Nguồn Gốc Và Ý Nghĩa Của Chiếc Áo Cà Sa

16 Tháng Chín 201000:00(Xem: 61158)

NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỦA
CHIẾC ÁO CÀ SA

Hoang Phong

Gốc tiếng Phạn của chữ cà-sakasaya. Nhưng thật sự chữ kasaya trong tiếng Phạn không có nghĩa là áo mà có nghĩa là bạc màu, cáu cặn hay hư hoại. Sách tiếng Hán dịch chữ này là đạm (màu nhạt), trọc hay trược (đục, dơ bẩn, ô nhiễm, rác bẩn), hoặc còn dịch là hoại sắc, bất chính sắc, hư nát, dính bẩn…Tóm lại chiếc áo cà-sa của người xuất gia tu Phật, của hàng tỳ kheo,…tượng trưng cho những gì nghèo nàn, thô sơ, tầm thường, và khiêm nhường nhất. Người đọc, nếu chưa có ý niệm gì về chiếc áo của một nhà tu Phật giáo, cũng có thể hơi ngạc nhiên khi đọc những điều vừa nêu trên đây.

aocasa001-contentThật vậy, kẻ thế tục thường hay đồng hoá chiếc áo với người tu hành hay Đạo Pháp của Đức Phật vì họ chỉ thấy những biểu tượng hay những quy ước mà thôi. Họ có thể cho rằng Đạo Pháp hay người tu hành thì rất cao cả, nhưng chiếc áo thì lại rất tầm thường, hoặc đôi khi cũng có thể hiểu ngược lại là chiếc áo tượng trưng cho sự cao cả, còn nhà sư thì lại tầm thường. Tầm thường ở đây có nghĩa là khiêm tốn, nhưng cũng có thể hiểu theo nghĩa đen là không xứng đáng để khoác lên người chiếc áo cà-sa. Bài viết không đề cập đến trường hợp theo nghĩa đen hiếm hoi này, tuy nhiên trên thực tế cũng có thể xảy ra được.

Ngày nay, nhiều tu viện lớn ở Miến điện vẫn còn giữ được truyền thống thật xưa, theo đó các nhà sư phải tự đi nhặt những mảnh vải vụn, những tấm khăn đắp hay liệm người chết vứt bỏ ở những nơi hỏa táng, nghĩa địa hay những đống rác, rồi đem về tự mình chắp nối và may lấy áo để mặc. Mỗi người chỉ được phép có ba chiếc áo như thế, thêm một bình bát để khất thực và một bàn chải đánh răng, thế thôi. Đến đôi dép cũng không có vì họ đi chân đất, và có lẽ đây là một truyền thống rất lâu đời, từ thời Đức Phật còn tại thế. Tóm lại, chiếc áo cà-sa không bao giờ mang màu sắc sặc sỡ, kết ren hay thêu thùa. Chiếc áo của người tu hành không phải là một hình thức để tạo ra ảo giác, không được dùng để loè mắt những người thế tục…Chiếc áo cà-sa là biểu tượng của những gì khiêm tốn, đơn sơ và tầm thường nhất mà ta có thể tưởng tượng được. Tuy nhiên đồng thời, chiếc áo cà-sa lại cũng là biểu tượng của Đạo Pháp, do đó cũng tượng trưng cho những gì cao cả, thâm sâu và thiêng liêng nhất, vượt lên trên sự hiểu biết quy ước của chúng ta.

Trên thực tế thì ngày nay chiếc áo cà-sa đã biến đổi ít nhiều tùy theo phong thổ, tập quán, chủng tộc, học phái…Nhưng dù cho có biến đổi thế nào đi nữa thì chiếc áo cà-sa vẫn giữ được ý nghĩa nguyên thủy của nó : sự đơn sơ, khiêm nhường, trân quý và cao cả.

Bài viết này sẽ lần lượt chọn hai thí dụ điển hình, một thuộc Nam tông và một thuộc Thiền học trong Bắc tông để trình bày những biến đổi từ quan niệm đến hình thức của chiếc áo cà-sa, và sau đó sẽ lạm bàn xa hơn về ý nghĩa của chiếc áo ấy.

Nguồn gốc, tên gọi và những biểu tượng của chiếc áo cà-sa

Theo Luật Tạng (Vinaya), Tăng đoàn của Phật lúc ban đầu ăn mặc không khác biệt gì với những người tu hành thuộc các truyền thống tôn giáo khác. Vì thế vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara) đề nghị với Phật xin cho các đệ tử được ăn mặc khác hơn để mọi người dễ nhận ra. Đúng vào thời điểm ấy, Phật và người đệ tử thân cận nhất là A-nan-đà đang du hành ở phương Nam để thuyết giảng. Phật nhìn thấy những thửa ruộng lúa hình chữ nhật, chia cắt bởi những con đê tăm tắp, liền bảo A-nan-đà cứ theo mẫu ấy mà may áo cho Tăng đoàn. Vì thế, trong kinh sách tiếng Hán, chiếc áo cà-sa còn gọi là Cát triệt y hay Điền tướng y, mảnh áo mang hình những thửa ruộng, tượng trưng cho sự phong phú và phúc hạnh.

aocasa002-contentCâu chuyện này cũng đã bắt đầu cho thấy những dấu hiệu của sự biến dạng. Cách so sánh khá thi vị trên đây đòi hỏi đến trí tưởng tượng và những ước mơ phù hợp với các tiêu chuẩn và quan niệm quy ước về hạnh phúc và giàu sang của thời đại bấy giờ, nghĩa là không có gì là Đạo Pháp cả. Như đã trình bày trong phần nhập đề, chiếc áo cà-sa gồm nhiều mảnh ráp lại vì đó là những mảnh vải vụn nhặt được ở bãi tha ma, tượng trưng cho những gì tầm thường nhất và cũng để nhắc nhở người tu hành về tấm thân vô thường của họ.

Tiếng Hán còn gọi chiếc áo cà-sa Đoạn phục, Pháp y, Nhẫn nhục khải, Giải thoát chàng, Cà-sa-duệ, Già-sa-dã…, các chữ này hàm chứa một ý nghĩa đại cương là dứt bỏ, bất chính, ô uế, nhiễm bẩn, có màu xích sắc (màu đỏ)… Theo sách tiếng Hán, áo không bắt buộc phải nhuộm bằng một màu nhất định nào cả, chỉ cần tránh không dùng năm màu chính là xanh, vàng, đỏ, trắng và đen, và đồng thời có thể pha trộn nhiều màu với nhau để tạo ra một màu xích sắc thật bẩn thỉu, đúng theo ý nghĩa nguyên thủy của chữ kasaya trong tiếng Phạn. Áo gồm nhiều mảnh, có thể mỗi mảnh một màu, vì đó là những mảnh vải nhặt được và khâu lại với nhau. Ngày nay tùy theo học phái, địa phương, phong tục, khí hậu…mà chiếc áo cà-sa cũng biến dạng đi, từ cách may cho đến màu sắc : màu vàng ở Ấn độ và các nước theo truyền thống Nam tông ; các màu vàng, màu lam, nâu, nâu đỏ (nhuộm bằng vỏ cây mộc lan, hay củ nâu) như ở Việt Nam và Trung quốc ; màu lam ở Hàn quốc ; màu đen hay nâu đen (màu trà) ở Nhật ; màu vàng nghệ hay nâu đỏ ở Tây tạng…Nói chung có ba màu chính gọi là như pháp cà-sa sắc tam chủng (ba màu sắc của áo cà-sa theo phép quy định) : tức màu gần như đen (màu thâm, màu bùn dất), màu xanh (màu rỉ đồng), màu gần như đỏ (màu hoa quả).

Pháp y của người tu hành gồm có ba loại : Đại, Trung và Tiểu. Loại nhỏ, Tiểu y, gọi là An-đà-hội (Antarvasaka), áo này gồm có năm mảnh ráp lại (ngũ điều). Áo kiểu Trung gọi là Uất-đa-la-tăng (Yttara-Samgha) gồm có bẩy mảnh (thất điều). Áo kiểu rộng, Đại y, gọi là Tăng-già-lê (Samghati), gồm chín mảnh (cửu điều). Trên đây là các loại áo cà-sa có gốc từ Ấn độ. Tùy theo xứ lạnh hay nóng bức, những nơi giá rét có thể mặc áo tiểu và trung bên trong, rồi mặc thêm áo cửu điều bên ngoài.

Chiếc áo cà-sa dùng để che thân, để đắp, để gối đầu hoặc để gấp lại và ngồi lên đó như một tọa cụ. Kinh Bát-nhã có kể chuyện Phật cùng với các đồ đệ sau khi khất thực về, ăn xong, Phật tự lau rửa bình bát, sau đó tự tay xếp áo cà-sa làm tọa cụ và ngồi lên đó để thuyết giảng. Có khi các đồ đệ lấy áo của mình xếp chồng lên nhau để Phật ngồi.

Công dụng của chiếc áo cà-sa thiết thực như thế, nhưng dần dần người ta gán thêm cho nó nhiều đức tính khác nữa. Kinh Bi hoa kể chuyện áo Cà-sa ngũ đức và kể các đức ấy ra như sau : 1. Người thế tục nếu biết kính trọng cà-sa sẽ tiếp nhận được Tam Thừa (tức Thanh văn thừa, Duyên giác thừaBồ-tát thừa), 2. Thiên long nhân quỷ nếu biết kính cà-sa cũng đắc Tam thừa, 3. Quỷ thần và chúng sinh chỉ cần bốn tấc vải của chiếc áo cà-sa cũng được no đủ, 4. Chúng sinh hằng tâm niệm về chiếc áo cà-sa sẽ phát sinh được lòng Từ bi, 5. Giữa nơi trận mạc, nếu có được một mảnh nhỏ áo cà-sa và biết cung kính mảnh áo ấy cũng thắng trận. Một quyển kinh khác là Tâm địa quán kinh lại nêu lên đến mười điều lợi của chiếc áo cà-sa và gọi là Cà-sa thập lợi : 1. Che thân khỏi thẹn ngượng, 2. Tránh ruồi muỗi, nóng rét, 3. Biểu thị các tướng tốt của người xuất gia, 4. Kho chứa châu báu (tức Diệu Pháp của Phật), 5. Phát sinh nghị lực gìn giữ giới hạnh, 6. Màu nhạt bẩn không làm phát sinh lòng ham muốn, 7. Mang đến sự thanh tịnh, 8. Tiêu trừ tội lỗi, 9. Mảnh đất tốt làm nẩy sinh Bồ-đề tâm, 10. Giống như áo giáp, mũi tên phiền não không đâm thủng được.

Kể lể dài dòng như trên đây chẳng qua vì mục đích muốn nêu lên một thí dụ điển hình trong việc thêm thắt và biến dạng đối với ý nghĩa của chiếc áo cà-sa. Chẳng hạn như đức tính thứ năm do Kinh Bi hoa kể : « nơi trận mạc, nếu có một mảnh nhỏ cà-sa và biết cung kính cũng thắng trận », đức tính này có lẽ không phù hợp lắm với Đạo Pháp của Phật. Dù sao cũng xin phép được tiếp tục kể thêm rằng một vài kinh sách gốc Hán đã đặt cho chiếc áo cà-sa đến mười hai danh hiệu khác nhau và gọi là Cà-sa thập nhị danh : 1. Cà-sa, 2. Đạo phục (áo của người tu hành), 3. Thế phục (áo của người xa lánh thế tục), 4. Pháp y (áo đúng theo quy định trong Đạo Pháp), 5. Ly trần tục (áo xa lánh lục trần), 6. Tiêu sấu phục (áo có khả năng tiêu trừ phiền não), 7. Liên hoa phục (áo như hoa sen không nhiễm bùn nhơ), 8. Gián sắc phục (áo đem nhuộm cốt ý làm hư hoại màu sắc), 9. Từ bi phục (áo của người thực thi đức Từ bi), 10. Phúc điền phục (áo gồm nhiều mảnh giống như những mảnh ruộng tượng trưng cho sự giàu có và phúc hạnh), 11. Ngọa cụ (áo dùng để lót lưng khi nằm), 12. Phu cụ (áo dùng làm chăn để đắp).

Tiếp theo ta hãy tìm hiểu ý nghĩa chiếc áo cà-sa trong hai trường hợp điển hình là Nam tông và Thiền tông.

Lễ Dâng y của Nam tông

Một trong những lễ hội lớn nhất và quan trọng nhất của Nam tông là lễ Dâng y trong dịp kiết hạ. Sau thời gian ba tháng an cư trong mùa mưa là lễ kiết hạ. Lễ kiết hạ đánh dấu ngày chấm dứt ẩn cư, tức thời gian không được phép đi ra ngoài của các tỳ kheo. Người Nam tông làm lễ này rất long trọng và gọi là lễ Dâng y hay Kathina. Thật sự chữ kathina trong tiếng Pali (tiếng Phạn là kathinya) không có nghĩa gì là áo hay dâng y mà có nghĩa là sự vững chắc và trong ngôn ngữ Pali chữ này lại có một nghĩa nữa là cái khung để dệt vải hay căng vải để may áo.

aocasa003Trong dịp lễ này, Phật tử dâng vải cho Tăng đoàn may áo cà-sa. Trước khi dâng, vải và các vật cúng dường khác được đặt vào mâm rồi đội lên đầu đi diễn hành trong thôn xóm, làng mạc trước khi đến Chùa để dâng lên các tỳ kheo. Các tỳ kheo phải chia nhau may cắt và phải may cho xong chiếc áo trong một ngày. Tục lệ này được đặt ra để nhắc lại sự tích người mẹ nuôi của Đức Phật, cũng là người Dì tức là em của mẹ Đức Phật, tên là Ma-ha Ba-xà-ba-đề Cồ-đàm-di (Mahaprajapati Gautami), đã từng thức suốt một đêm để hoàn tất chiếc áo cho Phật. Khi Phật sinh ra đời được bẩy ngày thì mẹ mất, người Dì đứng ra chăm sóc cho Phật. Sau này, khi Phật đạt được Giác ngộ, Bà đã xin quy y và thành lập Tăng đoàn các Tỳ kheo ni, vì thế Bà cũng là Ni sư đầu tiên của Phật giáo.

Quy luật an cư cần phải có tối thiểu năm tỳ kheo cho mỗi nhóm, và được hưởng một khúc vải dài độ ba thước. Theo nghi lễ, cả nhóm họp lại để cắt may, xong áo thì tặng cho tỳ kheo nào nghèo nhất, hoặc cho người nào thông thái nhất hay lớn tuổi nhất trong nhóm. Khi may xong, áo được căng lên một cái khung (kathina) rồi mời mọi người đến chiêm ngưỡng. Áo này được gọi là mahakathina. Sau đó, khung căng áo được tháo ra để tượng trưng cho sự nới lỏng một vài giới luật đối với các tỳ kheo. Nhưng trước đó trong suốt thời gian an cư, phải giữ khung căng áo nguyên vẹn vì là biểu tượng của giới luật phải giữ gìn. Vì thế, lễ kiết hạ của Nam tông mang tên là kathina tức là sự chặt chẽ, vững chắc đúng theo nghĩa của chữ này trong tiếng Phạn và tiếng Pali.

Trên đây là những tục lệ và ý nghĩa được thêm thắt và tô điểm qua thời gian. Kinh sách tiếng Pali có kể một câu chuyện như sau. Trước mùa an cư, có một nhóm tỳ kheo độ chừng ba mươi đến năm mươi người họp nhau cùng đi đến thành Xá-vệ (Savatthi) để được an cư bên cạnh Phật. Trên đường đến Xá-vệ thì không may họ gặp mưa bảo triền miên, đi đứng khó khăn, cho nên khi đến được Xá-vệ thì quần áo rách nát tả tơi và hạn an cư ba tháng đã chấm dứt. Khi thấy nhóm tỳ kheo đến trễ, quần áo tả tơi, Đức Phật bèn quyết định tạm thời lưu giữ toàn thể Tăng đoàn ở lại để vá hoặc may quần áo mới, do đó đã nới lỏng một vài giới luật. Cũng có một cách giải thích khác là tháng đầu tiên sau khi kiết hạ là tháng dành cho việc may mặc, vì thế nên một vài điều luật được tạm thời nới lỏng trong thời gian này để các tỳ kheo lo việc may áo cà-sa. Tuy rằng ngày nay, việc may mặc không còn là một mối quan tâm cho người tu hành, nhưng thói tục vẫn còn giữ để bảo tồn sự tương trợ giữa các tỳ kheo với nhau, giúp nhau trong việc may vá. Về phía người thế tục, thì họ cúng dường vải vóc để tự nhắc nhở phải nghĩ đến những khó khăn và thiếu thốn của người xuất gia.

Các câu chuyện trên đây cho thấy những biến dạng trong ý nghĩa của chiếc áo cà-sa đối với Nam tông. Tuy là những ý nghĩa thêm thắt nhưng vẫn giữ được truyền thống lâu đời. Những thêm thắt đó đã củng cố và tô điểm thêm cho Đạo Pháp và nhất là bày ra những tục lệ giúp một cách thiết thực vào việc tu hành.

Chiếc áo cà-sa và Thiền tông

Trước khi tịch diệt, Phật trao y bát cho người đệ tử uyên bác, kỷ cương và đạo hạnh nhất là Ma-ha Ca-diếp và khuyên bảo các tỳ-kheo khác sau này nên nghe theo những lời hướng dẫn của Ca-diếp. Thật ra khi Ma-ha Ca-diếp gặp Phật lần đầu, Phật đã trao áo của Ngài cho Ma-ha Ca-diếp rồi. Lúc ấy Phật đi từ thành Vương-xá (Rajagrha) đến địa phận Na-lan-đà, Ma-ha Ca-diếp gặp Phật đang đi trên đường và nhận ra ngay chính đây là Đức Thế Tôn. Ma-ha Ca-diếp phủ phục dưới chân Phật. Phật tuyên bố đây chính thực là một đệ tử của Ngài. Phật cởi áo để trao đổi với Ca-diếp và sau đó đã thuyết giảng riêng cho Ca-diếp. Nhờ thế chỉ tám ngày sau Ca-diếp đắc quả La-hán. Nhưng cũng nên hiểu rằng ngài Ca-diếp đã có căn tu trừ trước, đã dốc lòng tu tập trước khi gặp được Phật. Kinh sách kể chuyện ngài bỏ nhà đi tìm Đạo đúng vào ngày Đức Phật đạt được Giác ngộ. Sau này khi Đức Phật tịch diệt, chính ngài Ca-diếp đứng ra tổ chức lần kết tập đầu tiên những lời giảng huấn của Phật. Ma-ha Ca-diếp sống rất thọ, theo Kinh Tăng nhất A-hàm, Ma-ha Ca-diếp trèo lên hang Thạch đầu ở núi Kì-xà-quật (Kukkutapada) khoác lên người chiếc áo cà-sa của Phật rồi thệ nguyện rằng xác thân này sẽ không hư nát cho đến khi nào Phật Di Lặc hiển hiện để cứu độ chúng sinh. Sau lời phát nguyện, Ma-ha Ca-diếp nhập vào Niết bàn.

Một lần ở núi Linh thứu, trong một buổi đăng đàn, Đức Thế Tôn không thốt lên một lời nào cả, chỉ cầm một cánh hoa đưa lên cho mọi người xem. Tất cả đều ngơ ngác không ai hiểu gì, chỉ có một mình Ma-ha Ca-diếp nét mặt bừng tỉnh và mỉm cười. Truyền thuyết này gọi là « Niêm hoa vi tiếu » (cầm hoa mỉm cười), nêu lên khái niệm về sự tinh tế và cao siêu của Giác ngộ không thể trình bày hay diễn đạt bằng lời nói được. Yên lặng tượng trưng cho sự quán nhận trực tiếp, vượt lên trên ngôn từ và sự hiểu biết quy ước của chúng ta. Đây cũng là một đặc thù của Thiền học, và cũng vì thế ngài Ca-diếp được xem là tổ thứ nhất của Thiền tông trên đất Ấn.

Ngài Ma-ha Ca-diếp về sau lại trao y bát của mình cho A-nan-đà. Tục lệ truyền thụ này tiếp tục trên đất Ấn cho đến tổ thứ 28 là Bồ-đề-đạt-ma (~470-543), tức là đã kéo dài gần một ngàn năm sau khi Phật tịch diệt. Khi Bồ-đề-đạt-ma sang truyền giáo ở Trung quốc, ngài lại trở thành vị tổ thứ nhất của Thiền tông trên phần đất này. Tục lệ truyền y bát tiếp tục trên đất nước Trung hoa cho đến tổ thứ sáu là ngài Huệ Năng (638-713), tức là được thêm khoảng hai trăm năm nữa.

Y bát của tổ thứ năm và ngài Huệ Năng

Ngài Hoằng Nhẫn (601-674), tổ thứ năm của Thiền tông Trung quốc, trao chiếc áo cà-sa tượng trưng sự lãnh đạo tông phái cho ngài Huệ-Năng, vì Huệ Năng là người thấu hiểu sâu xa hơn hết về Thiền học trong số các môn đồ trong tông phái. Huệ Năng kính cẩn tiếp nhận chiếc áo cà-sa cao quý ấy và đồng thời cũng hiểu rằng khi nhận lãnh chiếc áo tượng trưng cho sự lãnh đạo và uy quyền này thì cũng khó tránh khỏi sự ganh tỵ và tranh chấp trong Tăng đoàn. Ngài Hoằng Nhẫn cũng ý thức được điều ấy, nên khi trao chiếc áo cho Huệ Năng đã khuyên Huệ Năng bỏ trốn về phương Nam, và nhất là sau này không nên truyền thụ y bát nữa.

Hừng đông, Huệ Năng khoác lên người một chiếc áo rách để hóa trang, ôm chặt cái bọc gói chiếc áo cà-sa của ngũ tổ Hoằng Nhẫn, lẻn ra khỏi chùa và cắm cổ đi miết về phương Nam. Đi suốt mấy ngày liền, khi đến vùng núi Đại châu Huệ Năng bỗng nghe thấy tiếng ồn ào phía sau liền ngoảnh cổ lại để nhìn và giật mình hoảng hốt vì có hàng trăm người đang hò hét đuổi theo. Dẫn đầu đám đông là sư Huệ Minh, một cựu võ quan đi tu, chính là người muốn cướp đoạt chiếc áo cà-sa của ngũ tổ. Đám đông càng lúc càng gần, Huệ Năng thì vừa mệt lại vừa đói không còn đủ sức để chạy thêm được nữa, ông liền để cái bọc áo cà-sa lên một tảng đá rồi ngẩng cổ hướng về phía đám đông và nói lớn lên như sau : « Chiếc áo cà-sa tượng trưng cho việc Hoằng Pháp. Tại sao các ông là đám người thế tục lại muốn cướp nó ? Cướp giữ chiếc áo cà-sa nhưng thiếu chính Pháp, chẳng qua cũng như một cánh hoa phản chiếu trong gương mà thôi ». Nói xong Huệ Năng tìm một bụi rậm bên đường chui vào để trốn.

Huệ Minh chạy đến thấy cái bọc áo cà-sa, mừng quá liền ôm lấy, nhưng cái gói lại dính chặt vào tảng đá, không thể nào gỡ ra, hoặc kéo lên được. Huệ Minh bổng nhiên cảm nhận được sức mạnh vô biên của Đạo Pháp, liền chui vào bụi rậm tìm Huệ Năng và phủ phục dưới chân Huệ Năng xin được thọ giáo.

Câu chuyện lại tiếp tục như sau. Huệ Năng rời Huệ Minh và tiếp tục đi về phương Nam. Huệ Năng đến thôn Tào khê, thuộc quận Thiều châu, tá túc ở chùa Bảo lâm. Nhiều tháng sau, vào một đêm tối, có một đám đông gồm nhiều nhà sư, đầu đội mũ sùm sụp, kéo đến đập cửa sau của chùa và hét to lên : « Này Huệ Năng, ngươi phải đưa chiếc áo cà-sa cho chúng ta. Nếu không sẽ có chuyện to đấy ». Trong chùa, Huệ Năng sợ quá, ôm bọc áo tông cổng trước mà chạy. Huệ Năng phăng phăng trèo lên một ngọn đồi gần chùa, nhìn xuống thấy đám đông đốt đuốc đuổi theo, họ chạy nối đuôi nhau, ngoằn ngoèo như một con rắn lửa đỏ rực. Huệ Năng thì mệt lả không còn chạy được nữa, liền chui vào một khe đá để trốn. Một lúc lâu, không nghe động tịnh gì, ông thò đầu nhìn ra. Nhưng lúc ấy cả ngọn đồi đã cháy rực như một biển lửa. Đám đông, vì không tìm thấy ông, nên nổi lửa đốt ngọn đồi và tin rằng Huệ Năng thế nào cũng phải chui ra.

Trong tình huống dầu sôi lửa bỏng như thế, Huệ Năng vẫn không cảm thấy sợ hãi cho thân mình, chỉ nghĩ đến việc phải bảo vệ chiếc áo mà thôi. Ông bỗng chợt nhớ đến trước đây Huệ Minh không thể nhấc được chiếc áo lên khỏi tảng đá và ông tin rằng chiếc áo này là biểu tượng của sức mạnh Đạo Pháp, không thể nào cháy được. Ông liền bình thản mở cái bọc và khoác lên người chiếc áo cao quý ấy rồi tọa thiền trên một tảng đá. Sau khi nhập thiền, Huệ Năng cảm thấy thân xác nặng thêm, lún sâu vào đá, cảnh tượng hãi hùng biến mất, lửa tắt, khỏi đen và bụi mù cũng tan biến hết. Cảnh vật chung quanh bỗng nhiên trở nên êm ả một cách lạ thường.

Tọa thiền như thế thật lâu, bất chợt Huệ Năng cảm thấy có những tia sáng xuyên vào mắt. Ông mở mắt ra thì mặt trời đã lên cao, cây cỏ chung quanh và trên khắp ngọn đồi đã bị cháy sạch, tro bụi khắp nơi. Chiếc áo cà-sa bám đầy tro nhưng vẫn giữ được vẽ rạng rỡ. Huệ Năng đứng lên, nhưng lại hết sức ngạc nhiên nhận thấy trên mặt tảng đá nơi ông ngồi bị lún sâu, in dấu hai đầu gối và mông của ông lúc tọa thiền, nhìn kỹ hơn lại thấy cả vết vạt áo, vết vải và đường chỉ khâu nữa. Trước cảnh tượng đó, Huệ Năng bất thần chứng ngộ được sức mạnh của Đạo Pháp.

Chiếc áo cà-sa và Thiền học Zen

Sau đây lại xin kể tiếp các chuyện khác về chiếc áo cà-sa trong Thiền tông, đặc biệt là Thiền phái Zen của người Nhật. Người Nhật gọi chiếc áo cà-saokesa hay kesa, chữ này cũng có gốc từ chữ Phạn kesaya. Chữ okesa trong tiếng Nhật có nghĩa là miếng vải thừa vứt bỏ, dính bẩn hay hư hoại. Người Nhật tu Thiền còn gọi chiếc áo kesa là « Fukuden-e », chiếc áo của Phúc hạnh, hoặc « Mu soo », chiếc áo « Vô tướng » hay « Không hình tướng », tức chiếc áo của một người « Vô ngã », tự tay khâu lấy cho mình và mặc lên một thân xác « không mang một dấu hiệu gì cả ». Người tu Thiền có ba chiếc áo kesa, một chín mảnh, một bẩy mảnh và một năm mảnh. Chiếc áo năm mảnh được biến dạng và trở thành một vật tượng trưng gọi là rakusu dành cho người xuất gia và cho cả hàng cư sĩ, tức những người tu tại gia.

Đại khái tùy theo học phái, rakusu gồm năm mảnh vải màu nâu hay màu lam, khâu ráp vào nhau, có viền vải chung quanh thành hình vuông hay chữ nhật, sau cùng lại khâu thêm một quai bằng vải. Vì thế, rakusu giống như một cái túi khá rộng, quai dùng để đeo vào cổ, tấm rakusu giấu vào bên trong áo hoặc để ra trước ngực, tượng trưng cho chiếc áo cà-sa. Mặt sau của tấm rakusu có lót thêm một lớp lụa màu trắng hay màu ngà. Vị Thầy của người xin quy y ghi pháp danh của người này lên mặt lụa, viết thêm một câu thơ hay một công án, tất cả đều bằng chữ Hán, rồi ký tên và đóng triện lên đó.

Điều đáng nêu lên là người xin quy y trong Thiền tông Zen phải tự may tấm rakusu cho mình, giống như người tỳ kheo Nam tông phải tự may chiếc áo cà-sa để mặc. Tục lệ này cũng được bảo tồn và tôn trọng trong các tu viện Thiền học tại các nước Tây phương. Nếu người đọc có dịp chứng kiến cảnh tượng những người Tây phương, trong số này có những giáo sư Đại học, những nhà Khoa học lừng danh, các Bác sĩ nổi tiếng ghi tên vào những khoá thực tập để may tấm rakusu trước khi xin quy y, thì có thể quý vị ấy sẽ cảm động lắm. Họ chăm chỉ may từng mũi kim, ráp từng mảnh vải. Khâu hỏng, đường chỉ không thẳng… họ lại tháo ra để may lại. Đó cũng là cách tập chú tâm trong Thiền học, nhưng điều đáng nêu lên chính là sự hiển lộ của Đạo Pháp trong từng cử chỉ, hành vi và trong quyết tâm của họ.

Người cư sĩ, không có cái may mắn của một người xuất gia, đành an phận với tấm rakusu, đeo vào cổ hoặc dấu trong ngực áo để nhắc nhở họ phải giữ giới và để che chở cho tâm thức họ. Trước khi đeo vào cổ thì họ phải đặt tấm rakusu lên đầu và đọc một câu kinh. Khi cởi ra, tấm rakusu phải được gấp lại thật cẩn thận, cất trong một túi vải nhỏ, hay gói trong một miếng vải sạch và đặt lên bàn thờ Phật. Đạo Nguyên (Dogen) nói rằng :

« Áo mặc của kẻ thế tục làm gia tăng dục vọng – nhưng tấm áo của Phật, tấm áo của một sinh linh Giác Ngộ, sẽ nhổ bỏ tận rễ tất cả những dục vọng đó ».

Để tiếp tục nêu lên ý nghĩa của chiếc áo cà-sa trong Thiền học, thiển nghĩ chúng ta cũng nên trích dẫn thêm những câu khác của Đạo Nguyên (1200-1253), một đại thiền sư và cũng là một trong những nhà tư tưởng lớn nhất của nước Nhật. Ông sang Trung Quốc tầm Đạo năm 1223, thọ giáo với thiền sư Trường Ông Như Tịnh (Tiantong Rujing,1163-1228) thuộc tông phái Tào động. Ông ngộ được Thiền, trở về Nhật năm 1227 và phát triển dòng Tào động trên quê hương của ông. Trong tập luận nổi tiếng của ông là Chính Pháp nhãn tạng (tiếng Nhật : Shobogenzo), Đạo Nguyên đã phát biểu về chiếc áo cà-sa như sau:

« Những ai đã Giác Ngộ đều tôn kính chiếc áo cà-sa, tin tưởng nơi chiếc áo đó. Họ xem đó là chiếc áo của giải thoát, một cánh đồng của phúc hạnh, một mảnh áo vô tướng, mảnh áo của Như Lai, mảnh áo của Anuttarak Samnyak Sambodhi (hoàn toàn Giác Ngộ, hoàn hảo và không có gì so sánh được) »

Sau đây là một câu khác của ông trong tập Chính Pháp nhãn tạng, dùng để nhắc nhở những người quy y :

« Tư tưởng của con người không bao giờ ngưng đọng, vì những tư tưởng ấy sinh ra và chết đi trong từng khoảnh khắc ; thân xác con người cũng thế, sinh ra rồi biến đi trong từng giây phút một.

Chiếc áo cà-sa không phải là một sáng chế của con người, nó cũng chẳng phải không phải là một sáng chế của con người ; nó không đứng lại ở một nơi nào cả, nhưng chẳng có một nơi nào mà nó không dừng lại, và Sự Thực tuyệt đối của chiếc áo cà-sa chỉ có chư Phật mới hiểu được mà thôi. Tuy nhiên, đối với những người tu tập trên đường Đạo Pháp, những gì xứng đáng do chiếc áo cà-sa mang đến cho họ thì vô tận, không bao giờ khô cạn (...).

Trong thế giới này chiếc áo cà-sa luôn luôn hiện đại và cập nhật hoá. Sự hiện thực trong một giây phút cũng là sự hiện thực của vô biên. Trong giây phút này, chúng ta đang có cơ duyên tuyệt vời không những được nghe nói về Đạo Pháp, nhưng hơn thế nữa ta còn được trông thấy, xem xét và tiếp nhận chiếc áo cà-sa này.

Cơ duyên ấy cũng giống như ta được nhìn thấy Đức Phật tận mắt, nghe được chính Tiếng nói của Đức Phật. Cơ duyên ấy chính thực là sự truyền thụ của Tâm thức Phật, tiếp nhận được thân xác và cốt tủy của Phật ».

Sau đây chúng ta lại tiếp tục tìm hiểu sâu xa hơn về ý nghĩa của chiếc áo cà-sa.

Lạm bàn về ý nghĩa của chiếc áo cà-sa

Như chúng ta vừa nhận xét trên đây về những biến đổi từ hình thức cho đến ý nghĩa của chiếc áo cà-sa qua thời gian, không gian, nhưng những biến đổi đó vẫn luôn luôn giữ được truyền thống và phong cách từ hàng ngàn năm suốt trong lịch sử Phật giáo, từ những tục lệ của Nam tông cho đến những hình thức mang tính cách tượng trưng trong Thiền tông. Tất cả đều không đi ra ngoài Đạo Pháp.

Thật vậy, người xuất gia khoác lên người chiếc áo cà-sa để giúp họ tự giữ giới, nhắc nhở họ không được tà dâm, sát sinh, trộm cắp, không sân si, bám víu… Chiếc áo ấy mang lại an lạc cho họ, giúp họ phát lộ lòng Từ bi, gia tăng thêm tinh tấn, sức mạnh và Trí tuệ.

Tuy nhiên phần đông chúng ta là những kẻ thế tục, những cư sĩ tại gia, chúng ta không có cái may mắn, cái cơ duyên tốt lành của một người xuất gia, hãnh diện được khoác lên người chiếc áo cao quý của Đạo Pháp. Chúng ta trần trụi và hở hang như những con sâu, phơi bày thân xác trước phong ba và bão táp, làm mồi cho những hiểm nguy của cõi dục giới và luân hồi. Như vậy thì chúng ta phải làm sao bây giờ ?

Không được mặc lên người, nhưng chúng ta hãy cố gắng khoác lên tâm thức mình một chiếc áo cà-sa, một manh áo bạc màu, một manh áo mà ta tự khâu lấy bằng những mảnh vải vụn vứt bỏ mà ta mót nhặt từ những cảnh nghèo nàn và khổ đau chung quanh ta. Một manh áo tuy khiêm tốn, nhưng chúng ta hãy xem đó là manh áo của Đạo Pháp, ngay thật và tinh khiết, rạng ngời và cao cả. Dù bước ra đường với một chiếc áo thật hợp thời trang, đắt tiền và thật đẹp, nhưng ta vẫn không hãnh diện bằng chiếc áo bạc màu mà ta khoác lên tâm thức. Hoặc nếu kém may mắn hơn, khi phải bước ra đường với một chiếc áo vá nghèo nàn trên thân xác, ta cũng không nên xấu hổ mà vẫn ngẩng đầu cao, vì bên trong ta, chiếc áo cà-sa trong tâm thức thật là rạng rỡ.

Chiếc áo cà-sa khoác lên tâm thức sẽ che chở cho ta trong cuộc sống bon chen, đầy tham vọng, lừa đảo, hận thù và hung bạo. Nó ngăn chận không cho ta hung dữ và hận thù. Trong lúc bước chân ra đường, khi hòa mình với xã hội, thông thường ta chỉ xét đoán con người qua hình dạng và phong cách bên ngoài, qua phấn son, quần áo, chức vị, cử chỉ, ngôn từ…, phản ảnh một phần nào tâm thức của họ. Nhưng ta không thấy được những gì sâu kín trong tâm hồn họ. Có những người ăn mặc sang trọng, chải chuốt, phấn son loè loẹt, nhưng tâm hồn họ trần truồng, dơ bẩn, đầy lo âu và hổ thẹn. Có những người nghèo khó, cực khổ, nhưng tâm hồn họ thật an vui, kín đáo, sạch sẽ và nhân từ.

Trên đây chỉ là hai trường hợp cực đoan và tiêu biểu mà thôi. Thế gian này thật phức tạp vì có đủ mọi hạng người, pha trộn rất nhiều đức tính và những sai lầm u mê khác nhau. Thế giới ta bà hay luân hồi gồm có ba cõi : dục giới, sắc giớivô sắc giới. Tất cả chúng sinh còn vướng mắc trong luân hồi đều sống chung đụng bên cạnh nhau trong ba cõi ấy : từ súc sinh, quỷ đói, con người, cho đến thánh nhânthiên nhân. Do vậy ta hãy quyết lòng khoác lên tâm thức ta một chiếc áo cà-sa thật tinh khiết để nhìn thấy những thánh nhân và thiên nhân chung quanh ta và để được đến gần với họ. Họ sẽ tập cho ta cởi chiếc áo cà-sa trong tâm thức để khoác lên thân xác những ai đang trần truồng và hổ thẹn, để lau nước mắt cho những người đang khổ đau và băng bó vết thương cho những sinh linh bị hành hạ. Tất cả chúng sinh ấy đang hiện diện chung quanh ta, những cũng may mắn thay, thánh nhân cũng đang ở bên cạnh ta để nhắc nhở ta những việc phải làm.

Tóm lại, chiếc áo cà sa trong tâm thức, trước hết cũng không khác gì một bức rào ngăn chận những hành vi mê lầm và phạm giới của ta, và sau đó lại trở thành một bức tường thành kiên cố mang lại sự an lạc cho ta. Thế nhưng ta cũng phải biết cởi chiếc áo cà-sa ấy từ tâm thức để khoác lên thân xác của những ai cần đến, biết dựng lên cho kẻ khác một bức rào ngăn chận những hành vi phạm giới của họ và xây lên một bức tường thành để bảo vệ sự an vui cho họ.

Nhưng tu tập có phải là dừng ở đấy hay không ? Giữ giới và phát lộ lòng Từ bi, tuy cực kỳ quan trọng và cần thiết nhưng thật ra chỉ là giai đoạn đầu. Từ bi phải đưa đến Trí tuệ, Trí tuệ đưa đến Giác ngộ và Giác ngộ sẽ đưa đến Giải thoát. Con đường còn dài và thật dài. Ta hãy thử tiếp tục lạm bàn xa hơn về chiếc áo cà-sa.

Lạm bàn xa hơn về ý nghĩa của chiếc áo cà-sa

Để mở đầu phân đoạn này, xin trích dịch bốn câu thơ của thiền sư người Nhật là Suzuki Shosan (1579-1655) như sau :

Cùng nhau đi trong mưa Như Lai,

Cà-sa ướt sũng cả đôi vai.

Ô kìa, trên những tàu lá sen,

Chẳng có một giọt nào đọng lại.

Cũng xin trích thêm ra đây một vài câu thơ của Thiền sư Ryokan (1758-1831). Thiền sư Ryokan là một nhà thơ, một thiền sư ngoại lệ, một con người có tâm hồn dịu dàng, thanh thoát, sống trong đơn sơ và hoàn toàn ẩn dật. Ngày nay, các bảo tàng viện ở Nhật cũng như trên thế giới đã cố tìm mua với bất cứ giá nào những tờ giấy viết chữ thảo của ông còn lưu lại. Năm 1790, thầy của ông là Kokunen rút lui và giao phó cho ông trọng trách hướng dẫn Tăng đoàn. Thế nhưng một năm sau khi thầy của ông qua đời, ông cũng rời bỏ Tăng đoàn, xa lìa thế tục để vào rừng ẩn cư. Ta hãy đọc qua một bài thơ của ông, thoát dịch như sau :

Trong cánh rừng xanh mướt,

Là chiếc am cỏ của tôi.

Chỉ có những người đi lạc đường

Mới tìm ra được nó.

Chẳng có một tiếng ồn ào của thế tục,

Hoạ chăng thỉnh thoảng mới nghe thấy tiếng hát của một gã tiều phu.

Một nghìn đỉnh núi cao, một vạn con suối chảy,

Chẳng có một bóng người.

Tuy thế, một hôm sau khi đi tản bộ về, ông thấy túp lều cỏ của ông bị trộm, tên trộm vơ sạch những gì thật nghèo nàn của ông. Ông liền cầm bút viết một câu thơ như sau:

Tên trộm đã bỏ quên

Khuôn trăng

Bên thềm cửa sổ

Thôi thì chúng ta hãy trở lại với chiếc áo cà-sa, với bức rào cản ngăn chận những hành vi phạm giới, với bức tường thành mang lại an vui cho ta. Chiếc áo mầu nhiệm như thế, bức tường thành kiên cố như thế, lớp rào cản hữu hiệu như thế, nhưng có phải đó là Đạo Pháp hay không ? Thưa không, đó chỉ là những phương tiện mà thôi, giống như ngón tay dùng để chỉ mặt trăng, ngón tay không phải là Đạo Pháp. Đức Phật dạy rằng Đạo Pháp giống như một cái bè bằng tre dùng để qua sông. Qua được bờ bên kia thì ta hãy bỏ lại, đừng đội nó lên đầu mà đi. Cũng thế, mặt trăng cũng chỉ là một biểu tượng. Nếu ta bám víu vào chiếc áo cà-sa, vào bức rào cản hay bức tường thành, vào ngón tay, vào mặt trăng, chúng ta sẽ không bao giờ có thể đạt được Giải thoát. Đấy chỉ là những biểu hiện của sự bám víu mà thôi.

aocasa004-contentQuay trở lại với ý nghĩa trong bốn câu thơ của Suzuki trên đây. Ngay cả những giọt mưa Như Lai, tức Diệu Pháp của Phật cũng không hề đọng lại trên chiếc lá sen, nhưng ô kìa tại sao những chiếc áo cà-sa lại ướt đẫm như thế ? Chúng ta sống trong một thế giới mà tất cả đều là quy ước, đều là những biểu tượng. Quy ước và biểu tượng không phải là hiện thực và cũng không phải là Đạo Pháp, thế nhưng chúng ta nhất định cứ bám víu vào đó. Từ chiếc áo bạc màu, được khâu vá chắp nối bằng những mảnh vải vụn vứt đi cho đến chiếc áo rạng rở may bằng lụa và vải quý của ngũ tổ Hoằng Nhẫn, tượng trưng cho Đạo Pháp, tất cả cũng chỉ là những biểu tượng. Ta sống trong một thế giới của biểu tượng, của quy uớc và công thức. Tất cả đều là những sáng tạo, những biến chế, những tạo dựng của tâm thức con người. Ngôn ngữ cũng là quy ước, vì thế mà Đức Phật đã cầm cánh hoa đưa lên nhưng không thốt ra một lời nào cả.

Tâm thức Bát-nhã, siêu việt và nhất nguyên của Phật đã có sẵn trong tâm thức Giác ngộ của Ma-ha Ca-diếp. Tâm thức Giác ngộ của Ma-ha Ca-diếp cũng đã có sẵn trong tâm thức Bát-nhã, siêu việt và nhất nguyên của Phật. Cánh hoa chỉ là một biểu tượng, cũng như ngôn từ chỉ là những quy ước. Trong tâm thức Từ bi, độ lượng và bao dung của một người tu hành đã có sẵn tâm linh tỉnh thức của một kẻ thế tục, và trong tâm linh tỉnh thức của một kẻ thế tục đã mang sẵn tâm thức Từ bi, độ lượng và bao dung của một người tu hành. Chiếc áo cà-sa chỉ là một biểu tượng làm trung gian giữa họ mà thôi.

Gỗ đã có sẵn trong cái bàn, và trong cái bàn đã có sẵn gỗ. Người thợ mộc lấy gỗ làm ra cái bàn, và cái bàn trở thành một sự sáng tạo của con người. Trong sự sống đã có sẵn cái chết, và trong cái chết đã có sẵn mầm mống của sự sinh. Phân biệt sự sống và cái chết là hậu quả của sự hiểu biết nhị nguyên và đối nghịch. Tương tự như thế, ý nghĩa thêm thắt và đa dạng của chiếc áo cà-sa cũng chỉ là những tạo dựng của tâm thức con người.

Chỉ vì một biểu tượng mà lục tổ Huệ Năng đã suýt chết mấy lần. Mỗi khi có một biểu tượng được tạo dựng là có sự bám víu vào đó. Một chiếc áo tượng trưng cho việc lãnh đạo một Tăng đoàn cũng đủ để sinh ra tham vọng, ganh tị, tranh chấp, huống gì danh vọng, tiền bạc và uy quyền trong thế gian này. Cũng may là ngũ tổ và lục tổ đã ý thức được việc ấy mà bỏ đi tục lệ truyền thụ y bát. Nếu không thì biết đâu ngày nay, Tăng đoàn vẫn còn tiếp tục dòm ngó một chiếc áo, và kẻ thế tục lại có thêm một dịp để tham dự nghi lễ truyền thụ mà quên đi những gì thiết thực trong việc tu tập.

Kết luận

Từ nguyên thủy, chiếc áo cà-sa đã là những mảnh vải vụn, những miếng vải rách bạc màu được khâu lại với nhau để làm áo. Đức Phật và Tăng đoàn của Ngài dùng chiếc áo ấy để che thân, để đắp và để gấp lại làm tọa cụ. Chiếc áo ấy đã biến dạng để tượng trưng cho những thửa ruộng vuông vắn của phúc hạnh, hoặc để tượng trưng cho sự lãnh đạo một Tăng đoàn. Chiếc áo ấy cũng đã trở thành tấm rakusu của người tu Thiền dùng để đeo lên ngực một cách kính cẩn.

Tất cả những biến dạng và thêm thắt ấy có phải là những điều phù phiếm hay không ? Thưa không, những thêm thắt ấy thật cần thiết cho việc tu tập, và tuy không phải là Đạo Pháp nhưng là những cánh hoa của Đạo Pháp. Ngón tay không phải là Đạo Pháp, nhưng không có ngón tay ấy thì ta cũng không thấy được Đạo Pháp. Từ lòng Từ bi của Đức Phật, từ những lời giảng huấn thiết thực của Đức Phật đã nở ra muôn hoa, vạn sắc, và cũng đã nở ra trăm triệu trang kinh sách. Tuy là một biểu tượng nhưng chiếc ao áo cà-sa thật là cần thiết. Chiếc áo ấy được khoác lên thân xác vô ngã của người xuất gia để làm gương cho chúng ta soi. Chúng ta cũng nên khoác chiếc áo ấy lên tâm thức để ra đường và gấp nó lại để gối đầu trong giấc ngủ. Nó sẽ che chở chúng ta trước những ý tưởng điên rồ, những xúc cảm bấn loạn và những cơn ác mộng giữa đêm đen.

Đức Phật dạy chúng ta đừng bám víu vì Đạo Pháp cũng chỉ là một chiếc bè giúp để qua sông mà thôi. Thiếu chiếc bè thì ta không thể qua sông được, và tương tự như thế, nếu không có Đạo Pháp thì ta cũng khó mà vượt được dòng thác của Vô minh. Đối với chiếc áo cà-sa cũng vậy, khi ta vẫn còn đang lặn ngụp trong dòng thác chảy xiết của Vô minh thì hãy cứ bám víu vào nó. Cuốn trôi theo dòng nước cuồn cuộn, nếu như ta có vớt được một cành tre gai góc to bằng ngón tay thì ta cũng chớ vội tưởng là đã đến được bờ bên kia của Giác ngộ mà vứt bỏ nó đi. Ta hãy bám lấy cành tre, gom góp thêm các cành khác để kết lại làm bè, một chiếc bè thật lớn, vì biết đâu chúng lại có thể giúp những người khác đang lặn ngụp bên cạnh ta mà vẫn chưa vớt được một cành tre nào. Vậy thì ta hãy thu nhặt những mảnh vải vụn trong cõi vô thường này để tự may lấy cho mình một chiếc áo cà-sa.

Xin mượn một lời nguyện cầu của thiền sư Ryokan để chấm dứt bài viết này. Sống trong chốn hiu quạnh nơi rừng núi hoang vu, Ryokan chẳng có gì cả ngoài manh áo cà-sa trên vai và một khuôn trăng bền thềm cửa sổ, nhưng có lẽ tâm thức ông lúc nào cũng muốn dang tay thật rộng để ôm lấy tất cả chúng sinh. Ông nguyện như sau :

« Tôi nguyện cầu chiếc áo cà sa của một người tu hành như tôi sẽ trở nên thật rộng lớn để có thể gom lại và quàng lên tất cả chúng sinh đang đau khổ trong cõi vô thường này…»

Bures-Sur-Yvette (Pháp quốc), 18.04.07

Hoang Phong
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn