Ở nhà nhất mẹ nhì con, ra đường…

19 Tháng Mười Một 201414:50(Xem: 5998)

Ở nhà nhất mẹ nhì con, ra đường…

Thông Định

 

Tôi không có ý định nói tiếp ý của câu ca dao thứ hai “ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta” vì mình chưa đủ trải nghiệm và hiểu biết để đoan chắc rằng “lắm kẻ” đó có “giòn” hơn hay không “giòn” hơn ta. Tôi chỉ xin nói về một vài trải nghiệm nho nhỏ khi “ra đường” để có dịp nhìn lại mình khi “ở nhà” với những mối quan hệ “mẹ con” thân thuộc.

blank
Viện đại học MCU

Tôi hiện theo học trường MCU (Mahachulalongkornrajhavitthayalaya

ChiangMai Campus), Thái Lan. Lớp tôi sinh viên đến từ các nước lân cận Thái Lan như Lào, Campuchia, Myanmar, Nepal… Đó quả là trải nghiệm rất mới cho người lần đầu đi nước ngoài, được học tập trong môi trường mà xung quanh toàn những tiếng nói mình không hiểu. Có lẽ bạn sẽ nghĩ những nước “quanh quanh mình” như vậy thì cũng không có khác biệt gì nhiều để phải bỡ ngỡ. Vâng, quả thật là vậy. Ngoại trừ vài khác biệt “ngộ ngộ” thì không có gì lớn khiến tôi phải “học để thích nghi”. Tuy nhiên cũng có đôi điều nếu không “ra đường” như vầy thì tôi sẽ không nghĩ, không nghĩ lại, nghĩ nhiều đến. Xin kể vài chuyện:

MCU 1
Một buổi học ngoài trới

Như đã nói, sinh viên lớp tôi đến từ nhiều nước nên trong các tiết học thường có những buổi thuyết trình, giới thiệu về mỗi đất nước hoặc Phật giáo nước đó. Thường trong các buổi này, những “lấn cấn” hay xảy ra: về lịch sử, về văn hóa, về lãnh thổ, về truyền thống… giữa các quốc gia hay trong cùng một quốc gia. Tuy không lớn, không rõ, không tranh cãi nhưng vẫn là những lấn cấn, mà lấn cấn, như ai đó đã ví von “hạt cát trong giày” đi gần cũng chịu được, đi xa phải lấy ra.

Chuyện là mỗi khi thuyết trình, đến phiên Việt Nam hoặc Phật giáo Việt Nam thì chúng tôi (công dân, tu sĩ Việt Nam) hơi vấp víu. Nếu thuyết trình với tư cách công dân Việt Nam, sẽ có hai nhóm: nhóm người Việt và nhóm người Khmer (hay gọi cho đúng là nhóm người Kinh và nhóm người Khmer?). Nếu thuyết trình với tư cách tu sĩ Việt Nam, cũng sẽ có hai nhóm: Nam tông và Bắc tông.

MCU 2
Trong lớp học

Về điều đầu tiên, có một chuyện tôi thấy thú vị là thường khi thuyết trình chung về Việt Nam, các sư Khmer vẫn ở trong nhóm Việt Nam nhưng lần kia thuyết trình về văn hóa các nước, các sư Khmer lại qua bên nhóm các sư Campuchia! Đứng trực tiếp trong tình huống này giúp tôi hiểu rõ hơn điều vẫn thường được nghe: biên giới lãnh thổ nhiều khi không phải là biên giới văn hóa và trong rất nhiều cách để xác định, khẳng định một con người thì văn hóa là tấm căn cước có giá trị hơn cả.

