạnh phúc của các

 anh không?

 Hạnh phúc thế gian, ta không dùng đến.”

 

Họ đã lắng nghe tôi hát và tôi tin rằng tôi đã tạo cho họ một ấn tượng nào đó khi họ từ giã, có lẽ tôi đã làm cho họ vững niềm tin. Và bây giờ đã hoàn toàn thảnh thơi, tôi tiếp tục cuộc hành trình cho đến khi tôi đến một nơi có thể nhìn bao quát được phong cảnh huy hoàng trước mặt. Tôi đã dừng lại ở đấy một lúc. Tôi nằm dài xuống bên lề đường để thưởng thức phong cảnh.

Khi tôi nằm ở đó, một đám thiếu nữ đến gần và khi nhìn thấy tôi, một cô kêu lên:

“Trời ôi, người gì mà khiếp quá! Cầu trời đừng bao giờ cho con sanh ra giống như người đó!”

Một cô khác nói:

“Ghê quá! Nhìn anh ta làm em phát khiếp.”

Nghĩ rằng họ là những người vô minh đáng thương, tôi đã đứng dậy vì thương xót họ và trách họ như thế này:

“Này các cô, đừng nói như thế. Không có gì để các cô lo lắng vì các cô sẽ không bao giờ được sinh ra giống như tôi đâu, dù cho các cô có cố gắng đến một trăm năm nữa cũng vậy. Đó là điều đáng thương nhưng lòng thương xót và sự tự kiêu không phải là hai kẻ đồng minh vì tự kiêu không có gì vững chắc. Bây giờ hãy lắng nghe bài hát này.” Một lần nữa tôi laị cất tiếng hát bằng những lời êm ái nhã nhặn, nói rõ rằng tất cả mọi người đã nhận thức sai lầm như thế nào về các giá trị, và không ai lo lắng cho kẻ khác mà chỉ lo cho mình thôi. Tôi quả quyết với họ rằng lòng thương xót của chúng ta hỗ tương nhau, nhưng lòng thương xót của tôi đối với họ đặt căn bản trên sự hiểu biết. Tôi cũng nói cho họ biết tên tôi để họ biết họ đang gặp ai.

Khi bài hát chấm dứt, người thiếu nữ đã tỏ vẻ thương hại tôi tỏ ra xấu hổ và nói với các cô bạn:

“Đây là Milarepa danh tiếng và chúng ta vì tự kiêu đã nói năng một cách rồ dại; bây giờ chúng ta hãy xin lỗi ông ta đi.”

Cô ta xin lỗi, nằm phục xuống và dâng tặng tôi ít tiền, cô ta yêu cầu tôi hát nữa để ban phúc cho họ. Tôi đã hát để ban ân cho cô ta. Tôi tiếp tục về đề mục về những giá trị khác nhau trước đó và làm sao người ta có thể nghĩ đến một kẻ phóng đãng nhiều hơn một người mộ đạo thành tín trong thế gian này. Cuối cùng, tôi tha lỗi cho họ về sự tự phụ kiêu căng và cảm ơn cô ta về sự cúng dường.

Tôi tiếp tục đi cho đến khi tôi đến một hang động mà người địa phương gọi là “Lâu Đài Ánh Nắng,” tôi đã sống ở đó vài tháng để tiếp tục thiền định và tôi được dân địa phương chung quanh cung cấp thức ăn đồ uống đầy đủ. Mặ dù được mãn nguyện trong một thời gian, tôi biết điều này sẽ đưa sự tiến bộ của tôi đến bước thoái hậu, vì đông người quá sẽ trở thành quấy nhiễu cho việc thiền định. Vì thế tôi nghĩ đến một lố những hang động mà Đạo sư tôi đã nhắc đến và tôi lại ra đi, lần này tôi hướng về Ngọn Everest.

