Tổ thứ bảy: TÔN GIẢ BÀ-TU-MẬT

23 Tháng Bảy 201416:36(Xem: 4415)
PHẬT TỔ ĐẠO ẢNH
Hư Vân Lão Hòa Thượng kết tập
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng thuật

Tổ thứ bảy: TÔN GIẢ BÀ-TU-MẬT

Tổ thứ bảyTôn giả, bắc Thiên Trúc quốc nhân dã. Nhân Lục Tổ du hóa, kiến tôn giả thủ trì tửu khí, nghịch nhi vấn viết : ‘Sư hà phương lai ? Dục vãng hà sở ?’ Tổ viết : ‘Tòng tự tâm kai, dục vãng vô xứ.’ Tôn giả viết : ‘Thức ngã thủ trung vật phủ?’ Tổ viết : ‘Thử thị xúc khí, nhi phụ tịnh giả.’ Tôn giả viết : ‘Sư thức ngã phủ ?’ Tổ viết : ‘Ngã tức bất thức, thức tức phi ngã.’ Hậu vị phi thế viên giới, phó dĩ đại pháp. Tôn giả đắc pháp dĩ, hành hóa chí Ca-Ma-La quốc, quảng hưng Phật sự. Hậu phó pháp ư Phật-Đà-Nan-Đề, tức nhập Từ tâm tam muội. Phục khởi, thị chúng viết : ‘Ngã sở đắc pháp, nhi phi hữu cố. Nhược thức Phật địa, ly hữu vô cố.’ Ngữ dĩ, hoàn nhập tam muội, thị Niết-bàn.

 

Dịch :

Tôn giả là người miền bắc xứ Thiên Trúc. Khi Tổ thứ 6 du hóa tới, trông thấy tôn giả trong tay cầm một bình dùng để đựng rượu, đi đến chỗ Tổ hỏi rằng : ‘Sư từ ở đâu lại ? Sẽ đi đến đâu ?’ Tổ đáp : ‘Từ tâm đến, chẳng đi đến nơi nào.’ Tôn giả hỏi : ‘Sư có biết vật tôi cầm trong tay là cái gì không ?’ Tổ đáp : ‘Đây là đồ dùng dơ dáy, nhưng nó chứa đồ thanh tịnh.’ Tôn giả hỏi : ‘Sư có biết tôi không ?’ Tổ nói : ‘Ta thì không biết ngươi, nếu biết thì chẳng phải ta.’ Sau đó Tổ cho tôn giả cạo tóc và thọ đầy đủ giới pháp cùng truyền lại Đại Pháp cho tôn giả. Nhận lãnh pháp xong, tôn giả đi giáo hóa đến nước Ca-Ma-La làm cho Phật giáo được hưng thịnh. Về sau, tôn giả truyền pháp cho Phật-Đà-Nan-Đề, vào định Từ tâm, rồi ra định, nói trước đại chúng : ‘Pháp ta đã được, chẳng phải là cái có. Nếu muốn biết chỗ của Phật thì phải lìa có và không.’ Nói xong, tôn giả lại vào định rồi nhập Niết-bàn.  

 

Tán viết :

Vân trình tường thụy

Kim sắc hoảng hoa

Thủ trì xúc khí

Quy nguyên lộ trực

Hiện từ tâm tướng

Giao bồn niêm xuất

Thuyết pháp thị chúng

Hồ bính áp trấp.[1]

 

Dịch : 

Mây bầy điềm lành

Vàng ối sáng chói

Tay cầm bình rượu

Về nguồn đường ngay

Hiện tướng từ tâm

Trong chậu lấy ra

Nói pháp thị chúng

Hút ngọt trong bánh

 

Hoặc thuyết kệ viết : 

Bắc Thiên Trúc quốc sanh thánh nhân

Thủ trì xúc khí vấn tiền nhân

Tòng tự tánh lai vô sở khứ

Thức tức phi ngã hữu hà nhân

Từ tâm chánh định thính khứ nhập

Bi quang biến chiếu mãn càn khôn

Kim sắc liên hoa tiếp học giả

Ma ha bát nhã bí linh văn.[2]

 

Tuyên Hóa Thượng Nhân tác, nhất cửu thất thất niên thập nhị nguyệt thập tứ nhật.

 

Dịch : 

Bắc-Ấn nẩy sinh một thánh nhân

Tay cầm bình rượu hỏi tiền thân

Lại từ tự tánh, không nơi đến

Biết chẳng là ta, hỏi biết ai ?

Chánh định tâm từ luôn xuất nhập

Tâm bi rạng chiếu khắp càn khôn

Sen vàng tiếp nối truyền tâm ấn

Pháp bí anh linh trí huệ chân

 

Thượng Nhân Tuyên Hóa trước tác ngày 14 tháng 12 năm 1977

 

Bài Giảng 

(Bài sau đây do đệ tử của Thượng Nhân thảo ra để thay thế bổn gốc đã bị thất lạc)

 

Tôn giả, bắc Thiên Trúc quốc nhân dã : Tổ thứ 7 là Bà-Tu-Mật, vốn người miền bắc xứ Thiên TrúcThường ngày mỗi khi đi ra ngoài, ngài ăn mặc sạch sẽ, tay cầm bình rượu, có khi miệng ngâm nga, có khi kêu hú, mọi người thường cho là điên khùng.  

Nhân Lục Tổ du hóa, kiến tôn giả thủ trì tửu khí : Nguyên vị tổ thứ 6 là Di-Già-Ca, người miền trung xứ Ấn, sau khi được pháp rồi đi du hóa khắp mọi nơi độ các chúng sanh. Một hôm, tới Bắc-Ấn, Tổ chợt ngước thấy một vầng mây mầu vàng ối, phủ trên mép bờ tránh tên đạn của bức tường thành, bèn thốt ra lời tán thán : ‘Đây là vượng khí về đạo, chắc chắn ở đây có thánh nhân, có thể nối pháp của ta được !’ Nghĩ như vậy, Tổ bèn đi vào thành thì gặp tôn giả đang đi trên đường, trong tay cầm một bình rượu.

Tôn giả Bà-Tu-Mật thấy Tổ liền đi tới. . . 

Nghịch nhi vấn viết : ‘Sư hà phương lai ? Dục vãng hà sở ?’ : Tôn giả hỏi Tổ : ‘Sư phụ từ đâu mà tới đây ? Rồi tính đi tới địa phương nào vậy ?’ 

Tổ viết : ‘Tòng tự tâm lai, dục vãng vô xứ.’ : Tổ đáp : ‘Từ tự tánh mà lại đây, chẳng tới một nơi nào.’ 

Tôn giả viết : ‘Thức ngã thủ trung vật phủ?’ : Sư phụ biết vật gì ở trong tay tôi không ? 

Tổ viết : ‘Thử thị xúc khí, nhi phụ tịnh giả.’ : Tổ nói ‘Đây là đồ đựng các loại dơ dáy, vậy mà trong đó nó chứa vật thanh tịnh.’  

Tôn giả viết : ‘Sư thức ngã phủ ?’ : Tôn giả hỏi : ‘Sư phụ biết tôi chăng ?’ 

Tổ viết : ‘Ngã tức bất thức, thức tức phi ngã.’ : Tổ đáp : ‘Ta chẳng biết ngươi đâu ! Nếu nhận ra ngươi thì đó chẳng phải là ta !’ Tổ lại nói : ‘Ngươi hãy nói tên họ ra, ta sẽ chỉ cho biết nhân duyên đời trước của ngươi.’ Tôn giả Bà-Tu-Mật trả lời : ‘Từ vô lượng kiếp đến ngày tôi sanh tại nước này, dòng họ của tôi là Phả-La-Đọa và tên tôi là Bà-Tu-Mật.’

Tổ thứ 6 đáp : ‘Thầy của ta là Đề-Đa-Ca từng cho ta hay rằng : Đức Phật năm xưa khi đi du hóa tới miền bắc Ấn có nói cho tôn giả A-Nan biết là tại đây sẽ có thánh nhân ra đời, họ là Phả-La-Đọa, tên là Bà-Tu-Mật, sau làm Tổ đời thứ 7. Ngươi thấy chăng ? Đức Thế Tôn đã từng thọ ký cho ngươi, vậy ngươi nên xuất gia đi.’ Nghe xong, tôn giả bỏ ngay bình rượu xuống đảnh lễ Tổ, đứng sang bên cạnh và nói rằng : ‘Con hồi tưởng tới vô lượng kiếp xưa con là một thí chủ đã từng cúng dường vị Phật thời ấy một cỗ pháp tọa quý rồi vị Phật đó thọ ký cho con rằng sau này con sẽ tuyên dương truyền bá thánh giáo trong thời Hiền kiếp của đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni. Điều này hoàn toàn giống lời sư phụ nói, nay con xin sư phụ giúp con thoát vòng sanh tử.’ 

Hậu vi phi thế viên giới, phó dĩ đại pháp : Tổ liền cho tôn giả cạo tóc xuất gia, thọ giới Cụ túc, rồi lại đem pháp tâm ấn truyền cho tôn giả, cùng lời phó chúc giữ gìn chánh pháp với bài kệ truyền pháp như sau : 

Vô tâm vô khả đắc

Thuyết đắc bất danh pháp

Nhược liễu tâm phi tâm

Thủy liễu tâm tâm pháp[3] 

Dịch : 

Không tâm không thể được

Nói được chẳng gọi pháp

Nếu rõ tâm chẳng tâm

Mới rõ tâm tâm pháp

 

Tôn giả đắc pháp dĩ, hành hóa chí Ca-Ma-La quốc, quảng hưng Phật sự. Hậu phó pháp ư Phật-Đà-Nan-Đề : Sau khi được pháp, tôn giả đi giáo hóa tới nước Ca-Ma-La (Kamala), nơi nào Phật sự cũng rất hưng thịnh. Ở nơi đây, tôn giả truyền pháp tâm ấn lại cho tổ Phật-Đà-Nan-Đề (Buddhanandi). 

Tức nhập từ tâm tam muội. Phục khởi, thị chúng viết : Khi Tổ thứ 8 đã được ấn chứng, tôn giả vào định Từ tâm, rồi lại ra định nói với đại chúng : 

Ngã sở đắc pháp, nhi phi hữu cố. Nhược thức Phật địa, ly hữu vô cố.’ : Pháp ta đạt được chẳng phải đó là cái “có”, chẳng phải là có cái gì được. Nếu muốn biết cảnh giới của Phật thì phải lìa cả cái “có” và cái “không”, cũng là nghĩa chẳng “có” mà chẳng “không”. 

Ngữ dĩ, hoàn nhập tam muội, thị Niết-bàn : Tôn giả Bà-Tu-Mật nói xong, lại trở vào định và viên tịch. 

 

Bài Tán : 

Vân trình tường thụy, kim sắc hoảng hoa : Vầng mây kết thành điềm lành, ánh sáng chiếu soi rạng rỡ cả bầu trời. 

Thủ trì xúc khí, quy nguyên lộ trực : Tay tôn giả cầm bình rượu ; thái độ này cũng là tượng trưng cho một pháp. Con đường thẳng dẫn về nguồn, ý nói đi thẳng về nhà của mình, đã nhận ra bổn lai diện mục của mình, không còn mê lầm nữa. 

Hiện từ tâm tướng, giao bồn niêm xuất : Tôn giả vào trong định Từ tâm, thị hiện tướng từ tâm giống như người ta lấy đồ từ trong chậu ra. 

Thuyết pháp thị chúng, hồ bính áp trấp : Thuyết pháp khai thị cho đại chúng giống như hút chất đường mật trong cái bánh ngọt. 

 

Bài Kệ : 

Bắc Thiên Trúc quốc sanh thánh nhân : Một vị thánh ra đời ở miền Bắc-Ấn, đó là tôn giả Bà-Tu-Mật, vị tổ sư thứ bảy thiền tông. 

Thủ trì xúc khí vấn tiền nhân : Vị đó tay cầm bình rượu đến trước Tổ thứ 6 gạn hỏi về các nhân duyên đời trước. 

Tòng tự tánh lai vô sở khứ : Tổ thứ 6 nói : ‘Ta từ tự tánh mà lại đây, chẳng đi tới một nơi nào.’

Thức tức phi ngã hữu hà nhân ?: Nhận ra ngươi thì là ai đó, chẳng phải ta. Ai vậy ? Ý ở đây muốn bảo : “hãy đi mà gặp !”. 

Từ tâm chánh định thính khứ nhập : Tôn giả Ba-Tu-Mật vào định Từ tâm. Vào định hay ra định là chuyện bình thường. 

Bi quang biến chiếu mãn càn khôn : Ánh sáng từ bi của tôn giả chiếu sáng khắp trời đất. 

Kim sắc liên hoa tiếp học giả : Nhớ lúc xưa, tại hội Linh sơn, Phật cầm bông sen vàng nhìn đại chúng. Khi ấy mọi người lặng im, duy chỉ có một mình Kim Sắc Đầu Đà – đây chỉ tôn giả Ca-Diếp – mặt rạng lên mỉm cười. Phật bèn truyền Chánh Pháp Nhãn Tạng cho tôn giả Ca-Diếp, sau tôn giả lại truyền Chánh Pháp Nhãn Tạng cho tổ thứ 2 là tôn giả A-Nan và từ đó pháp nhãn lưu truyền đời nọ qua đời kia để tiếp dẫn các vị hậu học. 

Ma ha bát nhã bí linh văn : Pháp môn lấy tâm ấn tâm, bí ẩn không hiển bày là một pháp môn đại trí huệ, là anh linh của vũ trụ, chính khí của trời đất, mầu nhiệm vô cùng !


[1]雲呈祥瑞 金色晃燁 手持觸器 歸源路直
現慈心相 膠盆拈出 說法示眾 胡餅呷汁

[2]北天竺國生聖人 手持觸器問前因
從自性來無所去 識即非我有何人
慈心正定聽去入 悲光遍照滿乾坤
金色蓮華接學者 摩訶般若t靈文

[3]無心無可得

 說得不名法
若了心非心

 始了心心法

 



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Sáu 2015(Xem: 7272)
Đây là bài nhận định tổng hợp của giáo sư Heinz Bechert, tóm tắt 21 bài viết đăng trong tuyển tập When Did the Buddha Live? được chính giáo sư làm tổng biên tập. Bài tóm tắt vô cùng công phu này đã đặt lại các vấn đề biên niên sử Tích Lan, Ấn Độ và các nước Phật giáo có liên hệ về cách tính niên đại của đức Phật.
07 Tháng Sáu 2015(Xem: 7113)
Mặc dù đã 2500 năm trôi qua, nhờ có Đức Phật, chúng ta đã hưởng được nhiều phước lợi qua sự cao cả, cùng sự vĩ đại của ngài về lòng từ bi, sự trí tuệ, và lòng trong sạch. Chúng ta còn đợi chờ thêm điều gì nữa?
01 Tháng Sáu 2015(Xem: 6708)
Bất cứ một tư tưởng triết học nào cũng đều chịu ảnh hưởng của bối cảnh xã hội, của nền văn hoá và của những tư tưởng triết học khác. Từ đó, tư tưởng của một triết gia có khi chịu ảnh hưởng của những người đi trước hoặc đương thời mà phát triển và quảng diễn thêm, nhưng cũng có khi phản kháng lại, hoặc phê bình để đi đến chỗ toàn thiện, hoặc để bênh vực cho tư tưởng của mình.
26 Tháng Năm 2015(Xem: 5404)
Con người sống qui tụ lại thành một xã hội, và phát triển tập thể này rộng lớn dần dần thành một quốc gia. Mỗi cá nhân trong tập thể đó không thể tự sống riêng mà cũng không thể có tự do hoàn toàn để muốn làm gì thì làm. Cá nhân trong tập thể phải tuân theo một số qui luật mà tập thể đưa ra để lấy nó làm tiêu chuẩn hướng dẩn đời sống của mình, và chính những tiêu chuẩn sống này sẽ giúp cá nhân hòa hợp được giữa cá nhân mình với người khác sống trong cùng một xã hội.
22 Tháng Năm 2015(Xem: 8243)
Có nhiều bằng chứng cho thấy Phật giáo được du nhập một cách hài hoà vào Việt Nam rất sớm, nhất là từ cuối thế kỷ thứ II đến đầu thế kỷ thứ III Tây Lịch qua hai ngả giao thương với các nhà buôn Ấn Độ bằng đường thủy và giao lưu văn hoá với Trung Hoa bằng đường bộ.
01 Tháng Giêng 2015(Xem: 6743)
Sự khởi nguyên của Phật giáo Đại Thừa (Mahāyāna Buddhism) bị bao phủ trong bức màng quá khứ xa xôi, mãi ẩn khuất trong những tài liệu khảo cổ và những áng văn chương đã bị thất lạc. Nhiều nhà nghiên cứu Phật giáo vẫn duy trì quan điểm rằng Phật giáo Đại Thừa bắt nguồn từ Đại Chúng Bộ (Mahāsāṁghika School).
07 Tháng Mười Một 2014(Xem: 14325)
Biểu đồ I.1: Thiền tông Ấn Độ Biểu đồ I.2: Thiền Ấn Độ Đến Trung Quốc Biểu đồ I.3: Thiền Trung Quốc – Huệ Năng và Môn Đệ Biểu đồ II.1: Dòng Mã Tổ Biểu đồ II.2: Dòng Mã Tổ Biểu đồ III.1: Tông Tào Động Biểu đồ IV.1: Tông Lâm Tế Biểu đồ IV.3: Dòng Lâm Tế – Viên Ngộ Biểu đồ V: Tông Vân Môn & Pháp Nhãn