Một chuyện thú vị nữa là trong buổi thuyết trình gần đây, giáo viên yêu cầu mỗi nhóm vẽ hình bản đồ, quốc kỳ, biểu tượng của mỗi quốc gia. Nhóm Việt Nam có sáu thành viên, hai thầy người Kinh và bốn sư Khmer. Hôm đó một thầy, một sư nghỉ học, còn tôi và ba vị. Mỗi người trình bày một phần. Đến phần bản đồ, vị sư Khmer vẽ thêm một đường phấn chừng dưới Thành phố Hồ Chí Minh! Đến khi nói, vị ấy cũng nói về chuyện lịch sử lãnh thổ, chuyện người Khmer nói hai thứ tiếng, chuyện hai mươi mốt tỉnh thành người Khmer sinh sống. Vị giáo viên Mỹ có vẻ biết chuyện và quan tâm nên hỏi thêm vài điều. Về phần mình, tôi im lặng đứng nghe. Tôi không biết nhiều về những vấn đề này, lại càng không chắc về những gì mình biết. Xin nói thêm là có lần nhóm các sư Campuchia thuyết trình, các vị ấy đã trình bày hai bản đồ của Campuchia, một cũ một mới. Cái cũ, lãnh thổ Campuchia bao gồm phần phía Tây Nam Bộ Việt Nam và một phần Thái Lan. Cũng một dịp, ngay từ lúc chân ướt chân ráo vô lớp, một vị sư Khmer học năm thứ hai đã đến trò chuyện và hỏi tôi những vấn đề này.

Điều thứ hai, Phật giáo Việt Nam.

Cũng một chi tiết thú vị: có vẻ mỗi khi chúng tôi thuyết trình Phật giáo Việt Nam thì các nhóm khác rất hào hứng hỏi! Những câu hỏi phần nhiều là dễ thương và khiến mọi người cười ồ. Đại loại như: các thầy được đá banh phải không? các thầy được lái xe phải không? các thầy được chơi đàn phải không? các thầy được học kungfu phải không?(coi kiếm hiệp chắc luôn)... Có lẽ sinh viên trong lớp 7/8 đến từ các nước Phật giáo Nam tông và còn trẻ nên cảm thấy lạ, muốn biết. Tuy nhiên (vâng, dĩ nhiên phải có tuy nhiên), hơn một lần không khí lớp học trầm xuống. Đây là một lần như vậy:

Cũng trong buổi thuyết trình gần đây, khi giới thiệu về những biểu tượng của Việt Nam (chúng tôi chọn Chùa Một Cột, áo dài và nón lá, không biết chính xác không), tôi có nói rằng chiếc nón lá này rất quen thuộc, thân thương với người Việt. Cả nam lẫn nữ, cả già lẫn trẻ đều đội. Đội đi chơi. Đội đi làm. Đội trên đồng lúa. Đội giữa thị thành. Và đội đi chùa. Rồi cả chư Tăng, chư Ni cũng đội. Đến phiên tôi cũng làm khổ sở một người Phật tử đã lỉnh kỉnh hành lý mà còn vác từ Việt Nam qua đây một chiếc để che nắng Thái (bên cạnh ý đồ tất nhiên: khoe nón lá Việt!). Đến phần đặt câu hỏi, một vị sư Myanmar lên tiếng:

MCU 3
Chiếc nón lá nơi góc nhà trong “Khu vườn Việt Nam”
tại Vườn hoa Hoàng gia, Chaing Mai, Thái Lan.

- Tại sao chiếc nón này dành cho người thế tục mà chư Tăng Ni lại đội? Và chư Tăng cũng đội nón giống chư Ni nữa?

Lớp lao xao ý kiến. Phần nhiều là nói vị ấy nên nhìn rộng hơn một chút, đây đơn giản chỉ là truyền thống, là văn hóa. Giáo viên hỏi sư thấy có vấn đề gì với chuyện này hay sao. Vị ấy đáp:

-  Tôi chỉ nghĩ rằng tu sĩ không nên đội nón lá thôi. Mặc chiếc áo tu là đủ rồi.

Một vị sư Khơ Me trả lời:

-  Chỉ có chư Tăng Bắc tông đội, chư Tăng Nam tông thì không.

