Trí Quang Tự Truyện

18 Tháng Tư 201200:00(Xem: 34787)

TRÍ QUANG TỰ TRUYỆN
Tác gỉa: Thích Trí Quang
Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh 2011

triquangtutruyen-bia_sach-1medTôi người Quảng bình, 1 trong 3 nơi mà Huyền Trân công chúa mới đáng là thành hoàng. Tổ tiên gốc người Hải dương, 4 cha con cùng có mặt trong đạo quân tiếp quản Quảng bình, rồi định cư ở 3 làng. Thuận lý là con trưởng, kế đó, Phương xuân là con thứ 2. Diêm điền, làng tôi, là nơi Tổ của làng tôi cùng con út định cư. Làng tôi cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng bình chỉ có chừng 600 mét đường chim bay. Trước đó, cả làng định cư bao giờ không rõ, chỉ biết vì chậm chân nên ngoài số ruộng đất không đáng kể, làng tôi phải làm muối, vì con sông của làng là nhánh sông lớn Nhật lệ, nước mặn. Do đó mà có tên Diêm điền, cấp phường chứ không phải xã, thuộc tổng Long đại, phủ Quảng ninh, 1 trong 5 phủ huyện của Quảng bình. Vị trí gần tỉnh lỵ, nhưng làng không có truyền thống học chữ Tây. Vẫn học Nho, nhưng không có tiếng là làng Nho học hay khoa bảng gì.

Một bí mật mà nay nên nói ra. Làng tôi có liên hệ khá chặt chẽ với phong trào Văn thân của chí sĩ Phan đình Phùng. vùng núi phía tây của làng có 2 quân thứ của phong trào. Bác họ tôi là một chỉ huy cấp trung, ông ngoại tôi là một đội viên, của một trong 2 quân thứ. Cha tôi là “người của vua Minh”, tiếng gọi kín vua Hàm nghi. Năm tôi 14 tuổi, cha tôi bảo đi theo ra thăm đám ruộng cạnh giếng Nĩ, vùng Ải dài, nghiêm trọng kể cho tôi, và bảo, “phải biết và nhớ lấy”. Tôi hỏi, làng mình có ai là “người của vua Minh” nữa không, cha tôi đắn đo rồi bảo, có, làng mình và các làng chung quanh, nhất là dưới tỉnh, có cả. Nhưng, này, “quốc tặc” là gì, con biết không, tôi thưa, dạ biết. Cha tôi bảo, biết, biết nó là gì thì không được sợ, cũng không được khinh suất...



Xem tiếp nơi mục lục bên phải hay download phiên bản PDF: TRÍ QUANG TỰ TRUYỆN - Tác gỉa: Thích Trí Quang
(Sách dày 216 trang, nhà xuất bản Tổng Hợp TP. HCM tại Sài Gòn. In 3000 cuốn, xong ngày 22-7-2011. Tác giả viết xong ngày 24-4-2011. Sách không chia thành chương, mục mà được phân thành 47 đoạn viết theo lối hồi ức, tự truyện. Không có một hình ảnh nào minh họa từ bìa đến nội dung.)

Bài viết liên quan đến chủ đề:

TRÍ QUANG TỰ TRUYỆN: Không vẫn hoàn không - Trần Kiêm Đoàn
TIỂU TRUYỆN TỰ GHI Hòa thượng Thích Trí Quang
TRÍ QUANG TỰ TRUYỆN: phác thảo về cuộc đời và sự nghiệp của một danh Tăng -Tâm Đăng
THÍCH TRÍ QUANG VÀ VIỆT NAM - James Mc Allister - Trần Ngọc Cư dich
Thich Tri Quang and the Vietnam War - JAMES McALLISTER (Nguyên tác tiếng Anh - PDF)
CON NGƯỜI THẬT CỦA THƯỢNG TỌA THÍCH TRÍ QUANG - Đào Văn Bình
PHẬT GIÁO VIỆT NAM NĂM 1963 - Phóng viên Neil Sheehan - Ảnh của © Bettmann/CORBIS
PHẬT GIÁO VIỆT NAM NĂM 1967 Bài: Trọng Hoàng - Ảnh của nhiếp ảnh gia: Co Rentmeester (Life)
HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ QUANG và Một Chặng Đường Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam - Huỳnh Kim Quang

Thích Trí Quang là một thượng tọa Phật giáo, ông đóng một vai trò khá quan trọng diễn biến của cuộc Chiến tranh Việt Nam.

Thích Trí Quang tên khai sinh Phạm Quang, tên tục là Do [1], sinh năm Giáp Tý (1924), tại làng Diêm Điền, tỉnh Quảng Bình. Ông là con thứ tư trong gia đình có 6 anh em trai, hai anh đầu khác mẹ. Thân mẫu ông là hội viên Hội Tiên Thiên Thánh Giáo (hội những người lên đồng). Cha ông bán thế xuất gia với ngài Thích Đắc Quang, pháp danh Hồng Nhật. Khi ông được 6 tuổi, bố mẹ cho ông học chữ Hán và chữ quốc ngữ. Sau đó ông được gửi đi tu học tại Chùa Bảo Quốc, Huế với các Thượng tọa Thích Trí Độ, Thích Mật Thể v.v... là những vị sáng lập Phong trào Chấn hưng Phật giáo tại miền Trung Việt Nam[2].

Năm 1938, ông xuất gia vào Huế theo học chương trình đào tạo tăng sĩ và hoàn tất chương trình vào năm 1944. Mùa hè năm 1946, ông được mời ra Hà Nội thành lập Phật học viện tại chùa Quán sứ. Cuối năm 1946, ông trở về Quảng Bình thọ tang cha, sau đó ra Huế tu tại chùa Tù Đàm. Ở Huế vì hoạt động trong Hội Phật giáo Cứu quốc, ông bị chính quyền Pháp thời ấy bắt giam và bị quản thúc sau khi được trả tự do. [3]Đầu năm 1947, Pháp chiếm Quảng Bình, ông vào chiến khu chống Pháp, phụ trách quận hội của Liên Việt.

Năm 1963, sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm dùng bạo lực đàn áp các cuộc biểu tình phản kháng của Phật giáo, Trí Quang đã đóng một vai trò quan trọng trong việc sách động và duy trì cuộc khủng hoảng chính trị lâu dài, một cuộc khủng hoảng cuối cùng đã dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm. Trong Sự kiện Phật Đản, 1963, thượng tọa Thích Trí Quang là nhà lãnh đạo Phật Giáo được báo chí quốc tế nhắc nhở tới nhiều nhất. Khi Chùa Xá Lợi bị tấn công, tăng ni bị bắt, việc ông vượt khỏi hàng rào nhà tù vào lánh nạn trong Toà Đại Sứ Mỹ tại Saigon từng được coi là một bí ẩn, mọi chi tiết chưa từng được kể lại. Tuần báo Time đã từng đăng hình Thượng Toạ với lời ghi chú "Người làm rung rinh nước Mỹ".

Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, hai anh em Diệm Nhu bị giết, Thích Trí Quang vẫn không trở về với vị trí bên lề của trường chính trị, ông tiếp tục vận dụng ảnh hưởng to lớn của mình lên sinh mệnh chính trị của Việt Nam Cộng hòa bằng cách ban bố hay từ chối hậu thuẫn của mình cho những chế độ quân nhân đã điều hành quốc gia từ 1964 đến 1966. Trong vụ Biến động Miền Trung vào năm 1966, thượng tọa Thích Trí Quan là người đề nghị đồng bào đưa bàn thờ Phật xuống đường để ngăn chặn lối đi của quân chính phủ.

Khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập, ông là Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống, trong khi Thượng toạ Thích Tâm Châu là Viện trưởng Viện Hoá Đạo.

Theo tướng Nguyễn Hữu Có thì trong Sự kiện 30 tháng 4, 1975 thì Thích Trí Quang là một kênh liên lạc của đại tướng Dương Văn Minh với phía bên kia[4] Từ sau 1975 cho tới nay, ông vẫn sống yên lặng tại Saigon, hiện tĩnh tu tại chùa Già Lam. Bên cạnh việc san dịch kinh sách, ông đang hoàn tất một hồi ký đặc biệt về cuộc vận động của Phật Giáo Việt Nam.

Theo James McAllister trong "Only Religions Count in Vietnam : Thich Tri Quang and the Vietnam War," thì: "Học giả bên cánh hữu thì cho rằng Trí Quang chắc chắn là tay sai cộng sản hoạt động theo chỉ thị của Hà Nội. Học giả bên cánh tả thì lí luận rằng Trí Quang là một lãnh đạo tôn giáo ôn hoà dấn thân cho dân chủ và quyết tâm đòi chấm dứt chiến cuộc nhanh chóng." Tuy nhiên: "Nếu căn cứ vào những bằng chứng được lưu trữ qua các cuộc đàm thoại của Trí Quang với giới chức Mĩ thì rõ ràng là, Trí Quang thực sự có thái độ chống cộng mạnh mẽ và hoàn toàn chấp nhận việc Mĩ dùng sức mạnh quân sự đối với Bắc Việt và Trung Quốc. Yếu tố chính dẫn đến xung đột giữa phong trào Phật giáo và chính quyền Johnson là việc Trí Quang quả quyết rằng các chế độ quân sự tiếp theo Ngô Đình Diệm có thái độ thù nghịch với Phật giáo và thiếu khả năng đưa cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa Cộng sản đến một kết thúc thắng lợi. "[5]

Chú thích

  1. ^ Có tài liệu nói ông tên thật là Nguyễn Văn Bòng
  2. ^ TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP I Thích Đồng Bổn Chủ biên Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành
  3. ^ Lại chuyện Thích Trí Quang
  4. ^ Thượng Tọa Thích Trí Quang và Đại Tướng Minh
  5. ^ Tạp chí Modern Asian Studies 42, 4 (2008), pp. 751–782


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn