Tổ thứ 18: TÔN GIẢ GIÀ-DA-XÁ-ĐA (Gayasata)

24 Tháng Bảy 201414:51(Xem: 4176)
PHẬT TỔ ĐẠO ẢNH
Hư Vân Lão Hòa Thượng kết tập
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng thuật

Tổ thứ 18: TÔN GIẢ GIÀ-DA-XÁ-ĐA (Gayasata)

Tổ thứ 18Tôn giả, Ma-đề quốc ( Magadha ) nhân. Thập thất Tổ chí kỳ quốc, kiến nhất đồng tử trì giám tháo Tổ tiền, Tổ vấn: “Nhữ kỷ tuế da?” Viết: “Bách tuế.” Tổ viết: “Nhữ niên thượng ấu, hà ngôn bách tuế?” Đồng viết: “Ngã bất hội lý, chính bách tuế nhĩ.” Tổ viết: “Nhữ thiện cơ da?” Đồng viết: “Phật ngôn: Nhược nhân sinh bách tuế, bất hội chư Phật cơ; vị nhược sanh nhất nhật, nhi đắc quyết liễu chi.” Thời văn phong xuy điện linh thanh, Tổ vấn viết: “Linh minh da? Phong minh da?” Tôn giả viết: “Phi phong linh minh, ngã tâm minh nhĩ.” Tổ viết: “Tâm phục thùy hồ?” Đáp viết: “Câu tịch tĩnh cố.” Tổ viết: “Thiện tai! Thiện tai!” phó dĩ đại pháp. Tôn giả hậu đắc Cưu-ma-la-đa (Kumarata), tức dũng thân hư không, hiện thập bát biến, Hỏa Quang tam-muội, tự phần kỳ thân.

Dịch:

Tôn giả người nước Ma-đề ( Magadha ). Khi đến nước này, Tổ thứ mười bảy gặp một đồng tử cầm chiếc gương đến trước Tổ. Tổ hỏi:

- Ngươi mấy tuổi rồi?

Đứa bé trả lời:

- Một trăm tuổi.

Tổ bảo:

- Ngươi còn nhỏ sao nói một trăm tuổi?

- Tôi không hiểu lý, chính vì vậy, tôi một trăm tuổi!

Tổ hỏi:

- Ngươi giỏi tranh biện chăng?

Đứa bé đáp:

- Đức Phật nói rằng:

Người nếu sống trăm tuổi

Không lãnh hội Phật cơ

Chẳng bằng một ngày sống

Mà thấu suốt điều này.

Có lần, gió thổi khiến chiếc linh treo ở chánh điện phát ra tiếng kêu, Tổ hỏi:

- Linh kêu hay gió kêu?

Tôn giả thưa:

- Không phải gió cũng chẳng phải linh, mà chính tâm ta kêu?

- Tâm là ai vậy?

- Tâm là vắng lặng.

Tổ khen :

- Lành thay, lành thay!

Rồi truyền đại pháp cho Ngài. Sau khi độ Tôn giả Cưu-ma-la-đa (Kumarata), Ngài liền bay lên hư không, hiện mười tám phép thần biến, dùng Hỏa Quang tam-muội tự thiêu thân mình.

Tán:

Trì giám nhi lai

Tiện dữ phác phá

Phi phong phi linh

Phân minh thố quá

Chư Phật chi cơ

Thị cá thậm ma?

Đắc Tăng-già-lê

Phản tao điếm ô[1]

Dịch:

Cầm gương đi đến

Liền đập vỡ gương

Không gió chẳng linh

Lầm lỗi phân minh

Cơ phong chư Phật

Đó là cái gì?

Được Tăng-già-lê

Lại mang tiếng xấu.

Hoặc thuyết kệ viết (Tuyên Công thượng nhân tác):

Nhất tuế bất minh bách tuế ngu

Không quá quang âm nhật nguyệt hư

Phi phong phi linh ngã tâm động

Tức lý tức cơ nhữ tự tri

Tịch tĩnh tạo hóa vô sở trụ

Quảng đại tinh vi hữu hà tật?

Lai khứ giải thoát ly quái ngại

Sinh tử Chân Như cánh phất câu![2]

Dịch:

Một tuổi chưa tường trọn kiếp ngu

Thời gian trôi mãi luống xuân thu

Không linh chẳng gió, tâm ta động

Khế lý khế cơ tự ta hay

Vắng lặng, thiên nhiên không nơi trụ

Tinh vi, rộng lớn chẳng chậm mau?

Đến, đi, giải thoát không gò bó

Sinh tử Chân Như càng chẳng buộc!

Giảng:

Tôn giả, Ma-đề quốc nhân: Tôn giả Già-da-xá-đa, vị Tổ thứ mười tám là người nước Ma-đề ( Magadha ).

Thập thất Tổ chí kỳ quốc, kiến nhất đồng tử trì giám tháo Tổ tiền: Lúc Tổ thứ mười bảy đến nước Ma-đề, gặp một đứa bé cầm chiếc gương đến chỗ Tổ. (Chú 1)

Tổ vấn: “Nhữ kỷ tuế da?” Viết: “Bách tuế.”: Khi thấy đứa nhỏ, Tổ mới hỏi tuổi thì đứa nhỏ trả lời, “một trăm tuổi!”

Tổ viết: “Nhữ niên thượng ấu, hà ngôn bách tuế?”: Tổ nói rằng, “ngươi còn nhỏ tuổi lắm, sao lại có thể một trăm tuổi được?”

Đồng viết: “Ngã bất hội lý, chính bách tuế nhĩ”: Đứa nhỏ thưa, “bởi không hiểu rõ chân lý, nên chính vì lẽ đó mà tôi đúng là một trăm tuổi”.

Tổ viết: “Nhữ thiện cơ da?”: Tổ bảo, “ngươi giỏi về tranh biện chăng?”. “Thiện cơ” có nghĩa là giỏi biện luận.

Đồng viết: “Phật ngôn: Nhược nhân sinh bách tuế, bất hội chư Phật cơ; vị nhược sanh nhất nhật, nhi đắc quyết liễu chi.”: Đứa bé nhắc lại lời kệ của Đức Phật, ý nói rằng nếu người ta sống trăm tuổi mà không hiểu chân lý của chư Phật – chân lý đây là đạo lý chân chánh, Phật cơ là cơ duyên chư Phật – thì chẳng bằng sống một ngày mà hiểu rõ chân lý này, tức là thấy được đạo. Nhà Nho cũng có câu nói “triêu văn đạo, tịch tử khả hỹ!” có nghĩa là buổi sáng được nghe hiểu đạo lý, đến tối mà chết thì cũng coi như mãn nguyện, tự cảm thấy là xứng đáng lắm rồi! Ý tứ của câu này cũng giống như đoạn “nhượcsanh nhất nhật, nhi đắc quyết liễu chi” (chẳng bằng sống một ngày, thấu hiểu được điều ấy), nghĩa là hiểu rõ chân lý một cách chân chánh.

Tổ thứ mười bảy lại hỏi: “Trong tay ngươi cầm chiếc gương, đó là biểu thị cái gì?” Đưa bé liền dùng kệ trả lời:

Chư Phật đại viên giám

Nội ngoại vô hà ế

Lưỡng nhân đồng đắc kiến

Tâm nhãn giai tương tự[3]

Dịch:

Gương sáng của chư Phật

Trong ngoài không tỳ vết

Hai người đồng thấy hết

Mắt tâm cùng giống nhau

Bấy giờ, sau khi được nghe mấy lời này, cha mẹ Tôn giả liền chịu ngay cho Ngài xuất gia theo Tổ thứ mười bảy. Sau khi đã xuất gia, Thời văn phongxuy điện linh thanh: nghĩa là một hôm, có làn gió thổi lay động chiếc linh trên điện phát ra tiếng kêu.

Tổ vấn viết: “Linh minh da? Phong minh da?”: Tổ thứ mười bảy hỏi đứa bé: “Đó là tiếng kêu của linh hay của gió?”

Tôn giả viết: “Phi phong linh minh, ngã tâm minh nhĩ.”: Đứa bé liền nói: “Đó không phải là tiếng kêu của gió, cũng không phải là tiếng kêu của linh, mà chính là âm thanh trong tâm chúng ta”. Trong Lục Tổ Đàn Kinh có ghi câu chuyện “gió thổi phướn động” và khi ấy có người hỏi: “Gió động hay phướn động?” Quý vị thì nghĩ thế nào đây? Bảo là gió động ư? Nhưng mà ở đó thấy lá phướn động. Còn bảo là lá phướn động, nhưng không có gió thì phướn động làm sao được? Quý vị bảo gió động, nhưng gió thì chẳng thấy mà chỉ thấy phướn động, khiến cho có hai vị sư, một vị nói gió động, còn một vị nói phướn động, cãi nhau mãi không thôi. Lúc ấy Lục Tổ mới lên tiếng bảo rằng “không phải gió động, không phải phướn động, mà do tâm của nhân giả động”. Tổ thứ mười tám thì nói: “Không phải tiếng gió kêu, cũng không phải tiếng linh kêu, mà do tâm nhân giả phân biệt! Vì vậy mới có tiếng gió và tiếng linh”.

Tổ viết: “Tâm phục thùy hồ?”: Tổ thứ mười bảy nói: “Tâm này là ai vậy? Ai là cái tâm này vậy?”

Đáp viết: “Câu tịch tĩnh cố.”: Đưa bé trả lời: “Tâm là vắng lặng, không có hình tướng”.

Tổ viết: “Thiện tai! Thiện tai!” phó dĩ đại pháp: Nghe đứa bé nói tâm là vắng lặng như thế, Tổ thứ mười bảy biết ngay đứa bé hiểu rõ lý tâm không động, không tĩnh, nên nói: “Rất tốt, rất tốt!”. Thế là, Tổ truyền pháp dùng tâm ấn tâm, Chánh Pháp Nhãn Tạng, giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự cho Ngài.(Chú 2)

Tôn giả hậu đắc Cưu-ma-la-đa (Kumarata), tức dũng thân hư không, hiện thập bát biến, Hỏa Quang tam-muội, tự phần kỳ thân: Sau khi truyền pháp cho Tôn giả Cưu-ma-la-đa (Kumarata), Tôn giả liền bay lên hư không, hiện thần thông của mười tám thứ thần biến như: Trên thân ra lửa, dưới thân ra nước; dưới thân ra lửa, trên thân ra nước v.v…ở giữa hư không. Hiện rõ thần thông của mười tám thần biến qua lại lẫn nhau, rồi dùng Hỏa Quang tam-muội và lửa thiền định tự thiêu thân mình.

Tán

Trì giám nhi lai, tiện dữ phác phá: Ngài cầm một chiếc gương đi đến, Tổ thứ mười bảy liền đập vỡ gương.

Phi phong phi linh, phân minh thác quá: Không phải gió, cũng không phải linh phát ra tiếng động, nếu quý vị có tâm phân biệt thì sẽ hiểu sai đạo lý này.

Chư Phật chi cơ, thị cá thậm ma?: Chân lý của chư Phật, thật ra là cái gì?

Đắc Tăng-già-lê[4], phản tao điếm ô: Ông được xuất gia mặc áo của chư Tổ, cũng chính là ông đã đạt được Diệu Pháp Tâm Ấn này, không cần trên đầu lại đặt thêm một cái đầu và chạy theo bên ngoài tìm kiếm! “Phản tao điếm ô, nếu ông chạy theo bên ngoài tìm kiếm thì chính ông tự làm dơ uế mình.

Kệ

Phật, chư Tổ và các vị Bồ-tát vốn không cần chúng ta xưng tán các Ngài, cũng như không cần chúng ta mang một cái mũ thật cao đội lên đầu (nịnh hót) các Ngài đâu. Chẳng qua, vì lòng ngưỡng mộ trước đạo đức, văn chương cùng những hành vi vĩ đại của các Ngài nên hàng đệ tử, đệ tôn đời sau mới tự nguyện gom góp một vài lời mộc mạc đặng tỏ tấm lòng tán dương công đức của các vị Tổ sư. Có thể các Ngài chẳng lấy gì làm hoan hỷ khi nghe lời tán thán của chúng ta, nhưng là kẻ hậu bối, muốn dâng lên chút điểm chân thành, chút lòng kính ngưỡng sùng bái thánh nhân xưa, chúng ta đành phải gắng gượng làm mấy câu thô thiển gọi là tán thán các bậc thánh hiền.

Đây là câu đầu tiên của bài tụng kệ:

Nhất tuế bất minh bách tuế ngu: Vì sao đứa bé này nói một trăm tuổi? Bởi vì nó không hiểu. Nó lại không hiểu pháp môn Tâm ấn của vị Tổ này, nên nói mình một trăm tuổi.

Đây không phải là trường hợp một đứa trẻ nói dối, rõ ràng không phải một trăm tuổi, lại dối người khác nói là trăm tuổi. Đứa bé biết nói như vậy, người khác sẽ không tin, nhưng tại sao lại nói như thế? Chính vì đứa bé muốn tỏ bầy rõ là mình không hiểu Phật pháp một cách chân chính, một tuổi mà không hiểu rõ thì một trăm tuổi vẫn là ngu si.

Không quá quang âm nhật nguyệt hư: Đây chính là nói thời gian luống qua mà không đạt được chút gì. Một ngày từ sáng đến chiều chỉ có ăn mặc ngủ nghỉ, ăn mặc ngủ nghỉ, ăn mặc ngủ nghỉ, ngoài ra không làm được việc gì, không có một chút công lao với thế giới này, vì thế ngày tháng trôi qua đều trống rỗng.

Phi phong phi linh ngã tâm động: Đây không phải tiếng gió, cũng không phải tiếng linh, mà do tâm ta phân biệt, nên mới nghe tiếng của nó.

Tức lý tức cơ nhữ tự tri: Nếu khế lý khế cơ thì chính mình tự biết. Đạo lý chân chính rõ ràng, chính là khế lý khế cơ. Vì vậy khế hợp hay không khế hợp với căn cơ của mình, chỉ tự mình biết.

Tịch tĩnh tạo hóa vô sở trụ: là sự an vui trong cảnh giới tịch tĩnh, cũng là của Đại Tạo Đại Hóa, đều không chỗ trụ, theo nghĩa của câu “Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm.[5]

Quảng đại tinh vi hữu hà tật?: Rất rộng lớn và tinh vi, đó là bản thể của đạo, nó có gì nhanh hay chậm? Hoàn toàn không có.

Lai khứ giải thoát ly quái ngại: Đến đi tùy ý, không chút ngăn ngại.

Sinh tử Chân Như cánh phất câu!: Sống cũng vậy, chết cũng vậy, chứng được lý thể của chân như cũng vậy, chẵng có gì là gò bó, chẳng có điều gì chướng ngại, hoàn toàn tự nhiên.

Kệ tụng hôm nay là như vậy. Nếu tôi làm không hay, mọi người thay tôi chỉnh sửa một chút, còn hay thì quý vị nên y chiếu theo.

(Tuyên Công Thượng Nhân giảng ngày 12 tháng 8 năm 1981)


Chú 1: Truyền Pháp Chánh Tông Ký có ghi:

Tôn giả Già-da-xá-đa, người nước Ma-đề (Magadha), họ Uất-đầu-lam (Udra Ramaputra), cha là Thiên Cái, mẹ là Phương Thánh. Lúc mẹ Tôn giả mang thai, mộng thấy có người cầm một chiếc gương báu đến nói: “Tôi đã đến!”. Lúc tỉnh dậy bà cảm thấy nhẹ nhàng như ngày thường, nhưng khắp nhà có mùi hương lạ, ánh sáng lành luôn xuất hiện, bảy ngày sau thì Tôn giả chào đời. Thân thể Ngài sạch sẽ sáng chói như lưu ly trong suốt. Đến năm mười hai tuổi, Tôn giả không cần tắm rửa mà vẫn sạch sẽ. Ngài thường ở chỗ vắng vẻ, hoặc trò chuyện với mọi người, nói ra những lời cao siêu.

Chú 2: Kệ tuyền pháp của Tổ thứ mười bảy phó chúc cho Tổ thứ mười tám thấy trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục và Chỉ Nguyệt Lục ghi:

Tâm địa bổn vô sinh[6]

Nhân địa tùng duyên khởi

Duyên chủng bất tương phương

Hoa quả diệc phúc nhĩ[7]

Dịch:

Tâm vốn dĩ không sinh

Nhân từ duyên mà khởi

Duyên và chủng (hạt gieo, seed = nhân) không ngại nhau

Hoa quả cũng như vậy.


[1] Nguyên văn: 持鑑而來 便與撲破 非風非鈴 分明錯過

諸佛之機 是個甚麼 得僧伽黎 反遭玷

[2] Nguyên văn: 歲不明百歲愚 空過光陰日月

非風非鈴我心動 即理即機汝自知
寂靜造化無所住 廣大精微有何疾
來去解脫離罣礙 生死真如更弗拘

[3] Nguyên văn: 諸佛大圓鑑 內外無瑕翳

兩人同得見 心眼皆相似

[4] Tăng-già-lê 僧伽黎 Phạm: Sanghati, dịch là Tổ y.

[5]大造大化: Thuật ngữ Đại Tạo Đại Hóa thường thấy trong các kinh về Đạo học, dùng để chỉ cái nguyên lý tột cùng của lẽ Đạo. Người tu luyện tinh khí thần sẽ đạt được lẽ đó khi Pháp thân trở về với hư vô, một cảnh giới đại thanh tịnh, đại giải thoát. Cùng với nghĩa này, Đại Tạo Đại Hóa trong bài giảng thoại, cũng chính là cảnh giới tột cùng khi người tham thiền bừng ngộ, chứng được bổn lai diện mục của mình. Đó cũng là cảnh giới của niềm tịch tĩnh, của trạm nhiên thường tịch, cảnh giới của tâm vô sở trụ.

[6] Nguyên văn: 心地本無生 因地從緣起

緣種不相妨 華果亦復爾

[7] Đạo lý “nhân quả đồng thời” nói trong Kinh Pháp Hoa. Vì hoa sen vừa nở, liền có hạt sen nên gọi là “nhân quả đồng thời”. Hoa nở liền kết thành hạt, biểu thị cho “nhân quả không hai”; nhân cũng chính là quả, quả cũng chính là nhân, nhân như vậy, quả như vậy. “Nhân” là gieo trồng nhân Phật, “quả” là thành tựu quả Phật. Hoa quả đồng thời, cũng biểu thị cho “khai quyền hiển thật” (triển khai phương tiện để hiển bày lý chân thật). Hoa sen nở là “khai quyền”; quyền, chính là phương tiện quyền xảo. Kết thành hạt là “hiển thật”, đại diện cho pháp chân thật; thật, là pháp chân thật không dối, đó chính là bản thể lý tánh của thật tướng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn