Vai Trò Của Phật Giáo Trong Tiến Trình Văn Hóa Của Dân Tộc Việt Nam

04 Tháng Hai 201200:00(Xem: 17566)

Vai trò của Phật giáo
trong tiến trình văn hóa của dân tộc Việt Nam
Trí Dũng

blankĐạo Phật truyền bá ở Việt Nam tính đến nay đã gần 2000 năm, trải qua các thời kỳ lịch sử của đất nước, Phật giáo từ lâu vốn đã đi sâu vào quần chúng nhân dân Việt Nam, gắn bó với sinh hoạt cộng đồng của người Việt, một sự gắn bó tự nhiên không do áp đặt của chính quyền, cả khi Phật giáo được tôn là Quốc giáo...

Nguồn gốc đạo Phật

Dạo Phật là một trong những tôn giáo lớn của thế giới, được ra đời vào khoảng thế kỷ VI trước công nguyên, ở vùng phía Tây Bắc Ấn do thái tử Tất Đạt Đa sáng lập, hiệu là Sakyamuni (Thích Ca Mâu Ni).

Đạo Phật ra đời trong hoàn cảnh rối ren của xã hội Ấn Độ bấy giờ. Thế kỷ VI trước Công nguyên, lúc này Ấn Độ đang trong thời kỳ chiếm hữu nô lệ. Sự phân chia đẳng cấp ngặt nghèo sâu sắc. Thời kỳ này xã hội Ấn Độ chia làm bốn đẳng cấp cách biệt nhau…. Đẳng cấp Bà la môn (địa vị cao nhất); đẳng cấp Sát đế lỵ (dòng họ vua quan, quý tộc); đẳng cấp Vệ xá (gần những người giàu có, buôn bán thủ công), đẳng cấp Thủ đà la (nô lệ). Ngoài ra còn có một tầng lớp người thuộc hàng cùng khổ dưới đáy xã hội, bị mọi người khinh rẻ. Trước khi có sự ra đời của đạo Phật, mâu thuẫn giữa các đẳng cấp trên hết sức gay gắt được thể hiện trong những cuộc đấu tranh mang tính chất toàn xã hội. Cùng thời điểm này Ấn Độ đã và đang diễn ra cuộc đấu tranh giữa các nhà duy vật và duy tâm, đấu tranh giữa các tôn giáo, bởi lẽ bên cạnh sự thống trị của đạo Bà la môn còn có sự hiện diện của Phệ đà giáo và một số giáo phái khác, đồng thời tư tưởng duy vật thô sơ và tư duy biện chứng đã xuất hiện.

Hoàn cảnh xã hội và những tư tưởng quan niệm trên đã trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần thúc đẩy sự ra đời của đạo Phật.

Bỏ qua những truyền thuyết về Tất Đạt Đa tìm đường cứu khổ cho chúng sinh mà sáng lập ra đạo Phật thì có thể thấy rằng thực chất Phật giáo ra đời là do kết quả của cuộc đấu tranh gay gắt giữa các giai cấp, đấu tranh giữa thần quyền và thế quyền, giữa những người nắm kinh tế của xã hội và những người nắm tư tưởng xã hội. Cuộc đấu tranh ấy đã lôi kéo đông đảo quần chúng nghèo khổ tham gia, thay bằng thành quả bình đẳng thật sự nơi trần gian, quần chúng đã nhận được sự bình đẳng trong tư tưởng, nơi gọi là cõi Niết bàn của nhà Phật.

Giáo lý của đạo Phật tập trung vào hai vấn đề, một là sự khổ não, hai là sự giải thoát ra khỏi khổ não ấy. Khổ não là bởi sự luân hồi, thoát khỏi vòng luân hồi thì khỏi khổ, mà muốn thoát khỏi vòng luân hồi thì phải bỏ hết tham, sân, si trên trần thế. Khi thoát khỏi vòng luân hồi con người mới chứng được trạng thái Niết bàn, Cực lạc.

Đạo Phật là một tôn giáo vô thần, không cùng bản chất như mọi tôn giáo khác. Đạo Phật còn có một số đặc điểm riêng: Đạo Phật không quan niệm về đấng sáng tạo ra thế giới. Thế giới tự nó vận động, phát triển thông qua luật vô thường nhân quả. Sự vận động ấy diễn ra trong không gian và thời gian, đạo Phật sơ kỳ ở Tiểu thừa mang nhiều tính duy vật những quan niệm của đạo Phật về thế giới về con người, về vận động mang hình thức biện chứng. Các giáo lý đạo Phật chứa đựng nhiều nội dung đạo đức, hướng thiện. Đồng thời cũng phủ nhận một cách gián tiếp những mâu thuẫn, xung đột xã hội.

Đạo Phật Việt Nam

Với những đặc điểm đó, cùng với giáo lý của mình đạo Phật đã tìm được chỗ đứng của mình trong lòng xã hội Việt Nam.

Đạo Phật được truyền bá vào Việt Nam ngay từ đầu Công nguyên bằng hai con đường; đường thủy thông qua con đường buôn bán với thương gia Ấn Độ. Đường bộ thông qua giao lưu văn hóa với Trung Quốc mà Trung Quốc khi ấy cũng tiếp nhận Phật giáo được truyền bá từ Ấn Độ. Như vậy Phật giáo Việt Nam mang cả sắc thái Phật giáo Ấn Độ và Trung Quốc.

Đạo Phật truyền vào Việt Nam không phải thông qua con đường chiếm lược, không phải do sự cưỡng chế của Trung Hoa mà thông qua đường giao thương buôn bán. Đạo Phật đến bằng con đường hòa bình, những giáo lý của đạo Phật về bình đẳng, bắc ái, cứu khổ cứu nạn…gần gũi với cư dân Việt Nam do đó dễ được chấp nhận. Mặt khác thời kỳ này còn có các tín ngưỡng bản địa của cư dân nông nghiệp lúa nước, cộng với sự tồn tại của Nho giáo, đạo lão được Trung Quốc truyền vào, tuy nhiên các tín ngưỡng, tôn giáo đó còn có nhiều mặt khuyết thiếu đối với đời sống tâm linh cộng đồng và đạo Phật đã bổ sung vào chỗ thiếu hụt đấy. Vì vậy đạo Phật ở Việt Nam được giao thoa bởi các tín ngưỡng bản địa.

Đạo Phật truyền bá ở Việt Nam tính đến nay đã gần 2000 năm, trải qua các thời kỳ lịch sử của đất nước, Phật giáo từ lâu vốn đã đi sâu vào quần chúng nhân dân Việt Nam, gắn bó với sinh hoạt cộng đồng của người Việt, một sự gắn bó tự nhiên không do áp đặt của chính quyền, cả khi Phật giáo được tôn là Quốc giáo. Sự tồn tại lâu dài của Phật giáo trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội đã đem lại những đóng góp đáng kể cho văn hóa, tư tưởng, kinh tế, chính trị trong diễn trình lịch sử Việt Nam.

Người ta thường xếp tôn giáo vào phạm trù văn hóa, Phật giáo là một sự kiện tôn giáo, cũng là một sự kiện văn hóa. Phật giáo truyền từ Ấn Độ sang Việt Nam vốn không phải là một sự kiện đơn độc, mà kéo theo nó (hoặc trước, hoặc sau, hoặc đồng thời với nó) là cái ảnh hưởng của tổng thể văn hóa Ấn Độ đối với văn hóa Việt Cổ, ảnh hưởng ấy diễn ra trên nhiều lĩnh vực như: Nông nghiệp, y dược, âm nhạc vũ đạo ngôn ngữ…

Điều quan trọng là văn hóa Việt cổ tiếp thu một lượng quan trọng ảnh hưởng của văn hóa Ân Độ qua ngả đường Phật giáo vào suốt thời Bắc thuộc, khi ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa tràn lên trên đất Việt và mang khuynh hướng đồng hóa rõ rệt.

Ngoài đóng góp làm cho văn hóa Việt Nam thêm phong phú, khách quan mà nói ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ là một đối trọng của ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa trên đất Việt. Nó có tác dụng trung hòa ảnh hưởng quá mạnh mẽ vào nền văn minh Trung Hoa; nó góp sức cùng cơ tầng văn hóa Việt cổ ngăn chặn khuynh hướng đồng hóa của văn minh Trung Hoa, nó được hội nhập vào văn hóa Việt Nam làm giàu thêm nền văn hóa Việt, góp phần làm nên cái khác của văn hóa Việt so với văn hóa Trung Hoa.

Lấy một ví dụ cụ thể: Ở Thăng Long đời Lý, Hoàng Thành Thăng Long mở 4 cửa, nếu ở phía cửa Bắc thờ thánh Trấn Vũ – Trấn Vũ là một vị thần linh Trung Hoa được hội nhập vào đất Việt thì ở cửa Đông lại thờ thần Bạch Mã là ảnh hưởng của Ấn Độ, và cửa Tây Long thành được mang tên “Quảng Phúc Môn”, mở ra phía Tây để mong phúc lớn rộng “phúc đẳng hà sa” của đức Phật ở Tây Thiên.

Và đạo Phật trong buổi đầu thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc là một đối tượng của Nho giáo mà Trung Hoa đem sang Việt Nam. Khi mà Phật giáo bị suy sút ở thượng tầng, thì ở chốn làng quê “cơ sở hạ tầng” Phật giáo lại tỏa ra dân chúng. Thời Lý Trần Phật giáo là Phật giáo quý tộc, còn sang thời Lê Nguyễn Phật giáo là Phật giáo dân gian, nhân gian (hay là được dân gian hóa – từ sau thế kỷ XV). Nếu như Quân chủ Việt Nam dựng ra cái đình ở làng quê với tư cách như một “tiểu triều đình” trọng nam khinh nữ ở chốn đình Trung, thì dân dã quê Việt Nam vẫn giữ và dựng cái chùa, cái “chùa làng” của dân gian chứ không phải cái quốc tự của triều đình và những ai trước hết là nữ giới bị loại bỏ khỏi sinh hoạt đình Trung thì đã có một tổ chức, một trung tâm sinh hoạt tâm linh là ngôi chùa. Thời nhà Lê, Nguyễn “đất vua, chùa làng” (đất của vua, chùa của làng) tức “chùa làng” đã trở thành đối trọng của đình làng, và bảo trợ cho một quá nửa lực lượng của dân tộc là “đàn bà”. Chính từ sự bảo trợ này mà Phật giáo Việt Nam có được chỗ đứng thêm vững vàng trên đất Việt.

Khi đạo Phật vào Việt Nam, nếu nó chỉ có một kinh điển bất động không thôi thì sẽ không có tác dụng chủ yếu nào cả, mà tác dụng của nó như thế nào là do sự tổ chức, tuyên truyền giáo dục cải tạo của những người tiên phong thấm nhuần sâu sắc học thuyết Phật giáo. Lúc bấy giờ đã có những vị thiền sư Việt Nam ý thức và chấp nhận tính nhân đạo đại trí, đại dũng của Phật giáo, phù hợp với tinh thần anh dũng bất khuất, lòng thương người khổ đau và đặc tính phân biệt thiện ác, chánh tà của quần chúng nhân dân Việt Nam ta. Từ sự thấm nhuần tư tưởng Phật giáo xây dựng con người tốt cá biệt gắn liền với phát huy bản chất con người xã hội

“Chư ác mạc tác – chúng thiện phụng hành

Tự tịnh kỳ ý – Thị chư Phật giáo”

Không hành ác tức không làm cho mình trở thành một tội khổ cho mình và cho người khác, là lời khuyên đầu tiên của đức Phật, tiếp theo là sự hành thiện, là hãy trở nên một phúc báu cho mình và cho người khác, lời kêu gọi cuối cùng là tự giữ tư tưởng cho trong sáng, đó là các điều giáo dục của Phật. Đối với các quốc gia dân tộc khác, lời dạy của Phật trên đây có thể chỉ có tầm giáo dục về tâm lý hay luân lý thông thường. Nhưng đối với hoàn cảnh và tình hình đất nước ta ngay từ xa xưa luôn địch họa rình rập, thì lời giáo dục ấy của Phật qua khí tiết, tính Việt Nam đã làm cho Phật giáo Việt Nam lại mang theo một ý nghĩa sâu sắc khác.

Không làm các việc ác cũng có nghĩa là chống ác, làm các việc lành, có đức cũng có nghĩa là liên minh với chân chính với thiện mỹ với chính nghĩa của nhân dân.

Phật giáo du nhập vào Việt Nam rất sớm, với tinh thần “Từ bi – hỷ xả - vô ngã – vị tha”, năng động hóa bởi đạo lý Bát chính đạo, là điều giáo dục phổ biến đối với dân tộc ta, dân tộc thường xuyên bị những thế lực xâm lược đem theo sự thống trị đầy rãy những cái ác bất nhân, gieo mầm bất nghĩa, trái đạo lý dân tộc. Bởi thế Phật giáo phương xa đến Việt Nam đã đương nhiên trở thành Phật giáo Việt Nam với tư tưởng yêu nước là chủ yếu. Tư tưởng yêu nước này được xác minh qua nhiều thế hệ, suốt dòng lịch sử tranh đấu giữ nước và dựng nước của dân tộc ta, phù hợp với tư tưởng “Chư ác mạc tác” và nghĩa vụ “Chúng thiện phụng hành” của giáo lý nhà Phật.

Phật giáo Việt Nam nhập thế

Từ các vị thiền sư Việt Nam đến không ít các vị vua, các anh hùng dân tộc Phật tử đã thấm nhuần tư tưởng yêu nước, trở thành mối quan hệ khăng khít giữa Phật giáo Việt Nam với lịch sử tư tưởng Việt Nam. Hơn nữa trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, nhiều chùa chiền Phật giáo Việt Nam là cơ sở bao che nuôi dưỡng cán bộ, chiến sĩ cách mạng, những Tăng, Ni, Phật tử nằm trong các đoàn thể cứu quốc, đoàn thể Phật giáo yêu nước, hòa mình vào các sinh hoạt cách mạng.

Phật giáo Việt Nam vừa là một học thuyết giải thoát về thuật sống lương thiện tốt đẹp cho con người Việt Nam, vừa là một học thuyết qua tinh thần Tứ ân có ơn với tổ quốc là trọng đại – đã thực sự góp phần trong việc hình thành nền tư tưởng Việt Nam, văn hóa dân tộc Việt Nam, trong đó tư tưởng yêu nước là chủ yếu.

Phật giáo đã có rất nhiều đóng góp to lớn cho nền tảng tư tưởng văn hóa Việt Nam. Trước hết Phật giáo đã đóng vai trò tích cực trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm tâm hồn, đạo đức, hành vi cư xử của người Việt, làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc. Trước sự đòi hỏi của dân tộc, của tín đồ Phật giáo, Phật giáo Việt Nam đã đóng góp tích cực cho nền văn hóa nước nhà.

Dân tộc Việt Nam có cái duyên là đã được tiếp nhận đạo Phật, đạo Phật có cái duyên là tìm được chỗ đứng cho mình trong cộng đồng người Việt Nam. Cái cộng đồng dựa trên nền tảng kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc, với quan niệm làng xã cổ truyền, với tín ngưỡng đa thần đã tiếp nhận đạo Phật và cải biến nó cho ít nhiều phù hợp với cộng đồng ấy.

Cộng đồng người Việt tiếp nhận Phật giáo, đồng thời tiếp nhận những tư tưởng bình đẳng, bắc ái, vô ngã, vô thường…ở đạo Phật, những tư tưởng này cùng với những tư tưởng cộng đồng cổ truyền đã làm cản trở cho quá trình phân hóa giai cấp, làm dịu những xung đột giai cấp trong xã hội. Trong thời gian tới, Phật giáo tồn tại và thậm chí tiếp tục phát triển mạnh ở Việt Nam. Phật giáo đóng góp phần tích cực của nó bằng cách tự làm trong sạch bản thân, xóa bỏ những yếu tố mê tín lỗi thời. Phật giáo góp phần cân bằng cuộc sống ngày càng quay cuồng với nhịp độ cao và Phật giáo góp phần hướng thiện cho con người.

Việc cải tiến nghi lễ, và hiện đại hóa là một xu hướng tất yếu, là điều cần thiết của đạo Phật, điều đó có từ trong lịch sử Phật giáo của Việt Nam. Đạo Phật còn có vai trò to lớn trong đời sống tình cảm, tâm linh của người Việt Nam, người dân của đất nước đã trải qua nhiều đau thương và đang còn nhiều khó khăn trong đời sống xã hội.

Xin mượn lời của cố giáo sư Trần Quốc Vượng trong (Mấy ý kiến về Phật giáo và văn hóa dân tộc – Mấy vấn đề Phật giáo và tư tưởng Việt Nam) để khẳng định những giá trị văn hóa của đạo Phật “Đạo Phật có thể mất đi như mọi hiện tượng vô thường. Song cái tinh túy của văn hóa Phật giáo đã được dân tộc hóa và dân gian hóa thì mãi mãi trường tồn”.

Ngày nay để tiếp tục phát huy những giá trị tích cực của mình, Phật giáo phải biết tự giữ gìn, bồi đắp và đổi mới cho phù hợp với thời đại nhằm góp phần thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” như trước đây đã từng đóng góp cho “quốc thái dân an”.

Trong điều kiện xã hội hiện nay, những di sản văn hóa của Phật giáo đang tiếp tục phát huy tác dụng, tạo nên sắc thái dân tộc, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa Việt Nam. Gần đây, nhiều tổ chức và cá nhân đã quyên góp, công đức tiền của để khôi phục, tôn tạo chùa chiền, xây cất tịnh xá, niệm Phật đường, đúc chuông, đắp tượng, dựng tháp… Ngoài ý nghĩa tâm linh, nhiều ngôi chùa đã trở thành những danh thắng nổi tiếng để du khách đến chiêm ngưỡng. Những giá trị văn hóa Phật giáo không chỉ tồn tại trong tư tưởng, mà còn đang hiện diện thông qua sự nỗ lực của hàng triệu tín đồ nhằm vươn tới một lẽ sống vì Tổ quốc giàu mạnh, nhân sinh hạnh phúc. Điều đó càng khẳng định được vị trí, vai trò của Phật giáo trong suốt quá trình đồng hành cùng dân tộc.

"Tạp chí Đạo Phật Ngày Nay - số 13


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Năm 2016(Xem: 5013)
Tìm em tôi tìm Mình hạc xương mai Tìm trên non ngàn Một cành hoa khôi Nụ cười mong manh Một hồn yếu đuối Một bờ môi thơm Một hồn giấy mới
06 Tháng Giêng 2016(Xem: 6126)
Cánh cửa nghệ thuật Tâm Thư Pháp đã rộng mở và sẵn sàng chào đón tất cả mọi người. Đây là sự thật. Ba người bạn đến từ châu Âu đang tự mình thưởng lãm cuộc hành trình với cái tâm của chính mình.
27 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 7111)
Ông nhắc đến một loạt công trình nguy nga, toà ngang dãy dọc bê tông cốt thép được dựng lên thời gian qua như chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), chùa Linh Ứng (Đà Nẵng), Bái Đính (Ninh Bình) và chùa quy mô lớn ở Đà Lạt. Nhiều ngôi chùa này rất ít bóng dáng chùa Việt, thờ cúng cũng cách tân vì ngoài thờ phật còn đưa các anh hùng liệt sỹ vào.
05 Tháng Mười Một 2015(Xem: 7848)
Đầu năm Ất Dậu, nhân dịp mang tro cốt của ông thân tôi về Việt nam tìm nơi ký tự, tôi được thiện duyên đến Chùa Tôn Thạnh đảnh lễ Sư Ông trụ trì Thích thượng Đạt hạ Đồng, rồi được trao tặng một tập sách nhỏ, tựa: Chùa Tôn Thạnh, do nữ sĩ Trần Hồng Liên biên soạn, sở Văn hóa-Thông tin Long an ấn hành năm 2002.
09 Tháng Chín 2015(Xem: 7107)
Giá trị văn hóa truyền thống của văn bia thời đại Lý – Trần là giá trị về tính dân tộc hóa, tự tôn dân tộc và sức tự cường, tự chủ quốc gia. Giá trị ấy được thể hiện qua nhiều mặt, nhiều lĩnh vực như: giá trị thẩm mỹ, giá trị đạo đức được đề cao và phát triển rực rỡ nhất trong chiều dài lịch sử của Dân tộc
06 Tháng Tám 2015(Xem: 5361)
Những độc giả từng yêu thích Nắng và hoa, Thấy Phật, Khi tựa gối khi cúi đầu, Chuyện trò... - những tập sách đã có một góc riêng sang trọng trên kệ sách tản văn Việt bởi góc nhìn uyên thâm, giọng văn ảo diệu của GS Cao Huy Thuần - nay vừa có thêm một tặng phẩm mới: Sợi tơ nhện.
03 Tháng Tám 2015(Xem: 9505)
Bài này để nói thêm về tương quan giữa Phật học và nghệ thuật – các bộ môn như âm nhạc, thi ca, hội hoạ, tiểu thuyết, kịch, phim … Một số bạn thắc mắc rằng tại sao Đức Phật bảo phải tránh xa âm nhạc, trong khi nhiều Thầy hiện nay vẫn sử dụng âm nhạc, hay soạn kịch, hay làm phim…
09 Tháng Sáu 2015(Xem: 10359)
Tìm về với lịch sử văn hóa của dân tộc, là tìm về với những giá trị đạo đức cao đẹp cùng những bài học bổ ích từ những người đi trước. Đến với chương trình Hoa Mặt Trời kỳ 7, chúng ta được lắng nghe một vị giáo sư trên 80 tuổi kể về những câu chuyện lịch sử của đất nước có trên 2000 năm văn hiến. Trong quá trình hình thành và phát triển đó, Phật giáo được lấy làm nền tảng cho đạo đức và triết lý sống của dân tộc.
14 Tháng Hai 2015(Xem: 10079)
Tối nay tôi được yêu cầu để nó về sự phân biệt Phật Pháp, giáo lý của Đức Phật, với văn hóa Á châu hay văn hóa Tây Tạng. Đây là một câu hỏi rất quan trọng, một cách đặc biệt nếu chúng ta đang hoạt động để làm lợi ích cho người khác.