3. Vai Trò, Tầm Quan Trọng Của Phụ Nữ Và Khả Năng Chứng Đạt Phật Quả Trong Thân Nữ Theo Thế Giới Quan Kim Cương Thừa

21 Tháng Bảy 201000:00(Xem: 6759)

PHỤ NỮ VÀ GIÁC NGỘ KHÔNG PHÂN BIỆT GIỚI TÍNH
TRONG QUAN KIẾN KIM CƯƠNG THỪA

Vô Úy – Drukpa Việt Nam

VAI TRÒ, TẦM QUAN TRỌNG CỦA PHỤ NỮ VÀ KHẢ NĂNG CHỨNG ĐẠT PHẬT QUẢ TRONG THÂN NỮ THEO THẾ GIỚI QUAN KIM CƯƠNG THỪA 

Kim Cương Thừa cho ta một cái nhìn toàn diện, chi tiết, cụ thể và minh xác về những nguồn năng lượng từ bi và trí tuệ trong bản thân mỗi chúng ta, cách chúng vận hành, trôi chảy, tương tác với nhau như thế nào, làm thế nào để nhận diện được chúng, và cách thức chuyển hóa để đạt được sự cân bằng đại hợp nhất siêu việt hai nguồn năng lượng này. Chính khi đó đại giác ngộ vô thượng được thiết lập. Hết thảy chúng sinh nam nữ không chỉ bình đẳng về Phật tính và còn bình đẳng về cả khả năng chứng đạt Phật quả, nghĩa là không phải người nam có thể thành tựu dễ dàng hơn người nữ, và ngược lại, người nữ khó hoặc thậm chí là không thể viên mãn đạo quả trong hình tướng nữ nhân. Chính vì thế, trong Kim Cương Thừa, phụ nữ chiếm một vị trí vô cùng quan trọng, không thể thiếu và bằng nhiều cách khác nhau nêu biểu cho nguyên lý mẫu tính giác ngộ. 

Người nữ được liên hệ với Đất mẹ, với vai trò nền tảng và kho tàng, suối nguồn của cuộc sống, năng lượng, về thể chất và tâm linh của tất cả chúng sinh. Kim Cương Thừa nhấn mạnh tới nguyên lý Mẫu tính giác ngộ thông qua những hình ảnh Phật mẫu Bát nhã, Phật mẫu Tara, biểu trưng cho cội nguồn của vạn pháp. Cho nên được gọi là mẹ của hết thảy chư Phật. Đặc trưng của nguyên lý Mẫu tính là năng lực hàm chứa, sản sinh và sáng tạo. Phật mẫu không phải là một ý chí sáng tạo ra quy luật và thế giới mà chính là bản thể của thế giới.

Trong Kim Cương Thừa, tầm quan trọng và năng lực giác ngộ của người nữ được thể hiện thông qua các Thangka, Mandala, các biểu tượng và pháp khí. Hình ảnh Kim Cương Thánh Mẫu, Dakini trong tư thế vũ điệu thắng lạc hoặc an tọa trong tư thế thiền định với khế ấn đặc trưng, trang hoàng bằng những bảo man quý báu, những mảnh xương và vương miện bằng xương hoặc bằng hoa. Điều này khẳng định chắc chắn khả năng đạt được giác ngộ quả tức thân thành Phật ngay trong một đời của người nữ là điều có thể.

Trong Mật điển tán thán tầm quan trọng và khả năng thiền định của nữ giới, như các bậc Yogini, Dakini, hay những bậc Trì Minh. Yogini nghĩa là hành giả nữ thực hành yoga, người nữ với năng lực thần thông hay Bản Tôn Thánh Mẫu. Dakini vượt trên nhận thức thông thường, đó là những “Không Hành Mẫu”, các ngài du hí tự tại trong tự tính pháp giới. Các ngài còn là bậc trì giữ trí tuệ, hiện thân của đức Phật Mẫu Bát Nhã, mẹ của chư Phật. 

Những Dakini Trí Tuệ là những bậc đã giác ngộ như Vajra Yogini, họ cũng được miêu tả như là các Phật Mẫu Minh Phi của các bậc Hoạt Phật hay các bậc Bồ Tát. Dakini là một nguồn gốc của quy y. Bên cạnh việc quy y Tam Bảo, chúng ta cũng quy y tam Căn Bản (Guru, Yidam và Dakini – Thượng Sư, Bản Tôn và Không Hành); Dakini đại diện cho cội nguồn của các công hạnh giác ngộ bởi vì Dakini là năng lượng giác ngộ mẫu tính nêu biểu cho trí tuệ bản lai. 

Dakini được gắn liền với hư không và có khả năng sản sinh vô số tiềm năng của những công hạnh giác ngộ mà có thể chia thành bốn: Tức tai, Tăng ích, Kính ái và Hàng phục. Dakini cũng là những hiện thân của sự hợp nhất tính không và trí tuệ. Và sự hợp nhất này là siêu việt vô song. Đây là cảnh giới của sự tỉnh thức được kiểm soát, vững chắc và hoàn toàn tự do. Mọi người đều có khả năng và tiềm năng để chứng ngộ tự tính Dakini trí tuệ cho chính mình bất kể bạn là nam hay nữ. 

Điều này có nghĩa là không có sự phân biệt giới tính, bất kể người nào cũng có phẩm chất của một Dakini trí tuệ hay năng lượng giác ngộ mẫu tính. Mặt khác lòng bi mẫn lại liên quan đến năng lượng Phụ tính và khi cả trí tuệ và lòng bi mẫn được trải rộng đến hoàn hảo, chúng ta đạt được giác ngộ và trở thành Phật. Dakini - những bản tôn hóa thần đại diện cho trí tuệ vĩ đại và nam hóa thần đại diện cho lòng đại bi. 

Ngoài những biểu tượng giác ngộ trên, tầm quan trọng của người nữ còn được thể hiện thông qua việc trì giới trong Kim Cương Thừa. Giới nguyện Samaya có tầm quan trọng trong Phật Giáo Kim Cương Thừa, được các hành giả trì giữ nghiêm mật trên đạo lộ tu tập của mình. Có 14 đọa lạc căn bản, nếu hành giả phạm sẽ làm phá vỡ lời thệ nguyện trì giữ Samaya. Căn bản đọa thứ 14 nói rằng: Nếu miệt thị và coi thường người nữ thì có nghĩa hành giả đã phạm giới nguyện Samaya. Một khi còn những thái độ miệt thị như coi phụ nữ không có năng lực và khả năng tâm linh cũng tức là đã phạm vào giới nguyện Samaya. Nếu hành giả chỉ cần có một ý niệm không muốn giúp đỡ một người nữ cũng đã làm phá bể giới Samaya, còn trong trường hợp, nếu hành giả coi một nữ huynh đệ kim cương là kẻ thù thì đó là sự phá bể giới nguyện cao nhất.

Như vậy, ta thấy Kim Cương Thừa chống lại mọi quan điểm phân biệt giới, mang lại một sự bình đẳng lớn lao cho người nữ và đặc biệt đề cao, coi trọng địa vị và tầm quan trọng của người nữ trong việc hành trì tu tập Mật giáo, bởi Kim Cương Thừa dựa vào một nguyên lý vô cùng xác đáng: nguyên lý nữ tính nêu biểu cho trí tuệ tính không. Nói cách khác, người phụ nữ hiển diện một cách trực tiếp trong mục đích và lý tưởng của đạo Phật, bởi vậy miệt thị phụ nữ cũng chính là miệt thị đạo Phật. Sự miệt thị như vậy là một chướng ngại cho sự tu tập giác ngộ của cả nam và nữ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn