Thống nhất trong đa dạng

12 Tháng Bảy 201616:23(Xem: 6809)

THỐNG NHẤT TRONG ĐA DẠNG  
Minh Mẫn


Thống Nhất Trong Đa DạngHình như trong các tôn giáo hiện nay, giáo lý, kinh tạng, nghi lễ, sắc phục, pháp phục, văn ngôn thuật ngữ, kiến trúc thờ tự... đa dạng nhất, có lẽ chỉ có Phật giáo Bắc truyền.

Không chỉ Phật giáo Việt Nam, ngay cả Kim Cang thừa của Tây Tạng cũng có sắc thái đặc thù của 4 phái (Nyingma-Sakya-Kagyu và Gelug).

Các tông phái Nhật Bản cũng mang sắc thái riêng biệt như: Thiền Tông (Zen Sect)- Tịnh Độ Tông - Thiền Thái Tông - Nhật Liên Tông - Chân Ngôn Tông... nghĩa là Phật giáo Bắc truyền đa dạng hơn Phật giáo Nam truyền sau khi các bộ phái được phân lập thì hình thức cũng như nội dung hành trì cũng từ đó được thiết chế, vì thế Phật giáo Bắc truyền đã dễ dàng thẩm thấu vào các xã hội Đông Tây hiện nay, (có lẽ vì thế mà Bắc truyền đã đi quá xa từ nguồn gốc?).

Tại Việt Nam, hiện nay tồn tại hai hệ phái rõ nét: Bắc truyền và Nam truyền.

Nam truyền (Nam Tông Kinh) được du nhập từ thập niên 30 của thế kỷ 20, do thu hẹp sinh hoạt nên vẫn giữ được nét nguyên thủy từ hình thức đến nội dung. Nam tông K'hmer có mặt rất sớm tại miền Nam khi lãnh địa Việt Nam phát triển về miền Tây Nam bộ vào thế kỷ 18. Nam tông K'hmer có mặt nhiều nhất tại miền Tây, Nam tông Kinh cũng đang tồn tại cả miền Nam lẫn và miền Trung. Pháp phục vẫn giữ nét truyền thống từ thời đức Phật, tuy tông màu tam y so với Phật giáo Nguyên thủy của các quốc gia trong khu vực có đậm nhạt khác nhau. Văn tự vẫn lấy Pali làm gốc.

Riêng Phật giáo Phát Triển (Đại thừa) thì từ hình thức đến nội dung hoàn toàn khác biệt với Phật giáo Nguyên Thủy. Giữa Phật giáo Phát Triển của Việt Nam và Trung Hoa không mấy có sự dị biệt khi mà đất nước đã hai lần bị lệ thuộc vào Trung Quốc, mặc dù Phật giáo du nhập vào Việt Nam trước Trung quốc, nhưng do sự giao thoa trong cuộc sống, việc ảnh hưởng nhau từ văn tự cho đến tín ngưỡng nhân gian và Tôn giáo đều tương cận. Tuy nhiên, Phật giáo cũng như dân tộc Việt Nam, một góc độ nào đó, vẫn giữ được nét đặc thù khi tiếp nhận văn hóa của nhau, sự tiếp biến đó đã thể hiện tinh thần độc lập của một dân tộc từng bị một ngàn năm ngoại thuộc mà không hề mất gốc.

Các tổ sư Trung Hoa đã có mặt tại Việt Nam do nhu cầu truyền bá, cũng một phần do Phật giáo Việt Nam cung thỉnh sang truyền giới, phát triển đạo tràng, Thiền tông, vì vậy, mặc dù âm vận khác biệt nhưng cùng một nét chữ vuông. Mãi về sau, do tính tự tồn của dân tộc, cha ông ta đã triển khai chữ Nôm dành riêng cho người Việt, nhưng khó phát triển, vì chỉ sử dụng hạn chế trong một số cửa Thiền và văn bản cung triều. Cho đến khi chữ quốc ngữ hiện nay được tiện dụng nên văn hóa dân tộc và văn hóa Tôn giáo đã được đa dạng hóa qua việc truyền bá và hành trì.

Nói như thế không có nghĩa trước kia Phật giáo Việt Nam không có nét đặc thù. Để thoát Trung về mặt tín ngưỡng Tôn giáo, Tông phái Trúc Lâm do Điều Ngự Giác Hoàng khởi xướng, suốt thời gian khá lâu, một Thiền phái thuần Việt được rạng rỡ độc lập, ngay cả văn hóa dân tộc dưới thời Lý Trần cũng cách biệt với "mẫu quốc". Các Thiền sư, Quốc sư đã chứng tỏ cho "mẫu quốc" thấy rằng ngoài bầu trời vẫn có một mặt trời phương Nam rạng chói. Chính vì thế, mặc dù văn tự, ngôn ngữ, kiến trúc, pháp phục, nghi lễ của Phật giáo Việt Nam thoáng nhìn cứ như rập khuôn Trung quốc, thực chất nó vẫn có nét riêng biệt mà chỉ người trong cuộc mới nhận dạng phân biệt được.

Trải qua hàng ngàn năm tồn tại, Phật giáo Việt Nam cũng biến cải khá nhiều về mọi mặt, tuy nhiên, để cho cái nhìn ngoại cuộc, nhất là các quốc gia phương Tây không phân biệt được giữa Phật giáo Việt Nam và Trung quốc về phương diện hình thức, nhất là kiến trúc nơi thờ phượng cũng như văn tự kinh điển, đã nhiều lần chư Tôn đức và các nhà văn hóa Phật giáo vẫn trăn trở cho một cuộc canh tân để cho Phật giáo Việt Nam có một nét cá biệt như sự cá biệt của Phật giáo Phát Triển mà các quốc gia Châu Á hiện nay đang thủ đắc.

Bốn lãnh vực rõ nét hiện nay của Phật giáo Việt Nam là: Pháp phục - Kiến trúc - Ngôn ngữ - và Di sản tâm linh. Một công trình vĩ đại đã từng ăn sâu vào máu huyết của nhiều thế hệ, đặt vấn đề canh tân là cả một sự khó khăn và mạo hiểm, tuy khó vẫn phải làm và mạo hiểm vì bao chướng ngại từ các hệ phái đang duy trì một tông phong cá biệt  phải được hóa giải: THỐNG NHẤT TRONG ĐA DẠNG; đây là một ý tưởng và cũng là một trọng trách của Ban Văn Hóa và Ban Nghi lễ cần phải làm và đang xắn tay nhập cuộc, đòi hỏi các hệ phái cần đồng lòng chung tay.

Ngày 02 và 03/7/2016 đã có cuộc Hội thảo Khoa Học tại chùa Yên Phú- Liên Ninh- Thanh Trì- Hà Nội do Ban Văn Hóa và Ban Nghi Lễ đứng ra tổ chức, thu nhận ý kiến và lắng nghe mọi đóng góp cho một lộ tình lâu dài trước mắt. Tham dự, ngoài các chức sắc Phật giáo, các ngành liện hệ đến Phật giáo, còn có một số nhà trí thức, chuyên gia như - Hội Kiến trúc sư VN - Viện Bảo tồn Di tích - Viện Ngôn ngữ học - Tập đoàn Dệt May VN - Viện Nghiên cứu Tôn giáo.

Hy vọng Phật giáo Việt Nam hiện nay sẽ có bước đột phá, tiếp nối truyền thống cha ông từng chuyển mình để có một Phật giáo Việt Nam mà chúng ta đang thừa hưởng.


"Bốn trong một" là nội dung của cuộc hội thảo khoa học về nhu cầu hiện thực hóa Phật giáo hiện nay, do Ban Văn Hóa và Ban Nghi lễ Trung ương, sau nhiều tháng tuần lưu từ ba miền để giao tiếp và ghi nhận ý kiến với các hệ phái chung quanh bốn chủ đề quan trọng:

- PHÁP PHỤC - KIẾN TRÚC - NGÔN NGỮ - DI SẢN
 
Mà từ lâu hầu hết ai quan tâm đến Phật giáo đều canh cánh có được một Phật giáo Việt Nam đặc thù từ hình thức đến nội dung, để PGVN có được chiếc áo mới thế kỷ 21 nầy.

Qua 44 bài nói chuyện, tham luận từ giáo phẩm Trung ương đến các nhà trí thức, các Ban Văn Hóa - Ban Nghi Lễ địa phương, hình như chỉ nêu lên chung chung những nhận định, để Ban thư ký cuộc Hội thảo ghi nhận.

Tổng quan về Văn Hóa Phật giáo Việt Nam, Báo cáo đề dẫn khai mạc Hội thảo chủ đề "VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM" - KTS. Lê Thành Vinh - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích nói:

"... Với lịch sử trên 2000 năm du nhập, định hình và phát triển tại Việt Nam, Phật giáo với tinh thần tùy duyên nhập thế, đã lan truyền và thấm sâu vào đời sống của cộng đồng các dân tộc Viêt Nam....... Hình thành và phát triển theo chiều dài lịch sử, những sản phẩm vật chất và tinh thần của PGVN được sàng lọc, kết tinh thành những giá trị văn hóa đặc sắc, lưu truyền từ thế hệ nầy sang thế hệ khác. Mỗi thế hệ lại có sứ mạng của mình trong việc giữ gìn, kế thừa và bồi đắp, làm giàu thêm những đặc điểm, giá trị của nền văn hóa ấy... Chính vì vậy, nhận diện để giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa Phật giáo, với ý nghĩa là một thành tố quan trọng của văn hóa dân tộc Việt Nam, là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết...."

Hầu hết các nhà trí thức có mặt trong cuộc hội thảo đều xác nhận tầm quan trọng trong việc thống nhất qua bốn chủ đề được nêu. Tuy thống nhất trên tổng thể nhưng vẫn giữ nét đặc trưng của mỗi hệ phái. Hòa Thượng Thích Gia Quang, Trưởng Ban Thông Tin Truyền thông xác định:

... "Trong quá trình phát triển và thích nghi, văn hóa Phật giáo Việt Nam đã tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa dân tộc, và ngược lại văn hóa Phật giáo đã bổ sung làm phong phú kho tàng văn hóa dân tộc. Phật giáo Việt Nam đã có những nét văn hóa đặc trưng của riêng mình, không bị lẫn lộn với đặc trưng văn hóa của các nước, cũng như văn hóa Phật giáo của các nước khác..."

Trong nhận định về nét "DI SẢN VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỪ KHỞI THỦY ĐẾN THỜI LÝ DƯỚI GÓC NHÌN KHẢO CỔ HỌC", PGS, TS Tống Trung Tín - Viện Khảo cổ học nhận xét:

..."Tóm lại, các di sản kiến trúc Phật giáo Việt Nam phản ảnh nhiều nét văn hóa đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Trong giai đoạn đầu tiên, Phật giáo Việt Nam đã phát triển trên cơ sở giao thoa các tín ngưỡng bản địa với Phật giáo Ấn Độ sáng tạo nên một hệ thống Phật điện hoàn toàn Việt Nam. Giai đoạn tiếp theo cho đến trước thời kỳ độc lập tự chủ là thời kỳ giao thoa giữa Phật giáo Ấn- Hoa với văn hóa Việt Nam để từ thời Lý trở đi, Phật giáo Việt Nam ổn định và phát triển ngày càng mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam... Các kiến trúc Phật giáo theo thời gian, càng ngày càng hướng tới sự hoàn hảo mang tính thẩm mỹ rất cao mà mỗi tòa tháp Phật giáo thời Lý đều có thể xem như một kiệt tác của nghệ thuật dân tộc".

Dù tham luận hay phát biểu dưới chủ đề nào, tất cả đều xoay quanh nét văn hóa đặc trưng của Phật giáo giữa lòng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử cùng dân tộc. Nhưng, từ thập niên 20 - 30 của thế kỷ XX, mặc dù chư tôn đức cố gắng canh tân và kết hợp các hệ phái vào chung một ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, một thành tựu đáng nhớ để Phật giáo Việt Nam ngày nay có một diện mạo thời đại, một số đặc trưng về nghi lễ, pháp phục, kiến trúc của quá khứ vẫn chưa được cập nhật hóa mang tính thống nhất trong một tổ chức thống nhất hiện nay.

