Đại Lễ Dâng Y Kaṭhina

14 Tháng Mười 201415:37(Xem: 5760)

ĐẠI LỄ DÂNG Y KAṬHINA

Minh Đức Triều Tâm Ảnh

 

dai le dang y 3Hằng năm, sau ba tháng an cư, nhập hạ trước, từ ngày 16/6 đến 16/9, suốt một tháng, tức là từ ngày 16/9 đến ngày 16/10 ÂL. trùng với ba tháng mùa mưa ở Ấn Độ, chư tăng được phép thọ nhận y Kaṭhina do thí chủ cúng dường. Truyền thống này có sự tích và nhân duyên từ thời đức Phật:  

“Sau khi thành đạo tại cội Bồ Đề, đức Phật về Vườn Nai Chuyển Pháp Luân hóa độ cho năm đạo sĩ Kiều Trần Như trở thành các bậc thánh vô lậu, thế là giáo hội Tăng-già ra đời, ban đầu chỉ có năm vị. Cũng thời gian ở đây, đức Phật tiếp độ thêm công tử Yasa cùng năm mươi lăm bạn hữu đồng đắc quả A-la-hán. Và đây chính là lực lượng 60 vị sa-môn thánh giả đầu tiên được đức Phật khuyên họ phân bố đi hoằng hóa nhiều phương, mỗi người một nơi, không đi chung nhau vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người. Thế rồi, sau khi tiễn đưa 60 vị A-la-hán lên đường, đức Phật rời Lộc Uyển, theo lộ trình trở lại thăm cội cây Bồ Đề tại Uruvelā cùng ngôi làng Senānī thăm lại các gia đình ân nhân thí chủ, trong đó có bát sữa kỳ diệu của nàng Sujātā.

Đến khu rừng Kappāsīya, thấy hoa kadamba nở vàng rực, hương thơm ngào ngạt, đức Phật dừng chân, độ ngọ rồi nghỉ trưa. Tại đây, đức Phật đã tiếp độ thêm ba mươi vương tử xứ Kosala trở thành ba mươi vị tỳ-khưu A-la-hán (1) rồi sau đó, họ tình nguyện đi đến miền rừng núi xứ Pāvāya, biên địa phía Bắc Kosala để hành đạo, tùy duyên tiếp độ chúng sanh.

Thời gian trôi qua, ba mươi vị tỳ-khưu này đều thọ trì hạnh đầu-đà; sống đời giản dị và trong sạch, xứng đáng phẩm hạnh của những bậc thánh vô lậu trong giáo hội của đức Tôn Sư. Họ thường chia nhau ra từng nhóm hai ba vị một, đi trì bình khất thực quanh những xóm làng sơn cước, có gì dùng nấy. Họ lượm vải dơ, vải rách, vải bên vệ đường, nghĩa địa người ta quăng bỏ để vá y, may y để mặc.

Việc đức Phật cho phép chư tăng thọ y Kaṭhina nguyên do bởi câu chuyện của ba mươi vị trưởng lão xứ Pāvāya này.        

Thuở ấy, một vị tỳ-khưu chỉ được dùng một số y phụ như y lót ngồi, y lót nằm, y rịt ghẻ, y lau mặt, sau này còn được phép dùng thêm y tắm mưa. Gọi là y nhưng thật ra, chúng chỉ là những tấm vải lớn nhỏ tùy theo mục đích sử dụng. Cần thiết và quan trọng nhất cho một vị tỳ-khưu là tam y (ticīvara), nó gồm có một tấm y dày hai lớp để làm chăn đắp, gọi là y Tăng-già-lê (saṅghāti); một tấm y khác nữa, gọi là y ngoại, y thượng hay y vai trái để mặc ngoài (uttarasaṅgha); một tấm y để mặc như cái xiêm được gọi là y hạ hay y nội (antaravāsaka). Do tất thảy đều là vải lượm, đôi khi phải may vá nhiều lớp nên tấm y Tăng-già-lê của vị tỳ-khưu nào cũng dày cộm. Nhớ lời đức Phật dạy, con chim có đôi cánh luôn dính với thân hình như thế nào thì vị tỳ-khưu có tam y cũng y như thế, không được phép rời khỏi tam y, phải luôn luôn dính tam y ở bên mình. Những khi trời nắng, hay tiết trời tạnh ráo thì y Tăng-già-lê dễ phơi phóng, mau khô, mang nhẹ; nhưng khi lỡ bị ướt nước mưa thì tấm y ấy trở thành gánh nặng trên vai!

Tình trạng như thế đã xảy ra với nhóm tỳ-khưu ba mươi vị ở Pāvāya này trong nhiều lần trước đây họ về thăm đức Thế Tôn ở Kỳ Viên tịnh xá; nhưng lần sau cùng này thì xem ra có vẻ ‘thê thảm’ hơn nhiều.

Chuyện là, khi hay tin đức Phật ở Kỳ Viên tịnh xá, rồi ở Đông Phương Lộc Mẫu trong hạ thứ hai mươi, hạ thứ hai mươi mốt, ba mươi trưởng lão xứ Pāvāya quyết định từ giã miền rừng biên địa, lặn lội về thăm ngài sau nhiều năm xa cách. Do những trận mưa xối xả bất thường, những đoạn đường qua núi, qua làng trở nên lầy lội nên họ bộ hành rất chậm; và những tấm thân già cùng với tam y ai cũng bị đẫm ướt. Khi đến thị trấn Sāketa là đã đến gần ngày an cư nên họ phải tìm chỗ trú chân, hong khô y áo. Vị trưởng lão trưởng đoàn run run vì lạnh, đăm đăm nhìn về phương Nam, cất tiếng như đã quyết định:

- Đức Thế Tôn hiện ở rất gần mà chúng ta cũng không về đảnh lễ bên chân của ngài được. Thôi, chúng ta hãy tìm một khu rừng, tạm thời an cư mùa mưa ở đây. Sau hạ, chúng ta hãy lên đường.

Mọi người y lời. Rồi mùa an cư cũng qua đi, nhưng do mưa suốt mấy tháng nên việc trì bình bị trở ngại, ai cũng gầy ốm, xanh xao vì thiếu thốn vật thực. Và suốt quãng đường về Sāvatthi, ba mươi vị tôn giả lại bị đẫm nước mưa nhiều lượt nữa, tấm y Tăng-già-lê trên vai nghe nặng như quả núi.

Khi họ lầm lũi, gắng sức đến được Kỳ Viên tịnh xá, cả ba mươi vị trông rất thảm não; hình ảnh ấy kinh động đến đức Phật, kinh động đến chư tăng và kinh động đến cả hai hàng cận sự nam nữ.

Sau khi gặp mặt ba mươi vị trưởng lão, thấy sắc mặt xanh xao, hình dong tiều tuỵ, y áo vá chằm vá đụp nhưng cũng đã rách nát tả tơi của họ, đức Phật động tâm chánh pháp. Tức tốc, ngài cho triệu tập chư vị đại trưởng lão có mặt ngay tức khắc tại giảng đường Kỳ Viên tịnh xá để cùng nhau xử lý vấn đề vừa phát sanh trước mắt.

Hướng tâm đến sinh hoạt tăng lữ của chư Chánh Đẳng Giác thời quá khứ, đức Phật Gotama biết rằng, khi gặp trường hợp tương tự, chư Phật đã cho phép thọ y Kaṭhina với cách thức như vậy, như vậy... (2) Người được thọ y, ví như trường hợp ba mươi vị trưởng lão này, sẽ nhận được vải lành lặn do thí chủ dâng cúng, để cắt, vá, may làm thành y mới, thay thế y áo đã quá cũ rách. Còn nữa, chưa nói chuyện thí chủ hoan hỷ cúng dường y Kaṭhina có phước báu vô song; riêng người thọ y cũng sẽ được năm quả báo hiện tiền, có được nhiều sự dễ dàng trong việc tới lui, sinh hoạt. Trong năm quả báo (3) ấy, điều thứ hai, là không mang theo y tăng-già-lê nặng nề bên mình mà cũng không phạm tội vào điều học nào cả.

Thế là trong suốt ba ngày, đức Phật cùng chư vị đại trưởng lão đã chế định những điều khoản, tuyên ngôn, cách thức thọ trì, thế nào là thành tựu, thế nào là không thành tựu... vân vân và vân vân. Từ đó đại lễ dâng y Kaṭhina bắt đầu được phổ biến rộng khắp tịnh xá, tu viện trong toàn thể châu Diêm-phù-đề.

Người được diễm phúc và vinh hạnh làm chủ lễ đại thí cúng dường y Kaṭhina đến đức Phật và chư tăng Kỳ Viên tịnh xá lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, chính là bà Đại Thí Chủ Visākhā vậy”.

Ngày nay, sau 2558 năm qua đi, Đại Lễ Dâng Y Kaṭhina còn được gìn giữ, bảo lưu và phụng hành trong các nước Phật giáo Nam truyền; nội dung thì tương tợ nhau nhưng một số hình thức, lễ tiết có khác nhau do văn hoá bản địa và cả tập quán sinh hoạt, tu tập nữa. Ví dụ:

- Tại núi rừng Myanmar và Bắc Thái Lan còn có một số đoàn du tăng đầu-đà sống từ rừng này sang rừng khác, họ không thọ nhận y mới do tận tay thí chủ dâng cúng; biết vậy nên Phật tử phải làm bẩn y rồi quăng vất giữa rừng. Và các ngài “tình cờ” đi ngang lượm được.

- Tại các nước như Thái, Myanmar, Lào, Campuchia... ngày Đại Lễ Dâng Y họ tổ chức như lễ hội, có kèn trống, múa hát cùng vác, đội, mang lễ vật cúng dường, đi nhiễu Phật quanh cả làng hay cả xóm. Tại thành phố thì nhiễu Phật cả cụm phố, quanh một số con đường nào đó.

- Tại Việt Nam, do chư tăng an cư trong những ngôi chùa nhỏ nên Phật tử đội y bát, nhiều loại vật dụng nhiễu quanh Phật ba vòng về tay phải (phía phải ngôi chánh điện).

Đoàn nhiễu Phật có cờ Phật giáo, trầm đi đầu. Tiếp theo là đoàn thiếu nhi dâng hoa. Sau đó nữa là hai lọng che Y và Bát và người được vinh hạnh đội y và bát ấy chính là vị Đại Thí Chủ có công đức cúng dường lớn trong ngày đại lễ (đôi nơi, vị Đại Thí Chủ này còn cúng dường tứ sự cho chư tăng suốt cả ba tháng an cư nữa). Sau cùng là đoàn Phật tử đội y, đội vật dụng đủ loại sắp hàng 2, hàng 3 hay cả hàng 4, hàng 5 nối tiếp theo nhau đông cả trăm, cả ngàn. Họ đi bằng chân đất, thành kính, trang nghiêm, đồng thời cùng nhau tụng đọc bài kệ Dâng Y. Và cứ sau mỗi đoạn, họ lại đồng thanh cất tiếng “Sādhu, sādhu – lành thay”. Riêng tại Thừa Thiên - Huế, để tránh tình trạng người đọc trước, kẻ đọc sau, lộn xộn, hoặc tuỳ tiện ngưng dứt không đúng chỗ nên bài kệ được người có giọng chuẩn, trầm ấm, rõ ràng được thâu thành băng phát; và Phật tử cứ thế, âm thầm đọc theo rồi cùng “ “Sādhu, sādhu – lành thay” nên rất trang nghiêm, rập ràng.

Sau ba vòng, vào Chánh Điện, cất đặt lễ phẩm xong họ tụng kinh Tam Bảo. Ban tổ chức thỉnh chư tăng quang lâm chánh điện, rồi sau đó theo chương trình của mỗi chùa. Đặc biệt, cuộc lễ chỉ thành tựu tối thiểu có 5 vị tỳ-khưu trở lên tham dự và thực hành nghi thức tăng sự đúng pháp và luật mà đức Phật đã ban hành.

Về phước báu lớn lao của ngày Đại Lễ Dâng Y Kaṭhina này, ta có thể hiểu khái quát rằng người Phật tử có quy giới, biết bố thí, cúng dường y bát và tứ sự đến chư Tăng trong ngày Đại Lễ Dâng Y Kaṭhina sẽ có 12 quả báo hy hữu sau đây:

- Trong sinh tử luân hồi, dù có vài kiếp lưu lạc nhưng sau đó cũng gặp được chánh pháp.

- Một kiếp nào đó, đủ duyên sẽ có đầy đủ y bát để sống đời xuất gia phạm hạnh.

- Luôn luôn được sinh ra trong gia đình có đức tin Tam Bảo, không sinh ra trong các gia đình ngoại đạo, tà giáo.

- Không bao giờ sinh ra tại miền hoang dã biên địa, thiếu thốn mọi tiện nghi vật chất cũng như ánh sáng văn minh, văn hoá. 

- Trong nhiều đời kiếp bao giờ cũng đầy đủ tiện nghi ăn ở, những nhu cầu, phương tiện sinh hoạt phục vụ đời sống.

- Nhiều kiếp được hưởng phước báu nhân thiên.

- Sinh làm người có ngũ quan toàn hảo.

- Trong nhiều đời kiếp sẽ được gặp gỡ, gần gũi chư vị thiện trí thức.

- Luôn có nhiều thiện duyên về đường học vấn, có cơ hội tích luỹ kiến thức, hiểu biết.

- Nhiều may mắn, an vui, sức khoẻ, sắc thân xinh đẹp, trường thọ, có trí tuệ; ít rủi ro, bệnh tật; tránh được nhiều tai ươn, hoạn nạn...

- Có nhiều gia sản, địa vị, sự nghiệp, danh vọng; nhiều con cháu hoà thuận, đông đúc hội chúng, nhiều thân quyến và bạn bè lành tốt.

- Ít gặp nạn nước, nạn lửa, nạn gió bão, sóng thần, động đất, chiến tranh, dịch bệnh...

Với phước báu thù thắng như thế nên được làm thí chủ Dâng Y Kaṭhina, được làm phước cúng dường trong ngày Đại Lễ này là một ước mơ cao quý cho hàng tại gia cư sĩ. Và chúng ta cũng nên nhớ rằng, chính những ngày ra hạ này, truyền thống Bắc phương từ Trung Quốc đã biến thành ngày đại lễ Vu Lan, đã trở thành nét đẹp của tôn giáo, văn hoá Đông phương nói chung và Việt Nam nói riêng vậy.

 

Ghi chú:

(1) Xem lại MCĐMVNN II cùng tác giả.

(2) Xem Mahāvagga II, tạng Luật; tỳ-khưu Indacanda đã có bản Việt dịch.

(3) 5 quả báo: 1- Ra đi không từ giã vị trưởng nhóm, không có tội. 2- Đi, không mang theo y Tăng-già-lê, không phạm điều học. 3- Thọ thực chung nhiều vị, cũng được. 4- Không thọ y, có thể cất giữ y hoặc không gởi y cũng không sao. 5- Y của tỳ-khưu mất hay y phát sanh như tài sản của Tăng, vị tỳ-khưu đã thọ Kaṭhina được phép sử dụng.

 

Sau đây là một số hình ảnh ngày Đại Lễ Dâng Y Kaṭhina được cử hành vào ngày 19/9 ÂL. năm 2014, Phật lịch 2558 tại Rừng Thiền Huyền Không Sơn Thượng, Huế, Việt Nam.    

 

blank
Đại thí chủ: Diệu Hạnh và Nguyên Châu

dai le dang y 9

dai le dang y 8dai le dang y 7dai le dang y 6dai le dang y 5dai le dang y 4dai le dang y 3dai le dang y 2

Các ảnh trên: Chư Phật tử đội y bát, tứ vật dụng nhiễu Phật ba vòng

dai le dang y 10dai le dang y 15
Chư Tăng hành Tăng sự
dai le dang y 14

dai le dang y 13dai le dang y 12dai le dang y 11

dai le dang y 16Thí chủ cảm tạ


Chư Tăng hành Tăng sự, cảm tạ của thí chủ - Hoàn mãn

 

MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Giêng 2015(Xem: 10092)
06 Tháng Giêng 2015(Xem: 5961)
Một vị Hòa thượng đã nói đùa: “Chùa thờ linh lúc nào cũng đông đúc Phật tử đến sinh hoạt, việc điều hành chùa tuy bận rộn nhưng dễ dàng vì có phương tiện cúng dường của Phật tử. Trái lại, những ngôi chùa chỉ đào tạo Tăng Ni có trình độ giáo lý cao như cử nhân, tiến sĩ thì phần lớn không có chúng, không có Phật tử”, và vị này đã kết luận: “tiến linh có phần ‘hơn’ tiến sĩ!!!”.
16 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 19324)
Con người Tây phương khám phá ra rằng cách đặt vấn đề của đạo Phật đáp ứng nhu cầu của thời đại mới. Tây phương đang chối từ Thượng Đế thì đạo Phật giải thích không có Thượng Đế. Tây phương phải nhờ Darwin để cắt nghĩa rằng vũ trụ không phải do một Đấng nào sáng tạo ra cả trong bảy ngày thì đạo Phật đã nói cách đây hơn 2500 năm rằng thời gian là vô thủy vô chung, vũ trụ là vô cùng vô tận. Tây phương ngay ngáy lo sợ về ngày phán xét cuối cùng của Thượng Đế thì Phật giáo nói: không có ai phán xét ta cả, chỉ có con người phán xét con người thôi.
19 Tháng Mười Một 2014(Xem: 5244)
Vị trí địa lí và các sinh hoạt văn hóa kinh tế giữa Trung Quốc (TQ) và Việt Nam (VN) đã để lại nhiều dấu ấn trong ngôn ngữ theo dòng thời gian, nhất là khi Phật giáo (PG) du nhập vào Đông Nam Á và TQ. Phần này chú trọng vào các cách đọc (âm Hán Việt) của chữ 梵 phạn hay phạm trong các tài liệu cổ TQ và các dữ kiện tương ứng trong tiếng Việt.
19 Tháng Mười Một 2014(Xem: 6013)
Tôi không có ý định nói tiếp ý của câu ca dao thứ hai “ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta” vì mình chưa đủ trải nghiệm và hiểu biết để đoan chắc rằng “lắm kẻ” đó có “giòn” hơn hay không “giòn” hơn ta. Tôi chỉ xin nói về một vài trải nghiệm nho nhỏ khi “ra đường” để có dịp nhìn lại mình khi “ở nhà” với những mối quan hệ “mẹ con” thân thuộc.
03 Tháng Mười Một 2014(Xem: 4629)
Nghệ thuật Phạm-bối của Phật giáo ra đời trong không gian kỳ ảo của nhiều cung bậc âm thanh, từ các thể tán ca, ngâm vịnh của những tôn giáo mang ảnh hưởng Vệ-đà. Mặc dù Đức Phật đã mở một lối đi riêng mang tính tiên phong về phương diện tư tưởng nói chung và lãnh vực nghệ thuật nói riêng; tuy vậy, vẫn có những giao thoa nhất định trong hành hoạt đời thường, vì cùng sinh hoạt và tồn tại trong một không gian văn hóa.
29 Tháng Mười 2014(Xem: 5306)
Theo các nguồn sử liệu đáng tin cậy, đạo Phật truyền vào Việt Nam vào khoảng đầu kỷ nguyên Tây lịch, cho đến Khương Tăng Hội là vị tăng sĩ có sử tích đầu tiên trong lịch sử (sanh khoảng năm 190 - mất năm 280 sau tây lịch) và để lại nhiều tài liệu viết dịch;[1]từ ấy đến nay đã gần hai ngàn năm.
27 Tháng Chín 2014(Xem: 7106)
Như thường lệ, đúng vào ngày Chủ nhật hàng tuần, chư tôn đức Phật giáo Nam Tông tỉnh Thừa Thiên Huế đều có pháp khất thực trên những con đường êm ả của xứ Huế thơ mộng. Những bước chân nhẹ nhàng, thong thả với chánh niệm, pháp khất thực đã thể hiện nét đẹp văn hóa của Phật giáo xứ Huế và dần trở thành thân thuộc với người dân.
01 Tháng Chín 2014(Xem: 10539)
Trong Tứ Diệu Đế của đạo Phật, chân lý đầu tiên là khổ đế. Khổ đế là một đề tài rất phổ thông trong nhạc Trịnh Công Sơn: “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”, ông đã hát trong Gọi tên bốn mùa. Cuộc đời đầy khổ và buồn vì không có gì trường cửu cả.