- Bài Tựa Bằng Bạch Thọai
- Thích-ca Mâu-ni Văn Phật
- Sơ Tổ: Tôn Giả Ma-Ha Ca-Diếp
- Nhị Tổ: Tôn Giả A-Nan-Đà
- Tam Tổ: Tôn Giả Thương Na Hòa Tu
- Tổ thứ tư Tôn Giả Ưu-Bà-Cúc-Đa
- Tổ thứ năm: TÔN GIẢ ĐỀ-ĐA-CA
- Tổ thứ sáu: TÔN GIẢ DI-GIÀ-CA
- Tổ thứ bảy: TÔN GIẢ BÀ-TU-MẬT
- Tổ thứ 8: TÔN GIẢ PHẬT-ĐÀ-NAN-ĐỀ
- Tổ thứ chín: TÔN GIẢ PHỤC-ĐÀ-MẬT-ĐA
- Tổ thứ mười: HIẾP TÔN GIẢ
- Tổ thứ mười một: TÔN GIẢ PHÚ-NA-DẠ-XA
- Tổ thứ mười hai: ĐẠI SĨ MÃ MINH (Mahasattva Ashvagosha)
- Tổ thứ mười ba: TÔN GIẢ CA-TỲ-MA-LA (Kapimala)
- Tổ thứ mười bốn: BỒ-TÁT LONG THỌ (Nagarjuna)
- Tổ thứ 15: TÔN GIẢ CA-NA-ĐỀ-BÀ (Kanadeva)
- Tổ thứ 16: TÔN GIẢ LA-HẦU-ĐA-LA (RAHULATA)
- Tổ thứ mười bảy: TÔN GIẢ TĂNG GIÀ NAN ĐỀ (Sanghanandi)
- Tổ thứ 18: TÔN GIẢ GIÀ-DA-XÁ-ĐA (Gayasata)
- Tổ thứ mười chín: Tôn giả Cưu-Ma-La-Đa
- Tổ thứ hai mươi: Tôn giả Xà-Dạ-Đa
Tổ thứ năm: TÔN GIẢ ĐỀ-ĐA-CA
Tôn giả, Ma Ca Đà quốc nhân dã. Sanh thời, phụ mộng kim nhật chiếu diệu thiên địa. Trưởng ngộ Tứ tổ, cầu xuất gia. Tổ viết: “Nhữ thân xuất gia, tâm xuất gia da?” Đáp viết: “Ngã cầu xuất gia, phi vi thân tâm.” Tổ viết: “Bất vi thân tâm, thùy phúc xuất gia?” Đáp viết: “Phu xuất gia giả, vôngã ngã cố, tức tâm bất sanh diệt. Tâm bất sanh diệt, tức thị thường đạo, chư Phật diệc nhiên, Tâm vô hình tướng, kỳ thể diệc nhiên.” Tổ viết: “Nhữ đương đại ngộ, tâm tự linh thông.” Tức vi thế độ thọ cụ, phó dĩ Đại Pháp. Tôn giả đắc pháp dĩ, hành hóa chí Trung Ấn Độ, chuyển phó pháp dữ Di Già Ca. Nãi dũng thân hư không, tác thập bát biến, Hỏa Quang tam-muội, tự phần kỳ thân.
Tôn giả Đề-đa-ca (Dhirtaka) người nước Ma-già-đà (Magadha). Lúc sắp sinh Tôn giả, cha Ngài mộng thấy mặt trời vàng rực chiếu khắp nơi. Lớn lên, Tôn giả gặp Tổ thứ tư (Ưu-ba-cúc-đa), liền xin xuất gia. Tổ hỏi:
-Thân ông xuất gia hay tâm xuất gia?
Tôn giả thưa:
- Dạ! Con cầu xuất gia không phải vì thân tâm.
- Không vì thân tâm, vậy ai xuất gia?
- Phàm người xuất gia đâu có cái ngã của mình nên tâm không sinh diệt, tâm không sinh diệt thì đúng là thường đạo, chư Phật cũng thế, tâm không hình tướng, thể của nó cũng vậy.
Tổ bảo:
- Lúc ông đại ngộ tâm tự linh thông.
Tổ liền cho Tôn giả xuất gia, thọ giới Cụ túc và giao phó Đại Pháp. Sau khi đắc pháp, Tôn giả du hóa đến Trung Ấn và truyền pháp cho Di-già-ca. Sau đó, Tôn giả phóng mình lên hư không, hiện mười tám thần biến, rồi dùng hỏa quang tam-muội thiêu thân.
Bài tán:
Tâm phi sanh diệt
Dục ẩn di chương
Pháp phi thường đạo
Hảo nhục oan sang
Mộng trung thuyết mộng
Gia sửu ngoại dương
Hỏa Quang tam-muội
Tuyết thượng gia sương[1]
Dịch:
Tâm không sanh diệt
Muốn giấu càng tỏ
Đạo pháp phi thường
Thịt bất khoét ương
Trong mộng nói mộng
Nết xấu phô trương
Hỏa Quang tam-muội
Trên tuyết thêm sương
Kệ rằng:
Phụ mộng kim nhật Tổ giáng sanh
Bất mê bổn tánh mịch ly trần
Vô ngã xuất gia phi dị diệt
Hữu nguyện thoát tục đoạn khổ nhân
Dữ Phật vi lân tư tề Thánh
Đồng Sư hộ giáo chánh pháp hưng
Hỏa Quang tam-muội phần huyễn thể
Ma cung chấn động quỷ thần kinh[2]
Tuyên Hóa Thượng nhân tác
Dịch:
Mộng mặt trời vàng Tổ giáng thần
Linh căn bất muội quyết ly trần
Xuất gia vô ngã lìa sanh diệt
Nguyện ước đời tu dứt khổ nhân
Kết thân cùng Phật đồng như Thánh
Cùng Thầy hộ giáo chánh pháp hưng
Hỏa Quang tam-muội thiêu thân huyễn
Chấn động cung ma khiếp quỷ thần
(Tuyên Công Thượng Nhân)
Lại có kệ rằng:
Thế tục phiền não tam giới gia
Mộng uyển bào ảnh dữ không hoa
Thân tâm giải thoát ly phân biệt
Trường đoạn viên dung mẫn sát-na
Hà đảm Như Lai truyền đại nghiệp
Cao huyền Tổ ấn chiếu hôn ma
Lâm hành thị hiện Hỏa Quang định
Tự tại thần thông diệu vô nhai[3]
Dịch:
Phiền não thế tục tam giới gia
Mộng huyễn bóng nước và không hoa
Thân tâm giải thoát lìa phân biệt
Dài, ngắn, tròn đầy không khác xa
Gánh vác đại nghiệp, ngời Phật Tổ
Tổ ấn cao huyền chiếu muôn nhà
Lâm chung thị hiện lửa tam-muội
Thần thông tự tại không gì qua.
(Tuyên Công Thượng Nhân)
Giảng:
Tôn giả, Ma Ca Đà quốc nhân dã. Sanh thời, phụ mộng kim nhật chiếu diệu thiên địa: Tổ thứ năm là Tôn giả Đề-đa-ca, người nước Ma-già-đà. Lúc Ngài sắp chào đời, cha Ngài mộng thấy mặt trời vàng rực chiếu khắp nơi. (Chú 1)
Trưởng ngộ Tứ tổ, cầu xuất gia: Khi trưởng thành, Ngài gặp Tổ thứ tư - Tôn giả Ưu-ba-cúc-đa liền xin Tổ thứ tư xuất gia.
Tổ viết: “Nhữ thân xuất gia, tâm xuất gia da?”: Tổ thứ tư hỏi Ngài: “Ông muốn thân xuất gia hay là tâm xuất gia?”
Đáp viết: “Ngã cầu xuất gia, phi vi thân tâm”: Ngài đáp: “Thưa Ngài! Con xin xuất gia, không phải là thân xuất gia, không phải là tâm xuất gia và cũng không phải là thân tâm xuất gia”.
Tổ viết: “Bất vi thân tâm, thùy phúc xuất gia?”: Tổ thứ tư hỏi: “Ông không phải vì thân tâm xuất gia, không phải vì thân xuất gia, hay tâm xuất gia, vậy rốt cuộc ai xuất gia?”
Đáp viết: Ngài đáp: “Phu xuất gia giả: Thế nào gọi là xuất gia? Xuất gia có: xuất phiền não gia, xuất hồng trần gia, xuất sinh tử gia, xuất lao ngục gia, xuất tam giới gia. Người xuất gia, vô ngã ngã cố: Không có ngã, cũng không có một cái gì sở hữu của ngã; nếu không có ngã làm sao có thân và tâm? Tức tâm bất sanh diệt: Chính ở trong tâm cũng không sinh không diệt. Tâm bất sanh diệt, tức thị thường đạo: Tâm này không sinh cũng không diệt, đây chính là lý chân thường, một chân lý thường nhiên không thay đổi. Chư Phật diệc nhiên: Chư Phật cũng vậy, cũng là tâm không sinh, không diệt. Tâm vô hình tướng: Tâm này không có hình tướng, cũng không phải màu xanh, vàng, đỏ, trắng hay đen, cũng không phải là dài, ngắn, vuông, tròn. Kỳ thể diệc nhiên: Thể tính của tâm cũng vậy, cũng không có hình tướng”.
Tổ viết: “Nhữ đương đại ngộ, tâm tự linh thông.”: Tổ thứ tư nói: “Sau này ông đại ngộ sẽ hiểu được; lúc khai ngộ thì tâm rất sáng, tự nhiên ông sẽ thông suốt!”
Tức vi thế độ thọ cụ, phó dĩ Đại Pháp: Tổ thứ tư liền cho Ngài xuống tóc xuất gia và truyền thọ giới Cụ túc. Về sau, Tổ truyền Đại pháp Chánh Pháp Nhãn Tạng, Niết Bàn Diệu Tâm cho Ngài. (Chú 2)
Tôn giả đắc pháp dĩ, hành hóa chí Trung Ấn Độ, chuyển phó pháp dữ Di Già Ca: Sau khi đắc pháp, Tôn giả du hóa đến vùng Trung Ấn Độ và truyền pháp cho Tổ thứ sáu - Di-già-ca (Micchaka).
Nãi dũng thân hư không, tác thập bát biến, Hỏa Quang tam-muội, tự phần kỳ thân: Từ đất Ngài phóng mình lên hư không, hiện mười tám thứ thần biến. Mười tám thần biến: trên thân ra lửa, dưới thân ra nước, dưới thân ra lửa, trên thân ra nước, ở giữa hư không đứng, ngồi, nằm; lại hiện nhiều cảnh giới không thể nghĩ bàn, rồi nhập định Hỏa Quang, dùng lửa tam-muội thiêu thân mình.
Bài tán:
Tâm phi sanh diệt, Dục ẩn di chương: Tâm không sinh không diệt, nếu quý vị muốn che dấu thì nó càng hiện rõ. Ẩn “隱” là che dấu cái gì đó; di chương “彌彰” là càng lộ rõ ra ngoài.
Pháp phi thường đạo, Hảo nhục oan sang: Pháp này không có thường đạo nhất định. “Hảo nhục oan sang” “好肉剜瘡”, là ý nói ngay trên da thịt lành lặn mà lại tạo ra vết thương là điều không nên, bởi tự tính của chúng ta và Đức Phật là như nhau. Nếu miễn cưỡng tạo tác thì có khác gì trên da thịt lành lặn lại khoét thành vết thương.
Mộng trung thuyết mộng, Gia sửu ngoại dương: Chúng ta ở trong mộng lại nói mộng, giống như đem chuyện xấu trong nhà nói với người ngoài. Gia sửu “家醜” là nói chúng ta đều ở trong mộng mà lại nói mộng. Ở đây tất cả đều là hoa trong kính, trăng trong nước, không có gì chân thật. Những điều chúng ta nói ra đều không phù hợp với pháp.
Hỏa Quang tam-muội, Tuyết thượng gia sương: Nhập định Hỏa Quang này, giống như trên tuyết lại thêm sương.
Kệ rằng:
Phụ mộng kim nhật Tổ giáng sanh: Vào ngày Tổ ra đời, khi mà vị thân sinh nằm mộng thấy mặt trời màu vàng là lúc Ngài giáng thần. Ở đây, nói chung cũng theo bát quái. Bát quái của Trung Hoa, hơn một nữa do từ Ấn Độ truyền sang, người Ấn Độ phần đông cũng theo bát quái. Nằm mộng chính là nói về chỗ xuất xứ. Vì vậy, cha Ngài nói đêm qua mộng thấy mặt trời màu vàng, sau đó thì vị Tổ này ra đời.
Bất mê bổn tánh mịch ly trần: Bản tính Ngài không mê muội, nên tìm cách muốn xa lìa cõi hồng trần này.
Vô ngã xuất gia phi dị diệt: Xuất gia chính là vô ngã. Vô ngã là gì? Chính là nói người xuất gia không có tâm tham danh, lợi, tài, sắc. Tài, sắc, danh, thực, thùy này rõ ràng đều không có phần của ngã! Phi dị diệt “非異滅” xuất gia là phải học pháp môn bất sinh bất diệt này, “biết bản tâm mình, thấy bản tính mình” (thức tự bổn tâm, kiến tự bổn tánh)[4] để xa lìa pháp sinh diệt.