Trải qua từng thời đại, từng thể chế, Phật giáo luôn thích nghi để tồn tại, vì thế Phật giáo không thể đứng bên ngoài hoặc bên lề xã hội. Cái tổng thể chung của một tổ chức, không tránh khỏi một vài hiện tượng tiêu cực; có thể những tiêu cực ngược giòng hay tiêu cực nhập cuộc quá đà. Trong quá khứ, nét văn hóa nhân cách của Phật giáo luôn thể hiện một sự hỗ trợ xã hội, hỗ trợ một thể chế như các quốc sư vào thời Phật giáo thạnh hưng, nhưng Phật giáo chưa hề là trợ thủ dưới trướng đắc lực cho thế quyền mà phải đứng ngoài, đứng trên để góp ý đúng với tinh thần: - "bất bái quân vương, bất tham danh vọng".

Từng có những quốc sư, sau những giờ lâm triều hiến kế, trở về thảo am với cơm hẩm rau rừng nơi núi cao. Cũng có những danh sư từ chối kiệu - võng - lọng - ô do nhà vua cung rước; như thế đủ cho thấy nét văn hóa nhân cách của Phật giáo trước thế quyền và danh lợi. Nếu đặt vấn đề - Pháp phục - nghi lễ - văn ngôn - di sản mà không đặt vấn đề nhân cách xả ly của Phật giáo thì một tập thể như thế cũng chỉ là một tập thể mang tính thế tục. Hiện nay, có một vài chức sắc Phật giáo chỉ sử dụng xe công cộng hoặc nhờ xe của tín đồ mỗi khi đi lại, để khỏi bất tiện, cũng không ít chư Tăng dùng xe cá nhân như một phương tiện mà không cần phải sang đẹp đắc giá. Những hình ảnh như thế đã là nét văn hóa trong cuộc sống của nhà tu. Pháp phục chỉ thể hiện sự cá biệt của một tôn giáo, một hệ phái, pháp phục không thể là tấm chắn che đậy tâm ô trược. Pháp phục được trang bị thêm tâm hướng thượng và nhân cách cao thượng thì pháp phục trở thành hình thái cao quý của một tôn giáo, một hệ phái.

- THỐNG NHẤT SẮC MÀU CHO PHÁP PHỤC
Để bảo tồn đặc trưng cá biệt của một hệ phái là điều cần trong một tổ chức. Nam tông và Khất sĩ đều chung một pháp phục nhưng sắc phục không thể lẫn lộn. Sắc phục và pháp phục cho Tăng Ni miền Bắc trước kia rất đặc thù mà ngày nay, Làng Mai vẫn duy trì để nhìn vào, người ta không lẫn lộn một Ni cô với một Dì phước khi chít khăn trên đầu. Áo tràng, áo Nhật bình cũng là nét đặc trưng, thì màu sắc cần có để phân biệt giới phẩm, giới tính và chức sắc... Y ca sa của Bắc truyền cũng cần đơn giản, bớt lòe loẹt màu mè theo kiểu cung đình, vì tinh thần Phật giáo luôn thanh thoát nhẹ nhàng và đơn giản.

- KIẾN TRÚC 
Cơ sở thờ tự của Khất sĩ (bát giác) không thể cùng mẫu với chùa viện của Phật giáo Bắc tông hay Phật giáo Nam truyền, như thế thống nhất kiến trúc cho từng hệ phái đặt trên cơ sở nào. Nếu nền tảng của mỗi hệ phái có nét đặc thù về kiến trúc thì không thể đặt vấn đề thống nhất kiến trúc trong đa dạng. Kiến trúc xa xưa khi đất rộng người thưa, như ở Huế xa xưa, thì việc xây dựng trên một diện tích được bố cục theo các tiêu chuẩn như: chữ Tam, chữ Khẩu, chữ Đinh, chữ Công. Mái ngói âm-dương, trùng lương và điệp ốc. Trên nóc thường trang trí Tứ linh. Ảnh hưởng cung đình. Nội điện, nội thất trang trí hoa văn, hoành phi song đối. Nét đặc thù kiến trúc chùa Huế như thế, thống nhất thế nào cho ba miền, nếu mỗi miền duy trì nét cá biệt thì đâu cần đặt vấn đề thống nhất.

Ngày nay, trong các Thành phố thị tứ, cận kề, sát vách nhà dân, xây dựng cơ sở thờ tự khó mà mang nét cá biệt như xưa, nhất là tại Sài gòn, có những vùng nhiều chùa sát vách đâu lưng nhau, nếu không có tượng thờ bên trong thì khó mà biết đó là ngôi chùa, bởi ngoại vi, nhất là mặt tiền không thể kết cấu đường nét Tôn giáo trong một không gian chỉ vài mét ngang chen chúc giữa nhà dân.

Như vậy, thống nhất kiến trúc cho cơ sở tự viện tương đối dễ khi mà chỉ định cơ sở Tôn giáo không xen lẫn sát cánh nhà dân, không chung tụ nhiều chùa trong một phạm vi hẹp, phân bố hợp lý giữa cơ sở Tôn giáo đủ đáp ứng cho lượng số tín đồ nơi đó, họa chăng, lúc bấy giờ Ban Văn hóa Trung ương của Giáo Hội mới thiết kế mẫu thống nhất từng vùng miền cho từng tông phái, mới có khả năng quy hoạch "thống nhất trong đa dạng". Tuy dễ mà không dễ, đòi hỏi sự kiên trì, thời gian và sự đồng thuận trong nội tình.

- THỐNG NHẤT NGHI LỄ
Cho hệ Bắc tông của ba miền cũng đã là khó, vậy nghi lễ giữa Bắc tông, Nam tông kinh, Nam tông K'hmer và Phật giáo Khất sĩ sẽ thống nhất thế nào để mỗi tông phái đều giữ được nét riêng? Nên chăng chỉ cần lễ Tam Bảo rồi hồi hướng là xong? Vì Bát Nhã, Đại Bi Thập chú, kỳ an Phổ Môn, kỳ siêu Di Đà, Hồng Danh sám hối... thì Nam tông không có; tán tụng, chẩn tế không hiện hữu trong các hệ phái ngoài Bắc truyền? Nếu thống nhất nghi lễ cho bốn hệ phái như thế quả là đơn điệu và không nói lên được tính thống nhất giàu sắc màu cá biệt.

- DI SẢN
Đặt vấn đề thống nhất Di sản thì thống nhất thế nào? Di sản là một nền tảng đã hiện hữu mang nét văn hóa đương thời, nó có một vị trí nhất định và cố định. Di sản Phật giáo trong ba miền mang dấu ấn cá biệt, không đồng nhất và không thể thống nhất; có thể thống nhất trong việc bảo tồn di sản văn hóa vật thể để không bị đánh mất giá trị lịch sử.

Ai cũng từng biết chùa Tường Vân ở Huế, hiện do HT Chơn Thiện trụ trì, cũng là đại biểu Quốc Hội, đã triệt hạ toàn bộ di tích cổ tự vô cùng quý giá, để thay vào bê tông cốt thép hiện đại với nhà ngang lầu dọc, một cách đáng buồn. Việc xây dựng nầy trong tay người thiếu hiểu biết thì không đáng trách. Đây là việc khó của Ban Văn Hóa phải đối diện. Vì thế, để bảo tồn di tích di sản Phật giáo, Ban Văn hóa cần kết hợp với viện Bảo tồn Di tích, quy định và cố vấn mỗi khi duy tu. Tuy nhiên, vẫn có vài địa phương bảo tồn di tích cổ của Phật giáo như bảo tồn một vật vô hồn, như che đậy gói kín một bảo vật sợ bị đánh mất, khiến cơ sở xuống cấp mà không được phép sửa chữa, hoặc không được phép sử dụng cho Tôn giáo, biến di tích đó trở thành khối vật chất vô nghĩa.

Việc bảo tồn Di tích như thế cần phối hợp giữa Tôn giáo với Viện Bảo tồn (đừng tự cho mình là cơ quan chủ quản). Tuy đó là di tích, cũng cần "hòa mạng" trong sinh hoạt hiện thời để nâng cao giá trị di tích với hiện thực.

Di sản văn hóa vật thể có thể nhận dạng rõ và dễ, văn hóa phi vật thể tuy không tồn tại trong một hình khối, nhưng mang tầm quan trọng và giá trị tinh thần bất biến. Di sản phi vật thể của Phật giáo rất đa dạng, từ ngôn phong và đạo đức ứng xử, giới luật tạo nên thân giáo, truyền đạt hạnh đức, đạo ca, thi kệ tâm chứng, cuộc sống thanh bần theo luật "tam thương bất túc", "truyền đăng tục diệm", tứ y pháp... và giáo điển nhà Phật là một di sản cao quý nhất đối với Tăng tín đồ Phật giáo.

Chính vì thế, việc bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo cũng là vấn đề nhiêu khê. Bảo tồn di sản nầy duy nhất chỉ có Tăng tín đồ nhà Phật mới có thẩm quyền và có nhiệm vụ. Từ di sản chung, có những di sản văn hóa riêng của từng hệ phái. Bảo tồn di sản vật thể là bảo tồn một vật khối tự thể không sinh lợi, thì di sản phi vật thể của nhà Phật, nếu việc bảo tồn linh hoạt và tùy biến thì di sản đó sẽ phát sanh đa dạng, phong phú nhiều mặt.

Phật giáo Bắc tông, từ nguồn gốc nguyên thủy, chư Tổ đã triển khai nhiều hệ phái và luận giải, để ngày nay, không những Tam Tạng đồ sộ mà còn truyền bá trên nhiều Châu lục. Phật giáo Nguyên thủy duy trì và bảo tồn được di sản văn hóa cội nguồn qua văn tạng Pali. Không ai có quyền triển khai lệch lạc con đường nguyên thủy, giữ được tinh chất khởi nguyên trong lúc cuộc sống luôn tùy duyên biến hóa. Đây cũng là nét đặc thù của một bộ phận trong ngôi nhà Chánh pháp Như Lai.

Tuy nhiên năm 1944, Tổ sư Minh Đăng Quang đã kết hợp được tính chất Nguyên thủy và tính chất Phát triển để có một di sản văn hóa phi vật thể của Phật giáo tại miền Tây Nam bộ. Giữ đúng tinh thần :"Xin vạn vật để nuôi thân, xin các pháp để nuôi trí" (Chơn lý Khất sĩ), tạo một nét cá biệt cho một đạo Phật nội sinh mà không đánh mất tinh chất cội nguồn. Gần một thế kỷ lưu truyền Chánh pháp Thích Ca, di sản văn hóa phi vật thể của đạo Phật Khất sĩ vẫn còn duy trì chuẩn mực, cho dù di sản văn hóa vật thể có tiếp biến ngoại hình.

- NGÔN NGỮ
Trong Phật giáo hiện nay, ai cũng biết, hết 80% sử dụng âm Hán và 50% sử dụng chữ Hán trong nghi lễ, hoành phi song đối. Kinh sách hiện nay chúng ta vẫn chưa có bộ Tam Tạng bằng Việt ngữ khi mà Myanmar, Lào, Campuchea, Nam Hàn, Nhật, Đài Loan... đều có bộ quốc ngữ của bản địa. Nam tông kinh và Nam tông K'hmer bảo lưu tiếng Pali, Phật giáo Bắc truyền Việt Nam sử dụng chữ Hán. Riêng Phật giáo nội sinh Khất sĩ đã dùng thi kệ thuần Việt trong các buổi lễ; thậm chí ngôn từ giao tế cũng mang nét đặc thù khiêm cung. Chứng tỏ chúng ta không thiếu khả năng và không nghèo văn ngữ.