Ngay trước khi tôi khởi hành thì Peta đến tìm tôi với một tấm vải len mà nó xoay xở kiếm được. Nó đã đến cái hang cũ và thấy tôi đã đi rồi. Nó dọ hỏi và những người trong làng bảo rằng có một nhà tu khổ hạnh giống như một con sâu bướm đã đi qua con đường đó. Nó theo con đường tôi đi, cho đến khi tìm thấy tôi. Trên đường đi, Peta thấy một Lạt-ma sang trọng hào nhoáng, Lạt-ma Bari-Lotsa-wa, chểm chệ trên trên đài cao dưới một tàng lọng lớn, mặc áo lụa màu sặc sỡ; các đệ tử vây quanh ông thổi tù và để làm cho người ta chú ý. Và chung quanh Lạt-ma này thiện nam tín nữ cúng dường. Thấy thế, Peta nghĩ: “Tại sao anh ta không thể như thế này được? Những người khác thụ hưởng đạo phẩm của họ, đạo của anh ta hoàn toàn thanh tu, anh ta lại còn xấu hổ ngay cả với người thân thuộc nữa. Nếu ta có thể gặp được anh ấy, ta phải cố gắng thuyết phục anh ấy đến làm đệ tử của vị Lạt-ma này.” Nhiều lần hỏi thăm những người ở thị trấn nữa, nó biết rằng người ta đã thấy tôi trong vùng này, vì thế cuối cùng Peta đến được chỗ ở mới của tôi với lòng đầy ý định tốt và tay mang tấm vải len.

Peta bắt đầu nói ngay với tôi:

“Bây giờ anh hãy nghe đây, sự thực anh không thể tiếp tục sống như thế này được. Sống trần truồng đói khát mà anh gọi là sống tu hành đạo hạnh, không những anh không biết xấu hổ mà anh còn phi luân lý nữa! Với tấm vải len này, anh hãy may một chiếc quần để mặc và hãy đến Lạt-ma Bari- Lotsa-wa, một Lạt-ma rất vĩ đại, hoàn toàn khác hẳn anh. Ngài ngự trên ngai dưới tàng lọng lớn, mặc những chiếc áo lụa, ngài luôn luôn uống trà hay bia. Đệ tử và tín đồ vây quanh ngài đông đảo, và bất cứ nơi nào ngài đến, họ cũng đến đón tiếp, thổi kèn hay tù và. Bất cứ chỗ nào ngài ở, cũng có đám đông tụ hội, mang nhiều lễ vật có giá trị đến dâng cúng. Chắc chắn ngài được thiên hạ coi là một vị Đại Lạt-ma. Em muốn anh đến đó, cố gắng làm đệ tử ngài. Dù cho anh có làm người thấp nhất trong hạng thấp cũng vẫn tốt hơn hoàn cảnh hiện tại của anh. Chúng ta không thể tiếp tục sống với sự hiến mình cho cái nghèo của anh, và em ở trong cảnh bất hạnh. Chúng ta sẽ chết mất!” Xúc động trào dâng trong lòng, Peta bật khóc.

Một lần nữa, tôi phải giảng giải về ý nghĩ sai lầm về những giá trị mà Peta chấp giữ giống như tất cả những người khác, để cố gắng an ủi nó. Tôi nói:

“Đừng nói vậy Peta, em xấu hổ vì anh trần truồng. Nhưng anh hãnh diện về sự đạt Chân lý của anh, Chân lý mà nếu anh không phải là người thì không thể đạt được. Vì thế, anh không thể thấy việc gì anh phải xấu hổ về thân thể anh. Anh sanh ra như thế này. Hãy để cho những ai cảm thấy xấu hổ làm những điều ác và làm nát lòng cha mẹ họ, thèm khát những gì được người ta dâng cúng và họ vô lương tâm trong sự đuổi theo nhũng mục đích vị kỷ của họ, không cần biết có đau đớn, đau khổ vì việc làm của mình hay không. Chỉ có những kẻ đó mới cần cảm thấy xấu hổ. Nhưng nếu em cảm thấy xấu hổ khi thấy thân thể anh với những gì khi sanh ra anh đã có, còn bộ ngực em, khi sinh ra em không có nhưng chỉ có sau này, và bây giờ nó hoàn toàn nổi bật, thì sao? Cũng như em nghĩ rằng anh thiền định trong nghèo khổ bởi vì anh không thể làm việc hay kiếm tiền được là em lầm. Nó là thế giới huyễn ảo và những chướng ngại của nó mà anh sợ bị vướng mắc trong đó. Anh cảm thấy sự đau đớn và đau khổ của thế gian tựa như những ngọn lửa đang đốt cháy da anh. Anh chán ghét nghĩ đến vật sở hữu thế gian và sự thèm khát những thứ đó bành trướng ra như một người nóng tính chán ghét nhìn thấy và suy nghĩ đến những món ăn nhiều chất béo. Đạo sư của anh, Dịch giả Marpa, bảo anh hãy từ bỏ những liên hệ, những vật sở hữu thế gian; hãy làm việc không cần thức ăn, quần áo, và cả danh vọng nữa; sống trong cô tịch để thực hành những sự sùng mộ của anh với năng lực và kiên nhẫn. Biết rằng đây là mệnh lệnh của Đạo sư của anh, đây là những gì anh làm. Những kẻ theo anh sẽ không có sự dễ dãi hay tiện nghi, nhưng anh sẽ nâng đỡ nguyên nhân tạo ra [hạnh phúc] của mọi chúng sinh bằng hình thức sống này. Tại sao cứ nghĩ về cuộc sống trong khi em không bao giờ biết cái chết sẽ đến lúc nào? Nếu anh muốn, anh sẽ có tất cả mọi thứ giàu sang xa xỉ mà vị Lạt-ma của em có, thế thì tại sao anh lại phải trở thành một trong những tín đồ tầm thường nhất của ông ta? Thành Phật là điều mà anh theo đuổi và dốc hết sức mình để đạt được trong đời này. Này Peta, em cũng vậy, em hãy đến đây với anh, huynh trưởng của em, và em sẽ sống cuộc sống thiền định trong cái hang mới của anh. Nếu em có thể từ bỏ thế tục tầm thường, em sẽ tìm thấy hạnh phúc chân thật.”

Rồi tôi hát cho Peta nghe một bài hát để thúc giục nó trong giờ phút đó, kể ra những vật sở hữu của Lạt-ma Bari-Lotsa-wa và tuyên bố rằng tôi cũng có thể có tất cả những thứ đó nếu tôi muốn, nhưng tôi thích rút lui vào vào thâm sơn cùng cốc để thiền định hơn. Giờ chết thì quá bất định, không nên phí thì giờ để cãi cọ vô ích. Nếu Peta muốn bám chặt vào thế gian rồi nó sẽ tạo nên một đống nghiệp khổng lồ và nếu nó nhìn thấy ánh sáng thì nó sẽ đến với tôi, vào núi để thiền định trong suốt những năm còn lại của đời nó, tùy nó quyết định.

Khi bài hát chấm dứt, Peta nhún vai:

“Em thấy rằng anh cố ý đồng hóa sự dễ dàng và tiện nghi với cuộc sống thế gian. Tất cả những lời thuyết pháp của anh chỉ là những lời biện hộ bào chữa bởi vì anh biết rằng không bao giờ anh có thể trở thanh giàu có thừa thải như Lạt-ma Bari-Lotsa-wa. Nếu em phải đến sơn cốc với anh, em sẽ hoàn toàn khốn khổ vì không có gì để ăn, không có gì để mặc – và em cũng sẽ không biết cả núi Everest ở đâu nữa là khác. Bây giờ anh ơi, xin anh hãy ở yên một chỗ, đừng có chạy lung tung nơi này nơi nọ giống như con thú chạy rong, tìm chỗ ẩn trú trong các hang động, và đeo bám vào các gành núi như một con dê, để em có thể tìm anh dễ một chút. Những người ở đây dường như đã hơi kính trọng anh, vì thế tốt hơn anh nên ở luôn lại đây. Dù sao anh cũng hãy ở lại đây ít ngày. Anh hãy tự may quần áo với tấm vải này, và em sẽ trở lại ngay.” Và Peta lại ra đi tìm những gì có thể tìm được bằng sự xin xỏ.

