Phần 08

19 Tháng Sáu 201200:00(Xem: 7580)

TRÍ QUANG TỰ TRUYỆN
Tác gỉa: Thích Trí Quang
Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh 2011

08

15/1

Không ai trong Ủy ban Liên phái mà không nghe biết dồn dập về việc chính quyền chuẩn bị thiết quân luật để tổng càn quét Phật giáo. Tăng cường cảnh sát quận 3 (Xá lợi) và quận 10 (Ấn quang); tập trung và mài dũa còng tay; bắt công chức tăng cường gác đêm... Trước đó, và có lẽ đây là ý định thứ nhất của chính quyền: lấy lịnh tòa án ruồng bố các chùa. Dự định nầy, theo tin tức, nhằm cướp kim quan của ngài Quảng đức, truy tố các vị tổ chức cho ngài tự thiêu. Họ đã điều tra lai rai các vị ấy. Và rằng sẽ truy tố những kẻ sát nhân.

UBLP họp vài ba lần. Bàn ai tình nguyện bị bắt, ai tình nguyện ở ngoài. Nhưng
không ai chịu ở ngoài cả. Riêng tôi, trong UBLP có cụ Hiểu, cầm đầu Phật tử
Nguyên thỉ, cho tôi biết riêng, tòa đại sứ Thái lan có ý mời tôi đến tá túc. Cụ nói 2
lần. Tôi thì đã quyết địn “để bị bắt”. Rồi hòa thượng Tâm giác cũng làm tương tự.
Hướng dẫn và thông dịch cho 1 viên chức nói là của tòa đại sứ Nhật, cũng tỏ ý như
Thái lan. Tôi cũng trả lời tương tự. Họ ngồi cho đến gần giờ thiết quân luật mới về.
Nửa giờ sau, ban Trật tự trong chùa báo động. Cùng lúc, thô bạo cực kỳ, cảnh sát dã
chiến xông vào, sử dụng dùi cui trước, đối với cả các ni sư. Rồi tấn công bằng hành
hung và lựu đạn cay, họ dồn chúng tôi ra trước điện Phât. Ở đó, thấy ngài Hội chủ
mặt và mắt sưng, bị dẫn ra trước. Một thị giả níu ngài bị đánh ngất xỉu. Ngài bị đưa
lên xe bít bùng, đưa đi trước. Các nhóm, tôi cũng bị ở trong một nhóm, rồi tất cả, bị
xua ra, cảnh sát áo trắng đón lấy, đưa lên 4, 5 chiếc xe lớn, trực chỉ đến nơi mà sau
đó mới biết là Rạch cát. Đêm khuya, trời lạnh, nhưng không mưa. Đoàn xe đến một
quãng đồng cạn thì dừng lại. “Vì xe chỉ huy hỏng máy”. Có tiếng nói nhỏ, nhưng rõ,
“ai xuống được thì xuống mà thoát đi”. Nhưng xe tôi, và sau đó biết các xe khác
cũng vậy, không ai xuống cả. Đoàn xe lại tiếp tục. Vài mươi phút sau đến Rạch cát.
Chúng tôi bị xua xuống, nhốt vào 3, 4 cái nhà tương đối nhỏ. Tôi, do một thầy nào
đó không rõ, đang đêm nên cũng không nhìn được, nói nhỏ và dìu tôi vào gần nhóm
Già lam. Bấy giờ thì biết Già lam, Pháp quang, Nguyên thỉ gốc Miên, Ấn quang,
Giác minh, An dưỡng địa, Phước hòa,... đủ mặt bá quan. Cỡ 1 giờ sau, họ dẫn cụ
Chánh trí vào, đi ruồng các phòng, đến phòng tôi, chúng tôi 4 mắt nhìn nhau rất
nhanh, và cụ Chánh trí liên tiếp lắc đầu, miệng nói không có, không có. Ấy là họ
“nhờ” cụ giúp họ tìm tôi. Lát sau nữa, đại đức Giác đức bị bắt, đưa ra, dẫn đi.
Thầy nói khi nãy bảo tôi gối đầu trên vế thầy, nằm xuống mà nghỉ. Trời chưa sáng,
lạnh, nền xi măng, vậy mà nằm vẫn thấy ấm áp. Gần sáng, thầy thức tôi dậy, nói,
việc con đến đây là hết. Bây giờ xin thầy vào nhóm Già lam, sát nhóm Miên mà ở.
Thầy đưa tôi đến, rồi xá tôi, lặng lẽ lui ra. Từ đó cho đến nay, tôi cố kiếm thầy là ai
mà không tài nào kiếm ra.

