Tổ thứ hai mươi: Tôn giả Xà-Dạ-Đa

24 Tháng Bảy 201414:57(Xem: 3826)
PHẬT TỔ ĐẠO ẢNH
Hư Vân Lão Hòa Thượng kết tập
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng thuật

TỔ THỨ HAI MƯƠI: TÔN GIẢ XÀ-DẠ-ĐA (Jayata)

blankTôn giả, Bắc Thiên Trúc quốc nhân. Văn thập cửu Tổ ngữ, đốn thích sở nghi. Tổ viết: “Nhữ tuy dĩ tín, nhi vị minh nghiệp tùng hoặc sanh, hoặc nhân thức hữu, thức y bất giác, bất giác y tâm. Tâm bổn thanh tịnh, vô sinh diệt, vô tạo tác, vô báo ứng, vô thắng phụ, tịch tịch nhiên, linh linh nhiên. Nhữ nhược nhập thử pháp môn, khả dữ chư Phật đồng hĩ. Nhất thiết thiện ác, hữu vi vô vi, giai như mộng huyễn.” Tôn giả lĩnh chỉ, tức cầu xuất gia, thụ cụ. Tổ phó dĩ đại pháp, đắc pháp dĩ, chí La-duyệt thành (Rajagrha), chuyển phó Bà-tu-bàn-đầu (Vasubandu), tức ư tọa, yểm nhiên quy tịch.

Dich:

Tôn giả người nước Bắc Thiên-Trúc, nghe Tổ thứ 19 dạy liền dứt hẳn mối nghi.

Tổ bảo:

- Tuy ông đã tin nhưng chưa rõ nghiệp từ hoặc[1] sinh, hoặc nhân thức mà có, thức nương bất giác, bất giác nương tâm. Nhưng tâm vốn thanh tịnh, không sanh diệt, không gây tạo, không báo ứng, không thắng thua, rỗng lặng, linh diệu. Nếu ông thâm nhập pháp môn này thì đồng với chư Phật. Tất cả thiện ác, hữu vi vô vi đều như mộng huyễn.

Tôn giả lãnh hội tông chỉ, liền xin xuất gia, thọ cụ túc, được Tổ truyền đại pháp. Sau khi đắc pháp, Tôn giả đến thành La-duyệt, truyền pháp cho Bà-tu-bàn-đầu, rồi ngồi ngay tòa an nhiên thị tịch.

Bài tán:

Thiện ác nhị luân

Kiểu nhiên bất mậu

Ảnh hưởng hốt văn

Thoát lạc sào cữu

Pháp vô sinh diệt

Mộc kê đề trú

Một lượng đại nhân

Khai nhãn lậu đậu[2]

Dịch:

Thiện ác hai vòng

Rõ ràng không sai

Âm vang theo tiếng

Phá tan thói cũ

Pháp không sanh diệt

Gà gỗ gáy ngày

Đại nhân xuất chúng

Mở mắt kẻ ngu

Hoặc thuyết kệ viết (Tuyên Công thượng nhân tác):

Đốn thích sở nghi khoát nhiên thông

Dương xuân bạch tuyết tận tiêu dung

Khởi hoặc tạo nghiệp thụ quả báo

Phá mê hiển chính lập đại công

Thanh tịnh bổn nguyên Bồ-đề tính

Linh minh giác chiếu nhật thiên trung

Tâm tâm tương ấn truyền Phật đạo

Cổ kim như thị tổng tương đồng.[3]

Dịch:

Dứt bặt nghi ngờ hoát nhiên thông

Ánh xuân tuyết trắng biến thành không

Sai lầm tạo nghiệp chịu dư báo

Hiển chánh trừ mê lập đại công

Tịnh khiết chơn nguyên Bồ-đề tính

Linh minh giác sáng giữa hư không

Tâm tâm nối tiếp truyền Phật đạo

Xưa nay như thế mãi tương đồng

Giảng:

Tôn giả, Bắc Thiên Trúc quốc nhân: Tổ thứ 20 là Tôn giả Xà-dạ-đa (Jayata), nối pháp Tổ thứ 19, người Bắc Ấn Độ.

Văn thập cửu Tổ ngữ, đốn thích sở nghi: Tổ thứ 19 đến giáo hóa ngài. Khi nghe lời tổ thứ 19 nói, những vấn đề hoài nghi trong lòng ngài hoàn toàn được hóa giải. (chú 1)

Tổ viết: Tổ thứ 19 nói: “Nhữ tuy dĩ tín, nhi vị minh nghiệp tùng hoặc sanh: Tuy ông đã có lòng tin, nhưng ông không biết, không hiểu rõ nghiệp là từ mê hoặc, nghi hoặc mà sinh ra.” Chúng ta, ai cũng vậy, đều là khởi hoặc - tạo nghiệp - thọ báo - tương lai sẽ chịu quả báo. “Hoặc nhân thức hữu, thức y bất giác, bất giác y tâm”: “Hoặc này là do thức của ông làm cho ông sanh tâm phân biệt nên mới có mê hoặc, nghi hoặc; thức y bất giác”, tâm phân biệt thì nương vào bất giác mà có”. Bất giác nghĩa là không sáng suốt, không hiểu một cách minh bạch. Vấn đề mà chúng ta đương nói ở đây chính là ý nghĩa của câu ‘nhất niệm bất giác sinh tam tế’, một niệm mê mờ phát sinh ra ba tướng vi tế: nghiệp tướng, hiện tướng và chuyển tướng. Vậy là, khi có hoặc thì không rõ chân lý, nên tạo ra nhiều tội nghiệp. Mê hoặc, nghi hoặc do tâm phân biệt khởi lên, tâm phân biệt lại do “bất giác” sinh. “Bất giác y tâm”, bất giác thì nương vào ‘tâm ngu si’ mà sinh ra.

Tâm bổn thanh tịnh, vô sinh diệt, vô tạo tác, vô báo ứng, vô thắng phụ: Tâm trí tuệ bản nguyên này vốn thanh tịnh, không có vật gì; sở dĩ “vô sinh diệt” vì nó vốn không sinh diệt; “vô tạo tác”, cũng không có gì tạo tác; “không báo ứng”, cũng không có một báo ứng; “không thắng bại” cũng không tranh thắng bại với ai. Tịch tịch nhiên, linh linh nhiên: tịch tịch là rất tĩnh lặng. Tuy tĩnh lặng, vậy mà linh linh nhiên, nghĩa là biết tất cả và chiếu sáng tất cả.

Nhữ nhược nhập thử pháp môn, khả dữ chư Phật đồng hĩ: Nếu ông đạt được pháp môn này thì đồng với chư Phật. Nhất thiết thiện ác, hữu vi vô vi, giai như mộng huyễn.”: Tất cả pháp thiện, pháp ác, pháp hữu vi, pháp vô vi đều như mộng huyễn, bọt nước.

Tôn giả lĩnh chỉ, tức cầu xuất gia, thụ cụ, Tổ phó dĩ đại pháp: Tôn giả Xà-dạ-đa thụ nhận xong pháp chỉ của Tổ thứ 19 liền cúi đầu xin Tổ xuất gia. Tổ cho ngài xuất gia, thụ giới cụ túc và truyền pháp môn tâm ấn (chú 2).

Tổ phó dĩ đại pháp, đắc pháp dĩ, chí La-duyệt thành, chuyển phó Bà-tu-bàn-đầu: Sau khi đắc pháp, Tôn giả đến thành La-duyệt (Rajagrha), Ấn Độ, truyền đại pháp cho Tôn giả Bà-tu-bàn-đầu (Vasubandu). Truyền pháp xong, Tôn giả tức ư tọa, yểm nhiên quy tịch: Ngay tòa thuyết pháp, Tôn giả tự nhiên viên tịch. “Yểm nhiên” là rất tự nhiên.

Tán

Thiện ác nhị luân, Kiểu nhiên bất mậu: Hai bánh xe thiện và ác rõ ràng, rất rõ ràng không thể nhầm lẫn được.

Ảnh hưởng hốt văn, Thoát lạc sào cữu: Nghe Tổ thứ 19 thuyết pháp, bao nhiêu nghi ngờ, tập khí lâu nay của Ngài bỗng tiêu tan. “Sào cữu” chính là tập khí trước đây.

Pháp vô sinh diệt, Mộc kê đề trú: Pháp vốn không sinh diệt, như gà gỗ gáy giữa ban ngày. Gà gỗ làm sao gáy chứ? Nó không thể gáy được.

Một lượng đại nhân, Khai nhãn lậu đậu: Vị Tổ này, trí huệ rộng lớn không có gì có thể lường được, một vị đại trí huệ, một thiện tri thức có nhãn quan tinh tế. Ngài đến thế giới này, tùy cơ mà giáo hóa, tùy người mà thuyết pháp, mục đích là phá trừ tập khí cho các chúng sinh.

Kệ

Kệ tụng này lại dễ hiểu, nhưng xem nó nói lên điều gì?

Đốn thích sở nghi khoát nhiên thông: Đốn là lập tức; thích là mở ra, thích nhiên là không vướng vít; nếu hoài nghi có thể ví như một sợi dây kết lại thành một cuộn, thì đốn thích là mở tung sợi dây ra. Khoát nhiên thông là trong khoảnh khắc bừng sáng, đại khái có thể ví với cái gì đây. . .?

Dương xuân bạch tuyết tận tiêu dung: Có thể ví như tuyết khi mùa xuân tới. Dương xuân là mùa xuân; tuyết mùa xuân nhất định tan rất nhanh.

Khởi hoặc tạo nghiệp thụ quả báo: Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều là khởi hoặc, tạo nghiệp và chịu quả báo. Hoặc, nói ở đây là không minh bạch, mê muội. Mê rồi thì thế nào? Mê rồi thì sống say chết mộng, mê đắm tài, sắc, danh, thực, thụy của thế gian; mê đắm tiền tài, mê sắc, mê danh, mê ăn uống, mê ngủ nghỉ.Cái mê này là do chúng ta để cho ngoại cảnh của thế gian, đủ các loại, che lấp trí huệ của mình, khiến chúng ta không tìm cầu lẽ thực, không suy nghĩ một cách chân chánh rõ ràng, để cam chịu làm kẻ sống hồ đồ. Khởi hoặc là nghĩa như vậy. Một khi khởi hoặc thì nghiệp sẽ được tạo ra; tạo nghiệp thì có nghiệp thiện, nghiệp ác và nghiệp không thiện không ác; cũng có thể nói là tạo tà nghiệp, hoặc chính nghiệp. Quý vị tạo nghiệp loại gì thì nhất định sẽ chịu quả báo loại đó.

Thế giới này như lưới bắt cá; không phải chỉ là một tấm lưới mà rất nhiều tấm lưới, và bạn bị mắc vào trong những lưới ấy! Ham thích danh tiếng thì mắc vào lưới danh tiếng; thích lợi dưỡng thì mắc vào lưới lợi dưỡng; thích sắc đẹp thì mắc vào lưới sắc đẹp; thích ăn uống thì mắc vào lưới ăn uống; thích ngủ ư? thì quý vị sẽ bị đưa vào “giấc ngủ tam muội”, kẹt trong cái lưới ngủ. Những tấm lưới này làm cho chúng ta không còn chút gì tự chủ nữa, khiến chúng ta lại cạnh tranh, lại phấn đấu, quẩn quanh ở trong những tấm lưới đó. Dù quý vị có tranh đấu cách nào, cố gắng không ngớt tới mức độ nào, dũng mãnh để tiến tới thế nào đó, cũng là vô ích, không ra khỏi lưới được. Đã ở trong lưới thì quý vị không có tự do, quay sang đông cũng đụng, sang tây cũng đụng, tới cũng vướng, lui cũng vướng, rút cục vẫn nằm trong lưới, không có lối nào giải thoát. Nhưng vừa mới ra khỏi lưới này, trong nháy mắt lại mắc vào lưới khác; vừa mới ra khỏi con đường nguy hiểm này, không hiểu sao lại sa vào con đường nguy hiểm khác, không có lúc nào tự do! Không có lúc nào giải thoát! Quý vị xem có khổ đau không?

Phá mê hiển chính lập đại công: Vì những lý do này mà chư Bồ-tát và chư Tổ đã đến giúp chúng ta phá mê, mở bày ra con đường tu chân chính, dạy chúng ta lập công trong thế giới này. Lập công, lập đức, lập ngôn, lập nên ba thứ đại nghiệp bất hủ này.

Thanh tịnh bổn nguyên Bồ-đề tính: Tự tính của chúng ta, xưa nay là giác tính thanh tịnh, cũng chính là tính Bồ-đề không nhiễm ô.

Linh minh giác chiếu nhật thiên trung: Tâm của chúng ta linh minh chiếu sáng, như mặt trời giữa không trung chiếu soi vạn vật.

Tâm tâm tương ấn truyền Phật đạo: Phật từ xưa đến nay là truyền tâm ấn của Phật, từng đời truyền nhau pháp môn tâm ấn và đạo chân chính của Phật.

Cổ kim như thị tổng tương đồng: Chư Phật xưa kia cũng như vậy, chư Phật hiện tại cũng như vậy, chư Phật vị lai cũng như vậy, tất cả đều như vậy không có gì thay đổi.

(Tuyên công thượng nhân giảng ngày 23, tháng 8, năm 1981)


Chú 1: Về công án Tổ thứ 19 giáo hóa Tôn giả Xà-dạ-đa, thì Truyền Pháp Chính Tông Ký ghi như sau:

Đại sĩ (Tổ thứ 19 Cưu-ma-la-đa)……du hóa đến nước Trung Thiên Trúc gặp trí sĩ Xà-dạ-đa. Đầu tiên thấy khách đến nơi này, trí sĩ liền đến lễ Tổ và thưa: “Thưa Ngài! Cha mẹ con vốn kính tam bảo, tu hành đúng pháp, nhưng lại nhiều bệnh tật, việc kinh doanh thì không toại nguyện. Còn người bên cạnh nhà con hung dữ giết hại, làm việc ác càng ngày càng tệ, mà thân hình lại khỏe mạnh, sở cầu như ý. Thiện ác báo ứng, chẳng lẽ là điều hư dối sao? Con rất nghi ngờ điều này, xin Ngài giải mối nghi này giùm con!”

Đại sĩ đáp: “Đức Phật dạy, nghiệp thông suốt ba đời, do nghiệp thiện đã làm đời trước, nên đời này được quả báo. Nếu đời này làm việc ác thì tương lai sẽ gặp báo ứng. Cho nên, đời này tuy có người làm việc thiện, nhưng không được phúc báo, vì báo ứng nghiệp ác đời trước thù thắng hơn. Đời này tuy có người làm việc ác nhưng không gặp tai ương, vì nghiệp thiện đời trước thù thắng hơn. Nếu ngày nay không được phúc báo, lại làm việc ác thì đời sau càng đọa vào cõi ác. Nếu đời này được phúc báo, lại làm việc thiện thì đời sau nhất định sinh cõi lành. Lại nữa, đời trước làm việc thiện, đức ấy mới được một nữa, rồi thay đổi ý nghĩ làm ác, thì đến đời này trước được phúc báo mà sau gặp họa. Đời này làm việc ác, việc ấy mới một nữa, rồi biết biến việc ác thành việc thiện, thì đến đời sau trước gặp họa sau được phúc.Như hiện nay chuyện báo ứng về thiện ác của cha mẹ con và người hàng xóm không giống nhau, đó là do nghiệp đời trước dẫn đến quả báo như vậy, há chỉ cầu nhân quả một đời sao?” Tôn giả Dạ-đa nghe Tổ nói xong, bao nhiêu nghi ngờ của Ngài đều tan biến.

Chú 2: Kệ truyền pháp của Tổ 19 phó chúc cho Tổ thứ 20 thấy trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục và Chỉ Nguyệt Lục có ghi:

Tính thượng bổn vô sinh

Vi đối cầu nhân thuyết

Ư pháp ký vô đắc

Hà hoài tuyệt bất quyết?[4]

Dịch:

Tâm tính vốn không sinh

Vì người cầu nên nói

Đã không thể đắc pháp

Cần gì hiểu hay không

性上本無生 為對求人
於法既無得 何懷決不決


[1]Hoặc

[2]善惡二輪 皎然不謬 影響忽聞 脫落窠臼
法無生滅 木雞啼晝 沒量大人 開眼漏逗

[3]頓釋所疑豁然通 陽春白雪盡消融
起惑造業受果報 破迷顯正立大功
清淨本源菩提性 靈明覺照日天中
心心相印傳佛道 古今如是總相同

[4] 性上本無生 為對求人
於法既無得 何懷決不決

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Tư 2016(Xem: 5165)
Giới Thiệu: Đức Đạt Lai Lạt Ma là nhà lãnh đạo tinh thần của người dân Tây Tạng, là người đã nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1989, và là người cổ võ từ bi và hòa bình khắp thế giới. Ngài khuyến khích sự hòa hợp giữa các tôn giáo trên thế giới và tham gia vào nhiều cuộc đối thoại với các nhà khoa học hàng đầu. Xuất gia làm tu sĩ từ thơ ấu, Tỳ Kheo Tenzin Gyantso đã hoàn tất các chương trình học Phật theo truyền thống và tốt nghiệp bằng geshe, tương đương Tiến Sĩ Phật Học. Nổi tiếng với sự thông thái và tấm lòng độ lượng, chứng đắc thiền định, và khiêm tốn, Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn nói, “Tôi chỉ là một tu sĩ Phật Giáo đơn giản.”
11 Tháng Ba 2016(Xem: 5179)
Lời Ban Biên Tập: Hàng năm, cứ đến ngày Rằm tháng Hai Âm lịch, đại gia đình Phật tử thế giới lại thành tâm tưởng niệm ngày Đức Bổn sư Từ phụ Thích Ca Mâu Ni Phật Nhập Niết bàn. Nhân ngày tưởng niệm này, chúng tôi xin lược trích giới thiệu nội dung cơ bản nửa sau bài Ba, khoá I “Phật học phổ thông” của cố HT Thích Thiện Hoa, về sự kiện Lịch sử Phật giáo quan trọng này.
06 Tháng Mười 2015(Xem: 5368)
Tự ngã và sự cố chấp vào tự ngã là một trong những nguyên nhân dẫn đến khổ đau, tang thương và mất mát. Khi tự ngã được đề cao thì con người thỏa mãn, hạnh phúc, nhưng một khi tự ngã bị xúc phạm thì sự bực bội, và thậm chí là thù hận sẽ khởi sanh.