Thực ra khi mang chiếc nón lá qua đây và đội đi học hàng ngày tôi cũng có nghĩ đến chuyện này. Tôi trả lời:

-  Xin nghĩ như thế này: ở Thái Lan, chư Tăng dùng dù để che nắng che mưa. Dù đó cũng giống người thế tục, rồi các vị tu nữ cũng dùng. Vậy có vấn đề gì chăng? Và dép nữa, cũng giống người thế tục. Cho nên, giống chư Tăng ở đây mang dù, mang dép vì là điều cần thiết, việc chúng tôi đội nón cũng vậy.

MCU 4
Áo dài và nón lá trong bức tranh về Việt Nam
do sinh viên Thái Lan vẽ
nhân cuộc thi sáng tác tranh chủ đề Asean tại MCU

Áo dài và nón lá trong bức tranh về Việt Nam do sinh viên Thái Lan vẽ nhân  cuộc thi sáng tác tranh chủ đề  Asean tại  MCU

Mọi người có vẻ bằng lòng với câu trả lời đó, riêng tôi lại tự dưng gờn gợn chút gì đó sau điều vừa nói.

Đó là đôi chuyện lấn cấn thú vị.

Và tôi học được gì từ những sự việc đó?

Vâng, tôi học được rằng phải ra đường, đi khỏi căn nhà quen thuộc, mối quan hệ mẹ con thân thiết, để không bị nhìn mọi việc theo cách “con mình là nhất”, “con hát mẹ khen hay”.

Thú thực khi nghe và thấy các sư Khmer làm, nói như vậy, tôi đã nghĩ: có cần phải phức tạp lên như vậy chăng, nhất là tu sĩ nữa? mọi chuyện hồi xưa thì để cho qua đi, mọi thứ vẫn tốt mà… Nhưng tôi chợt thử đặt mình vào một hoàn cảnh tương tự: giả sử vì lý do nào đó, có sự mập mờ, xáo trộn trên bản đồ và trong chủ quyền lãnh thổ Việt Nam và Trung Quốc thì liệu tôi có làm giống như các sư này không? Tôi sẽ nói với bạn bè các nước rằng chúng tôi là người Việt Nam đang sinh sống ở vùng đất đó, nói ngôn ngữ đó? Tôi sẽ vạch một đường phấn trắng? Vâng, dĩ nhiên!

Mọi so sánh đều khập khiễng, tôi chỉ mượn lời để đạt ý. Xin đừng cho rằng tôi đang đưa ra một kết luận gì về lịch sử hay định bàn luận thời sự. Thành thật tôi không biết những chuyện ấy. Tôi chỉ muốn nói rằng khi nhìn ở một góc độ khác, khi đặt mình vào vị trí của họ, ta hiểu điều họ làm, ta biết rằng suy nghĩ của mình không phải chân lý. Sở dĩ tôi có suy nghĩ như trước đây, rằng các sư Khmer làm phức tạp vấn đề, vì tôi không ở trong hoàn cảnh chư vị ấy. Tôi nói với tư thế người khỏe mạnh phán bảo cái nhăn mặt của người đau bụng là yếu mềm, là làm bộ, làm quá. Nếu vẫn ở trong nước, nơi mà mình là đa số và tiếng nói của đa số đó được xem như sự thật, thì chắc rằng tôi sẽ còn giữ những phán quyết trước giờ của mình.

Quả thật, từ khi có dịp tách mình ra khỏi môi trường quen thuộc, đến nơi lạ, trở thành thiểu số, tôi được nhìn nhận lại các kết luận mình xem như mặc định.

Là người Việt Nam, tôi đơn lẻ đã đành, thú vị hơn nữa khi còn được là số ít với cả những người nói tiếng Việt! Thêm nữa, như chú ong nâu đậu trên đóa hoa vàng, tôi nổi bật trong những buổi hội họp đông người. Trong vị thế đó, tôi đưa mắt nhìn lại truyền thống của mình, và nhìn vào lòng mình. Nhìn lại truyền thống của mình để biết đâu là chân giá trị của truyền thống ấy. Nhìn lại lòng, tự hỏi mình đã mang theo vốn liếng gì từ căn nhà đó để đủ sinh sống giữa quê người một cách đàng hoàng mà không phải đi vay mượn. Mới thấy những gì mình cho là đương nhiên đúng lại không đương nhiên đúng chút nào, và những gì không hay thực ra lại rất hay.

MCU 5
Một buổi đi khất thực theo truyền thống Nam Tông

Quay trở lại chuyện ra đường và ở nhà, mẹ con và người lạ. Như câu nói nào đó: người ta cần giống nhau một chút để hiểu nhau và khác nhau một chút để yêu nhau. Chừng nào bạn chưa thấy mình cũng chẳng khác gì người kia, đều là những con người bình thường, đến chừng ấy, suy nghĩ mà bạn cho rằng mình hiểu họ thực chất chỉ là những hình ảnh bạn nhìn thấy họ qua khe hở từ căn hầm thành kiến của mình; Chừng nào bạn chưa thể yêu được điều gì khác với căn nhà của bạn, khác mẹ bạn, con bạn, đến chừng đó bạn không thể nói mình biết yêu. Những tình cảm mà bạn gọi tình yêu, thực chất là một hệ thống cảm xúc tự động chạy bằng dòng năng lượng ái luyến.

Vậy thì hãy ra đường, hãy lên đường. Hãy rời khỏi căn nhà quen thuộc, có vẻ dễ chịu (vì không phải vận động), với những con đường chưa đi đã biết đích đến, những mảnh trời rời rạc sau khung cửa sổ cũ kỹ, những con người đã “quá hiểu” nhau. Ra đường để biết rằng bạn chẳng hiểu gì về tôi cả. Ra đường để hiểu rằng bạn chưa từng yêu tôi, thậm chí chưa từng biết tôi. Ra đường để biết mình, biết người. Và đơn giản hãy ra đường vì một người không thể ở mãi trong nhà với mẹ và con.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Bảy 2014(Xem: 8559)
Trước những hiện tượng xảy ra phổ biến như hoang phí vung tiền lẻ tràn ngập khắp nơi, mê muội cầu tài lộc, chen lấn xô đẩy… tạo nên những hình ảnh xấu trong các mùa lễ hội. Vietnamnet có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Trần Văn Phương (Giảng viên Khoa Văn hóa – Phát triển, HV Báo chí và tuyên truyền) để làm rõ nguyên nhân và các yếu tố gây nên các hiện tượng xấu đáng báo động trong các mùa du lịch văn hóa tâm linh.
01 Tháng Bảy 2014(Xem: 19708)
Thập Bát La Hán tượng trưng cho tín ngưỡng đặc thù dân gian. Cuộc đời của các Ngài siêu nhiên kỳ bí nhưng rất mực gần gũi chúng sanh. Tranh tượng Bồ-tát trình bày một thế giới trang nghiêm hương hoa nhã nhạc. Tranh tượng La-hán trình bày những nét sống động của các bậc Thánh hết sức hồn nhiên phụng hiến năng lực của mình.
10 Tháng Sáu 2014(Xem: 4983)
Ngày hôm qua có một số người trẻ đi tắm hồ đã chứng kiến cái chết của một em bé 19 tuổi. Em bị chết đuối. Cái chết có thể đến với ta, đến với người ta thương bất cứ lúc nào. Nếu không chuẩn bị chúng ta sẽ không có khả năng đối phó với những biến cố lớn đó.
06 Tháng Sáu 2014(Xem: 8482)
Cuối tháng giêng, trời lạnh sắt se. Nước rỉ ra từ những lùm cây rậm, khe đá hở, rồi theo những đường rãnh, róc rách đổ xuống suối, sườn núi, triền non, mù sương bãng lãng; chỗ đậm như khói, chỗ nhạt như lụa; vật vờ, chao động, nhẹ thênh thênh, huyền ảo như cổ tích, chập chờn như mộng mị.
04 Tháng Mười Một 2013(Xem: 14080)