Viện Việt Học Mời Dự Ra Mắt Truyện Thơ ‘Tỉnh Mê Một Cõi’

12 Tháng Tám 201516:33(Xem: 6891)

VIỆN VIỆT HỌC MỜI DỰ RA MẮT  
Truyện Thơ ‘Tỉnh Mê Một Cõi’
Nguyên Giác

 

Hua_Su_bia
Nhà xuất bản: Viện Việt Học 480 trang,
xuất bản năm 2015, bìa mềm

WESTMINSTER (Nguyên Giác) -- Viện Việt Học cho biết sẽ tổ chức buổi ra mắt sách Tỉnh Mê Một Cõi, tức Hứa Sử Truyện, vào Chủ Nhật 30-8-2015 từ 2 giờ chiều tới 5 giờ chiều tại trụ sở của Viện..

Tác phẩm là một tiểu thuyết thơ chữ Nôm, soạn từ  thế kỷ thứ 18, được suy đoán là do nhiều tác giả soạn, trong đó hiệu đính và in khắc bởi Hòa Thượng Toàn Nhật – nguyên là một cựu tướng nhà Tây Sơn khi thất trận đã trốn về phương Nam, vào chùa ẩn thân và tu hành.

_VIET HOC_NV Sam_TN Ninh
GS Nguyễn Văn Sâm (trái), GS Trần Ngọc Ninh (phải)
trong Viện Việt Học.

Bản văn do GS Trần Ngọc Ninh dẫn nhập, giới thiệu; và do GS Nguyễn Văn Sâm phiên âm, sơ chú. Phần Lời Bạt do Cư sĩ Nguyên Giác viết, nhận định về phương pháp một số nhà sư từ Miền Bắc và  Trung khi vào Miền Nam đã mượn phương tiện tiểu thuyết thơ chữ Nôm để giảng dạy Phật pháp. Trong buổi ra mắt sách,, 3 diễn giả nêu trên sẽ trình bày từ điểm nhìn riêng của họ.

Truyện thơ này đã in vài trăm ấn bản đầu năm nay, lúc đó để kỷ niệm một sự kiện trong gia đình GS Nguyễn Văn Sâm, chỉ có khoảng 600 mục từ chú giải, và không có Lời Bạt. Bây giờ in lại, hiệu đính công phu hơn, sẽ có tới 1,200 chú giải, và có thêm Lời Bạt, tập trung phân tích về Phật học qua thơ chữ Nôm thế kỷ 18 ở Nam Bộ.

Cần ghi nhận, Tinh Mê Một Cõi có những điểm đặc biệt, khác với các truyện thơ Lê Mạt. Truyện này được GS Lê Mạnh Thát tìm thấy dưới cái tên cũ là Hứa Sử Truyện Văn trong một ngôi chùa và lại được xác định là của nhà sư Toàn Nhật, một cựu tướng Tây Sơn, trước tác và chép ra.

Tuy nhiên, bản được phát hiện bởi GS Nguyễn Văn Sâm là một bản khắc ván, để rõ năm 1880 ờ Gia Định, không đề tên tác giả, bản in này rất rõ và là bản đã được dùng bởi cư sĩ Tịnh Quan Võ Văn Liễng để phiên âm và xuất bàn năm 1930 tại Sadec, để là Hứa Sử Truyện Văn Quốc Âm Văn. Nhưng bản 1880 cũng là một bản tân khắc do một tăng đồ Chùa Phát Viên, Quận Bình Dương làm lại một bản nửa, có thể là nguyên bản, nay đả mất...

Cũng nên nhắc rằng, Giáo sư Nguyễn Văn Sâm là thành viên Ban Biên Tập Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn, và là Trưởng ban Văn chương tại Viện Việt Học; trong khi đó, Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, nguyên là Viện Trưởng Viện Việt-Học (3/2003-2/2008).

GS Nguyễn Văn Sâm viết trong Lời Giới Thiệu:

“Tôi mất hơn 7 năm từ khi có được bản Nôm Hứa Sử đến khi in xong sách nầy. Lý do có nhiều. Ngoài sự khó khăn trong chuyện phiên âm do sách xưa chữ nghĩa thâm thúy, từ ngữ chuyên đạo ẩn tàng nhiều tư tưởng cũng như nghĩa cổ mà tôi càng đọc, càng chú giải càng thấy rằng cần phải suy nghĩ thêm, chú giải thêm để giúp cho người đọc dễ hiểu…

...Sách được một vị chân tu nào đó viết ra trên giấy để lại trong chùa nào đó, Hòa Thượng Toàn Nhật với hạnh ngộ được đọc, giác ngộ bèn chấp bút, kêu gọi khắc in. Không biết Ngài đã thêm vào bao nhiêu tư tưởng của mình, sửa biết bao câu văn trong nguyên bản, nhưng chắc chắn rằng những gì tác giả đi trước nói đã ngài được giữ ít nhất là ở phần cốt lõi. Vì vậy tôi chủ trương tác phẩm nầy thuộc về công đức chung của các thiền sư hơn là riêng một vị… Có nhiều chứng cớ để xác định rằng Tỉnh Mê Một Cõi là sản phẩm của thế kỷ 18, dầu là bản khắc chúng ta có được đề năm Canh Thìn (nhiều xác suất là 1880)…”(ngưng trích)

 

Trong khi đó, phần đầu của sách là bài viết của GS Trần Ngọc Ninh, tựa đề “Thay Lời Tựa Đề Dẫn Giải Vào Truyện ‘Tỉnh Mê Một Cõi’ -- Một Thời Của Lịch Sử Văn Chương Việt Nam,” có nhận định như sau:

“Các thầy đồ làng là những người đã khai sáng thế hệ truyện thơ của lịch sử văn chương Việt Nam…

...Các cụ đồ làng sau cả trăm năm nghiền ngẫm đã tìm ra giải pháp lạ lùng, kì diệu, vượt không gian và thời gian: viết những truyện rất xây dựng, có đạo lí và lại lôi cuốn lâm li bằng thơ lục bát dễ hiểu cho người ta kể, hát, ngâm, lẩy, và dẫn trích, rồi tự nhiên nhớ, thuộc lòng mà đem vào đời sống thường ngày của toàn thể dân gian…”(ngưng trích)

Trong phần Lời Bạt, Cư sĩ Nguyên Giác đã tóm lược ý truyện thơ:

“...Truyện thơ này rất mực dân gian Nam Bộ: nhân vật chính là Văn Quới, ba mẹ mất sớm, được vào chùa tu, thầy ban pháp hiệu là Hứa Sử, bị quỷ dạ xoa vâng lệnh Diêm Vương bắt xuống địa ngục vì nhầm với một người có tên là Vương Hứa Sử. Khi Diêm Vương biết bắt nhầm, mới giảng Phật Pháp, dạy pháp niệm Phật Di Đà, và trả Hứa Sử về trần gian, và vân vân. Trong truyện, Hứa Sử chứng kiến nhiều màn kinh sợ ở địa ngục, về sau Hứa Sử trở thành La Hán, lên cõi Tây Phương cực lạc, đi dạo cõi trời tìm ba mẹ, đi xuống địa ngục tìm người quen. Phần thứ nhì của truyện thơ lại có gay cấn khác: Triệu Tân là chúa của quân Bắc phiên, thấy tướng Đổng Vân của Việt Vương vào chùa tu, mới xua quân vào đánh. Quân Việt Vương thua, chạy liên tục. Việt Vương mới vào chùa thỉnh Đổng Vân ra cầm quân lại để cứu nước. Lựa chọn giữa việc giữ giới sát, với việc cầm quân ra trận, cho thấy lại tinh thần thời Lý Trần. Đổng Vân cầm quân, trước khi xuất trận, dạy binh lính niệm Phật A Di Đà… khi xông trận, tất nhiên là quân phương Nam thắng trận, Triệu Tân và quân Bắc phiên đầu hàng, được tướng Đổng Vân tha mạng, khuyên là nên niệm Phật. Cuối truyện, vua Việt Vương cũng vào chùa tu.

Ngắn gọn, các nhà sư đã sáng tác truyện thơ, trong đó khuyên niệm Phật để lên cõi Tây phương cực lạc của Đức Phật A Di Đà, trong khi nói lên cảnh khổ dưới địa ngục. Câu hỏi là, như thế có đúng Phật pháp hay không?”(ngưng trích)

Viện Việt Học đã gửi lời mời tham dự tới tất cả đồng hương Nam Cali cho buổi ra mắt sách “Tỉnh Mê Một Cõi” sẽ tổ chức ngày Chủ Nhật 30-8-2015, từ 2:00PM-5:00PM, tại hội trường Viện Việt Học, 15355 Brookhurst St #222, Westminster, CA 92683. Sẽ có 3 người diễn thuyết: GS Trần Ngọc Ninh, GS Nguyễn Văn Sâm, và Cư sĩ Nguyên Giác.

Thêm thông tin ở web: http://www.viethoc.com/

Tác phẩm “Tỉnh Mê Một Cõi” (Hứa Sử Truyện) là một tác phẩm độc đáo, cả về phương diện văn học và Phật học, và tự thân truyện này đã là một sử liệu quan trọng để tìm hiểu về Phật Học thế kỷ 18 ở vùng Nam Bộ VN.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn