Độc Hành

26 Tháng Sáu 201409:53(Xem: 7943)

ĐỘC HÀNH

Vĩnh Hảo

blankTrăng hạ huyền chếch trên đầu ngọn thông cuối đường. Một mình giữa đêm. Trụ đèn kiên nhẫn đứng thẳng và im lặng; bên cạnh cây bạch đàn cao ngất đang lao xao trước gió. Đèn vàng lay lắt tỏa bóng trong màn sương. Màu bông giấy đỏ rực dưới nắng mai, giờ trở nên tím sẫm. Con mèo lầm lũi, bước nhẹ trên mái nhà ai. Hoa một đóa, nở trong vườn đêm tịch mịch. Mùi cỏ dại phảng phất đâu đây. Trong phút giây bỗng thấy đời thênh thang, vô cùng.

Chẳng có gì đơn độc sinh ra, tồn tại, chuyển động, và biến mất giữa cõi đời. Chẳng có gì gọi là độc hành, độc lập, độc bộ, độc cư, cô thân, cô độc, cô đơn… Tất cả sự sinh xuất, chuyển động đều là sinh xuất, chuyển động của tổng thể, của những tập hợp các nhân duyên, các điều kiện. “Núi không là núi; sông không là sông.” (1) Chẳng có gì có thể tự sinh ra; chẳng có gì có thể được sinh ra từ một nguyên nhân (duy nhất) khác; chẳng có gì có thể vừa được sinh ra bởi chính nó và cùng lúc từ một nguyên nhân khác; cũng chẳng có gì có thể sinh ra mà không cần nguyên nhân nào cả. (2)

Thế nhưng trong đời sống thực tế, người ta vẫn thường cho rằng, hoặc mặc nhiên xác tín rằng, họ đã sinh ra và tồn tại như một cá thể độc lập; có riêng một thể xác, tâm hồn và tên họ, thủ đắc những sở hữu phụ thuộc (như tài sản, tài năng, sắc đẹp, danh vọng…); từ đó dẫn đến những khổ đau, hệ lụy cho mình, cho người, và cho cả cuộc đời. Chỉ đến khi, do một biến cố hay thảm họa nào đó, bị vuột mất tất cả những gì đinh ninh là của mình, thuộc về mình, mới nếm được nỗi thống khổ cùng tận (mà mình đã từng gieo đến cho kẻ khác) để rồi chạy đôn chạy đáo, tìm đến tập thể; đồng hóa mình với một tổ chức, nhằm cứu vãn sự tồn tại của bản ngã thông qua phóng ảnh của tổ chức ấy. Nghĩa là trong mộng tưởng, lại vẽ vời thêm mộng tưởng; nơi chiếc giẻ rách, lại vá thêm miếng giẻ rách. Sự vay mượn, vá víu, chẳng thể nào là giải pháp hay cho sự tìm cầu giá trị tự thân và hạnh phúc chân thật của cuộc tồn hữu.

Như vậy, có chăng sự độc hành của lữ thứ trên mộng dài xa quê, ngang qua cuộc đời chập chùng khổ đau, phiền lụy? Có chăng bước độc hành của thiền giả trên đường về cố quận bồng bềnh mây trắng?

Vẫn có đấy. Mỗi bước chân nở từng đóa sen; hay đường sen nở, đón mỗi bước chân êm. Bước chân ấy, không có người khởi động, không có động tác bước đi, không có thời gian diễn ra bước đi, không có con đường. Kẻ độc hành, vô ngã; một mình cất bước mà cùng ba cõi chạm đến khung trời tự tại thênh thang.

________________

(1) Thiền sư Duy Tín, một thiền sư Trung Hoa, đời Tống, từng nói “Trước khi học đạo, thấy núi là núi, sông là sông. Đang lúc học đạo, thấy núi không là núi, sông không là sông. Sau khi ngộ đạo, thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông.” Phát biểu này được xem như một khẩu quyết, một chỉ nam tóm thâu kiến giải và trình tự liễu ngộ về Thiền.

(2) Chư pháp bất tự sinh. Diệc bất tùng tha sinh. Bất cộng bất vô nhân. Thị cố tri vô sinh. Các pháp không thể tự sinh; không sinh từ pháp khác; không sinh bởi cả hai (tự và tha) hợp lại; cũng không thể tự nhiên mà sinh (vô nhân – không có nhân); vì vậy nên biết rằng các pháp vốn không sinh (chẳng có gì thực sự sinh ra). (Bài kệ thứ 3 của Trung Luận)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Mười Hai 2016(Xem: 5739)
15 Tháng Mười Một 2016(Xem: 7078)
18 Tháng Ba 2016(Xem: 5605)
Bài kệ nổi tiếng Thị Tịch của Thiền sư Tịnh Giới đã được rất nhiều bật ‘sư tổ’ luận bàn nên tôi không dám múa rìu qua mắt thợ bằng cách nhai đi nhai lại ý của những tiền bối. Tôi chỉ xin trình bài nó qua một lăng kính khác...thường, không giống ai vì tôi bị méo mó tuệ nhãn thấy cái gì cũng ‘sang trang chạy quàng’ như thi sĩ ‘không tỉnh’ Bùi Giáng.
04 Tháng Mười Một 2015(Xem: 5787)
Avadāna có thể nói là thứ văn học truyện sự tích sử ca Phật giáo. Do đó, nó không cố tình trình bày những giáo lý thâm sâu, trái lại là những truyện kể và có tính chất giáo huấn, vừa có tính chất giải trí lành mạnh. Cho nên, đúc Phật ở đây xuất hiện như một con người, giảng giải đạo lý cho những con người khác, cả xuất gia lẫn tại gia, và trở thành đối tượng tín ngưỡng của mọi người.
06 Tháng Mười 2015(Xem: 8181)
Cư dân cùng xóm, khi đi dạo trên lối mòn quanh co ven dòng suối, thường dừng bước trước hàng hiên tôi, vừa ngắm nghía, vừa thì thào khen ngợi. Mà có chi nhiều đâu! Hai rừng lựu, một vườn hồng, hai bồ đề đại thụ, hai rừng mai, một vườn quýt, một bụi chuối, hai vườn chanh
12 Tháng Tám 2015(Xem: 6928)
Viện Việt Học cho biết sẽ tổ chức buổi ra mắt sách Tỉnh Mê Một Cõi, tức Hứa Sử Truyện, vào Chủ Nhật 30-8-2015 từ 2 giờ chiều tới 5 giờ chiều tại trụ sở của Viện.. Tác phẩm là một tiểu thuyết thơ chữ Nôm, soạn từ thế kỷ thứ 18, được suy đoán là do nhiều tác giả soạn, trong đó hiệu đính và in khắc bởi Hòa Thượng Toàn Nhật
04 Tháng Tám 2015(Xem: 5376)
Đây là tác phẩm thuộc loại thi ca hầu như là duy nhất đã được nhập Tạng (ĐTK/ĐCTT, tập 48, No 2014, 1 quyển), chứng tỏ tác phẩm, ngoài giá trị văn học còn có những giá trị lớn về Thiền học. Chứng đạo ca đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Ở Việt Nam, trước 1975 có bản Việt dịch - giới thiệu của Trúc Thiên