- Bài Tựa Bằng Bạch Thọai
- Thích-ca Mâu-ni Văn Phật
- Sơ Tổ: Tôn Giả Ma-Ha Ca-Diếp
- Nhị Tổ: Tôn Giả A-Nan-Đà
- Tam Tổ: Tôn Giả Thương Na Hòa Tu
- Tổ thứ tư Tôn Giả Ưu-Bà-Cúc-Đa
- Tổ thứ năm: TÔN GIẢ ĐỀ-ĐA-CA
- Tổ thứ sáu: TÔN GIẢ DI-GIÀ-CA
- Tổ thứ bảy: TÔN GIẢ BÀ-TU-MẬT
- Tổ thứ 8: TÔN GIẢ PHẬT-ĐÀ-NAN-ĐỀ
- Tổ thứ chín: TÔN GIẢ PHỤC-ĐÀ-MẬT-ĐA
- Tổ thứ mười: HIẾP TÔN GIẢ
- Tổ thứ mười một: TÔN GIẢ PHÚ-NA-DẠ-XA
- Tổ thứ mười hai: ĐẠI SĨ MÃ MINH (Mahasattva Ashvagosha)
- Tổ thứ mười ba: TÔN GIẢ CA-TỲ-MA-LA (Kapimala)
- Tổ thứ mười bốn: BỒ-TÁT LONG THỌ (Nagarjuna)
- Tổ thứ 15: TÔN GIẢ CA-NA-ĐỀ-BÀ (Kanadeva)
- Tổ thứ 16: TÔN GIẢ LA-HẦU-ĐA-LA (RAHULATA)
- Tổ thứ mười bảy: TÔN GIẢ TĂNG GIÀ NAN ĐỀ (Sanghanandi)
- Tổ thứ 18: TÔN GIẢ GIÀ-DA-XÁ-ĐA (Gayasata)
- Tổ thứ mười chín: Tôn giả Cưu-Ma-La-Đa
- Tổ thứ hai mươi: Tôn giả Xà-Dạ-Đa
Tổ thứ tư Tôn Giả Ưu-Bà-Cúc-Đa
Tôn giả Sất Lợi quốc nhân dã, tính Thủ Đà. Niên thập thất, đầu Tam Tổ xuất gia. Tổ vấn : ‘Nhữ niên kỷ hà ?’ Đáp viết : ‘Thập thất.’ Tổ viết : ‘Nhữ thân thập thất da ? Tính thập thất da ?’ Đáp viết : ‘Sư phát dĩ bạch, vị phát bạch da ? Tâm bạch da ?’ Tổ viết : ‘Ngã phát bạch, phi tâm bạch dã.’ Đáp viết : ‘Ngã thân thập thất, phi tính thập thất dã.’ Tổ tri thị pháp khí, tọai vị lạc phát thọ cụ. Cáo chi viết : ‘Tích Như Lai dĩ vô thượng pháp nhãn phó chúc Ca Diếp, triển chuyển tương thọ, nhi chí ư ngã. Ngã kim phó nhữ, vật linh đọan tuyệt.’ Tôn giả đắc pháp dĩ, tùy phương hành hóa, ma cung chấn động, ba tuần sầu bố, hậu đắc Đề Đa Ca dĩ, tọai dũng thân phi không, trình thập bát biến, phục tọa, già phu nhi thệ.
Tổ thứ tư Tôn Giả Ưu-Bà-Cúc-Đa
Tôn giả là người nước Sất Lợi, dòng Thủ Đà la. Năm 17 tuổi, Ngài xin Tổ thứ ba xuất gia.
Tổ hỏi :
Ngươi được bao nhiêu tuổi?
Thưa rằng :
- Con được 17 tuổi.
Tổ nói :
- Thân ngươi 17 tuổi hay tánh ngươi 17 tuổi ?
Ngài hỏi lại :
- Đầu thầy đã bạc, vậy là tóc thầy bạc hay tâm thầy bạc.
Tổ bảo :
- Tóc của ta bạc, chẳng phải tâm của ta bạc.
Ngài trả lời:
- Thân con được 17 tuổi, không phải tánh con 17 tuổi.
Tổ biết đây là pháp khí bèn nhận cho xuất gia, cắt tóc và thọ giới cụ túc.
Tổ bảo :
- Xưa đức Như Lai giao pháp nhãn vô thượng cho tôn giả Ca Diếp, từ đó pháp nhãn lần hồi truyền lại cho đến ta, nay ta giao phó cho ngươi chánh pháp này, ngươi chớ để đọan dứt.
Tôn giả được pháp rồi tùy duyên đi các nơi cảm hóa chúng sanh, khiến cho cung ma chấn động, vua ma ba-tuần rất là lo sợ. Sau khi kiếm được ngườI tiếp nối là Đề Đà Ca, Ngài bay lên hư không, hóa 18 phép biến, rồi ngồi xuống theo thế kiết già mà đi.
Tán :
Thân tánh thập thất
Hữu hà giao thiệp
Hàng phục ba tuần
Toàn bằng cừ lực
Chấn động ma cung
Liễu vô luân thất
Nguy nguy đường đường
Quang thư hóa nhật
有何交涉
降伏波旬
全憑渠力
震動魔宮
了無倫匹
巍巍堂堂
光舒化日
Dịch :
Thân tánh mười bảy
Có gì quan hệ ?
Hàng phục vua ma
Tòan nhờ đạo lực
Rung động cung ma
Chẳng ai so bằng
Lỗi lạc đường hòang
Sáng như mặt nhật
Hoặc thuyết kệ viết :
Ấu thời xuất gia ngộ tổ truyền
Đẩu tẩu tinh thần vong thụy miên
Thân tính thập thất đa ngôn thuyết
Phát tâm bạch da nãi hí đàm
Cơ giáo tương khấu khế chân lý
Sư tư đạo hợp diễn diệu huyền
Pháp bổn lưu biến tam thiên giới
Thập phương phổ hóa tục tuyệt thuyên
Dịch :
Tuổi trẻ xuất gia gặp Tổ truyền
Đầu đà tu khổ ngủ thường quên
Hỏi rằng mười bẩy, thân hay tánh?
Vặn lại, bạc là tóc hay tâm?
Cơ phong qua lại bầy chân lý
Đạo hợp sư đồ diễn diệu huyền
Pháp trùm khắp cả ba ngàn cõi
Mạch đạo khơi thông chẳng tuyệt dòng
Giảng Thoại
Bài Truyện
Tôn giả Sất Lợi quốc nhân dã, tính Thủ Đà : Kể từ đức Phật Thích Ca, tôn giả Ưu Bà Cúc Đa là vị Tổ sư đời thứ tư. Ngài là người nước Sất Lợi, xứ Ấn Độ, thuộc dòng Thủ Đà La.
Niên thập thất, đầu Tam Tổ xuất gia : Năm 17 tuổi, tôn giả xuất gia với Tổ Thương Na Hòa Tu.
Tổ vấn : ‘Nhữ niên kỷ hà ?’: Tổ hỏi tôn giả được bao nhiêu tuổi.
Đáp viết : ‘Thập thất.’ : Tôn giả thưa : 17 tuổi.
Tổ viết : ‘Nhữ thân thập thất da ? Tính thập thất da ?’: Tổ lại hỏi :
- Thân ngươi 17 tuổi hay tánh ngươi 17 tuổi ?
Đáp viết : ‘Sư phát dĩ bạch, vị phát bạch da ? Tâm bạch da ?’: Tôn giả đáp lại rằng : ‘Đầu Thầy tóc bạc, vậy là tóc của Thầy bạc hay tâm Thầy bạc ?’Tôn giả không trả lời thẳng vào câu hỏi của Tổ, mà vặn hỏi lại Tổ bằng câu hỏi trên.
Tổ viết : ‘Ngã phát bạch, phi tâm bạch dã.’ : Tổ nói : ‘Đó là tóc ta bạc, chẳng phải tâm của ta bạc đâu !’
Đáp viết : ‘Ngã thân thập thất, phi tính thập thất dã.’ : Tôn giả mới trả lời rằng : ‘Thân của con là 17 tuổi, nhưng tánh của con chẳng phải là
Tổ tri thị pháp khí, toại vị lạc phát thọ cụ : Tổ biết người này cũng có trí huệ, chẳng phải là hạng tầm thường, bèn chấp thuận cho cắt tóc và cho thọ giới cụ túc.
Cáo chi viết : ‘Tích Như Lai dĩ vô thượng pháp nhãn phó chúc Ca Diếp, triển chuyển tương thọ, nhi chí ư ngã. Ngã kim phó nhữ, vật linh đọan tuyệt.’: Tổ nói : ‘Lúc xưa, đức Thích-Ca Mâu Ni giao phó pháp nhãn vô thượng cho tôn giả Ma-ha Ca-Diếp, rồi từ đó qua mấy đời, pháp nhãn được truyền đến ta, nay ta trao lại cho ngươi (chú 1), để ngươi gìn giữ và truyền lại cho các đời sau, chớ để đọan dứt.
Tôn giả đắc pháp dĩ, tùy phương hành hóa : Sau khi được pháp, tôn giả đi giáo hóa các nơi, độ được rất nhiều chúng sanh (chú 2), khiến cho Ma vương sợ hãi vô cùng. Ma cung chấn động : Quả là như vậy, bình thường khi có người tu đạo chân chánh xuất hiện, loài ma cảm thấy bất an. Tại sao vậy ? Đây là vấn đề uy thế trong tương quan lực lượng giữa tà và chánh. Nếu lực lượng của phe ma lớn mạnh thì uy thế Phật giáo sẽ yếu đi và ngược lại, cho nên thiện nhân mà đông thì sẽ ít thấy người xấu. Tại Thánh Thành Vạn Phật này, chúng ta dều tu học chẳng tranh, chẳng tham, chẳng cầu, chẳng tự tư, chẳng tự lợi, chẳng dối trá, nên thiện nhân thì đông, khung cảnh khác hẳn với bên ngoài và ai đã từng đến đây đều thấy như vậy.
Ba tuần sầu bố : Vua loài ma là Ba Tuần rất hãi hùng coi chuyện đó như là một việc động trời, cố tìm đủ mọi cách, vận dụng đủ thứ ma lực để phá chánh pháp. Chẳng dè, tôn giả Ưu Bà Cúc Đa, vốn là người chân tu, công phu thiền định đầy đủ, nên Ma vương đã bị hàng phục rồi sau đó quy y tam bảo. (chú 3)
Hậu đắc Đề Đa Ca dĩ, toại dũng thân phi không, trình thập bát biến, phục tọa già phu nhi thệ : Về sau, khi gặp tôn giả Đề Đà Ca, truyền pháp lại cho vị này rồi, Tổ Ưu Bà Cúc Đa mới bay mình lên không trung, diễn ra 18 phép biến hóa – nằm, ngồi, đứng, trên phun nước, dưới phun lửa, trên phun lửa, dưới phun nước v.v. Kế đó, Tổ bay xuống, ngồi theo thế kiết già mà viên tịch.
Bài Tán
Thân tánh thập thất
Hữu hà giao thiệp
Hàng phục ba tuần
Toàn bằng cừ lực
Chấn động ma cung
Liễu vô luân thất
Nguy nguy đường đường
Quang thư hóa nhật
Thân tánh thập thất, hữu hà giao thiệp?: Thân mười bảy hay tánh mười bảy, có gì là quan hệ ? Bỗng dưng chẳng có chuyện gì, nay lại bày đặt ra chuyện nọ chuyện kia ; chẳng có gì để nói mà cứ kiếm chuyện ra để nói ! Đã hỏi tuổi là 17, lại còn hỏi thân lên 17 hay tánh 17 ? Phải chăng hỏi như vậy là thừa! Đúng như câu nói ‘phàm có lời nói, đều chẳng có thực nghĩa.’
Hàng phục ba tuần, toàn bằng cừ lực : Nhờ vào đạo lực cao siêu của tôn giả mà vua lòai ma bị khuất phục. Điều đó chứng tỏ tôn giả là bậc chân tu, dụng công đắc lực nên bọn ma mới kinh hãi như vậy.
Chấn động ma cung, liễu vô luân sất : Tôn giả làm cho cung ma rung động, oai lực đó không ai sánh bằng.
Nguy nguy đường đường, quang thư hóa nhật : Nguy nguy có nghĩa là to lớn, đường đường là quang minh lỗi lạc, đường đường chính chính, không có chút gì là vị kỷ, tự tư, tự lợi, chẳng tham, chẳng tranh, chẳng mong cầu, không gian dối. Các vị nghĩ coi ! Có được đầy đủ tác phong như vậy thì có ai sánh bằng được chăng ? Hào quang từ tôn giả phóng ra chẳng khác gì với ánh sáng của vầng thái dương vậy !
Bài Kệ
Ấu thời xuất gia ngộ tổ truyền
Đẩu tẩu tinh thần vong thụy miên
Thân tính thập thất đa ngôn thuyết
Phát tâm bạch da nãi hí đàm
Cơ giáo tương khấu khế chân lý
Sư tư đạo hợp diễn diệu huyền
Pháp bổn lưu biến tam thiên giới
Thập phương phổ hóa tục tuyệt thuyên
Ấu thời xuất gia ngộ tổ truyền : Câu này nói Tổ xuất gia năm 17 tuổi, khi hãy còn non nớt và được Tổ thứ ba là Thương Na Hòa Tu truyền pháp.
Đẩu tẩu tinh thần vong thụy miên : Duyên lành khiến cho tôn giả gặp được Tổ thứ ba chính là một điều may mắn hiếm có, do đó tôn giả lập chí tu hạnh đầu đà. Tinh thần đẩu tẩu có nghĩa là hạnh đầu đà ; đẩu tẩu có khi còn được dịch âm là đầu đà. ‘Vong thụy miên’ là quên ngủ, bởi tu khổ hạnh nên tôn giả dụng công rất tinh tấn, quên luôn cả ngủ.
Thân tính thập thất đa ngôn thuyết : Được 17 tuổi, đó là thân 17 hay tánh 17 ? Lại còn hỏi thêm như vậy nữa ư ? Quả là đa ngôn ! Vị Tổ này thiệt là . . .! Nếu như tôi bị người ta hỏi như vậy, tôi sẽ cho người hỏi một cái bạt tai đó ! Một câu hỏi dư thừa ! Chúng ta thấy cậu bé rất thông minh, cậu chẳng đáp lại câu hỏi đó, coi như mình không nghe thấy, còn lên tiếng hỏi vặn lại Tổ nữa :
Phát tâm bạch da nãi hí ngôn : Hỏi rằng : ‘Tóc trên đầu sư phụ đã bạc, vậy là tóc sư phụ bạc hay tâm của sư phụ bạc ?’ Quý vị thấy chưa ? Cậu bé đúng là có đầu óc khôi hài, láu cá. Câu hỏi vặn lại chính là một hí ngôn - lời nói đùa. Vậy đây là chuyện rỡn hay sao ? Ai chẳng biết đầu bạc là do tóc bạc chớ đâu phải tâm bạc ! Còn phải hỏi thêm làm chi nữa ? Sự thực chuyện đối đáp này chẳng phải là một cuộc đùa rỡn, giữa con nít với nhau mà chính là một màn đấu về ‘cơ phong’, anh đánh ra một đòn thì bên kia đánh trả lại một đòn, anh đấm ra một quyền thì bên kia trả lại bằng một cái đá. Như vậy đó ! Một trò chơi ăn miếng trả miếng. Giả tỷ tôi hỏi anh một điều gì đó anh cũng đáp lại theo kiểu cách như vậy !
Cơ giáo tương khấu khế chân lý : ‘Cơ giáo tương khấu’ là nghĩa gì ? Đây là vấn đề đối cơ thuyết pháp, nói pháp theo căn cơ, sao cho căn cơ và giáo pháp ăn khớp với nhau. Tuy các câu đối đáp có tính cách đùa rỡn, nhưng bề trong hai bên đã có dịp quan sát lẫn nhau, bên này biểu diễn Thái cực quyền như thế nào, bên kia múa võ Thiếu Lâm ra sao ? Và từ đó mà biết được pháp khí. ‘ Khế chân lý’ nghĩa là hợp vói lẽ thật. Bề ngoài có vẻ như hai người nói rỡn chơi mà kỳ thật nó chứa đựng một ý nghĩa tuyệt vời vì đó là lúc. . .
Sư tư đạo hợp diễn diệu huyền : ‘Sư tư’ là thầy trò ; ‘đạo hợp’ là hợp ý đạo. ‘Diễn diệu huyền’, bởi vì từ đó mà diễn thành một màn truyền pháp, một loại pháp huyền diệu, tức pháp môn truyền tâm ấn Phật.
Pháp bổn lưu biến tam thiên giới : ‘Pháp bổn’ là gốc của pháp. Đạo pháp phổ biến khắp cả đại thế giới ba ngàn không chỗ nào là tách khỏi gốc pháp đó.
Thập phương phổ hóa tục tuyệt thuyên : Pháp đó cũng làm cho nối tiếp giòng đạo pháp gần như bị tuyệt.
Thượng nhân Tuyên Hóa giảng ngày mồng 5 tháng 11 năm 1983
Ghi Chú :
(1) Về bài kệ của Tổ thứ 3 đọc khi truyền pháp cho Tổ thứ 4, xin xem Cảnh Đức Truyền Đăng Lục và Chỉ Nguyệt Lục :
Phi pháp diệc phi tâm
Vô tâm diệc vô pháp
Thuyết thị tâm pháp thời
Thị pháp phi tâm pháp
Dịch :
Chẳng pháp cũng chẳng tâm
Không tâm cũng không pháp
Khi nói tâm pháp ấy
Là pháp chẳng tâm pháp
(2) Sách Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện ghi rằng :
Tôn giả Ưu Bà Cúc Đa. . . . cứ như vầy hóa độ vô lượng chúng sanh, ai nấy đều chứng được quả a-la-hán. Hễ có người chứng quả thì tôn giả lại ghi vào một cái thẻ tre, dài chừng 4 tấc, để trong thất đá. Ngôi thất này cao tới 6 trượng, chiều dài và chiều rộng cũng ngang như vậy và lâu dần thẻ tre kín cả ngôi thất. Tiếng tăm của tôn giả vang khắp mọi nơi và người đời tôn xưng tôn giả là ‘Vô Tướng Hảo Phật’.
(3) Cảnh Đức Truyền Đăng Lục chép như sau :
Tôn giả xuất gia năm 17 tuổi, đến năm 20 tuổi thì chứng đạo rồi đi các nơi cảm hóa, tới nước Ma-Đột-La hóa độ rất nhiều chúng sanh. Uy danh đó làm rung động cung ma khiến cho vua ma ba tuần rất là sợ hãi. Vua ma dùng đủ mọi cách để phá họai Phật pháp. Tôn giả vào định quán sát các nguyên do thì nhân cơ hội đó, vua ma đem vòng chuỗi anh lạc khoác vào cổ của tôn giả. Xuất định, tôn giả dùng thần thông biến các thây chết của người, chó và rắn kết lại thành một vòng hoa rồi nói ngọt ngào với vua ma rằng :
- Ngươi đã tặng ta vòng anh lạc, rất quí, nay đáp lại, ta biếu ngươi vòng hoa này.
Ma ba tuần mừng lắm, đưa cổ nhận vòng hoa và tức thời, vòng hoa biến trở lại thành những thây chết thối tha. Ba tuần rất lấy làm ghê tởm, buồn bực, nhưng dùng hết thần lực của mình rồi mà vẫn không sao cởi ra được. Vua ma bay lên các cung trời cõi Dục cầu cứu với các vua trời, lại xin Phạm vương cứu giúp, nhưng các nơi này đều trả lời rằng :
- Đây là pháp do đệ tử của Phật biến hóa ra, chúng ta còn là phàm lậu, làm sao giải trừ được ?
Vua ma hỏi :
- Vậy làm sao đây ?
Vua Phạm đáp :
- Ngươi xin quy phục tôn giả thì sẽ gỡ ra được.
Và nói kệ như sau :
Nhược nhân địa đảo
Hoàn nhân địa khởi
Ly địa cầu khởi
Chung vô kỳ lý
Dịch :
Nếu nhân đất ngã
Phải nhờ đất dậy
Lìa đất muốn dậy
Trọn không lý này
Vua ma nghe lời chỉ dạy, rời khỏi cung trời, cúi lạy tôn giả tỏ lòng sám hối, trông rất thương tâm. Tôn giả hỏi :
- Từ nay trở đi, ngươi còn có lòng phá họai chánh pháp nữa chăng ?
Ba tuần đáp :
- Con xin thề quy y Phật pháp, vĩnh viễn không làm điều xấu.
Tôn giả dạy rằng :
- Nếu vậy, ngươi hãy tự nói lên rằng ngươi đã quy y tam bảo !
Vua ma chắp tay, xướng ba lần quy y tam bảo thì vòng hoa tức khắc biến mất. Vua ma vui mừng nhảy nhót, lễ tạ tôn giả, đồng thời nói bài kệ sau :
Khể thủ tam muội tôn
Thập phương thánh đệ tử
Ngã kim nguyện hồi hướng
Vật linh hữu liệt nhược.
Dịch :
Cúi lạy chánh định tột
Đệ tử Thánh mười phương
Nay con xin hồi hướng
Chớ còn tánh yếu hèn