Để làm bổn phận, tôi cắt tấm mền ra, và đầu tiên tôi may một cái mũ để trùm đầu, một cái bao nhỏ để trùm mấy ngón tay, một cặp cho hai bàn chân, và một cái ngăn cho bộ phận mà sự hiện diện của nó làm em gái tôi rất ngượng! Vài hôm sau Peta trở lại, muốn xem xét kết quả việc làm của tôi – và khi tôi đưa ra cho nó xem, nó phẫn nộ vô cùng. Tôi đeo từng chiếc bao nhỏ vào…

Peta hét lớn:

“Anh ơi, anh thật chưa phải là người và cũng chẳng biết xấu hổ. Này, anh phá hỏng tấm mền mà em phải khổ nhọc hết sức mới kiếm được cho anh. Dường như đôi khi anh không có thì giờ để thiền định, đôi khi anh lại phí quá nhiều thì giờ để làm một việc như thế này.”

Tôi nói một cách bình tĩnh:

“Anh quả quyết với em rằng anh là một người xứng đáng với tiếng người nhất vì anh đang hướng đời anh đến một điều có thể nói là tốt đẹp nhất. Biết những gì thật sự đáng xấu hổ và những gì thực sự không đáng xấu hổ, vì thế anh đã sống cuộc sống tu hành này. Dường như em cảm thấy xấu hổ vì hình dạng tự nhiên của anh và vì khó có thể cắt đi cái cơ quan làm em quá bối rối khi em cảm thấy nó như vậy, nên anh đã may một cái bao để bao nó lại; và những cái kia cũng tương tự như vậy nên anh nghĩ rằng em cũng muốn anh che chúng lại cho tử tế. Anh không phí tấm mền của em đâu, nó đã được dùng theo ý em muốn vì bây giờ anh đang dùng nó để che phủ cái cơ quan khiến em hổ thẹn này. Vì em quá kiểu cách và còn nghi lễ hơn anh rõ ràng. Rồi hãy để anh nói cho em nghe, xem anh có hổ thẹ hơn em hay không. Tốt hơn em hãy cắt bỏ nhanh những cơ quan xấu hổ của em đi!”

Đến đây khuôn mặt Peta trở nên hờn giận, vì thế tôi tiếp tục:

“Những người thế gian không biết chỗ nào xấu hổ và chỗ nào không xấu hổ. Cái gì đáng xấu hổ là những hành vi xấu xa, thì họ là những kẻ ít biết xấu hổ nhất cho chính họ trong những việc họ làm; vì thế họ thực sự không thật biết về những gì đáng xấu hổ và cái gì không đáng xấu hổ.”

Rồi tôi hát cho Peta nghe một bài hát nữa nhấn mạnh điểm này và thêm rằng những người tu hành khổ hạnh đã từ bỏ những khoái lạc thế gian và bắt đầu cầu Chân lý không cần để ý đến những tiêu chuẩn ước lệ tầm thường về lễ nghi hay không lễ nghi. Peta, em gái của tôi, đang tự làm phiền nó một cách vô ích với những ước lệ này.

Peta vẫn con giận hờn, tuy nhiên khi tôi chấm dứt bài hát, nó chỉ trao cho tôi những thực phẩm mà nó đã dành dụm khi nó đi xin, và nói:

“Anh quả thật không thể sửa đổi được và không bao giờ nghe lời em cả, nhưng dù sao em cũng không thể bỏ mặc anh được. Anh hãy cầm lấy những cái này và để xem em có thể tìm được gì nữa hay không.”

Rồi Peta quay đi; nhưng tôi muốn thay đổi Peta bằng cách suy nghĩ của tôi. Tôi lay hoay thuyết phục nó ở lại cho đến khi hết thức ăn, vì dù nó không tập tự hiến mình, ít nhất nó cũng không thể làm bất cứ điều gì nó không nên làm khi nó ở với tôi. Trong khi Peta ở với tôi, tôi đã giảng giáo lý về Nghiệp cho nó không ngừng, cối cùng dường như tôi đã gây được một ấn tượng nhỏ trong đầu óc Peta. Vì thế Peta đã bắt đầu thấy hơi thích tôn giáo một chút.

