11. Tạm Nghỉ

17 Tháng Chín 201200:00(Xem: 7703)

RECHUNG
ĐỖ ĐÌNH ĐỒNG dịch
MILAREPA
CON NGƯỜI SIÊU VIỆT
Nguyên tác Tây tạng: Mila Khabum - Tác giả: Rechung
Anh dịch: Lama Kazi Dawa-Samdup
Cô đọng và phóng tác: Lozang Jivaka
Việt dịch: Đỗ Đình Đồng

XI

TẠM NGHỈ

 

Tất cả câu chuyện phong phú tôi đang viết xuống đây do chính Sư phụ yêu quí của tôi kể lại cho chúng tôi nghe và những đoạn sau đây, một ít tôi là người chứng kiến, một ít tôi nghe các đệ tử khác đã sống bên cạnh ông cho đến khi ông nhập diệt, hay như người ta thường nói, “chuyển lên Thượng giới,” kể lại. Song khi ông kể đến đây mà trong chúng tôi không một ai thỏa mãn, trái lại, chúng tôi còn xin ông kể nữa cho chúng tôi nghe.

Tôi thưa:

“Bạch thầy, câu chuyện của thầy đôi khi khôi hài, song về toàn thể, nó rất xúc động khiến mọi người rơi lệ. Xin thầy kể cho chúng con nghe thêm vài câu chuyện vui nho nhỏ nữa đi.”

 

Ông nói:

“Nguyên nhân thật sự gây cười duy nhất là sự thành công sau chót của tôi, vì nhờ kết quả của nó mà tôi độ được chúng sinh và đưa họ trở về con đường chánh, cả loài người lẫn các loài khác trong các cõi hiện hữu khác nhau. Như thế, tôi đã phụng sự cho niềm Tin Phật Đạo.”

Tôi hỏi thêm:

“Bạch thầy, những đệ tử đầu tiên của thầy là những ai, họ là người hay những ai khác?”

Mialrepa đáp:

“Không phải là người, họ là những chúng sinh ở các cõi trên. Sau đó, các đệ tử người mới bắt đầu tụ hội.”

Seban hỏi:

“Bạch thầy, vả chăng ngoài những am cốc thầy đã kể, thầy còn tu tập thiền định ở nơi nào khác nữa?”

Miarepa đáp:

“Đó là một nơi khác quan trọng ở Nepal. Hơn nữa có sáu sơn cốc nổi tiếng ở nước ngoài, sáu cốc vô danh ở trong nước và sáu cốc bí mật; còn hai cốc nữa tạo thành hai mươi thành trì. Dĩ nhiên còn nhiều cốc nhỏ mà thỉnh thoảng tôi đã ở bất cứ nơi nào có đủ những vật cần thiết. Cho đến cuối cùng, đối tượng thiền định, hành động thiền định, và người thiền định tương giao quá mật thiết đến độ tôi không biết thiền định như thế nào.”

“Bạch thầy,” tôi nói vì một ý nghĩ đến với tôi, “chúng con đang được sưởi ấm trong hào quang suy tưởng của thầy, đang thụ ân những thành quả chiến đấu của thầy, và đang học tập theo sự chỉ dạy của thầy; nhưng sự việc sẽ không luôn luôn như thế. Những người mai sau không có cơ duyên hầu chuyện với thầy và họ không bao giờ biết thầy, như thế họ sẽ dược lợi ích từ những nơi chính thầy đã ở, xin thầy nói cho chúng con biết tên những am cốc đó, như thế họ có thể đến viếng.”

Rồi Milarepa kể tên tất cả những am cốc đó làm lợi ích cho chúng tôi và cho những ai sẽ đến trong mai sau. Câu chuyện Milarepa kể về cuộc đời ông cho chúng tôi nghe đã làm cho những người nghe phát lòng tin thâm sâu. Tất

cả chúng tôi xúc động sâu xa khi nghe câu chuyện về những người phát triển cao độ đã quyết tâm hiến mình hoàn toàn và trọn vẹn theo vết chân ông từ bỏ thế gian để sống cuộc đời thiền định. Nhiều người khác, cả nam lẫn nữ, cũng là những tín đồ tại gia, bây giờ lại thêm những nỗ lực mới, họ dứt bỏ những mối ràng buộc với mọi sự vật thế gian và, đồng thời một số người trong bọn họ đã trở thành những hành giả Du già, nam và nữ. Những người kém mở mang hơn đã hiến một số thời gian hàng ngày cho tu tập thiền định, và những người khác còn thấp hơn cả hạng ma quỉ cũng đã quyết định từ bỏ những gì có thể là lầm lỗi phi thường và thực hiện một hành động thiện đặc biệt thay thế. Như thế không ai nghe chuyện mà không cải thiện và thu được nhiều lợi ích.’

Vẫn còn nhiều điều để ghi lại, có thể cho cả vào đây; câu chuyện về cuộc chiến đấu chống lại những địch thủ không phải là người và cuối cùng ông đã chuyển hóa được, về sự đến thụ giáo của những đệ tử đầu tiên mà họ là những đệ tử thân cận nhất, và những người khác thỉnh thoảng đến nghe giảng Pháp và rồi lại ra đi sau khi nghe dược những điều hay hơn. Phần nhiều những bài giảng Pháp thường mang hình thức của bài hát – nhũng bài hát riêng của Milarepa đã hát, như độc giả biết, nhất là khi nào xúc động hay cần nhấn mạnh điểm nào đó. Trong những bài hát này, bài nổi tiếng nhất có lẽ là “Khúc Hát Tuyết Rơi” đã khiến ông xuất hiện vinh quang. Một bài khác cũng rất nổi tiếng là “Tán Ca cho Những Con Chim Câu.”

Cũng có một chương ghi lại cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với Đạo sư yêu quí của tôi. Vào lúc đó tôi là một người bị bệnh cùi – một người sống ngoài lề xã hội. Nhưng khi Milarepa gặp tôi, bảo tôi mang một số Giáo lý từ Thiên trúc về Tây tạng sau khi đã nói rõ chỗ hẹn gặp. Và trong khi ông đang thiền định trong một sơn cốc ông đã chỉ hướng cho tôi đến tìm. Sau đó tôi trở lại Thiên trúc để chữa bệnh. Ngay khi tôi trở về với Sư phụ tôi, tôi sống với ông trong một sơn cốc với các đệ tử khác nhập bọn với chúng tôi. Những đệ tử khác cũng đã gặp ông tương tự như vậy, dường như do cơ duyên mà gặp gỡ. Một trong các đệ tử là một cậu bé chăn cừu và nhiều đệ tử khác là nữ nhân.

Trong khi ở trong một sơn cốc ở Nyanam với vài đệ tử, một đại Hành giả Du già Thiên trúc tên là Dharma Bodhi đến viếng Milarepa và cúi đầu đảnh lễ với ông. Việc này được loan truyền một cách nhanh chóng và làm tăng thêm sự tôn kính của mọi người nên Sư phụ tôi được giữ ở lại đó. Nhưng việc này cũng làm dấy động lòng ganh tị của của một Lạt-ma khác nổi danh về học thức siêu hình và sự can đảm tranh luận của ông ta. Ông ta đã đưa ra cho Milarepa nhiều vấn đề siêu hình. Nhờ Năng lực Thượng thừa, Milarepa đã trả lời những vấn đề đó một cách dễ dàng. Chẳng bao lâu sau đó tôi lại sang Thiên trúc, và khi tôi trở về, ông đã đến gặp tôi vì bằng tha tâm thông ông đã biết tôi trở về.

Nhiều cuộc gặp gỡ của Milarepa với nhiều nhân vật nổi bật đã trở thành đệ tử của ông đã được ghi lại, vài người trong bọn họ đã là tăng nhân thọ giới và chính họ đã là những Đạo sư với quyền riêng của họ. Khó có người nào đến tiếp xúc với ông mà không có sự khai mở về mặt tâm linh.

 

Như vậy qua tình thương không biên giới vì nhân đạo, Milarepa đã truyền bá rộng rãi và làm mạnh thêm Niềm Tin Phật giáo trên thế gian vào thời ông, cứu độ nhiều người mà họ sẽ không có gì tốt hơn cho cuộc sống của họ nếu họ không đến với ông.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn