LỄ BỔ NHIỆM TRỤ TRÌ VÀ ĐỘNG THỔ
khởi công xây dựng chùa Tây Thiên Thăng Long Cổ Tự
Ghi chép của Nhóm thông tin Drukpa Việt Nam về sự kiện trọng đại, lễ bổ nhiệm Trụ trì và động thổ khởi công xây dựng ngôi Tam Bảo chùa Tây Thiên Thăng Long Cổ Tự, trên nền chùa cổ Phù Nghì linh thiêng tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc, ngày 5 tháng 3 âm lịch, năm Tân Mão
Đến, đã đến! Phiêu diêu miền tự tại Lòng chan hòa ánh sáng Mạn đà la Giữa âm thanh Lục tự Tam muội hoa Hương hỷ lạc ngát Tây Thiên an tịnh…Khu danh thắng Tây Thiên thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, là quần thể văn hóa du lịch tổng hợp đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1991. Theo nhiều tư liệu nghiên cứu lịch sử và khảo cổ, Tây Thiên là chốn tổ Phật giáo Việt Nam. Vào khoảng 2300 trước Công Nguyên, nơi đây đã có chùa Tây Thiên cổ tự. Ngọc phả 18 đời Hùng Vương có đoạn chép rằng năm 2450 trước Công Nguyên, trong một lần Vua Hùng Vương thứ 7 lên dãy Tam Đảo cầu tiên đã thấy trên núi có chùa thờ Phật. Đây là vùng đất mang đậm dấu ấn Phật Pháp song hành với di tích thờ Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, bậc chính Vương phi có công giúp vua Hùng Chiêu Vương dẹp giặc, mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc, và cũng là điểm dừng chân truyền đạo đầu tiên của một trong chín phái đoàn truyền giáo đến từ đất Phật, thời vua A Dục – thế kỷ III trước Công nguyên. Trong phạm vi chiều dài 11km, chiều ngang 1km, nơi đây tập trung 8 ngôi đền, chùa cổ, hầu hết đều từng có quy mô rất lớn. Trong số cổ đại danh lam nơi linh địa này, chùa Tây Thiên Phù Nghì lại được coi là ngôi chùa cổ nhất, có diện tích rộng nhất. Được kiến lập nơi đỉnh núi linh khí vần vũ suốt ngày đêm, hai bên long chầu hổ phục, tiền án hậu chẩm vẹn toàn, đây chính là nơi thánh địa đã được các bậc tổ xưa chọn để xây dựng ngôi cổ tự tràn đầy linh khí che trở trấn an cho cả miền đất nước. Song ngày nay, trải qua những thăng trầm của lịch sử, vô thường của thời gian, ngôi chùa đã hoàn toàn đổ nát chỉ còn phế tích năm cấp nền khá bằng phẳng. Cũng bởi lẽ vô thường này mà người dân địa phương bây giờ thường gọi chùa cổ Phù Nghì là chùa Nát…
Gần hai thập kỷ trước, như đã tiên tri Phật pháp sau này sẽ lại hưng thịnh tại Tây Thiên, cố Viện chủ chùa Hương Hòa thượng Thích Viên Thành đã đích thân lội suối trèo non lặn lội tìm đến Tây Thiên khai sơn ngôi thảo am đơn sơ đầu tiên dưới chân nền chùa cổ Phù Nghì, cách chân núi 5 km đường độc hành, làm nơi chuyên tu học đạo cho ni giới. Trong suốt những năm tiếp theo, cố Ni Trưởng Thích Tịnh Quang không ngại gian nan, không từ khó nhọc, không quản tuổi cao sức yếu, dưới sự che chở, hướng đạo của cố Hoà Thượng Viện Chủ Chùa Hương, đã ầm thầm đứng mũi chịu sào, khéo léo lái con thuyền chính pháp, an tịnh tiến tu trong vòng tay che chở của núi rừng Tây Thiên linh thiêng thanh tịnh bên dòng suối Bát Nhã hiền hoà róc rách suốt ngày đêm. Rồi mỗi ngày ni chúng phát triển một đông hơn, chỉ một bề an tu tiến đạo, chuyển hoá ba độc tham, sân, si, phát triển ba phần hương vô lậu học dưới sự hướng đạo của các bậc Thầy tôn quý. Thế rồi vô thường ập đến, năm 2002 cố Hoà Thượng Thích Viên Thành, bậc Thầy Kim Cương Thượng Sư và cũng là Đệ Ngũ Luật Sư tôn quý của Ni chúng Tây Thiên, đã “Sa Bà hạnh mãn - quảy dép về Tây”. Tới năm 2008, cố Ni trưởng Thích Tịnh Quang, bậc thầy hoà thượng thân giáo sư từ ái của Ni chúng, cũng nhẹ gót thang mây, thâu thần trực vãng, để lại thủ tục hợp thức chùa Phù Nghì còn dang dở. Trước khi viên tịch, cố Ni trưởng đã giao trách nhiệm cho Sư thầy Thích Thanh Tịnh đứng tên hoàn thiện thủ tục tái thiết xây dựng chùa Phù Nghì.
Hai bậc Thầy tôn quý đã lần lượt ra đi, nhưng với lòng từ bi vô lượng, quý Ngài vẫn âm thầm gia trì bảo hộ cho ni chúng tu tập bình an, kết nối ni chúng Tây Thiên và các hành giả Mật thừa Việt Nam với bậc Kim Cương Thượng sư giác ngộ. Và như thế, tiếp nối truyền thống Phật giáo hào hùng hơn hai ngàn năm, Tây Thiên giờ là một trong những trụ xứ chính của Truyền thừa Phật giáo Đại thừa - Kim Cương thừa Drukpa tại Việt Nam, nơi có phúc duyên lưu dấu gót sen của Bậc Toàn Tri Tôn Quý - Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII, chư Nhiếp Chính Vương Thuksey Rinpoche, Khamtrul Rinpoche, Ni sư Tôn Quý Tenzin Palmo, bậc nữ hành giả được kính ngưỡng bởi thành tựu 12 năm nhập thất trong động tuyết sơn nơi non cao cô tịch, cùng chư Đại Đức Tăng của Truyền thừa Drukpa trong những lần các Ngài quang lâm viếng thăm đất nước ta. Đây là nhân duyên phúc báo lớn lao cho Phật giáo Tây Thiên và đất nước Việt Nam, bởi truyền thừa Drukpa là truyền thừa thực hành, thanh tịnh của các bậc Yogi giác ngộ với di sản quang vinh siêu việt suốt 800 năm phụng sự nhân loại và vũ trụ!
Năm 2010, nương hồng ân Kim cương Thượng sư và Tam Bảo gia trì, chư vị Kim cương hộ pháp bách thần gia hộ, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, của Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, sự nhiệt tâm ủng hộ của các ban ngành hữu quan cùng sự đồng thuận của Ban trị sự Phật giáo Tỉnh Vĩnh Phúc, tịnh thất Tây Thiên đã được phép phục dựng ngôi chùa cổ Phù Nghì
Nhân duyên cát tường hội đủ, vào sáng ngày thứ 5, mùng 5 tháng 3 (âm lịch) năm Tân Mão (tức mùng 7 tháng 4 dương lịch), tại thôn Đền Thõng, xã Đại đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, Ni chúng tịnh thất Tây Thiên đã tổ chức buổi lễ long trọng đón nhận quyết định bổ nhiệm Trụ trì và động thổ khởi công xây dựng ngôi Tam Bảo chùa Tây Thiên Thăng Long Cổ Tự.
Từ nhiều ngày trước đó, các Phật tử, nhân dân trong vùng và Phật tử Hà Nội đã thượng sơn cùng chư ni tấp tập tiến hành các công tác chuẩn bị cho sự kiện trọng đại nghìn năm có một này. Trên đỉnh Phù Nghĩa linh thiêng, một Phật đài trang nghiêm được dựng lên, chính diện với cây tùng cổ thụ cao vợi hiên ngang đứng trấn như minh chứng cho sự cổ kính của vùng đất mà người xưa đã đặt tên cõi niết bàn, rải rác xung quanh khu vực này là những phiến đá bản lớn Kim cương trụ Mạn đà la được Đức Pháp Vương ban gia trì để đánh dấu mốc ngôi Tự viện đầu tiên của truyền thừa Drukpa tại miền Bắc. Trước đó, từ bên ngoài đường sơn cước suối chảy thác reo, Ni chúng Tây thiên cũng đã khai quang một con đường độc đạo cắt ngang dài 700 mét từ khu vực thác Bạc dẫn thẳng lên khuôn viên chùa. Suốt dọc hai bên đường là những chồng gạch đỏ tươi được xếp cao tăm tắp gọn gàng. Đây là công đức của rất nhiều Phật tử thuần thành phát tâm vận chuyển gạch từ Đền Cậu để trợ giúp phần nào các quý Thầy trong dịp lễ hội Tây thiên vừa rồi vào tháng 2 âm lịch… Giữa chốn cảnh đẹp, núi thiêng, đá dựng ba tòa, thác nước trên cao trắng xóa uốn mình như dải lụa lớn, du khách không khỏi xúc động ngất ngây khi chợt thấy biển hiệu Tây Thiên Thăng Long cổ tự được treo lên lúc nào trước lối vào chùa xưa, như minh chứng hùng hồn cho lẽ nhiệm màu của thời gian và Phật pháp!
Sáng sớm ngày hôm đó, hàng đoàn xe nối đuôi nhau xếp hàng dọc suốt đường mới làm cáp treo dẫn lên khu nhà ga đang xây dựng tại Đền Cậu Tây Thiên. Du khách bốn phương nô nức thượng sơn dự hội! Như một sự cảm ứng gia trì, trước và ngay cả vào thời khắc lịch sử động thổ ngôi chùa có tên Thăng Long, đất trời Tây thiên bỗng chuyển mình đổ mưa. Trong niềm tin nhân gian, Mây Mưa Sấm Sét là hình tượng sống động của bốn vị thần tứ pháp. Lịch sử Phật giáo cũng ghi nhận xưa kia khi Đức Thế Tôn giáng trần có chín rồng thiêng hiện hình phun mưa nước tắm, báo điềm cát tường một vị cứu tinh nhân loại chào đời, để từ đó ánh đạo vàng soi rọi khắp muôn nơi cứu thoát chúng sinh ra khỏi biển khổ mông luân vô tận. Như vậy, với rất nhiều Phật tử tín tâm, mưa tưới đất rừng Tây thiên vào thời khắc này là điềm rồng thiêng Thăng Long thị hiện hoan hỉ trước sự kiện Phật pháp cát tường của dân tộc. Dù trời mưa làm nền đất của ngôi chùa trở nên trơn trượt, sình lầy, song điều đó không ngăn nổi tấm lòng nhiệt thành hướng về Tam bảo của những người con Phật. Khoảng trên nghìn người đứng chật kín trên khu đất rộng phía trước Phật đài mới được thiết lập. Các quan khách đại diện chính quyền, lãnh đạo Mặt trận tổ quốc, Sở Văn Hóa thông tin, UBND Huyện Tam đảo, lãnh đạo xã Đại Đình, Ban Dân Vận tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Vườn Quốc Gia Tam Đảo, Ban trị sự Phật giáo Tỉnh Vĩnh Phúc…và chư đại đức Tăng Ni mọi miền không quản đường xá xa xôi và thử thách thời tiết, lội suối trèo non quang lâm giáng đức về đây để trao quyết định bổ nhiệm trụ trì và chứng minh lễ động thổ phục dựng ngôi chùa cổ.
Đúng 9h30, thời tiết còn mưa lất phất gia trì, phần nghi lễ chính bắt đầu! Hai bên tả hữu, phía trước Phật đài quan khách, chư đại đức Tăng Ni, khách mời, Phật tử lúc này đã tề tựu vân tập đông đủ. Chư đại đức tăng Thích Minh Hiền, Thích Thanh Lâm, Thích Tâm Vượng, Thích Tịnh Thuần, Thích Thanh Phương cùng quang lâm ngôi vị chứng minh. Ngay sau nghi thức niệm Phật cầu gia hộ là phần tuyên bố lí do, lễ dâng hoa và bài tác bạch khai mạc. Vào hồi 9h50’, Đại đức Thích Tâm Vượng, chánh Văn phòng Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc, tuyên đọc Quyết định QĐ 72/QĐ – BTS bổ nhiệm trụ trì chùa Tây thiên Thăng Long cổ tự. Ngài chia sẻ cảm xúc “mỗi người mỗi nước mỗi non, đến cửa nhà Phật là con một nhà”, hoan hỉ khi thấy điều kiện thời tiết và khoảng cách non cao cũng không cản được sự hoằng hóa của chư tôn đức tăng ni vì lợi ích Phật pháp. Ngay sau đó, trong không khí trang nghiêm thanh tịnh giữa gió lộng mây ngàn nơi linh địa Phù Nghì, trước sự xúc động vô bờ của tất cả đại chúng, Đại đức Thích Thanh Lâm, Phó Ban trị sự kiêm chánh thư ký Phật giáo Tỉnh Vĩnh Phúc trao quyết định bổ nhiệm Trụ trì ngôi chùa cho Sư Thầy Thích Thanh Tịnh! “Chín khúc suối về, trăm núi uốn. Ở chừng nửa ngọn, đó Tây Thiên”, Tây thiên Thăng Long Cổ tự chính thức được công nhận và đảm đương sứ mệnh chung sức viết thêm những trang sử tươi thắm hào hùng của lịch sử Phật giáo nước nhà từ thời khắc đó!
Tiếp theo chương trình là phần diễn văn của Ông Lưu Đức Long, Phó Chủ tịch UBND Huyện Tam Đảo tuyên đọc lịch sử Tây thiên và chủ trương bảo trì truyền thống giá trị lịch sử của Đảng, nhà nước, các cấp chính quyền, sự quan tâm hỗ trợ Phật pháp của Chính phủ đã cho phép chuyển quyền sử dụng hơn 3 héc ta quỹ đất rừng để gây dựng chùa. Rồi thay mặt cho các Phật tử trong vùng, cư sĩ Diệu Hoa lên khán đài đọc phần tác bạch thể hiện niềm tri ân chư ni, mong nguyện Tây Thiên Thăng Long sẽ mãi là mái ấm cho Phật tử nương dựa, tham học giáo pháp, tìm được lẽ sống thanh cao bên đức Từ phụ. Phúc đáp quan khách và các Phật tử, Thầy tân Trụ trì chùa Tây Thiên Thăng Long, Sư Thầy Thích Thanh Tịnh đã đọc bài tác bạch cảm kích tri ân và hứa nguyện vô cùng cảm động. Bài tác bạch có đoạn: “Trước khi viên tịch, cố Ni trưởng đã giao trách nhiệm cho con đứng tên hoàn thiện thủ tục tái thiết xây dựng chùa Phù Nghì. Ngày hôm nay, nương ân đức Tam Bảo gia trì, chư vị Kim Cương hộ pháp, bách thần gia hộ nên thủ tục xây dựng chùa Phù Nghì đã được hoàn thiện. Bản thân con lại được Thượng Toạ Trưởng Ban Trị Sự Phật Giáo ký quyết định bổ nhiệm trụ trì. Con tự nghĩ chính mình đạo lực chưa toàn, giới sơ đức bạc, ba học văn, tư, tu chưa hề tiến bước, không đủ đức hạnh để trụ trì một tùng lâm. Nhưng nhân duyên hội ngộ chẳng dám từ, đảnh lễ Tam Bảo cầu gia hộ, con xin phát nguyện thay vì toàn thể ni chúng đem hết khả năng của mình cúng dường phụng sự Tam Bảo, cùng với huynh đệ sống lục hoà những mong trên đền bốn ân dưới cứu khổ muôn loài. Và cũng phần nào báo đáp thâm ân của Thầy Tổ”! Nhắc đến đây giọng Thầy trầm xuống nghẹn ngào, toàn thể đại chúng những người đã cùng chư Ni trải qua những thăng trầm lịch sử cũng đồng thanh tương ứng lặng đi xúc động hồi tưởng tri ân các bậc Thầy trước kia và hiện giờ đã hết lòng bồi đắp trợ duyên để tịnh thất Tây Thiên có được sự trưởng thành công nhận vào ngày hôm nay!
Chương trình được tiếp tục với phần biểu diễn võ thuật, trình tấu dàn nhạc khí Kim Cương thừa mạnh mẽ hào hùng và màn múa rồng đẹp mắt mang tên “ vũ điệu Thăng Long” do ni chúng Tây Thiên tự biên đạo và thực hiện. Trong 14 điều đức Phật có dậy: “Sức khoẻ và trí tuệ là tài sản lớn nhất của đời người”. Giáo lý Kim Cương Thừa cũng nhấn mạnh hành giả tu tập cần trưởng dưỡng phát triển vẹn toàn phẩm chất Bi – Trí – Dũng. Bởi vậy phương châm tu học của ni chúng Tây Thiên chú trọng vào ba môn Trí dục, Đức dục và Thể dục. Về trí dục, chư ni nơi đây tập học các Kinh điển căn bản từ Nguyên thủy Phật giáo, Đại Thừa Phật giáo và Kim Cương Thừa. Về đức dục, chư ni thực hành khép mình trong khuôn khổ của oai nghi giới luật, gột bỏ những tập khí thế gian, hun đúc hạnh thánh hiền. Về thể dục, các Thầy cũng chuyên cần rèn luyện võ thuật cổ truyền để tôi luyện dũng khí và tăng cường sức khoẻ. Đây chính là một phương tiện thiện xảo giúp thân tâm hợp nhất luôn tỉnh thức sống với thực tại mà trong các chốn tùng lâm đã được chư vị Tổ Sư xưa sử dụng để tôi luyện tăng chúng và hỗ trợ cho việc tu tập. Như vậy, sự rèn luyện võ thuật rất gần gũi và phù hợp với sự rèn luyện thân tâm của người xuất gia.Trên tinh thần đó, toàn thể đại chúng có mặt đã được thưởng ngoạn ba màn trình diễn quyền pháp, côn pháp đầy hào khí thể hiện lòng thành kính tri ân các vị khách mời đã không quản ngại khó nhọc quang lâm trợ duyên nơi non cao, và qua đó cũng nói lên tinh thần ý chí quyết tâm tu tập vượt thoát luân hồi trùng hưng chốn tổ để trên đền bốn ân dưới cứu khổ muôn loài của chư Ni tịnh thất!
Vào hồi 11h, lễ động thổ ngôi Tam Bảo được tiến hành. Chư tôn đức Tăng và khách mời đã cùng cầm 13 chiếc xẻng được thắt khăn chúc phúc động thổ phần đất đầu tiên nơi nền chùa cổ, trong thanh âm trống dội, tiếng vỗ tay tưng bừng và màn trình diễn múa rồng đầy hào hùng, khí độ của chư Ni. Hơn tám trăm năm về trước khi Đức Pháp vương Tsangpa Gyare nhìn thấy điềm cát tường chín rồng vàng cuộn mình phi thiên, Ngài liền chọn mảnh đất linh đó để xây dựng ngôi chùa NamDruk làm chốn tổ của Truyền thừa Drukpa. Kể từ đó đến nay, Truyền thừa Drukpa – truyền thừa áo vải thanh tịnh và của sự thực chứng đã phát triển rực rỡ khắp nơi trên thế giới, và đang bắt đầu lói rạng ở Việt Nam nói chung và ở Tịnh thất Tây Thiên nói riêng. Trong ý nghĩa đầy tính biểu trưng này, cứ khi nào Rồng xuất hiện đều báo điềm cát tường, an lạc. Ngày hôm nay nhân duyên cát tương hội đủ, tại lễ động thổ khởi công tái thiết xây dựng lại Tây Thiên Thăng Long cổ tự, ngôi chùa có tên gọi gắn liền với lịch sử hào hùng của Kinh thành Thăng Long, của dân tộc Việt Nam, và đặc biệt có mối nhân duyên sâu sắc với truyền thừa Drukpa (trong tiếng Tạng chữ Druk có nghĩa là “Rồng thiêng”), với niềm tự hào được mang trong mình dòng máu Rồng tiên, niềm tri ân vô hạn hướng về nòi giống Lạc Hồng, hướng về Truyền thừa Drukpa, chư Ni tịnh thất Tây Thiên đã công phu chuẩn bị và trình diễn vũ điệu “Thăng Long” hoàn hảo. Tiết mục này cũng khép lại chương trình khai trương động thổ của một buổi sáng cát tường, chính thức mở ra chân trời mới tươi đẹp tại chốn “đệ nhất cổ tích danh lam”, một trong những nơi đất tổ của Phật giáo nước nhà!
Chùa Tây Thiên Thăng Long Cổ tự được thiết kế theo thế kiến lập Mạn đà la. Theo quan kiến Phật giáo, đây chính là sự kiến lập của vũ trụ với tâm nguyện lợi ích vô lượng hữu tình, nên sẽ là một công trình linh thiêng đón nhận năng lượng, từ lực vũ trụ và chư Phật, Bồ tát. Cùng với Chùa Thượng, chùa Thiên Ân, dự án xây dựng đại bảo tháp cao 37 mét sắp được khởi công, các dự án Phật pháp do chư Ni Tây Thiên ấp ủ tiến hành mang theo tâm nguyện lợi sinh về một quần thể kiến trúc tâm linh đặc biệt bao gồm tự viện, trung tâm nhập thất, khuôn viên cử hành các đại lễ, các nghi quỹ, cầu nguyện, tán tụng, trì chú, thiền định, vũ điệu Kim Cương Thừa; nơi có những trung tâm giáo dục như giảng đường lớn đào tạo chư Ni và Phật tử học về mật điển, các môn về vũ trụ học, âm nhạc, kiến trúc, điêu khắc, hội họa Kim Cương Thừa, kiến lập Mandala….Quần thể ba ngôi chùa sẽ là nơi hướng dẫn nhân dân, Phật tử gần xa thực hành tu tập tâm linh, bỏ ác làm lành, trau dồi trưởng dưỡng thiện hạnh, giúp cải thiện cuộc sống mang tới niềm vui hạnh phúc chân thật hơn cho mọi người, mọi nhà và góp phần vào sự bình an của toàn xã hội. Vì những lí do trên, việc xây dựng kiến lập ngôi chùa Tây Thiên Thăng Long Cổ tự trên diện tích đất được giao khoảng ba héc ta hàm ẩn những ý nghĩa văn hóa, tâm linh vô cùng sâu sắc, trọng đại!
Nguyện cầu mười phương chư Phật, chư đại Bồ tát, Hộ pháp, chư minh thần hồn thiêng sông núi từ bi gia hộ cho chư ni Tây thiên viên mãn đại Phật sự lớn lao này! Mong nguyện chùa Tây Thiên Thăng Long khi được kiến lập sẽ viết tiếp và tô thắm những trang sử hào hùng của truyền thống Phật giáo nước nhà, để Phật pháp trường tồn vì lợi ích người dân Việt Nam và vô lượng hữu tình khắp pháp giới!
Drukpa Việt Nam
Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận trong buổi lễ:
Quý thầy: Thích Minh Hiền, Thích Thanh Lâm, Thích Tâm Vượng, Thích Tịnh Thuần, Thích Thanh Phương
Chùa Tây Thiên Thăng Long Cổ tự được thiết kế theo thế kiến lập Mạn đà la.
Màn múa rồng đẹp mắt mang tên “ vũ điệu Thăng Long”