Hữu nguyện thoát tục đoạn khổ nhân: Xa xưa Ngài đã phát nguyện, muốn đồng chơn[5] xuất gia nhập đạo, đoạn trừ hết nhân khổ.
Dữ Phật vi lân tư tề Thánh: Ngài tu hành, tu hành là được gần gũi Đức Phật. Tư tề thánh “思齊聖” là Ngài muốn đồng thể với chư Phật, giống như chư Phật. Thánh cũng chính là chư Phật.
Đồng Sư hộ giáo chánh pháp hưng: Ngài như sư phụ Ngài-chính là Tổ thứ tư hộ trì Phật giáo, hoằng dương chính pháp, làm Chánh Pháp Nhãn Tạng Niết Bàn Diệu Tâm không đoạn diệt.
Hỏa Quang tam-muội phần huyễn thể: Đến lúc thị tịch, Ngài nhập tam-muội Hỏa Quang, dùng lửa ấy thiêu thân giả tạm này. Thân huyễn chính là thân tứ đại giả hợp huyễn hóa.
Ma cung chấn động quỷ thần kinh: Lúc ấy, các cung ma của thiên ma ngoại đạo đều chấn động, quỷ thần đều kinh sợ. Vì chúng biết lúc này trong thế giới có Thánh nhân chứng quả, cho nên khiếp sợ.
Lại có Kệ rằng:
Thế tục phiền não tam giới gia: Xuất gia chính là ra khỏi ba nhà: nhà thế tục, nhà phiền não, nhà Tam giới. Tam giới: là Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới.
Mộng uyển bào ảnh dữ không hoa: Con người chúng ta giống như mộng huyễn, bọt nước và hoa đốm giữa hư không.
Thân tâm giải thoát ly phân biệt: Nếu thân tâm quý vị đều đạt đến giải thoát thì không còn sự phân biệt.
Trường đoạn viên dung mẫn sát-na: Thế là trong khoảng sát-na cũng không có, cũng không có thời gian dài, cũng không có thời gian ngắn.
Hà đảm Như Lai truyền đại nghiệp: Ngũ Tổ gánh vác chính pháp của Như Lai và truyền thừa gia nghiệp vĩ đại này.
Cao huyền Tổ ấn chiếu hôn ma: Tâm ấn cao huyền này là của những Tổ sư trước. Chiếu hôn ma “照昏麻” là chiếu soi những chúng sinh mê muội say sưa mất lý trí.
Lâm hành thị hiện Hỏa Quang định: Lúc lâm chung, Ngài thị hiện tam-muội Hỏa Quang.
Tự tại thần thông diệu vô nhai: Tự tại và thần thông thâm diệu này không có giới hạn.
Thượng Nhân Tuyên Công giảng vào ngày 12, tháng11, năm1983.
----------------------------------
Chú 1: Cảnh Đức Truyền Đăng Lục ghi:
Tổ thứ năm là Tôn giả Đề-đa-ca, người nước Ma-già-đà (Magadha ở Trung Á). Lúc Ngài ra đời, cha Ngài mộng thấy mặt trời màu vàng từ trong nhà xuất hiện, chiếu sáng khắp nơi; phía trước lại có núi lớn trang hoàng bằng nhiều thứ báu, trên đỉnh núi có dòng suối vọt lên, chảy thành bốn dòng. Về sau, Ngài gặp Tổ Cúc-đa, Tổ giải thích cho Ngài: “Núi báu là thân ta; dòng suối vọt lên là pháp vô tận; mặt trời từ trong nhà xuất hiện nay là tướng ông nhập đạo; chiếu sáng khắp nơi là trí tuệ siêu việt của ông”. Tôn giả vốn có tên là Chúng Hương, vì có thay đổi này, Tôn giả mới có tên này. Tiếng Phạn: Đề-đa-ca (Dhirkata), dịch: Thông Chơn Lượng. Nghe Tổ nói xong, Đề-đa-ca vô cùng vui mừng, nói kệ:
Nguy nguy thất bảo sơn
Thường xuất trí tuệ tuyền
Hồi vi chân pháp vị
Năng độ chư hữu duyên[6]
Dịch:
Núi bảy báu nguy nguy
Thường hiện suối trí tuệ
Trở về chơn pháp vị
Độ những người có duyên
Tổ Cúc-đa cũng nói kệ:
Ngã pháp truyền ư nhữ
Đương hiện đại trí tuệ
Kim nhật tùng ốc xuất
Chiếu diệu ư thiên địa[7]
Dịch:
Pháp ta truyền cho ông
Sẽ hiện đại trí tuệ
Mặt trời vàng xuất hiện
Chiếu sáng rực khắp nơi
Nghe bài kệ vi diệu của Thầy, Đề-đa-ca đảnh lễ thọ trì.
Chú 2: Bài kệ truyền pháp của của Tứ Tổ phó chúc cho Ngũ Tổ thấy trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục và Chỉ Nguyệt Lục ghi:
Tâm tự bổn lai tâm
Bổn tâm phi hữu pháp
Hữu pháp hữu bổn tâm
Phi tâm phi bổn pháp[8]
Dịch:
Tâm từ tâm xưa nay
Bổn tâm không có pháp
Có pháp có bổn tâm
Không tâm không bản pháp.
[1]心非生滅 欲隱彌彰 法非常道 好肉剜瘡
夢中說夢 家醜外揚 火光三昧 雪上加霜
[2]父夢金日祖降生 不迷本性覓離塵
無我出家非異滅 有願脫俗斷苦因
與佛為鄰思齊聖 同師護教正法興
火光三昧焚幻體 魔宮震動鬼神驚
[3]世俗煩惱三界家 夢幻泡影與空花
身心解脫離分別 長短圓融泯剎那
荷擔如來傳大業 高懸祖印照昏麻
臨行示現火光定 自在神通妙無涯
[4] Hoằng Nhẫn đại sư nói với Huệ Năng đại sư rằng : “Bất thức bổn tâm, học pháp vô ích, nhược thức tự bổn tâm, kiến tự bổn tánh, tức danh trượng phu, thiên nhân sư, Phật”.
“Không biết được bổn tâm của mình thì học đạo cũng vô ích. Nếu biết được bổn tâm của mình, thấy được tự tánh của mình, ấy mới kêu là trượng phu, là thầy của trời người, là Phật”. (Phẩm Hành Do_Lục Tổ Đàn Kinh)
Lục Tổ: “Chúng ngươi hãy chú tâm nghe cho rõ. Những người mê muội đời sau nếu nhận thức được chúng sanh thì nhận thức được Phật tánh. Bằng chẳng nhận biết chúng sanh, thì muôn kiếp tìm Phật ắt khó gặp. Nay ta dạy các ngươi thế nào biết chúng sanh ở tâm mình, thấy Phật tánh ở tâm mình. Muốn cầu thấy Phật thì chỉ cần biết chúng sanh. Chỉ vì chúng sanh mê (không nhận thức được) Phật, chớ chẳng phải Phật mê (không nhận thức được) chúng sanh. Nếu tánh mình giác thì chúng sanh là Phật. Bằng tánh mình mê muội, thì Phật là chúng sanh. Tánh mình bình đẳng, thì chúng sanh là Phật. Tánh mình tà hiểm, thì Phật là chúng sanh. Nếu tâm chúng ngươi hiểm khúc tức là Phật ở trong chúng sanh. Một niệm bình đẳng, ngay thật, tức là chúng sanh thành Phật. Tâm ta tự có Phật, Phật ở tâm mình, mới thiệt là chơn Phật. Nếu tự mình không có tâm Phật, thì tìm chơn Phật ở nơi nào? Cái tự tâm của chúng ngươi là Phật, chớ khá hồ nghi.
Thực sự thì, ngoài cái tâm không có một vật gì tạo được, mà chính cái Bổn tâm sanh ra chủng chủng pháp. Cho nên Kinh nói: ‘Tâm sanh thì chủng chủng pháp đều sanh, tâm diệt thì chủng chủng pháp đều diệt.’
Nay ta để lại một bài kệ đặng từ biệt chúng ngươi. Bài kệ nầy gọi là ‘Tự Tánh Chơn Phật Kệ’ – Bài kệ nói về chơn Phật ở nơi tánh mình. Người đời sau biết được cái ý chỉ của bài kệ nầy, thì tự mình thấy Bổn tâm, tự mình thành Phật đạo.” (Phẩm Phó Chúc)
[5] Đồng chơn nghĩa là “non trẻ và trong sạch”, ý nói là xuất gia lúc còn bé, khi còn thanh tịnh, thuần khiết, vô tư.
[6]巍巍七寶山
常出智慧泉
迴為真法味
能度諸有緣
[7]我法傳於汝
當現大智慧
金日從屋出
照耀於天地
[8]心自本來心
本心非有法
有法有本心
非心非本法