Thái Tử Sĩ-đạt-ta Có Ba Vợ?

16 Tháng Mười 201416:55(Xem: 8166)
THÁI TỬ SĨ-ĐẠT-TA CÓ BA VỢ?
Minh Đức Triều Tâm Ảnh

buocdauhocphat-biaKính anh Tâm Diệu cùng BBT Thư Viện Hoa Sen,

Tôi đã đọc xong bài viết phản hồi của độc giả có địa chỉ mail <daibatnietban@yahoo.com> về một đoạn ngắn trong chương Hoa Sen Trong Bùn, từ cuốn Bước Đầu Học Phật của HT. Thích Thanh Từ nói về .. THÁI TỬ TẤT-ĐẠT-ĐA (Siddharta) - SỐNG TRONG HOÀNG CUNG... có ba bà vợ! Cảm ơn anh Tâm Diệu cùng BBT đã quan tâm chuyển bài viết ấy cho tôi và muốn tôi có ý kiến. Thật tình mà nói, lúc này tôi đã già, không còn muốn đụng đến những vấn đề tế nhị, “khá nhạy cảm” đối với một số người học Phật. Nhưng do tác giả bài viết có nhắc đến tên tôi, mặc dầu sai tên (Giới Đức thay vì Giác Đức); nên nếu tôi không góp ý thì cảm thấy có lỗi với giới học Phật và tu Phật.

Kính thưa chư độc giả các giới,

Cho tôi xin cảm phiền dài dòng một chút mới có thể đề cập đến chuyện “vợ” và chuyện “dâm dục”!

Thái tử Siddhattha Gotama (Sĩ-đạt-ta Cù-đàm) theo kinh văn Pāḷi, là người đã đắc bát thiền và ngũ thông từ thời đức Phật Dīpaṇkara (Nhiên Đăng), tức là một vị Cổ Phật trước đức Phật Sakyā Gotama (Thích-ca Cù-đàm) đến 24 vị Chánh Đẳng Giác. Thuở đó, ngài là thanh niên đạo sĩ Sumedha. Câu chuyện của ngài là như sau:

“- Cách đây phỏng chừng bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, có đức Phật Dīpaṅkara xuất hiện. Thuở ấy có chàng thanh niên Sumedha, xuất thân gia đình bà-la-môn cự phú, thiên tư thông tuệ, tài mạo và sở học đều xuất chúng. Sau khi cha mẹ qua đời, Sumedha đã làm một cuộc bố thí vĩ đại rồi lên non sống đời đạo sĩ. Nhờ tinh cần tu tập, đạo sĩ đắc bát định và ngũ thông; tuy nhiên, chàng biết rằng, bài toán phiền não và đau khổ chưa được giải đáp tận cùng!

Hôm kia, tại thành phố Rammavāti, dân chúng xôn xao chuẩn bị đón tiếp đức Phật và hội chúng thánh tăng; họ phải cùng nhau ra tay làm một con đường dài do mưa lũ xói mòn, bùn sình lầy lội! Mới nghe đến từ Phật (Buddho! Buddho!), tâm trí đạo sĩ Sumedha bị chấn động mãnh liệt, chàng khởi tâm đóng góp một tay vào công đức này, nên xin đảm nhận một quãng đường khó khăn nhất! Chàng suy nghĩ: Nếu ta sử dụng thần thông thì trong nháy mắt sẽ xong ngay, nhưng nếu làm vậy thì chẳng đổ mồ hôi, chẳng phải tổn hao sức lực, rốt lại, chẳng có ý nghĩa và giá trị gì! Thế rồi, đạo sĩ bèn sử dụng sức lao động của mình! Khi đức Phật và hội chúng ngự giá đến nơi, con đường dài đã phẳng phiu, phong quang, sạch sẽ, khô ráo nhưng phần đường do chàng đảm nhiệm lại chưa hoàn thành!

Nhìn đoạn đường sình lầy chỉ còn chừng một đòn gánh, đạo sĩ Sumedha đã có chủ định. Tuy nhiên, khi đức Phật Dīpaṅkara và hội chúng thánh tăng đã đi gần đến nơi, thấy tướng hảo quang minh của ngài, đạo sĩ khởi tâm tịnh tín, muốn cúng dường cái gì đó nên cứ đưa mắt nhìn quanh! Trong đám đông dân chúng, đạo sĩ chợt nhìn thấy một cô gái xinh đẹp, đang cầm trên tay 8 đóa hoa sen! Và lạ lùng làm sao, cô gái ấy cũng đang chăm chú nhìn chàng! Cô gái ấy tên là Sumitta, khi nhìn thấy Sumedha thì trái tim nàng xao xuyến mãnh liệt; và rồi như hiểu được nguyện vọng của chàng, nàng nói:

- Trong tám đóa hoa sen nầy, ba đóa là phần của thiếp để cúng dường đến đức Phật, năm đóa còn lại là phần của chàng, nhưng với một điều kiện...

- Cô nương cứ nói đi! Đạo sĩ Sumedha hối hả nói - bất cứ điều kiện gì mà khả năng ta có thể làm được!

Nàng Sumitta mỉm cười:

- Tướng mạo và phẩm cách của chàng thật là tuyệt vời! Công đức hoàn thiện con đường để nghinh đón đức Phật của chàng cũng thật là tuyệt vời! Trong tương lai, chắc chàng sẽ thành tựu được sở nguyện vĩ đại trong lộ trình tu tập của mình! Thiếp nguyện được đi theo bên chàng, nâng khăn sửa túi cho chàng trong vô lượng kiếp sau...

Trái tim đạo sĩ trai trẻ chợt rung động, nhưng chàng lại nói:

- Ta đồng ý điều kiện ấy, nhưng nàng hãy hứa là đừng cản trở chí nguyện và những công hạnh ba-la-mật của ta mới được!

Thiếu nữ mỉm cười, gật đầu ưng thuận rồi trao cho đạo sĩ năm đóa sen tươi thắm. Rồi cả hai cùng nắm tay nhau, chạy đến quỳ bên chân Phật, đồng dâng tám đóa sen lên ngài! Việc vừa xong, đạo sĩ Sumedha chợt sụp xuống đất, ôm chân bụi của ngài, thốt to lên rằng:

- Chỉ còn một khúc đường sình lầy, đệ tử xin nguyện lấy tấm thân giả hợp nầy để trải đường cho đức Thế Tôn và thánh chúng bước lên! Xin nguyện công đức của ngày hôm nay, mai sau đệ tử sẽ đắc thành quả Phật vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người!

Phát nguyện thế xong, đạo sĩ Sumedha vội đến nằm sấp vào đám sình! Đức Phật chợt hướng tâm, biết rõ nhân quả! Ngài cũng nghe rõ, quả đất đang rung động vì lời nguyện vô thượng của đạo sĩ; chư thiên, phạm thiên khắp mấy tầng trời đang rải hoa mạn-đà xưng tán, ca ngợi công đức vô thượng ấy, ngài quay lại nói với đại chúng rằng:

- Có hai việc vừa xẩy ra được xem là hy hữu trên đời nầy! Việc thứ nhất là tám bông sen của chàng trai và cô gái. Với sự thành tâm phát nguyện của họ, cả hai sẽ nên duyên tình nghĩa vợ chồng từ đời này sang kiếp khác, luôn đầm ấm, thủy chung và luôn khuyến khích, nhắc nhở nhau trên lộ trình tu tập! Việc hy hữu thứ hai, là đạo sĩ này, với lời nguyện vô thượng của mình, thực hành ba-la-mật trong thời gian bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, trải qua hai mươi bốn vị Phật sẽ thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác đúng như ước mơ của chàng!

Rồi đức Phật quay sang hai người:

- Này Sumedha! Ước nguyện của con sẽ được thành tựu; và bắt đầu từ kiếp sau, Sumitta sẽ là người bạn đời chung thủy của con, như chim liền cánh để bay qua sông dài biển rộng, sẽ đồng tâm, đồng chí, đồng phước, đồng nhân, đồng quả! Và này Sumitta! Con chẳng bao giờ cản trở chí nguyện của chồng con đâu!

Kể đến ngang đây, đức Phật kết luận:

- Giàu sang, vương giả, địa vị, danh vọng, quyền lực và tiền bạc... như vậy không phải là điều kiện để mang lại hạnh phúc cho con người. Tình yêu thương không, chưa đủ, mà còn cần sự hiểu biết, thông cảm và tôn trọng lẫn nhau. Sumedha và Sumitta đã vô lượng kiếp nên duyên chồng vợ; và cũng từng ấy kiếp, Sumitta luôn sát cánh, chung vai với người bạn đời của mình thực hiện con đường vô thượng. Sumitta thuở ấy giờ là Yasodharā, còn Sumedha chính là Như Lai vậy”.

Như vậy, thái tử của chúng ta cùng công nương Yasodharā (Da-du-đà-la) đã nguyện kết duyên phu thê có đức Phật Nhiên Đăng ấn chứng; cho nên trong các kiếp sinh tử, họ đã hộ trì, giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống tu tập. Sau đó, trải qua 24 vị Chánh Đẳng Giác, khi 30 pháp Pāramī (Ba-la-mật) đã gần tròn đủ, kiếp cuối cùng ở cõi người, bồ-tát của chúng ta sinh làm thái tử Vessantara (1), phụ hoàng là Sañjeyya, mẫu hậu là Phussatā. Thái tử kết duyên với công chúa Maddī (tức là tiền thân của Yasodharā) sanh hạ một nam là Jāḷi, một gái là Kaṇhā. Trong kiếp cuối ở cõi người này, thái tử đã bố thí hết của cải, tài sản, bố thí cả con Voi Thần là linh hồn của quốc độ nên bị vua cha và triều đình đày lên núi sâu Himalaya suốt 12 năm(2). Cuối cùng, cả vợ, cả con ngài cũng bố thí luôn để thành tựu trọn vẹn 30 pháp Ba-la-mật (3).

Hết kiếp người, Đại Bồ-Tát của chúng ta sinh làm một vị thiên tử ở cõi trời Tusita (Đẩu-suất), có tên là Setaketu. Và ngài ở đây để chờ đợi nhân duyên xuống cõi đời để thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác.

Nếu như vậy thì việc đắc quả Phật, thiên tử Setaketu đã biết trước? Nếu đã biết trước thì việc có vợ con, du ngoạn 4 cửa thành, xuất gia, khổ hạnh... dường như chỉ là “hiện tướng” phương tiện như là một con người bình thường cho thế gian nương nhờ, học hỏi mà thôi (4).

Sau bốn ngàn năm tuổi ở trời Đẩu-suất (5), khi thấy 5 hiện tượng (6) báo hiệu chấm dứt thọ mạng, thiên tử Setaketu quan sát thế gian để chọn chỗ tái sanh.   

Nhưng mà hết thọ mạng ở đây thì ngài sẽ giáng sinh ở phương nào, xứ nào? Một vị Đại Bồ-Tát như ngài đâu phải bất kỳ chỗ nào cũng gá thân vào được? Phải giáng sinh ở đâu, mà ở đó tuổi thọ của chúng sinh tối thiểu khoảng chừng một trăm tuổi. Nếu tuổi thọ hằng vạn tuổi thì chúng sanh đâu thấy rõ rệt lý vô thường và khổ não? Nếu tuổi thọ quá ít thì chúng sinh ở đấy nhiều ác căn, ít phước báu, nghiệp dày làm sao giáo hóa được? Thứ đến, địa xứ mà Đại Bồ-Tát chọn chỗ giáng sinh phải là nơi hội tụ tất cả khí linh thiêng của trời đất. Dòng họ ngài chọn lựa giáng sinh thì phải là vua chúa (hoặc là bà-la-môn có địa vị quốc sư), nhưng phải là người có gieo duyên quyến thuộc từ quá khứ; lại phải có nhiều căn cơ trí tuệ, biết sống đời đạo đức và hiền thiện. Điều kiện thứ năm nữa, Đại Bồ-Tát phải còn biết chọn mẹ. Mẹ mà Đại Bồ-Tát mượn thai bào phải là người đã nhiều kiếp phát lời nguyện làm Phật mẫu, sống đời trong sáng, đức hạnh và giàu tình thương...

Thế đấy, như một đóa kỳ hoa muôn triệu năm mới nở một lần, khi đóa hoa nở, sắc màu kỳ diệu và tỏa hương thơm tối thượng thì nó đã kết tụ trong tự thân mọi tinh hoa của trời đất. Cũng vậy, sự xuất trần của một vị Đại Bồ-Tát phải hội đủ năm điều kiện hy hữu nêu trên; thiếu một điều kiện là thiếu tất cả.

Sau khi dùng thần thông quan sát bốn châu thiên hạ, thiên tử Setaketu thấy rõ chỉ có cõi Nam thiện bộ châu, dưới dãy núi Himalaya, có một vương quốc Kapilavatthu nhỏ bé, thuộc dòng tộc Sakyā, có một vị vua là Suddhodana và hoàng hậu Mahāmāyā là hội đủ năm điều kiện nêu trên:

- Châu: Nam thiện bộ châu.

- Tuổi thọ: Trăm tuổi.

- Quốc độ: Bắc Trung Ấn Độ - vương quốc Kapilavatthu

- Dòng dõi: Hoàng tộc Sākya

- Phật mẫu: Hoàng hậu Mahāmāyā

Và điều kỳ diệu nữa là khi vừa sinh ra, Đại Bồ-Tát vùng đứng dậy, đi về hướng Đông bảy bước, dưới đất trồi lên bảy hoa sen đỡ bước chân ngài, có hai vị thiên bưng năm món triều phục của Chuyển luân Thánh vương đi hầu hai bên. Đại Bồ-Tát một tay chỉ thượng, một tay chỉ hạ, nói lên câu kệ:

“- Aggohamasmi lokasmiṃ

Seṭṭho jeṭṭho anuttaro

Ayamantimāme jāti

Natthi dāni punabbhavoti”.

Nghĩa là: “Ta là chúng hữu tình cao quý và lớn hơn tất cả các loài trong tam giới. Đây là kiếp cuối cùng của ta. Ta sẽ không còn luân hồi tái sanh nữa”.

Và cũng do túc duyên ba-la-mật từ nhiều a-tăng-kỳ kiếp, lúc ấy cùng có bảy nhân vật đồng sanh để trợ duyên cho quả vị Chánh Đẳng Giác:

- Công chúa Yasodharā

- Ānanda, con hoàng thân Amitodana, em ruột đức vua Suddhodana.

- Channa - người hầu ngựa

- Kāḷudāyi - con một lão thần lương đống, sau này thỉnh đức Đại Giác về thăm Kapilavatthu.

- Ngựa Kaṇṭhaka

- Cây Bodhi - nơi Phật ngồi thành đạo.

- Bốn hầm châu ngọc. (7)

Chưa đề cập đến 6 nhân, vật khác mà chỉ nói đến công chúa Yasodharā, nàng đã cùng giáng sanh với thái tử để tiếp tục “sứ mạng” cuối cùng, “thị hiện” làm người vợ thuỷ chung với ngài.

Khái quát “hành trạng” của vị Đại Bồ-Tát như vậy, ta có thể biết được tầng mức sâu dày và kiên cố mười ba-la-mật của ngài trong kiếp chót làm thái tử là như thế nào? Rõ ràng là khi đủ mười ba-la-mật bố thí, trì giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, quyết định, từ, xả như vậy thì thái tử không phải là người trần tục như chúng ta nữa.

Trở lại với bài viết của HT. Thanh Từ. Tôi ghi lại nguyên văn trong thư mà anh Tâm Diệu chuyển cho tôi: “Khi là một ông hoàng ở trong cung cấm, Thái tử bị mọi thứ dục lạc bủa vây: nào là vợ đẹp, hầu xinh, Ngài có cả thảy ba bà vợ, bà Cu-tỳ-gia (Gapica), bà Gia-du-đà-la (Yasodhara), bà Lộc giả (Urganica) và cung phi mỹ nữ. Nào là đàn ngọt hát hay, cả ngày âm thanh dằng dặc không dừng nghỉ. Nào là sự chiều chuộng của vua cha, xây cung điện thích hợp bốn mùa, tạo cảnh vui thích không để Ngài có một phút đăm chiêu. Đây là cảnh thiên đàng ngay trong trần thế, Ngài vui hưởng cảnh này đến năm mười chín tuổi (sic)”.

Chuyện ba bà vợ thì tôi đã bỏ công suốt một ngày tra tìm tất cả các tư liệu có thể nhưng thú thật, tôi không tìm ra nguồn. Tuy nhiên, việc ấy cũng không quan trọng gì lắm! Một vị vua, thường thì họ đâu chỉ hưởng lạc nơi bà vợ chính của mình! Ngoài hoàng hậu thì còn biết bao nhiêu hoàng phi, thứ phi; còn biết bao nhiêu cung nga thể nữ, muốn cô nào phục vụ mình đều được cả. Tuy tôi không tìm ra tư liệu về ba bà vợ trên, nhưng theo sự thấy biết riêng tư cùng sử liệu chứng mình – thì rõ ràng, thái tử sống giữa vòng vây của dục lạc nhưng thái tử không hề “dính mắc” đến – vì kiếp cuối cùng này, ngài “thị hiện” để thành Phật mà!

Lại nữa, không biết ai còn nhớ, khi thái tử theo vua cha đi dự lễ hạ điền? Lúc ấy, thái tử mới 5 tuổi. Sau khi thấy những thân giun quằn quại dưới lưỡi cày của người nông phu, thái tử đã xúc động mãnh liệt (vì tâm bi), nên quay sang hành thiền? Thái tử đã để tâm trong sáng và hồn nhiên của tuổi thơ nên đi được vào định sơ thiền? Định sơ thiền là định ly dục, ly ác pháp. Một hành giả vào định sơ thiền là không còn ham muốn “dục lạc ngũ trần”, nghĩa là đã yên lặng các dục vật chất, nói cách khác là đã lắng yên nhục dục, tình dục rồi! Dĩ nhiên, sau khi xả định sơ thiền, các dục do duyên cảnh vẫn trở lại, nhưng trạng thái tâm, do dư lực của thiền vẫn còn tồn tại trong kiếp sống của mình. Do vậy, trở lại trường hợp của thái tử, không nói đến ba bà vợ, mà ngài còn có cả vài ngàn cô gái đẹp hầu hạ nữa đó! Nhưng không vì vậy mà kết tội thái tử “dâm dục” được. Vậy thì HT. Thanh Từ có thể nói sai về sử liệu (Có thể thôi, vì tôi không tìn ra nguồn, nhưng có thể HT có nguồn ở đâu đó HT mới dám nói), nhưng thực chất vấn đề vẫn không đi sái với nội dung, là quả thật, thái tử sống trong sự bủa vây của dục lạc ở đời!

Điều cuối cùng đáng nói nữa, là chẳng có tư liệu nào là chính xác hoàn toàn, do các vị kết tập sư viết sau cả 500 năm, và cũng khó tránh khỏi sự hư cấu, thêm bớt của hàng sa-môn hậu học. Ta học Phật, tu Phật là học và tu theo giáo pháp. “Khi Như Lai diệt độ rồi thì Pháp và Luật là thầy của các ông”. Và, “Ai thấy Pháp là thấy Như Lai!”  Vậy, Pháp mới là quan trọng! Chúng ta hơi đâu mà mất đức tin vì một vài chi tiết Phật sử! Lại nữa, người có tu Phật thì ai cũng tốt cả nhưng đôi người rơi vào hai cực đoan: Một là lý tính quá, hai là cảm tính quá. Lý tính quá thì máy móc, mổ xẻ pháp như mổ xẻ chiếc xe hơi. Cảm tính quá thì bọt bèo, nổi trôi trên bề mặt của hiện tượng. Cái nào cũng không tới. Nó cần trí tuệ nhìn ngắm và chiếu soi!

Đạo Phật dù có Thiền, Luật, Tịnh, Mật khác nhau, Bắc, Nam truyền khác nhau nhưng vẫn có cái chung nhất là Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo; nơi nào không có Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo thì nơi ấy không phải Phật giáo. Và chưa có người giác ngộ, giải thoát nào mà không đi qua Tứ Niệm Xứ, tức là tuệ quán, minh sát ngũ uẩn, thập nhị duyên khởi để thấy rõ vô thường, vô ngã của tâm và pháp!

Hãy đi vào tinh yếu, cái cốt lõi chứ đừng nên mất thì giờ ở nơi vỏ cây và giác cây. Bài viết này là chẳng đặng đừng, nói nhiều thì lỗi nhiều, xin chư độc giả cao minh chỉ giáo cho! Vô vàn trân trọng!

 

MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH

 

Ghi chú:    

(1) Kinh Bắc truyền, âm là Tu-đại-noa trong tích truyện “ Bố thí Bất nghịch ý”.

(2) Xem chương XXII, Đại phẩm 547 - Chuyện Đại vương Vessantara. Tại chỗ này cho tôi được nói thêm: Trước năm 1975, tại Sài-Gòn có vị giáo sư người Thiên chúa giáo, đã phản bác hạnh bố thí cả vợ con này, nói là đánh mất nhân tính. Vậy có ai cùng quan điểm tư tưởng như trên, tôi sẽ xin “dài dòng” bằng một bài viết khác, nếu có người hỏi!

(3) Ba mươi pháp ba-la-mật: Ba-la-mật, Tàu âm từ chữ Pāramī, nghĩa là “đến bờ kia”. Pāramī có bực thượng, bực trung và bực hạ, nên 10 Pāramī gồm: bố thí, trì giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, quyết định, từ, xả trở thành 30 Pāramī.

- 10 Pāramī bực hạ: Tức là nếu hành 10 Pāramī nói trên ở cấp độ thấp nhất thì qua được bờ kia.

- 10 Pāramī bực trung: Tức là nếu hành 10 Pāramī nói trên ở cấp độ cao hơn thì qua được bờ trên (Upapāramī – Thượng Pāramī).

- 10 Pāramī bực thượng: Nếu hành trì 10 Pāramī ở cấp độ tối thắng, viên mãn thì qua được bờ cao thượng (Paramatthapāramī – Thắng Pāramī).

(4) Kinh điển Bắc truyền gọi là “thị hiện” cũng đúng vậy.

(5) Một ngày ở trời Đẩu-suất bằng 400 năm ở nhân gian.

(6) Năm hiện tượng: 1, Tràng hoa trang điểm mau khô héo. 2, Những chiếc thiên bào nhạt nhoà màu sắc. 3, Mồ hôi tươm rỉ khó chịu. 4, Suy nhược cơ thể. 5, Chán nản ngũ dục.

(7) On the same day seven other being were born: the Bodhi-tree, Rāhula’s mother (Rāhulamātā, his future wife), the four Treasure-Troves (described at DA.i.284), his elephant, his horse Kanthaka, his charioteer Channa, and Kāḷudāyī. (Xem mục Gotama trong Dictionary of Pāḷi Proper names, Q.1. trang 789). Tuy nhiên, trong đoạn trên phải bỏ “elephant”, thay vào đó là “Ānanda” mới tương thích với các sử liệu Nam truyền.


 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Tư 2016(Xem: 5165)
Giới Thiệu: Đức Đạt Lai Lạt Ma là nhà lãnh đạo tinh thần của người dân Tây Tạng, là người đã nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1989, và là người cổ võ từ bi và hòa bình khắp thế giới. Ngài khuyến khích sự hòa hợp giữa các tôn giáo trên thế giới và tham gia vào nhiều cuộc đối thoại với các nhà khoa học hàng đầu. Xuất gia làm tu sĩ từ thơ ấu, Tỳ Kheo Tenzin Gyantso đã hoàn tất các chương trình học Phật theo truyền thống và tốt nghiệp bằng geshe, tương đương Tiến Sĩ Phật Học. Nổi tiếng với sự thông thái và tấm lòng độ lượng, chứng đắc thiền định, và khiêm tốn, Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn nói, “Tôi chỉ là một tu sĩ Phật Giáo đơn giản.”
11 Tháng Ba 2016(Xem: 5179)
Lời Ban Biên Tập: Hàng năm, cứ đến ngày Rằm tháng Hai Âm lịch, đại gia đình Phật tử thế giới lại thành tâm tưởng niệm ngày Đức Bổn sư Từ phụ Thích Ca Mâu Ni Phật Nhập Niết bàn. Nhân ngày tưởng niệm này, chúng tôi xin lược trích giới thiệu nội dung cơ bản nửa sau bài Ba, khoá I “Phật học phổ thông” của cố HT Thích Thiện Hoa, về sự kiện Lịch sử Phật giáo quan trọng này.
06 Tháng Mười 2015(Xem: 5368)
Tự ngã và sự cố chấp vào tự ngã là một trong những nguyên nhân dẫn đến khổ đau, tang thương và mất mát. Khi tự ngã được đề cao thì con người thỏa mãn, hạnh phúc, nhưng một khi tự ngã bị xúc phạm thì sự bực bội, và thậm chí là thù hận sẽ khởi sanh.