● Bồ Tát Quan Thế Âm – Hợp Nhất Của Từ Bi & Trí Tuệ Vũ Trụ (Giảng Pháp Và Ban Gia Trì Quan Thế Âm Tại Chùa Quan Thế Âm, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng Ngày 02-03.3.2010)

14 Tháng Năm 201200:00(Xem: 5588)

MANDALA - SỰ HỢP NHẤT CỦA TỪ BI VÀ TRÍ TUỆ
THEO QUAN KIẾN KIM CƯƠNG THỪA
Giáo Pháp Từ Chuyến Viếng Thăm Việt Nam 2010
của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa XII
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2011

Bồ Tát Quan Thế Âm – hợp nhất của Từ bi & Trí tuệ vũ trụ
(Giảng pháp và ban gia trì Quan Thế Âm
tại Chùa Quan Thế Âm, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ngày 02-03.3.2010)



Ngày 02.03, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII và Tăng đoàn Truyền thừa quang lâm chùa Quan Âm, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, tiếp tục hoạt động Phật sự của Ngài tại nơi linh địa miền Trung.

Lễ hội Quan Thế Âm là một trong 15 lễ hội văn hóa du lịch tâm linh cấp quốc gia. Năm nay lễ hội được tổ chức đặc biệt quy mô. Ban tổ chức hoan hỉ cung nghinh sự quang lâm đầy cát tường của Đức Pháp Vương Guyalwang Drukpa, hóa thân chân thật của Đức Bồ Tát Quan Thế Âm, hiển hiện nơi đây để ban ân phúc gia trì, cử hành các khóa lễ cầu nguyện quốc thái dân an và ban truyền Giáo Pháp trân quý tới toàn thể đại chúng.

Dưới đây là toàn văn phần giảng pháp của Ngài trong Pháp hội ngày 02.03:

 

Hôm nay tại chùa Quán Âm, chúng tôi truyền quán đỉnh gia trì về Đức Phật A Di Đà và Bồ Tát Quan Thế Âm. Nói về sự gia trì là nói đến trí tuệ, đến từ bi. Nếu không có trí tuệ, không có từ bi thì không có Bồ Tát Quan Thế Âm. Chúng ta thường nghĩ rằng Đức Quan Thế Âm là một vị thiên nữ hay một nữ thần. Đó là cách suy nghĩ sai lầm. Ngài không phải là một nữ thần, cũng không phải là một thiên nữ, thậm chí không phải chỉ duy nhất thuộc về Phật giáo. Ngài là trí tuệ vũ trụ, tình thương vũ trụ. Giáo lý của đạo Phật luôn luôn đề cập đến từ bi và trí tuệ, trí tuệ bình đẳng, tình thương vô điều kiện. Đó cũng là tình thương mà tất cả mọi người, tất cả mọi loài đều có, ngay cả một con chó, một con chim hay một con mèo cũng đều có. Nhưng chúng ta muốn nó chuyển thành tình thương bình đẳng, không có sự ngăn chia tình thương giữa các chúng sinh với nhau. Tình thương này không phải chỉ dành riêng cho loài người, cho những người mình yêu mến, mà tình thương yêu này cần được bình đẳng ban trải khắp mọi loài. Chúng ta không có trí tuệ nên tình thương yêu vô cùng hạn hẹp. Nếu chúng ta có trí tuệ thì tình thương yêu sẽ rộng lớn như hư không. Bởi vì tình thương yêu nguyên thủy vốn là năng lượng vũ trụ. Tình thương này không thể đo lường được, chúng ta cũng không thể đo lường được tình thương này. Tình thương này là một món quà tự nhiên sẵn có từ vô thủy cho đến ngày nay, đó chính là chân lý mà Đức Phật Thích Ca đã dạy. Ngài đã chứng ngộ được tình thương vô hạn này. Còn chúng ta không có tình thương rộng lớn đó bởi vì chúng ta không có trí tuệ, vì thế chúng ta cần trưởng dưỡng trí tuệ để có được tình thương yêu chân thực.

Có thể so sánh trí tuệ giống như một cái ống nhòm, nếu bạn có một cái ống nhòm nhỏ hẹp thì bạn chỉ có thể nhìn thấy một chút bầu trời. Điều đó không có nghĩa là bầu trời nhỏ như bạn nhìn thấy. Giống như thế, nếu trí tuệ chúng ta nhỏ hẹp thì tình thương yêu cũng sẽ hạn hẹp. Bởi vậy những gì chúng ta làm thường không hợp với tự nhiên, chúng ta sát sinh, ăn thịt, ngược đãi mọi loài. Chúng ta luôn luôn chỉ nghĩ đến bản thân mình, luôn muốn mình được may mắn, hạnh phúc và không bao giờ nghĩ về hạnh phúc, lợi ích của người khác. Đó là lý do tại sao tôi nói tình thương hạn hẹp. Tình thương hạn hẹp bởi trí tuệ hạn hẹp. Là những người Phật tử, chúng ta hãy đừng bao giờ làm tổn hại bất kỳ ai trên thế giới này, thậm chí cả những côn trùng nhỏ nhất chúng ta cũng không được sát hại. Nếu bạn không quan tâm, không thương xót, mà cứ làm việc sát hại thì chúng ta không phải là người thực hành Giáo Pháp của đức Phật một cách chân chính. Đạo Phật là trí tuệ, là sự thực hành tình thương yêu. Đạo Phật không phải là một tôn giáo thờ phụng các vị thần thánh hay thiên đế…mà chỉ tôn thờ từ bi và trí tuệ. Bởi thế, chúng ta cần đặt trọn niềm tin kính vào Bồ Tát Quan Thế Âm. Tại sao vậy? Bởi vì trong kinh điển khi đức Phật Thích Ca nói về Đức Quan Thế Âm, Ngài dạy rằng: Bồ Tát Quan Thế Âm là hiện thân của sự kết hợp trọn vẹn giữa từ bi và trí tuệ. Khi chúng ta nói về sự gia trì của đức Quan Thế Âm tức là chúng ta mong nguyện được sự gia trì, để có được trí tụê rộng lớn như toàn vũ trụ. Khi chúng ta có được trí tuệ vũ trụ này thì chúng ta sẽ có tình thương yêu vô hạn một cách nhậm vận tự nhiên. Đó là lý do chúng ta mong cầu sự gia trì từ Bồ Tát Quan Thế Âm. Khi có được sự gia trì này bạn có thể có thành tựu rất nhiều mong nguyện một cách tự nhiên. Bạn có thể có tiền bạc, tất cả sự hài lòng, cuộc sống đầy đủ vật chất, sức khoẻ, giàu có, và trường thọ…bất kỳ điều gì bạn mong muốn sẽ đều đến. Mặc dù sự gia trì chính mà bạn mong nguyện là trí tuệ vũ trụ, nhờ có trí tuệ này chúng ta sẽ đạt được tình thương vô lượng. Tình thương này là sự gia trì lớn nhất thế giới mà chúng ta có thể mong nguyện. Như thế trí tuệ giống như cửa sổ, cái cửa sổ rất quan trọng để đón nhận ánh sáng chiếu vào phòng. Căn phòng sáng hay tối hoàn toàn phụ thuộc vào cửa sổ, không phụ thuộc vào mặt trời bởi vì mặt luôn chiếu sáng, ánh sáng mặt trời luôn có đó nhưng nếu đóng kín thì căn phòng sẽ tối suốt ngày. Tương tự như vậy trí tụê là quan trọng nhất trong tất cả! Cho dù bạn có tình thương, sự gia trì của tình thương, sự gia trì để có được sức khoẻ, của cải... bất kỳ sự gia trì nào mà bạn mong đợi sẽ sẵn ở đó nếu bạn cố gắng phát triển cửa sổ trí tuệ.

Chiều nay chúng tôi sẽ làm lễ cầu siêu, bởi tôi được biết ở đây đã từng xảy ra những trận bão lớn và có rất nhiều người chết. Chúng tôi sẽ có khóa lễ cầu nguyện để giúp những cô hồn vất vưởng được siêu thoát, chúng ta sẽ cùng nhau thực hành khóa lễ chiều nay vào lúc 3 giờ, nếu các vị có những người thân của mình mất thì hãy viết tên gửi ảnh để chiều nay chúng tôi cùng cầu nguyện.

Trước khi vào buổi lễ cầu siêu, chúng ta cùng Quy y Phật A Di Đà và phát Bồ đề tâm. Quy y và Phát Bồ đề tâm là hai phương diện quan trọng của một hành giả thực hành Kim Cương Thừa, Đại Thừa. Chúng ta cùng phát nguyện thọ trì thực hành giới nguyện Bồ tát.

 Những quỷ thần, cô hồn vất vưởng không thể thọ Bồ tát giới và Quy y giới hôm nay, bởi vì họ đã chết cho nên họ có thể đến đây để nghe chúng ta thực hành. Chúng ta có mặt ở đây để nâng đỡ cho những người chết, giúp cho họ Quy y, phát Bồ đề tâm và chứng đạt giải thoát. Bồ đề tâm thực nghĩa là trí tuệ và tình yêu thương. Nếu chúng ta không có tình yêu thương thì Bồ đề tâm không thể trợ giúp được bất kỳ ai, ngay cả chính bạn. Bạn không thể giúp chính mình. Bởi vậy bạn rất cần phát triển trí tuệ và từ bi để trợ giúp mình và tất cả chúng sinh. Nếu chúng ta muốn trợ giúp ai đó, hay chúng sinh nào đó, thì chúng ta phải có Bồ đề tâm tức là trí tuệ và từ bi. Bây giờ xin quý Phật tử hãy lắng nghe và duyên theo để cầu siêu cho các cô hồn vất vưởng được siêu thoát Tây phương


Chương trình lễ hội ngày 03 tháng 4 bắt đầu từ 6h30 sáng với sự tham gia của Chư tôn hòa thượng giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo thành phố Đà Nẵng, Tăng đoàn Drukpa do Ngài Drubpon Ngawang Tenzin, Trưởng đại diện Truyền thừa Drukpa tại Châu Âu dẫn đầu, Đại biểu chính quyền các cấp và hàng chục ngàn Phật tử, thiện hữu trí thức từ khắp các miền Tổ quốc cùng về vân tập. Trong không khí lễ hội hân hoan và tràn đầy đạo vị là phần trình bày các nghi lễ truyền thống như lễ rước kiệu, múa lân, múa rồng, lễ khai kinh, cầu nguyện Quốc thái dân an, giảng pháp về Bồ Tát Quan Thế Âm. Cũng trong sáng 3/4, Ban tổ chức khai mở bức tranh ngọc đá “Chùa Một cột” và bức “Thiên Long Việt đồ” độc nhất vô nhị được kiến tạo với một nghìn con rồng vàng kiểu dáng khác nhau, sắp xếp theo bản đồ Việt Nam do các nghệ nhân dân gian dày công thực hiện. Điểm nhấn của chương trình Lễ hội buổi sáng là lễ khởi công động thổ xây dựng chùa Ngọc Thạch, ngôi chùa bằng đá ngọc được kiến lập trên diện tích gần 4.200m2, ngự trên một tòa sen 5 cánh tượng trưng cho thuyết Ngũ Hành của dịch lý Đông Phương, tương ứng với danh thắng Ngũ Hành Sơn - Non Nước.

Vào hồi 9h, Đức Pháp Vương thăng tòa. Ngài cử hành khóa lễ khai đàn cầu nguyện Quốc thái dân an, cho phép các Đại đức Tăng Truyền thừa một lần nữa phô diễn vũ điệu Kim Cương Thừa thiêng liêng gieo hạt giống giải thoát và đưa tâm thức khán chúng vào cảnh giới thiền định rộng lớn vô biên của tâm giác ngộ. Tiếp theo là màn trình diễn đầy truyền cảm của khúc Kim Cương Thừa Chứng đạo ca. Giọng ca mạnh mẽ, hào hùng, trang nghiêm, thanh bình và tràn đầy năng lượng giác ngộ và Vũ điệu Kim Cương của hành giả Truyền thừa giúp chuyển dịch năng lượng nơi thân tâm, và tiêu trừ những phiền não tiêu cực ám chướng cho những ai có phúc duyên thưởng ngoạn.

Buổi chiều là phần giảng pháp quan trọng và rất tỉ mỉ về Đức Bồ Tát Quan Thế Âm, Bồ tát Đại Từ Đại Bi với hạnh nguyện vô lượng vô ngã độ sinh bao trùm khắp pháp giới. Trong thời pháp, Đức Pháp Vương một lần nữa nhấn mạnh về khía cạnh tâm linh không tôn giáo của Đạo Phật, vốn là triết học vĩ đại về chân lý vũ trụ với mục đích mang lại cho con người một nhân sinh quan và điều kiện sống mạnh khỏe, bình an, giúp trưởng dưỡng hạnh phúc chân thực, bền vững nơi mỗi người và lợi ích cho hết thảy chúng hữu tình. Giáo lý Đức Phật Thích Ca từng tuyên thuyết từ 2.500 năm trước giờ vẫn còn nguyên giá trị nhiệm màu, hướng đạo cho con người tìm về với tự tính tâm nguyên sơ, trong sáng của chính mình.

Dưới đây là bài giảng của Ngài trong Pháp hội ngày 03.03.2010 tại chùa Quan Thế Âm, Ngũ Đài Sơn, Đà Nẵng:

Hôm nay là một ngày vô cùng đặc biệt, ngày vía của Bồ Tát Quan Thế Âm. Tôi thấy rằng nơi đây là một nơi vô cùng đặc biệt, với những núi đồi rất linh thiêng gắn liền với sự tích Bồ Tát Quan Thế Âm, vị Bồ tát tượng trưng cho trí tuệ và tình yêu thương. Bởi vậy chúng ta cần biết về tầm quan trọng, để phát triển Bồ đề tâm, phát triển trí tuệ, phát triển tình yêu thương. Trước tiên, tôi xin chân thành cảm niệm công đức của Ban tổ chức, đã mời tôi tới đây, để chia sẻ Giáo Pháp với tất cả các Phật tử hiện diện nơi đây. Đó là cơ hội hiếm có để chúng ta trao đổi những kiến thức, trí tuệ, từ bi, tình yêu thương là những điều rất cần thiết trong cuộc sống. Trong thời đại ngày nay con người đang dần dần thiếu trí tuệ và tình thương yêu, vì thế chúng ta cần phải cố gắng phát triển những phẩm hạnh này. Tất cả chúng ta cần trao đổi để tìm ra biện pháp, làm thế nào phát triển trí tụê, phát triển tình yêu thương. Hiện nay trí tuệ và tình yêu thương đang bị suy đồi và thoái hoá trên thế giới này, cho nên chúng ta phải nỗ lực rất nhiều, cố gắng rất nhiều như thực hành các buổi lễ cầu nguyện, quán đỉnh, gia trì và lắng nghe Giáo Pháp, để biết cách tìm lại trí tuệ và tình yêu thương nơi chính mình, ban trải hạnh phúc đến cho mọi người.

Cuộc sống của chúng ta đẫy rẫy những thăng trầm, lúc thịnh, lúc suy. Ví dụ, đất nước Việt Nam đã trải qua bao thảm kịch của chiến tranh khốc liệt, khó khăn vất vả mưu cầu đời sống, nhưng ngày nay mọi chuyện đã qua, đất nước đang dần phát triển, nhân dân đang bắt đầu có hạnh phúc. Tất cả những thăng trầm đều là một phần trong cuộc sống của chúng ta. Những khó khăn của cuộc sống đang dạy cho chúng ta, cần được trải nghiệm như những bài học quý giá, nếu biết đón nhận sẽ không gặp lại những loại khó khăn như thế nữa. Trong đời này và đời sau chúng ta không muốn gặp khó khăn, nên chúng ta cần học hỏi tìm hiểu xem nguyên nhân những khó khăn này từ đâu tới, cách học như thế là một phần chính của Phật giáo. Hướng dẫn chính của đức Phật là học hỏi kinh nghiệm từ qúa khứ, thực hành trong hiện tại để cải thiện tương lai, đó là triết lý của đức Phật. Đó cũng là Giáo Pháp căn bản từ Đức Quan Thế Âm, học hỏi những bài học kinh nghiệm từ quá khứ, để hoàn thiện tương lai và trợ giúp cho tương lai tốt đẹp hơn. Muốn như vậy, chúng ta cần phải thực hành Giáo Pháp của đức Phật, để chuyển hoá trong cuộc sống hiện tại.

 Chúng ta thường nghĩ rằng: đạo Phật là một Tôn giáo, là sự thờ phụng, chúng ta phải thờ cúng một ai đó, quan niệm như vậy là sai lầm, khi cho rằng đạo Phật là tôn giáo. Thực ra đạo Phật không phải là một Tôn giáo, đạo Phật luôn trợ giúp sự phát triển những phẩm hạnh trong cuộc sống của mỗi người. Những phẩm hạnh này cần được cải thiện, không phải chỉ về mặt tâm linh hay kỹ thuật thiền định, mà còn cần phải phát triển về cả khía cạnh thế giới vật chất. Ví dụ chúng ta xây dựng, phát triển thị trấn, ngôi làng của chúng ta, thì cần phát triển cả về văn hoá, sức khoẻ, y học…và tất cả mọi mặt khác trong cuộc sống. Cũng vậy Phật Pháp chính là cách giúp chúng ta phát triển cuộc sống của mình, cần phải hiểu rõ như thế. Nếu bạn coi đạo Phật như một Tôn giáo thì Đạo Phật chẳng có ý nghĩa giá trị gì, chúng ta cần thay đổi tri kiến này, cần phải hiểu đạo Phật thực sự nghĩa là gì?

 Nói về Đức Quan Thế Âm, chúng ta luôn đề cao về lòng Từ bi hay tình yêu thương. Từ bi và Trí tuệ là hai đề mục quan trọng nhất mà chúng ta nhắc đến ở khắp mọi nơi, đặc biệt trong truyền thống Đại Thừa. Khi nói về đức Quan Thế Âm là nói đến sự kết hợp trọn vẹn của Từ bi và Trí tuệ, khi nhắc đến Từ bi và Trí tuệ tức là nói đến cuộc sống chúng ta cần cải thiện mỗi phút, mỗi giờ, mỗi ngày. Nhưng làm thế nào để có thể cải thiện phẩm chất cuộc sống của chúng ta? Đó là nhờ vào Trí tuệ, nhờ vào sự hiểu biết, chúng ta cần tư duy ngay những gì xảy ra trong hiện tại, trong quá khứ để thấy được sự thật. Đó là trí tuệ, trí tuệ là một trong hai khía cạnh của Bồ Tát Quan Thế Âm. Khi có trí tuệ thì tình yêu thương nhậm vận sẽ xuất hiện, dẫn dắt những thiện hạnh yêu thương lợi ích cho mọi người, không chỉ cho đất nước của mình, mà cho tất cả mọi người trên thế giới. Ví dụ rất nhiều người sử dụng quạt khi trời nóng, như thế là người trí tuệ vì ít nhất họ cũng hiểu được rằng, chiếc quạt sẽ giúp họ làm giảm cơn nóng. Khi hiểu rằng quạt sẽ giúp bạn hết nóng, thì bạn sẽ tìm ngay một cái quạt, đó là hành động của trí tuệ hay tình thương yêu. Đây chính là cuộc sống chứ không phải Tôn giáo. Cũng như việc sử dụng quạt, bạn cải thiện cuộc sống của mình, làm cho nó dễ chịu, thoải mái hơn. Nếu không hiểu được điều này, bạn sẽ không biết cách nào làm hết cái nóng, và cứ phải tiếp tục chịu khổ từ cái nóng này sang cái nóng khác. Bởi vậy nếu không có trí tuệ, bạn sẽ mãi mãi chịu khổ đau trên thế giới này, chịu các loại khổ đau khác nhau thuộc thiên nhiên như lạnh rét, bão lụt, nạn cháy…, cùng với rất nhiều loại xúc tình phiền não bệnh hoạn khác nhau.

 Chúng ta nói rằng: đạo Phật là một phương tiện, hay một tiến trình để phát triển đời sống của chính mình, nếu không có trí tuệ, phẩm chất cuộc sống của chúng ta rất nghèo nàn. Bởi thế chúng ta cần phát triển trí tuệ mỗi ngày, bằng cách tư duy từ những bài học trong cuộc sống thực tế, đây gọi là giáo lý của Phật hay Phật pháp. Điều này rất quan trọng, chúng ta cần đưa trí tuệ vào trong cuộc sống thực tế của chúng ta mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút để thực sự chuyển hoá, cải thiện cuộc sống của chính mình ngày càng tốt đẹp hơn. Bởi thế đạo Phật không phải là Tôn giáo, mà chính là sự sống trọn vẹn tỉnh thức an lạc. Chúng ta cần nhớ Trí tuệ phải luôn dẫn đường cho tình yêu thương, nếu thiếu trí tuệ tình yêu thương sẽ bị sử dụng sai đường. Ví dụ rất nhiều người nói rằng họ thích sát sinh, họ cảm thấy rất vui khi giết các loài động vật, nên họ thường xuyên mổ cá, giết gà, giết lợn, và mỗi lần như thế họ vô cùng sảng khóai. Đó là tình thương đã bị sử dụng sai đường vì không có trí tuệ, đơn giản chỉ vì trí tuệ không được trưởng dưỡng. Nên họ đã sử dụng năng lượng của tình thương vào việc sát sanh, sử dụng năng lượng của tình yêu đem lại sự tàn sát cho thế giới, cho đất nước, hay cho ngôi làng mà mình đang sống. Bao nhiêu thảm kịch xảy ra, vì năng lượng của tình thương yêu bị sử dụng sai đường do không có trí tuệ, bởi thế chúng ta rất cần phát triển trí tuệ.

 Chúng ta biết rằng năng lượng của tình yêu thương là năng lực mạnh nhất trên thế giới này, nhưng trí tuệ lại là thứ cần được phát triển nhất, dù bạn là người thuộc tôn giáo nào, đất nước nào, nói ngôn ngữ gì, bạn vẫn phải cần tìm cách phát triển trí tuệ, vì chỉ có trí tuệ là phương pháp chân chính duy nhất đem đến an bình, hạnh phúc, tiện nghi và tất cả sự chân thật trong cuộc sống của bạn, nên trí tuệ vô cùng quan trọng. Tôi xin nói lại một lần nữa khi sử dụng quạt, bạn cần phải hiểu rõ tác dụng của quạt, giúp loại bỏ cái nóng. Bạn cũng cần biết cái nóng từ đâu mà có, và phương pháp làm thế nào để cảm thấy thoái mái hơn, mát mẻ hơn, rồi bạn hiểu ra rằng giải pháp đang cần là sử dụng một cái quạt, sự hiểu biết này là trí tuệ, nó rất quan trọng. Nếu không có trí tuệ, có thể bạn sử dụng nhầm sang một cái máy sưởi chẳng hạn, thì khiến cho cái nóng càng tăng thêm. Tình thương yêu có năng lực nhất, nhưng nếu không có trí tuệ thì nó trở thành rất nguy hiểm. Bởi vậy trí tuệ là điều quan trọng nhất, chính vì thế chúng ta cần nương tựa và thực hành về đức Quan Thế Âm, vị Phật của lòng từ bi. Ngài là sự kết hợp trọn vẹn của Trí tuệ và Từ bi.

 Hôm nay, nhân dịp ngày vía Bồ Tát Quan Thế Âm, chúng ta nói về sự gia trì của Ngài. Sự gia trì của đức Quan Âm là bắt đầu thực hành lòng từ bi, bắt đầu thực tập đem tình yêu thương cho chúng sinh, cho đất nước, cho nhân dân. Chúng ta gọi sự “bắt đầu” này là ý nghĩa lễ thọ Quán đỉnh, bắt đầu cho phép chúng ta thực hành Pháp tu của Bồ Tát Quan Thế Âm, tức là bắt đầu thực hành để trưởng dưỡng trí tuệ, thực hành các hoạt động của tình yêu thương. Mỗi chúng ta có trách nhiệm phục vụ mọi người, phục vụ dân tộc của mình và mọi loài, trong đó có cả cây cối và các loại côn trùng, tất cả thiên nhiên cần phải được bảo vệ, cần được giữ gìn. Bởi vì nếu chúng ta hủy hoại thiên nhiên, hủy hoại môi trường, tức là chúng ta đang làm hại đất nước, làm hại nhân dân. Hủy hoại thiên nhiên, chúng ta sẽ tạo nên rất nhiều thiên tai, bão lụt, và các thảm họa khác, chỉ bởi vì chúng ta đã không biết bảo vệ thiên nhiên. Như thế trí tuệ và tình yêu thương luôn cần thiết, không phải chỉ cho mỗi cá nhân, mà còn cần được phát triển cho mục đích xây dựng một đất nước an bình hạnh phúc. Vì thế chúng ta cần sự gia trì của đức Quan Thế Âm, để phát triển Từ bi và Trí tuệ, với mục đích cải thiện và nâng cao cuộc sống của mỗi người. Như nếu không trồng cây gây rừng, thì chúng ta không có đủ oxy để sống mạnh khoẻ. Bởi vậy chúng ta cần tránh phá hoại rừng, tôn trọng, bảo vệ cây cối và cố gắng trồng thêm cây nữa, cố gắng giữ gìn màu xanh càng nhiều càng tốt cho đất nước, cho tài sản của quốc gia, cũng như cho sức khoẻ của tất cả mọi người. Đây gọi là thực hành các thiện hạnh yêu thương, trưởng dưỡng trí tuệ. Bởi vì chúng ta hiểu tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, của việc trồng cây gây rừng, nên chúng ta cố gắng bảo vệ cây cối, trồng thêm nhiều cây, tôn trọng thiên nhiên, đó là những cách thực hành phát triển Trí tuệ và Tình thương, mà có thể gọi là bạn đang thực hành hạnh Quán Âm. Tôi vẫn thường nói rằng: đạo Phật không phải là một Tôn giáo, mà đạo Phật rất hợp với khoa học. Đức Phật Thích Ca nói về hai chân lý là chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối (chân đế và tục đế), hai chân lý này cần phải được thực hành kết hợp song song. Không nên hiểu nhầm rằng: Ta chỉ cần thực hành chân lý tuyệt đối mà bỏ qua chân lý tương đối, đó không phải là thông điệp của đức Phật. Thông điệp của đức Phật là cần thực hành cả hai chân lý trong cuộc sống của chúng ta, đây là vấn đề rất quan trọng bạn cần phải hiểu. Đáng tiếc có nhiều Phật tử không hiểu điều này, họ nghĩ rằng đạo Phật chỉ là một Tôn giáo, quả là một ý tưởng sai lầm. Thật sự đạo Phật là một khoa học sống thực tế, tràn đầy hạnh phúc và an lạc, chính vì lý do đó, ngày nay mọi người trên thế giới, bắt đầu hiểu biết và ngưỡng mộ nhiều hơn về Phật giáo, như ở Tây phương, ở phía đông Châu Á, ở Úc và rất nhiều quốc gia khoa học phát triển, họ bắt đầu tìm hiểu giá trị Giáo Pháp của đức Phật, họ bắt đầu hiểu Giáo lý mà đức Phật Thích Ca đã giảng dạy hơn hai nghìn năm trước, thực sự ý nghĩa chân lý rốt ráo là gì? Họ đã hiểu rõ thông điệp của đức Bản sư nên họ thực hành Giáo Pháp một cách thiết thực. Tại đất nước Việt Nam chúng ta có nền tảng căn bản Phật pháp đã tồn tại trên 2000 năm, vì vậy mỗi người dân Việt Nam nói chung và đặc biệt là những Phật tử, phải hiểu đầy đủ trọn vẹn ý nghĩa cao quý của Đạo Phật. Chúng ta cần phải nhận ra được con đường của Đạo Phật, giúp cho chúng ta đi bằng Trí tuệ Từ bi của chính mình.

 Điều mà Tôi tha thiết mong mỏi mọi người, là hãy quay trở lại nhận lấy Tôn giáo của mình, nhận ra ý nghĩa đích thực của đạo Phật, để có thể đưa vào cuộc sống, áp dụng thực hành ngay hiện tại để trải rộng tình thương yêu, an bình cho chúng ta, cho xã hội và cho muôn loài. Nếu chúng ta có thể tiếp cận với Phật gíáo một cách khoa học thực tế, thì đó là cách duy nhất phát triển đất nước, đem đến sức khoẻ và vật chất dồi dào cho từng gia đình, sự hòa bình cho nhân loại và hạnh phúc cho xã hội. Theo chỗ hiểu biết của tôi, nếu chúng ta bảo thủ, cố chấp thì Tôn giáo sẽ không đem lại hòa bình, hạnh phúc mà còn gây ra rất nhiều rắc rối, điều này rất đáng buồn. Chỉ vì sự bảo thủ và cố chấp Tôn giáo một cách mù quáng, sẽ vô tình đem lại bao nhiêu thù hận chiến tranh cho cuộc đời. Cho nên chúng ta cần phải tiếp cận một cách hết sức khoa khọc với giáo lý của đức Phật.

 Khi nói về Bồ Tát Quan Thế Âm, đức Phật của lòng Từ bi, chính là sự tượng trưng cho sự kết hợp trọn vẹn giữa Từ bi và Trí tuệ của loài Người, đó là lý do tại sao chúng ta thực hành hạnh Quán Âm. Trì chú và niệm danh hiệu đức Quán Âm, chúng ta sẽ dễ dàng có được sự phát triển Trí tuệ và Từ bi, vì thế pháp tu đức Quán Âm rất phổ biến, trong truyền thống Phật giáo Đại Thừa và Kim Cương Thừa. Thực hành theo hạnh của Ngài, giúp chúng ta sống một cách an bình, hạnh phúc và hòa hợp trong cuộc đời này. Bởi vì sự thực hành của chúng ta, chính là sự phát triển tình yêu thương và trí tuệ, như thế chúng ta mới thực sự là người theo hạnh Bồ Tát Quan Thế Âm. Đặc biệt tại nơi linh địa này là thánh địa của Bồ Tát Quan Thế Âm, tôi cũng được biết rằng toàn đất nước Việt Nam, rất nhiều người Việt Nam có thâm duyên và thực hành theo hạnh Bồ Tát Quan Thế Âm, tức là thực hành về Từ bi và Trí tuệ. Bởi vậy chúng ta nên tự hào về phúc duyên của mình, được hạnh ngộ tu tập theo Đức Quan Thế Âm, là một phúc duyên vô cùng hy hữu cần nên trân trọng. Chúng ta cũng nên tự hào được sinh vào đất nước Việt Nam, một đất nước có đức tin sâu sắc vào Bồ Tát Quan Thế Âm và thực hành theo hạnh Từ bi Trí tuệ của Ngài. Vì thế chúng ta thật sự trân trọng và tự hào được làm người Việt Nam. Tuy có hàng tỷ người trên thế giới này, nhưng mấy ai có được may mắn như chúng ta, những người có được sự gia trì của Ngài, có được hiểu biết về tầm quan trọng của cuộc sống, đặc biệt có nguồn cảm hứng thực hành các thiện hạnh yêu thương, hướng về tất cả mọi người, lợi ích gia đình và cho chính bản thân mình. Số người này rất hiếm, chỉ khoảng một đến hai phần trăm dân số thế giới, nên chúng ta cần trân trọng phước đức mình đang có.

 Trong truyền thống Kim Cương Thừa, câu chân ngôn OM MANI PADME HUNG là một phương pháp thực tập, để tiếp cận kết nối với Đức Quan Thế Âm, còn trong Đại Thừa thì phương pháp thực hành là trì tụng cầu nguyện đến danh hiệu của Ngài. Cả hai pháp này thực sự vẫn là trì danh hiệu của Ngài. Tên của Ngài tức là bản chất Tâm, trong sạch nguyên sơ của chính chúng ta. Trong câu chân ngôn OM MANI PADME HUNG thì "Mani" tức là kim cương, một loại ngọc như ý, còn "Padme" tức là hoa sen. Hoa sen là một loài hoa vô cùng trong sạch, vì nó mọc từ bùn nhưng không hề ô nhiễm bởi bùn tanh hôi. Nó tượng trưng cho sự thanh tịnh nguyên thủy của Tâm. Mặc dù Tâm chúng ta đang hiện hữu ở thân này, trên thế giới uế trược này, cùng vô số kiếp trôi lăn trong sáu đạo, nhưng bản chất Tâm của chúng ta, không hề bị nhiễm ô, vẫn hoàn toàn thanh tịnh như thuở nguyên sơ, vì thế hoa sen được tượng trưng cho Tâm của chúng ta. Vậy thì chúng ta có được 2 nghĩa “Ngọc như ý” và “Thanh tịnh”. Viên mãn mọi ước nguyện là một phần rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta luôn cầu nguyện điều này, điều khác, người cầu có con, người cầu nhà cửa, sức khoẻ, của cải và rất nhiều thứ khác, vì thế viên mãn mọi sở cầu là một phần cuộc sống. Còn phần kia chính là phần thanh tịnh. Thanh tịnh là quan trọng nhất để có được sự viên mãn mọi sở cầu. Nếu tâm của bạn cứ liên tục bị ô nhiễm, bởi những xúc tình tiêu cực, thì bạn sẽ không thể làm viên mãn mong nguyện của mình, bạn không thể thực hành hạnh Quán Âm. Vì thế sự thanh tịnh là một phần quan trọng trong cuộc sống, giúp bạn có được cuộc sống như ý, nên bạn cần thanh tịnh hoá tâm mình, đó là bước đầu tiên bạn cần phát triển. Khi bạn đã phát triển trạng thái thanh tịnh của tâm thì kết quả là mọi sự như ý, mọi mong nguyện đều thành tựu được như ý.

 Chữ Mani tức là ngọc như ý, khi có ngọc như ý thì cuộc sống của bạn sẽ rất dễ dàng hoan hỷ. Như vậy danh hiệu của đức Quan Thế Âm, nêu biểu cuộc sống của chính con người. Những gì chúng ta mong nguyện cần được phát triển bằng cách thanh tịnh hoá tâm mình, vì thế khi chúng ta trì niệm danh hiệu của Bồ Tát Quan Thế Âm, với tâm chí thành tha thiết, chúng ta sẽ chuyển hoá được cuộc sống sinh tử luân hồi đau khổ thành cuộc sống an bình hạnh phúc và như ý.

 Trong Đại Thừa chúng ta thường niệm bắt đầu bằng chữ "Nam Mô" để thể hiện tâm chí thành. Tâm chí thành được thể hiện qua cả Thân KhẩuÝ, thân đỉnh lễ là thể hiện sự chí thành của Thân, miệng trì tụng Nam Mô là thể hiện sự chí thành của Khẩu, tâm chúng ta tha thiết hướng về Đức Quán Âm là sự chí thành của Ý, như thế chữ “Nam mô” là thể hiện tâm chí thành của cả Thân Khẩu Ý. Trong truyền thống Kim Cương Thừa, câu trì chú bắt đầu bằng chủng tử "OM". Chữ OM là tượng trưng cho năng lượng của vũ trụ vô cùng mạnh mẽ và to lớn, theo cách gọi của người thế tục là năng lượng của Âm Dương, còn trong Kim Cương Thừa là năng lượng của phụ tính và mẫu tính, hay là năng lượng vi tế mạnh mẽ hài hòa của Từ bi và Trí tuệ. Vì thế khi chúng ta trì tụng câu chân ngôn, chúng ta bắt đầu bằng chữ OM để thu gom năng lượng tinh tế mạnh mẽ của vũ trụ, hay là thu gom năng lượng hài hòa của Từ bi và Trí tuệ, để trợ giúp cho sự thực hành của mình dễ dàng phát triển Trí tuệ Từ bi, mới hy vọng đạt được kết quả tốt đẹp. Khi bạn sử dụng năng lượng vũ trụ để cứu độ chúng sinh, với Trí tuệ và Từ bi thì công năng sẽ rất mạnh mẽ, bởi vì năng lượng của vũ trụ có sức mạnh rất lớn. Chữ OM tượng trưng cho năng lượng của vũ trụ, hoặc tượng trưng cho toàn bộ vũ trụ. Khi chúng ta nói về vũ trụ tức là nói về sức mạnh thực sự của vũ trụ, trong hình thức năng lượng âm dương, tức là năng lượng của phụ tính và mẫu tính, hai năng lượng này là năng lượng của toàn thể vũ trụ. Cho nên khi chúng ta phát triển sự hiểu biết về các hoạt động thiện hạnh, của Từ bi và Trí tụê chúng ta cần sự trợ giúp của năng lượng. Ví dụ hoạt động thiện hạnh yêu thương chúng ta cần có năng lượng thuộc phụ tính, cùng lúc chúng ta cần sự phát triển của trí tuệ, nếu không có trí tuệ tất cả mọi thiện hạnh sẽ không thành công. Muốn phát triển trí tuệ chúng ta cần sự trợ giúp của năng lượng mẫu tính, thuộc năng lượng vũ trụ. Hai năng lượng này rất cần để phát triển sự thực hành Yoga, Yoga Mantra, Yoga Sutra, như Thiền định… có rất nhiều loại Yoga. Vấn đề quan trọng là làm thế nào đưa hai loại năng lượng này vào sự thực hành phát triển Từ bi Trí tuệ của chúng ta. Đây là một trong những lý do chúng ta thực hành sự kính ngưỡng lẫn nhau, chúng ta kính ngưỡng cả nam, lẫn nữ. Chúng ta tôn trọng tất cả mọi năng lượng, tất cả mọi thứ. Ví dụ chúng ta tôn trọng động vật, tôn trọng con người, tôn trọng cây cối, cho đến cả những côn trùng bé nhất chúng ta cũng đều tôn trọng bình đẳng như nhau. Chúng ta không nên nói rằng: “Loài người có quyền ngược đãi, đối xử tàn tệ với các loài khác, có quyền giết hại mạng sống các loài” Điều này hoàn toàn sai! Chúng ta cũng không nên nói rằng: “Nam giới rất tuyệt, chúng ta cần tôn trọng phái Nam, không cần tôn trọng phái Nữ.” Điều này càng sai! Đức Phật Thích Ca đã từng dạy rằng: người nữ có quyền chứng ngộ bình đẳng với người nam không khác. Cho nên Ngài không chỉ cho người Nam xuất gia thọ giới Tì kheo để chứng quả A la hán, mà Ngài còn cho phép người Nữ xuất gia làm Tì kheo ni và cũng có thể chứng A la hán như các vị Tì kheo không khác. Không chỉ thế trong Kim Cương Thừa còn có các Hành giả Yogi, Yogini, hay các vị hoá thần như Daka, Dakini, và Chư Phật trong hình tướng Nam và cả trong hình tướng Nữ. Vì vậy tất cả mọi người, mọi loài bao gồm cả cây cối, côn trùng…đều cần được tôn trọng như nhau. Đó chính là giáo lý của Đức Phật, là Từ bi Trí tuệ của Ngài, và cũng là thông điệp của Bồ Tát Quan Thế Âm.

 Buổi lễ gia trì quán đỉnh về đức Quan Thế Âm hôm nay đến đây tạm kết thúc. Chúng tôi mong rằng tất cả Quý vị có duyên được thọ Quán đỉnh, hãy cố gắng duy trì năng lượng của Ngài, bằng cách nuôi dưỡng và phát triển Từ bi Trí tuệ, để thực sự chuyển hoá cuộc sống khổ đau thành an bình hạnh phúc và thiết thực đem sự an lạc đến cho mọi người, mọi loài trên thế giới. Đó là hạnh chân thật của Bồ Tát Quan Thế Âm, quý vị nên thực tập. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Thành Hội Phật Giáo Hà Nội, Thành hội Phật giáo Đà Nẵng, các ban ngành Lãnh đạo, các cấp Chính quyền, cùng tất cả quý vị chư Tăng Ni Phật tử, đã ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận duyên, để chúng tôi có cơ hội chia sẻ Giáo Pháp Tôn quý của đức Phật. Cầu nguyện quý vị, mỗi người sẽ trở thành một Đức Quan Thế Âm, đem bàn tay yêu thương xoa dịu cho cuộc đời bớt đau khổ, đem sự bình an hạnh phúc đến cho muôn loài.

Nam Mô Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Năm 2019(Xem: 3258)
21 Tháng Mười 2015(Xem: 22690)
Trong số những bài góp ý liên quan đến bài "Về Tôn Xưng "Pháp Vương", chúng tôi nhận thấy cần post lên đây hai bài đáng quan tâm đến vấn đề: một bài gần như đồng quan điểm với những lời phát biểu của quý Hòa thượng lãnh đạo cấp cao Trung Ương Giáo Hội (bài của GSTS. Trần Kiêm Đoàn) và bài kia, dù được loan tải trên kênh chính thức của giáo hội nhưng lại có những quan điểm trái chiều (bài của Cư sĩ Giới Minh)
16 Tháng Chín 2015(Xem: 8668)
Được sự đồng thuận của Ban Tôn giáo Chính phủ, Trung ương Giáo Hội Phật giáo, vào dịp kỷ niệm Ngày Hòa bình Thế giới (21/9), Phật tử và người dân Việt Nam
14 Tháng Tư 2015(Xem: 9240)
Cuốn Giác ngộ mỗi ngày - Bước chân an lạc trong thời hiện đại có bản quyền thuộc về Nhà xuất bản Penguin. Tác phẩm này là một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới ngay từ lần đầu tiên ra mắt độc giả vào năm 2012, sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng ở khoảng 20 quốc gia như: Anh, Đức, Pháp, Italy, Trung Quốc... Đây là lần đầu tiên sách phát hành tại Việt Nam
24 Tháng Chín 2013(Xem: 8681)
19 Tháng Tư 2013(Xem: 12547)