- Những bước chân an lạc
- Ân hưởng vẻ đẹp của cuộc sống
- Cùng nhau tiến bước
- Tam Pháp Ấn - Ba Dấu Ấn Của Chính Pháp
- Khi Sợ Hãi Đến, Bạn Phải Làm Gì
- Hãy để lòng khiêm nhường thế chỗ cái tôi
- Làm chủ chính mình
- Các mối quan hệ quanh ta
- Bám chấp
- Giác ngộ
- Vô úy tự tại
- Đối mặt với những lời thị phi, khó nghe
- Chuyển hóa sân giận thành yêu thương
- Tâm trong sáng thuần khiết
- Quan niệm về tình yêu
- Học cách được là chính mình
- Cách thức đối trị sự căng thẳng - stress
- Bài học về đức tính nhẫn nhục
- Niềm hỷ lạc khi thực hành trì giới
- Kiên nhẫn đối diện mọi thử thách
- Những món quà kỳ diệu
- Tình yêu thương và sự tôn trọng
- Kho báu bên trong mỗi chúng ta
KHI SỢ HÃI ĐẾN, BẠN PHẢI LÀM GÌ
Khi bắt đầu một mối quan hệ tình cảm, nhận một công việc hoặc chuyển đến một nơi sống mới, thường thì tự nhiên bạn sẽ cảm thấy đôi chút lo lắng, bất an. Có thể bạn sợ đó là quyết định sai lầm hay lo ngại mình sẽ thất bại trong môi trường mới. Đôi lúc, nỗi sợ hãi này trở nên mạnh mẽ khiến tê liệt và ngăn cản bạn tiếp tục tiến bước và tỉnh táo nhìn nhận điều gì sẽ xảy ra.
“Dù bạn quyết định gì, vẫn luôn có kẻ nói rằng bạn đã sai lầm. Luôn có trở ngại phát sinh dễ khiến bạn lầm tin những lời chỉ tríchkia là đúng”
~ Ralph Waldo Emerson
Nhưng nếu bạn tỉnh thức trong mọi quyết định hay lựa chọn, nếu biết lắng nghe và thuận theo tiếng nói từ trong tâm và đơn giản là đã làm hết khả năng thì chẳng có gì đáng gọi là thất bại. Chúng ta sẽ không nói về “thất bại” trong mối quan hệ bạn bè, trong công việc hay trong những toan tính cuộc sống, mà đúng hơn là nói về những bài học nên rút ra từ những trải nghiệm này. Nếu việc thử sức kinh doanh của bạn không đem lại hiệu quả, hãy xem nó như một bài học cho những quyết định tương lai. Tất cả chỉ là một bước trong cả hành trình trải dài phía trước!
Tất nhiên, tôi không có ý cho rằng bạn sẽ không hề cảm thấy thất vọng, buồn nản khi mọi việc xảy ra không như ý. Điều tôi muốn nói là bạn hãy đừng day dứt, ám ảnh bởi ý nghĩ cho rằng mình đã thất bại. Hãy nghĩ xem: bạn có tử tế và rộng lượng với người đó không? Bạn có ra quyết định trên cơ sở sự tin tưởng trong công việc không? Vậy thì tại sao phải trách cứ bản thân? Tại sao cần cho rằng mình có lỗi? Nếu bạn có thể từng bước gỡ bỏ sự trách cứ, đổ lỗi như vậy thì nỗi sợ hãi cũng sẽ lắng xuống, tâm bạn sẽ được giải phóng để hướng đến những suy nghĩ hành động tích cực hơn.
“Hãy học cách đứng dậy ngay khi vấp ngã”
~ Ngạn ngữ Himalaya
Bạn đã từng e ngại rằng nếu thành công, bạn sẽ có thêm nhiều trọng trách và gánh nặng đó sẽ nặng nề hơn nếu cuối cùng bạn thất bại. Tôi nghĩ đây là một trong vô số kiểu kỳ vọng đang lây lan trong xã hộihiện đại. Có những người luôn bị coi là thất bại và điều này thật tiêu cực. Số khác lại phải chịu áp lựcphải thành công bằng mọi giá đến nỗi họ muốn vứt bỏ để trốn chạy. Con cái phải vượt cha mẹ, bạn bè phải hơn điểm nhau, hàng xóm ganh đua nhau mức độ giàu có. Nhiều tài năng tuyệt vời đã không thể phát huy thêm chỉ vì biết rằng thành công luôn đi kèm những áp lực như vậy. Họ sợ càng lên cao thì càng ngã đau.
Đó là lý do tại sao chúng ta thường nói về Trung Đạo trong triết lý nhà Phật. Khi giữ được cân bằng trên bước hành trình, không chệch ra bên ngoài mà vẫn giữ được làn đường đã chọn, bạn sẽ không bị cản trở hay phải giảm tốc độ vì sợ hãi và sẽ có thể thực sự tiến xa. Bạn chẳng vội vã kiếm tìm thành cônghay e ngại nó mà chỉ cần đón nhận mọi việc một cách thong thả, nhẹ nhàng, ra quyết định bằng tâm trong sáng, thuần tịnh. Bạn cũng không còn lo sợ thất bại bởi đây sẽ trở thành bài học quý giá, thành khoảnh khắc đáng nhớ trong những nốt thăng trầm của đời người.
Khi ai đó thỉnh cầu tôi thuyết pháp hay luận đàm, đơn giản là tôi sẽ đáp ứng tâm nguyện này. Tôi cho rằng mình không cố chấp khi nói, tôi cảm thấy an nhiên tự tại, nói bất cứ điều gì mình muốn. Nếu ai đó thờ ơ với những gì tôi nói cũng không sao. Hoặc nếu họ biết trân trọng giáo pháp thì cũng tốt, thế nào cũng được cả. Tôi chỉ làm như vậy, nói bất cứ điều gì bất chợt, tự nhiên xuất hiện trong đầu. Nếu giữ thái độ quá nghiêm túc, cứng nhắc giáo điều, tôi e mình sẽ không nói được điều gì và sẽ lạc đề nếu không có sẵn một dàn bài. Sẽ rất khó khăn cho cả tôi (người nói) lẫn các bạn (người nghe) trong tình huống phải chia sẻ với nhau theo cách như vậy.
Chúng ta hãy cùng tiến bước trên cuộc đời với tâm buông xả, tỉnh thức, cởi mở, không khuôn sáo gượng ép. Bằng cách đó, ta sẽ loại bỏ những thứ vô nghĩa và trực tiếp cảm nhận giá trị cuộc sống. Hãy thử làm theo chỉ dẫn này một cách tự nhiên. Tôi tin chắc những thay đổi tốt đẹp sẽ đến với bạn và những người thân yêu của bạn.
Cách hiệu quả nhất để hiểu và đối mặt với nỗi sợ hãi của chúng ta là trở về với tình yêu thương và tâm bi mẫn. Khi lòng từ bi của chúng ta được trưởng dưỡng, bản ngã tự nó sẽ co hẹp và nỗi sợ hãi cũng tiêu tan dần. Để làm được điều này, chúng ta cần nhiều thời gian vì bản ngã vốn mạnh mẽ, kiên cường. Trước hết bạn phải biết chấp nhận bản thân, sau đó bạn sẽ biết chấp nhận người khác. Hãy để tình yêu thương lan tỏa, đầu tiên tới các thành viên trong gia đình mình và dần dần tới tất cả mọi người không phân biệt. Không có gì mạnh mẽ hơn tình yêu thương! Đó là nguồn sức mạnh lớn nhất trên thế giới này và chính nó sẽ đem lại cho bạn sự vô úy tự tại.