Và một hôm có bóng ai xa xa đang hướng về phía chúng tôi. Nhưng đó chỉ là người thím già độc ác của chúng tôi! Người ta cho biết rằng chồng bà đã chết, bà đã có sự thay đổi hoàn toàn trong lòng liên quan đến cách cư xử của bà đối với chúng tôi, và lòng bà tràn ngập hối hận vì những sai lầm mà hai người – bà và chồng bà – đã đối xử với chung tôi, và bây giờ bà đến với một con bò yak trên lưng chở nhiều phẩm vật và tìm tôi khắp nơi. Cuối cùng bà đã đến ngôi làng bên dưới sơn cốc của tôi. Bà đã để lại con bò yak và phẩm vật nơi đó, và bà trèo lên sườn núi mang theo những gì bà có thể mang được. Peta nhìn thấy bà trước, kêu tôi:

“Sao bà thím độc ác của chung ta, người đã gây cho chúng ta bao nhiêu đau khổ lại đến đây làm gì? Chúng ta đừng dây dưa với bà ta nữa!” Vừa nói Peta vừa cất chiếc cầu nhỏ bắt ngang qua cái hố chia cách sơn cốc với con đường nhỏ bên kia.

Bà thím của chúng tôi đến bên hố và dừng lại ở đó, nói với Peta:

“Cháu ơi, đừng cất chiếc cầu, thím già của cháu muốn qua đấy.”

“Thế tại sao tôi lại không cất chiếc cầu?” Peta đáp một cách hỗn láo.

Bà ta nói: 

“Thím không thể trách cháu được, nhưng thím đã thực sự hối hận một cách chua cay nhất vì những việc thím đã gây ra cho hai cháu, xin cháu đặt chiếc cầu lại; hay nếu cháu không đặt, ít nhất cháu cũng nói với anh cháu rằng thím đang ở đây.”

Ngay lúc đó tôi đến và ngồi trên một ụ đất bên cạnh chúng tôi. Bà tiến đến cúi đầu chào tôi và van xin tôi cho phép bà qua để nói chuyện. Vì là người tu hành, tôi cảm thấy rằng tôi không thể từ chối lời yêu cầu của bà, có thể là chân thật, nhưng ít nhất nó cũng cung cấp một ít sự thật ở nhà. Vì thế tôi nói: 

“Tôi đã từ bỏ những người thân thuộc của tôi với tất cả sự vật thế gian và nhất là tôi từ khước các người, chú và thím. Chưa thỏa mãn với những ngược đã của thím đối với chúng tôi là những đứa trẻ mồ côi, khi tôi đã trở thành một người tu khổ hạnh mà cơ duyên đã đến cửa nhà thím, thím lại thả chó cắn tôi, thím còn đánh đập tôi tàn nhẫn.”

Rồi tôi bắt đầu hát cho bà nghe một bài hát về những hành động lỗi lầm của bà và kết thúc bằng lời từ chối cách cư xử của bà đối với Peta là người ít nhất về mặt vật chất đã cố gắng giúp đỡ tôi rất nhiều, mặc dù nó thiếu sự mến thích Đạo lý. Và tôi buộc bà phải từ giã khi đã có cơ hội.

Bài hát này làm cho thím tôi cảm động và bật khóc. Bà chấp nhận những lời tố cáo của tôi, nhưng tôi nhắc lại những lời cam kết thành thật sám hối tội lỗi của bà và bà xin tôi tha thứ. Bà nói:

“Thím đến đây với ước mong thật sự muốn gặp cháu. Nếu cháu không muốn thím qua với cháu, thím sẽ tự tử ngay đây.”

Tôi thấy rằng cuối cùng bà đã thành thật và vì tôi ở vị thế phải tha thứ khi bà đã hối lỗi trong những điều kiện như thế. Tôi bắt đầu đặt cầu xuống, mặc dù Peta đụng khuỷu tay tôi, thì thầm bảo rằng chúng ta đừng có tin mụ già độc ác chút nào hết. Tuy nhiên, sự hoài nghi của Peta lúc này không vững. Thím tôi thực sự đã thay đổi, và bà qua đến cốc của tôi với những tặng phẩm. Bà ngồi xuống nghe trong khi tôi giảng về Nghiệp – như thế từ từ bà được cải hóa và sau cùng bà đã tiến đến mức cuối cùng trong đời sống tu hành.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Hai 2014(Xem: 9913)
29 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 18651)
01 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 14124)
11 Tháng Mười Một 2013(Xem: 7453)
19 Tháng Mười 2013(Xem: 13573)
08 Tháng Mười 2013(Xem: 13850)