Lại nói để phục chư tăng gốc Miên, và Phật tử của các ngài, tự ý cùng cảnh sát gốc
Miên, liên lạc kín đáo và chặt chẽ với nhau. Tin tức từ lúc đó, cho đến khá lâu sau
đó, toàn nhờ nhóm nầy thông báo, chính xác và đầy đủ, với máy truyền tin họ được
cấp. Nhờ đó mà biết các hòa thượng Tâm châu, Đức nghiệp bị bắt cả rồi, chỉ thiếu
tôi và đang cố lùng kiếm. Hòa thượng Thiện minh về Huế, và đêm đó bị bắt ở đây,
chùa Từ đàm. Tất cả các tỉnh, đặc biệt ở Huế, họ bị ruồng bắt “rất cẩn thận” mà dĩ
nhiên, tôi không rõ lắm.

Nói công bình, mấy ông chỉ huy ở Rạch cát không gay gắt. hống hách gì, bảo chúng
tôi thu xếp lấy sự sinh hoạt bình thường. Đi lại và trò chuyện thoải mái, miễn đừng
ra ngoài khu vực. Hòa thượng Nhật thiện, sư đệ của tôi, liên lạc với bên Ni, với cảnh
sát công chức gác đêm, nhất là cảnh sát gốc Miên, định thực hiện cho tôi một cuộc
thoát ra êm xuôi, với bộ cánh cảnh sát và 10 ngàn tiền biếu. Nhưng sáng hôm sau,
lịnh trả chúng tôi về ăn Vu lan. Trước khi tiếp tục, tôi kể chuyện nầy cho vui. Một
buổi chiều có đông nhân viên vào lấy lý lịch và chỉ tay. Hòa thượng Nhật thiện nói,
nhân việc này làm cho tôi từ nay “vẫn tìm không ra”. Một nhóm hè nhau, do hòa
thượng Nhật thiện điều khiển: tôi khai lý lịch, 1 thầy chụp hình, 1 thầy lăn tay. Tất
cả bàn giấy, hơi lạ, là thấy chúng tôi thì cúi xuống, đến phận sự thì làm việc, không
ngước lên, nhìn hay hỏi gì. Hòa thượng Nhật thiện nói, một người mà lý lịch, hình
ảnh, nhất là dấu tay, hoàn toàn khác nhau thì hết cách tìm cho ra là ai.

15/ 2

Tiếp tục câu chuyện. Tôi chưa kịp thoát ra theo sự thu xếp của sư đệ Nhật thiện, thì
có lịnh thả chúng tôi về ăn Vu lan. Khi gọi đến nhóm Pháp quang thì sư cụ Thiện
luật ra ngồi trước. Kế đến gọi Ngô Bửu Đạt (hòa thượng Hô giác) mới ra đã có một
nhóm đến mời lên xe bịt bùng đi luôn. Khi gọi Đinh văn Tánh (tên giả của tôi) sư
Chung thúc đẩy tôi ra. Thế là tôi về chùa Pháp quang. Trước đó, hòa thượng Thiện
hòa vào, tìm gặp tôi, nói, thầy về Xá lợi, tôi sẽ đón thầy ở đó. Thế là quá rõ: Ấn
quang bế tắc đối với tôi. Và thế là tôi phải về Pháp quang. Về đây, tôi tắm rửa thoải
mái sau 9 ngày sống mọi rợ. Nhưng, từ trong phòng tắm, đã thấy 4 họng súng chỉ
vào đều nhau. Tôi nghĩ Pháp quang đang bị bao vây chặt chẽ. Quả như vậy, Sư đệ
Nhật thiện từ Xá lợi chạy về, tìm gặp tôi đang thay đồ mới, dậm chân, hét, mau lên.
Nó biết thầy ở đây rồi. Thế là Pháp quang không cách gì lọt ra ngoài được nữa. Trừ
ra... tôi nghĩ thật nhanh... và bảo sư đệ Nhật thiện, kiếm một thầy nữa, chúng mình
đi. Sư đệ có ý hỏi. Tôi khoát tay và thúc nhanh lên. Tôi đi trước, Nhật thiện và sư
Nhâm theo sau. Xuống sư cụ thì thấy cảnh sát đang kỳ kèo gì đó, mà sau này, biết
họ đang đòi sư cụ cho soát chư tăng mới được tha về. Tôi thong thả, trình sư cụ,
chúng con xin phép đi đưa cái thư mà ngài dạy mang đến Ấn quang, cám ơn hòa
thượng Thiện hòa. Sư cụ nhanh trí, bảo đi nhanh lên, sắp tối rồi. Trời lại mưa khá
lớn. Có 2 chiếc taxi đậu ngoài sân, vành xe chạy sơn màu vàng: xe của công an. Loại
nầy có quyền bắt khách, chở thẳng về công an. Mặc, chúng tôi ngồi ngay lên 1 xe.
Xe ra đường lớn, tôi bắt đầu làm việc. Tôi nói, 2 thầy sao không biết, còn tôi mai sẽ
xin về, không tu nữa. Ngán tu rồi,... Anh tài xế hỏi, tôi vừa trả lời vừa nghĩ đến việc
về Ấn quang. Nhưng về Ấn quang là nạp mạng. Còn thoát trên đường về đó, thì lúc
bấy giờ tôi không biết gì về đường sá Saigon, không thể thoát được sự chú ý của anh
tài xế. Như vậy chỉ còn cách ra đường Hàm nghi. Tôi nói với anh tài xế, anh có thể
ra bến tàu cho chúng tôi hít thở thật mạnh một chút được không? Được. Ra bến tàu,
gần đến đầu đường Hàm nghi, tôi nói phiền anh ghé vào tiệm thuốc cho tôi mua vài
viên thuốc cảm. Anh ghé vào, vui vẻ. Không biết ngẫu nhiên hay sao mà lại chỉ có 1
hiệu thuốc mở cửa. Chúng tôi xuống, nói với anh tài xế, anh quay xe để rồi chung ta
đi. Nói vậy, nhưng tôi đi thẳng, qua trước cửa tòa đại sứ Mỹ. Thấy cửa khép, tôi đi
thẳng càng mau. Nhưng đi mươi lăm mét gì đó, tôi quặt lại, thấy cửa ấy mở ra. Vậy
là sư đệ tôi 1 tay kẹp tôi, 1 tay kẹp sư Nhâm, a vào. Anh lính Mỹ hơi tránh ra cho
chúng tôi vào. Vào rồi, anh khép cửa khá kín, mở tủ lấy một khẩu súng khác, nhỏ
hơn, và hỏi các ông có phải là phe ông Trí quang không, sư đệ Nhật thiện chỉ tôi, nói
tiếng Mỹ, ông nầy là Trí quang đây. Anh lính Mỹ đóng cửa, gọi điện thoại. Chỉ vài
phút sau, có người đến nhận diện tôi, mời lên tầng trên, sâu hơn. Ngoài đường tiếng
chiến xa đang ồn ào chạy quanh. Một chiếc máy thu thanh được đem để trước mặt
chúng tôi. Đài BBC loan báo: Thượng tọa Trí quang đã vào tị nạn trong tòa đại sứ
Mỹ.

15/ 3

Tổng hội Phật giáo Việt nam gồm có 3 miền Nam Trung Bắc, mỗi miền có 2 giới
tăng già và cư sĩ, thành ra 6 tập đoàn. Hai tập đoàn miền Trung là Giáo hội Tăng già
Trung phần và hội Phật giáo Trung phần. Trung phần ở đây là gồm cả trung nguyên
và cao nguyên. Bộ phận cầm đầu 2 tập đoàn miền Trung cùng được gọi theo tên cũ
là Tổng trị sự (Tts). Tám năm trước 1963, tôi lạy ngài Thuyền tôn làm hội trưởng
Tts, cho con cháu của Hội mà ngài là 1 trong 3 vị chứng minh đại đạo sư sáng lập,
được núp trong bóng đại thụ của ngài, phục vụ Hội trong giai đoạn khó khăn. Năm
1963, tôi lạy mà vâng lời ngài làm Hội trưởng Tts để ngài tịnh trú. Như vậy, Hội
trưởng Tts Hội Phật giáo miền Trung năm 1963 là tôi, Trí quang. Theo cổ lệ, Phật
đản miền Trung do Giáo hội lo nghi lễ; còn tổ chức thì hội lo toàn bộ, vì hội có các
tỉnh hội, và các tỉnh hội có các khuôn hội. Như vậy, tôi là người tổ chức Đại lễ Phật
đản 1963. Lịnh cấm treo cờ Phật giáo nhằm vào Lễ đi Phật đản của các tỉnh và
khuôn , nhất là nhắm vào Huế. Hội trưởng Tts chống lịnh ấy, và như vậy tôi thành
người “mở đầu cuộc vận động 1963 của Phật giáo”.

Cũng nên nhắc lại cái lịnh cấm treo cờ Phật giáo. Trước Phật đản 3 ngày, ông tỉnh
trưởng Thừa thiên lên Từ đàm vận động tôi đừng treo cờ. Tôi từ chối. Hôm sau, ông
lên, nói bây giờ có lịnh đây, tôi chỉ tống đạt. Tôi nói rất ngạc nhiên về cái lịnh như
vậy của chính quyền, mà là chính quyền trung ương, và không thể tuân hành được.
Với sự kháng cự lịnh nầy, tôi tự hoàn thành tội danh “mở đầu cuộc vận động
1963 của Phật giáo” không cần ai tự bảo mình sắp đặt như vậy.

15/ 4

Khi UBLP họp, không ai muốn không bị bắt, là ai cũng muốn đem khổ hạnh của
mình, thành tựu nguyện vọng của Phật giáo, chứ không phải cầu may hay áp dụng
khổ nhục kế. Riêng tôi, với “cái tội khởi xướng”, tôi biết và chính quyền cũng không
ngần ngại gì mà không cho biết, chờ đợi tôi là cỗ máy đoạn đầu đài, nói nôm na là
máy chém, đừng có ảo vọng gì khác.

Ở đây, nên nói chuyện cũ một chút. Trước 1963 khá lâu, có lần và lần đầu, ông
Diệm mời tôi đến tư thất, và Cố vấn Cẩn cho biết riêng, là để nói việc giúp đỡ đồng
hương di cư của Phật giáo Quảng bình. Khi gặp, tổng thống Diệm nói có 2 vùng đất,
một là vùng cát màu mỡ và rất đẹp ở Cam ranh, hai là vườn ươm của canh nông ở
núi Thiên thai. Hai vùng đất nầy, vùng nào cũng có thể làm nơi cư trú và làm ăn cho
cả trăm người. Tôi muốn thầy đứng ra nhận để lo cho đồng hương. Tôi nói, đồng
hương ấy không nhiều, chỉ có 5 học tăng và một ít cư sĩ, họ dã sinh sống ổn định lâu
rồi. Tôi chắc Tổng thống nói chuyện giúp đỡ nầy là có ý giúp đỡ Phật giáo. Tôi nghĩ
Tổng thống đặt vấn đề như vậy thích đáng hơn. Tổng thống hỏi giúp cách nào, tôi
nói, môt nửa vườn hoa Tao đàn và 5 triệu tiền lúc ấy, là đủ cho Phật giáo có đủ một
cơ sở bề thế và triệu tập một Đại hội Phật giáo quốc tế. Vừa thay nước mời tôi, vừa
suy nghĩ trên năm ba phút, Tổng thống nói sức tôi không lo nổi. Bấy giờ, năm bảy
hôm sau khi khởi xướng cuộc vận động 1963, cụ Nh. đến Từ đàm, vào lúc 5 giờ
sáng, nói với tôi, Tổng thống có thể thỏa mãn đề nghị cũ nếu tôi ngưng cuộc vận
động. Tôi từ tốn nói, đề nghị ấy quá lỗi thời rồi. Với lại làm sao Tổng giám mục
chịu cho Tổng thống làm. Cụ Nh. hiểu biết, ra về, khi trời chưa sáng hẳn.

Hết màn trên tiếp liền màn khác. Một người công chức tự nói là hội viên khuôn hội
Phú Thạnh, yêu cầu nói chuyện hơn thiệt với tôi. Rằng thầy chống đối thì đương
nhiên chính quyền sắp sửa máy chém. Sao thầy không nghĩ cuộc sống dài hơn cho
công việc dài hơn? Xét thấy người nầy chỉ học bài và trả bài, tôi điềm đạm nói với
anh như vậy, anh cũng điềm đạm ra về sau khi nói, “con không biết gì cả thật”!

15/5

Nếu bị bắt lúc Xá lợi bị tấn công, tôi bị thọ án tử hình theo thủ tục bình thường, hay
hơn nữa theo thủ tục khẩn cấp, thì đó là điều tôi đinh ninh như vậy. Nhưng sẽ khác
hẳn nếu bị bắt lại sau 9 ngày “bị bắt mà như không bị bắt”, nhất là sau khi về Pháp
quang. Vì vậy, tôi quyết định không để bị bắt lại. Không để bị bắt lại, nhưng cũng đã
không có cách nào khác hơn đến tòa đại sứ Mỹ.

Tôi ý thức được sự phức tạp cho riêng tôi, kể cả khi đã ngồi trong tòa Đại sứ ấy.
Trong người tôi tự thấy ngạc nhiên và bất ổn. Nhân viên cao cấp của tòa Đại sứ cũng
thấy ra như thế. Họ nói với tôi, nếu thượng tọa có ý định tỵ nạn ở đây thì là khách
của chúng tôi. Nếu thượng tọa không có ý định ấy thì có thể đi ra bất cứ lúc nào
thượng tọa muốn. Tôi nói, dĩ nhiên tôi đang yêu cầu tị nạn ở đây. Nhưng, xin lỗi, tôi
vào đây còn muốn nhìn thấy người Mỹ giải quyết như thế nào về vấn đề mà người
Mỹ có trách nhiệm. Tôi ở đây tùy thuộc vào sự nhìn thấy ấy. Họ nói, vậy xin mời
thượng tọa ở đây với chúng tôi cho đến khi thấy không cần ở nữa.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn