6. Nguyễn Du Và Truyện Kiều

29 Tháng Mười Hai 201000:00(Xem: 8412)

THẢ MỘT BÈ LAU
Truyện Kiều dưới cái nhìn thiền quán
Nhất Hạnh
Lá Bối Xuất Bản 2000

NGUYỄN DU VÀ TRUYỆN KIỀU 

Cụ Nguyễn Du, tên tự là Tố Như, hiệu Hồng Sơn Liệp Lộ, sanh ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tỉnh. Là con thứ bảy của ông Nguyễn Nghiễm, thủ tướng dưới triều Lê. Bác ruột của thi sĩ là Nguyễn Huệ (không phải là anh hùng Tây Sơn) đã đậu Tiến sĩ. Anh ruột là Nguyễn Khản cũng đậu Tiến sĩ và cũng cùng làm quan dưới triều Lê tới chức Lại Bộ Thượng Thư (bộ trưởng bộ Tư Pháp). Người anh thứ hai là Nguyễn Điềm cũng làm quan trấn thủ Sơn Tây. Cả nhà, cha con, chú bác, anh em đều là người thi đậu cao và làm quan to dưới đời nhà Lê. Đây là một gia đình rất trí thức. Mẹ của thi sĩ Tố Như là người Bắc Ninh, có bốn người con trai (cha của Nguyễn Du có nhiều bà) tên là: Trụ, Nễ, Du và Ức. Nguyễn Du là con thứ ba. Chúng ta không biết ngày sinh, chỉ biét thi sĩ sinh vào năm 1765 (năm Cảnh Hưng thứ 26.) Nguyễn Du rất thông minh. Mười chín tuổi đậu tú tài (khi đậu tú tài thì có thể đi thi Hội). Nhà Lê tàn rụi, nhà Nguyễn Tây Sơn lên. (Trong khi Tây Sơn dấy lên, gia đình Nguyễn Du không còn đóng vai trò quan trọng trong chính quyền nữa.) Nguyễn Du tham dự vào kháng chiến chống lại Tây Sơn nhưng không thành. Ông rất trung thành với nhà Lê. Nguyễn Du bỏ về quê, đi chơi. Nghe nói ở nhà quê đó có tới chín mươi chín ngọn núi Hồng Lĩnh, tha hồ đi rong chơi. Thất bại trong công việc khôi phục nhà Lê nên ông bỏ đi chơi. Nghe nói không có ngọn núi nào trong chín mươi chín ngọn núi mà Nguyễn Du không trèo lên để chơi. Khi vua Gia Long đã đánh bại Tây Sơn và lên ngôi hoàng đế. Vua muốn phục hồi những người đã từng lmà việc cho nhà Lê ngày xưa, mời ra làm quan trở lại. Nguyễn Du cố từ chối nhưng không được. Bắt buộc phải ra làm quan. Ông có cảm tưởng ra làm quan với triều Nguyễn tức là không trung thành với triều Lê. Giống như một cô gái giang hồ. Đó là quan niệm ngày xưa. Năm 1802 (năm Gia Long thứ nhất) Nguyễn Du phải ra làm tri huyện ở Thái Bình. Sau đó là tri phủ. Nguyễn Du cáo bệnh xin về. Nhưng đến năm Gia Long thứ sáu (bốn năm sau) Nguyễn Du lại được gọi và Kinh Đô, giao cho chức Đông Các Đại Học Sĩ. Năm 1809, được cử làm quan Bố Chánh ở tỉnh Quảng Bình. Năm 1813, được thăng làm Cần Chánh Điện Học Sĩ, sung chức Chánh Sứ sang Trung Hoa. Có lẽ trong khi làm Chánh Sứ sang Trung Hoa Nguyễn Du đã mua và đọc được nguyên lục của truyện Kiều. Trong thời gian đi sứ đó Nguyễn Du cũng làm thơ và viết văn rất nhiều. Những bài thơ làm trong thời gian đi sứ góp lại có tên là Bắc Hành Thi Tập. Đi sứ thành công về được thăng chức Lễ Bộ Tham Tri (chức Hữu Tham Tri trong Bộ Lễ). Có lẽ Nguyễn Du sáng tác truyện Kiều vào khoảng năm 1813-1815 hay 816. Sau đó thì sáng tác Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh. Năm 1820, vua Minh Mạng lên ngôi, muốn gửi thi sĩ đi sứ lần thứ hai. Chưa kịp đi thì thi sĩ bị bệnh và mất ngày 16 tháng 9 (10 tháng 8 năm Canh Thìn). Giai thoại vua Minh Mạng ngồi uống trà và phê bình câu ‘Dọc ngang nào biết trên đầu có ai’ có lẽ xảy ra vào năm 1820, khi vua vừa mới lên ngôi.
 
 

Truyện Kièu là một áng văn chương toàn bích về phương diện văn chương. Nhưng đứng về phương diện tư tưởng Phật học thì còn có những khuyết điểm. Cách sử dụng ngôn từ và điển tích rất khéo léo. Tả về tình tiết trái tim con người thì thi sĩ rất tài ba, sâu sắc. Nhận xét tâm lý tinh té cho đến nỗi chúng ta phải giật mình nhiều phen. Nguyễn Du đã thật sự sống trong cuộc đời. Những ánh sáng lóe lên (mà chúng ta nhận diện như những tuệ giác đạo Bụt) không phải do học Bụt mà có mà do tác giả sống trong cuộc đời và tìm ra. Ví dụ như nhận xét ‘Bây giờ rõ mặt đôi ta, Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?’ hay ‘Trời còn để có hôm nay, Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.’ Tuệ giác Phật giáo có trong này nhưng không phải do thi sĩ học Phật mà nói ra. Thi sĩ đã sống rất sâu sắc, trân quý từng giờ từng phút của sự sống mà tìm dra và diễn tả sự thật đó một cách khéo léo.
 
 

Phần sau, chúng ta sẽ xét về kiến thức, cái gọi là triết học Phật giáo trong truyện Kiều. Chúng ta tìm ra quan niệm của tác giả về Nghiệp, Nhân quả, quan niệm còn có tính đại chúng hóa, chưa tới mức độ của người học Phật thâm uyên. Có những người nói cụ Nguyễn Du tinh thông về Nho học và Phật học. Đó là do thương quá mà nói. Sự thật, Nguyễn Du rất tài tình như một thi sĩ nhưng kiến thức Phật học của cụ trong khi sáng tác truyện Kiều còn chưa chín. Sau khi viết truyện Kiều, Nguyễn Du đã tiếp tục học thêm văn học Phật giáo. Phật học của cụ sẽ sâu sắc hơn. Bằng chứng là tác phẩm (chữ Nôm) Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh (‘Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt). Có cơ hội chúng ta sẽ cùng đọc Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh.
 
 
 
 
 
 

NHÌN SÂU VÀO TRIẾT LÝ TRUYỆN KIỀU
 
 
 
 

Chúng ta đọc phần kết thúc truyện Kiều (từ câu 3241):
 
 

Ngẫm hay muôn sự tại trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

Có đâu thiên vị người nào

Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.

Có tài mà cậy chi tài

Chữ tài liền với chữ tai một vần.

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.

Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Lời quê chắp nhặt dông dài,

Mua vui cũng được một vài trống canh.
 
 

Thơ rất hay mà lời lại rất khiêm nhường: ‘Lời quê chắp nhặt dông dài.’ Nếu thơ của cụ Nguyễn Du mà quê thì thơ mình còn… quê tới chỗ nào nữa!
 
 

Câu chót của truyện Kiều (mua vui cũng được một vài trống canh) có vần với câu đầu (trăm năm trong cõi người ta) nên khi các cô miền Bắc hát đối thường hỏi:
 
 

Truyện Kiều anh học đã làu

Đố anh kể được một câu hết Kiều?
 
 

Bên con trai trả lời:
 
 

Trăm năm trong cõi người ta

Mua vui cũng được một vài trống canh.
 
 

(Một và hay một vài đều cùng nghĩa.) Có nghĩa là trong cuộc sống trăm năm người ta thấy sự việc đi qua một cách chớp nhoáng giống như chỉ trong một vài trống canh thôi. Câu này cũng có ý nghĩa lắm.
 
 

‘Cho hay muôn sự tại trời.’ Câu này hầu như nói rằng tất cả mọi sự mọi việc trên đời đều được ông Trời sắp đặt như trong thuyết Thiên mệnh. Trời ở đây có thể là ông Trời nhưng cũng có thể là mạng lưới nhân quả. Tuy nói ‘muôn sự tại trời’ nhưng sau đó cụ Nguyễn Du lại nói: ‘Đã mang lấy nghiệp vào thân, Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.’ Hai điều có vẻ như chống trái nhau, nhưng lại có thể bổ túc cho nhau. Đứng về phương diện văn chương, tư tưởng, tâm lý thì không nói gì, nhưng đứng về phương diện Phật học thì cái thấy của cụ Nguyễn Du chưa được rạch ròi lắm.
 
 

Trời kia đã bắt làm người có thân.’ Như vậy làm người, có cái thân này có thể không phải là một điều vui mà là một sự đày đọa (‘Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai?). Nhiều người nói ‘Tôi không muốn làm người. Tôi không muốn có thân. Tôi chống đối lại ý tưởng của Trời Đất của Thượng Đế vì tôi thấy làm người mệt quá!’ Trong khi đó được làm người có thể là một niềm vui. Tùy theo cách nhìn của mình. ‘Trời kia đã bắt làm người có thân’ là tư tưởng có khuynh hướng yếm thế.
 
 

‘Bắt phong trần phải phong trần’ nghĩa là nếu trời bắt mình phải sống cuộc đời gió bụi (truân chuyên, đau khổ, rủi ro) thì con người phải sống cuộc đời giớ bụi. Thuở trời đất nổi cơn gió bụi.’ Trời đã làm ra con người rồi lại làm ra gió bụi để cho con người lãnh đủ. Nhiều người chống đối ông Trời, chống đối Thiên mệnh là vì vậy. – ‘Cho thanh cao mới được phần thanh cao.’ Thanh cao có nghĩa là nhàn hạ, có hạnh phúc, không bị rủi ro nhiều (ngược lại với phong trần.) Có một lực lượng nào đó quyết định việc mình sẽ bị phong trần hay sẽ được thanh cao. Vận mệnh con người như đã được viết sẵn trong một cuốn sổ ở Thiên Đình. Con người chết cứng. Vùng vẫy thế nào cũng không thoát được. Nếu số mình là gió bụi phong trần thì mình sẽ là gió bụi phong trần suốt đời. Còn nếu số mình được thanh cao thì dù mình làm biếng, không tranh đấu gì hết cũng vẫn được thanh cao, khỏe khoắn. Đó là thuyết Thiên mệnh hay Định mệnh. Thiên là trời; mệnh là mệnh lệnh hay mạng. Chữ ‘mạng’ cũng có nghĩa là đời sống. Thiên mệnh nghĩa là ông Trời nắm giữ vận mạng, quyết định đời sống của mình. Có những trường hợp người ta không dùng chữ ‘ông Trời’ ; tuy không có ông Trời nhưng số mạng con người đã được quyết định trước. Đó là thuyết Định mệnh. Tất cả đều đã được xếp sẵn, con người cứ việc vâng chịu thôi chứ không thể nào phản đối, xoay sở hay cựa quậy gì được hết. Định là déterminé. Khuynh hướng tin vào Thiên mệnh hay Định mệnh rất mạnh trong tâm trí con người. Con người tuy vùng vẫy cũng khá, mưu mô cũng nhiều nhưng rốt cuộc cũng cảm thấy mình bị kẹt trong lưới Thiên mệnh. Vùng vẫy khó quá cho nên cuối cùng phải tin rằng có một Thiên mệnh hay Định mệnh. Khi còn trẻ, chúng ta hay phản đối tư tưởng Thiên mệnh hay Định mệnh này. Chúng ta nói: ‘Mình có sức mạnh, có trí tuệ, nhiều thứ lắm… Mình sẽ chống lại!’
 
 

Hồi Thúy Kiều còn nhỏ, một ông thầy tướng nói: ‘Suốt đời cô sẽ khổ vì tất cả những tinh hoa (tài sắc) trong con người cô đều phát tiết ra ngoài hết. Cô không giấu giữ được cái gì ở bên trong nên phải khổ suốt đời.’ - Ông thầy tướng này nguy lắm! người ta còn con nít mà nói như vậy là gieo một hạt giống dau khổ thắc mắc và lo sợ vào trong lòng người ta! Người ta cứ yên chí rằng mình sẽ khổ suốt đời, đó là cái không hay. - Trong đêm đầu tiên gặp Kim Trọng, Thúy Kiều nói: ‘Nhìn anh em thấy anh là người có phước đức. Em thì không. Vì vậy em không biết cuộc tình của chúng ta có thành tựu được hay không?
 
 

‘Nhớ từ năm hãy thơ ngây,

‘Có người tướng sĩ đoán ngay một lời:

‘Anh hoa phát tiết ra ngoài,

‘Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa.

‘Trông người lại ngẫm đến ta,

‘Một dày một mỏng biết là có nên?’
 
 

Kim Trọng nghe Thúy Kiều lo lắng như vậy đã dùng đủ cách để trấn an”
 
 

Sinh rằng: ‘Giải cấu là duyên,

‘Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều!

‘Ví dù giải kết đến điều,

‘Thì đem vàng đá mà liều với thân.’
 
 

- Trong lịch sử, con người đã quyết định và đã chiến thắng ông Trời nhiều lần rồi. Em đừng lo! Chúng ta là những người còn trẻ, chúng ta là những người thông minh. Chúng ta sẽ tranh đấu! Nếu cần anh sẽ hy sinh cái thân này!’ Ai trong chúng ta khi còn trẻ cũng đều như Kim Trọng cả. Cố nhiên khi yêu mình có rất nhiều ‘xí quách’. Và mình cứ hứa tùm lum mà không biết sức mình làm được tới đâu. Rốt cuộc mười lăm năm mình mới biết là mình làm được gì.
 
 

Tư tưởng Thiên mệnh trong truyện Kiều còn rất mạnh. Tư tưởng đó được ông thầy tướng trình bày và trước Kim Trọng, người yêu, cố tình chống lại. Nhưng rốt cuộc Đạm Tiên, con ma, đã phát triển và củng cố niềm tin đó, ít hay nhiều. Ta phải nhìn lại, xét thử mình tin bao nhiêu phần trăm ở thuyết Thiên mệnh hay Định mệnh đó. Đây là bốn câu xác định tuyệt đối về thuyết Thiên mệnh hay Định mệnh:
 
 

Cho hay muôn sự tại trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân.

Bắt phong trần phải phong trần,

Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
 
 

Nhưng đến những câu kế thì ta thấy thuyết đó bắt đầu lung lay: ‘Có đâu thiên vị người nào.’ Nghĩa là ông Trời rất công minh. Không phải ông muốn cho mình thanh cao thì mình được thanh cao, cho mình phong trần thì mình phải phong trần; phải có lý do gì đó thì người này mới phong trần, người kia mới thanh cao. Lý do đó nằm ở chỗ nào?
 
 

Có đâu thiên vị người nào,

Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.
 
 

Hai yếu tố tài và mệnh đóng một vai trò nhất định trong sự quyết đinh một người phải đau khổ hay hạnh phúc: Theo triết lý của nguyên lục (mà cụ Nguyễn Du cũng bị ảnh hưởng khi viết truyện Kiều) thì giữa tài và mệnh có sự chống đối nhau. Càng có tài bao nhiêu thì số mạng càng ngang trái bấy nhiêu. Người càng có tài thì càng khổ. Những người có tài mà nhiều người thấy được sẽ bị ganh ghét. Sắc và tài là hai cái khi phát hiện ra ngoài nhiều quá thì sẽ làm người mang nó khổ. ‘Anh hoa phát tiết ra ngoài’ một trăm phần trăm thì: ‘Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa.’ Căn cứ vào nhận thức đó thì lỡ mà mình đã có tài và có sắc rồi thì mình phải làm sao để giấu tài, giấu sắc của mình đi. Mặt hơi đẹp thì phải lấy lọ nghẹ hoặc bùn đất bôi lên cho bớt đẹp. Có tài thì giả bộ như mình ngu để người ta khỏi ghét. Mấy cô gái không đẹp thì các cô sợ ít. Mặt cô mà xinh thì cô sợ nhiều. Đức tin của người ta cũng có căn cứ vào sự thật xảy ra chứ không phải chỉ nghe một lý thuyết mà tin liền. Ở Đông phương chúng ta phải biết ở ẩn, phải làm như ngu, như điếc, như câm trong những lúc khó khăn thì mới sống được. Còn nếu mình nói thẳng, chứng tỏ mình là người có dũng, có tài thì mình chết rất mau. Ở Tây phương người ta cũng nói rằng nếu muốn sống hạnh phúc thì phải sống ẩn danh. Pour être heureux vivons cachés: Muốn được hạnh phúc thì phải ở ẩn đi. Chứ nếu người ta thấy mình có hạnh phúc thì người ta sẽ ghen, sẽ đập cho mình tan nát. Cho nên hạnh phúc không bao giờ nên phô trương ra cả. Mà loài người rất dại dột! Loài người không có hạnh phúc nhưng hay giả đò là mình có hạnh phúc. Có những cặp trong nhà thì lục đục đánh nhau, đi ra ngoài thì lmà như là mình có hạnh phúc nhiều lắm. Trong khi đó trí tuệ là khi có hạnh phúc thật sự thì phải giả bộ là không có hạnh phúc, che dấu đi, nếu không sẽ bị ganh tuông. Thuyết tài mệnh tương đố ở đây chỉ nói rằng có tài và có sắc thì khổ chứ không nói rõ là vì tâm lý ganh ghét của con người.
 
 

‘Có đâu thiên vị người nào. Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.’ Chúng ta thấy ở đây đã bắt đầu có sự đóng góp của con người trong khổ đau hay hạnh phúc của mình rồi. ‘Có đâu thiên vị người nào’ tức là ông Trời công minh. Trời công minh có nghĩa là con người có đóng một vai trò nào đó. Người tốt thì được cái này, người xấu thì bị cái kia. Không phải ông Trời muốn gì thì được đó. Quyết định của ông Trời phải căn cứ trên thái độ, hành vi của con người. Từ thuyết Định mệnh đi tới thuyết Nghiệp. ‘Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai’ có nghĩa là cả hai đều quan trọng.Tuy tài năng và số mệnh chống trái nhau nhưng cách sống (hành động) của con người cũng có thể đóng góp vào sự quyết định vận mạng của mình.
 
 

Có tài mà cậy chi tài

Chữ tài cùng với chữ tai một vần.
 
 

Chơi chữ rất khéo. Nếu có tài mà khoe khoang và hống hách thì sẽ bị tai nạn. Chúng ta không biết những chi tiết về đời sống hàng ngày, những rủi ro và may mắn của cụ Nguyễn Du; chúng ta chỉ biết khi được lệnh phải ra làm quan dưới triều Nguyễn thì cụ làm như ngu như điếc. Trong những buổi họp nội các cụ không nói gì hết. Không khoe tài của cụ ra; trong khi Nguyễn Du là người có tài! Có một hôm vua Gia Long nói: ‘Này khanh, nhà nước dùgn người là để có thêm trí tuệ, thêm nhận thức để chính trị có thể đem thêm lợi ích cho nước cho dân. Tại sao khanh không chịu nói gì hết mà cứ ngồi im lặng như vậy?’ Lý do mà mọi người đều nói là cụ Nguyễn Du có cảm tưởng là ra làm quan với triều đình Nguyễn tức là không trrung thành với nhà Lê, giống như một người đàn bà phản bội chồng mình. ‘Trung thần bất sư nhị quân’, người thần tử trung kiên thì không bao giờ thờ hai vua cả. Đã thờ vua Lê mà lại ra thờ vua Nguyễn thì không còn trinh tiết nữa. Lâu nay dạy truyện Kiều người ta thường nói tới điều đó. Nhưng ít ai nói tới lý do thứ hai: người có tài mà hợm hĩnh, khoe khoang thì sẽ đau khổ. Có lẽ thái độ giả ngu giả điếc của cụ Nguyễn Du trong triều đình là để tự bảo vệ tấm thân của mình. Và như vậy có nghĩa là trước đó cụ đã từng đau khổ vì cụ là người có tài. ‘Chữ tài liền với chữ tai một vần’ câu thơ này có thể đến trực tiếp từ kinh nghiệm của cụ. Khi có nhận thức ‘Có tài mà cậy chi tài’ cụ Nguyễn Du đã thực tập điều đó. Có lẽ cụ cũng chưa quên được những khổ đau của mình ngày xưa do chỗ chưa biết áp dụng triết lý này cho nên bây giờ quyết định giấu tài giấu sắc của mình đi cho được an ổn.
 
 

Từ thuyết Thiên mệnh và Định mệnh chuyển sang cách sống sự khôn khéo của con người có thể làm cho cuộc sống con người bớt khổ đau. Bây giờ cụ lại nói tới thuyết Nghiệp báo:
 
 

Đã mang lấy nghiệp vào thân,

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
 
 

Nghiệp báo này là do đâu? Do người hay do Trời? Không được rõ ràng lắm. Chữ nghiệp trong câu thơ này chỉ có nghĩa tiêu cực thôi. Trong khi đó chữ nghiệp (karma) trong Phật giáo có nghĩa là hành động (action.) Nghiệp tốt đưa đến quả báo tốt, nghiệp xấu đưa đến quả báo xấu. Thường thường trong văn chương ngoài đời, chữ nghiệp luôn được dùng trong nghĩa xấu. Điều này chứng tỏ trong quần chúng sự hiểu biết về giáo lý Nghiệp báo không được vững chãi. Ở Tây phương cũng vậy, karma nghĩa là ‘bad karma’ chứ không hàm chứa ‘good karma’. Bổn phận người tu là phải giải thích cho quần chúng để điều chỉnh cách sử dụng chữ nghiệp này. Nghiệp có hai loại: thiện nghiệp (kusala) và ác nghiệp (akusala). Thiện nghịêp là hành động đem lại an lạc cho mình và người trong hiện tại và trong tương lai. Ác nghiệp ngược với Thiện nghiệp. Hành động (nghiệp) phát xuất từ thân, miệng và ý gọi là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Ba nghiệp này có thể là thiện hay ác. Nghiệp có nghiệp nhân (karma hetu) và nghiệp quả (karma phala.) Phải phân biệt nghiệp nhân và nghiệp quả, nghiệp thiện và nghiệp ác. Khi nói ‘Đã mang lấy nghiệp vào thân’ cụ Nguyễn Du hiểu rằng nghiệp là nghiệp xấu chỉ đem tới quả xấu thôi. ‘Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa’: con người đã có nghiệp trong người rồi thì đừng nói rằng tại Trời quyết đinh thế này thế kia. Câu này làm sụp đổ câu ‘Ngẫm hay muôn sự tại trời.’ Vừa mới nói: ‘Tất cả đều do Trời!’ Tư tưởng Nghiệp báo và Nhân quả của cụ Nguyễn Du vì vậy chưa được rõ ràng.
 
 

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
 
 

Căn là gốc rễ, Thiện căn là gốc rễ của cái thiện. ‘Thiện căn ở tại lòng ta’ nghĩa là gốc rễ cái thiện nằm ngay ở trong lòng mình chứ không ở đâu xa. ‘Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Tâm này là tâm gì? Tâm có tâm ác, tâm thiện, tâm chánh, tâm tà. ‘Chữ tâm’ dùng trong này nghiêng về phía thiện: ‘Thiện căn ở tại lòng ta.’ Chữ Thiện căn (kusala mula) là một danh từ thuần túy Phật học; cụ Nguyễn Du đã được nghe những nhận thức của cụ chưa được hệ thống hóa. Cụ Nguyễn Du đã thấy trong lòng chúng ta có những hạt giống thiện. Chịu khó trở về vun tưới những hạt giống đó thì tâm của chúng ta sẽ thiện và ta sẽ được nhờ và vào đó rất nhiều, vì: ‘Chứ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Nếu mình không có tài mà có thiện tâm thì mình vẫn có hạnh phúc và hạnh phúc hơn những người có tài mà không có thiện tâm. Đó là triết lý của cụ Nguyễn Du. Trong đoạn này chúng ta thấy chữ nghiệp được dùng theo nghĩa nghiệp xấu và chữ tâm dùng theo nghĩa thiện tâm. Cách dùng từ không được chính xác. Vì nghiệp có thể là nghiệp lành hay nghiệp dữ, tâm có thể là tâm xấu hay tâm tốt. Và nếu tâm mà xấu thì ‘chữ tâm’ đâu có thể ‘bằng ba chữ tài’ được!
 
 

Triết lý truyện Kiều cũng được phát biểu qua lời bình phẩm và tiên đoán của nhân vật Tam Hợp Đạo Cô. Sau khi Thúy Kiều đã đền ân báo oán, sư chị Giác Duyên từ giã ra đi. Kiều xin sư chị ở nán lại với mình:
 
 

Nàng rằng: ‘Thiên tải nhất thì,

‘Cố nhân đã dễ mấy khi bàn hoàn.

‘Rồi đây bèo hợp mây tan,

‘Biết đâu hạc nội mấy ngàn là đâu!’
 
 

Đây là một đoạn văn xác nhận thuyết Định Mệnh:
 
 

Sư rằng: ‘Cũng chẳng mấy lâu,

‘Trong năm năm lại gặp nhau đó mà.

‘Nhớ ngày hành cước phương xa

‘Gặp sư Tam Hợp vốn là tiên tri,

‘Báo cho hội ngộ chi kỳ,

‘Năm nay là một nữa thì năm năm.

‘Mới hay tiền định chẳng lầm,

‘Đã tin điều trước ắt nhằm việc sau.

‘Còn nhiều ân ái với nhau,

‘Cơ duyên nào đã hết đâu vội gì?’

Nàng rằng: ‘Tiền định tiên tri,

‘Lời sư đã dạy ắt thì chẳng sai.
 
 

Theo thuyết tiền định và định mệnh thì những gì xảy ra trong đời mình đều đã được viết trước rồi; chúng ta cứ việc đợi, đến lúc đó thì việc đó sẽ xảy ra. Nếu là người có khiếu tiên tri, nhìn cho kỹ thì có thể đoán trước cái gì sẽ đến. Tất cả đã có sẵn, đã được quyết định trước. Như vậy thì chuyện tu hành có ích lợi gì đâu! Tu hay không tu thì nó cũng đã được quyết định sẵn rồi! Tại sao phải tu? Vấn đề được đặt ra là con người có tự do hay không? Con người có thể can thiệp vào mạng lưới của Nhân Quả để thay đổi hay không? Đạo Phật trả lời như thế nào?
 
 

Hôm trước bên trung tâm Tây Tạng có người đặt câu hỏi vấn đề quyết định: làm thế nào để có một quyết định thông minh? Tôi trả lời: Trước khi mình quyết định thì sự việc đã được quyết định rồi. Mình có cảm tưởng mình có tự do quyết định, ai dè tất cả đều đã được quyết định trước! Tôi đưa ra một ví dụ: Bữa đó tôi vào trong một gian hàng Nhật Bổn để mua một vuông lụa về cột mấy cuốn kinh mới thỉnh. Họ treo một dọc dài mấy trăm tấm hình vẽ, màu sắc khác nhau. Mình đi ‘chọn’. Cô tiếp viên hỏi: ‘Thầy chọn cái nào?’ Tôi cười nói: ‘Tôi đâu có chọn. Tôi để nó chọn tôi mà!’ Cô ta ngạc nhiên. Nhưng sự thực là như vậy. Mình có cảm tưởng, ảo tưởng là mình có đầy đủ tự do, muốn chọn cái nào thì chọn; kỳ thực sự chọn lựa đã được hoàn tất từ bao giờ rồi. Khiếu thẩm mỹ của mình, giáo dục của mình, những hạt giống ông bà trao truyền, sự tu học của mình, cái thấy của mình về vẻ đẹp, cái trang nhã… tất cả những cái đó đều viết sẵn trong mình rồi. Mình trình diện ra trước những tấm khăn đó, khi đi ngang qua ‘nó’ thì mình bị ‘nó’ bắt. Cái gọi là ‘tiếng sét ái tình’ cũng vậy. Tại sao có ‘tiếng sét’ khi gặp anh đó hay cô đó mà không có tiếng sét khi gặp những người kia? Tại vì đã được quyết định trước. Con người thường có ảo tưởng là mình có tự do trong khi chọn lựa. Những người tin ở thuyết định mệnh và tiền định không có ảo tưởng nhiều về sự tự do của mình. Tôi còn nói thêm: Ví dụ có hai hoặc ba con đường chọn lựa. Mình tưởng rằng mình chọn lầm một cái thì mình sẽ khổ suốt đời: ‘Ngày xưa nếu mình chọn đi con đường kia thì mình sẽ không khổ như bây giờ!’ Giả dụ có ba anh chàng mà mình bắt buộc phải chọn làm chồng. Mình đã lớn rồi, cha mẹ buộc: ‘Mày phải chọn một trong ba đứa!’ Mình phân vân… Chọn bừa anh chàng thứ hai rồi đau khổ suốt đời. Mình nói: ‘Phải chi ngày xưa mình chọn anh chàng thứ nhất hay thứ ba thì chắc mình không đau khổ như thế này!’ Mình mà như thế thì chọn anh chàng nào mình cũng làm cho anh chàng ấy đau khổ mà thôi. Tâm mình chứa nhiều phiền não và u mê thì sống ở Mỹ cũng khổ, ở Pháp cũng khổ, mà ở Anh cũng khổ… Không phải từ trại tỵ nạn xin đi nước này hay nước khác thì mình có hạnh phúc. Mình thường nghĩ vì đã chọn con đường đó cho nên bây giờ mới có nhiều vấn đề. Biết vậy ngày xưa mình đừng đi con đường này! Đi con đường khác thì sẽ khá hơn! Đó là tự an ủi vậy mà thôi. Chỉ là đứng núi này trông núi nọ. Thấy được điều này thì mình sẽ không có ảo tưởng nhiều về cái tự do của mình.
 