Chủ trương của Ban Văn hóa Trung ương thống nhất ngôn ngữ là việc tối cần. Thiết nghĩ, ngôn ngữ Phật giáo thuần Việt được thống nhất cho bốn hệ phái trong ngôi nhà Phật giáo hiện nay sẽ không gặp nhiều chướng duyên như các mãng văn hóa khác. Một số ít quan niệm chữ Hán là ngôn ngữ của Thánh hiền, rất linh thiêng. Thật ra chữ nào cũng là chữ do con người tạo ra, được dán nhãn Thánh hiền nếu ta quý trọng, nhưng chữ Thánh hiền không thể đồng hóa tất cả mọi sắc tộc, Tôn giáo khi mà người đọc không hiểu, người nghe không biết chữ Thánh hiền đó nói cái gì, dạy cái gì. Thời Phật còn tại thế, chư Tăng đi truyền pháp đều sử dụng âm ngữ tại địa phương đó; một đất nước Ấn rộng lớn, gồm nhiều chủng tộc, không thể bắt mọi chủng tộc đều phải nghe một ngôn ngữ duy nhất. Thế thì tại sao chúng ta, hơn hai nghìn năm tồn tại Phật giáo trong lòng dân tộc mà phải sử dụng chữ Tàu một cách máy móc?

Ban Văn Hóa và Ban Nghi Lễ làm được công tác Việt hóa toàn bộ ngôn ngữ Phật giáo bằng quốc âm, đây là điểm son trong giáo sử cũng như trong lịch sử nước nhà.

Tóm lại, ý thức tùy biến tương thích với hiện trạng xã hội, Ban Văn Hóa và Ban Nghi Lễ Trung ương phát động phong trào "Thống nhất trong đa dạng" hy vọng tạo được nét đặc thù của Phật giáo Việt Nam mà quá khứ chư Tổ đã làm. Hiện tại, chư Tăng phải làm để tương lai đàn hậu học thể hiện được cái mà Phật giáo Việt Nam sẽ khác biệt với một số dường như lẫn lộn giữa Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Trung Hoa qua cái nhìn của thế giới.


Bốn lĩnh vực Hội thảo trong hai ngày với:

- Chủ đề DI SẢN VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM gồm 07 tham luận
- Chủ đề KIẾN TRÚC PHẬT GIÁO VIỆT NAM có 13 bài
- Chủ đề PHÁP PHỤC PHẬT GIÁO có 11 bài
- Chủ đề NGÔN NGỮ PHẬT GIÁO VIỆT NAM có 08 bài

Cộng thêm 05 bài vừa là khai mạc, vừa là đề dẫn...

Thật ra chỉ có 11 bài tham luận được trình bày, ngoài những nhà chuyên môn nói về tính chất giá trị của mỗi chủ đề, hầu hết là trình bày về thực trạng, thực tướng và nguồn gốc hình thành chùa tháp và hệ phái. Đầu kỷ nguyên, khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, chùa tháp cũng đã sớm hình thành trên đất nước ta.

Lịch sử cho biết vào thế kỷ thứ II, tại Bắc Ninh, trung tâm Luy Lâu, một Trung tâm Phật giáo phồn thịnh nhất của ta đã có mặt trước Bành Thành và Lạc Dương của Tàu, đã có nhiều danh sư như Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương và Mâu Bác hoằng hóa. Lúc bấy giờ đã có trên 500 Tăng sĩ, xây dựng trên 20 chùa tháp và dịch được 15 bộ kinh. Lúc bấy giờ tín ngưỡng nhân gian đã được đồng hóa bởi Phật giáo. Do tính tùy duyên của nhà Phật, linh động thích nghi với bản địa, kết hợp niềm tin bản địa với đức tin Phật giáo cho ra đời những chuyện tích Thần thoại; vì vậy đã có những chùa mang tên Pháp Vân - Pháp Vũ - Pháp Lôi - Pháp Điện tức Mây-Mưa-Sấm-Chớp được Thần Phật hóa, an định niềm tin nhân dân. Từ niềm tin lúc bấy giờ cho đến kiến trúc, Phật giáo đương thời chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn -Hoa. Dần dà, theo thời gian, với tinh thần tiếp biến và độc lập, Phật giáo đã có một nét riêng của Việt tộc. Những di tích cổ có niên đại trên vài thế kỷ ở phía Bắc, các chùa như chùa Am, chùa Nhất Trụ, chùa An Tiêm... lần lượt chùa Dâu, chùa Bắc Ninh, chùa Sùng Phúc, chùa Phật Tích... rãi đều trên toàn lãnh thổ Miền Bắc. Thời tiền Lê, Đinh và Lý là thời kỳ phát triển chùa tháp với những phong cách thuần Việt. Qua những cuộc chinh chiến, một số chùa đã bị san bằng hoặc hư hoại không được phục hoạt.

Việc bảo tồn di tích ngày nay vẫn là điều gian nan khi quần chúng quan niệm: - đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt. Một ngôi chùa xuống cấp nặng nề, muốn tu tạo cần thông qua Ban Bảo tồn di tích -, Giáo Hội Phật giáo địa phương và Ban quản lý chùa của đồng bào tại chỗ. Ít khi được sự đồng thuận giữa ba bên bốn bề, chưa nói đến trình độ dân chúng hiểu biết giá trị di tích, tu tạo theo mô hình cũ, vì họ chỉ biết rằng, muốn sửa chữa thì phải làm mới bằng vật liệu hiện đại theo mô hình tân thời. Còn địa phương muốn chống dột, muốn chắp vá vôi rửa long lở hoặc tường vách sụp đổ xin phép cũng là việc không dễ dàng. Chính quyền địa phương chỉ lên Tỉnh, Tỉnh đưa qua Ban Tôn giáo xét duyệt chuyển Giáo hội, qua Ban Bảo tồn, xin kinh phí, đợi duyệt xét thẩm tra... Qua bấy nhiêu thủ tục đủ thời gian để sụp đổ cái gọi là Di tích được Bảo tồn, người dân gọi là Bảo tồn sự hư hoại.

Chùa Một Cột phía Bắc, theo báo chí trước đây, cũng trong tình trạng chờ duyệt xét tu bổ, mưa đến tượng Phật phải mặc áo đội nón, nước tràn ngập đe dọa sự tồn vong.

Ngay cả một ngôi chùa hiện nay, không phải thuộc di tích, ở Trung Chánh, cách Sài gòn 20km do mưa tạt, hư hao hạ tầng, xin che chắn bằng tole cũng không được duyệt, đến khi thầy trụ trì tự làm thì bị phạt vạ hàng chục triệu đồng. Cơ chế bất nhất tùy mỗi địa phương đã tạo khó không ít cho các cơ sở Tôn giáo thì nói gì đến bảo tồn di tích.

Về kiến trúc, Ban Văn Hóa dĩ nhiên kết hợp với bộ phận kiến trúc của Giáo Hội để có một mô hình đậm nét Thiền môn hơn là một khối bê tông vô hồn. Nhiều nơi đã hình thành ngôi chùa tốn hàng chục tỷ đồng mà vẫn không mang được sinh khí Thiền môn.

Tại quận hai, TP HCM, một ngôi chùa bề thế lộng lẫy quanh năm suốt tháng "bế quan tỏa cảng", chỉ cho quần chúng đến lễ bái vào ngày rằm nguơn. Người Phật tử bảo là chùa đại gia, không mang phong cách chùa mà cũng chả phải phong cách biệt thự, chẳng thuộc bất cứ phong cách Phật giáo của quốc gia nào, cho dù vị tọa chủ trang phục theo phong cách Nhật, đi lại theo phong cách Tăng quan cung triều.

Theo cách nói của thầy Giải Hiền, Giảng viên học viện Phật giáo Sóc Sơn, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm Thanh Hóa góp ý trong buổi hội thảo: "Cần đưa quan điểm hiệu suất sử dụng hiện đại xây dựng vào công trình kiến trúc Phật giáo để nâng cao hiệu suất đồng tiền của xã hội". Nói nôm na dễ hiểu là dùng đồng tiền của quần chúng vào việc xây dựng cơ sở phải thể hiện việc công ích cho Tôn giáo hay cho xã hội chứ không phải thể hiện sự giàu sang giữa quần chúng nghèo đói cả vật chất lẫn tâm linh.

Các chùa sư sãi Nam tông K'hmer tuy nhỏ nhưng luôn là tụ điểm cho đồng bào sinh hoạt Tôn giáo lẫn sinh hoạt xã hội, cũng là trường lớp cho trẻ con đến học; là nơi sinh hoạt lễ hội văn hóa cộng đồng.

Ngày nay, phong trào sinh hoạt thanh thiếu niên tại các chùa khá phổ biến, ngoài khóa tu một ngày, khóa tu mùa hè, tu Bát quan trai, kể cả khóa tu cho người khuyết tật đang phát triển, giúp cho thế hệ trẻ định hướng đạo đức trong xã hội tạp loạn hiện nay.

Một số chùa được truyền thừa lâu đời còn có lễ hội văn hóa như chùa Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng do TT Huệ Vinh đảm trách, hàng năm, lễ hội Quan Âm được xem là một trong những lễ hội Quốc gia quan trọng.

Thiền phái Trúc Lâm của HT T.Thanh Từ đang có mặt khắp ba miền, thể hiện được nét thanh thoát, đơn giản, thiền vị của chốn già lam; có giá trị văn hóa tâm linh lẫn văn hóa vật thể.

Cũng có một vài nơi xây chùa đã xâm phạm môi trường xanh, mà đáng ra, với tinh thần bảo vệ thiên nhiên của nhà Phật, phải được thực hiện. Đức Phật và Tăng đoàn luôn gắn liền với thiên nhiên từ khi có mặt đến lúc nhập Niết Bàn. Ngài sinh ra dưới cội hoa Vô Ưu, thành đạo dưới gốc Bồ Đề, sinh hoạt trong vườn xoài, vườn trúc, viên tịch dưới tán Sa La song thọ. Thiền môn già lam xa xưa đều tôn tạo cảnh quan bằng cây cảnh rừng hoa. Các bậc ẩn sĩ cũng chọn núi rừng làm nơi nương náo. Ngày nay, thế giới báo động về môi trường bị hủy hoại, nhân loại đang đối đầu với thiên tai do hậu quả hủy hoại sinh môi, hà cớ một tôn giáo văn hóa tâm linh lại không biết bảo vệ?

Cũng theo thầy Giải Hiền: "Không nên san bằng các ngọn đồi, ngọn núi để xây dựng công trình Phật giáo, phải tuân thủ tiêu chuẩn kiến trúc xanh, không khuyến khich xây chùa bằng gỗ... khôi phục chùa Dâu, chùa Pháp Vân làm biểu tượng của văn hóa Phật giáo Việt Nam, làm trụ sở của Hội Đồng chứng minh và nơi ở của Đức Pháp Chủ..."

Vấn đề kiến trúc của từng hệ phái cũng được thể hiện rõ nét, như Hòa Thượng Viên Minh, Ủy viên HĐTS GHPGVN trình bày: "Một chùa Tịnh độ có tính tôn nghiêm - cao khiết để biểu hiện lòng tín thành quy ngưỡng. Chùa Mật tông mang vẻ huyền bí - thâm u cho hợp với oai âm mật lực. Chùa Thiền Tông phảng phất nét hồn nhiên - dung dị để thể hiện chân tính bản nguyên. Dĩ nhiên cũng có nhiều kiến trúc pha tạp không thể hiện được bản sắc của tông phái mình. Hoặc, trong thực tế, nhiều tông phái đã kết hợp, hòa nhập với nhau nên không còn mang tính đặc thù mà hiển nhiên trở thành một hợp thể. Trong kiến trúc hợp thể nầy, nếu được xử lý tài tình thì thể hiện được một cách hài hòa nhất tính, bằng không thì trở thành vá víu đa tạp.

Một thực tế khác nữa là Phật giáo Việt Nam ít nhiều chịu ảnh hưởng thuyết "Tam giáo đồng nguyên" của Trung Hoa nên không khỏi vay mượn một số biểu tượng Nho giáo và Lão giáo trong thể hiện kiến trúc"
.


Và Hòa Thượng cũng nhận định giá trị văn hóa phi vật thể của Nam tông: "Y cứ vào trí tuệ hơn là đức tin. Tin vào tự tánh hơn là tha lực. Giác ngộ chân lý ngay nơi thực tại hiện tiền hơn là hướng đến những cõi Phật lý tưởng bên ngoài. Chỉ thẳng sự thật như thị hơn là thông qua biểu tượng ẩn ngữ hay pháp môn phương tiện. Tu hành có nghĩa là sống thuận pháp hay tùy pháp hành hơn là cầu nguyện hay áp dụng một chủ trương, quan niệm hoặc hệ thống tư tưởng nào. Không nghiêng về nhập thế hay xuất thế theo kiểu nhị nguyên "để từ đặc tính đó", chúng ta cần phải chuyển hóa những đặc tính trên của Phật giáo Nguyên Thủy thành đường nét kiến trúc, bằng cách phổ quát hóa chúng thành những ý tưởng cô đọng như: giản dị - thực tế - trong sáng - trầm ổn và thanh thoát; hay cụ thể hơn là sáng sủa, thông thoát, cao nhã, thanh nhu và mạnh mẽ."

Mỗi tông môn hệ phái đều có một quan điểm và góc nhìn giáo lý cá biệt, từ đó, đời sống tâm linh sản sanh ra pháp hành và kiến trúc khác nhau. Ví dụ rõ nét nhất là Thiền phái Trúc Lâm hiện nay và các tự viện Tịnh độ, hoặc chùa Phật giáo Nguyên Thủy. Thế thì đặt vấn đề thống nhất thế nào trong đa dạng như vậy. Mỗi hệ phái có nét riêng thì thống nhất các hệ phái qua kiến trúc ở góc độ nào đó, khó mà định hình.

Phật giáo Việt Nam Bắc truyền ảnh hưởng văn hóa Ấn-Hoa thì kiến trúc ít nhiều mang dấu ấn của Hoa Ấn. Phật giáo Nguyên Thủy mang đậm nét Nam truyền. Tuy thời Lý- Trần, Phật giáo Việt Nam ý thức thoát Trung qua kiến trúc và pháp hành, nhưng góc độ tinh tế vẫn phưởng phất một phần của Nho gia. Khi nhà Nguyễn dời đô về Huế, ít nhiều kiến trúc Thiền môn cũng ảnh hưởng văn hóa Chămpa để nhạt nhòa bớt ảnh hưởng Hán tộc.

Tóm lại, bất cứ nền văn hóa nào dưới mọi hình thức, không thể cho riêng mình một sáng tạo cá biệt mà không chịu ảnh hưởng ít nhiều của văn hóa cận biên. Tiếp nhận và chọn lọc để tiêu hóa, nuôi dưỡng và sản sanh cho cái riêng mình là điều tất yếu, nhưng khó mà định nghĩa thế nào là mẫu kiến trúc đặc thù của Phật giáo Việt Nam không chịu ảnh hưởng bên ngoài. Vì thế, không thể có một mô hình mẫu mực cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam mà chỉ cần tinh thần kiến trúc vừa đậm nét Phật giáo vừa tương thích phong hóa dân tộc và xã hội đương đại.

Qua bốn chủ đề, Kiến Trúc và Ngôn Ngữ tuy dễ thấy nhưng rất khó thực hiện việc thống nhất. Di Sản và Pháp Phục tuy khó khắc phục nhưng vẫn ít gian nan hơn.

Tóm lại, đặt tiêu chí hoàn thiện THỐNG NHẤT TRONG ĐA DẠNG của Ban Văn Hóa và Ban Nghi Lễ Trung ương là một ý nghĩ táo bạo và can đảm. Qua các tham luận, một vài văn bản chỉ nêu thực trạng chung và giải pháp cục bộ. Thiết nghĩ: Ban Văn Hóa và Ban Nghi Lễ cần có phiên họp nội bộ cho các ngành liên đới để nghe ý kiến chung. Mỗi ngành cần tham khảo ý kiến của Tăng tín đồ trong tông môn hệ phái, vừa mang tính dân chủ, vừa thống nhất sáng kiến chung để đề bạt cho Ban ngành Phật giáo Trung ương. Từ đó, cuộc họp liên ngành tại Trung ương Phật giáo tìm một điểm chung đi đến quyết định.

Mỗi tông môn hệ phái duyệt qua bốn chủ đề đã là khó khăn để thể hiện nét đặc thù cho mỗi hệ phái. Cản trở nhất là tính bảo thủ. Thành công nhất là tinh thần cầu tiến, dám vứt bỏ những chướng ngại lỗi thời để thống nhất trong cái chung. Đòi hỏi mỗi hệ phái ý thức nét đặc thù của mình nằm trong một dạng thức chung của dân tộc, góp phần phát huy tính sáng tạo cho một Phật giáo Việt Nam. Nếu các hệ phái tông phong chịu ảnh hưởng ít nhiều văn hóa ngoại biên, với tinh thần tiếp biến qua việc tu tập, những văn hóa ảnh hưởng đó dần sẽ được chuyển hóa thành những dinh dưỡng nuôi lớn văn hóa Phật giáo dân tộc.

Để đi đến thành công khi đã đề ra mục tiêu, Ban Văn Hóa thường xuyên có cuộc họp định kỳ để tiếp nhận ý kiến từng địa phương. Hoạch định thời gian nhất định cho chương trình ngắn và dài hạn. Ban Văn Hóa Trung ương phải đề ra kế hoạch làm việc cho từng địa phương để thu nhận kết quả. Không ngồi chờ đợi giao phó cho các địa phương mà một số họ sẽ không biết bắt đầu từ đâu và làm việc như thế nào. Tuy khó khăn nhưng không thể để ý tưởng ấp ủ quá lâu rồi chìm lắng trong quên lãng. Một Hội thảo khoa học khá tốn kém nhất định không chỉ lắng nghe để rồi bụi thời gian phủ đầy văn bản như bao cuộc Hội thảo khác.

Yêu cầu mỗi địa phương có kế hoạch và đề nghị giải pháp để Trung ương thẩm định. Việc làm đối lưu hai chiều sẽ tạo sự năng động và tinh thần tích cực, có trách nhiệm thì kết quả mong muốn sẽ không phai nhạt. Mỗi chuyên đề cần có thời gian quy định cụ thể để làm việc dứt điểm. Rất may, Ban Văn Hóa Phật giáo Trung ương, ngoài HT Trưởng Ban đã có TT phó ban khá năng động, từng làm cho Phật giáo Nghệ An nổi cộm đứng sau Phật giáo Đà Nẵng. GHPGVN hiện nay, nếu có thêm những nhân sự như TT Tổng thư ký, TT phó Ban Văn Hóa thì không bao lâu, PGVN sẽ tạo nên những điểm son cho Phật giáo nước nhà, thể hiện tính độc lập mặc dù vẫn đang nằm trong Ban Tôn giáo và trong Mặt trận hiện nay. Thời gian qua đã chứng minh tính độc lập đó khi mà lãnh đạo trẻ trong Giáo Hội thoát khỏi tính thụ động "chờ lệnh, xin lệnh và tuân lệnh".

Ngoài những phát biểu lệch lạc của vài tu sĩ chức sắc và chức quyền, cũng có những phát biểu và nhận định khách quan mang tính độc lập của Phật giáo trước những biến cố môi trường vừa qua, thẳng thắn quy trách nhiệm cho những cơ quan chủ quản về sinh môi mà không hề e ngại đứng bên lề phải. Ngày một tiến bộ hơn với số lượng Tăng Ni được trang bị kiến thức đầy đủ, tỏ rõ tính tự cường tự lập cho một Phật giáo Việt Nam mà suốt nhiều thập niên lệ thuộc vào thế quyền. Cùng với tính sáng tạo và độc lập như thế, Ban Văn Hóa Phật giáo Trung ương sẽ được chung tay bởi nhiều Tăng Ni trẻ và các chuyên ngành thế gian để thành đạt bốn tiêu chuẩn đề ra. Hy vọng nằm trong tay mọi hệ phái tông môn trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam hiện nay.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Sáu 2016(Xem: 5956)
vuon thien nhat ban 2Liên quan đến ý thức tôn giáo của người Nhật Bản trung bình, ta thường thấy từ nhiều cửa miệng một nhận xét gây sốc đại ý như sau: "Họ là những kẻ trong cuộc sống thường xuyên lui tới đền thần đạo nhưng tổ chức đám cưới ở một nhà thờ Ki-Tô và lúc chết làm tang lễ theo nghi thức Phật giáo". Thoạt nghe qua, ai cũng có ấn tượng là ý thức về tôn giáo của dân tộc Nhật rất hời hợt và nông nổi. Tuy nhiên, nếu vin vào lời đó, ta không thể nào hiểu tại sao người Nhật vẫn hãnh diện cho mình là con dân của một quốc gia Phật giáo đại thừa vốn có dòng lịch sử tôn giáo lâu dài. Phải chăng ở Nhật Bản, nếu ta chỉ nhìn những gì nổi cộm trên bề mặt như con số chùa chiền, tăng lữ và tín hữu … để đánh giá ảnh hưởng của một tôn giáo lớn như Phật giáo đối với quần chúng thì sẽ là một điều thiếu sót?
29 Tháng Sáu 2016(Xem: 5710)
Sự kết hợp giữa Phật giáo và văn hóa Ấn Độ dường như đương nhiên, bởi vì Phật giáo sanh ra tại Ấn Độ vào khoảng giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước CN. Hơn nữa với thời gian, nó đã trở thành một trong những tôn giáo lớn của Ấn Độ, một tôn giáo đã để lại dấu ấn lâu dài, có thể nói là không phải chỉ riêng về mặt tín ngưỡng mà còn trong nhiều lãnh vực khác như triết học, văn học, nghệ thuật và kiến trúc.
29 Tháng Sáu 2016(Xem: 5121)
Phật giáo ở đâu trên bản đồ văn hóa Việt Nam? Đây là câu hỏi mà nhiều người thường hay nêu lên từ lâu lắm rồi, đặc biệt trong những thế kỷ mà những người Phật tử Việt Nam nắm trọn quyền chính trị, kinh tế và văn hóa của đất nước một cách minh nhiên và được công khai thừa nhận, thí dụ, từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XIV chẳng hạn. Đây là những thế kỷ mà mọi người đồng ý là Phật giáo đã chi phối toàn bộ cuộc sống của người Việt Nam.
09 Tháng Năm 2016(Xem: 5107)
Los Angeles (AP) – Vào hôm thứ Bảy, ngày 07/05/2016 tại Los Angeles, Hoa Kỳ đã diễn ra lễ Khai mạc cuộc Triển lãm nghệ thuật Phật giáo về hang động Đôn Hoàng Mạc Cao nổi tiếng thế giới. Triển lãm sẽ kéo dài cho đến tháng 09/2016, cung cấp du khách cơ hội để tìm hiểu về nghệ thuật và lịch sử của hang động Mạc Cao, di tích này phát triển mạnh như một trung tâm Phật giáo ở Trung Quốc từ thứ 4 đến thế kỷ thứ 14.
18 Tháng Tư 2016(Xem: 4862)
LOS ANGELES - Trong tháng Năm 2016, Viện Bảo Tàng Getty tại Los Angeles sẽ giới thiệu du khách đến thăm các hang động Mạc Cao nằm trên con đường tơ lụa có niên đại từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 14. Quan khách sẽ khám phá những ý nghĩa lớn lao của nghệ thuật đa dạng và hiện vật từ di sản thế giới của UNESCO này, và tìm hiểu về những thách thức phải đối mặt trong việc bảo tồn chúng. Bản sao của ba trong số những ngôi chùa hang động Phật giáo với gần 500 bức trang trí còn tồn tại đến ngày nay sẽ cho phép du khách trải nghiệm những gì nó giống như là đến thăm hang động thực sự
14 Tháng Ba 2016(Xem: 4876)
Tượng Phật là đối tượng sùng kính lễ bái của giáo đồ Phật giáo, nên việc tạo ra những hình tượng Phật góp phần không nhỏ cho sự nghiệp hoằng dương giáo lý Phật giáo; đó chính là tài năng sáng tạo nghệ thuật và thành quả lao động của những nhà nghệ thuật dân gian kiệt xuất. Tuy nhiên, để có được diện mạo và hình thể của Đức Phật trên điện thờ, các tín đồ Phật giáo đã trải qua quá trình lâu dài hàng thế kỷ đấu tranh về mặt tư tưởng.
12 Tháng Năm 2016(Xem: 5013)
Tìm em tôi tìm Mình hạc xương mai Tìm trên non ngàn Một cành hoa khôi Nụ cười mong manh Một hồn yếu đuối Một bờ môi thơm Một hồn giấy mới