17 Từ Giã Cõi Đời

28 Tháng Mười Hai 201000:00(Xem: 12276)

ĐƯỜNG TAM TẠNG THỈNH KINH
Võ Đình Cường
(In lần thứ ba, năm 2000 TP. Hồ Chí Minh)

TỪ GIÃ CÕI ĐỜI

Sau khi phiên dịch tổng cộng 75 bộ kinh chữ Phạn, gồm 1.335 quyển, Ngài Huyền Trang nhận thấy sức lực mình đến đây đã suy nhược lắm rồi, và ngày từ giã cõi đời cũng không còn bao lâu nữa.

Nhưng vào cuối tháng Giêng năm Lân Đức nguyên niên (664), các vị đại đức dịch kinh và đồ chúng ân cần xin Ngài dịch tiếp bộ kinh Đại Bảo Tích. Mặc dù đã 69 tuổi và trong mình đã suy yếu lắm rồi, Ngài vẫn nắm bút gắng gượng dịch để khỏi phụ lòng tha thiết của chúng Tăng. Dịch được ít dòng, Ngài đặt bút xuống, xếp bản sách chữ Phạn lại mà bảo đại chúng rằng:

"Số lượng bộ kinh này cũng bằng số lượng kinh Đại Bát Nhã, Huyền Trang tự lượng khí lực không còn dịch nổi. Giờ chết đến, thế không lâu nữa. Nay ta muốn qua hang Chi Lan lễ từ Phật tượng mà thôi".

Môn nhân tăng chúng liền cùng đi với Ngài, vừa đi vừa nhìn nhau ứa lệ. Lễ Phật xong, Ngài trở về chùa, nghỉ hẳn việc dịch, chỉ chuyên tinh hành đạo. Nửa đêm mồng Năm tháng Hai, Ngài viên tịch.

Trước khi tịch, Ngài hội đệ tử lại dạy rằng:

"Ta nhận biết ngày lâm chung của ta sắp đến rồi. Sau khi ta mất, các người hãy tống táng ta một cách đơn sơ, giản dị. Hãy bó di hài ta vào một manh chiếu và an táng ở một nơi nào thâm u tĩnh mịch, chứ đừng bày vẽ nhiều điều vô ích".

Vài giờ trước khi mất, sau một giấc ngủ, Ngài thức dậy và hoan hỷ kể cho các đệ tử nghe rằng Ngài vừa nhận thấy một tòa sen rất lớn và vô cùng đẹp đẽ nở ra trước mắt. Ngài lại chiêm bao thấy những người rất cao lớn ăn mặc toàn gấm vóc, nắm những giải lụa thêu hoa và thất bảo, từ phòng Ngài đi sang phòng phiên dịch để trang hoàng, từ trong cho đến ngoài phòng. Ngài lại nói với các đệ tử:

"Các người hãy bình tĩnh và hoan hỷ từ giã cái thân giả tạm này sau khi nó đã làm xong nhiệm vụ. Ta nguyện đem công đức này hồi hướng khắp tất cả chúng sanh, và cùng chúng sanh chứng nhập cung trời Đao Lỵ. Ta nguyện, trong những kiếp sau, trở về cõi Ta bà này để hóa độ chúng sanh cho đến khi được giác ngộ hoàn toàn.

"Nam Mô Di Lặc Tôn Phật, xin Ngài hãy thị hiện trong cõi Ta bà này để đệ tử và chúng sanh được chiêm ngưỡng. Nam Mô Di Lặc Tôn Phật, xin Ngài hãy độ cho đệ tử được vào hàng thánh chúng của Ngài".

Pháp sư Huyền Trang nhập định và trút hơi thở cuối cùng. Sắc mặt Ngài vẫn hồng hào và nét mặt Ngài phản chiếu một niềm hoan lạc vô biên.

Ngài mất vào giữa đêm mồng 5 tháng 2 năm 664, tại Ngọc Hoa Cung, hưởng thọ 69 tuổi. Nghe tin Ngài từ trần, vua Đường Cao Tông không cầm được nước mắt, bãi triều ba ngày và nói với các quan cận thần:

"Trẫm nay mất một quốc bảo!"

Lễ an táng của Ngài cử hành vào ngày 14 tháng 4 tại Bạch Lộc Nguyên, với sự tham dự của hơn 1 triệu người (1.000.000) ở Tràng An và các miền phụ cận; trong số ấy có ba mươi ngàn người làm lều ở cạnh mộ Ngài mà ở.

Chỉ với con số người hộ táng ấy cũng đủ hình dung được sự cảm phục và thương mến của người đồng thời đối với Ngài thiết tha biết bao nhiêu!

- Hết-
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Tư 2016(Xem: 5187)
Giới Thiệu: Đức Đạt Lai Lạt Ma là nhà lãnh đạo tinh thần của người dân Tây Tạng, là người đã nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1989, và là người cổ võ từ bi và hòa bình khắp thế giới. Ngài khuyến khích sự hòa hợp giữa các tôn giáo trên thế giới và tham gia vào nhiều cuộc đối thoại với các nhà khoa học hàng đầu. Xuất gia làm tu sĩ từ thơ ấu, Tỳ Kheo Tenzin Gyantso đã hoàn tất các chương trình học Phật theo truyền thống và tốt nghiệp bằng geshe, tương đương Tiến Sĩ Phật Học. Nổi tiếng với sự thông thái và tấm lòng độ lượng, chứng đắc thiền định, và khiêm tốn, Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn nói, “Tôi chỉ là một tu sĩ Phật Giáo đơn giản.”
11 Tháng Ba 2016(Xem: 5217)
Lời Ban Biên Tập: Hàng năm, cứ đến ngày Rằm tháng Hai Âm lịch, đại gia đình Phật tử thế giới lại thành tâm tưởng niệm ngày Đức Bổn sư Từ phụ Thích Ca Mâu Ni Phật Nhập Niết bàn. Nhân ngày tưởng niệm này, chúng tôi xin lược trích giới thiệu nội dung cơ bản nửa sau bài Ba, khoá I “Phật học phổ thông” của cố HT Thích Thiện Hoa, về sự kiện Lịch sử Phật giáo quan trọng này.
06 Tháng Mười 2015(Xem: 5427)
Tự ngã và sự cố chấp vào tự ngã là một trong những nguyên nhân dẫn đến khổ đau, tang thương và mất mát. Khi tự ngã được đề cao thì con người thỏa mãn, hạnh phúc, nhưng một khi tự ngã bị xúc phạm thì sự bực bội, và thậm chí là thù hận sẽ khởi sanh.