Tỳ-khưu-ni Khemā (Trí tuệ đệ nhất)

03 Tháng Chín 201419:15(Xem: 4843)
Cổ sử truyện
CON GÁI ĐỨC PHẬT
(Hành trạng của chư Thánh ni
& những cận sự nữ đặc biệt và thù thắng)
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Nhà Xuất Bản Văn Học
Tái bản 2014

Đệ tử Chánh Trí diễn đọc

Tỳ-khưu-ni Khemā
(Trí tuệ đệ nhất)1

1 Khemā Therī. trang 727- 728 trong quyển I - Dictionary of Palī Proper Names.
Đức vua Sineya Bimbisāra và hoàng hậu Videhi, sau khi nghe pháp, đắc quả Nhập lưu thì họ có được đức tin vững chắc, có được đời sống thanh
bình và an lạc. Mọi câu hỏi, mọi tư duy về đời người đã lần lượt được gỡ rối; mọi khổ ưu, mọi phiền não trong tâm hồn càng ngày càng nhẹ nhàng, yên lặng bớt.

Tuy nhiên, đức vua hiền thiện của chúng ta có một việc chưa được hài lòng. Số là đức vua có một bà quý phi xinh đẹp được ông vô cùng yêu mến, tên là Khemā; bà luôn luôn tự hào và hãnh diện về sắc đẹp của mình, đôi khi hơi thái quá làm cho ông khó chịu. Sau khi học hiểu được giáo pháp, đức vua biết rằng, sắc đẹp của mỹ nhân giống như đóa hoa, một lúc nào đó sẽ nhạt phai, sẽ ố sắc và rữa hương. Chính vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp tinh thần được thấm nhuần hương vị của chánh pháp mới không bị hư mục theo thời gian, mà ngược lại, ngày càng được khởi sắc và thăng hoa. Hoàng hậu Videhi bản chất thuần hậu, đoan trang, có vẻ đẹp nội tâm thầm lặng, như một mảnh vải trắng tinh rất dễ nhuộm màu nên sau khi nghe pháp, bà nhẹ nhàng xuôi chảy vào dòng. Chỉ riêng bà quý phi Khemā là không chịu đi nghe pháp. Đức vua đã ân cần dỗ ngon, dỗ ngọt nhiều lần nhưng bà vẫn lắc đầu một mực từ chối.

Khi được gặng hỏi thì bà đáp:

- Đức Thế Tôn ấy có ba hai quý tướng và tám mươi vẻ đẹp, thiếp biết; và ông ta toàn hảo mọi đức hạnh, quyền năng, trí tuệ, thiếp cũng biết. Thế gian xưng tán ông ta là bậc thầy của chư thiên và loài người thì không ai còn dám hồ nghi. Tuy nhiên, thiếp sẽ không đi!

Khi được hỏi cặn kẽ lý do, bà đáp:

- Nghe nói rằng, đức Thế Tôn ấy thường có lời khiếm nhã đối với nữ giới. Ông ta coi thường, đôi khi cười chê sắc đẹp của phụ nữ. Nghe ông ta có nói rằng, đẹp gì, quý gì, mỹ miều gì cái bao da đựng thịt, đựng xương mà trang điểm, mà xông hương, ướp phấn, thoa son... Quả là ông ta chẳng lịch sự chút nào!

Đức vua Thánh đệ tử cười thầm trong lòng, nhưng ngoài mặt lại nói:

- Ừ, ông ta nói vậy dù đúng với sự thực, nhưng mà cũng hơi quá đáng. Có được sắc đẹp như ái phi trên thế gian này phỏng có mấy người? Phải tu tập, phải tích lũy vô lượng phước báu mới có được như thế chứ đâu có dễ gì!

Bà Khemā thấy vua đồng quan điểm với mình, cảm thấy rất vừa lòng nên nhướng mày, đắc ý:

- Chứ sao? Vậy sao đại vương cứ nhắc ngày, nhắc đêm bảo thiếp phải đi hầu thăm đức Thế Tôn ấy?

- Có hai lý do - Đức vua Bimbisāra cất giọng chậm rãi, dịu dàng nói - Nàng biết không, Veḷuvanārāma đẹp lắm! Trúc Lâm đại tịnh xá là một nơi khả ái, khả hỷ, khả lạc, phong cảnh nên thơ, hữu tình làm sao! Nó vừa nên thơ, hữu tình lại vừa làm cho tâm hồn ta mát mẻ, trong lành, vô cùng dễ chịu. Người nào đến Trúc Lâm, thấy được Trúc Lâm rồi thì xem như người ấy đã thấy được Hỷ Lâm (Nandavana), thắng cảnh đệ nhất tại cung trời Đao Lợi, là nơi mà Đế Thích thiên chủ thường hay đến ngoạn du, vui chơi với cả hằng ngàn tiên nữ. Đấy là lý do thứ nhất.

- Gì mà đẹp ghê gớm đến vậy! Bà Khemā cau đôi mày lá liễu - Thôi được rồi, vậy còn lý do thứ hai?

- Là vì đức Phật cũng thường hay khen ngợi phụ nữ nhưng nàng không biết đấy thôi!

- Quả có thế sao?

- Đúng vậy! Ngài từng nói rằng: Bản chất người nữ tuy hơi mềm yếu, nhiều tính xấu, hay ái luyến thân thể, sắc đẹp nhưng họ cũng có khả năng thành tựu tri kiến cao thượng, có nền tảng khá vững chắc để phát triển tứ vô lượng tâm. Ngoài ra, giác ngộ, giải thoát, tứ quả, thắng trí, biện tài, phân tích, giới hạnh, thiền định, tuệ giác... họ hoàn toàn không hề thua kém nam giới. Đấy cũng là lý do mà đức Tôn sư cho thành lập giáo hội tỳ-khưu-ni, vừa nói lên tiếng nói của một tập thể bình đẳng, dân chủ mà còn là cơ hội tuyên dương nữ giới, xem trọng nữ giới, trong lúc đó thì luật Manu truyền thống bà-la-môn tự ngàn xưa đã không coi nữ giới ra gì, suốt đời phải lệ thuộc nam giới, lại còn rẻ rúng, coi khinh họ như nô lệ nữa!

- Thế là khách quan, là đúng đắn! Hóa ra từ lâu thiếp chỉ nghe một bên, một chiều! Ồ! Đấy là lỗi lầm, là thiếu sót đáng chê trách của thiếp vậy.

Được đức vua Bimbisāra khôn ngoan thuyết phục nhiều lần như thế, chiều hôm ấy, bà quý phi diễm kiều của chúng ta không cần quân lính hộ giá, chỉ với mấy cung nga lên một cỗ xe bốn ngựa trắng viếng thăm Trúc Lâm.

Đến cổng tịnh xá, bà cho dừng ngựa, chậm rãi đi bộ vào. Quả là một khung cảnh tươi xanh, trong lành, mát mẻ. Đây đó thấp thoáng hình bóng các sa-môn áo vàng đang kinh hành hoặc tĩnh tọa dưới các gốc cây, bờ suối. Đâu cũng vắng lặng, yên ả, thanh bình. Tâm hồn bà dường như lắng dịu xuống. Đến một ngã rẽ, bà chợt dừng chân lại. Dưới bụi trúc vàng có hai vị tỳ-khưu còn rất trẻ, tuổi vừa chừng đôi mươi đang an nhiên tọa thiền. Bà lặng lẽ quan sát “hai pho tượng tuyệt tác của hóa công”. Họ đẹp quá! Năng lượng của tuổi thanh xuân như phát sáng nơi vừng trán, khuôn mặt và dường như trôi chảy cuồn cuộn nơi từng cơ bắp, trong từng thớ thịt trắng hồng! Một ý nghĩ chợt thoáng hiện trong đầu bà: “Ôi! Tại sao? Tại sao? Cái giáo pháp này như thế nào mà có thể hấp dẫn, lôi cuốn cả những chàng thanh niên trẻ đẹp, phải hy sinh cả sức sống mãnh liệt của tuổi thanh xuân đang hứa hẹn một tương lai tươi sáng bên vợ đẹp, con xinh để đến đây sống đời viễn ly thế tục? Thật đáng khâm phục thay! Nhìn sự sáng rỡ của sắc mặt, nhìn sự an nhiên tĩnh tại này thì rõ họ đâu có bi quan

yếm thế, mà ngược lại, họ đang an trú trong một phúc lạc nội tâm nào đó?”

Bà quý phi xinh đẹp chợt thở dài, một hơi thở dài rất dịu nhẹ, chỉ như là sự lay động của một cánh hoa trong làn sương sớm; một tí hổ thẹn thoáng gợn lăn tăn trong tâm tư bà: “Các cậu thanh niên này là vậy, còn mình thì cứ cố mà hưởng thụ, mà thỏa mãn cái tuổi thanh xuân!”

Bà Khemā lần bước theo âm thanh với tám tuyệt hảo của đức Phật từ nhà giảng rộng lớn vọng ra. Xung quanh lặng ngắt như tờ. Bà cảm thấy ở đây rõ ràng là có một thế giới khác mà dường như nó không hề lây nhiễm một hạt bụi tục lụy nào. Nội tâm bà chợt như bắt gặp được một cái gì, một hình ảnh nào, một gợi nhắc tế vi, thâm sâu từ đâu đó trong không gian tâm linh xưa cũ? Một không khí linh thiêng dập dờn trong ký ức mù sương?

Trong nhà giảng, chư Tăng và cận sự nam nữ hai hàng đang nghiêm cẩn nghe pháp. Đức Phật với dung nghi sáng rỡ; với ngôn ngữ trầm, ấm, vang, ngân, sắc, gọn, mạch lạc, sáng sủa1 cứ như từng đợt hải triều âm dịu dàng vọng giữa không gian. Người, vật, cỏ cây, mây nước dường như bị chìm ngập, bị thu nhiếp, bị tan hòa trong biển âm thanh vi diệu ấy. Bà quý phi Khemā xinh đẹp cũng bị cuốn hút bởi một năng lực siêu nhiên nào đó nên lặng lẽ quỳ xuống trước ngưỡng cửa nhà giảng.

1 Âm thanh với 8 tuyệt hảo: trầm, ấm, vang, ngân, sắc, gọn, mạch lạc, sáng sủa.

Khi bà nhìn lên thì hai bên đức Phật bổng ửng sáng, rồi từ trong đám mây ngũ sắc, hai cô tiên nữ bước ra, dung sắc mỹ lệ, phi phàm. Bà Khemā mở lớn đôi mắt bồ câu, sửng sốt. Đẹp quá. Cả hai vừa tuổi độ trăng tròn, trang sức xiêm y quá sức lộng lẫy, quá sức quý phái, quá sức kiêu sa, quá sức gợi cảm, quá sức mỹ miều không thể có được trên thế gian này! Bà thật tủi hổ khi từ lâu đã tự hào, kiêu hãnh bởi sắc đẹp của mình. Ôi! Năm vẻ đẹp của giai nhân trần thế có nghĩa gì với hai cô tiên nữ này. Đây phải là sự kết tụ tinh anh của ngàn hoa! Đây phải là linh hồn của nữ vương sắc đẹp đang hiện thân trong vóc dáng ngọc ngà kia; nó ở ngoài mọi tiêu chuẩn của cái đẹp, ở ngoài cả mọi ý tưởng, mọi ngôn ngữ diễn đạt! Bà Khemā lặng lẽ chiêm ngưỡng không chán mắt.

Không lâu lắm, dường như chỉ mới thoáng lát thôi, chợt, một làn gió nhẹ lay động, một màn sương mờ thoáng qua, có sự thay đổi nào đó trên sắc diện cùng vóc ngọc, dáng ngà của hai cô tiên nữ. Ồ! Nó thay đổi rất nhanh! Mới đó mà đã trở thành thanh nữ rồi. Đôi mắt hoa sen ẩn trong màu nước trong xanh vời vợi kia đã có gì đổi khác! Hai bờ môi chín mọng đỏ hồng như quả chà là đã có pha ở đấy một chút gió, chút sương! Làn da trắng mịn như chồi măng non đã mơ hồ có một làn mây nhạt phớt qua. Cặp nhũ đầy đặn, căng tròn như búp sen đã bắt đầu tiêu hao nhựa sống! Cái eo thon thả rồi nở ra cái lưng ong, cái mông ong đã có dấu hiệu chững lại! Và rồi, kìa, có sự thay đổi rất nhanh nữa, đã trở thành thiếu phụ, lão phụ trong một thoáng mắt! Bà Khemā bàng hoàng! Ôi! Còn đâu sắc đẹp thanh tân, trinh bạch, diễm kiều? Còn đâu vóc dáng tơ nõn căng tròn nhựa sống? Hai cô tiên nữ kia, bây giờ chỉ còn là hai cái xác nhăn nheo, nước da sạm đen mốc thếch và sần sùi như làn da cóc. Răng rụng, móm mém, phều phào nước nhớt, nước dải rỉ ra từ hai bên mép; tóc bạc lốm đốm bụi bẩn, tay chân run rẩy, cái lưng cong gập xuống như cái giàn xay! Còn nữa, cả hai chợt ôm bụng, nhăn nhó, đau khổ, quằn quại; khuôn mặt méo mó, mắt như lồi ra, rên rỉ thảm não. Rồi cả hai bỗng co quắp, đổ ụp xuống, trợn mắt, ngoẹo đầu, tắt thở trong cảnh kinh hoàng, kinh khiếp. Nhìn cảnh tượng ấy, bà Khemā tràn đầy kinh cảm, rởn cả tóc gáy, tự nói với chính mình:“Ôi! Có gì nữa mà tự hào, hãnh diện? Ngươi đã thấy chưa, đã sáng mắt ra chưa hỡi con Khemā si mê, ngu ngốc! Tuổi trẻ, sắc đẹp, vóc dáng thanh xuân rồi sẽ một thoáng qua mau! Bệnh hoạn, già yếu, thống khổ, tử vong một lúc nào đó như cơn lũ lớn, nó sẽ cuốn trôi tất cả, phá sản tất cả, diệt mất tất cả. Hãy thức tỉnh đi thôi!”

Đức Phật đã biến hóa ra hai cô tiên nữ, chỉ có ngài, các bậc có thắng trí và bà Khemā trông thấy, cốt để giáo hóa người đàn bà quý phái. Đúng lúc, bà như vừa tỉnh lại sau cơn mộng dài, đức Phật rót vào tai bà một bài kệ ngôn:

Này con! Này Khemā! Hãy thấy thực cái thân Cái thân là như vậy đấy! Rồi nó sẽ già yếu

Rồi nó sẽ nhăn nheo

Rồi nó sẽ xấu xí

Nhờm gớm bởi tạp uế

Dầu có nâng niu, tô vẻ

Dầu có ướp hoa, xông hương Nó cũng sẽ tàn úa và tử vong Chỉ có kẻ thiểu trí, mê si

Mới đam luyến, ấp iu cái thân

Hãy tỉnh lại, này con! Hãy bước vào giáo pháp Hãy bắt đầu tu tập

Hãy nhàm chán các sắc Hãy trú thân hành niệm Hãy quán thân bất tịnh Từ bỏ mọi say đắm

Cả bên trong, bên ngoài Hãy thấy dòng bộc ái Cuốn trôi bao chúng sanh Con nhện tự dệt lưới

Tự mình sa vào tròng Hãy cắt đứt buộc ràng Hãy thoát ly ái niệm Với đời sống xuất gia

Tầm cầu chân hạnh phúc!

Bài kệ vừa kết thúc, bà Khemā đi vào giảng đường bằng đầu gối rồi quỳ sụp xuống, gục khóc lặng lẽ, không thốt nên lời. Do căn cơ sâu dày, bà đã chứng quả Nhập Lưu. Sau đó, để cho cảm xúc lắng xuống, bà Khemā tri ân thời pháp bất tử, tri ân phương tiện thiện xảo; với tâm đại bi, đức Phật đã cho bà uống một liều thần dược để tỉnh giấc mộng đam mê, luyến ái cái thân bất tịnh. Cuối cùng, bà xin được sám hối với đức Phật, với Giáo pháp, với chư Tăng thánh hạnh.

- Thôi được rồi, đủ rồi, Khemā! Như Lai xác chứng cho bà, từ nay đã rửa sạch cát bụi trong mắt.

Trở về hoàng cung với một con người hoàn toàn tươi mới, bà quý phi xinh đẹp tìm gặp đức vua Bimbisāra, hoan hỷ thốt lên rằng:

- Thật là tuyệt vời, hiền huynh ơi!

Nhìn vào đôi mắt rạng rỡ như có hào quang của người quý phi yêu dấu, đức vua nói:

- Quả là kỳ lạ quá sức! Kỳ lạ quá sức! Hôm nay nàng lại gọi ta là hiền huynh?

- Đúng vậy!

- Thế là đã có một cuộc chuyển hóa vĩ đại sau khi hiền muội ghé thăm Trúc Lâm đại tịnh xá, nó đẹp như công viên Hỷ Lâm của cõi trời Đao Lợi chăng?

- Hơn cả thế nữa, này hiền huynh yêu quý!

Thế rồi, huynh muội họ tâm sự với nhau. Và sau đó bà xin phép đức vua để đi xuất gia.

Đức vua hiền thiện chấp tay lên đỉnh đầu, tán thán:

- Hiền muội ngỡ là đi sau ta mà hóa ra đã đi trước ta một bước trong giáo pháp thanh tịnh rồi! Ôi! Quý hóa thay! Đẹp thay! Lành thay!

Mấy ngày hôm sau, bà quý phi xinh đẹp đến xin xuất gia tại Ni viện trên một cái võng bằng lưới vàng với một trăm thị nữ theo hầu, có đức vua, chánh hậu Videhi, các quan đại thần, các vị công nương cùng đến tham dự cuộc lễ.

Đức Phật đích thân chứng minh, các vị trưởng lão làm lễ thụ giới cho nàng trước sự chứng kiến của Tăng Ni hai viện, triều đình cũng như hai hàng cư sĩ.

Niềm vui thanh cao, thánh thiện làm cho khuôn mặt của đức vua như tỏa hào quang, ông rộng tay mở kho tàng, đặt bát cúng dường suốt bảy ngày, gồm đủ mọi lễ phẩm phụ tùy đến đức Phật và Tăng Ni để kỷ niệm ngày mừng vui trọng đại của hoàng gia. Đức vua hiền thiện này còn làm một nghĩa cử cao đẹp là lập luôn bốn trại chẩn bần bên ngoài bốn cổng thành để bố thí cho những người nghèo khổ, cơ nhỡ, già cả, neo đơn. Ngoài ra, mọi châu báu, tư trang, tư dụng của mình, bà quý phi đều ủy thác cho đức vua và hoàng hậu để kiến thiết, chỉnh trang các tịnh xá trong kinh thành, nhất là sửa sang Ni viện.

Sự kiện hy hữu này, Tăng Ni cứ bàn tán mãi, chẳng rõ do nhân duyên kỳ lạ nào mà bà quý phi chỉ nghe một thời pháp, đã có thể từ bỏ tức khắc mọi vinh hoa phú quý thế tục để sống đời một nữ khất sĩ bần hàn!

Biết được mối nghi hoặc trong lòng của mọi người, tôn giả Sāriputta thỉnh đức Phật vén mở bức màn mù sương các kiếp tử sinh của bà quý phi để tăng trưởng đức tin cho hàng tỳ-khưu hậu học. Thuận theo mọi người, đức Phật đã kể chuyện tương đối đầy đủ, như sau:

- Cũng là duyên xưa, lối cũ thôi, này các thầy tỳ-khưu! Bà Khemā này có duyên căn rất thâm hậu. Kể từ thời đức Phật Padumuttara, cô sinh ra làm một nô tỳ cho một gia chủ trong thành phố Haṃsavatī. Đời sống cô rất nghèo hèn và cơ cực. Tuy nhiên, dung sắc cô rất đẹp, diễm kiều, khả ái; nhất là mái tóc đen dài, óng ánh, mượt mà thả xuống gót chân... Duyên may, hôm nọ, thấy trưởng lão Sujatā, vốn là đại đệ tử của đức Phật Padumuttara với nghi dung sáng rỡ, với lục căn thanh tịnh đang thong dong, tự tại trì bình khất thực nơi xóm nhà ven lộ. Phát khởi tâm tịnh tín, nhưng không có tiền, chỉ có vài xu lẻ, đủ để mua một chiếc bánh ngọt, cô thành kính đặt bát cúng dường! Với trí tuệ, với thắng trí, trưởng lão thoáng nhìn đã thấy, biết nhân, duyên và quả ở cô thí chủ này, nên ngài dịu dàng cất tiếng nói:

- Vật thí tuy nhỏ nhoi, nhưng tâm cô thành kính, tịnh tín nên nó đẹp lắm, quý lắm! Cô có ước nguyện gì không?

- Thân phận con bé mọn, thấp thỏi, đâu dám ước nguyện gì cao xa; chỉ mong rằng, một kiếp nào đó, trong tương lai, có cơ duyên được đời sống xuất gia nhẹ nhàng, thanh thoát như tôn giả vậy.

- Cô sẽ có cơ duyên mỹ toàn, thù thắng và rồi sẽ được như nguyện.

Được sự động viên, khích lệ như thế nên khi nào hễ có dịp là cô lại đặt bát cúng dường, dù chút ít nhưng không mệt mỏi, bao giờ cũng hoan hỷ và mát mẻ. Trong một cuộc cúng dường lớn lên đức Phật và chư Tăng, không biết bao nhiêu là vua chúa, quan lại, triệu phú, doanh gia với tiền rừng, bạc bể, lương thực, thực phẩm như núi, thượng vị loại cứng, loại mềm, thấy vậy cô rất hổ thẹn vì thấy mình không có gì. Chợt nghĩ đến tài sản quý báu là mái tóc đẹp, hiếm có; cô gái, không ngần ngại, cắt ngay mái tóc đem bán. Người chủ tiệm cửa hàng trang điểm, là một con người không có lương tâm; biết mái tóc này là cực quý; nhưng nhìn thấy cô gái nghèo hèn, thuộc giới cấp thấp cổ, bé miệng, nên chỉ trả cho cô hai đồng tiền vàng mà thôi! Lại còn miệng lưỡi đãi bôi, nói là cám cảnh hoàn cảnh của cô nên đã mua với giá rất cao! Cô gái không buồn về chuyện ấy, bèn hối hả sắm sanh lễ phẩm để chung hội thí với mọi người!

Đức Phật với thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm thuần tịnh siêu nhân, ngài biết tất cả sự việc xảy ra. Sớm hôm ấy, đức Phật ôm bát, không dừng lại nơi chỗ phú quý của vua chúa, không dừng lại nơi chỗ cao sang của các quan đại thần; và bỏ qua thượng phẩm của tất cả triệu phú, doanh gia, các đại gia chủ để đi đến nơi mâm vật thực nghèo nàn của cô gái. Mừng đến nỗi nước mắt cứ giọt ngắn, giọt dài, cô gái trân trọng đặt bát cho đức Thế Tôn trước hằng ngàn đôi mắt ngưỡng mộ lẫn ghen tỵ của mọi người. Để cho phước báu của cô gái càng thêm viên mãn, đức Phật bảo thị giả xếp gấp tấm tăng-già-lê làm bốn trải lên nền đất rồi ngài ngồi xuống, an tĩnh, thanh tịnh độ thực ngay tại chỗ.

Cô gái quỳ xuống, chấp tay hầu một bên.

Đặt bát cho chư Tăng đại chúng xong, mọi người quây quần lại xin cô gái chia phước. Cô vui mừng lắm, nhưng không biết chia phước ra làm sao.

Đức Phật mỉm cười, ân cần dạy rằng:

- Con thành kính chấp tay lên, đặt ngay nơi chỗ trái tim của mình, và phải làm thế nào để cho ngôn ngữ, tâm hồn và ý nghĩ kết hợp làm một, rồi nói như thế này: “Tôi rất hoan hỷ, đại hoan hỷ chia phước đến cho tất thảy mọi người”. Con biết tại sao không? Phước như ngọn đèn. Con đang có một ngọn đèn sau khi cúng dường đến Như Lai. Ngọn đèn ấy, nếu con cho một trăm người thắp, ngàn người thắp thì ánh sáng đèn cứ thế mà lan tỏa ra mãi; nhưng ngọn đèn trong tay con vẫn không hao hụt, không suy suyển một chút nào. Nó vẫn nguyên vẹn!

Thế rồi, sau khi cô gái chia phước, mọi người đồng rân hô lớn, lành thay, làm cho cả đại địa và các tầng trời cũng phải rung rinh.

Vị đại vương chí tôn kinh thành Haṃsavatī nghe chuyện cô gái, rưng rưng cảm động, xiết bao thương quý, nên chiều ấy, cùng hai thị vệ, hỏi đường, tìm đến thăm tận nhà. Ngạc nhiên thấy cô gái đẹp quá, lại ở trong cái chòi rách nát với một cậu em trai. Đức vua trẻ thấy trái tim rung động, không muốn giấu giếm thân phận mình, nói thật với cô gái và muốn rước cô gái về hoàng cung. Cô gái thấy chàng trai cao sang, tuấn tú cũng nghe lòng mình bồi hồi, xao xuyến. Có gì lạ đâu, họ đã từng là vợ chồng trong nhiều kiếp quá khứ rồi!

Lạ thay, khi cô gái vừa cúi đầu xuống, hổ thẹn, ngầm ý chấp thuận thì mái tóc của cô ta dài ra như cũ. Đức vua trố mắt nhìn. Chỉ có đức Phật và các bậc có thắng trí mới biết phép lạ ấy có được là bởi Đế Thích thiên chủ. Hôm ấy, khi cô gái cắt bán mái tóc thanh xuân, mua vật thực cúng dường đức Phật và được đức Phật thọ nhận rồi độ thực ngay tại chỗ thì tại Đao Lợi thiên cung, tảng đá vàng làm ngai ngồi của ông chợt nóng ran lên. Đây là dấu hiệu, lúc nào tại nhân gian có ai đó làm phước, mà phước báu ấy rất cao thượng, lúc trả quả, có thể thắng trội, vượt trội có khả năng chiếm lĩnh ngay cả ngai vàng của ông ta. Dùng thiên nhãn ngắm nhìn, Đế Thích thấy biết ngay nên ông đã ra tay ban chút phép mầu cho cô gái được lấy lại mái tóc đẹp của mình trước khi se duyên về cung với đức vua! Sau đó, cô gái được vua phong làm quý phi, sống một cuộc đời yên ấm, vương giả.

Một lần nọ, khi thấy đức Phật tuyên dương một tỳ- khưu-ni sáng chói đệ nhất về trí tuệ, bà đã ước nguyện sau này sẽ sở đắc như vậy. Và đức Phật Padumuttara đã thọ ký cho bà được như nguyện.

Hết kiếp sống ấy, do nhờ tâm tịnh tín và phước báu thù thắng ấy, cô ta luân chuyển trong các cõi trời và người với hạnh phúc sang cả và thù thắng, luôn là hoàng hậu, chánh hậu, vương phi các vị vua trời và các đức Chuyển luân Thánh vương.

Đến thời Phật Vipassī, bà được xuất gia trong giáo pháp này, được nổi tiếng là một tỳ-khưu-ni có trí phân tích với ngữ ngôn tinh tế, trong sáng kiêm cả tài hùng biện.

Đến thời Phật Kakusandha, cô thác sanh trong một gia đình cự phú, biết bố thí, trì giới, có đức tin thiêng liêng với Tam Bảo, đã xây dựng một trú xứ vĩ đại, khang trang, đẹp đẽ để cúng dường đến đức Phật và mấy chục ngàn Tăng chúng có chỗ tĩnh cư.

Đến thời Phật Koṇāgamana, tâm tịnh tín và sự bố thí cúng dường của cô vẫn đi theo ước nguyện cũ, vẫn là những đại tịnh xá, đại lâm viên cho đức Phật và giáo hội.

Đến thời Phật Kassapa, bà tên là Samanī, là trưởng công chúa con đức vua Kikī nước Kāsi, kinh thành Bārāṇasī, đã khẩn khoản xin xuất gia nhưng không thuận duyên, do hai thân không cho phép. Thế là bảy chị em, gồm Samanī, Samaṇagutta, Bhikkhunī, Bhikkhudāyika, Dhammā, Sudhammā và Saṅghadāyika sống trong những cung điện nguy nga tráng lệ. Tuy nhiên, do căn tu nhiều đời, họ thường hay đi nghe pháp, sống rất có giới hạnh và bố thí cúng dường không mệt mỏi.

Này các thầy tỳ-khưu, đừng tưởng vị trưởng công chúa Samanī ấy là ai, chính là bà Khemā hiện nay đấy.

Kiếp hiện tại, bà sanh ra trong gia đình hoàng tộc, thành phố Sāgala, nước Madda, sau thành quý phi của đức vua Bimbisāra vậy.

Thế là sau nửa tháng xuất gia, do nhân duyên nhiều đời bà đắc quả A-la-hán, đồng thời, sở đắc những thắng trí, ngôn ngữ, biện tài, được đức Phật khen ngợi, tuyên dương là bậc “trí tuệ đệ nhất” trong hàng Ni chúng. Như vậy là tự bà đã lấy lại phẩm vị từ ước nguyện xưa của mình khi quỳ dưới chân đức Phật Padumuttara, đã được ngài hứa khả.

- Như Lai xác nhận như vậy - và như để tuyên dương công hạnh của tỳ-khưu-ni Khemā, đức Phật hỏi tiếp - Mấy năm nay, con gái tu tập ra sao?

- Bạch Thế Tôn! Có lẽ do duyên phúc cổ xưa dày dặn nên sau khi xuất gia xong, đệ tử tìm cách thích ứng ngay với hoàn cảnh mới, đời sống mới. Hãy thôi đi thượng vị loại cứng loại mềm. Hãy thôi đi xiêm lụa mịn màng, thơm tho với chất liệu và đo may tuyệt hảo. Hãy thôi đi giường nệm, gối kê, gối đỡ êm ái, cao sang. Hãy thôi đi tới lui xe ngựa kẻ hầu người đón, kẻ quạt, người nâng! Hãy thôi đi vào ra kiểu cách, quý phái tự khoe, tự hào về sắc đẹp của mình! Từ rày, ăn, mặc, ngủ - gì cũng được, gì cũng xong! Tuy ban đầu thật là khó khăn, vất vả; nhưng cứ cố gắng, cố gắng, cứ tâm niệm mãi, riết rồi cũng quen, cũng vô vi, vô sự như ai! Khi đã thích ứng được rồi thì có được niềm vui tinh thần vô cùng lớn lao! Niềm vui này nó rất nhẹ nhàng, rất thanh khiết, nó lâng lâng hỷ lạc cả ngày! Hôm kia, vào khoảng tháng thứ bảy sau khi xuất gia, đệ tử nhìn ngọn đèn dầu lạc với tim và bấc, nó cháy sáng như thế nào rồi dần dần lụn tắt như thế nào. Dựa trên nền tảng có điều kiện, sinh diệt ấy; đệ tử quán tưởng cái thân được kết hợp hữu vi này. Từ đó, đệ tử đi sâu vào cảm thọ, tâm hành... thì thấy chúng cũng rỗng không, sinh diệt, vô tự tính. Khi thấy rõ danh sắc sinh diệt quá nhanh đệ tử bắt đầu nhàm chán các dục, các ái, chứng nghiệm sâu xa các trạng thái vắng lặng, tịch tịnh, thanh bình của tâm trí. Ôi! Quả thật là hạnh phúc! Rồi cũng từ đấy, đệ tử dễ dàng đi sâu vào định, vào tuệ, vào tuệ phân tích cùng các thắng trí! Thế là việc lớn, đệ tử đã làm xong, gánh nặng tử sinh đệ tử đã đặt xuống, bạch đức Thế Tôn!

Chợt đức Phật nói với tôn giả Sāriputta:

- Con gái của Như Lai đã nói lên sự tu tập của mình, định, tuệ, tuệ phân tích và các thắng trí, vậy ông có cách gì để cho đại chúng được thấy, được biết là con gái của Như Lai đã thuần thục trong các định, tuệ, đắc Tứ vô ngại giải và tự mình thành thục, thông suốt cả Abhidhamma (A-tỳ-đàm)?

- Thưa vâng, bạch đức Thế Tôn!

Thế rồi, bậc Tướng quân chánh pháp bước ra, mỉm cười, nhẹ nhàng đặt ba câu hỏi về sắc, ba câu hỏi về danh, ba câu hỏi về uẩn, ba câu hỏi về xứ, ba câu hỏi về giới, ba câu hỏi về tâm, ba câu hỏi về tâm sở, ba câu hỏi về sắc pháp, ba câu hỏi về Niết-bàn. Câu hỏi nào cũng ngắn gọn nhưng trọng lượng cả ngàn cân. Câu hỏi nào cũng hàm tàng kiến thức về giáo pháp nhưng nghiêng trọng ở kinh nghiệm, thực nghiệm tu chứng nội tâm. Cả pháp đường yên lặng phăng phắc. Một con ruồi bay cũng nghe được tiếng vo ve. Rồi tuần tự, trầm tĩnh và chín chắn, tỳ-khưu- ni Khemā lần lượt trả lời, giải minh; không bập bẹ, không phều phào, không ấp úng, không gián đoạn mà nó lưu loát, gãy gọn, sáng sủa, liền lạc. Nó trôi chảy như lượng nước của trăm con sông dài. Cũng không chỉ có vậy, nó như nước chảy ra tự nguồn, cái nguồn suối trong vắt được tích lũy đâu tự ngàn xưa. Như sợi dây đàn căng đúng độ, chỉ cần một va động nhẹ là phát ra âm thanh... Tỳ-khưu- ni Khemā đã trả lời xong tất thảy mọi câu hỏi.

Tôn giả Sāriputta sau khi khảo nghiệm, đưa ra kết quả:

- Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử không hỏi về thắng trí vì biết vị tỳ-khưu-ni ưu hạng này đã có đủ năm thông. Còn về Tứ vô ngại giải và thông suốt Abhidhamma, đệ tử dám tuyên bố là trong hàng ni chúng chưa có người thứ hai!

Đức Phật tán thán:

- Đúng là vậy! Quả là hy hữu thay! Này con gái! Lời nguyện xưa, khi quỳ bên chân đức Chánh Đẳng Giác Padumuttara, cô đã thành tựu rồi đấy. Trước hội chúng Tăng Ni và cư sĩ hai hàng, hôm nay, Như Lai tuyên bố, tỳ- khưu-ni Khemā là bậc đệ nhất, tối thắng về trí tuệ trong hàng ni chúng (mahāpaññānaṃ aggā!)1

1 Anguttara nikaya. i.25; Dīpavaṃsa. Xviii. 9; cũng xem chú giải Dhamma- pada. Iv.168f.; Buddhavaṃsa. Xxvi.19; Jātaka. i.15,16.

Không có vinh hạnh nào hơn, vinh quang nào hơn khi lời tuyên bố ấy được nói ra từ đức Chánh Đẳng Giác!

Đại chúng hoảng kinh, vì khi đức Phật gọi con trai hay con gái là ngài đã xác chứng vị ấy đã đắc quả A-la-hán rồi. Nên khi tỳ-khưu-ni Khemā bước ra, ai cũng chăm chú nhìn. Trước đây, bà nổi tiếng về sắc đẹp; bây giờ, dẫu mặc y hoại sắc, phá tướng nhưng nét kiều diễm, duyên dáng xưa vẫn không phai mờ. Trong mắt một số người, thì bây giờ, cái đẹp ấy được phủ bên ngoài một lớp đức hạnh và trí tuệ nữa, nên đã vượt xa phàm sắc thế tình, thiêng liêng và mỹ toàn hơn!

Riêng đức vua Bimbisāra thì cảm giác một hạnh phúc tràn đầy, chất ngất! Đức vua chợt thực hiện một hành động rất đẹp, là sau lời tuyên bố của đức Phật, ông đã bước ra từ chỗ ngồi danh dự, đến đảnh lễ đức Phật với năm vóc sát đất. Rồi ông cũng làm như thế trước tỳ-khưu- ni Khemā với thái độ vô cùng tôn kính, chậm rãi nói rằng:

- Trước đây, nàng là bà hoàng, là bậc ái phi vô cùng trân quý của trẫm, nhưng nay thì khác rồi! Nay thì nàng đã là bậc xuất gia phạm hạnh, còn là bậc đệ nhất về trí tuệ qua xác chứng của đức Tôn sư và bậc Tướng quân chánh pháp! Vậy, từ rày về sau, trẫm với tâm phục, khẩu phục xin làm bổn phận của một đệ tử, một thiện nam ngoan ngoãn và thuần thành nhất!

Cả giảng đường lớn rộng rộ lên lời tán thán, ca ngợi không ngớt, lâu sau mới yên lặng được.

Đức Phật nói lời cuối cùng, khép lại buổi giảng:

- Vậy là đã rõ, ở đây cũng là duyên xưa lối cũ nữa! Nhân, duyên và quả ấy thật là sâu thẳm, thật là nhiệm mầu. Hãy ngẫm mà xem! Thế ra, đôi khi chỉ một cành hoa, một tí bột hương, một miếng cơm, một muỗng canh, một cái bánh ngọt, một cây kim, một sợi chỉ, một ngọn đèn, một hình bóng y vàng thoáng qua, một khung cảnh thanh tịnh của am môn, một lời kinh, một câu pháp, một tình, một nghĩa... đã gieo ươm ở đâu đó, trong chợt thoáng nào đó, trong một kiếp phù du trôi nổi bọt bèo nào đó, nhưng mà chúng có mất đi đâu! Tất thảy, tất thảy hằng sa vạn tượng, khi một nhân đã gieo, một duyên hỗ trợ, đã gặp gỡ, đã gắn kết thì nó sẽ trùng trùng duyên khởi, duyên sở duyên để trước sau, sớm muộn gì cũng tao ngộ chánh pháp, đặt được bàn chân bất tử trong giáo pháp của chư Chánh Đẳng Giác! Các người hãy ghi tâm, khắc cốt lời của Như Lai hôm nay.

Cả pháp đường vang lên Sādhu, lành thay!”

Tỳ-khưu-ni Khemā càng ngày càng nổi tiếng không những do tuệ giải thoát vô lậu, khả năng thần thông, thuyết pháp mà còn trí thông minh lỗi lạc, hoàn tất nhiều nhiệm vụ của bậc xuất gia.

Một lần khi tỳ-khưu-ni Khemā ở Toraṇavatthu, nằm giữa thành Sāvatthi và Sāketa, đức vua Pāsenadi đã trú tại đó một đêm, khi nghe tin cô có mặt ở đấy nên ông đã ghé thăm và chất vấn cô ta với câu hỏi đại ý rằng: Đức Phật có tồn tại sau khi nhập diệt hay chăng, không tồn tại sau khi nhập diệt chăng, vừa có vừa không tồn tại sau khi nhập diệt chăng, không có không không sau khi nhập diệt chăng? Cô ta đã trả lời với đức vua rằng:

- Đại vương có biết đấy là câu hỏi thuộc về hí luận chăng? Có biết đấy là câu hỏi mà bậc trí sẽ im lặng chăng? Có biết đấy là câu hỏi loanh quanh luẩn quẩn trong bốn phạm trù triết học nó thuộc về trí năng phù phiếm chăng?

Khi thấy đức vua có vẻ lúng túng thì cô lại mỉm cười, nói tiếp:

- Đức Phật Niết-bàn vô dư, là thực tại tối hậu, nó ở ngoài tương đối, vượt tương đối, ở ngoài mọi ngôn ngữ khái niệm, ở ngoài mọi lập tri của kiến thức mà bốn phạm trù ‘có, không, vừa có vừa không, không có không không’ kia chẳng với tới được? Tại chỗ này, ai thâm chứng thì khắc biết như thế nào, tương tự uống nước, nóng hay lạnh chỉ tự người ấy biết, tâu đại vương!”

Đức vua rất khâm phục. Sau đó, có dịp gặp đức Phật thì ngài cũng nói, là nếu hỏi Như Lai vấn đề ấy thì Như lai cũng trả lời như vậy không khác hơn.

Có lần, khi đang ngồi thiền dưới gốc cây thì một ma vương hiện ra với hình ảnh một thanh niên trẻ đẹp, tuấn tú quyến dụ bà với bài kệ như sau:

Nàng vừa trẻ đẹp vừa duyên dáng, đang còn trong tuổi thanh xuân diễm lệ, mà ta đây cũng vậy. Sao chúng ta không trỗi một khúc nhạc huyền cầm rồi cùng nhau hưởng thụ thú vui sắc dục khả ý, khả lạc?

Rồi tỳ-khưu-ni Khemā đã đáp trả lại mấy đoạn kệ sau đây:

Ngươi nói gì vậy, hỡi ma vương? Cái gọi là trẻ đẹp, thanh

xuân, duyên dáng và diễm lệ kia? Chính ta đã tự hổ thẹn, đã tự khổ sở và mắc cỡ vì cái thân xác ngu si, vô tri, bệnh hoạn, bất tịnh và thối rữa này! Hiện tại thì ta đã nhổ tiệt, bứng tận cái gốc ái luyến tự ngã ấy rồi!

Ngươi không biết đâu, mà có lẽ muôn triệu năm bóng tối ngươi cũng không tự biết, là tham dục được ví như gươm giáo và cây cọc của đoạn đầu đài, ngươi đã đặt cái đầu, cái cần cổ của ngươi ở đấy chưa? Ai đi vào mê lộ của nó sẽ đau khổ, thống khổ, chua cay, thất bại và hoàn toàn bất lực, tuyệt vọng. Còn riêng ta, ta đã làm tiêu ma các dục, các uẩn, đã đoạn trừ tất thảy các trò chơi thống lụy và điên đảo kia rồi! Đừng giở trò ngu ngốc mà quyến dụ ta nữa.

y đi vào núi mà tìm gặp các đạo sĩ thờ thần mặt trời, thần mặt trăng, đảnh lễ thần mặt trời, thần mặt trăng! Hãy đi vào núi tìm gặp các đạo sĩ thờ thần lửa, đảnh lễ thần lửa và hỏi cách chăm sóc ngọn lửa! Bọn đạo sĩ si mê ấy được thế gian cho là thanh tịnh, hiện ở trong quyền lực của ngươi đấy! Còn ta thì đừng có hòng! Ta đã vô hành, vô tạo tác và đã chấm dứt tất cả khát vọng, lậu hoặc, đã ở ngoài quyền lực của ngũ ma, trong đó có cả ngươi! Hãy tan vào bóng tối đi!

Do tuệ chứng, tâm chứng cùng nhiều khả năng trí tài, sau này, đức Phật giao nhiệm vụ cho tỳ-khưu-ni Khemā với vai trò như là một nữ đại đệ tử có trí tuệ đệ nhất, thường thuyết pháp hóa độ cho rất nhiều nữ giới tín phục, quy y hoặc sống đời xuất gia phạm hạnh.

Tỳ-khưu-ni Khemā trong nhiều kiếp trước được nhận biết là một người mẹ trong túc sanh truyện Uraga1, làm hoàng hậu trong hai tích chuyện Rohantamiga2 và Haṃsa3; là hoàng hậu Khemā trong Mahāhaṃsa4, và làm công chúa trong chuyện Mahājanaka5...

Cô được nói đến rất nhiều trong kinh điển6 như lý tưởng cao đẹp nhất của nữ giới đáng để noi theo và được mô tả như là một tỳ-khưu-ni xuất sắc.

1 Jātaka. Iii.168.

2 Jātaka. iv.423.

3 Cùng sách này., 430.

4 Jātaka. V. 382.

5 Jātaka. Vi. 68.

6 Như trong Anguttảa nikaya.i.88; 164; iv.347; Samyuttara nikāya.ii.236.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn