HUYỀN THOẠI TÁI SINH CỦA THÁNH TĂNG ZONG
Tâm Huy
Tây Tạng xưa nay là xứ huyền bí. Đó là vùng đất thường được gọi là mái nhà của thế giới, nơi sản sinh ra nhiều bậc thánh giả siêu việt, mà ngài Lạt Ma tái sinh Zong Rinpoche là một trong những hình ảnh tiêu biểu.
Chọn Gia Tộc Để Tái Sinh
Ngài Lạt Ma Zongtrul Jetsun Losang Tsondru Thubten Gyaltsen, hay thường được biết với danh hiệu ngài Kyabje Zong Rinpoche, sinh vào năm 1905 tại tỉnh Kham thuộc miền đông Tây Tạng. Thân phụ và hai nội tổ của ngài đều là những hành giả mật tông và là 2 lần tái sinhtrước của ngài Kyabje Dorie Chang (“Vajradhara – Kim Cang Tổng Trì,” như Kyabje Zong Rinpoche) đã sinh vào gia tộc Zong-go: Zongtrul Phuntsok Chopel và Zongtrul Tenpa Chopel (1836-1899).
Với người phàm thì do nghiệp lực đưa đẩy mà thọ sinh chứ không có khả năng chọn lựa hay tự quyết định. Nhưng với những bậc thánh như ngài Zongtrul Tenpa Chopel thì đã tự mình quyết định con đường sinh tử qua việc chọn lựa gia tộc để tái sinh trước khi viên tịch. Chuyện kể rằng trước khi ngài tịch, người chồng của cô cháu đã đến thăm ngài và thành công thỉnh cầu ngài kéo dài thêm thọ mạng. Lần đó ngài không thị tịch. Nhưng lần sau, khi ngài Zongtrul Rinpoche sắp tịch, thì cũng người chồng của cô cháu này đến thỉnh cầu ngài kéo dài thọ mạng như lần trước. Tuy nhiên ngài đã từ chối, chỉ chấp nhận lời thỉnh cầu tái sinh trở lại cùng gia đình này. Ngài đã cho thân nhân 3 trái mơ. Rinpoche bảo người chồng của cô cháu này ăn một trái, còn trái thứ hai thì đưa cho người cháu gái, và trái cuối cùng thì trồng ở trước nhà của họ. Rinpoche dạy thêm rằng, “Khi nào cây mơ có trái đầu tiên thì ta sẽ tái sinh lần nữa vào gia tộc Zong-go!” 5 năm sau, Zongtrul Rinpoche đã hoàn thành lời hứa.
Thời Kỳ Xuất Gia và Học Đạo
Năm 1916, sau khi ngài Zong Rinpoche được công nhận là người tái sinh của ngài Zongtrul Tenpa Chopel, lúc 11 tuổi ngày đã thực hiện cuộc hành trình dài và gian truân tới miền trung Tây Tạng. Ngài vào tu học tại Tu Viện Gaden Monastery, một trong những đại học viện của Tây Tạng. Ngài Zong Rinpoche được một vị Lạt Ma 14 tuổi là ngài Kyabje Trijang Rinpoche và ngài Kyabje Trijiang Rinpoche hướng dẫn.
Vị Tăng sĩ trẻ này sống rất giản dị. Thay vì phải có bàn để đọc kinh sách, thì ngài đã tự lấy cái hộp trà kê trên những miếng gạch làm cái bàn để đọc. Ngài đã siêng năng tinh tấn dồn hết chú tâm vào việc học. Dường như ngài không có thích thú gì đến chuyện ăn uống, chỉ sống bằng việc ăn uống rất đơn giản. Với lối sống khiêm tốn và những chiếc áo cũ mèm, thường bị tuột xuống và nhàu nát vì ốm yếu thể lựclúc đứng tranh luận, ngài trông giống bất cứ chú tiểu nào khác ở tỉnh lẻ Kham là những chú có đủ phước duyên để vào đại học viện đầy uy tín này.
Trong thời gian khóa tranh biện suốt đêm về Nhận Thức Luận (Pramana) giữa hai đại học song sinh của Ganden là Shartse và Jangtse, ngài đã làm các học giả kỳ cựu của Jangtse ngạc nhiên với năng khiếu tranh luận sâu sắc. Một năm sau, cùng một khóa tranh luận, biện tài xuất chúng của ngài Zong Rinpoche đã khiến cho vị Lạt Ma nổi tiếng Geshe “Amdo” Sherab Gyatso phải khen rằng, “Không có cuộc tranh luận nào giá trị hơn về chủ đề này ngay dù chính ngài Pháp Xứng (Dharmakirti) có mặt ở đây!” Cùng với năng khiếu ghê gớm trong tranh luận, ngài Zong Rinpoche còn sở hữu sự thông minhlãm bác và năng lực vĩ đại của trí nhớ, và tên tuổi của ngài từ từ được biết đến tại tất cả 3 đại tu việnlớn nhất của dòng Gelug của miền trung Tây Tạng, đó là các tu viện Ganden, Drepung, và Sera.
Vào năm 1930, lúc ngài 25 tuổi, Zong Rinpoche đã nhận được học vị vinh dự cao nhất Geshe Lharampa. Zong Rinpoche cũng hài lòng về cuộc thi thành công tại Đại Học Gyuto Tantric College. Những thành tựu này đã khẳng định danh tiếng của ngài như là một học giả hoàn bị.
Thời Kỳ Hành Đạo
Vào năm 1937, Reteng Rinpoche, vị Nhiếp Chính của Tây Tạng, đã công cử ngài Zong Rinpoche, 33 tuổi, làm Tu Viện Trưởng Tu Viện Gaden Shartse Monastery. Ảnh hưởng của Tu Viện Trưởng Zong Rinpoche vẫn còn được cảm nhận đến ngày nay tại Tu Viện này. Cùng lúc đạt danh vị học viện có sự thành đạt cao nhất, Gaden Shartse cũng trở thành biểu tượng nổi bật về giới luật thiền môn, điều mà ngài Zong Rinpoche giữ gìn như là điều quan trọng nhất. Ngài cũng gây cảm hứng mạnh trong việc tu tập Mât chú và nghi lễ thiền môn, và đã cải thiện đáng kể cấu trúc điều hành tu viện. Từng trải kinh nghiệm tự thân về những khó khăn vì nghèo khổ, ngài Zong Rinpoche đã đề bạc nhiều cải cách lâu dàiđể cải thiện hoàn cảnh của họ.
Thần Lực Trong Nghi Lễ và Trị Bệnh
Sau khi làm tu viện trưởng 9 năm, ngài Zong Rinpoche về hưu vào năm 1946 và thực hiện cuộc hành hương dài tới miền đông nam Tây Tạng. Từ đó về sau, người ta được nghe những tường trình việc ngài Zong Rinpoche giúp người ta tháo gỡ những khó khăn và chướng ngại bằng cách thi triển thần lực mật tông.
Trong số những thần diệu được kể có câu chuyện về thị giác của vị Lạt Ma nổi tiếng Geshe Rinpoche Tenzin Chopel bị hư nên không thể tự đi lại được, ngài Zong Rinpoche đã thực hiện nhiều nghi lễ chữa trị mắt, và ngài Geshe Rinpoche Tenzin Chopel đã có thể tự mình chống gậy đi bộ.
Điều kỳ diệu hơn nữa là tại nhiều vùng của Tây Tạng cũng như tại Gaden, ngài Zong Rinpoche đã thi triển thần lực thành công để khuất phục nhiều vị thần địa phương không phá hoại và quấy rối. Các đồng bằng, các cao nguyên, và các khu vườn trồng trọt đã chứng kiến mùa màng tươi tốt sau khi ngài Zong Rinpoche đã đến thăm và cầu nguyện. Đặc biệt, khả năng tạo ra mưa bão của ngài đã trở thành huyền thoại.
Được Đức Đạt Lai Lạt Ma Thỉnh Cử Nhiều Chức Vụ
Sau khi quê nhà Tây Tạng bị Trung Cộng xâm lăng vào năm 1959, ngài Zong Rinpoche rời khỏi Tây Tạng và có mặt trong những người sống sót của các Tu Viện Ganden, Drepung, và Sera đến Ấn Độ. Vào năm 1965, theo yêu cầu của Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14, ngài Zong Rinpoche làm giám đốc Chương Trình Đào Tạo Các Giáo Viên Cho Các Trường Tây Tạng mới xây dựng tại Mussoorie, trông nom 58 vị học giả từ tất cả các truyền thống chính của Phật Giáo Tây Tạng. 2 năm sau, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cử ngài làm viện trưởng đầu tiên của Viện Nghiên Cứu Cao Cấp Trung Ương Tây Tạng tại Sarnath, Varanasi, Ấn Độ.
Hoằng Pháp Tại Hải Ngoại
Nhiều năm trôi qua và uy tín của ngài lan xa. Ngài Zong Rinpoche đã đi thăm viếng các trung tâm Phật Pháp tại Châu Âu, Hoa Kỳ , và Canada. Những người nào đã có duyên gặp gỡ ngài đều cảm kích sâu xa bởi lòng nhiệt thành và trí tuệ của ngài. Một trong những học trò người Tây Phương của ngài nhớ lại lời dạy của ngài rằng, “Đừng nghĩ tôi là người đặc biệt gì cả. Hãy nghĩ rằng đó là năng lực của nghiệp của chính con nên có duyên lành gặp Phật Pháp.”
Ngài Zong Rinpoche đã thể nghiệm tất cả những gì ngài dạy và đã ảnh hưởng sâu xa đến những thính chúng. Những lời dạy của ngài, theo họ quan sát, thì đó không chỉ là kiến thức thông thái, mà đó còn là nguồn suối bất tận của kinh nghiệm tự thân của ngài tuôn ra. Năng khiếu giáo thọ của ngài đã cho thấy khả năng thích ứng các phương pháp giảng dạy của ngài với những quan điểm và tính cách của tâm thức hiện đại. Ngài nổi tiếng với lối kể chuyện độc đáo rất hấp dẫn và tuyệt đối minh bạch. Ngài Zong Rinpoche vẫn giữ được các phẩm tính kỳ diệu này cho đến những ngày cuối đời. Khi ngài viên tịch đã để lại di sản của bậc đạo sư tâm linh toàn bích với năng lực nhiệm mầu, đầy thuyết phục, và thẳng thắn.
Ngài Zong Rinpoche lần đầu tiên đến Hoa Kỳ vào năm 1978 theo lời thỉnh cầu của ngài Lama Thubten Yeshe. Ngài đến Hoa Kỳ và Âu Châu 3 lần và ở lại một thời gian để hoằng pháp.
Sự Viên Tịch Kỳ Diệu
Vào ngày 15 tháng 11 năm 1984, kỷ niệm ngày đức Phật từ cõi Trời Đao Lợi của Đế Thích xuống lại nhân gian, cũng là ngày ngià Zong Rinpoche viên tịch tại Tu Viện Gaden Shartse Monastery, Ấn Độ.
Ngài Rinpoche bình thường thức dây vào lúc 3 giờ sáng và thiền định và xả thiền trước khi rạng đông. Buổi sáng hôm đó, Thầy Tenzin Wangchuk bạch với ngài Rinpoche rằng Thầy đã gọi bác sĩ từ Bệnh Viện Dueguling Tibetan Resettlement Hospital cách đó nửa dặm để đến kiểm tra sức khỏe cho ngài Rinpoche. Lúc sau 9 giờ sáng một tí thì bác sĩ tới. Sau khi khám xong, bác sĩ nói với những vị đệ tửrằng ông không tìm thấy bệnh gì nặng, chỉ là ngài Rinpoche yếu hơn và có thể dùng một ít đường tẩm bổ. Nhưng bác sĩ cho biết ông không mang theo đường, nên ông phải nhờ vị phụ tá trở về bệnh viện để lấy một ít đường mang tới. Khi các vị đệ tử vào phòng vài phút sau đó, thì vị Thầy yêu quý của họ đã viên tịch. Như ngài đã tiên tri, Rinpoche không tịch tại bệnh viện, trong cơn đau, hay từ bất cứ chứng bệnh nghiêm trọng nào. Những người gần gũi với ngài đều cảm thấy kỳ diệu làm sao khi thân thể của Rinpoche vẫn như đang nằm ngủ, không thấy rỉ nước hay đổi màu da. Rõ ràng là vị Thầy của họ đã ở trong trạng thái kỳ diệu nhất của tâm, nhập vào thiền của ánh sáng quang minh. Ngài lúc đó thọ 80 tuổi.
Vào Thứ Bảy, ngày thứ 3 sau khi ngài Zong Rinpoche viên tịch, Kyabje Zemey Rinpoche và chư vị lạt ma cao cấp khác vân tập để thực hiện nghi lễ tự truyền thụ của Chittamani Tara (Green Tara), và chư Tăng của Tu Viện Ganden Shartse, là những vị đã hoàn tất khóa huấn luyện Yamantaka, đã thực hiệnnghi lễ tự truyền thụ Yamantaka. Từ ngày ngài Rinpoche viên tịch thì không khí vẫn lặng yên không một chiếc lá nào tạo ra tiếng xào xạt trong vườn, nhưng vào khoảng 3 giờ thì thời tiết bỗng dung biến đổi và trận gió mạnh đã ập tới, thổi bay các bụi từ mặt đất vào không trung. Khi cơn gió lắng xuống dần, thì có chữ hiện ra cho biết rằng ngài Zong Rinpoche đã ra khỏi trạng thái Ánh Sáng Quang Minh và đã nhập vào cảnh giới giác ngộ. Vô số người, gồm các vị tu viện trưởng, chư vị lạt ma cao cấp, và chư vị tiến sĩ Phật Học từ tất cả 3 đại học viện đã đến để tôn kính và thực hiện các nghi lễ.
Các Dấu Hiệu Cát Tường
Những người có mặt trong những ngày này đã chứng kiến nhiều dấu hiệu khác thường. Trong ngày thứ 3, ngay trước khi lò hỏa táng được thắp lên, 7 nhà tu khổ hạnh Ấn Độ mặc y màu vàng nghệ mới và dẫn theo con voi chất đầy đồ đạc đi vào khu vực tang lễ. Khi được hỏi họ làm gì ở đó, thì họ trả lời rằng hôm nay là ngày đánh dấu một sự kiện rất cát tường, và họ xin đồ cúng dường. Thầy Tenzin Wangchuk đã cung cho họ chuối và tiền, rồi họ ra đi, rất mãn nguyện. Đó là một sự kiện hoàn toàn bất ngờ, và mọi người cho rằng đó là một dấu hiệu cát tường. Sau đó, khi chư Tăng hỏi những người trong làng về con voi, thì họ cho biết là không có bất cứ ai ở đó đã nhìn thấy con voi như vậy.
Trong truyền thống Tây Tang, con voi thường được so sánh với con trâu. Khi ngài Kyabje Zong Rinpoche là thân tái sinh của ngài Zong Rinpoche sinh vào ngày 27 tháng 5 năm 1985 là năm con Trâu, hay năm Sửu. Điều rõ rang là sự xuất hiện của con voi và những nhà tu khổ hạnh đã có ý nghĩa nhất định.
Ngày 24 tháng 11 là đêm trăng tròn. Đó là một trong những ngày mà ngài Rinpoche đã đánh dấu trong cuốn sổ tay ghi việc hàng ngày trước khi ngài tịch, và đó là buổi sáng mà các thành viên của Zong Labrang mở lò hỏa táng. Họ đã nhìn thấy chiếc sọ của ngài không cháy và hoàn toàn nguyên vẹn. Lần tái sinh trước của ngài Zong Rinpoche, là ngài Zongtrul Tenpa Chopel, là người đã viên tịch vào năm 1899, cũng đã để lại xá lợi là chiếc sọ nguyên vẹn. Xá lợi đó, có dấu hiệu chữ AH của Tây Tạng, được cất giữ cho đến ngày nay tại căn nhà của ngài Zong Rinpoche như là bảo vật của niềm tin và vinh dự.
Ngài Kyabje Zong Rinpoche Nhanh Chóng Trở Lại Nhân Gian
Khi lò hỏa tang được mở, rất nhiều hạt xá lợi được tìm thấy giữa 2 cái chảo. Cuối cùng, khi chiếc chảo ở dưới được lấy ra, mọi người có mặt tại đó đã chứng kiến trong mạn đà la bằng cát có 2 dấu chân của một đứa bé không thể nhầm lẫn, đầy đủ hai gót chân và những ngón chân. Sự phát hiện các dấu hiệu kỳ diệu này làm cho mọi người cảm nhận được niềm an lạc rất lớn, tái khẳng định niềm tin của họ vào vị Thầy của mình, và tin chắc rằng ngài sẽ trở lại nhanh chóng.
Một thời gian trước khi viên tịch, ngài Kyabje Zong Rinpoche đã đánh dấu 3 ngày trong sổ tay hàng ngày của ngài. Thứ nhất là ngày ngài trở ra từ trạng thái Ánh Sáng Quang Minh. Thứ hai là ngày hỏa thiêu. Thứ ba là ngày lò hỏa táng mở cửa. Điều này tạo niềm tin vững chắc đối với những vị đệ tử của ngày để đặt kế hoạch thực hiện các chuẩn bị truyền thống, nhưng thông điệp thực sự dĩ nhiên là ngài Rinpoche đã vượt qua cái chết bình thường và tái sinh. Những hành động kỳ diệu sau cùng của ngài đã cho thấy một cái chết được kiểm soát hoàn toàn và không sợ hãi. Những điều đó dạy cho chúng ta rằng một ngày nào đó mọi thứ rồi cũng phải đi tới kết thúc. Cuộc đời của ngài Kyabje Zong Rinpoche đã trở thành một bài học về cách sống có ý nghĩa và chết an lành.
Ngôi tháp của ngài Zong Rinpoche đã được xây xong vào năm 1986 bởi các thành viên của Zong Ladrang. Nó cao 5 feet, bằng đá quý và kim loại bảo bọc, và lưu giữ các xá lợi và pháp khí của vị thánh giả.
Thân tái sinh của ngài Zong Rinpoche đã ra đời tại miền Bắc Ấn Độ, trong Thung Lũng Kullu Valley, đối diện là khu vực đền thờ Thần Shiva thiêng liêng của Ấn Giáo và vị nữ thần phu nhân của Thần Shiva là Parvati. Thung Lũng Kullu Valley cũng là nơi chư vị lạt ma Tây Tạng tôn kính như là một trong 24 thánh địa của Heruka Chakrasamvara.
Sự ra đời của thân tái sinh lần thứ 4 Zong Rinpoche Tenzin Wangdak được đức Đạt Lai Lạt Ma chứng nhận và đã đăng vị tại Tu Viện Ganden Shartse tại Ấn Độ. Giống như vị tiền thân, ngài cũng cho thấy nhiều dầu hiệu cảm động khẳng định rằng ngài là Zong Rinpoche thực sự và chỉ thay đổi xác thân bề ngoài mà thôi.
Zong Rinpoche tái sinh hiện đang theo học toàn phần Kinh và Mật Tông tại Đại Học Viện Gaden Shartse Monastery University, và được ngài Khensur Lati Rinpoche hướng dẫn cho đến năm 2010 khi mà ngài Lati Rinpoche viên tịchvà cũng đã tái sinh trở lại.
Zong Rinpoche tái sinh đã sang hoằng pháp tại Chủa Phật Giáo Tây Tạng Gaden Shartse Thubten Dhargye Ling, Long Beach, Hoa Kỳ vào tháng 8 năm 2017. Trong chuyến hoằng pháp này ngài đã ghé thăm tòa soạn Nhật Báo Việt Báo tại thành phố Westminster, Nam Californina.
Bài viết này chủ yếu dựa vào tài liệu từ trang mạng của Tu Viện Gaden Shartse Dro-Phen Ling tại Singapore:
http://www.drophenling.com/our-teachers/h-e-kyabje-zong-rinpoche/