Tổ thứ mười hai: ĐẠI SĨ MÃ MINH (Mahasattva Ashvagosha)

23 Tháng Bảy 201416:55(Xem: 3860)
PHẬT TỔ ĐẠO ẢNH
Hư Vân Lão Hòa Thượng kết tập
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng thuật

Tổ thứ mười hai: ĐẠI SĨ MÃ MINH (Mahasattva Ashvagosha)

 

Tổ thứ mười haiĐại sĩ, Ba-la-nại quốc nhân. Yết thập nhất tổ, vấn viết: “Ngã dục thức Phật, hà giả tức thị?” Tổ viết: “Nhữ dục thức Phật, bất thức giả thị.” Đáp viết: “Phật ký bất thức, yên tri thị hồ?” Tổ viết: “Ký bất thức Phật, yên tri bất thị?” Đại sĩ khoát nhiên tỉnh ngộ. Tổ vi thế độ, nãi viết: “Thử nhân tích vi Tỳ-xá-lợi quốc vương, vận kỳ thần lực, phân thân vi tàm, quốc nhân đắc y. Hậu sinh trung Ấn Độ, mã nhân bi luyến, nhân hiệu Mã Minh. Như Lai ký viết: ‘Ngô diệt hậu lục bách niên, đương hữu hiền giả, độ nhân vô lượng, kế ngô truyền hóa’. Kim chính thị thời.” Toại phó dĩ Pháp. Hậu đắc Ca-tỳ-ma-la, tức nhập Long phấn tấn tam muội, đĩnh thân không trung, như nhật luân tướng, nhiên hậu thị diệt.

Dịch :

 

Sư người nước Ba-la-nại, khi yết kiến Tổ thứ mười một (Phú-na-dạ-xa), sư hỏi:

- Con muốn biết Phật, cái gì là Phật?

 Tổ đáp:

- Ông muốn biết Phật, không biết là đúng.

Sư thưa:

- Đã không biết Phật, sao biết là đúng?

Tổ bảo:

- Đã không biết Phật, sao biết chẳng phải Phật?

Sư hoát nhiên đại ngộ, Tổ liền cho sư xuống tóc, rồi bảo:

- Người này, xưa kia là vua nước Tỳ-xá-lợi, đã vận thần lực phân thân làm nhiều tằm, nên người nước ấy có đủ áo mặc. Sau đó, Sư sinh vào Trung Ấn Độ, lúc đó những người có kiếp sống như ngựa đều quyến luyến, nên Sư có hiệu là Mã Minh. Trước đây Đức Phật huyền ký rằng: “Sau khi Ta diệt độ 600 năm sẽ có bậc Thánh độ vô lượng người, tiếp nối Ta truyền đạo giáo hóa, nay đã đúng thời.”

Tổ liền phó Pháp cho sư. Về sau, Sư gặp Ca-tỳ-ma-la (Kapimala) và truyền pháp cho vị này. Truyền pháp xong, Sư liền nhập tam-muội Long phấn-tấn, rồi vút mình lên không trung như tướng mặt trời, sau đó thị tịch.

 

 

Tán viết :

Túc vận thần lực 

Dữ lỏa giả y 

Hà giả thị Phật

Như thái tác tê

Nhẫm ma ngộ khứ 

Chánh Nhãn nan khuy 

Viễn thọ ký biệt (莂)

Tài nhãn thượng my[1]

 

Dịch :

Xưa vận thần lực

Cho áo người trần

Người nào là Phật

Như rau làm dưa

Làm sao biết được

Chánh Nhãn khó tầm

Xưa đã thọ ký

Mắt ở trên mày.

 

Hoặc thuyết kệ viết :

Dũng mãnh tinh tấn tu thiện căn 

Vô lượng kiếp lai độ chúng sinh

Hóa tàm thổ ti Bồ tát nguyện 

Nhược mã bi minh Tổ sư phong

Truyền Phật tâm ấn hoằng Đại thừa 

Tục thánh minh đăng diễn viên tông

Tây thiên Đông độ tề chiêm ngưỡng 

Hư không pháp giới nhật đương trung[2]

 (Tuyên Hóa Thượng Nhân tác)

 

 

Dịch :

Dũng mãnh siêng năng tu pháp lành

Từ vô lượng kiếp độ quần sanh

Hóa tằm nhả sợi nguyện Bồ-tát

Ngựa hý bi thương Tổ tái sanh

Truyền tâm ấn Phật hoằng chánh pháp

Khơi đèn tuệ sáng diễn tông thành

Tây Thiên, Đông Độ đều chiêm ngưỡng

Mặt nhật không trung hiện rõ rành.

(Tuyên Hóa Thượng Nhân)

 

 

Giảng:

Đại sĩ, Ba-la-nại quốc nhân: Tổ thứ mười hai- Đại sĩ Mã Minh là người nước Ba-la-nại. Yết thập nhất tổ, vấn viết: “Ngã dục thức Phật, hà giả tức thị?”: Sư đến đảnh lễ Tổ thứ mười một, rồi thưa: “Con muốn biết Phật, cái gì là Phật?

Tổ viết: “Nhữ dục thức Phật, bất thức giả thị”: Tổ thứ mười một nói: “Nếu ông muốn biết Phật, thì không biết là đúng”. Vì ông không biết! Mà ông muốn biết Phật, đủ thấy ông chưa biết gì! Vì vậy, Tổ nói ông muốn biết Phật, thì không biết chính là Phật! 

Đáp viết: “Phật ký bất thức, yên tri thị hồ?”: Bồ- tát Mã Minh thưa: “Đã không biết Phật, làm sao biết đó là Phật?”

Tổ viết: “Ký bất thức Phật, yên tri bất thị?”: Tổ thứ mười một nói: “Đã không biết Phật, làm sao biết đó là chẳng phải Phật?. Đây là cơ phong chuyển ngữ[3]. Hai bên qua lại tranh biện, nhằm vào ý nghĩa rằng đã giả thiết không biết Phật thì làm sao mà biết được không phải là Phật?

Đại sĩ khoát nhiên tỉnh ngộ. Tổ vi thế độ, nãi viết: Đại sĩ đây chỉ Bồ-tát Mã Minh; khoát nhiên nghĩa là bừng sáng, thông suốt; tỉnh ngộ là tỉnh táo không mê muội. Do vậy, Tổ thứ mười cho Ngài xuống tóc và nói cho nghe về nhân duyên quá khứ của Ngài.

Thử nhân tích vi Tỳ-xá-lợi quốc vương, vận kỳ thần lực, phân thân vi tàm, quốc nhân đắc y: Tổ bảo rằng vị này trước đây là vua nước Tỳ-xá-lợi.

Nguyên trong nước này có ba hạng người:

- Bậc thượng: thân họ có ánh sáng; áo quần, cơm nước tự nhiên xuất hiện theo ý muốn.

- Bậc trung: thân họ không có ánh sáng; áo quần, cơm nước phải kiếm ra mới có.

- Bậc thấp hèn nhất: họ không có cơm ăn áo mặc, trần truồng như ngựa. Vì thế, nhà vua thương xót hạng người này, dùng nguyện lực thần thông biến hóa thân mình thành rất nhiều tằm; tằm nhã tơ vô số, nên mọi người đều có áo mặc. Hậu sinh trung Ấn Độ, mã nhân bi luyến, nhân hiệu Mã Minh: Nhờ công đức này, nên Ngài được sinh vào nước Trung Ấn Độ. Lúc Ngài xa nước Tỳ-xá-lợi, những người mang kiếp sống như ngựa, vốn thọ ân đức của Ngài, cảm thấy trong lòng vô cùng luyến tiếc nên họ phát lên tiếng kêu bi thương, bởi vậy mà Ngài có tên hiệu là Mã Minh (chú 1). Đại khái cũng có thể là Ngài thường kêu lên như ngựa khóc, điều đó nhằm giáo hóa chúng sanh thuộc loài ngựa, từ đó mà có tên là Bồ-tát Mã Minh. Thật ra, nguyên ủy của danh hiệu đó là thế này hay thế kia, điều đó không quan trọng, nghe ra nó hợp lý là đủ rồi. 

Như Lai ký viết: ‘Ngô diệt hậu lục bách niên, đương hữu hiền giả, độ nhân vô lượng, kế ngô truyền hóa’: Trước đây Đức Phật đã từng thọ ký: “Sau khi Ta diệt độ sáu trăm năm, sẽ có bậc Thánh nhân xuất hiện ở đời, độ rất nhiều người. Ngài chính là người được truyền trao tâm ấn của Đức Phật”.

Kim chính thị thời, toại phó dĩ Pháp: Nay, chính là đúng thời điểm, Tổ nói vậy, rồi sau đó truyền pháp tâm ấn cho Ngài. (chú 2)

Hậu đắc Ca-tỳ-ma-la, tức nhập Long phấn tấn tam muội, đĩnh thân không trung, như nhật luân tướng, nhiên hậu thị diệt.: Về sau Bồ-tát Mã Minh lại truyền pháp cho tôn giả Ca-tỳ-ma-la (Kapimala). Truyền pháp xong, Sư liền nhập định tam-muội long phấn tấn, vút mình lên không trung như mặt trời mọc, rồi viên tịch, nhập Niết-bàn.

 

Bài tán:

Túc vận thần lực, Dữ lỏa giả y: Trước kia, lúc Bồ-tát Mã Minh làm vua, Ngài vận dụng thần lực, cung cấp y phục cho người không có y phục.

 Hà giả thị Phật, Như thái tác tê: Cái gì là Phật? cũng giống như lấy rau làm dưa.

Nhẫm ma ngộ khứ, Chánh Nhãn nan khuy: Thế nào mới có thể khai ngộ? Ông không dễ gì nhìn thấy được.

Viễn thọ ký biệt, Tài nhãn thượng my: Trước đây Đức Phật đã thọ ký, đặt con mắt trên lông mày. Quý vị thử nói! Ở đây nói lên điều gì? 

 

Bài k:

Dũng mãnh tinh tấn tu thiện căn: Các vị Bồ-tát đều tu căn lành, các vị Tổ cũng như vậy.

Từ vô lượng kiếp độ quần sanh: Vô lượng kiếp Sư vừa tu tập căn lành, vừa cứu độ chúng sinh.

Vô lượng kiếp lai độ chúng sinh: Ngài biến hóa thành rất nhiều tằm, tằm nhã tơ, cho con người làm áo quần mặc. Đó là phát nguyện của Bồ- tát.

Nhược mã bi minh Tổ sư phong: Sư học tiếng ngựa hý để cảm hóa chúng sinh, giúp chúng sinh tỉnh ngộ, đó là phong cách của Bồ-tát Mã Minh.

Truyền Phật tâm ấn hoằng Đại thừa: Sư truyền trao tâm ấn của Phật và hoằng dương pháp môn Đại thừa.

Tục thánh minh đăng diễn viên tông: Sư tiếp nối đèn sáng của bậc thánh nhân và giảng giải tông chỉ vi diệu này.

Tây thiên Đông độ tề chiêm ngưỡng: Không luận phương Đông hay phương Tây, mọi người đều ngưỡng vọng Sư. Chữ độ “土”này nên viết thêm một chấm, đọc là độ “度”.

Hư không pháp giới nhật đương trung: Trong pháp giới hư không, Bồ-tát Mã Minh như mặt trời giữa hư không.

Tôi không biết tự lượng sức mình, cuối cùng đã giảng kinh xong, giảng đến truyện của các Tổ Sư, lại còn giảng những kệ tụng chẳng hay gì của tôi nữa. Quý vị nghe cũng vất vả lắm, nhưng tôi cũng vất vả như vậy. Chúng ta chịu khó như vậy là nên, hay làm biếng là tốt? Lười biếng quá thì chẳng hay ho gì! Đã là người tu hành thì phải hết sức tinh tấn, từng giờ, từng khắc, cho nên đối với chúng ta hôm nay, câu đầu tiên phải là câu “dũng mãnh tinh tấn”. Bất luận ai, người nào mà dũng mãnh tinh tấn, thì người đó xứng đáng là đệ tử của Đức Phật.

(Tuyên Công Thượng Nhân giảng ngày 10, tháng 5, năm 1978)

 

--------------------------------------------------

Chú 1: Có một thuyết khác nói tới nguyên ủy về danh hiệu của Bồ-tát Mã Minh. Toàn bộ văn bản đó ghi trong tập “Mã Minh Bồ-Tát Truyện”do ngài Cưu-ma-la-thập dịch, nay xin lược thuật như sau:

Lúc đầu, Bồ-tát Mã Minh ở Trung Thiên Trúc, xuất gia làm sa-môn ngoại đạo. Ngài thông minh, biện tài, tinh thông luận nghĩa… Khi trưởng lão Hiếp tôn giả gặp Ngài ở Bắc Thiên Trúc, biết Ngài là người có thể hóa độ, vì vậy Tổ hóa độ Ngài làm đệ tử.

Về sau, Ngài hoằng dương Phật pháp ở Trung Thiên Trúc, bốn chúng đều kính trọng bội phục. Sau này, nước Tiểu Nhục Chi ở Bắc Thiên Trúc tấn công và bao vây Trung Thiên Trúc. Vua nước Trung Thiên Trúc phái sứ giả cầu hòa, đối phương yêu cầu dâng ba ức vàng ròng mới rút binh và ngừng chiến sự. Vua nói: “Nước ta ngay cả một ức vàng ròng cũng không có, lấy đâu ra ba ức chứ?” Đối phương trả lời: “Nước Ngài có hai bảo bối lớn, đó là bình bát của Đức Phật và Tỳ-kheo giỏi biện tài (tức chỉ Bồ-tát Mã Minh). Nếu Đại vương dâng cho chúng tôi hai thứ đó thì đã bằng hai ức vàng ròng rồi”. Vua thấy không thể nào trao cho đối phương hai bảo bối này được, nhưng do Tỳ-kheo Mã Minh nói rõ đại nghĩa cho vua nghe, nên vua đành nhận lời. 

Lúc vua Nhục Chi về đến nước mình, các đại thần tâu: “Tâu Đại vương! Đại vương thỉnh bình bát của Đức Phật về thì quả là thích đáng, còn như Tỳ-kheo thì khắp thiên hạ đều có, nay vị này lại đánh giá bằng cả một ức vàng ròng, thì chẳng phải là một sự quá đáng hay sao?” 

Thật ra vua nước Nhục Chi vốn biết rõ vị Tỳ-kheo này tài trí cao minh tuyệt vời, có biện tài thuyết pháp cảm ứng đến cả các loài chúng sinh khác. Bởi vậy vua thỉnh Tỳ-kheo thuyết pháp, ai nấy nghe thảy đều được khai ngộ. Trong lúc ấy, nhà vua cho người cột bảy con ngựa đói ngay trước hội trường, sai mang cỏ đến cho chúng ăn, vậy mà tất cả mấy con đó đều nhỏ nước mắt, chẳng một con nào thèm ăn cỏ. Từ đó mọi người mới hay vị này chẳng phải là một Tỳ-kheo bình thường, vì ngay cả ngựa cũng hiểu được âm thanh thuyết pháp của Ngài, nên gọi Ngài là Bồ-tát Mã Minh.

Chú 2: Kệ truyền pháp của Tổ thứ mười một phó chúc cho Tổ thứ mười hai thấy trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục và Chỉ Nguyệt Lục ghi:

Mê ngộ như ẩn hiển 

Minh ám bất tương ly

Kim phó ẩn hiển pháp 

Phi nhất diệc phi nhị[4]

Dịch:

Mê ngộ như ẩn hiện

Sáng tối không lìa nhau

Nay phó pháp ẩn hiện

Không phải một chẳng hai.


[1]宿運神力 與裸者衣 何者是佛 如菜作齏 
恁麼悟去 正眼難窺 遠受記莂 栽眼上眉

[2]勇猛精進修善根 無量劫來度眾生
化蠶吐絲菩薩願 若馬悲鳴祖師風
傳佛心印弘大乘 續聖明燈演圓宗
西天東土齊瞻仰 虛空法界日當中

[3] Chuyển ngữ 轉語: lời lẽ sắc bén tùy cơ nghi mà chuyển biến một cách tự do tự tại. Lúc thiền giả mê lầm không hiểu, tiến thoái lưỡng nan, vị sư gia tức thì xoay chuyển cơ phong hạ ngay chuyển ngữ để giúp hành giả khai ngộ.

[4]迷悟如隱顯 明闇不相離
今付隱顯法 非一亦非二

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn