16 Phiên Dịch Kinh Điển

28 Tháng Mười Hai 201000:00(Xem: 11324)

ĐƯỜNG TAM TẠNG THỈNH KINH
Võ Đình Cường
(In lần thứ ba, năm 2000 TP. Hồ Chí Minh)

PHIÊN DỊCH KINH ĐIỂN

Ngài Huyền Trang sau khi yết kiến Đường Thái Tông, trở về Tràng An vào ngày mồng 1 tháng 3 năm 645, ở chùa Hồng Phúc. Công tác chính của Ngài bấy giờ là lo tổ chức đại quy mô việc phiên dịch những kinh điển mà Ngài đã mang từ Ấn Độ về.

Ngài triệu tập một số rất đông cao tăng, học rộng nghe nhiều để cộng tác với Ngài, vì công tác sẽ rất phức tạp. Về các việc như chứng nghĩa, xuyết văn, bút thụ, thủ thư ... thì có trên 50 người Sa môn đảm nhiệm, còn việc dịch cho chỉnh nghĩa thì có đến 23 vị học thức trác tuyệt như các ông Linh Khoát, Văn Bi đảm nhiệm.

Ngài đã tổ chức một hệ thống phiên dịch rất hoàn bị gồm có:

– Vị dịch chủ là người chỉ huy, tinh thông Hán, Phạn, nghĩa lý phán đoán xác thực. Chức vụ này do Ngài Huyền Trang đảm nhiệm.

– Vị bút thụ dịch nghĩa Phạn văn ra Hoa văn;

– Vị Độ ngữ thạo tiếng Phạn, đọc lên để nghe âm vận, nếu không ổn thì phiên âm lại.

– Vị Chứng Phạn để đem so lại với Phạn văn có đúng không.

– Vị Nhuận văn làm công việc nhuận văn cho hợp với văn pháp Trung Hoa.

– Vị Chứng nghĩa đem bản dịch so lại nghĩa lý nguyên bản, nếu sai thì chữa lại;

– Vị Tổng khám xét chung lại một lần cuối cùng trước khi hoàn thành bản dịch.

Công tác phiên dịch bắt đầu trung tuần tháng 5 năm 645 đến cuối năm ấy đã hoàn tất được bốn loại sau đây: Đại Bồ tát tạng kinh (12 quyển); Phật địa kinh (1 quyển), Lục Môn đà-la-ni kinh (1 quyển), Hiển dương thánh giáo luận (20 quyển).

Mùa thu năm sau, phụng mệnh vua Thái Tông, Ngài thuật cho một đệ tử là Biện Cơ chép lại cuộc Tây du của Ngài trong 17 năm, trải qua 138 nước, một cách rất tường tận. Những điều Ngài đã nghe thấy, học hỏi về lịch sử, phong thổ, vị trí, sơn xuyên, thổ sản, nhân tình ở những nơi Ngài đã đi qua đều được ghi chép thành 12 quyển nhan đề là "Đại Đường Tây vức ký". Bộ sách này không những là một bộ du ký vĩ đại cổ điển, mà còn là một bộ lịch sử, địa lý trọng yếu ghi chép các nước Trung Á và Ấn Độ. Nhiều nhà học giả chuyên môn ngoại quốc nghiên cứu bộ sách này đều phải công nhận đó là một bộ sách vô cùng quý báu, có một phạm vi rất lớn, kỹ thuật chính xác và nội dung phong phú, có giá trị nhất trong các loại sách du ký thời xưa. Vì thế, các nước Liên Xô cũ, Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp, Mỹ đều có phiên dịch ra tiếng nước họ. Ngày này các nhà bác học chuyên nghiên cứu về sử, địa dựa vào bộ sách ấy rất nhiều để chỉnh lý những lịch sử, địa lý mơ hồ về nước Ấn Độ thế kỷ thứ bảy.

Tháng Năm năm 648 Ngài Huyền Trang đã dịch xong chín bộ kinh, lấy đề chung là "Tân phiên kinh luận". Vua Đường Thái Tông muốn kỷ niệm cuộc Tây du của Ngài Huyền Trang và ghi công đức của Ngài, nên đích thân tự viết bài tựa cho tập phiên dịch ấy. Bài tựa nhan đề là "Đại Đường Tam Tạng Thánh Giáo" gồm 781 chữ. Đây là một đặc ân vô cùng quý báu mà vua Thái Tông đã dành cho Ngài. Trước đó, quan Phò mã Cao Lý Hành có xin vua soạn một bài bia cho thân sinh mình, vua từ chối, viện lẽ trong người đã già cả suy nhược. Nhưng nay vua lại tự nguyện đứng ra viết bài tựa cho Ngài Huyền Trang. Vì sợ có làm tủi phò mã Cao Lý Hành chăng, nên vua nói với phó mã rằng:

–Nhà người có xin Trẫm làm bài bia cho phụ thân ngươi, nhưng Trẫm nay khí lực không bằng trước, không thể làm được. Sở nguyện của Trẫm ngày nay là cố gắng làm các việc công đức mà thôi. Vì thế Trẫm mới nhận làm bài tựa cho Pháp sư Huyền Trang. Người hãy lượng biết cho Trẫm.

Tháng sáu năm ấy, sau khi viết xong bài tựa, vua triệu Ngài Huyền Trang vào điện Minh Nguyệt, sai quan Hoằng Văn Quán học sĩ Thượng quan Nghi tuyên đọc bài tựa trước mặt đình thần. Bài tựa này, hòa thượng Hoài Nhân lấy theo mẫu chữ của nhà đại thư pháp đời Tấn là Vương Hy Chi để khắc lên bia đá. Nhà đại thư pháp đời Đường là Chư Tọa lượng viết ra thành hai bản: một bản khắc vào nhạn tháp chùa Từ Ân, một bản khắc ở Đồng Châu, đến tận bấy giờ lối chữ ấy là một tự thiếp có tiếng để tập viết.

Dưới đây là bài tựa:

Trộm nghe rằng: "Trời đất có Tượng, chở che đà tỏ rạng đức Hàm Sinh; đông hạ vô hình, mưa nắng vốn âm thầm hóa vật. Bởi thế ngắm trời trông đất, kẻ dung ngu cũng sơ biết mối manh; thông âm rõ dương, bậc hiền triết thật khó cùng đầu số. Song le, trời đất bao hàm âm dương mà dễ biết là nhờ có tượng; âm dương ở trong trời đất mà khó cùng là bởi không hình. Cho biết: Tượng kia bày rõ đành rành, dù ngu cũng chẳng hoặc; hình nọ kín che mờ mịt, dẫu trí vẫn còn mê. Huống nữa, Phật đạo hư truyền, u thâm lặng lẽ; cứu khắp muôn vật, trị ngự mười phương. Nói đến uy linh thì tuyệt đối; nghĩ đến thần lực lại vô cùng. Lớn thì bao la ngoài vũ trụ; nhỏ thì thâu rút trong hào ly. Không diệt không sanh, trải ngàn kiếp mà chẳng cổ; như ẩn như hiện, diễn trăm phúc mãi đến nay. Đạo cả sâu huyền, noi theo mà chẳng biết đâu là bờ mé; pháp mầu thẳm lặng, kiếm tìm cũng chẳng thấu đến căn nguyên. Cho nên những kẻ phàm phu ngu xuẩn, dung tục tầm thường, nghe đến há không nghi hoặc được ư?

Song Phật giáo khởi hưng, nền tảng xây từ Tây độ; Hán đình báo mộng, từ quang chiếu đến Đông phương. Nhớ ngày xưa hình tích vừa phân, chưa nói ra, người đều cảm hóa; vả lúc trước Phật còn tại thế, ngửa trông đức ai chẳng tuân theo; kịp đến khi ẩn bóng quy chơn, dung quang cách biệt; ánh vàng mờ tối, ba ngàn cõi chẳng chiếu hào quang; ngọc tượng phô bày, bốn tám tướng luống trơ hình dạng. Từ đó kim ngôn lan khắp, cứu vạn loại thoát khỏi tam đồ; di huấn truyền xa, dẫn chúng sinh đều lên thập địa. Nhưng mà chân giáo khó tin, được mấy kẻ nhất tâm quy ngưỡng; tạp học dễ tập, nào ai hay phân biệt chánh tà. Vì thế, không luận, hữu luận, quen thói tục, tranh thị tranh phi; Đại thừa Tiểu thừa, phải tùy thời thoạt suy thoạt thịnh.

Nay Pháp sư Huyền Trang là bậc lãnh tụ chốn thuyền môn. Nhỏ đà linh mẫn, tâm tam không (1) sớm tỉnh ngộ từ xưa, lớn lại thần tình, tánh tứ nhẫn (2) trước bao hàm đủ cả. Gió tùng trăng nước, chưa đủ ví thanh hoa; tuyết sáng ngọc trong, khó so bằng tư chất. Vậy nên, trí suốt thông không bị gì hệ lụy, thần soi thấu cả những việc chưa thành: vượt sáu trần xa hẳn lao lung; tột thiên cổ không ai sánh kịp. Lưu tâm nội cảnh, thương Chánh pháp suy vi; chú ý huyền môn, buồn thâm văn sai uyển. Nghĩ muốn chia điều chẽ lý, mở rộng chỗ học xưa; bỏ ngụy thêm chơn, khai thông kẻ hậu tấn. Vậy nên, lòng trông đất Tịnh, thân đến cõi Tây, mạo hiểm nghìn trùng, xông pha chiếc bóng. Ban mai tuyết phủ, đất mất đường đi; chiều xế, cát bay, trời mờ lối tới. Muôn dặm non sông, vén mây mù mà tiến bước; trăm tầng nắng rét, đạp sương tuyết để lên đường. Nặng lòng thành coi nhẹ gian lao; mạnh chí quyết sở cầu nguyện đạt. Châu du Tây vức mười lẻ bảy năm. Trải khắp đạo tràng tham cầu chánh giáo. Song lâm bát thủy (3) , suy nếm mùi thuyền; Lộc Uyển Thứu Phong, thánh cảnh. Vâng chí ngôn của đấng thiên thánh, lãnh chơn giáo với bậc thượng hiền. Tìm thấu cửa mầu, tin cùng nghĩa áo. Đạo nhất thừa cùng năm luật bộ, đầy dẫy tâm điền; văn bát tạng với ba hòm kinh, dập dồn khẩu hải (4).

Những nước đã kinh lịch đi qua, tóm thâu được tám tạng (5) kinh văn, gồm có sáu trăm năm mươi bảy bộ, đem về dịch truyền bá khắp Trung Quốc, để tuyên dương thắng nghĩa. Dẫn mây Lành ở nơi Tây vức, rưới mưa Pháp vào chốn Đông thùy. Thánh giáo khuyết mà lại toàn, thương sanh tội mà lại phúc. Dập tắt ngọn lửa nồng hỏa trạch, dắt khỏi đường mê; lắng trong làn sóng dục ái hà, đồng lên bờ giác. Thế mới biết, ác do nghiệp trụy, thiện bởi duyên thăng, cái cớ thăng hay trụy đều chỉ tại lòng người. Ví như: quế mọc trên đỉnh cao, sương móc mới thấm nhuần được ngọn; sen sanh trong nước biếc, bụi nhơ khó vấy bợn đến hoa. Đó không phải là tánh sen tự sạch, chất quế vốn trinh, chỉ bởi ở tại nơi cao, nên vật hèn không thể lụy; nương vào chốn tịnh, nên loại bẩn khó làm nhơ. Kìa như cây cỏ vô tri, còn phải nhờ thiện mới nên thiện; huống hồ loài người có biết, lại chẳng bởi lành mà thành lành. Những mong kinh này lưu khắp, trải bao nhật nguyệt vô cùng, phúc ấy nhuần xa, sánh với càng khôn vĩnh viễn.

[Bản dịch của Thượng tọa Thích Trí Thủ và Thượng tọa Thích Thiện Siêu. Chú thích thêm:

(1) Tam không: không, vô tướng, vô tác: ba môn giải thoát

(2) Tứ nhẫn: Trong kinh Tư Ích về phẩm Tứ nhẫn nói: Bồ tát có bốn pháp nhẫn để tiêu trừ tội phá giới: một là vô sanh nhẫn, hai vô diệt pháp nhẫn, ba nhân duyên nhẫn, bốn vô trú nhẫn. Các vị Bồ tát quan sát bốn điều nhẫn này khi chứng được thì tội phá giới thảy được tiêu trừ.

(3) Bát thủy: Tên tám con sông lớn Ấn Độ. Trong kinh Niết Bàn về phẩm Trường thọ nói rằng: Phật bảo ngài Ca Diếp, như tám con sông lớn, một Hằng Hà, hai Cát Ma La, ba Bát La, bốn A Di La Bạt Đề, năm Ma Hà, sáu Tân Đầu, bảy Bát Xoa, tám Tất Đà đều chảy về biển cả.

(4) Khẩu hải: ý nói khẩu thuyết thao như sóng biển

(5) Tám tạng: Đại, Tiểu mỗi thừa đều có bốn tạng là kinh, luật, luận, tụng.]

 

Khi bài tựa đọc xong, triều thần chúc mừng Ngài Huyền Trang; Hoàng thái tử Lý Trị (tức là Đường Cao Tông sau này) lại chế bài "Thuật Thánh Ký" để tặng Ngài.

Tháng 10 năm ấy, Hoàng thái tử Lý Trị, vì muốn kỷ niệm báo ân mẫu thân mình, nên xây dựng tại Tràng An một cảnh chùa đồ sộ, lấy tên là chùa Từ Ân. Trong chùa có một sở đặc biệt dành cho việc phiên dịch gọi là "Phiên kinh viện". Vua triệu Ngài Huyền Trang đến đấy để tiếp tục việc phiên dịch cho đủ tiện nghi.

Cuộc đón rước Ngài Huyền Trang đến chùa Từ Ân đã được triều đình tổ chức rất trọng thể:

Mở đầu đám rước là một pho tượng lớn cung nghinh trên một cỗ xe, hai bên tả hữu có hai tràng phang lớn nêu cao trên hai xe khác. Tiếp theo sau là 1.500 chiếc xe trang hoàng lộng lẫy, 300 lọng gấm, 200 ảnh tượng thêu hay vẽ trên lụa, 500 tràng phang bảo cái thêu bằng kim tuyến. Rồi đến tất cả những kinh điển đã thỉnh ở Ấn Độ về cũng được rước trên những hương án chở trên xe. 50 vị Trưởng lão Hòa thượng được rước trên 50 chiếc xe, còn Tăng, Ni thì đi bộ theo sau, vừa đi vừa tung hoa và tụng niệm. Sau nữa là các văn quan và võ quan sắp hàng theo thứ tự cấp bậc. Cuối cùng là chín ban nhạc trong nội phủ, dàn ra thành hai hàng dài, vừa đi vừa tấu nhạc.

Dân chúng Tràng An đều đổ xô ra xem, ban tổ chức phải huy động đến 1.000 binh lính để theo giữ trật tự ở hai bên đường. Trong lúc ấy, vua Đường Thái Tông cùng Hoàng thái tử Lý Trị và cung phi mỹ nữ đứng trên lầu Nhân Phúc Môn, kính cẩn bưng lư hương nghi ngút trầm, nhìn theo đám rước đang diễn hành vô cùng ngoạn mục và trang nghiêm trên các đường phố đi đến chùa Từ Ân.

Đường Thái Tông lúc bấy giờ đã già yếu. Sau một cuộc đời tung hoành ở các trận mạc, vô cùng sôi nổi hiên ngang, Thái Tông cảm nghe mệt mỏi, thích thú thanh nhàn tĩnh mịch. Do đó, mối thâm tình giữa Thái Tông và Ngài Huyền Trang lại càng tăng lên. Vua thường vời Ngài vào cung giảng đạo và nhất là kể lại cuộc Tây du đầy mạo hiểm kỳ lạ của Ngài cho vua nghe, hay cùng vua đi dạo.

Sau khi Đường Thái Tông mất (10 tháng 7 năm 649), Ngài ít khi bước chân ra khỏi cửa chùa Từ Ân, chỉ chuyên tâm vào việc phiên dịch. Ngài sợ thọ mệnh của mình hữu hạn, không làm xong được công tác nặng nề, khó khăn ấy nên lại càng sách lệ mình tinh tấn làm việc, hết ngày lại đêm không biết mệt.

Chúng ta hãy nghe Đại đức Huệ Lập, một vị đệ tử thường túc, từng theo Ngài 20 năm, thuật lại sự tinh tấn của Ngài:

"Ngài ở Từ Ân, chuyên lo phiên dịch, ngày nào gặp việc, dịch chưa xong, thì đêm đến, dịch thế lại, dịch cho đến chỗ đã làm dấu trước trong nguyên bản mới dừng bút. Khi dịch xong, Ngài xếp sách đi lễ Phật, kinh hành đến canh ba mới tạm nghỉ. Sang canh năm Ngài đã trở dậy, đọc to bản kinh chữ Phạn, lấy điểm son làm dấu thứ tự, định trước những đoạn sẽ dịch trong ngày. Mỗi ngày, sau giờ ngọ trai, và lúc hoàng hôn, Ngài giảng kinh luận mới dịch, và giải đáp nhưng nghi nghĩa mà các học tăng khắp nơi thường đến thỉnh giáo. Ngoài ra, vì chức vị trụ trì tại chùa của Ngài, nên mọi tăng sư, mọi công quả trong chùa Ngài đều phải đặt mắt đến và giải quyết. Tối lại, hàng trăm đệ tử trong chùa đều đến cầu Ngài dạy bảo. Đầy nhà, đầy hiên đều là nơi thù đáp, không bỏ sót một ai. Tuy phải nhiều việc bận rộn như thế, mà lúc nào thần khí của Ngài cũng vẫn thư thái, chẳng chút ủ trệ. (Đại Từ Ân Tam Tạng Pháp sư truyện).

Vua Cao Tông, kế vị vua Thái Tông đối với Ngài cũng rất kính mến, trọng nể, nhưng thỉnh thoảng Ngài mới đến yết kiến, vì sợ làm mất thì giờ cho công tác phiên dịch mà Ngài cho như là công tác chính, vô cùng cấp bách sau cuộc Tây du.

Tháng 3 năm 652 (năm Vĩnh Huy thứ ba) Đường Cao Tông, vì muốn làm nơi chứa kinh điển và tượng Phật đem từ Ấn Độ về, mới dựng một tòa tháp năm tầng ở phía Tây chùa Từ Ân. Từ ngày khởi công, cứ sáng sớm, người ta thấy một vị sư già ngoài 50 tuổi, cùng mọi người gánh vác gạch đá, mới nhìn không ai có thể nhận ra vị sư ấy chính là Ngài Pháp sư Huyền Trang, người đã được các vua chúa từ Ấn Độ đến Trung Hoa kính bái như một bậc thầy cao cả. Ngài cùng thợ xây dựng tháp ấy trong hai năm mới xong. Tòa tháp ấy ngày nay vẫn còn sừng sững đứng ở thành Tây Ân, tỉnh Thiểm Tây.

Sau đó năm năm, Ngài lại dịch được thêm 10 bộ kinh luận nữa. Bấy giờ Ngài đã già yếu, vì đã mất sức quá độ trong cuộc Tây du và trong việc phiên dịch. Ngài thường có chứng đau ngực, mà Ngài đã mắc phải trong khi vượt qua núi Thống Lĩnh. Đau thì Ngài dùng thuốc, chứ không bao giờ nghỉ việc phiên dịch và dạy học.

Tháng 2 năm Hiển Khánh thứ hai (657), vua Cao Tôn ngự đến Lạc Dương sắc Ngài bồi tụng. Ngài dẫn theo năm vị Cao tăng chuyên dịch kinh điển, mỗi vị này lại đem thêm một đệ tử, đến ở Tích Túy cung tiếp tục việc dịch kinh.

Lạc dương là quê quán của Ngài và đây là lần đầu tiên Ngài được dịp về thăm quê hương sau gần 40 năm xa cách. Thân thuộc Ngài bấy giờ chỉ còn một người chị già, lấy chồng ở Doanh Châu. Ngài cho người đi đón chị về. Chị em gặp nhau mừng mừng tủi, không nói nên lời. Ngài nhờ chị dẫn đến mộ phần của song thân, qua đời đã gần 40 năm trước trong lúc nhà Tuy đang cảnh loạn lạc. Nhận thấy mộ phần song thân lâu ngày bị bỏ đồi tệ, Ngài tự đi tìm đất, sắm quan quách cải táng hài cốt của song thân. Trong cuộc cải táng này, cả Tăng lẫn tục có trên mười ngàn người đi đưa.

Sau khi cải táng, Ngài nhận thấy chùa Thiếu Lâm, tại núi Thiếu Bửu, quê hương Ngài, cảnh trí rất đẹp đẽ, thanh tịnh, Ngài dâng biểu xin Vua vào đấy ở tu và chuyên việc dịch kinh. Trong lời biểu có câu: "Cái tuổi 60 đã đến nơi" (lục thập chi niên liệp yên dĩ chí), mà "từ nhỏ đến giờ chỉ chuyên tinh về giáo nghĩa còn đối tam thuyền, cửu định chưa rảnh an tâm, nếu không lánh ở trong núi chưa dễ thành tựu". Để Vua Cao Tông chuẩn y, Ngài hứa khi đến ở chùa Thiếu Lâm, ngoài giờ thiền quán, Ngài vẫn tiếp tục việc phiên dịch. Nhưng Vua vẫn xuống chiếu không thuận!

Đến 65 tuổi, tại Ngọc Hoa Cung, Ngài bắt đầu dịch bộ kinh sau cùng bằng chữ Phạn rất to tát khó khăn là bộ Đại Bát Nhã kinh, tổng cộng có hai trăm ngàn (200.000) bài tụng.

Các đệ tử đều cho là số chữ nhiều quá, nên rút ngắn lại. Ngài Huyền Trang trái lại, có quan niệm rằng việc phiên dịch không nên vì số chữ nhiều mà cắt bớt nguyên văn và dịch tắt để làm mất nguyên ý. Ngài chủ trương không bỏ một chữ nào, cứ phiên dịch theo thật đúng toàn bộ. Thật là một quan niệm rất sáng suốt, và phương pháp làm việc của Ngài cũng rất khoa học. Ngài lấy ba bộ "Đại Bát Nhã" không cùng một mẫu đem từ Ấn Độ về, hễ đến đoạn nào ngờ, thì đem ra so sánh, hiệu duyệt cẩn thận đến hai, ba lần mới dám hạ bút.

Trước khi cầm bút dịch bộ kinh đồ sộ này, Ngài nói với chư Tăng:

"Trang nay đã 65 tuổi, tất sẽ lâm chung tại Già lam này, mà kinh bộ thì quá lớn, sợ e dịch không trọn được. Vậy chư vị hãy gắng sức gia công, chớ từ lao khổ".

Ngài và các đệ tử tinh tấn làm việc, không một chút trễ biếng, trong hơn ba năm trời, mới dịch xong bộ kinh gồm 600 quyển ấy (tháng 11 năm 663). Năm ấy, Ngài đã là một ông già 68 tuổi. Và ngày từ giã cõi đời cũng sắp đến với Ngài rồi!
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Sáu 2015(Xem: 7272)
Đây là bài nhận định tổng hợp của giáo sư Heinz Bechert, tóm tắt 21 bài viết đăng trong tuyển tập When Did the Buddha Live? được chính giáo sư làm tổng biên tập. Bài tóm tắt vô cùng công phu này đã đặt lại các vấn đề biên niên sử Tích Lan, Ấn Độ và các nước Phật giáo có liên hệ về cách tính niên đại của đức Phật.
07 Tháng Sáu 2015(Xem: 7113)
Mặc dù đã 2500 năm trôi qua, nhờ có Đức Phật, chúng ta đã hưởng được nhiều phước lợi qua sự cao cả, cùng sự vĩ đại của ngài về lòng từ bi, sự trí tuệ, và lòng trong sạch. Chúng ta còn đợi chờ thêm điều gì nữa?
01 Tháng Sáu 2015(Xem: 6708)
Bất cứ một tư tưởng triết học nào cũng đều chịu ảnh hưởng của bối cảnh xã hội, của nền văn hoá và của những tư tưởng triết học khác. Từ đó, tư tưởng của một triết gia có khi chịu ảnh hưởng của những người đi trước hoặc đương thời mà phát triển và quảng diễn thêm, nhưng cũng có khi phản kháng lại, hoặc phê bình để đi đến chỗ toàn thiện, hoặc để bênh vực cho tư tưởng của mình.
26 Tháng Năm 2015(Xem: 5404)
Con người sống qui tụ lại thành một xã hội, và phát triển tập thể này rộng lớn dần dần thành một quốc gia. Mỗi cá nhân trong tập thể đó không thể tự sống riêng mà cũng không thể có tự do hoàn toàn để muốn làm gì thì làm. Cá nhân trong tập thể phải tuân theo một số qui luật mà tập thể đưa ra để lấy nó làm tiêu chuẩn hướng dẩn đời sống của mình, và chính những tiêu chuẩn sống này sẽ giúp cá nhân hòa hợp được giữa cá nhân mình với người khác sống trong cùng một xã hội.
22 Tháng Năm 2015(Xem: 8243)
Có nhiều bằng chứng cho thấy Phật giáo được du nhập một cách hài hoà vào Việt Nam rất sớm, nhất là từ cuối thế kỷ thứ II đến đầu thế kỷ thứ III Tây Lịch qua hai ngả giao thương với các nhà buôn Ấn Độ bằng đường thủy và giao lưu văn hoá với Trung Hoa bằng đường bộ.
01 Tháng Giêng 2015(Xem: 6743)
Sự khởi nguyên của Phật giáo Đại Thừa (Mahāyāna Buddhism) bị bao phủ trong bức màng quá khứ xa xôi, mãi ẩn khuất trong những tài liệu khảo cổ và những áng văn chương đã bị thất lạc. Nhiều nhà nghiên cứu Phật giáo vẫn duy trì quan điểm rằng Phật giáo Đại Thừa bắt nguồn từ Đại Chúng Bộ (Mahāsāṁghika School).
07 Tháng Mười Một 2014(Xem: 14325)
Biểu đồ I.1: Thiền tông Ấn Độ Biểu đồ I.2: Thiền Ấn Độ Đến Trung Quốc Biểu đồ I.3: Thiền Trung Quốc – Huệ Năng và Môn Đệ Biểu đồ II.1: Dòng Mã Tổ Biểu đồ II.2: Dòng Mã Tổ Biểu đồ III.1: Tông Tào Động Biểu đồ IV.1: Tông Lâm Tế Biểu đồ IV.3: Dòng Lâm Tế – Viên Ngộ Biểu đồ V: Tông Vân Môn & Pháp Nhãn