Sơ Tổ: Tôn Giả Ma-Ha Ca-Diếp

23 Tháng Bảy 201416:05(Xem: 4355)

 

PHẬT TỔ ĐẠO ẢNH 
Hư Vân Lão Hòa Thượng kết tập 
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng thuật


Sơ Tổ: Tôn Giả Ma-Ha Ca-Diếp

Nhị TổPhiên âm Hán Việt:

Tôn giả bổn Ma-kiệt-đà quốc nhân, xuất Ba-la-môn thị, kỳ hình kim sắc. Kiến Phật xuất gia, ký độ chư hữu. Phật ư chúng trung xưng vi đệ nhất. Nhất nhật, Phật ư Linh sơn hội thượng niêm xuất nhất chi kim sắc bát-la hoa thị chúng. Thời đại chúng mặc nhiên, duy tôn giả phá nhan vi tiếu. Phật viết : ‘Ngô hữu chánh pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, vi diệu pháp môn, bất lập văn tự, giáo ngọai biệt truyền, phó chúc Ma-ha Ca-Diếp.’ Phục dĩ kim lũ tăng-già-lê chúc viết : ‘Chuyển thọ đương lai Từ thị Phật ‘. Tôn giả tác lễ viết : ‘Cung y Phật sắc’. Hậu tôn giả dĩ pháp chuyển phó A-Nan, tức trì tăng-già-lê nhập Kê-Túc sơn nhập định, dĩ sỉ Từ thị hạ sanh.

Dịch : Sơ Tổ Tôn giả Ma-ha Ca-Diếp

Tôn giả là người nước Ma-kiệt-đà, thuộc dòng Bà-la-môn, mang thân hình sắc vàng. Khi gặp Phật, tôn giả xin xuất gia, mong độ các chúng sanh. Giữa đại chúng Phật gọi tôn giả là đệ tử bậc nhất. Một hôm, tại hội Linh Sơn, Phật cầm bông hoa bát-la sắc vàng nhìn đại chúng. Lúc ấy, mọi người đều lặng yên, duy một mình tôn giả thì nét mặt rạng lên mỉm cười. Phật bảo : ‘Ta có chánh pháp nhãn tạng, tâm nhiệm mầu niết bàn, thực tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, chẳng lập văn tự, đặc biệt truyền ngòai giáo lý, giao phó cho Ma-ha Ca-Diếp.’ Phật còn đưa áo tăng-già-lê vàng cho tôn giả mà dặn rằng : ‘Hãy chuyển lại cho đức Phật Từ thị.’ Tôn giả đáp lễ nói : ‘Xin vâng lời Phật dạy.’ Về sau, tôn giả truyền pháp cho A-Nan rồi mang tấm áo tăng-già-lê đi vào núi Kê-Túc nhập định, chờ ngày đức Phật Từ thị hạ sanh.

Tán

Phá nhan vi tiếu

Đề hồ độc dược

Kim lan cà-sa

Hà xứ an trước

Truyền cá thập ma

Tương thố tựu thố

Ương họa nhi tôn

Quy mao thố giác

Dịch :

Mặt nở mỉm cười

Đề hồ thuốc độc

Cà sa sợi vàng

Cất ở nơi nao ?

Truyền lại cái gì ?

Từ sai đến sai

Gieo họa con cháu

Lông rùa sừng thỏ

Kệ

Linh sơn niêm hoa truyền tâm ấn

Phá nhan vi tiếu trực thừa đương

Tổ tổ pháp đăng chiếu sa giới

Tăng tăng huệ mạng mãn đại thiên

Kim sắc đầu đà cà sa tràng

Di Lặc tôn Phật tục thánh điền

Ma-ha Ca Diếp công huân đại

Tận vị lai tế ân vô biên

Tuyên Hóa Thượng Nhân tác

Dịch :

Linh sơn niêm hoa truyền tâm ấn

Nở mặt mỉm cười tự đảm đương

Đèn pháp lan truyền Hằng sa giới

Huệ mạng tăng già khắp đại thiên

Cà sa cờ pháp khởi đầu đà

Di Lặc nối theo gieo ruộng thánh

Ma-ha Ca-Diếp công lao lớn

Đến tận vị lai ơn vô biên

Thượng nhân Tuyên Hóa soạn

GiảngThoại

Bài Truyện

Tôn giả : Hai chữ này chỉ Ma-ha Ca-Diếp. ‘Ma-ha’ nghĩa là lớn, nên người ta còn gọi tôn giả là Đại Ca-Diếp. Hiện nay tôn giả vẫn còn sống trên thế gian đó ! Ngài vào núi Kê-Túc ở Vân-Nam nhập định, chờ ngày đức Di-Lặc hạ sanh, đặng có thể truyền lại tấm áo cà sa vàng cho Phật Di-Lặc. Áo này nguyên là của chư Phật truyền lại cho nhau, nên đó là lý do tôn giả vẫn còn sống để chờ ngày ra đời của vị Phật tương lai. Vậy là tính từ ngày ấy đến nay trải qua 2, 3 ngàn năm, tôn giả hãy còn nhập định trong núi kê-Túc đó !

Bổn Ma-kiệt-đà quốc nhân, xuất Ba-la-môn thị : Ma-kiệt-đà là tên một nước trong xứ Ấn-độ thuở xưa và là nơi mà tôn giả ra đời trong một gia đình thuộc dòng bà-la-môn. Dân Ấn phân ra thành 4 dòng giống và Bà-la-môn là dòng được tôn quý nhất.

Kỳ hình kim sắc : Thân hình của tôn giả sáng rực hào quang, át hết các thứ ánh sáng khác và dường như hào quang đó có khả năng hút trọn mọi nguồn sáng khác. Bất kể là thuộc nguồn sáng nào, ánh đèn, ánh mặt trời, mặt trăng, ánh sao v.v. hễ đến gần tôn giả thì đều bị lu mờ hết ! Bởi vậy Ngài còn được tôn xưng là ‘Ẩm Quang thị’, người uống ánh sáng. Nguyên do nào mà có hiện tượng đó ?

Thuở xa xưa, sau thời đức Phật Tỳ-bà-thi nhập diệt, có một ngôi chùa đổ nát kia, tháp thì nghiêng sụp, tượng Phật thì phơi lộ ra, mặc sức cho nắng mưa vùi dập. Lúc ấy có một cô gái nghèo, trông thấy cảnh chùa tang thương như vậy lấy làm xót xa mới lập nguyện xây chùa và giát vàng tượng Phật. Nhưng, trước cảnh nhà bần cùng, cô gái bèn đi các nơi xin cơm hóa duyên để lấy tiền mua vàng. Trải qua mười năm hóa duyên như vậy, thấy số vàng dành dụm được có thể xây được chùa và trang nghiêm tượng Phật, cô gái đi kiếm một ông thợ có nghề làm vàng, để nhờ ông ta giát vàng tượng Phật. Trước lòng chí thành của cô gái này, người thợ vàng dần thấy hảo cảm với nàng và từ đó sẵn sàng bỏ công sức trang nghiêm tượng Phật mà không đòi tiền công phí nữa. Khi công tác hoàn thành, người thợ vàng cầu hôn với nàng rồi cả hai phát nguyện đời đời kết nghĩa vợ chồng, cùng rủ nhau tu, quy y tam bảo xuất gia liễu đạo.

Tôn giả Đại Ca-Diếp chính là người thợ vàng năm xưa, tuy sống trong cảnh nghèo nàn mà biết phát tâm trang nghiêm tượng Phật, cho nên về sau, đời đời kiếp kiếp cả hai vợ chồng – tỳ-kheo-ni Tử Kim Quang là tên hiệu của người vợ khi xuất gia – đều có thân hình một mầu vàng sáng.

Kiến Phật xuất gia, ký độ chư hữu :Vào thời gian đức Thích Ca ra đời thì tôn giả Ca Diếp đương là một ông già tu ngọai đạo, có rất đông các đệ tử tin theo. Khi gặp Phật, tôn giả tự nhận thấy mình lầm đường, bèn xin bái Phật làm thầy, mặc dầu khi ấy tôn giả đã hơn 120 tuổi đời, sau đó tôn giả xuất gia theo Phật, mong được độ hết thảy các chúng sanh.

Phật ư chúng trung xưng vi đệ nhất : Trước mặt đại chúng Phật tôn xưng Ma-ha Ca-Diếp là đại đệ tử bậc nhất.

Nhất nhật, Phật ư Linh sơn hội thượng niêm xuất nhất chi kim sắc bát-la hoa thị chúng : Một hôm tại núi Linh Thứu, Phật cầm một bông hoa bát-la mầu vàng ngước nhìn mọi người.

Thời đại chúng mặc nhiên : Lúc bấy giờ chẳng ai biết đây là ý nghĩa gì, không biết nói ra sao cho phải, nên tất cả đều lặng yên.

Duy tôn giả phá nhan vi tiếu : Duy có một mình tôn giả là mỉm cười. Dung mạo của tôn giả vốn là trang nghiêm, cử chỉ thì trịnh trọng, vậy mà ngay khi ấy, nét mặt tôn giả lại rạng ra tươi cười (phá nhan).

Phật viết : ‘Ngô hữu chánh pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, vi diệu pháp môn, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, phó chúc Ma-ha Ca-Diếp.’ : Thấy tôn giả mỉm cười, Phật bảo : ‘Nay ta có chánh pháp nhãn tạng, đó là tâm nhiệm mầu của niết-bàn, chẳng sanh, chẳng diệt, các vị nghĩ thế nào ? Nó có hình tướng gì chăng ? Không, nó là vô tướng; Các vị bảo nó chẳng có tướng gì ư ? Nó lại có hình tướng đó ! Cho nên thực tướng là vô tướng, chẳng chỗ nào là chẳng tướng. Đó là một pháp môn vi diệu chẳng thể nghĩ bàn, văn tự không thể tả ra được. Lọai pháp môn mà nay ta chỉ dạy các vị là một thứ đặc biệt truyền thọ ngoài giáo điển và pháp môn đó ta đã truyền cho Ma-ha Ca Diếp rồi !’

Phục dĩ kim lũ tăng-già-lê chúc viết : ‘Chuyển thọ đương lai Từ thị Phật’ : Tăng-già-lê tức là áo cà-sa. Phật lại đưa cho tôn giả tấm áo cà-sa của Phật mà nói rằng : ‘Ông hãy giữ gìn tấm áo này đặng ngày sau giao lại cho Phật Từ Thị hay Phật Di-Lặc, tức là vị Phật tương lai’.

Tôn giả tác lễ viết : ‘Cung y Phật sắc’ : Tôn giả Ma-ha Ca Diếp liền đảnh lễ Phật và thưa rằng : ‘Con xin cung kính tuân hành lời dạy của Phật và xin hết lòng gìn giữ áo cà-sa này’

Hậu tôn giả dĩ pháp chuyển phó A-Nan : Về sau, tôn giả truyền lại pháp ấn này, tức chánh pháp nhãn tạng lại cho tôn giả A-Nan (Chú 1) ; tức trì tăng-già-lê nhập Kê-Túc sơn nhập định : tôn giả Ma-ha Ca-Diếp mang áo tăng-già-lê đi vào núi Kê Túc nhập định. Núi Kê Túc thuộc tỉnh Vân Nam, Trung quốc ; dĩ sỉ Từ thị hạ sanh : đẻ chờ ngày đức Phật Di-Lặc ra đời.

Bài Tán

Phá nhan vi tiếu

Đề hồ độc dược

Kim lan cà-sa

Hà xứ an trước

Truyền cá thập ma

Tương thố tựu thố

Ương họa nhi tôn

Quy mao thố giác

Phá nhan vi tiếu, đề hồ độc dược : Đức Phật cầm bông hoa, nhìn đại chúng, tôn giả rạng nét mặt mỉm cười. Đề hồ vốn là một thứ sữa tuyệt diệu, nhưng chúng sanh thấy nó là thuốc độc.

Kim lan cà-sa, hà xứ an trước : Tấm áo cà sa vàng đó, để ở nơi nào ? Áo cà-sa vàng để tại Vân Nam.

Truyền cá thập ma, tương thố tựu thố : Nói là truyền, rốt ráo là truyền cái gì ? Thật ra thì chẳng có cái gì hết, có chăng chỉ là hình thức vậy thôi. Số là chúng sanh có chỗ chấp trước, do đó mà chấp vào sự truyền giao một thứ gì đó, bởi vậy mới là ‘tương thố tựu thố’, từ sai đến sai.

Ương họa nhi tôn quy mao thố giác : Cũng vì lý do đó mà đời sau mới nẩy sanh sự tranh chấp y bát. Đạo vốn không tranh, vậy mà họ tranh nhau để giao họa cho con cháu về sau. Còn như chân chánh hiểu được pháp đó là nhiều hay ít vậy ? Điều này có thể ví như lông rùa và sừng thỏ. Rùa đen thì không có lông, thỏ thì không có sừng, nói trắng ra hoàn toàn không có gì cả.

Bài Kệ

Linh sơn niêm hoa truyền tâm ấn

Phá nhan vi tiếu trực thừa đương

Tổ tổ pháp đăng chiếu sa giới

Tăng tăng huệ mạng mãn đại thiên

Kim sắc đầu đà cà sa tràng

Di Lặc tôn Phật tục thánh điền

Ma-ha Ca Diếp công huân đại

Tận vị lai tế ân vô biên

Nay ta có mấy câu kệ tụng mới làm để ta giảng cho các vị nghe :

Linh sơn niêm hoa truyền tâm ấn : Câu này nói tới hội Linh Sơn khi đức Phật Thích-ca cầm một bông hoa lên truyền tâm ấn. Đây chẳng phải là một hành động tùy tiện, mà là một sự biểu hiện pháp của đức Phật, thử xem trong đại chúng có ai hiểu ý gì không ? Lúc ấy chẳng ai hiểu được ý nghĩa vi diệu này.

Phá nhan vi tiếu trực thừa đương : Duy có tôn giả Ca-Diếp là nở mặt mỉm cười, tỏ bày ý nguyện gánh vác việc giao phó, tức là đảm đương trách nhiệm lưu truyền dòng pháp cho đời sau. Tôn giả hiểu ngay như vậy, đó là ý nghĩa của chữ ‘trực thừa đương’.

Tổ tổ pháp đăng chiếu sa giới : Các tổ sư truyền y bát cho nhau, lấy tâm ấn âm, đó là nghĩa lưu truyền dòng pháp hay giữ cho ngọn đèn pháp không bị tắt (pháp đăng bất diệt). Ngọn đèn tuy là nhỏ nhưng ánh sáng lại truyền xa, thế giới nào cũng tới cả, nhiều như số cát sông Hằng vậy.

Tăng tăng huệ mạng mãn đại thiên : Huệ mạng của tăng cũng là huệ mang Phật, cũng là huệ mạng pháp. Mỗi vị tăng mang đủ huệ mạng của Phật, pháp, tăng, nên Phật pháp ở khắp mọi nơi, cùng khắp đại thiên thế giới.

Kim sắc đầu đà cà sa tràng : Nói kim sắc đầu đà là chỉ tôn giả Ma-ha Ca-Diếp. Ngài gìn giữ tấm áo cà-sa, dựng cờ pháp, để chờ ngày giao áo đó cho đức Phật tương lai là tôn Phật Di Lặc.

Di Lặc tôn Phật tục thánh thiên : Đức Phật hạ sanh trong tương lai là Ngài Di Lặc sẽ tiếp tục công tác hành trì cùng một thứ đạo của chư Phật (chư Phật đạo đồng).

Ma-ha Ca Diếp công huân đại : Đối với Phật pháp thì công lao của tôn giả Ma-ha Ca-Diếp thật là lớn lao, không ai sánh bằng. Chính đức Phật cũng đã công khai gọi tôn giả là một đại đệ tử bậc nhất.

Tận vị lai tế ân vô biên : Ơn đức của tôn giả thiệt là vô cùng lón lao, không thước nào đo được, cho nên chúng ta là đệ tử của Phật, là giáo đồ của Phật trong tương lai không làm sao có thể báo đáp lại cho vừa.

Thượng nhân Tuyên Hóa giảng ngày 15 tháng 10 năm 1983

Chú Thích (1) : Xem ‘Cảnh Đức Truyền Đăng Lục’ quyển 1

. . . . Kinh Niết Bàn nói : Lúc ấy đức Thế Tôn sắp nhập niết-bàn, Ca-Diếp không có mặt trong hội chúng. Phật bảo các đại đệ tử : ‘Khi nào Ca-Diếp đến, dặn Ca-Diếp tuyên dương chánh pháp nhãn tạng.’ Lúc bấy giờ Ca-Diếp đương ở trong hang Tân-bát-la, núi Kỳ-xà-quật, thấy một nguồn sáng rực, tức thời vào định, dùng thiên nhãn thanh tịnh thấy đức Thế Tôn nhập niết bàn ở bên sông Hy-liên. Tôn giả bảo các đồ chúng : ‘Như Lai vào niết-bàn, mau quá vậy thay !’ Tôn giả liền đi đến nơi hai cây, khóc rất là bi thiết. Nằm trong kim quan Phật duỗi hai bàn chân ra cho thấy. Lúc ấy Ca-Diếp bảo các tỳ-kheo rằng : ‘Đức Phật đã trà-tỳ, xá-lợi kim cương chẳng phải việc của chúng ta ; việc chúng ta là kết tập pháp nhãn, không để cho nó bị tuyệt.’ Tôn giả nói bài kệ rằng :

Đệ tử Như Lai

Chớ vội niết bàn

Người có thần thông

Phải đến kết tập.

Như vậy tất cả những ai đã chứng thần thông đều tới thành Vương Xá, núi Kỳ-xà-quật, tụ tập trong hang Tân-bát-la.. Lúc đầu vì chưa sạch các lậu, nên A-Nan không được dự hội, nhưng sau đó thì chứng được quả A-la-hán nên mới được vào dự. Ca-Diếp bèn nói trước đại chúng : ‘Đây tỳ-kheo A-Nan, người được nghe nhiều, ghi nhớ hết, có trí huệ lớn, luôn luôn theo Như Lai, phạm hạnh thanh tịnh, Phật pháp nghe được như nước rót vào bình không rơi rớt, Phật từng khen ngợi là thông tuệ bậc nhất, nghĩ nên mời A-Nan kết tập tạng Tu-đa-la.’ Đại chúng lặng yên. Ca-Diếp nói với A-Nan : ‘Nay ông hãy tuyên pháp nhãn.’ A-nan nói xin nghe lời, quan sát lòng đại chúng rồi nói kệ như sau :

Tỳ kheo các quyến thuộc

Vắng Phật chẳng trang nghiêm

Ví như trên không trung

Bầy sao thiếu vừng nguyệt.

Nói xong bài kệ, tôn giả làm lễ các chúng tăng rồi bước lên pháp tòa, nói : ‘Tôi nghe như vầy, có một thời đức Phật tại nơi đó, thuyết giảng kinh đó. . . .cho đến trời, người làm lễ phụng hành.’. Tôn giả Ca-Diếp hỏi các tỳ-kheo : ‘Những điều ông A-Nan nói có đúng hay không ?’Tất cả đều đáp rằng : ‘Không sai những gì đức Thế Tôn đã dạy.’ Ca-Diếp nói với A-Nan : ‘Ta chẳng ở đây lâu, nay ta giao phó chánh pháp nhãn tạng cho ông, ông phải khéo gìn giữ. Hãy nghe ta nói bài kệ :

Các pháp xưa nay pháp

Không pháp không phi pháp

Tại sao trong một pháp

Có pháp, có phi pháp ?

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Tư 2016(Xem: 5165)
Giới Thiệu: Đức Đạt Lai Lạt Ma là nhà lãnh đạo tinh thần của người dân Tây Tạng, là người đã nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1989, và là người cổ võ từ bi và hòa bình khắp thế giới. Ngài khuyến khích sự hòa hợp giữa các tôn giáo trên thế giới và tham gia vào nhiều cuộc đối thoại với các nhà khoa học hàng đầu. Xuất gia làm tu sĩ từ thơ ấu, Tỳ Kheo Tenzin Gyantso đã hoàn tất các chương trình học Phật theo truyền thống và tốt nghiệp bằng geshe, tương đương Tiến Sĩ Phật Học. Nổi tiếng với sự thông thái và tấm lòng độ lượng, chứng đắc thiền định, và khiêm tốn, Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn nói, “Tôi chỉ là một tu sĩ Phật Giáo đơn giản.”
11 Tháng Ba 2016(Xem: 5180)
Lời Ban Biên Tập: Hàng năm, cứ đến ngày Rằm tháng Hai Âm lịch, đại gia đình Phật tử thế giới lại thành tâm tưởng niệm ngày Đức Bổn sư Từ phụ Thích Ca Mâu Ni Phật Nhập Niết bàn. Nhân ngày tưởng niệm này, chúng tôi xin lược trích giới thiệu nội dung cơ bản nửa sau bài Ba, khoá I “Phật học phổ thông” của cố HT Thích Thiện Hoa, về sự kiện Lịch sử Phật giáo quan trọng này.
06 Tháng Mười 2015(Xem: 5370)
Tự ngã và sự cố chấp vào tự ngã là một trong những nguyên nhân dẫn đến khổ đau, tang thương và mất mát. Khi tự ngã được đề cao thì con người thỏa mãn, hạnh phúc, nhưng một khi tự ngã bị xúc phạm thì sự bực bội, và thậm chí là thù hận sẽ khởi sanh.