 

Có nhiều người tin rằng mình không làm gì được hết. Mạng lưới nhân quả trùng trùng như vậy, quyết định hết rồi thì có vùng vẫy cách nào cũng không thể thoát ra khỏi. Mình chỉ là nạn nhân! Sống như vậy thì rất đau khổ, chịu không nổi. Cho nên có thuyết ngược lại, chủ trương rằng con người có tự do, có ý chí tự do (free will.) Đứng về phương diện triết học, con người có tự do chọn lựa hay không? Khi hành động, mình có tự do trong hành động đó không, hay những nguyên do từ quá khứ đã quyết định dùm mình rồi? Một số trong chúng ta đứng về phía tin tưởng rằng chúng ta có không gian, có tự do - nếu không thì đời sống không có ý nghĩa. Trong đạo Bụt chúng ta học về mạng lưới trùng trùng nhân quả. Chúng ta thấy tự do của mình nằm chỗ nào? Bây giờ chúng ta hãy tạm gác vấn đề lại. Hãy trở về chuyện Kiều đọc thêm một đoạn nữa. Từ câu 2653, khi sư chị từ giã sư em đi vân du và gặp lại Tam Hợp đạo cô, hỏi thêm về tương lai của nàng Kìêu:
 
 

‘Người sao hiếu nghĩa đủ đường,

‘Kiếp sao gặp những đoạn trường thế thôi?’
 
 

Đây là lời đạo cô Tam Hợp:
 
 

Sư rằng: ‘Phúc họa đạo trời,

‘Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra.

‘Có trời mà cũng tại ta,

‘Tu là cỗi phúc tình là dây oan.
 
 

Mọi tai nạn và mọi may mắn đều do trời quyết định. Tuy nhiên: ‘Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra.’ Lý thuyết này phù hợp với những câu chúng ta đọc ở cuối truyện Kiều. Tuy rằng trời định nhưng cỗi ngụồn lại vẫn ở trong tâm của con người. ‘Có trời mà cũng tại ta’: tức là hai yếu tố, Trời (định mệnh) và con người. Nếu đi xa hơn chúng ta có thể nghĩ Trời là cộng nghiệp và ta là biệt nghiệp. Cái gì xảy ra không phải chỉ do cá nhân và biệt nghiệp ta làm ra mà cũng do cộng nghiệp làm ra. Ví dụ ngồi trên máy bay đều có thể chết, đó là cộng nghiệp. Nếu có một người thoát được, không chết mà chỉ bị thương sơ sơ, đó là biệt nghiệp. Biệt nghiệp trong cộng nghiệp. Chữ ‘trời’ ở đây có thể được hiểu là cộng nghiệp (collective karma) và ‘ta’ ở đây là biệt nghiệp individuel karma. Ta đang cùng ngồi ở Làng Mai. Chúng ta có cộng nghiệp Làng Mai do đó mới ngồi chung. Nhưng trong khi ngồi đây, cảm giác của chúng ta có khác. Người thì thanh thoát nhiều hơn, người thi lo lắng nhiều hơn. Đó gọi là biệt nghiệp. Không phải ngồi chung một chỗ mà ta có cảm tưởng giống nhau.
 
 

‘Phúc họa đạo trời’ là thuyết Định mệnh (determinism). ‘Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra’ đó là thuyết do tâm tạo. Con người cũng đóng được một vai trò nào đó, mấy chục phần trăm. ‘Có trời mà cũng tại ta’ là tiền đề để đi đến kết luận: ‘Tu là cỗi phúc tình là dây oan.’ Ta có thể làm gì? Ta có thể tu, làm nhẹ đi nghiệp của ta và đem lại một ít hạnh phúc. Còn nếu ta không tu, cứ để cho sợi dây tình cảm kéo buộc thì ta tọa cho mình những oan nghiệp đau khổ.
 
 

Và đây là lời phán quyết của ‘bác sĩ tâm lý trị liệu’ Tam Hợp Đạo Cô phân tích tâm lý Kiều:
 
 

‘Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan,

Vô duyên là phận hồng nhan đã dành.
 
 

Tuy có thông minh, tài năng và sắc đẹp nhưng Kiều không có điều kiện hạnh phúc. Đáng lý sắc sảo khôn ngoan thì phải thành công trong cuộc đời và hạnh phúc chứ! Nhưng vì không có cái căn bản là những thiện duyên cho hạnh phúc nên Kiều phải đau khổ. Cái nghiệp của Kiều là vô duyên. Điều này đã được viết trước rồi. Nhưng nếu chỉ như vậy thì chưa đến nỗi gì cho lắm. Vì những cái này nữa nên mới khổ thêm.
 
 

‘Lại mang lấy một chữ tình,

‘Khăng khăng mình buộc lấy mình vào trong.

‘Vậy nên những chốn thong dong,

‘Ở không yên ổn ngồi không vững vàng.

‘Ma đưa lối quỷ dẫn đàng,

‘Lại tìm những chốn đoạn tràng mà đi.
 
 

Ở những chỗ đáng lý mình được tự do, thong dong mà mình vẫn ngồi không yên, đi không vững. Những con ma sầu não, ma quá khứ, ma tương lai, ma hờn giận từ bên trong hiện ra để kéo mình đi. Tuy cùng đi thiền hành với những người khác nhưng kỳ thực mình không đi cùng một hướng, mình bị những ma quỷ đưa về những nẻo tối tăm. Và vì ma quỷ đưa về những nẻo đó cho nên mình gặp những tai nạn chớ có gì đâu!
 
 

‘Hết nạn ấy đến nạn kia,

‘Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần,

‘Trong vòng giáo dựng gươm trần,

‘Kề răng hùm sói gởi thân tôi đòi.

‘Giữa dòng nước dẫy sóng dồi,

‘Trước hàm rồng cá gieo mồi vắng tanh.

‘Oan kia theo mãi với tình,

‘Một mình mình biết một mình mình hay.

‘Làm cho sống đọa thác đày,

‘Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi!’
 
 

Đạo cô nói rằng Kiều sẽ khổ suốt đời. Đó là một lời kết án. Án này không phải chỉ do Định mệnh tuyên đọc. Trời định như vậy nhưng Thúy Kiều đã không tranh đấu được. Chưa biết nắm lấy tâm mình để tìm một nẻo thoát. Cứ bị ‘những sợi dây tình vướng víu kéo đi234, vì vậy trước sau gì cũng đi tới chỗ tự tử ở sông Tiền Đường. Tuy là một nhà tiên tri nhưng Tam Hợp đạo cô đã không nói rằng tất cả đều do những điều kiện khách quan, cộng nghiệp (Trời.) Tam Hợp nói: ‘Có trời mà cũng tại ta.’ Biệt nghiệp của Thúy Kiều cũng góp phần vào hạnh phúc khổ đau của cô. Thúy Kiều tự buộc mình vào những tình cảm giận hờn, những nhận thức và ước muốn của mình. Và chính những con ma, những con quỷ đó kéo Thúy Kiều đi về nẻo tai nạn, rốt cuộc cô phải tự tử ở sông Tiền Đường. Tam Hợp nói tới hai điều: một là tiền định và hai là cách hành xử của Thúy Kiều. Không tìm ra nẻo thoát cho mình mà cứ đi theo con đường của ma quái.
 
 

Giác Duyên nghe nói rụng rời:

‘Một đời nàng nhé thương ôi còn gì!’
 
 

Sau đây là lời của Đạo Cô, chúng ta hãy nghe với nhận thức khách quan của mình chứ đừng bị Đạo Cô ảnh hưởng: Đạo Cô có thể lầm, cụ Nguyễn Du cũng có thể lầm.
 
 

Sư rằng: ‘Song chẳng hề chi,

‘Nghiệp duyên cân lại nhắc đi còn nhiều.
 
 

- ‘Trong thời gian lần lần và đi vào nẻo ma quỷ Kiều cũng có làm một vài thiện nghiệp có thể đưa tới chỗ giải thoát nghiệp cũ và đi vào một nghiệp mới tốt đẹp hơn’. Đạo cô bây giờ không làm phận sự của một bác sĩ tâm lý nữa là quay sang làm trạng sư bào chữa cho Thúy Kiều:
 
 

‘Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều,

‘Mắc điều tình ái khỏi điều tà dâm.
 
 

Đó là một điểm son của Thúy Kiều. Tuy vướng vào tình ái nhưng thoát được tà dâm. Không để Kim Trọng làm cho phạm giới thứ ba.
 
 

‘Lấy mình thâm trả nghĩa thâm,

‘Bán mình đã động hiếu tâm đến trời!
 
 

Đó là hành động tốt thứ hai. Hy sinh cuộc đời một cô gái khuê các, bán mình chuộc cha. Đó là hành động có thể làm cảm động cả Trời. Trời đã cảm động nhưng vẫn để cho Kiều khổ mười lăm năm như thường! Ông Trời cũng sắt đá thiệt! Thấy ông trời như vậy mình không phục. Ông trời có thể là dễ chịu hơn! Những lý luận của Đạo Cô, chấp nhận hay không là do mình. Họ có một lý thuyết, họ lý luận để chứng minh lý thuyết của họ. Nhưng chứng minh đó hợp lý hay không là chuyện khác.
 
 

‘Hại một người cứu muôn người,

‘Biết đường khinh trọng biết lời phải chăng.
 
 

Nói chuyện giặc giã tàn sát sinh linh và Kiều lừa cho Từ Hải chết để cứu sinh linh. ‘Hại một người cứu muôn người.’ Chuyện này rất giả tạo. Cô Kiều có bao giờ muốn giết chồng đâu! Chúng ta phải thấy điều này. Tam Hợp Đạo Cô nói không đúng sự thật. Cụ Nguyễn Du không thấy điều đó hoặc đã thấy nhưng vì sơ sót nên cứ lập lại như thường. Khi khuyên Từ Hải về hàng, Kiều nói: ‘Ngàn năm ai có khen đâu Hoàng Sào’, ‘Đống xương Vô-định đã cao bằng đầu’ - 'Được làm vua thua làm giặc.’ Thôi anh đừng tiếp tục gây nạn binh đao nữa, không để tiếng tốt mà người ta chết nhiều tội lắm! Anh về quy thuận triều đình đi. Anh được làm quan lớn mà em cũng được cơ hội đoàn tụ gia đình.’ Nói những câu đó là ‘Biết đường khinh trọng biết lời phải chăng.’ Câu này đúng. Nhưng ‘Hại một người cứu muôn người.’ Thì không đúng. Ở câu 2550, Kiều nói thật:
 
 

Rằng: ‘Từ là đấng anh hùng,

‘Dọc ngang trời rộng vẫy vùng bể khơi.

‘Tin tôi nên quá nghe lời,

‘Đem thân bách chiến làm tôi triều đình.

‘Ngỡ là phu quý phụ vinh,

‘Ai ngờ một phút tan tành thịt xương.

‘Năm năm trời bể ngang tàng,

‘Dẫn mình đi bỏ chiến trường như không.

‘Khéo khuyên kể lấy làm công,

‘Kể bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu.
 
 

- ‘Đừng nói là tôi có công! Nói tôi có công là tôi đau khổ lắm!’ Kiều nói rất đúng, rất hay. Nhưng hai câu này thì lại không đúng, không hay gì hết:
 
 

‘Xét mình công ít tội nhiều,

‘Sống thừa tôi đã nên liều mình tôi!
 
 

Công nhận rằng mình có công, dù là công ít. Không đúng. Công gì? Công giết (oan) chồng hay công gì? Trước khi gieo mình xuóng sông Tiền Đường (từ câu 2629, Kiều than: ‘Giết chồng mà lại lấy chồng. Mặt nào mà lại đứng trong cõi đời?’ ‘Giết chồng’ ở đây không phải là cố ý giết. Cố vấn cho anh chàng nhưng cố vấn không hay nên anh chàng bị giết. Cái mặc cảm ‘giết chồng’ này có thể chấp nhận được.
 
 

Chủ trương của Thanh Tâm Tài Nhân (tác giả nguyên lục), cũng là chủ trương của cụ Nguyễn Du, là Kiều có hai nghiệp: một nghiệp xấu và một nghiệp tốt. Con sông Tiền Đường là ranh giới giữa mười lăm năm khổ đau và quãng đời hạnh phúc sau này. Làm nền tảng cho mười lăm năm khổ đau đó có Thiên mệnh, những vốn liếng từ quá khứ, ông bà và kiếp trước đi xuống. Vốn liếng của Thúy Kiều còn có tài, sắc, tình (vướng mắc) và tâm (thiện tâm.) tài sắc và tình, ba cái làm lưng tựa cho mười lăm năm khổ đau (theo lý thuyết của Nguyễn Du.) Nhưng cái tâm tốt đồng thời cũng tạo ra được vài thiện nghiệp (giữ giới không tà dâm, bán mình cứu cha và ‘giết’ Từ Hải để cứu muôn dân khỏi nạn can qua.) Nhờ tâm giữ giới, tâm hiếu và tâm từ bi này mà thiện nghiêp tạo ra được giai đoạn thứ hai của đời Kiều, giai đoạn tu hành với sư chị và chuyển hóa được cho gia đình. Đó là phân tích của cụ Nguyễn Du và của Đạo Cô Tam Hợp. Đạo Cô Tam Hợp và lý thuyết gia mà tác giả nguyên lục và cụ Nguyễn Du đã đi theo. Tuy mỗi tác giả có thay đổi đôi chút trong khi trình bày cuộc đời Thúy Kiều nhưng đại khái thì cả hai vẫn đi theo cách phân tích của Đạo Cô Tam Hợp.
 
 

Thuyết âm dương ‘âm cực dương hồi’ sẵn có của Đông phương cùng đã được nói tới. Âm là negative energy. Đau khổ (âm cực) khi tới chỗ cùng cực thì hạnh phúc được sinh ra (dương hồi). Âm cực của cuộc đời Thúy Kiều là khi tới sông Tiền Đường.
 
 

Chúng ta cũng thấy lý thuyết nhân quả trong truyện. Tuy có nghiệp quá khứ hay Thiên định nhưng không phải là cái khối nghiệp của quá khứ và của tiền định đó chịu trách nhiệm hoàn toàn về mười lăm năm đau khổ. Thúy Kiều cũng có trách nhiệm. Tài, sắc và tình của cô ràng buộc, làm cho cô cứ đi theo riu ríu mà không mở ra được con đường máu thoát khỏi vòng vây. Điều đó được cực tả trong câu ‘Ma đưa lối quỷ dẫn đàng. Lại tìm những chốn đoạn tràng mà đi.’ Cố nhiên khi bước vào những chốn như thanh lâu hay quân đội thì mình bị kéo theo, đau khổ đã đành rồi. Nhưng khi được bước vào những hoàn cảnh thanh thản như ở chùa mà mình vẫn không an lạc. Không có khả năng an lạc. Bởi vì mình vẫn khư khư giữ lấy ba cái tài, sắc, tình và không nắm vững được cái tâm tu học để chuyển hóa, thoát khỏi vòng vây. Thay vì đau khổ có thể chỉ là mười năm mà lại kéo tới mười lăm năm. Mười lăm năm đó là thiên mệnh tạo ra mà cũng do Thúy Kiều, một phần nào đó, tạo ra. ‘Có trời mà cũng tại ta, Tu là cỗi phúc tình là dây oan.’ Thúy Kiều tu được ba chuyện còn bao nhiêu chuyện khác đều là tình hết. Nhưng nhờ có tu ba chuỵện, nên mới tạo được giai đoạn sau.
 
 

Chúng ta đọc truyện Kiều. Chúng ta thấy Giác Duyên là một yếu tố rất đặc biệt đưa tới sự chuyển hóa của đời Kiều. Ai đưa giác Duyên tới cho Thúy Kiều? Kiều đi tìm mới gặp Giác Duyên hay gặp Giác Duyên là một điều tiền định đã có sẵn? Giác Duyên là những điều kiện để bừng tỉnh. Giác Duyên không phải chỉ là một con người. Giác Duyên là tất cả những điều kiện có tác dụng làm cho mình thức dậy, biết rằng mình đang làm cái đó, đang đi con đường của ma quỷ. Những điều kiện có tác dụng làm cho mình thức dậy, biết rằng mình đang làm cái đó, đang đi con đường của ma quỷ. Những điều kiện đó do ai tạo ra? Cách đây hai ngàn sáu trăm năm có một người ngồi dưới gốc cây Bồ Đề và đã giác ngộ, người đó đã truyền lại cho nhân loại những tia sáng của chánh niệm. Một tia hào quang đã được phóng về hai ngàn năm trăm năm sau cho Thúy Kiều. Người mang hào quang đó là một sư cô. Tia hào quang phóng từ cội bồ đề là một trong những yếu tố khiến cho Thúy Kiều có thể chuyển hóa được vận mệnh của mình. Nhưng những điều kiện để được bừng tỉnh có thể là bất cứ điều kiện nào. Ví dụ như những khổ đau cùng cực của Thúy Kiều. Khi mình thấy mình khổ nhiều quá thì tự nhiên mình có thể bừng tỉnh được. Có những người khổ mà không bừng tỉnh được, nhưng có những người khổ bừng tỉnh được. Không phải ánh sáng giác ngộ từ cây Bồ Đề là điều kiện duy nhất giúp mình bừng tỉnh. Những đau khổ, trui luyện trong vòng trầm luân cũng có thể giúp mình tỉnh dậy… Nếu không có kinh nghiệm trực tiếp từ những đau khổ đó thì ánh sáng kia có thể không đủ để làm mình tỉnh dậy. Phải khốn khổ mới học hiểu được. Có những người sinh ra là tự nhiên biết, gọi là sinh nhi trí. Có những người phải học mới biết, đó là khổ nhi trí. Phải cùng khốn thì mới hiểu được. Đó là một trong những điều kiện để bừng tỉnh. Giác Duyên là một người tượng trưng cho những điều kiện đó đến với Kiều. Giác Duyên nằm ở chỗ nào? Ví dụ một cô thiếu nữ nói rằng: ‘Con không lấy chồng. Ba anh chàng mà ba má đề nghị con không thể chấp nhận anh nào cả vì con nghĩ rằng con sẽ không có hạnh phúc với ai. Con đi tu. Con đề nghị một giải pháp thứ tư.’ Theo nguyên tắc thì giải pháp thứ tư cũng vậy thôi. Dầu anh chọn người thứ tư hay thứ ba nhưng nếu con người anh cứ như vậy thì anh cũng vẫn đau khổ. Anh đi tu anh cũng có thể đau khổ như thường. Phải vậy không? Nhưng khi đi tu thì anh có một điều kiện mới mà giải pháp một, hai, ba không có. Tuy anh vẫn còn y nguyên là con người của anh, nhưng khi đi tu anh được đặt vào một khung cảnh khác, mà anh không có khi anh cưới người thứ nhất, thứ hai hay thứ ba. Anh sống với tăng thân. Tăng thân không phải là một môi trường có thể gọi là Giác Duyên, tức là những điều kiện để cho mình tỉnh thức. Nếu bốn cái giống hệt như nhau và anh quyết định với những nội kết của anh thì anh có thể vẫn đau khổ như nhau. Nhưng trong trường hợp thứ tư anh có Giác Duyên, một tia sáng của Bụt chiếu tới từ hai ngàn năm trăm năm trước cho nên anh có cơ hội để thoát. Tự do và giải thoát nằm ở chỗ Giác Duyên. Nếu chúng ta thoát được màng lưới của nghiệp báo, đó là nhờ những tia hào quang phóng tới từ những người giải thoát.
 
 

Thuyết định mệnh chúng ta có thể thấy trong ba lĩnh vực:
 
 

Lĩnh vực thứ nhất là đời sống thông thường. Trong đời sống thông thường, chúng ta đặt câu hỏi: Có định mệnh hay không? Ta có nên vâng theo hay không? Nếu vâng theo thuyết Định mệnh thì chúng ta thấy rã rời, không có không gian thênh thang. Và nếu còn trẻ, chúng ta muốn phấn đấu, chống lại định mệnh. Vì vậy có hai phe: một phe định mệnh và một phe chống lại định mệnh.
 
 

Lĩnh vực thứ hai là trong phạm vi khoa học. Trong phạm vi khoa học chữ déterminisme có nghĩa rất rõ ràng là nếu cùng những điều kiện như vậy thì thế nào cũng đi tới những kết quả như vậy. Ví dụ làm đậu hũ mà đúng theo những phương thức a, b, c, d thì thế nào cũng có đâu hũ để ăn. Nhưng thỉnh thoảng không biết tại sao chúng ta làm giống hệt như vậy mà đậu hũ lại ra hơi khác. Trong lĩnh vực khoa học, nhất là lĩnh vực khoa học nguyên tử (mécanique quantique) chuyện này xảy ra rất thường. Tất cả điều kiện hội đủ mà kết quả lại khác. Luật xác xuất (la loi de la probabilité) cũng do khoa học tìm ra (cố nhiên đạo học cũng đã tìm ra) cho phép những kẽ hở. Kết quẩ có thể xảy dra khác mặc dầu có những điều kiện. Trong khi những nhà bác học nguyên tử quán sát những vật thể li ti, chất điểm hay điện tử, họ dùng trí tuệ và nhận thức của mình để quán chiếu và ảnh hưởng được đối tượng của sự nghiên cứu. Có sự tham dự của tâm con người vào thì sự thực có thể biến dạng đi. Khi cần nhìn vào một vật thể li ti để quán sát người ta cần phải chiếu ánh sáng vào. Vật thể vi tế là một loại năng lượng, ánh sáng cũng là một loại năng lượng. Khi ánh sáng chiếu vào thì vật thể đó đã thay đổi rồi. Tâm thức cũng là năng lượng.Khi dùng tâm để quán chiếu vào điện tử thì trong bản chất của điện tử cũng có sự thay đổi. Tâm của nhà khoa học có ảnh hưởng tới sự thật gọi là khách quan của thế giới nguyên tử vật chất. Vì vậy luật xác suất tới bổ túc cho luật định mệnh nói kết quả như nhau. Điều này đã được chứng minh bằng khoa học. Tâm của Bụt, tâm của chúng ta đang có mặt và đang ảnh hưởng tới thế giới vật chất, thế giới xã hội, thế giới nhân quả. Yếu tố của tâm là một yếu tố có thể can thiệp vào hoàn cảnh, về vật chất cũng như về kinh tế, xã hội.
 
 

Đứng về phương diện của những định luật tâm lý mà xét, chúng ta thấy rằng khi những hạt giống của si mê, giận hờn, ganh tị, khi những nội kết cũ… có mặt, chúng ta sẽ phản ứng như thế này hay thế kia. Chúng ta có thể tiên đoán trước phần nào căn cứ theo thuyết định mệnh. Ví dụ chúng ta nói: Nếu mình gởi anh này vào buổi họp, thì khi những người khác nói ra sự thật này anh ta sẽ phản ứng như thế, chắc chắn như vậy, không thể sai được. Vì tâm của anh ta đang có những tâm hành này, tâm hành kia nên mình tiên đoán anh ta sẽ phản ứng như thế, không sai. Đó là mình theo thuyết Định Mệnh. Căn cứ trên sự thật là trong buổi họp mà có những người nói như vậy là anh ta đều phản ứng như thế. Một trăm lần đều xảy ra như một. Quyết định không cho anh ta vào buổi họp là hành động theo đức tin của mình về thuyết định mệnh và mình thấy không có tự do gì trong con người của anh ta hết. Nhưng Giác Duyên ở đâu? Giác Duyên nói: ‘ Hôm nay anh đi với tôi và anh sẽ cầm tay tôi trong suốt buổi họp. Khi nào tôi bấm tay anh một cái là anh không nói gì hết.’ Tất cả mọi người đều sửng sốt vì anh chàng tự nhiên xuất hiện trong buổi họp. Nhưng quan sát viên hôm đó rất lấy làm lạ là tại sao buổi họp đã xong rồi mà anh không nổi điên. Đâu biết rằng có một nguyên do ẩn dấu là bàn tay anh ta đang được sư Giác Duyên nắm. Mỗi lần biết anh này sắp phản ứng thì sư Giác Duyên lại nắm chặt bàn tay anh lại và anh ta ngồi yên. Đó là yếu tố Giác Duyên, chỉ có tăng thân mới tạo ra được và sẽ giúp được anh chàng thay đổi, nhờ sự có mặt của Giác Duyên. Giác Duyên là điều kiện của sự tỉnh thức. Chánh niệm của anh ta rất yếu. Dù là được học một năm hay một năm rưỡi rồi nhưng những lúc như vậy anh ta vãn không có khả năng nắm lấy chánh niệm và cứ phản ứng một cách rất là… ‘tự nhiên’ Anh dã được hướng dẫn rằng mỗi khi gặp trường hợp như vậy thì phải nắm lấy hơi thở. Anh cũng cố gắng thực tập nhưng chất lượng của những hạt giống kia nặng quá. Anh ta biết rằng những lúc đó thở được thì rất hay, nhưng lúc đó tại sao anh ta không nhớ và không thở! Vì vậy ta mới cần phải có Giác Duyên. Giác Duyên cần phải đưa ta đi một đoạn đường thì ta mới có thể tự mình di được. Sau mỗi lần anh ta phản ứng, ta hay nói: ‘Tôi đã dặn anh là những lúc như vậy thì phải thở mà tại sao anh không thở?; Anh ta trả lời: ‘Tại vì lúc đó sự kiện xảy ra mau như chớp nhoáng, tôi không làm gì được hết!’ Có nhớ thở mình thở cũng không được!’ Nếu chúng ta buông xuôi, chịu thua thì anh ta không bao giờ có cơ hội. Ta phải đóng cho hay vai trò của Giác Duyên. Có nhiều cơ hội. Ta có thể nắm bàn tay anh, hướng dẫn anh. Ban đầu anh ta ngưng được không phải là do tự điều phục bằng hơi thở mà nhờ có một lời giao ước với mình là khi nào mình xiết chặt tay anh thì anh dừng lại.
 
 

Sự xuất hiện của Giác Duyên trong đời Thúy Kiều là sự xuất hiện của Bụt. Và cũng nhờ Thúy Kiều đã đau khổ, chạm đến đáy vực thẳm cho nên cái nắm tay của Giác Duyên càng có hiệu nghiệm. Truyện Kiều không nói rõ điều đó. Sự chuyển nghiệp là do công phu tu tập và do tăng thân, do sự hướng dẫn chứ không phải là do chỉ làm ra được ba việc mà Tam Hợp viện dẫn (không để Kim Trọng lấn tới, bán mình và giết Từ Hải.) Trạng sư Tam Hợp nói sở dĩ Thúy Kiều thoát được nghiệp xấu là nhờ có ba thiện căn đó. Chúng ta thấy lý do không đầy đủ. Nói rằng ‘Bán mình đã động hiếu tâm đến trời’ tại sao Trời lại để cho tiếp tục khổ trdong mười lăm năm? Lý luận này không xác đáng. Nói Thúy Kiều giết Từ Hải để cứu người, đó là hoàn toàn giả tạo, không đúng. Vậy thì tại sao có sự chuyển hóa? Có sự chuyển hóa là vì có những điều kiện giúp mình tỉnh thức và tu tập. Sự tu tập với Giác Duyên trước và sau khi tự tử đưa tới sự chuyển hóa của Thúy Kiều sau này.
 
 
 
 
 
 

CHÁNH NIỆM LÀ NẺO THOÁT
 
 

Trong báo Giác Ngộ vừa rồi235 có bài của một bà Phật tử vào khoảng bảy mươi tuổi, ở Huế. Bà kể chuyện hồi người Pháp trở lại Việt Nam (khoảng năm 1946, 1947) bà tham gia kháng chiến, bị bắt, ở tù. Bị giam chung với bà có rất nhiều phụ nữ từ hai mươi tới ba mươi tuổi. Ngày đầu tiên bà cũng có tâm trạng giống hệt những người nữ tù khác. Đêm đó, trong khi mọi người thầm thì tâm sự thì bà quay mặt vào góc tường khóc. Khóc một hồi thì thấy có một bàn tay để trên vai. Một thiếu nữ hai mươi tuổi cho bà một miếng kẹo mè xửng, nói: ‘Chị đừng khóc nữa. Để dành sức. Con đường còn dài. Em đã bị tra điện tới năm mươi mấy lần rồi nhưng em vẫn còn sống sót được.’ Bà cảm thấy rất an ủi khi gặp cô thiếu nữ đó. Sau đó bà được phóng thích. Cô thiếu nữ vẫn ở tù (từ 1948), cho đến năm 1954 mới được trao đổi tập kết ra Bắc. Từ đó về sau bà không gặp cô nữa. Bà kể sau khi bà được phóng thích, có bữa mấy cô tù nhân được phép đi ra giặt đồ và làm việc gì đó, họ ghé tới thăm bà. Bà đã có thể gửi tặng cho cô thiếu nữ đó, tên là Liễu, một số tiền nhỏ. Bây giờ, năm 1993, ngồi trong một am lá nhìn ra ngoài và nhớ tới chuyện xảy ra bốn mươi mốt năm về trước, bà nói: Không biết bây giờ Liễu còn sống hay không. Bà muốn nói với Liễu là có hai sự giam hãm. Một là sự giam hãm hình thức và hai là sự giam hãm tinh thần. Khi được phóng thích, ra khỏi tù thì mình có thể được gọi là tự do. Nhưng nhìn trong nhãn quan của Phật pháp thì mình chưa bao giờ có tự do cả. Đây là lời bà viết: ‘Ra khỏi tù tội có thể tạm nói là tự do. Nhưng kiểm điểm lại gần cuộc sống khi chưa đến với Phật pháp thì có lúc nào ta thật sự tự do đâu! Tuy vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn đi, vẫn đứng, lên xe, xuống ngựa… mà ta không ý thức được rằng mình đang ăn, đang mặc, đang đi, đang đứng, đang lên xe, xuống ngựa… Cứ để cho cái ngã chấp và kiến chấp hành hạ trói buộc thì có khác gì mình đang ở trong tù?’ Ở tù trong cái thất niệm. Mình bị mạng lưới của nhân quả kéo theo. Mình không có một chút tự do nào cả. Dầu đã được thả khỏi tù, có quyền đi chợ, vào bếp, ra bờ sông… làm đủ mọi thứ nhưng mình vẫn vâng theo mạng lưới của nhân quả. Nó đẩy mình đi tới đâu thì mình đi tới đó thôi. Mình thật sự không có tự do. Ta hãy đọc lại lời bà viết: ‘Tuy vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn di, vẫn đứng, lên xe, xuống ngựa… mà ta không ý thức được rằng mình đang ăn, đang mặc, đang đi, đang đứng, đang lên xe, xuống ngựa… Cứ để cho cái ngã chấp và ngã kiến hành hạ và trói buộc thì có khác gì mình đang ở tù.’ Ngã chấp, kiến chấp đó là ma đưa lối, quỷ dẫn đường trong truyện Kiều. Hoàn toàn sống như là một nạn nhân của những tập khí từ trước, những nghiệp cũ. Bà ta viết: ‘Nếu chúng ta hiểu rằng sự sống nằm trong giây phút hiện tại, trong sự thức tỉnh, tiếp xúc với thực tại và biết tiếp tục nuôi dưỡng ý thức tiếp xúc đó là chúng ta đã được tự do.’ Theo ý bà, khi mình sống có chánh niệm, đi biết là đi, đứng biết là đứng, ngồi biết là ngồi, nằm biết là nằm… thì lúc đó mình bắt đầu nắm được giềng mối của tự do. Còn nếu không thì ta vẫn còn đang đi theo sự chỉ dẫn và sai sử của tà dục, tà kiến, kiếp chấp và ngã chấp. Đó là những kiết sử (samyojana), còn gọi là nội kết. Những cái đó đã có sẵn trong lòng mình (nội) kết tại thành một khối (kết) và sai sử mình làm cái này cái khác. Mình đâu có tự do! Mình ưa cái đó, ghét cái kia là vì những ưa ghét đó đã được quyết định sẵn trong tâm thức mình rồi. Tất cả đều do nội kết của mình sai sử. Giây phút bắt đầu nắm lấy chánh niệm, đi thì biết mình đi, đứng thì biết mình đứng… lúc đó mình bắt đầu có một chút tự do. ‘Ồ, tôi đang ăn ớt và tôi biết rằng tôi đang ăn ớt. Dầu biết rằng ăn ớt không tốt cho ruột của tôi mà tôi vẫn ăn.’ Như vậy, tuy mình đang còn yếu mà mình đã có một chút tự do rồi. Chút tự do này là chánh niệm. Nếu cứ nắm lấy chánh niệm đó mà đi tới thì một ngày kia mình sẽ không nói: ‘Cho tôi xin một viên thuốc độc!’ nữa. Tác giả những câu này chứng tỏ đã tiếp xúc với pháp môn hành trì của chúng ta: ‘Nếu chúng ta hiểu rằng sự sống nằm trong giây phút hiện tại, trong sự thức tỉnh, tiếp xúc với thực tại và biết tiếp tục sự nuôi dưỡng ý thức tiếp xúc đó là chúng ta đã được tự do.’ Một người đã ở tù, đã được phóng thích và đã thấy rằng trước khi mình hiểu được Phật pháp thì tuy rằng mình có tự do nhưng kỳ thực mình không có tự do gì cả. Mình hoàn toàn vâng theo những sai sử của những nội kết, những cộng nghiệp và biệt nghiệp. Những biệt nghiệp và cộng nghiệp đó có thể được diễn tả bằng một ví dụ sau đây: Chúng ta chịu ảnh hưởng của đám đông. Nếu chúng ta ngồi đó với tư cách của một cá nhân thì chúng ta không có cảm xúc đó. Nhưng nếu ngồi đó chung với một số người thì chúng ta sẽ có cảm xúc đó. Một điều Thầy ta nói riêng với ta có thể không có hiệu quả. Nhưng cũng một điều đó Thầy ta nói trong một đám đông thì lại có hiệu quả. Đó là biệt nghiệp và cộng nghiệp. Có những lúc ta bị cộng nghiệp kéo theo. Vì mọi người như vậy nên ta cũng như vậy. Nhưng nếu đứng một mình thì chưa chắc ta đã ồ ạt đi theo cái đó. Đôi khi mình thấy nhiều người nghĩ như vậy thành ra mình cũng nghĩ như vậy, còn nếu một mình thì chưa chắc mình đã nghĩ như vậy. Trong suy nghĩ, trong sự đáp ứng lại với một biến cố nào đó đều có hai phần: biệt nghiệp và cộng nghiệp. Hai hình thức của nghiệp đó đã được ghép sẵn trong nội kết của chúng ta. Nội kết riêng và nội kết chung. Quan điểm của chúng ta về đẹp, về xấu cũng có cộng nghiệp và biệt nghiệp. Mình rời Việt Nam trong lúc các cô thiếu nữ áo dài rất dài (maxi), mình có thể mang hình ảnh đẹp đó cho đến khi về. Mười năm sau về lại, mình thấy không có cô nào mặc áo dài hết. Các cô mặc áo dài ngắn cũn cỡn (mini) và mình thấy tại sao mà nó xấu như vậy? Chúng ta đã có một ý niệm về cái đẹp ăn sâu trong tâm rồi, so sánh ý niệm đó với thực tại bây giờ thì chúng ta thấy rằng mặc áo dài mini không đẹp. Nhưng không biết tại sao Sài Gòn kỳ này sa sút như vậy? Chúng ta đã có một ý niệm về cái đẹp ăn sâu trong nội tâm rồi, so sánh ý niệm đó với thực tại bây giờ thì chúng ta thấy rằng mặc áo dài mini không đẹp. Nhưng không biết tại sao ở lại Sài Gòn độ vài ba tháng thì ta lại bắt đầu thấy cái áo dài mini đẹp! Đó là ảnh hưởng của cộng nghiệp. Quan niệm về Chân, Thiện, Mỹ của chúng ta nhiều khi bị ảnh hưởng quan niệm Chân, Thiện, Mỹ của đám đông quần chúng. Biệt nghiệp và cộng nghiệp nằm trong nội kết (kết sử) của chúng ta. nếu chúng ta sống ‘bình thường’, nghĩa là sống không chánh niệm thì khi đi, đứng, nói, cười, làm việc, ăn uống… chúng ta chỉ theo nghiệp mà đi thôi. Chúng ta không có một chút tự do nào cả, hoàn toàn đi theo định mệnh. Chỉ trừ khi nào có một Giác Duyên xuất hiện, chỉ trừ khi nào có một tia sáng của cây Bồ Đề chiếu tới chạm vào người ta. Cố nhiên, tia sáng đó cũng là định mệnh. Tia sáng đó tới với tất cả mọi người nhưng chính lúc đó mình chạm được mà người khác không chạm được. Cũng trong một bài pháp thoại mà có người bừng tỉnh trong khi nghe, có người không bừng tỉnh trong khi nghe. Chưa tỉnh là tại vì chưa chín, những điều kiện của sự tỉnh thức chưa có. Giác Duyên chưa thực sự có mặt.
 
 

Tu hành có nghĩa là phát khởi chánh niệm. Đi thì biết là đi, đứng thì biết là đứng, khổ thì biết rằng đang khổ. Tuy rằng đang khổ nhưng đã bắt đầu thấy được, bắt đầu mình là mình, mình có cái nhân cách của mình, mình bắt đầu có chút ít tự do.
 
 

Không có hạnh phúc chân chính nào mà không được thiết lập trên tự do. Nếu không có tự do thì không thật sự có hạnh phúc. Tự do chỉ có được khi mình chống lại được với định mệnh. Địch lại với định mệnh, chọc thủng được mạng lưới của nhân quả, là chỉ khi nào mình có chánh niệm mà thôi. Ngồi thiền, đi thiền hành, bước những bước chậm rãi, thảnh thơi, mà chủ được chính mình. Lúc khóc biết mình khóc, lúc buồn biết mình buồn. Chánh niệm chiếu vào chứng tỏ rằng mình bắt đầu có một ít tự do.Cái tự do đó, ban đầu ít lắm, mong manh như sợi chỉ. Nhưng nếu mình thực tập thì sợi chỉ đó càng ngày càng chắc, càng lớn. Ban đầu cái khoảng trống để cho mình có thể sử dụng chủ quyền rất hẹp. Giống như anh chàng sắp nổi khùng, không có bàn tay của Giác Duyên cầm lấy và nắm chặt thì anh chàng đã bùng nổ lên rồi. Anh chàng rất yếu đuối. Cơ hội để thành công rất nhỏ lúc ban đầu. Nhưng không thể có con đường nào khác hơn là đi thì phải biết đi, đứng thì phải biết mình đang đứng, uống nước thì phải biết mình đang uống nước. Đang buồn thì biết mình đang buồn, đang khổ thì biết mình đang khổ. Đang tự làm mình buồn thì biết mình đang tự làm mình buồn. Chánh niệm đó là ánh sáng của tự do.
 
 

Thiên hạ nói tới tự do, tranh đấu cho tự do; chẳng qua chỉ là những tự do về xã hội, kinh tế, này kia kia nọ mà thôi. Nhưng dầu có được những tự do đó người ta vẫn đau khổ như thường. Họ có hộ chiếu (passport), muốn đi đâu cũng được nhưng họ không đi đâu hết; họ tự tử. Tự do đó họ đâu có sử dụng được! Trong khi đó, một người trong trại học tập cải tạo, đang ở tù mà biết thiền hành, thiền tọa, quán chiếu, tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống thì người đó có tự do, có hạnh phúc hơn những người kia.
 
 

Đứng về phương diện thực tập giáo lý mà xét thì tất cả chúng ta đều đang bị tóm trong cái lưới Nhân Quả, Định Mệnh. Con đường duy nhất để thoát khỏi mạng lưới ấy là Chánh Niệm. Chánh niệm có thể do những điều kiện của sự tỉnh thức đưa tới. Chúng ta có thể làm được gì để nuôi dưỡng khả năng và cơ hội đó? Đó là nương tựa Tăng. Nương tựa Tăng tức là biết rằng tăng thân là môi trường duy nhất có thể giúp ta nuôi dưỡng chánh niệm đó. Nếu chánh niệm đó mà tắt đi thì muôn ngàn đời ta sẽ giam hãm mình trong mạng lưới của Nhân Quả và Định Mệnh. Làm sao để tiếp xúc được với Giác Duyên đó là việc quan trọng nhất! Ban đầu, ở bên cạnh Giác Duyên, ta có thể rất đau khổ. Ở ‘những chốn thong dong’ ta vẫn ‘Ở không yên ổn ngồi không vững vàng.’ Nhưng phải nắm lấy tay Giác Duyên nắm lấy hoàn cảnh thuận lợi đó. Rồi một hồi nào đó ta bắt đầu có một chút tự do, một điểm tự do. Và nếu nắm lấy điểm tự do đó mà đi tới thì tự do đó sẽ lớn lên, bằng hột bắp, rồi từ từ bằng hột điều… Chỉ có cách đó thôi. Lúc đó con người mới có không gian. Không gian thênh thang. Có không gian thì mới sống hạnh phúc được.
 
 

Mỗi quý vị, các sư cô, cac sư chú và các thầy đi thiền hành hoặc ngồi thiền thì đừng nghĩ rằng mình bắt buộc phải đi thiền hành, phải ngồi thiền. Đó là cơ hội duy nhất để mình làm con người tự do, để sống như một người tự do. Nếu trong khi di thiền hành mà ta bước những bước chân không chánh niệm thì tức là ta không tha thiết đến tự do của mình. Ta không thấy sự quý giá của không gian. Con người sống không có không gian thì con người đó là một kẻ nô lệ. Chánh niệm,. cũng như bất cứ một sinh vật nào khác, phải được nuôi dưỡng. Nếu Thúy Kiều, nếu sư em mà không có tăng thân nuôi dưỡng, không tạo lập những điều kiện của tăng thân thì vốn liếng của chánh niệm của hạnh phúc đã đạt được sẽ biến mất từ từ. Sự thiết lập liên hệ với sư chị rất quan trọng. Sư chị phải có đó sư em mới có thể đi xa được. Sư chị có đó dưới mọi hình thức chứ không phải chỉ với hình thức của một ni cô trong chùa mà thôi. Dựng tăng (sangha building) là một công trình tiếp nối Bụt, làm cho những con người mất đi tự do có một cơ hội. Tiếp xúc được với một Tăng thân tu học là có một cơ hội để giải thoát ra khỏi biển khổ trầm luân.
 
 

Thuyết Định Mệnh, dù muốn hay không, vẫn đè nặng trên tâm tư mình. Nhiều khi mình thấy bất lực. Tất cả đều như được sắp đặt hết rồi và mình chỉ có vâng theo thôi! Khổ là tại số mình như vậy, ráng chịu! Trong trường hợp Kiều, người ta nói có một vài cố gắng, một vài thiện nhân dẫn đến một giai đoạn khác của đời sống. Chúng ta tự an ủi: ‘Số mệnh như vậy rồi!’ nhưng chúng ta phải thấy rõ rằng con người có đóng một vai trò nào đó. Nếu ‘Số mạng như vậy rồi!’ mà chúng ta còn buông thả nữa thì hoàn toàn sẽ không có một nẻo thoát. Ta phải quyết định! Không có gì nhiều, chỉ chánh niệm thôi! Tự do là thấy được những gì đang xảy ra. Nhận diện được những con ma, con quỷ đang đưa đường dẫn lối mình. Chỉ chừng đó thôi là ta đã có thể bắt đầu nuôi dưỡng tự do của mình.
 
 

Thuyết Định Mệnh đã được công kích. Bao nhiêu người muốn có tự do. Nhưng những người muốn có tự do, chống lại Định Mệnh kia không có phương pháp cụ thể nào cả. họ chỉ muốn chống lại thuyết Định Mệnh đang đè nặng trên con người. Và họ chỉ dùng những lý luận để chống lại, để nói rằng con người có tự do mà thôi. Nhưng họ không có những phương pháp cụ thể để có thể đi tới tự do thực sự. Trong đạo Bụt, tự do bắt đầu bằng chánh niệm. Bắt đầu bằng chánh niệm rất nhỏ. Trầm trầy trầm trật. Nhưng một ngày nào đó nó sẽ trở thành một hạt giống tốt. Và chánh niệm đó sẽ cho mình không gian, từ từ lớn lên. Trong Thánh Kinh nói rằng hạt giống tuy nhỏ nhưng trồng xuống thì sẽ trở thành cây lớn, chim chóc có thể bay về trên cây đó mà nương tựa. Chánh niệm cũng vậy. Chánh niệm trong đạo Bụt là Phật sẽ thành, là Phật. Nếu tiếp xúc được với chánh niệm trong bản thân mình thì ta có thể tiếp xúc được với Bụt trong mình. Đó là một Giác Duyên, một điều kiện của sự tỉnh thức.
 
 
 
 
 
 
 
 

LỜI CUỐI
 
 
 
 
 
 

Chúng ta chỉ cần nói một câu thôi để kết thúc. Đứng về phương diện văn chương, tâm lý, tả tình, tả cảnh (nhất là tả tình) thì truyện Kiều của Nguyễn Du là một tác phẩm tuyệt hảo, không chê vào đâu được. Tác giả nói: Lời quê chấp chặt dông dài. Nhưng tác phẩm không dông dài, không quê chút nào. Ngược lại, rất thanh tú, rất mỹ lệ. Chỉ có một điều: quan niệm, kiến thức Phật học của Nguyễn Du lúc đó chưa uyên bác lắm. Quan niệm về nghiệp còn mù mờ, chất phác. Có những học giả viết về những đề tài như ‘triết học Phật học trong truyện Kiều’, thì triết lý Phật học trong truyện Kiều rất mù mờ, chen lẫn với thuyết Định Mệnh và quan niệm tài mệnh tương đố. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là cụ Nguyễn Du không có tuệ giác đạo Bụt. Tuệ giác của cụ lớn lắm, không phải là do cụ học Phật mà có, mà do cụ đã tiếp nhận được từ các thế hệ tổ tiên, từ văn hóa dân tộc, và nhất là từ kinh nghiệm sống và tiếp xúc của cụ. Tuệ giác này đã không được diễn tả dưới hình thức Phật học và với từ ngữ Phật giáo, mà bằng những câu thơ, như câu “Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao” hay “tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” “ở không an ổn, ngồi không vững vàng” “một mình mình biết, một mình mình hay,” v.v…
 
 

Trong đời sống hàng ngày chúng ta có cảm tưởng bị bức bách, sống trong tù ngục của mạng lưới Nhân Quả. Chúng ta không có không gian để thở. Những nhà triết học cũng có cảm tưởng đó vì họ thường suy nghĩ nhiều về kiếp người về số phận con người. Nhưng mỗi khi chúng ta thực tập chánh niệm, thở vào thở ra có chánh niệm, thì chúng ta tự nhiên thấy có không gian. Chúng ta có cảm tưởng mình đang có một chút ít tự do. Và nếu chúng ta tiếp tục thì tự do càng lúc càng lớn. Chúng ta cảm thấy thoải mái.Nếu không có chánh niệm chúng ta chỉ là những người mê ngủ, nô lệ trong màng lưới Nhân Quả mà thôi. Những giờ phút thiền hành, thiền tọa, ăn cơm im lặng, uống trà im lặng của quý vị là những tặng phẩm quý nhất cuộc đời có thể hiến tặng cho mình. Đừng cho đó là những sự bắt buộc. Sống trong một tăng thân, những giây phút được đi chầm chậm với nhau, ngồi uống trà im lặng với nhau, ngồi thiền với nhau… đó là hạnh phúc chân thật của mình. Phải thấy được những điều như vậy. Nhìn xuống hạ giới trầm luân mình thấy người ta không có khả năng để hướng được những thú vị cao siêu đó. Thú vị cao siêu đó là tự do. Tự do thật sự của mình. Ai cho mình tự do đó? Chính mình và tăng thân mình. Chúng ta phải giúp nhau.
 
 

Truyện Kiều dưới cái nhìn Thiền Quán

(các bài giảng của Thầy ở Làng Hồng vào mỗi buổi chiều thứ ba từ tháng 2/1992 đến tháng 6/1993)
 
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Truyện Kiều: NXB Đại Học và Giáo Dục Chuyên Nghiệp, 1991 (xuất bản lần thứ IX), GS Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải.

Từ điển Truyện Kiều: NXB (1976) Đào Duy Anh.
 

---Hết---

223 Đám mây gọi dòng suối về, tổ chức cuộc tranh đấu.

234 Thơ Xuân Diệu.

235 Tháng 6.1993

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Mười Hai 2016(Xem: 5696)
15 Tháng Mười Một 2016(Xem: 7047)
18 Tháng Ba 2016(Xem: 5548)
Bài kệ nổi tiếng Thị Tịch của Thiền sư Tịnh Giới đã được rất nhiều bật ‘sư tổ’ luận bàn nên tôi không dám múa rìu qua mắt thợ bằng cách nhai đi nhai lại ý của những tiền bối. Tôi chỉ xin trình bài nó qua một lăng kính khác...thường, không giống ai vì tôi bị méo mó tuệ nhãn thấy cái gì cũng ‘sang trang chạy quàng’ như thi sĩ ‘không tỉnh’ Bùi Giáng.
04 Tháng Mười Một 2015(Xem: 5750)
Avadāna có thể nói là thứ văn học truyện sự tích sử ca Phật giáo. Do đó, nó không cố tình trình bày những giáo lý thâm sâu, trái lại là những truyện kể và có tính chất giáo huấn, vừa có tính chất giải trí lành mạnh. Cho nên, đúc Phật ở đây xuất hiện như một con người, giảng giải đạo lý cho những con người khác, cả xuất gia lẫn tại gia, và trở thành đối tượng tín ngưỡng của mọi người.
06 Tháng Mười 2015(Xem: 8140)
Cư dân cùng xóm, khi đi dạo trên lối mòn quanh co ven dòng suối, thường dừng bước trước hàng hiên tôi, vừa ngắm nghía, vừa thì thào khen ngợi. Mà có chi nhiều đâu! Hai rừng lựu, một vườn hồng, hai bồ đề đại thụ, hai rừng mai, một vườn quýt, một bụi chuối, hai vườn chanh
12 Tháng Tám 2015(Xem: 6892)
Viện Việt Học cho biết sẽ tổ chức buổi ra mắt sách Tỉnh Mê Một Cõi, tức Hứa Sử Truyện, vào Chủ Nhật 30-8-2015 từ 2 giờ chiều tới 5 giờ chiều tại trụ sở của Viện.. Tác phẩm là một tiểu thuyết thơ chữ Nôm, soạn từ thế kỷ thứ 18, được suy đoán là do nhiều tác giả soạn, trong đó hiệu đính và in khắc bởi Hòa Thượng Toàn Nhật
04 Tháng Tám 2015(Xem: 5333)
Đây là tác phẩm thuộc loại thi ca hầu như là duy nhất đã được nhập Tạng (ĐTK/ĐCTT, tập 48, No 2014, 1 quyển), chứng tỏ tác phẩm, ngoài giá trị văn học còn có những giá trị lớn về Thiền học. Chứng đạo ca đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Ở Việt Nam, trước 1975 có bản Việt dịch - giới thiệu của Trúc Thiên